(MPI) - Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về Dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Trên cơ sở báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của đại biểu Quốc hội, ngày 11/6/2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng làm việc với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.
|
Toàn cảnh phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) diễn ra ngày 21/5/2020. Ảnh: Quochoi.vn |
Trước đó (ngày 21/5/2020), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm rõ một số vấn đề được các đại biểu quan tâm.
Đa số ý kiến đại biểu thống nhất với nhiều nội dung của dự án Luật, đồng thời, tập trung thảo luận về phạm vi điều chỉnh và quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự án luật hay không, đa số ý kiến thống nhất cần tạo điều kiện pháp lý cho hoạt động của hộ kinh doanh. Tuy nhiên, việc đưa các quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật cũng có nhiều ý kiến đề nghị không nên, mà cần phải có một luật riêng để điều chỉnh đối với hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến đề nghị nên quy định đối tượng hộ kinh doanh thành một chương trong dự án Luật này.
Về việc thông báo mẫu dấu và con dấu của doanh nghiệp, đa số đại biểu Quốc hội đồng ý với việc bãi bỏ quy định yêu cầu phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, giao quyền cho doanh nghiệp tự quyết định.
Ngoài ra, dự thảo Luật đã bổ sung quy định chi tiết về việc sử dụng dấu của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có thể sử dụng dấu được làm tại các cơ sở khắc dấu hoặc được sử dụng dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết, hiện còn có 02 loại ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị chia đều quyền biểu quyết của Tổ chức phát hành cho cả cổ đông trong nước và cổ đông nước ngoài. Ý kiến khác đề nghị không chia hoặc chỉ chia quyền biểu quyết của Tổ chức phát hành cho cổ đông trong nước mà không chia cho cổ đông nước ngoài.
Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số nội dung liên quan đến doanh nghiệp nhà nước; nhiệm kỳ của Hội đồng thành viên; chấp thuận giao dịch có liên quan; việc chào bán trái phiếu riêng lẻ; quyền của cổ đông phổ thông; điều lệ doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp; về đăng ký, quản lý doanh nghiệp; chế độ báo cáo; giải thể doanh nghiệp; trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước;...
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình và chỉnh lý kỹ thuật một số nội dung nêu trên của dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi).
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, Luật doanh nghiệp là một luật quan trọng có tác động sâu rộng đến môi trường đầu tư kinh doanh nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng. Trong những năm qua, Luật đã liên tục được hoàn thiện nhằm phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đáp ứng được yêu cầu thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trong từng thời kỳ.
Luật doanh nghiệp (sửa đổi) được xây dựng theo quan điểm tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong các Luật doanh nghiệp 2000, 2005 và 2014, hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế. Bảo đảm thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước; thực hiện đầy đủ các nội dung về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; cắt giảm thời gian, chi phí trong khởi sự kinh doanh; nâng cao mức độ an toàn và bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhanh chóng, ít tốn kém đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.
Đồng thời, bảo đảm thống nhất, phù hợp với sự thay đổi của pháp luật có liên quan, thay đổi kinh tế - xã hội trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động cải cách mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh của nước ta.
Việc xây dựng và ban hành Luật này nhằm mục tiêu tổng quát là hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt, phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4. Qua đó nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt, phổ biến trong khu vực và quốc tế.
Cùng với đó là nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp mà nhà nước có phần vốn góp chi phối; tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát huy tối đa tiềm năng và lợi ích, đóng góp cho phát triển kinh tế...
Theo chương trình dự kiến, ngày 17/6/2020, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Dự thảo gồm 10 chương 218 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư