Ảnh minh họa. Minh Trang (MPI) (MPI) – Theo Báo cáo số 73/BC-TCTK ngày 27/4/2020 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2020 giảm 1,54% so với tháng 3/2020, giảm 1,21% so với tháng 12/2019 và tăng 2,93% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức nhất của CPI tháng 4 trong 5 năm trở lại đây. CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2020 tăng 4,9% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Theo đó, nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 4/2020 giảm là do nhiều nước trên thế giới áp dụng lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 khiến cho giá xăng dầu giảm mạnh. Đồng thời, giá nhiều mặt hàng phi lương thực, thực phẩm giảm khi người dân thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó, nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 13,86% do ảnh hưởng của 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm ngày 29/3/2020 và thời điểm ngày 13/4/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu giảm 28,48%, tác động làm CPI chung giảm 1,18%. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu, nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng của các hãng đưa ra nhằm giảm lượng hàng tồn kho làm giá nhiều mặt hàng giao thông giảm, đồng thời giá vé một số phương tiện giao thông cũng giảm do nhu cầu đi lại bị hạn chế (giá vé ô tô khách giảm 0,2%; giá vé taxi giảm 0,74%).
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 2,33%, chủ yếu do nhiều hộ gia đình giảm giá thuê nhà ở để hỗ trợ người tiêu dùng trong tình hình dịch bệnh nên giá thuê nhà ở giảm 0,97%. Ngoài ra, giá nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,27%, giá gas giảm 19,74% và giá dầu hỏa giảm 29,97%, tác động làm CPI chung giảm 0,24%.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm khác gồm: Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,4%, nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,17%, nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%, nhóm hàng hóa, dịch vụ khác giảm 0,13%.
Bên cạnh các nhóm có chỉ số giá giảm, có 05/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng, gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,66%, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,13%, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%. Riêng nhóm giáo dục không thay đổi.
Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 4/2020 giảm 0,15% so với tháng 3/2020 và tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm 2020 tăng 2,96% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Dưới tác động của dịch Covid-19, giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới do giới đầu tư lo ngại các nước sẽ đối mặt với triển vọng suy thoái kinh tế dẫn đến nhu cầu mua các loại tài sản an toàn như vàng tăng cao. Bình quân giá vàng thế giới tháng 4/2020 tăng 6,74% so với tháng 3/2020. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 4/2020 tăng 0,69% so với tháng 3/2020, tăng 12,14% so với tháng 12/2019 và tăng 26,81% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới có dấu hiệu suy giảm, các nhà đầu tư có xu hướng nắm giữ tiền mặt, đồng thời các dự báo tiêu cực về hệ thống ngân hàng của một số quốc gia có thể phải tái cơ cấu vốn hoặc tái cấu trúc do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 kéo dài nên đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4/2020 tăng 0,95% so với tháng 3/2020, tăng 1,47% so với tháng 12/2019 và tăng 1,15% so với cùng kỳ năm 2019./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư