Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/09/2020-19:53:00 PM
Tổ công tác liên Bộ họp đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô quý III và 9 tháng đầu năm 2020 (Xem tin ảnh)
(MPI) – Thực hiện chương trình công tác, ngày 29/9/2020, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra buổi họp Tổ công tác liên Bộ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước) về tình hình kinh tế vĩ mô quý III và 9 tháng đầu năm 2020 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.
Toàn cảnh buổi họp. Ảnh: MPI

Tại buổi họp, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phạm Xuân Kiên đã báo cáo một số nét chủ yếu về tình hình kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm 2020. Theo Báo cáo, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, do vậy suy giảm toàn cầu cùng với sụt giảm tăng trưởng của các đối tác lớn đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã chủ động dập dịch ngay từ đầu, cơ bản thành công và tối thiểu hóa được thiệt hại, đồng thời đã và đang thực hiện đúng chủ trương thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế đã có những bước cải thiện trong quý III/2020, cụ thể:

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2020 ước tính tăng 2,62%. Tính chung 9 tháng năm 2020, GDP tăng 2,12% (Quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,62%), trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,93%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%; khu vực dịch vụ tăng 2,75%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,70%.

Về ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng 8/2020 và tăng 0,01% so với tháng 12/2019. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 64,5% dự toán, tổng chi ngân sách ước đạt 63,7% dự toán.

Tại buổi họp, đại diện các đơn vị là thành viên của Tổ đã có những ý kiến, đánh giá cụ thể bức tranh chung về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2020, trong đó tập trung trao đổi, thảo luận về tình hình cân đối thu chi, bội chi ngân sách năm 2020; giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện các chính sách hỗ trợ do đại dịch Covid-19; thị trường tiền tệ, tín dụng; hoạt động xuất nhập khẩu;… từ đó đưa ra các giải pháp tham mưu cho các cấp có thẩm quyền trong các tháng cuối năm 2020.

Theo đó, về hoạt động xuất nhập khẩu, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong đó nổi lên vai trò của khu vực kinh tế trong nước khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 9 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm 2019.

Đầu tư công có chuyển biến tích cực hơn nhờ sự hỗ trợ, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ, tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Về thị trường tiền tệ và tín dụng, mặc dù có cải thiện trong các tháng gần đây nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh của khách hàng bị chững lại. Lãi suất điều hành giảm phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ về cơ bản ổn định. Tuy nhiên, việc thực hiện giãn, hoãn, khoanh nợ… có khả năng làm chậm tiến độ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng đối với các ngành kinh tế đã có sự khởi sắc nhất định. Trong 5 lĩnh vực tín dụng ưu tiên thì dư nợ cho khu vực nông nghiệp, nông thôn có dấu hiệu tích cực; khu vực xuất khẩu tăng 6%; khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 4,49%. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng; miễn, giảm trả lãi suất; cho vay mới với lãi suất thấp so với thời điểm trước dịch Covid-19; gia hạn nợ;… cùng với đó, đang xem xét sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng kéo dài thời gian hỗ trợ; mở rộng phạm vị cho phép cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Về tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện nay đã có nhiều cơ chế chính sách, cơ chế bảo lãnh thông qua quỹ bảo lãnh, được luật hóa tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là giải pháp hữu ích để hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được vốn tín dụng của ngân hàng. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, khi các doanh nghiệp gặp khó khăn, điều cấp tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng chưa “khớp” với nhau. Do đó, cần phải có vai trò trung gian là quỹ bảo lãnh tín dụng, làm cầu nối để hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn. Để làm tốt điều này, trong thời gian tới, các địa phương sớm kiện toàn quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường tài chính cho các quỹ này, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương cũng như cả nước.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại buổihọp. Ảnh: MPI

Kết luận buổi họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương ghi nhận và đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, các ý kiến đã đưa ra các nhận định về bức tranh chân thực về thực trạng nền kinh tế 9 tháng đầu năm 2020. Đồng thời cho rằng, các chỉ số đạt được trong 9 tháng đầu năm 2020 cho thấy các tín hiệu khả quan cho nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi. Bên cạnh đó, vẫn có một số chỉ tiêu gặp nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh đến công tác dự báo, làm rõ thêm về bối cảnh quốc tế đối với Việt Nam liên quan đến tín hiệu thị trường, nhu cầu hàng hóa, thương mại; cơ hội thúc đẩy xuất khẩu kết hợp với các Hiệp định CPTPP, EVFTA và các điều kiện thuận lợi khác về thương mại quốc tế để thúc đẩy xuất khẩu trong 3 tháng cuối năm. Đồng thời cho rằng, nhập khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đạt tỷ trọng cao, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng có giá trị cao; tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất trong nước do phụ thuộc vào đầu ra, nên sự phục hồi sản xuất trong nước chưa mạnh mẽ. Dự báo từ nay đến cuối năm hoạt động xuất nhập khẩu có thể tăng do nhu cầu thị trường thế giới, trong nước, các thị trường bắt đầu phục hồi và do tác động của FTA. Về điều hành giá cả, Chính phủ đã có các chính sách liên quan đến điều chỉnh giá, bảo đảm mục tiêu dưới 4% CPI.

Đối với các chính sách về vốn cho xuất nhập khẩu và sản xuất, trên cơ sở đánh giá của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nguồn lực cho các ngành, lĩnh vực kinh tế luôn dồi dào, các chính sách ủng hộ, tạo điều kiện để tăng tín dụng cho nền kinh tế trên cơ sở bảo đảm an toàn, hỗ trợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cần có thêm các chính sách kích thích, đặc biệt là nhu cầu thị trường để doanh nghiệp trở lại hoạt động.

Về chính sách tài khóa, cập nhật thông tin về các cơ chế, chính sách vừa được ban hành, sửa đổi để thấy rõ tác động của các chính sách này trong 3 tháng cuối năm 2020, trong đó phân tích thêm về công tác thu, chi ngân sách nhà nước để có định hướng, bảo đảm cân đối trong năm 2020.

Về đầu tư, đánh giá thêm về thu hút đầu tư ngoài nhà nước, trong đó có thu hút FDI, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19; vốn đăng ký bị ảnh hưởng do dịch bệnh tác động đến việc đi lại nên không thể diễn ra việc ký kết giữa các doanh nghiệp, tuy nhiên mức vốn giải ngân đạt tích cực. Về đầu tư công, qua kết quả cho thấy giải ngân vốn đầu tư công có bước tiến bộ, tăng cao hơn cùng kỳ nhưng vẫn phải giữ quan điểm thực hiện mục tiêu cao hơn nữa; tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đề ra, đặc biệt là Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Trên tinh thần đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị các đơn vị liên quan thuộc các Bộ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1326
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)