I. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 8/2020
1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
1.1. Doanh nghiệp thành lập mới
Từ cuối tháng 7, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại khi Việt Nam chính thức ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên tình dịch bệnh và kinh tế xã hội có một số điểm khác biệt so với trước đây, đó là: (i) Việt Nam đã có kinh nghiệm trong kiểm soát dịch bệnh thể hiện qua công tác ứng phó, khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh được thực hiện nhanh chóng, chuẩn xác; (ii) Triển vọng vắc xin đã khả quan hơn khi một số quốc gia đã tiến hành thử nghiệm trên người, nhiều quốc gia nỗ lực phát triển vắc xin với tốc độ nhanh, hứa hẹn sẽ có kết quả trong thời gian tới; (iii) Kinh tế Việt nam 6 tháng đầu năm duy trì tăng trưởng dương so với mặt bằng chung toàn cầu.
Tuy nhiên, dịch bệnh đã kéo dài hơn so với dự báo. Mặc dù, chúng ta đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương và một số địa phương khác, tuy nhiên Bộ Y tế nhận định tình hình dịch sẽ tiếp tục kéo dài. Hiện nay, vẫn chưa xác định được thời điểm kết thúc và những ảnh hưởng của dịch bệnh có tác động mạnh hơn đến cộng đồng doanh nghiệp.
Về tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 8: Do dịch bệnh lần này mới bùng phát và cuối tháng 7 (25/7) nên chưa tác động đến tình hình doanh nghiệp gia nhập thị trường tháng 8/2020. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 8/2020 là 13.402 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 288.837 tỷ đồng, tăng 19,9% về số doanh nghiệp và tăng 90,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019, tăng 1,5% về số doanh nghiệp và tăng 20,7% về vốn đăng ký so với tháng 7/2020. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8/2020 là 96.316 người, tăng 9,0% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 5,4% so với tháng 7/2020. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 4.775 doanh nghiệp, tăng 200,9% so với cùng kỳ, và giảm 1,3% so với tháng 7/2020.
Đối với một số tỉnh có dịch bệnh, sự giảm sút về số lượng doanh nghiệp là khá rõ như Đà Nẵng giảm 20,13%, Quảng Ngãi giảm 19,01%, Thái Bình giảm 15,25%, Quảng Nam giảm 13,24%, Hải Dương giảm 4,35% so với tháng trước.
Một trong những nguyên nhân khiến đa số các chỉ số về phát triển doanh nghiệp trong tháng 8 tích cực là do dịch mới xuất hiện khoảng cuối tháng 7/2020 do đó chưa ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng doanh nghiệp, trừ một số lĩnh vực như hàng không, du lịch. Thêm vào đó, Chính phủ đã có kinh nghiệm trong phòng chống dịch, việc sàng lọc, khoanh vùng, kiểm soát dịch và kích hoạt lại các cơ chế kiểm soát dịch được thực hiện nhanh chóng. Phương pháp kiểm soát dịch cũng khác khi tăng cường lọc để khoanh vùng, chỉ dãn cách xã hội ở một số địa phương có ổ dịch, không áp dụng giãn cách xã hội quy mô lớn trong khi vẫn đảm bảo hoạt động kinh tế xã hội ở địa phương khác. Điều này, giúp bạn hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp không còn quá hoang mang về tình hình dịch bệnh như trước đây.
Tuy nhiên, tháng 8/2020 cũng ghi nhận số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn và số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2019 (số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 3.102 doanh nghiệp tăng 158,5% so với cùng kỳ năm 2019, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 3.424 doanh nghiệp, tăng 63,4% so với cùng kỳ năm 2019). Ngoài ảnh hưởng do những tác động của dịch Covid-19 thì một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 8/2019 rất thấp, với 1.200 doanh nghiệp, giảm 38,8% so với tháng 8/2018 và giảm 52% so với tháng 7/2019, đồng thời cũng thấp hơn mức trung bình của tháng 8 trong giai đoạn 2015-2018 (1.655 doanh nghiệp).
1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 8/2020 vẫn giữ tỷ lệ tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái và so với thời kỳ giảm sút ở những tháng đầu năm nhưng giảm nhẹ so với số liệu tháng 7. Tháng 8/2020 ghi nhận 4.775 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 200,9% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 1,3% so với tháng 7/2020. Số liệu của các tháng gần đây thể hiện, ngay sau khi Chính phủ thực hiện biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội thì tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đã gia tăng mạnh mẽ, đến hiện tại khi dịch bệnh mới xuất hiện trở lại chưa tác động nhiều đến số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Có thể nhận thấy rằng, phản ứng của doanh nghiệp trong nước thời điểm này có tín hiệu tích cực hơn so với đợt bùng phát dịch đầu tiên.
2. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Bên cạnh những tín hiệu ổn định đến từ số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường thì số liệu về doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tiếp tục thể hiện những ảnh hưởng lớn của dịch bệnh đến cộng đồng doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, và doanh nghiệp đã giải thể tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, khi so sánh với tháng 7/2020, số liệu về doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể lại có xu hướng giảm.
2.1. Tình hình doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn
Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 8/2020 là 3.102 doanh nghiệp, tăng 158,5% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 8,0% so với tháng 7/2020.
2.2. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể trong tháng 8/2020 là 3.424 doanh nghiệp, tăng 63,4% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 11,6% so với tháng 7/2020; Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 1.416 doanh nghiệp, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 5,9% so với tháng 7/2020. Số liệu về doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể tăng so với tháng 7/2020 có thể do tác động của những diến biến mới của dịch bệnh đến tâm lý của các chủ doanh nghiệp.
II. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 8 tháng đầu năm 2020
Theo dõi tình hình doanh nghiệp 8 tháng qua cho thấy, tình hình phát triển của doanh nghiệp thay đổi rất rõ nét từng tháng theo diễn biến của tình hình dịch bệnh. Nếu như tháng 1 tình hình khá ổn định vì chưa có ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, đến tháng 2 tình hình bắt đầu xấu khi xuất hiện ca Covid đầu tiên vào ngày 23/1, đến tháng 3 thì xấu hơn nhiều và tháng 4 xấu nhất do thực hiện giãn cách xã hội. Đến tháng 5 tình hình dần ổn định hơn khi kết thúc giãn cách xã hội (ngày 22/4/2020), tháng 6, tháng 7 có sự phục hồi rõ nét khi các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường và một loạt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ được triển khai.
Tuy nhiên, khoảng thời gian khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội vẫn còn ngắn và những chính sách đưa ra chỉ mới bắt đầu triển khai và đa phần cần thời gian để thực hiện. Chính vì vậy, nhìn chung tình hình đăng ký doanh nghiệp 8 tháng đầu năm 2020 có sự giảm sút về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, số vốn bổ sung hoặc cam kết đưa vào kinh doanh, quy mô doanh nghiệp, số lao động đăng ký và sự gia tăng của số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động trong ngắn hạn.
1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
1.1. Doanh nghiệp thành lập mới
Trong 8 tháng đầu năm 2020, cả nước có 88.651 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, 8 tháng đầu năm giai đoạn 2015-2019 chưa từng ghi nhận sự sụt giảm nào về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tỷ lệ tăng trung bình mỗi năm là 14,2%, tuy nhiên, đà giảm đã được hãm lại trong những tháng gần đây (4 tháng giảm 13,2%, 5 tháng giảm 9,1%, 6 tháng giảm 7,3%, 7 tháng giảm 5,1% so với cùng kỳ), phù hợp với sự phục hồi của nền kinh tế.
Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt 13,8 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh nghiệp đã bắt đầu có xu hướng mở rộng quy mô vốn đăng ký sau thời điểm dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 6 và tiếp tục xu hướng này đến thời điểm hiện tại.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2020 là 3.218.472 tỷ đồng (tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2019), bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 1.225.223 tỷ đồng (tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019) và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp là 1.993.248 tỷ đồng (tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2019) với 26.095 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn.
Những tháng đầu năm 2020, tổng lượng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động giảm so với cùng kỳ năm trước cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19. Sang tháng 7, các chỉ tiêu đã có nhiều sự cải thiện, doanh nghiệp đã bắt đầu mạnh dạn trong việc nắm bắt những cơ hội, đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Đến tháng 8, nhờ những phản ứng nhanh chóng, kịp thời của Chính phủ và sự đồng lòng của người dân trong công tác ứng phó với dịch bệnh, tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát và chưa ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao khi so sánh với cùng kỳ các năm trước và so với các tháng đầu năm. Bên cạnh đó, số vốn đăng ký tăng thêm tăng mạnh thể hiện niềm tin của doanh nghiệp về những triển vọng của nền kinh tế trong thời gian tới.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đầu năm 2020 là 694.916 lao động, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm 2019.
- Phân theo lĩnh vực hoạt động:
Có 13/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2019, đặc biệt đáng chú ý là các ngành: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 36,7%); Hoạt động dịch vụ khác (giảm 28,7%); Kinh doanh bất động sản (giảm 19,6%) và Giáo dục và đào tạo (giảm 13,2%). Đây là những ngành được xem là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi diễn biến dịch bệnh Covid-19 tính đến thời điểm hiện tại.
Ở xu hướng ngược lại, 04 ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký trong 8 tháng tăng so với cùng kỳ năm 2019 là Sản xuất, phân phối điện, nước, gas có 3.394 doanh nghiệp (tăng 247,0%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 1.697 doanh nghiệp (tăng 30,0%). Một nguyên nhân giải thích cho việc tăng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập với tỷ lệ cao ở các ngành kinh doanh này là bởi vì đây là những ngành nghề kinh doanh thiết yếu, bất chấp sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 những ngành này vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh, thêm vào đó là sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh trong thời điểm hiện tại từ các ngành bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch sang những ngành nghề kinh doanh chịu ít rủi ro hơn.
- Phân theo địa bàn:
8 tháng đầu năm 2020 ghi nhận sự giảm sút về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập ở 3 khu vực trên cả nước.
Khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất với 36.434 doanh nghiệp (chiếm 41,1% cả nước) và số vốn đăng ký là 656.972 tỷ đồng (chiếm 53,6% cả nước). Tiếp đó là Đồng bằng Sông Hồng với 26.661 doanh nghiệp (chiếm 30,1% cả nước) và số vốn đăng ký là 321.509 tỷ đồng (chiếm 26,2% cả nước). Tây Nguyên là khu vực có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất với 3.167 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 37,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 3,6% cả nước) và số vốn đăng ký là 38.829 tỷ đồng (chiếm 3,2% cả nước).
- Phân theo quy mô vốn:
Doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 78.792 doanh nghiệp (chiếm 88,9%, giảm 1,8% so với cùng kỳ 2019). Một điểm đáng chú ý là số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở 4/5 quy mô vốn đang có sự giảm sút, cụ thể: Số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng là 4.921 doanh nghiệp (chiếm 5,6%, giảm 5,0% so với cùng kỳ 2019); số doanh nghiệp đăng ký thành lập với quy mô vốn từ 50 - 100 tỷ đồng là 1.135 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, giảm 8,2% so với cùng kỳ 2019) và số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô trên 100 tỷ đồng là 1.137 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2019).
Chỉ riêng số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô từ 20 - 50 tỷ đồng có tỷ lệ tăng với 2.666 doanh nghiệp (chiếm 3,0%, tăng 3,4% so với cùng kỳ 2019);
1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm nay có là 32.624 doanh nghiệp, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là con số đáng ghi nhận, cao hơn trung bình tỷ lệ gia tăng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm giai đoạn 2015-2019 (trung bình tăng 24,7%).
Số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm 2020 tăng trên tất cả các lĩnh vực, tập trung chủ yếu ở các ngành: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (12.356 doanh nghiệp, chiếm 37,9%, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2019); Xây dựng (4.566 doanh nghiệp, chiếm 14,0%, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2019); Công nghiệp chế biến, chế tạo (4.170 doanh nghiệp, chiếm 12,8%, tăng 40,1% so với cùng kỳ năm 2019).
2. Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cả nước tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” về phòng, chống, dập dịch và phát triển kinh tế xã hội, chỉ thực hiện giãn cách ở một số địa phương có khả năng lây nhiễm cao, không áp dụng giãn cách xã hội trên quy mô lớn. Tuy nhiên, quãng thời gian từ khi bắt đầu quá trình phục hồi nền kinh tế, thực hiện các biện pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đến nay còn chưa đáng kể và diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp, kéo theo tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm vẫn có xu hướng tăng.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, có 68.856 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm: 34.288 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 70,8% so với cùng kỳ năm 2019, cao hơn gấp 4,3 lần so với mức tăng trung bình 22,7% giai đoạn 2015-2019), 24.215 doanh nghiệp chờ giải thể (giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019, thấp hơn mức tăng trung bình 14,75% giai đoạn 2015-2019), 10.353 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2019, giai đoạn 2015-2019 tăng trung bình 14%). Trung bình mỗi tháng có 9.249 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 15,9% so với trung bình 8 tháng năm 2019. Có thể nhận thấy dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp và là nguyên nhân chính gây ra sự nghịch chuyển theo chiều hướng này.
2.1. Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn
Theo dữ liệu lịch sử thì tỷ lệ trung bình gia tăng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của 8 tháng hàng năm trong giai đoạn 2015-2019 trung bình là 22,7%. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn 8 tháng đầu năm 2020 là 34.288 doanh nghiệp, tăng đến 70,8% với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong các kỳ 8 tháng giai đoạn 2015-2020, thể hiện sự ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh Covid-19 đến việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động từ 5 năm trở xuống là 16.615 doanh nghiệp (chiếm 48,5%); số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động từ 5 đến 10 năm là 9.765 doanh nghiệp (chiếm 28,5%) và số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên là 7.908 doanh nghiệp (chiếm 23,1%).
Một điểm đáng lưu ý là so với cùng kỳ năm 2019, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở tất cả 17 lĩnh vực. Trong đó, một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2019 là: Kinh doanh bất động sản (923 doanh nghiệp, tăng 136,1%); Giáo dục và đào tạo (612 doanh nghiệp, tăng 95,5%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (1.918 doanh nghiệp, tăng 89,7%); Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.927 doanh nghiệp, tăng 85,5%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (248 doanh nghiệp, tăng 77,1%); Hoạt động dịch vụ khác (445 doanh nghiệp, tăng 76,6%); và Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (2.015 doanh nghiệp, tăng 61,3%). Đây là các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19.
Phân theo địa bàn, tất cả các vùng lãnh thổ đều tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh. Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh cao nhất với 12.401 doanh nghiệp (chiếm 36,2%, tăng 91,8%); tiếp đến là Đồng bằng Sông Hồng với 11.873 doanh nghiệp (chiếm 34,6% cả nước, tăng 66,1%).
Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 31.362 doanh nghiệp (chiếm 91,5%, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm 2019). Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng ở mọi quy mô vốn, cụ thể: Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 1.727 doanh nghiệp (chiếm 5,0%, tăng 108,1% so với cùng kỳ 2019); Ở quy mô vốn từ 20 - 50 tỷ đồng có 756 doanh nghiệp (chiếm 2,2%, tăng 84,4% so với cùng kỳ 2019); Ở quy mô vốn từ 50 - 100 tỷ đồng có 273 doanh nghiệp (chiếm 0,8%, tăng 73,9% so với cùng kỳ 2019) và quy mô trên 100 tỷ đồng có 170 doanh nghiệp (chiếm 0,5%, tăng 97,7% so với cùng kỳ năm 2019).
2.2. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể
Trong 8 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể là 24.215 doanh nghiệp, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể của 8 tháng hàng năm trong giai đoạn 2015-2019 có mức trung bình là tăng 11,1%. Các ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ (8.990 doanh nghiệp, chiếm 37,1%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (2.800 doanh nghiệp, chiếm 11,6%); Xây dựng (2.603 doanh nghiệp, chiếm 10,7%).
Đông Nam Bộ là khu vực có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất (10.284 doanh nghiệp, chiếm 42,5%); tiếp đến là khu vực Đồng bằng sông Hồng (5.093 doanh nghiệp, chiếm 21,0%) và khu vực Bắc trung Bộ và Duyên hải miền Trung (4.511 doanh nghiệp, chiếm 18,6%).
Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động chờ giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 21.713 doanh nghiệp (chiếm 89,7%, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2019). Số lượng doanh nghiệp chờ giải thể tăng ở 4/5 quy mô vốn, cụ thể: Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 1.234 doanh nghiệp (chiếm 5,1%, tăng 15,8% so với cùng kỳ 2019); Ở quy mô từ 20 - 50 tỷ đồng có 663 doanh nghiệp (chiếm 2,7%, tăng 2,8% so với cùng kỳ 2019); Ở quy mô vốn từ 50 - 100 tỷ đồng có 296 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, tăng 7,2% so với cùng kỳ 2019) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng có 309 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2019).
2.3. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 8 tháng đầu năm 2020 là 10.353 doanh nghiệp, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 8 tháng đầu năm 2020, đa số doanh nghiệp giải thể có thời gian hoạt động ngắn, cụ thể: Số doanh nghiệp đã giải thể có thời gian hoạt động từ 5 năm trở xuống là 7.116 doanh nghiệp (chiếm 68,7%), số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể có thời gian hoạt động từ 5 đến 10 năm là 1.927 doanh nghiệp (chiếm 18,6%) và số doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên là 1.310 doanh nghiệp (chiếm 12,7%).
9/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm 2019 là Kinh doanh bất động sản; Sản xuất phân phối, điện, nước, gas và Giáo dục và đào tạo với tỷ lệ tăng lần lượt là 59,0%; 40,9% và 30,3%.
Phân theo vùng lãnh thổ, 02 vùng có số lượng doanh nghiệp giải thể trong 8 tháng đầu năm 2020 tăng so cùng kỳ năm 2019 là: Đồng bằng sông Hồng (2.449 doanh nghiệp, tăng 15,3%) và Đông Nam Bộ (4.553 doanh nghiệp, tăng 11,5%).
Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 9.164 doanh nghiệp (chiếm 88,5%, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2019). Ở 4/5 quy mô vốn còn lại, số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể đều ghi nhận tăng, cụ thể: Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 564 doanh nghiệp (chiếm 5,4%, tăng 16,8% so với cùng kỳ 2019); Ở quy mô từ 20 - 50 tỷ đồng có 314 doanh nghiệp (chiếm 3,0%, tăng 18,9% so với cùng kỳ 2019); Ở quy mô vốn từ 50 - 100 tỷ đồng có 143 doanh nghiệp (chiếm 1,4%, tăng 10,0% so với cùng kỳ 2019) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng có 168 doanh nghiệp (chiếm 1,6%, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2019).
Từ phân tích trên, có thể thấy các doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ rất dễ tổn thương do ảnh hưởng của dịch. Do vậy các chính sách sắp tới cần quan tâm đến đối tượng này./.