(MPI) – Những dự án đã thực hiện theo quy định hiện hành, dự thảo Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài theo Luật Đầu tư 2020 sẽ hạn chế tối đa thay đổi những chính sách làm tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI
|
Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng ban Soạn thảo Trần Quốc Phương nhấn mạnh tại cuộc họp Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài diễn ra sáng ngày 03/9/2020.
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành soạn thảo Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài, hướng dẫn Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, thay thế Nghị định số 83/2015/NĐ-CP ngày 25/9/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài. Điều này cũng nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, bất cập, phát sinh trong quá trình thi hành luật pháp về đầu tư ra nước ngoài đòi hỏi cần có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý với các dự án đang triển khai, giao thời giữa quy định cũ và quy định mới, tránh tình trạng để nhà đầu tư phải thực hiện quy trình thủ tục lại từ đầu theo quy định của dự thảo Nghị định. Đồng thời, đề nghị thành viên Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định cần nghiên cứu điều khoản mở để có phương án ứng phó kịp thời đối với các loại hình đầu tư chưa từng xuất hiện trong thực tiễn.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Văn Chung cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 47 điều, trong đó sửa đổi 21 điều, bổ sung mới 9 điều, giữ nguyên 17 điều và bỏ 3 điều. Các nội dung sửa đổi, bổ sung chính quy định điều kiện đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) đối với 02 ngành, nghề là báo chí, phát thanh, truyền hình và kinh doanh bất động sản cần phải hướng dẫn chi tiết.
Về nhóm nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung hồ sơ, thủ tục ĐTRNN, bao gồm: Bổ sung làm rõ một số nguyên tắc trong thực hiện thủ tục ĐTRNN; gom lại và bổ sung thành phần hồ sơ đầu tư ra nước ngoài; Bổ sung hướng dẫn về quy cách hồ sơ; Bổ sung quy trình cấp/điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký (GCNĐK) ĐTRNN trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư (trực tuyến cấp độ 3); Điều chỉnh hồ sơ, thủ tục chấm dứt hiệu lực GCNĐK ĐTRNN; Bổ sung thủ tục hiệu đính GCNĐK ĐTRNN trong trường hợp có khác biệt so với thông tin đăng ký.
Đối với quy định chi tiết về vấn đề chuyển tiếp, dự thảo Nghị định hướng dẫn đối với hoạt động ĐTRNN đã được cấp GCNĐK ĐTRNN, nhưng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư 2020. Đồng thời, quy định hướng dẫn việc điều chỉnh GCNĐK ĐTRNN đối với hoạt động ĐTRNN đã được cấp GCNĐK ĐTRNN, nhưng theo Luật Đầu tư 2020 là ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện.
Phó Cục trưởng Vũ Văn Chung cho biết, nhóm nội dung quy định tại Nghị định số 83/2015/NĐ-CP cần sửa đổi, bổ sung, bao gồm: Bổ sung khái niệm “vốn đầu tư ra nước ngoài”; Sửa đổi nội dung về chủ thể là cá nhân đầu tư ra nước ngoài; Quy định về vấn đề cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài; Bổ sung quy định về ĐTRNN của tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài; Bổ sung quy định tài liệu xác định hình thức đầu tư “góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý”; Sửa đổi, điều chỉnh trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan liên quan.
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI
|
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về khái niệm vốn đầu tư ra nước ngoài; Điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với các ngành, nghề cần phải hướng dẫn; Cho vay, bảo lãnh cho vay ra nước ngoài; Đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp có vốn nước ngoài (doanh nghiệp FDI); Một số tài liệu xác định hình thức đầu tư theo hợp đồng hoặc theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
Theo dự kiến, sau khi xin ý kiến các cấp, chuyên gia, doanh nghiệp, dự thảo Nghị định sẽ trình Chính phủ vào cuối năm 2020./.
Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư