Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/05/2020-08:05:00 AM
Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế
(MPI) – Đây là chủ đề của Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra ngày 09/5/2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19.

Đồng hành, chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp

Đây là lần đầu tiên Hội nghị được tổ chức dưới hình thức vừa trực tiếp, trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố, 30 điểm cầu Bộ, ngành trung ương và được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam, tạo điều kiện cho 800 nghìn doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh và tất cả người dân Việt Nam cũng như người Việt Nam ở nước ngoài đều được theo dõi, lắng nghe các ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ. Tài liệu của Hội nghị được cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (mpi.gov.vn) và Cổng thông tin điện tử Chính phủ (chinhphu.vn).

Hội nghị thể hiện sự cam kết đồng hành và chia sẻ mạnh mẽ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp (DN); lắng nghe, ghi nhận các giải pháp, sáng kiến của DN, đồng thời tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nắm bắt cơ hội, hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Hội nghị hướng tới mục tiêu động viên cộng đồng DN trong thời điểm hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19: ghi nhận nỗ lực vượt khó, tự lực, tự cường của cộng đồng DN trong thời gian qua. Đồng thời khơi gợi, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, nỗ lực của DN cùng Chính phủ nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế đất nước.

Theo kết quả khảo sát gần 130 nghìn DN do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào cuối tháng 4 vừa qua cho thấy có khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Nhóm doanh nghiệp lớn (hiện chiếm 2,8% tổng số doanh nghiệp) là nhóm có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động nhiều nhất với tỷ lệ 92,8%; tiếp đến là nhóm doanh nghiệp vừa (91,1%) và nhỏ (89,7%); tỷ lệ này ở nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ (hiện chiếm 62,6% toàn bộ doanh nghiệp) là thấp nhất với 82,1%.

Theo loại hình DN, DN FDI là đối tượng chịu nhiều tác động nhất của dịch Covid-19 (với 88,7%); tỷ lệ này đối với nhóm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước lần lượt là 87,3% và 85,5%.

Theo ngành kinh tế, một số ngành công nghiệp trọng điểm đang phải đối mặt với những khó khăn khi hầu hết các DN quy mô lớn phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu (dệt may, da giày, điện tử và sản xuất ô tô, ...).

Doanh thu quý I/2020 của các DN giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 sẽ tiếp tục giảm xuống còn gần 70% cùng kỳ năm 2019. Mặc dù doanh thu bị giảm mạnh so với kế hoạch đề ra, tuy nhiên các DN vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí hằng ngày như chi trả lương và các khoản chi phí liên quan cho người lao động, chi phí lãi vay, thuê mặt bằng,…

Một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ lệ DN bị thiếu hụt vốn cao nhất. Nhiều DN đã ví dòng tiền như là máu trong cơ thể, thiếu máu thì cơ thể không thể khỏe mạnh được. Nếu tình trạng thiếu máu kéo dài và trầm trọng thì ắt sẽ ảnh hưởng đến sức sống của DN.

Thu hút đầu tư nước ngoài trong quý I/2020 cũng bị giảm cả về số lượng và tổng vốn đầu tư đăng ký. Nguyên nhân chủ yếu do các hoạt động xúc tiến đầu tư, tìm hiểu thị trường của các nhà đầu tư đã bị trì hoãn, bị huỷ; thị trường đầu tư toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19. Khu vực DN nhà nước cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các số liệu về tình hình đăng ký DN trong 4 tháng đầu năm 2020 cũng cho thấy những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của toàn bộ khu vực DN. Số lượng DN thành lập mới giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2019 và tổng số vốn đăng ký bổ sung giảm 20,4% so với cùng kỳ năm 2019; quy mô DN bị thu hẹp; số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh 33,6% so với cùng kỳ 2019.

Nỗ lực thích ứng của cộng đồng DN

Trong thời gian khó khăn vừa qua, cộng đồng DN Việt Nam đã và đang phát huy tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Theo kết quả của các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, các DN Việt Nam đã rất chủ động có các giải pháp tự giải cứu. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh;…

Điều đáng mừng là trong giai đoạn rất khó khăn hiện nay, cộng đồng DN đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các DN khác cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thức, khó khăn. Có khoảng 90% DN được khảo sát sẵn sàng giúp đỡ các DN khác; trên 50% DN thực hiện giãn công nợ cho DN đối tác; gần 50% DN thực hiện giảm giá; gần 40% chia sẻ khách hàng với DN khác; gần 30% DN chia sẻ thị trường; 6% thực hiện cho DN khách hàng vay. Đã có nhiều DN chung vai chia sẻ với Chính phủ trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19.

Với thông điệp “Chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngay từ những ngày đầu có dịch, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các cấp, các ngành, các địa phương đã được triển khai quyết liệt và đã đạt những kết quả đáng khích lệ, được cộng đồng quốc tế và Nhân dân đánh giá cao.

Song song với nhiệm vụ chống dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn thể hiện tinh thần đồng hành cùng DN. Từ khi dịch Covid-19 mới ảnh hưởng tới Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các hoạt động nắm bắt các khó khăn, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng DN, trên cơ sở đó phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 với 07 nhóm giải pháp.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nhiều quyết sách quan trọng đã được các Bộ, ngành nghiên cứu ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội như: gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ; gói tín dụng 285 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho DN thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ; gói chính sách tài khóa 180 nghìn tỷ đồng thông qua việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất (Nghị định số 41/2020/NĐ-CP);…

Hội nghị tập trung đánh giá chung về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN; đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, địa phương ban hành nhằm hỗ trợ DN ứng phó với dịch Covid-19 và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian qua…

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch

Hội nghị tập trung thảo luận vào các nội dung như hình thành chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh bị đứt gãy các chuỗi cung ứng truyền thống; chủ động và khai thác hiệu quả thị trường trong nước trong khi thị trường thế giới đang giảm mạnh cả phía cung và phía cầu; chủ động các nguồn cung ứng vật liệu trong nước để chủ động trong sản xuất kinh doanh; cơ hội cho những ngành nghề, sản phẩm có tiềm năng như kinh tế số, chuyển đổi số, trang thiết bị, sản phẩm y tế,…;

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nêu sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch. Các Bộ, ngành, địa phương trả lời các khuyến nghị, khó khăn vướng mắc của DN trong lĩnh vực, ngành phụ trách và đưa ra các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số, phát triển các sản phẩm trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử,… trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống kinh tế - xã hội, định hướng truyền thông vận động, hỗ trợ tạo niềm tin cho doanh nghiệp phát triển.

Đồng thời, báo cáo về các giải pháp đa dạng hóa, đảm bảo đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu; chính sách ưu đãi đối với các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, thương mại điện tử; giải pháp thúc đẩy các dự án công nghiệp, năng lượng quy mô lớn; giải pháp, đề xuất chính sách về tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp… đánh giá thời cơ, cơ hội để Chính phủ và DN cùng đồng hành đưa ra các giải pháp nhằm nắm bắt, phục hồi sản xuất, phục hồi nền kinh tế và phát triển mạnh mẽ hơn./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 15304
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)