Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/09/2020-17:02:00 PM
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP
(MPI) – Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1109/QĐ-TTg ngày 24/7/2020 về việc ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội hóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu và xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, với tinh thần khẩn trương và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành Dự thảo Nghị định.

Thứ trưởng Võ Thành Thống chủ trì họp Ban Soạn thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP ngày 18/9/2020

Luật PPP được ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý chung, có hiệu lực cao, lâu dài, ổn định hơn cho việc thực hiện các dự án PPP tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong phạm vi của Luật chưa thể quy định chi tiết một số nội dung. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành một số nội dung tại Luật PPP.

Cụ thể, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết 18 Điều/nội dung, trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao xây dựng quy địnhvề lĩnh vực, quy mô dự án; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của Hội đồng thẩm định; Quy trình dự án PPP; Trình tự chuẩn bị dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất; Hợp đồng mẫu đối với từng nhóm hợp đồng; Chấm dứt hợp đồng; Hồ sơ, thời hạn xác nhận hoàn thành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; Xử lý vi phạm trong đầu tư theo phương thức PPP; Nội dung phát sinh liên quan đến các trường hợp chuyển tiếp.

Nghị định được xây dựng để hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư theo hình thức PPP, tiệm cần dần với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam nhằm tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý thực hiện dự án. Xây dựng khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch nhằm khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công.

Dự thảo Nghị định được xây dựng dựa trên các quan điểm tuân thủ quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (chỉ hướng dẫn những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ), đảm bảo sự đồng bộ giữa Luật PPP và các quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước; Phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Theo đó, nội dung Dự thảo Nghị định tập trung vào quy định rõ hơn lĩnh vực và quy mô đầu tư dự án PPP; Quy định trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng thẩm định dự án PPP; Rút ngắn thủ tục, thời gian thực hiện chuẩn bị dự án; Quy định rõ ràng các trường hợp chấm dứt hợp đồng trước hạn và cơ chế bồi thường; Quy định rõ trình tự, thủ tục xác nhận hoàn thành và chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng.

Về lĩnh vực đầu tư, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về các lĩnh vực giao thông; Lưới điện, nhà máy điện; Thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; Y tế, giáo dục - đào tạo; Hạ tầng công nghệ thông tin.

Đối với quy mô đầu tư, nhằm đảm bảo việc tập trung nguồn lực để thực hiện hiệu quả chương trình PPP nói chung và từng dự án PPP nói riêng, Dự thảo Nghị định quy định theo hướng quy định cụ thể quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của từng lĩnh vực chi tiết cho dự án từ nhóm B trở lên.

Về Hội đồng thẩm định dự án PPP, Luật PPP quy định bao gồm: Hội đồng thẩm định nhà nước; Hội đồng thẩm định liên ngành; Hội đồng thẩm định cấp cơ sở.

Về việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP, Luật PPP quy định các nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP, trong đó bao gồm kết quả khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư và bên cho vay (nếu có). Trong quá trình khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, Dự thảo Nghị định quy định theo hướng khảo sát sơ bộ các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án, làm cơ sở để xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư, việc áp dụng sơ tuyển và lựa chọn nhà đầu tư quốc tế.

Về chấm dứt hợp đồng trước hạn và cơ chế bồi thường, Luật PPP quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và cơ chế bồi thường khi chấm dứt trước thời hạn, trong đó có trường hợp chấm dứt trước hạn do một trong hai bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ theo hợp đồng. Khái niệm “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng” đã được định nghĩa theo quy định của pháp luật về dân sự. Trong trường hợp phát hiện vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng, hai bên sẽ trao đổi, thống nhất về biện pháp khắc phục. Trong trường hợp sau khi trao đổi, hai bên không thống nhất được biện pháp khắc phục, hợp đồng sẽ chấm dứt trong một số trường hợp cụ thể.

Về việc chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, Dự thảo Nghị định quy định trình tự chuyển giao riêng biệt áp dụng đối với hợp đồng BOT, BLT và áp dụng đối với hợp đồng BTO, BTL.

Dự thảo Nghị định gồm 07 Chương, 48 Điều và 05 Phụ lục đang được lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1021
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)