Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/09/2020-14:48:00 PM
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham vấn ý kiến các địa phương về Khung định hướng phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Xem tin ảnh)
(MPI) - Để có cơ sở xây dựng các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở lập quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các hội thảo trực tuyến tham vấn ý kiến các địa phương về dự thảo Khung định hướng phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngày 01/9/2020 đã diễn ra Hội thảo trực tuyến tham vấn ý kiến các tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang.
Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch Đinh Trọng Thắng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đinh Trọng Thắng cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn, chiếm 12% diện tích và 20% dân số cả nước, là Vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn quả của cả nước. Đây cũng là vùng sinh thái, đa dạng sinh học có ý nghĩa chiến lược quốc gia và khu vực. Tuy nhiên, Vùng đang đối mặt với nhiều thách thức của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các hoạt động phát triển ở thượng nguồn châu thổ, khai thác tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái… Do vậy, việc xây dựng quy hoạch vùng theo quy định của Luật Quy hoạch theo phương pháp tích hợp là một trong những nội dung phù hợp để giải quyết bài toán của Vùng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến việc xây dựng quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đến thời điểm hiện tại, liên danh tư vấn Haskoning DHV&GIZ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Khung định hướng phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở Dự thảo này, theo quy định của Luật Quy hoạch và các văn bản có liên quan, để triển khai đồng thời các quy hoạch phải thực hiện trao đổi, tham vấn ý kiến về khung định hướng, trong đó đưa ra những quan điểm, định hướng, phương án phát triển lớn và danh mục dự án đầu tư sơ bộ. Trên cơ sở đó, các địa phương phối hợp cung cấp thông tin để xây dựng quy hoạch theo phương pháp tích hợp.

Trên tinh thần đó, Vụ trưởng Đinh Trọng Thắng đề nghị các địa phương trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm cao đối với khung dự thảo, trong đó tập trung đến tốc độ phát triển, mức sống, trình độ phát triển của Vùng so với cả nước và các vùng khác; tính liên kết, quan hệ phát triển liên vùng; về xây dựng cảng nước sâu; nhu cầu đầu tư hạ tầng, hạ tầng giao thông, thủy lợi; lựa chọn ngành ưu tiên, định hướng ưu tiên phát triển; về kinh tế ven biển; chiến lược ứng phó với nước biển dâng, biến đổi khí hậu; quản lý nguồn nước…

Phát biểu tại các điểm cầu, đại diện lãnh đạo các địa phương bày tỏ thống nhất cao với dự thảo Khung định hướng phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời đánh giá cao cách làm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tổ chức tham vấn trực tiếp ý kiến của các tiểu vùng thuộc Vùng. Đây là cơ hội để các địa phương trong Vùng nắm được tình hình chung, chia sẻ thông tin, nâng cao sự phối hợp giữa các địa phương, đẩy mạnh kết nối và thực hiện đồng bộ quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng.

Hình ảnh tại các điểm cầu. Ảnh: MPI

Tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến của các địa phương và bày tỏ thống nhất cao với khung dự thảo. Đồng thời nhấn mạnh đến các khó khăn, hạn chế của Vùng như tác động mạnh của đập thượng nguồn, nước biển dâng và thời tiết cực đoan tác động đến phát triển bền vững của Vùng; vấn đề ngập mặn, sụt lún và sạt lở. Quy hoạch Vùng đã bám vào hệ sinh thái nước mặn, lợ, ngọt để có không gian và hạ tầng phát triển.

Về trung tâm đầu mối cấp vùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng thống nhất với nội dung tại Dự thảo và đề nghị bổ sung lĩnh vực thủy sản và cây ăn trái, có hạ tầng đầu mối logistics cho ngành này. Đồng thời, nhấn mạnh đến các nội dung liên quan đến phát triển các ngành lợi thế của Vùng, ngành công nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thủy lợi…

Tại điểm cầu tỉnh Long An, Phó Chủ tịch UBND Phạm Văn Cảnh bày tỏ thống nhất cao với khung dự thảo và cho rằng, quy hoạch đã đưa ra được tính liên kết vùng, giúp các tỉnh trong Vùng đang lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có thêm thông tin để thống nhất tích hợp vào quy hoạch Vùng. Đồng thời bày tỏ đồng tình với cách đặt vấn đề của đơn vị tư vấn, với quan điểm phát triển Vùng theo hướng quản lý những thách thức nêu trên, tạo giá trị từ những ngành có lợi thế của Vùng và trọng tâm định hướng là bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường; phân bổ không gian phù hợp với điều kiện tự nhiên, với thị trường nhằm mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Các công trình thủy lợi phải hướng đến việc khắc phục biến đổi khí hậu, thay đổi sản xuất, phù hợp với định hướng của các tỉnh, tạo sản xuất nông nghiệp bền vững. Trong sản xuất nông nghiệp, phải có sự liên kết doanh nghiệp với người nông dân nhằm tạo sự bền vững…

Theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 31/7/2020, việc lập quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên vùng và liên tỉnh trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước theo yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 120/NQ-CP. Đồng thời, giải quyết các vấn đề mất cân đối chính trong phát triển Vùng; cụ thể hóa và kết nối thống nhất, đồng bộ phương hướng tổ chức không gian và phát triển của các ngành, lĩnh vực trên phạm vi lãnh thổ của vùng được đề ra trong quy hoạch cấp quốc gia; là cơ sở để lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trên phạm vi lãnh thổ vùng nhằm đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch; tạo cơ sở để quản lý và thu hút đầu tư; điều phối liên kết phát triển vùng./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 4142
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)