(MPI) – Ngày 02/10/2020 đã diễn ra Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự phiên họp.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Chinhphu.vn |
Khôi phục kinh tế những tháng cuối năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng năm 2021
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2020 của cho thấy, qua 9 tháng thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; các nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành đến hết quý III cơ bản đáp ứng đúng tiến độ, trong đó đã hoàn thành 67,3% nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 84/NQ-CP, Nghị quyết số 42/NQ-CP, các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020 đã đề ra.
Kinh tế thế giới trong tháng có dấu hiệu hồi phục, một số quốc gia đang thận trọng tiến hành mở cửa trở lại và dần khôi phục các hoạt động kinh tế. Trong nước, dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động dần phục hồi, tạo cơ sở khôi phục kinh tế những tháng cuối năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng năm 2021.
Báo cáo nêu rõ, trong 9 tháng đầu năm, nước ta thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát dịch vừa phục hồi nền kinh tế ở mức hợp lý, trạng thái bình thường mới dần được thiết lập trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong toàn xã hội.
Quyết tâm, nỗ lực, đồng lòng, cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị
Theo Báo cáo, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đa số các nền kinh tế lớn tăng trưởng âm thì nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng dương, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, kết quả giải ngân vốn đầu tư công tích cực, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội. Kết quả đạt được cho thấy tính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và sự quyết tâm, nỗ lực, đồng lòng, cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của người dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Về tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng GDP 9 tháng ước đạt 2,12%, trong đó, quý I tăng 3,68%, quý II tăng 0,39%, quý III tăng 2,62%, tuy là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua nhưng quý III đã có dấu hiệu phục hồi, nền kinh tế đang nhanh chóng hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn, dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi, nhưng vẫn duy trì mức tăng tích cực, bảo đảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong nước và xuất khẩu, tính chung 9 tháng tăng 1,84% (cùng kỳ tăng 2,02%).
Khu vực công nghiệp và xây dựng ước 9 tháng tăng 3,08%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp tăng 2,69%, thấp nhất trong 10 năm qua, trong đó ngành chủ lực là công nghiệp chế biến, chế tạo ước chỉ tăng 4,6% (cùng kỳ tăng 11,48%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo hiện ở mức cao, tăng 24,3% so với cùng thời điểm năm 2019.
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề, 9 tháng ước tăng nhẹ 1,37% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ năm 2011. Tuy nhiên, tình hình quý III đã khả quan hơn, ước tăng 2,75%, trong đó một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bước đầu hồi phục như ngành bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú ăn uống, ngành vận tải kho bãi.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,12% so với tháng 8/2020 chủ yếu do điều chỉnh tăng giá dịch vụ giáo dục, giá điện sinh hoạt, giá gạo; CPI bình quân có xu hướng giảm dần qua các tháng kể từ đầu năm, tính chung 9 tháng tăng 3,85%, trong ngưỡng kiểm soát nhưng là mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,59% so với cùng kỳ.
Về đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (FDI) đạt thấp nhưng vẫn là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm mạnh, ước 9 tháng đạt 21,2 tỷ USD, giảm 18,9% so cùng kỳ; giải ngân vốn FDI ước đạt gần 13,8 tỷ USD, giảm 3,2%. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhất của các nhà đầu tư, chiếm tỷ trọng 46,6% tổng số vốn đăng ký.
Giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, sát sao, có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khu vực tư nhân và FDI gặp khó khăn. 9 tháng ước đạt 269,2 nghìn tỷ đồng, đạt 57,2% so với kế hoạch (cùng kỳ đạt 49,13%), trong đó dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đã giải ngân 71,7% kế hoạch vốn, khởi công 03 dự án chuyển đổi từ hình thức PPP sang đầu tư công; đã tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà thầu dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Tính chung 9 tháng, có gần 99 nghìn doanh nghiệp thành lập mới giảm 3,2%; tổng số vốn đăng ký đạt trên 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng kinh doanh có thời hạn tăng 81,8%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2015, thể hiện sự ảnh hưởng rất lớn và dai dẳng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...
Phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020
Theo Báo cáo, bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh và ổn định kinh tế vĩ mô, thách thức những tháng cuối năm là rất lớn, trong đó một số vấn đề cần được tập trung, quan tâm, chỉ đạo để phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020 đã đề ra.
Trên cơ sở kết quả của quý III và 9 tháng, nếu không có vấn đề bất thường xảy ra trong các tháng cuối năm, tốc độ tăng GDP có thể đạt khoảng 2,51%. Dự kiến tiêu dùng trong nước và đầu tư sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2020. Tăng trưởng những tháng cuối năm có yếu tố thuận lợi do doanh nghiệp tăng cường sản xuất phục vụ nhu cầu hàng hóa tăng trong dịp Tết.
Lạm phát đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên CPI bình quân 9 tháng đã đạt 3,85%, gần tiệm cận mức trần 4% nên dư địa điều hành giá cả những tháng cuối năm không còn nhiều. Trong khi đó, giá cả có xu hướng tăng vào những tháng cuối năm, một số mặt hàng có thể tăng giá trở lại khi kinh tế thế giới hồi phục và diễn biến phức tạp của giá dầu có khả năng gây áp lực lên việc điều hành giá cả và ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát mục tiêu lạm phát.
Hoạt động của khu vực doanh nghiệp còn có nhiều khó khăn, sức chống chịu của doanh nghiệp đã suy giảm nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, lưu trú, ăn uống và các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu... Qua khảo sát sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về nhu cầu vốn bù đắp cho sự thiếu hụt dòng tiền do doanh thu bị sụt giảm, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải hàng không, du lịch, xuất nhập khẩu...
Xuất khẩu đối mặt rất nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19, các nước gia tăng biện pháp phòng vệ trước xu hướng bảo hộ thương mại và biến động của thị trường thế giới. Nhu cầu của thị trường Mỹ và châu Âu sụt giảm đã và đang tác động rất lớn tới xuất khẩu của Việt Nam. Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 bước đầu mang lại tác động tích cực ngay tới xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp, tuy nhiên cần có thêm các giải pháp căn cơ hơn hỗ trợ các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2020 và năm 2021. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ.
Tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn khiến đầu tư khu vực tư nhân suy giảm mạnh. Dòng vốn đầu tư FDI có khả năng tiếp tục suy giảm khi tình hình dịch bệnh tại các nước là đối tác đầu tư lớn của Việt Nam còn diễn biến phức tạp. Việt Nam có cơ hội thuận lợi đến đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư trên thế giới nhưng cũng chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ một số thị trường như Ấn Độ và In-đô-nê-xi-a. Do vậy, Việt Nam cần khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng và thực hiện ngay các điều kiện cần thiết để thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư.
Dịch Covid-19 đã tác động đến tình hình lao động việc làm tại hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 10 năm gần đây. Nếu tình hình không được cải thiện, tình trạng thất nghiệp gia tăng, thu nhập giảm, dẫn đến các vấn đề xã hội như: bất bình đẳng, gia tăng khoảng cách giàu nghèo và có thể có những tác động tới tình hình an ninh, trật tự xã hội.
Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới có dấu hiệu khả quan hơn, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2020 âm 4,5% (tăng 1,5 điểm phần trăm so với dự báo lần trước). Tuy nhiên, triển vọng kinh tế thế giới vẫn rất khó lường, độ rủi ro và bất định vẫn rất cao trong bối cảnh dịch Covid-19 còn đang tiếp tục diễn biến phức tạp.
Việc mở cửa lại nền kinh tế và giảm thiểu các biện pháp cách ly xã hội ở nhiều quốc gia làm tăng nguy cơ bùng phát dịch Covid-19, tình hình kinh tế nói chung và xuất khẩu sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn. Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang diễn biến rất phức tạp, cần được theo dõi sát sao để chủ động, kịp thời ứng phó.
Tập trung cao độ, chủ động, quyết liệt hơn nữa, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra
Theo Báo cáo, trước biến động khó lường và các tác động bất lợi, khó khăn của kinh tế thế giới, trên cơ sở tình hình 9 tháng và những vấn đề cần quan tâm trong những tháng cuối năm, để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2020 và tạo tiền đề thuận lợi cho năm 2021, khó khăn thách thức còn rất lớn, nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2020 và đầu năm 2021 là rất nặng nề.
Các bộ, ngành, địa phương không được phép chủ quan, cần tập trung cao độ, chủ động, quyết liệt hơn nữa, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể như nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về dịch Covid-19; không được chủ quan, nâng cao cảnh giác, trách nhiệm và đẩy mạnh tuyên truyền một cách đầy đủ về các biện pháp phòng chống dịch; không để dịch lây lan trở lại.
Trong bối cảnh giá dầu thế giới diễn biến phức tạp, chu kỳ gia tăng giá cả trong các tháng cuối năm, việc tiếp tục duy trì điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là lãi suất, tỷ giá là rất cần thiết; theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả, điều hành chủ động giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Chuẩn bị tốt nguồn hàng, chủ động nguồn cung, nhất là trong dịp cao điểm cuối năm; tăng cường công tác truyền thông để không gây tâm lý kỳ vọng lạm phát trong những tháng cuối năm.
Triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, góp phần sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1259/TTg-KTTH ngày 17/9/2020.
Theo đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch. Nhanh chóng cải cách quy trình, thủ tục để các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế; tập trung phát huy mạnh mẽ, tối đa các dư địa hỗ trợ động lực tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm; tích cực tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và củng cố nền tảng thị trường nội địa trong bối cảnh xuất khẩu vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, duy trì ổn định các thị trường xuất khẩu chủ lực, như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, ASEAN..., kịp thời hóa giải những nguy cơ dẫn tới căng thẳng thương mại giữa Việt Nam với các thị trường lớn. Tận dụng hiệu quả các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA. Tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của những vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư tư nhân quy định tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ, các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ.
Tăng cường xúc tiến, thu hút có chọn lọc và hợp tác đầu tư nước ngoài. Triển khai hiệu quả Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị. Khẩn trương chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư dịch chuyển, tập trung hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.
Thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân. Chuẩn bị tốt các nội dung báo cáo phục vụ Hội nghị lần thứ mười ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, nhất là các báo cáo về phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021-2025.
Trong trung và dài hạn, cần mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm động lực mới cho tăng trưởng; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới xây dựng một nền kinh tế tự chủ, phát triển bền vững hơn; chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển đất nước.
Về đẩy nhanh lập quy hoạch các vùng thời kỳ 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch, trình Chính phủ xem xét, sớm quyết định về phương án phân vùng để lập quy hoạch.
Phát huy tinh thần tự lực, tự cường mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển đất nước
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp. Ảnh: Chinhphu.vn |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng của đất nước trong tháng 9, trong đó có kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9, Đại hội đồng AIPA lần thứ 41. Nhiều địa phương tổ chức Đại hội Đảng bộ thành công (14 địa phương), tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước hết sức ấn tượng. Đặc biệt, chúng ta đã ngăn chặn có hiệu quả dịch Covid-19 và lần này, đã thay đổi cách thức, cách làm trong việc ngăn chặn chứ không như lần 1. Đến nay, đã 30 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ lưu ý, không được chủ quan.
Phiên họp Chính phủ hôm nay có ý nghĩa quan trọng khi chúng ta đã đi qua 3/4 chặng đường năm 2020, từ đó có thể đánh giá kết quả cả năm 2020 và chuẩn bị cho kế hoạch năm 2021.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận thẳng thắn, đóng góp nhiều giải pháp quan trọng để đạt kết quả tốt nhất trong quý IV/2020, chuẩn bị đà cho kế hoạch năm 2021 và các năm tiếp theo. Đồng thời nhấn mạnh đến tinh thần tự lực, tự cường mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của dịch Covid-19./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư