(MPI) – Ngày 05/5/2020, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4/2020. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự phiên họp tại điểm cầu Chính phủ.
Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để thực hiện mục tiêu kép, giải quyết việc làm, phục vụ đời sống, thúc đẩy tăng trưởng
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Phiên họp. Ảnh: MPI |
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020; phương án điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách năm 2020, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội; dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí mức phân bổ vốn đầu tư công, nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 theo trình tự rút gọn; công tác phòng chống dịch Covid-19; kế hoạch thực hiện chương trình năm học và phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020; việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đề nghị xây dựng Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ; đề nghị xây dựng nghị định quản lý khoáng sản và các khu vực dự trữ để phát triển các dự án; sửa đổi bổ sung Nghị định số 91/2017/NĐ-CP theo thủ tục rút gọn; quy định về thường trực thi đua khen thưởng TW; thực hiện chính sách theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP đối với cán bộ công chức, viên chức, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang, lao động đang công tác tại các tỉnh nghèo;…
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kiểm soát, đẩy lùi được dịch Covid-19 là việc rất quan trọng nhưng không được chủ quan và nhiệm vụ rất trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để thực hiện mục tiêu kép, giải quyết việc làm, phục vụ đời sống, thúc đẩy tăng trưởng.
Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đồng tâm hiệp lực, quyết tâm chỉ đạo đồng bộ, kịp thời việc phòng, chống đại dịch Covid-19 và đã đạt được những kết quả bước đầu đó là kiểm soát dịch với chi phí thấp, an toàn cho người dân tốt hơn dưới sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, sự vào cuộc của các cấp các ngành, nhất là ngành y tế, quân đội, công an. Quốc tế cũng đánh giá cao Việt Nam trong việc tích cực, chủ động, quyết liệt, đồng bộ, kịp thời trong công tác phòng chống dịch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta không được chủ quan, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến các địa phương cần được thực hiện tốt.
Về kinh tế - xã hội, 4 tháng vừa qua thế giới có mức tăng trưởng âm, trong đó có các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, các nước G20. Dự báo của IMF cho thấy, năm 2020 tăng trưởng của kinh tế toàn cầu có thể là -3,5%. Các nước Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Hàn Quốc đều có tình trạng các ngành, lĩnh vực gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt chống dịch, coi nhiệm vụ phát triển kinh tế trong ngắn hạn là hàng đầu, bảo vệ sức khỏe Nhân dân là nhiệm vụ nhất quán của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành đất nước được Đảng, Nhà nước giao phó. Chúng ta phải tháo gỡ từng bước một trong việc chống dịch thời gian vừa qua, đó là việc ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội để các cấp các ngành quan tâm đến sản xuất kinh tế, để nền kinh tế không bị đứt gẫy, trong đó có nhiều địa phương đã hết sức cố gắng có mức tăng trưởng cao như thành phố Hải Phòng tăng trưởng 14,9%, thành phố Hà Nội mức 4%, thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,5%, chưa địa phương nào có tăng trưởng âm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sớm phục hồi phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội là yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế, của cộng đồng và của Nhân dân cả nước. Do vậy, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ cần tập trung thảo luận ưu tiên khởi động lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất, giữ tốc độ cần thiết của phát triển nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, chú ý các biện pháp phòng chống dịch, phải thực hiện mục tiêu kép trong phòng chống dịch và đặc biệt là phát triển kinh tế, xã hội, làm sao tăng trưởng đạt được mục tiêu cần thiết. IMF dự báo Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng lớn nhất Đông Nam Á năm 2020 với mức tăng trưởng khoảng 2,7%, chúng ta phải phấn đấu cao hơn mức này khi các ngành then chốt đã có các chính sách giãn nợ, hạ lãi suất của ngành ngân hàng, giảm giá điện, triển khai Hiệp định CPTPP ở một số nước của ngành công thương…
Trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không có ngành nào, không có địa phương nào không giải ngân hết số vốn đầu tư công, đây là một nhiệm vụ cấp bách hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 04 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của kinh tế - xã hội
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: MPI |
Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị Quyết 01/NQ-CP, Chỉ thị 11/CT-TTg, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và điều chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong tháng, các Bộ, ngành vàđịa phương tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Việt Nam không có ca tử vong do dịch Covid-19, không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới trong cộng đồng kể từ ngày 17/4/2020. Điều này cho thấy Việt Nam đã kiềm chế được lây lan trong cộng đồng, kiểm soát tốt dịch, chứng tỏ hiệu quả của việc thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 04 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của kinh tế - xã hội, khả năng chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tới hạn. Hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, trong đó một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh như các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải,… Tuy khó khăn như vậy, nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp cùng Nhân dân cả nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm 2020 được duy trì ổn định, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được giữ vững.
Về các chỉ tiêu kinh tếvĩ mô, vềđầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài đạt thấp, ước khoảng 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so cùng kỳ; giải ngân vốn FDI ước đạt 5,15 tỷ USD, giảm 9,6% (cùng kỳ tăng 7,5%). Số lượng các đoàn sang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm giảm mạnh, đặc biệt là từ các đối tác chủ yếu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, ASEAN, Mỹ, EU.
Giải ngân vốn đầu tư công đã có sự chuyển biến tích cực, tính chung 4 tháng ước đạt trên 89,3 nghìn tỷ đồng, bằng 18,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 30% so với cùng kỳ; trong đó riêng tháng 4/2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 27,7 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với bình quân giải ngân 03 tháng đầu năm. Tổng số kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân đạt 89,43% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Về tình hình sản xuất, kinh doanh, sản xuất nông nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn do xâm nhập mặn và hạn hán diễn ra gay gắt, đặc biệt tại Tây nguyên, Nam trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Ngành chăn nuôi có tốc độ tái đàn lợn chậm, giá thịt lợn hơi diễn biến phức tạp. Sản lượng thủy sản ước giảm 3% so với cùng kỳ, 4 tháng tăng nhẹ 0,3%.
Sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng khá mạnh do thiếu nguyên liệu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua; trong đó riêng tháng 4 giảm sâu 13,3% so với tháng trước và giảm 10,5% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm chủ lực giảm mạnh như sản xuất ô tô (23,8%), xe máy (16,6%); dầu thô khai thác (12%); vải dệt từ sợi nhân tạo (8,5%).
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề, hầu hết các cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội. Các hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (trừ hàng hóa và dịch vụ thiết yếu) trong tháng bị ngưng trệ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng giảm 20,5% so với tháng trước và giảm 26% so với cùng kỳ; tính chung 4 tháng giảm 4,3% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 9,6% (cùng kỳ tăng 8,8%).
Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 82,9 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 79,9 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ, xuất siêu khoảng 3 tỷ USD.
Đăng ký doanh nghiệp trong tháng bị ảnh hưởng nặng nề, trong tháng 4 thành lập mới 7.885 doanh nghiệp, thấp nhất trong 4 tháng qua, giảm 46,9% về số doanh nghiệp, giảm 43,8% về số vốn đăng ký, giảm 45,2% số lao động đăng ký và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 30% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 13,3% so cùng kỳ, đây là lần đầu tiên trong giai đoạn 2015-2020 số doanh nghiệp thành lập mới sụt giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm; có 41.755 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 5,6% so với cùng kỳ 2019), trong đó 22.696 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,6%, trung bình mỗi tháng có 10.438 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó cao nhất tại các lĩnh vực: kinh doanh bất động sản; nghệ thuật, vui chơi và giải trí, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ việc làm, du lịch, giáo dục và đào tạo, vận tải kho bãi.
Kết quả khảo sát 126.565 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 85,7% số doanh nghiệp trên cả nước bị tác động của dịch, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chịu tác động mạnh nhất với tỷ lệ lần lượt là 86,1% và 85,9%, nông lâm nghiệp và thủy sản là 78,7%, một số ngành tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng như hàng không là 100%, dịch vụ lưu trú là 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, đại lý du lịch là 95,7%, giáo dục đào tạo là 93,9%, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Miền trung có tỷ lệ doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất. Có tới 57,7% số doanh nghiệp bịảnh hưởng cho rằng thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh, 47,2% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được.
Về một số lĩnh vực xã hội, về lao động, theo báo cáo, số lao động nước ngoài chưa quay trở lại Việt Nam làm việc là gần 24,4 nghìn người, chủ yếu là các nhà quản lý hoặc chuyên gia ở các dự án, công trình trọng điểm. Ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động xây dựng phương án thi, xét tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 phù hợp với tình hình dịch bệnh; thực hiện hiệu quả việc dạy, học trực tuyến; chuẩn bị các điều kiện, bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên đi học trở lại đầu tháng 5/2020…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tất cả các tổ chức quốc tếđều tỏ ra bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020, trong đó IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ ở mức (-3%) và có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930. Tổ chức Thương mại thế giới dự báo thương mại toàn cầu có thể giảm từ 13%-32% trong năm 2020. Dòng vốn FDI toàn cầu dự báo sụt giảm từ 30-40% trong giai đoạn 2020-2021.
Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 chỉđạt mức 2,7% - 4,9% do nền kinh tế bị tác động cả ở phía cung và cầu. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam là một trong số ít nước đạt được mức tăng trưởng dương và có ảnh hưởng của dịch thấp hơn các nước khác. Triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn được đánh giá thuận lợi do nhu cầu trong nước và xuất khẩu vẫn ở mức cao. Ngày 08/4/2020, tổ chức Fitch Ratings thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức “BB” và điều chỉnh triển vọng sang “Ổn định” phản ánh nỗ lực chống dịch Covid-19 của Việt Nam, có tác động nhất định đến tín nhiệm quốc gia.
Hiện nay, nước ta đang chuyển sang một giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn đi đôi với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp, nguy cơ lây lan còn cao, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương trong thời gian tới tuyệt đối không chủ quan, lơ là, tiếp tục thận trọng, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh và đồng thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách hỗ trợ tại Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định và Nghị quyết của Chính phủ; nghiên cứu, ban hành các chính sách mạnh hơn để hỗ trợ kịp thời, chính xác các đối tượng bị ảnh hưởng, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm đời sống Nhân dân, người lao động cả nước, góp phần phục hồi kinh tế và ổn định xã hội.
Tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ an sinh cho người dân và hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất kinh doanh
|
Toàn cảnh Phiên họp tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI |
Căn cứ chỉđạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 154/TB-VPCP ngày 12/4/2020 và văn bản số 3492/VPCP-KTTH ngày 04/5/2020 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trên cơ sở ý kiến tham gia bằng văn bản của 50 Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ, dự thảo Nghị quyết và gửi lấy ý kiến lần 2 một số Bộ, cơ quan ngang Bộ tại văn bản số 2640/BKHĐT-TH ngày 23/4/2020.
Dự thảo Nghị quyết được kết cấu làm 3 phần, thực hiện trên 06 nguyên tắc, trong đó, tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ an sinh cho người dân và hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất kinh doanh; ban hành quy định, chính sách mạnh hơn thúc đẩy cải cách, đổi mới nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút các nguồn lực, thúc đẩy phát triển đất nước. Đối với các chính sách hỗ trợ, cần bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, có chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi lợi dụng, trục lợi.
Các nhiệm vụ, giải pháp được phân làm 03 nhóm theo thẩm quyền cụ thể, nhóm nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có thể quyết nghị ngay để thực hiện 03 mục tiêu cụ thể: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợđối tượng bịảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Thu hút vốn đầu tư toàn xã hội; Đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội: Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định đối với các nhiệm vụ, giải pháp này. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ quyết nghị chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương vàđịa phương thực hiện ngay trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của Bộ, cơ quan, địa phương nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Để tổ chức thực hiện, căn cứ các nhiệm vụ, giải pháp đãđược Chính phủ quyết nghị, giao các bộ, cơ quan trung ương vàđịa phương quán triệt và tổ chức thực hiện. Trong đó, đối với các nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức xây dựng các nội dung liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đối với các nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội, giao các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể, trên cơ sởđó thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo các nội dung này đểỦy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.
Về xây dựng phương án điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện chỉđạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đánh giá tình hình, khả năng thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, xây dựng kịch bản, phương án, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch. Tuy nhiên, chuỗi thời gian, số liệu đánh giá tình hình còn ngắn, một số chính sách hỗ trợ, khôi phục sản xuất đang bắt đầu có hiệu lực, cần có thời gian phát huy đầy đủ hiệu quả. Mặt khác ảnh hưởng của dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam do nhiều nước trên thế giới vẫn chưa kiểm soát được dịch. Việc điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 là rất hệ trọng, cần có những đánh giá, phân tích thận trọng cả tình hình trong nước, quốc tế, nhất là liên quan đến các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.
Để có đầy đủ cơ sở nhận định, phân tích tình hình và dự báo kết quả thực hiện cả năm sát với thực tiễn, cần có thêm thông tin, dữ liệu về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020, tổng hợp và xây dựng các phương án điều chỉnh chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2020./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư