(MPI) – Ngày 29/9/2020, Đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2025. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Trần Quốc Phương tham dự buổi làm việc.
|
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Dự kiến 18/21 chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 142/2016/QH13 đạt và vượt
Tại buổi làm việc, Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang dần phục hồi sau những tác động tiêu cực của hai cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực và toàn cầu. Đây cũng là thời kỳ mà thế giới thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường với nhiều yếu tố thuận lợi, khó khăn đan xen. Đặc biệt, năm 2020 chứng kiến đại dịch Covid-19 chưa từng có trong lịch sử xảy ra trên toàn cầu, đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng, làm cho kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái, dự báo hậu quả còn kéo dài trong nhiều năm.
Trong nước, sau gần 35 năm đổi mới, kinh tế vĩ mô dần ổn định, tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành phát triển kinh tế - xã hội, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên. Tuy nhiên, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, những tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài gia tăng do cạnh tranh ngày càng gay gắt, trong khi độ mở của nền kinh tế nước ta cao, sức chống chịu còn hạn chế.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiều yếu tố bất định nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.
Qua đánh giá sơ bộ 18/21 chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 142/2016/QH13 có 14 chỉ tiêu đạt và vượt và 04 chỉ tiêu không đạt mục tiêu (gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều mặt vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thiếu tính bền vững. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách và bắt kịp các nước trong khu vực. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, chưa thực sự dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa có những bứt phá lớn. Mô hình tăng trưởng vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài và chuỗi giá trị và cung ứng trong nước chưa được quan tâm đúng mức. Văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường một số mặt còn yếu kém, khắc phục còn chậm. Quản lý, phát triển xã hội còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển…
Về dự kiến mục tiêu chủ yếu, một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, mục tiêu phát triển đến năm 2025 bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%. GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 USD; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MPI
|
Giai đoạn 2021-2025: Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế
Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, đến năm 2020, trong số 22 mục tiêu được giao tại Nghị quyết, dự kiến 15 mục tiêu hoàn thành và có khả năng hoàn thành (chiếm gần 68,2%). Trong đó, 5 mục tiêu quan trọng đã hoàn thành vượt xa so với kế hoạch đề ra. Trong số 7 mục tiêu có khả năng không hoàn thành, 2 mục tiêu về bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ nợ xấu đều được đánh giá có khả năng hoàn thành vào cuối năm 2019 nhưng do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên có thể không hoàn thành trong năm 2020. Mục tiêu về nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 04 nước ASEAN phát triển nhất (ASEAN-4) đã bước đầu triển khai thực hiện nhưng do ưu tiên triển khai các mục tiêu cấp bách khác trong cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020 nên mục tiêu này sẽ được tập trung triển khai trong giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu liên quan đến cơ cấu lại DNNN có khả năng không hoàn thành do cả nguyên nhân chủ quan từ trách nhiệm người đứng đầu đến các nguyên nhân khách quan như nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh (như phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử, phần vốn nhà nước,…) trong khi hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện; mục tiêu nhiệm vụ, cơ chế quản lý DNNN chưa rõ ràng; khó khăn trong việc tìm kiếm cổ đông chiến lược…. Mục tiêu về 1 triệu doanh nghiệp và 15 nghìn HTX hoạt động hiệu quả mặc dù có khả năng không hoàn thành nhưng đã đạt được tiến bộ đáng ghi nhận trong giai đoạn vừa qua.
Căn cứ vào kết quả phân tích về bối cảnh quốc tế, trong nước và các định hướng cho giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Quốc hội chỉ đạo tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế với bước đi phù hợp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đồng thời xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng cho giai đoạn 2021-2025. Đẩy nhanh quá trình sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật (Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, nghiên cứu xây dựng Luật Xử lý nợ xấu,...) và giám sát tổ chức thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.
Tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế
Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 , Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được thực hiện trong bối cảnh khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, những yếu tố thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen tác động đến phát triển kinh tế trong nước, đồng thời đã tác động không nhỏ tới quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội thông qua.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 đã đạt được những kết quả nổi bật như hình thành được khung khổ pháp luật tương đối đồng bộ để quản lý đầu tư công; Nợ đọng xây dựng cơ bản đã được xử lý triệt để, việc ứng trước kế hoạch vốn hằng năm trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 được kiểm soát, quản lý chặt chẽ; Hiệu quả đầu tư công đã từng bước cải thiện, đầu tư tập trung, số dự án khởi công mới từng năm trong giai đoạn 2016-2020 giảm dần; Đầu tư công đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Nhiều dự án sử dụng vốn đầu tư công hoàn thành đã giải quyết những yêu cầu bức thiết trong đời sống kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển, cải thiện đời sống Nhân dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.
Mục tiêu của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng giảm đầu tư công trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, xây dựng cơ chế thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công tư, giữ vững vai trò chủ đạo của NSTW.
Đồng thời, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng, dự án kinh tế số, chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, dự án tạo sự lan tỏa lớn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công.
Định hướng đầu tư trong giai đoạn 2021- 2025 gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, NSTW dành nguồn lực tập trung bố trí đủ vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Bố trí đủ vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt; dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn, có tác động lan tỏa đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của các cấp, các ngành, dự án nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại nông nghiệp và xử lý hạn hán, xâm nhập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu; bố trí vốn để thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 01/01/2015 (nếu có). Ngân sách trung ương bố trí cho các dự án của trung ương, bảo đảm giữ vai trò chủ đạo của NSTW; hỗ trợ mỗi địa phương 01 dự án trọng điểm, có tính kết nối, lan tỏa liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ưu tiên bố trí vốn cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng, miền trong cả nước. Đồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn đầu tư công, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Thay đổi tư duy giúp huy động được các nguồn lực đầu tư
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện các Ủy ban của Quốc hội đánh giá rất cao và bày tỏ nhất trí với cách đặt vấn đề báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Các Báo cáo đã nêu toàn diện các vấn đề đặt ra trong giai đoạn; đánh giá rất toàn diện, thẳng thắn chỉ ra những vấn đề hạn chế, chưa đạt được và nguyên nhân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, điểm nổi trội của nhiệm kỳ này là thay đổi tư duy trong việc huy động được các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông… Vốn NSNN được ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, xây dựng nhà ở cho người có công, khắc phục tình trạng hạn hán ở Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sử dụng hiệu quả, đảm bảo an ninh nguồn nước góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời nhấn mạnh đến các vấn đề liên quan đến việc lập danh mục các dự án đầu tư công; việc sử dụng nguồn vốn ODA...
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, cần phân tích rõ bối cảnh để đưa ra được bức tranh toàn cảnh của giai đoạn tới, từ đó xây dựng các chính sách phù hợp. Các vấn đề nêu trong giai đoạn trước, đã làm tốt cần phải được đánh giá kỹ hơn. Giai đoạn tới, các vấn đề liên quan đến phát triển nền tảng công nghiệp hóa, hiện đại hóa được chú trọng, do vậy, các vấn đề này cần thể hiện rõ nét hơn trong Báo cáo. Ngoài ra, cần bổ sung thêm về vấn đề an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, đầu tư cho khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo…
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Sỹ Thanh cho rằng, những kết quả đạt được trong 5 năm qua là thành công rất lớn. Đặc biệt, năm 2020, khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chúng ta phải nhận định rằng, chưa có nhiệm kỳ nào nguyên tắc tôn trọng và thượng tôn pháp luật được thực hiện nghiêm như vậy. Cùng với đó, 5 năm qua, phương thức sản xuất nông nghiệp được chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất sản phẩm sang sản xuất hàng hóa có xuất xứ, quy trình, tạo ra sản phẩm nông nghiệp bền vững để xuất khẩu.
Về đánh giá thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho rằng, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đã hoàn thành, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, nhấn mạnh thêm về tính toàn diện của các luật, các văn bản dưới luật, về tính ổn định, tính hệ thống, các đề án kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm cần được phân tích đánh giá. Đồng thời, đánh giá thêm việc triển khai các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế ở cấp trung ương, tác động lan tỏa ở địa phương.
Với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, phân tích rõ thêm về vấn đề công nghiệp phụ trợ, kết nối doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 cũng cần làm rõ thêm về sức chống chịu của nền kinh tế.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đánh giá, trong nhiệm kỳ qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm và ban hành Nghị quyết riêng về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có sự chuẩn bị và tham gia tích cực trong việc xây dựng các chính sách này. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế đó là chính sách dân tộc mới chỉ được ghi chung chung như ưu tiên, tạo mọi điều kiện cho đồng bào dân tộc và chính sách chủ yếu do Chính phủ ban hành.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Tập trung xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, các mô hình kinh tế mới
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao ý kiến của đại diện các Ủy ban của Quốc hội và cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội. Đồng thời nhấn mạnh, đây là thời điểm quan trọng khi kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011-2020, chuẩn bị đánh giá và xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn phát triển tới, chuẩn bị cho Đại hội lần XIII của Đảng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhất trí và đánh giá cao góp ý của lãnh đạo các Ủy ban về Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội như các ý kiến đã nêu. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ sẽ cập nhật, hoàn thiện các Báo cáo, trong đó có các nội dung như tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế để từ đó xây dựng kế hoạch năm 2021 và 5 năm tới; bám sát dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị trình Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng.
Về vấn đề giao vốn ngân sách nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện theo hướng phân cấp, phân quyền, không tham gia trực tiếp vào các dự án. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư công thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công và được triển khai thống nhất trên phạm vi cả nước. Bộ tập trung thực hiện những vấn đề lớn của nước như xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, xây dựng các mô hình kinh tế mới, các cơ chế, chính sách mới, huy động nguồn lực để phát triển… Đây là những đổi mới mang tính cách mạng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Về báo cáo định hướng sắp tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thống nhất với ý kiến của Ủy ban Ngân sách của Quốc hội và cho rằng cần bám sát vào vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tập trung xử lý vấn đề nợ đọng, vốn đối ứng ODA, tập trung hoàn thành các dự án chuyển tiếp, hạn chế tối đa khởi công các dự án mới để giải quyết dứt điểm những tồn tại giai đoạn trước để lại.
Các định hướng đang được xây dựng theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tập trung vào các chương trình mục tiêu quốc gia, công trình trọng điểm có tính lan tỏa, kết nối các hạ tầng quan trọng của các địa phương, các vùng, đảm bảo phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Về cơ cấu lại nền kinh tế, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tuy đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng chưa hiệu quả và chưa đạt được như kỳ vọng, chưa thực chất và hiệu quả, mô hình kinh tế thay đổi chậm và chưa rõ nét, vấn đề phát triển kinh tế tư nhân còn tương đối chậm, vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp còn nhiều vấn đề.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Chuẩn bị tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới để Quốc hội khóa XIV cho ý kiến lần đầu và Quốc hội khóa XV quyết định
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, trong 5 năm qua chúng ta triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội trong một bối cảnh rất đặc biệt, nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Trong giai đoạn 2016-2019, nền kinh tế hoạt động trong bối cảnh có nhiều thách thức, những diễn biến khó lường và nhanh chóng của đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả các tính toán theo lẽ thông thường. Điều này cho thấy, tăng trưởng kinh tế không phải lúc nào cũng theo đường thẳng mà thực tế là theo một “hình sin”, có lúc lại đảo chiều. Đây là vấn đề chúng ta cần xác định đúng để khi xây dựng mục tiêu trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Đồng thời cho rằng, Báo cáo cần đánh giá sâu thêm các khó khăn nội tại của nền kinh tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đưa ra các vấn đề: có phải chăng do chưa hoàn thiện thể chế, chưa phù hợp về năng lực sản xuất, một số cân đối lớn chưa đảm bảo như tích lũy tiêu dùng, thu chi, tổ chức thực hiện, quản trị, trình độ đổi mới sáng tạo,…
Phó Chủ tịch quốc hội Phùng Quốc Hiển cơ bản thống nhất với đánh giá của Bộ, kết quả đạt được tích cực, nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn có những mục tiêu chưa đạt. Đồng thời chỉ ra các điểm sáng trong giai đoạn qua liên quan đến thay đổi thể chế về quy hoạch, kế hoạch, đặc biệt là xây dựng kế hoạch có tầm nhìn, là kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch trung hạn 5 năm, có cái nhìn tổng thể về quy hoạch, mặc dù có thể trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn nhưng có nhiều thay đổi.
Điểm sáng về tăng trưởng dương trong điều kiện khó khăn trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới tăng trưởng âm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực nông nghiệp phát triển bền vững, “bệ đỡ” cho nền kinh tế Việt Nam. Công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp phụ trợ phát triển tốt, công nghệ thông tin tăng trưởng bùng nổ. Kinh tế vĩ mô ổn định, nợ công đảm bảo, đồng tiền ổn định, văn hóa thể thao đạt được thành tích ấn tượng, y tế giữ được sự ổn định. Trong điều kiện khó khăn niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Chính phủ nâng lên, vai trò, vị thế của Việt Nam được nâng trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu cốt lõi không đạt, những đột phá về hạ tầng chưa đạt yêu cầu, nhất là các công trình trọng điểm, then chốt như Cao tốc Bắc - Nam, Sân bay Long Thành. Nền công nghiệp phụ thuộc rất lớn vào bên ngoài như nguyên liệu, thị trường, dự trữ tài chính mỏng. Về quan hệ sản xuất, ở nhiều góc độ, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI có nhiều vấn đề phải được phân tích. Vấn đề an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, có nhiều vấn đề cần giải quyết…
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, năm 2021 sẽ là năm rất khó khăn, tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường, thế giới chưa thể trở lại trạng thái bình thường. Do vậy, cần phân tích, đánh giá kỹ trong việc xây dựng các chỉ tiêu cho giai đoạn tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh đến các vấn đề liên quan đến việc xử lý dứt điểm các tồn tại cũ, các dự án chậm tiến độ; các dự án hạ tầng giao thông lớn; công tác triển khai quy hoạch cấp quốc gia quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; thực hiện các luật về kinh tế: Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư công, triển khai sửa một số luật như Luật điện lực, Luật giá…
Đối với công tác đầu tư công, cần chuẩn bị tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới để Quốc hội khóa XIV cho ý kiến lần đầu và Quốc hội khóa XV quyết định. Trong đó, quy mô đầu tư phải dự kiến cao hơn giai đoạn trước, đảm bảo vốn cho 03 chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án trọng điểm quốc gia, ưu tiên dự án cao tốc Bắc - Nam; cho vấn đề an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và vấn đề xâm nhập mặn, an toàn bờ biển; quy hoạch;… số còn lại mới bố trí cho dự án mới. Đồng thời, phải phân cấp rõ ràng, công trình nào do trung ương làm, chủ trương phải phù hợp với Luật ngân sách nhà nước và đầu tư công. Tiếp tục tập trung cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở kết quả đạt được của 5 năm qua, khắc phục các tình trạng cát cứ, chia cắt nền kinh tế, xóa bỏ các rào cản để giải phóng sản xuất.
Đồng thời, chuẩn bị tốt những nội dung để Quốc hội khóa XIV cho ý kiến lần đầu và Quốc hội khóa XV sẽ quyết định về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới, Phó Chủ tịch quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư