Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/10/2020-13:47:00 PM
Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2020

I. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 9/2020

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

1.1. Doanh nghiệp thành lập mới

Tháng 9/2020 ghi nhận sự sụt giảm của số doanh nghiệp đăng ký thành lập, cụ thể: Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 9/2020 là 10.304 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 203.259 tỷ đồng, giảm 12,6% về số doanh nghiệp và tăng 45,0% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019, giảm 23,1% về số doanh nghiệp và giảm 29,6% về vốn đăng ký so với tháng 8/2020. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 9/2020 là 82.986 người, giảm 15,0% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 13,8% so với tháng 8/2020. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 4.568 doanh nghiệp, tăng 89,3% so với cùng kỳ, và giảm 4,3% so với tháng 8/2020.

Có thể nhận thấy dấu hiệu giảm sút ở các chỉ số về doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, lao động đăng ký và sự tiếp tục gia tăng của doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tuy giảm so với tháng 8/2020 nhưng lại tăng đến 45,0% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng đến 116,6% so với tháng 4/2020 (thời gian cả nước thực hiện giãn cách xã hội). Bên cạnh ảnh hưởng của dịch bệnh thì nguyên nhân chính dẫn đến số doanh nghiệp thành lập mới tháng 9 giảm so với cùng kỳ năm 2019 là do tháng 9/2020 trùng với tháng 7 Âm lịch – “tháng Ngâu” (Theo dữ liệu lịch sử, các tháng trùng với tháng 7 Âm lịch hàng năm đều ghi nhận sự sụt giảm về số doanh nghiệp đăng ký thành lập, cụ thể: tháng 9/2018 giảm 21,4% so với tháng 9/2017, tháng 8/2019 giảm 4,1% so với tháng 8/2018).

1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 9/2020 vẫn giữ tỷ lệ tăng cao so với cùng kỳ năm 2019. Tháng 9/2020 ghi nhận 4.568 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 89,3% so với cùng kỳ năm 2019.

2. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Bên cạnh những tín hiệu ổn định đến từ số tái gia nhập thị trường, số liệu về doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tiếp tục cho thấy sự ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh đến cộng đồng doanh nghiệp, bất chấp những kết quả ngày một tích cực trong công tác phòng, chống dịch ở nước ta. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, và doanh nghiệp đã giải thể tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2019 và so với tháng 8/2020.

Các tháng gần đây liên tục ghi nhận số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn và số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2019. Tính riêng tháng 9, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 3.269 doanh nghiệp tăng 114,9% so với cùng kỳ năm 2019, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 4.097 doanh nghiệp, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2019.

2.1. Tình hình doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn

Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 9/2020 là 3.269 doanh nghiệp, tăng 114,9% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 5,4% so với tháng 8/2020. Tổng số vốn của các doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong tháng 9 là 28.085 tỷ đồng, với số lao động là 22.396 người (bằng 13,8% tổng số vốn và bằng 27,0% tổng số lao động của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 9/2020).

2.2. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể trong tháng 9/2020 là 4.097 doanh nghiệp, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 19,7% so với tháng 8/2020; Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 1.736 doanh nghiệp, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 19,7% so với tháng 8/2020. Số liệu về doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể tăng so với tháng 8/2020 có thể do tác động dai dẳng của dịch bệnh đến cộng đồng doanh nghiệp.

Tổng số vốn của các doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động chờ giải thể trong tháng 9/2020 là 41.017 tỷ đồng, với số lao động là 54.464 người (bằng 20,2% tổng số vốn và bằng 65,6% tổng số lao động của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 9/2020). Trong khi đó, các doanh nghiệp đã giải thể trong tháng 9/2020 có tổng vốn là 30.910 tỷ đồng, với 13.223 lao động (bằng 15,2% tổng số vốn và bằng 15,9% tổng số lao động của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 9/2020).

II. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 9 tháng đầu năm 2020

Theo dõi dữ liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp 9 tháng đầu năm 2020, có thể thấy tình hình phát triển của doanh nghiệp thay đổi cùng với những diễn biến của dịch bệnh. Trong tháng 1, tình hình phát triển doanh nghiệp khá ổn định, trong nước chưa xuất hiện ca nhiễm Covid-19, sang đến tháng 2, tháng 3 và tháng 4, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế dần diễn biến phức tạp và ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt, khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội thì các chỉ số về đăng ký doanh nghiệp liên tục giảm sút. Đến tháng 5 tình hình dần ổn định hơn khi kết thúc giãn cách xã hội (ngày 22/4/2020), tháng 6, tháng 7 có sự phục hồi rõ nét khi các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường và một loạt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ được triển khai. Cuối tháng 7 có sự xuất hiện trở lại của dịch bệnh, tuy nhiên với những biện pháp quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống dịch, tình hình dịch bệnh đã nhanh chóng được kiểm soát. Các chỉ số về phát triển doanh nghiệp trong Quý III được giữ ổn định và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Nhìn chung tình hình đăng ký doanh nghiệp 9 tháng đầu năm 2020 có sự giảm sút nhẹ về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, sự gia tăng về số vốn bổ sung hoặc cam kết đưa vào kinh doanh, quy mô doanh nghiệp, số lao động đăng ký và số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động trong ngắn hạn.

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

1.1. Doanh nghiệp thành lập mới

Trong 9 tháng đầu năm 2020, cả nước có 98.955 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 3,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm giai đoạn 2015-2019 chưa từng ghi nhận sự sụt giảm nào về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tỷ lệ tăng trung bình mỗi năm là 14,3%.

Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt 14,4 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô vốn đăng ký và tiếp tục xu hướng này đến thời điểm hiện tại.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2020 là 3.601.947 tỷ đồng (tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2019), bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 1.428.482 tỷ đồng (tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2019) và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp là 2.173.465 tỷ đồng (tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2019) với 29.540 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2020 là 777.902 lao động, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2019. Những tháng đầu năm 2020, tổng lượng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động giảm so với cùng kỳ năm trước cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19. Sang các tháng của Quý III các chỉ tiêu đã có nhiều sự cải thiện, doanh nghiệp đã bắt đầu mạnh dạn trong việc nắm bắt những cơ hội, đầu tư vào sản xuất kinh doanh (số vốn đăng ký tháng 7/2020 tăng 72,0% so với tháng 6/2020 và số vốn đăng ký tháng 8/2020 tăng 20,7% so với tháng 7/2020).

- Phân theo lĩnh vực hoạt động:

Có 15/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2019, đặc biệt đáng chú ý là các ngành: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 37,2%); Hoạt động dịch vụ khác (giảm 32,1%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 21,5%); Kinh doanh bất động sản (giảm 19,2%) và Giáo dục và đào tạo (giảm 14,4%). Đây là những ngành được xem là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi diễn biến dịch bệnh Covid-19 tính đến thời điểm hiện tại.

Ở xu hướng ngược lại, 02 ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký trong 9 tháng tăng so với cùng kỳ năm 2019 là Sản xuất, phân phối điện, nước, gas có 4.241 doanh nghiệp (tăng 269,4%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 1.949 doanh nghiệp (tăng 31,1%). Một nguyên nhân giải thích cho việc tăng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập với tỷ lệ cao ở các ngành kinh doanh này là bởi vì đây là những ngành nghề kinh doanh thiết yếu, bất chấp sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 những ngành này vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh, thêm vào đó là sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh trong thời điểm hiện tại từ các ngành bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch sang những ngành nghề kinh doanh chịu ít rủi ro hơn.

- Phân theo địa bàn:

9 tháng đầu năm 2020 ghi nhận sự giảm sút về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập ở 3 khu vực trên cả nước.

Khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất với 40.910 doanh nghiệp (chiếm 41,3% cả nước) và số vốn đăng ký là 788.881 tỷ đồng (chiếm 55,2% cả nước). Tiếp đó là Đồng bằng Sông Hồng với 29.408 doanh nghiệp (chiếm 29,7% cả nước) và số vốn đăng ký là 355.600 tỷ đồng (chiếm 24,9% cả nước). Tây Nguyên là khu vực có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất với 3.618 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 3,7% cả nước) và số vốn đăng ký là 46.138 tỷ đồng (chiếm 3,2% cả nước).

- Phân theo quy mô vốn:

Doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 88.192 doanh nghiệp (chiếm 89,1%, giảm 2,8% so với cùng kỳ 2019). Một điểm đáng chú ý là số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở tất cả quy mô vốn đều đang có sự giảm sút, cụ thể: Số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng là 5.446 doanh nghiệp (chiếm 5,5%, giảm 2,8% so với cùng kỳ 2019); số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô từ 20 – 50 là 2.881 doanh nghiệp (chiếm 2,9%, giảm 1,2% so với cùng kỳ 2019); số doanh nghiệp đăng ký thành lập với quy mô vốn từ 50 - 100 tỷ đồng là 1.239 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, giảm 9,5% so với cùng kỳ 2019) và số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô trên 100 tỷ đồng là 1.197 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm 2019).

1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm nay là 34.631 doanh nghiệp, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là con số đáng ghi nhận, cao hơn trung bình tỷ lệ gia tăng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm giai đoạn 2015-2019 (trung bình tăng 18,3%).

Số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2020 tăng trên tất cả các lĩnh vực, tập trung chủ yếu ở các ngành: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (12.428 doanh nghiệp, chiếm 35,9%, tăng 16,0% so với cùng kỳ năm 2019); Xây dựng (5.108 doanh nghiệp, chiếm 14,7%, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2019); Công nghiệp chế biến, chế tạo (4.264 doanh nghiệp, chiếm 12,3%, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2019).

2. Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cả nước tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” về phòng, chống, dập dịch và phát triển kinh tế xã hội, chỉ thực hiện giãn cách ở một số địa phương có khả năng lây nhiễm cao, không áp dụng giãn cách xã hội trên quy mô lớn. Tuy nhiên, quãng thời gian từ khi bắt đầu quá trình phục hồi nền kinh tế, thực hiện các biện pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đến nay còn chưa đáng kể và diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp, kéo theo tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm vẫn có xu hướng tăng.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, có 78.306 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm: 38.629 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 81,8% so với cùng kỳ năm 2019, cao hơn gấp 3.7 lần so với mức tăng trung bình 21.9% giai đoạn 2015-2019), 27.588 doanh nghiệp chờ giải thể (giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2019, thấp hơn mức tăng trung bình 2,9% giai đoạn 2015-2019), 12.089 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2019, giai đoạn 2015-2019 tăng trung bình 12,1%). Trung bình mỗi tháng có 8.701 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 27,2% so với trung bình 9 tháng năm 2019.

2.1. Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn

Theo dữ liệu lịch sử thì tỷ lệ trung bình gia tăng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của 9 tháng hàng năm trong giai đoạn 2015-2019 trung bình là 21,9%. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2020 là 38.629 doanh nghiệp, tăng đến 81,8% với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong các kỳ 9 tháng giai đoạn 2015-2020, thể hiện sự ảnh hưởng rất lớn và dai dẳng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động từ 5 năm trở xuống là 19.294 doanh nghiệp (chiếm 49,9%); số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động từ 5 đến 10 năm là 10.687 doanh nghiệp (chiếm 27,7%) và số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên là 8.648 doanh nghiệp (chiếm 22,4%).

Các doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 9 tháng đầu năm 2020 có tổng số vốn là 280.293 tỷ đồng, với 277.180 lao động (bằng 19,6% tổng số vốn và bằng 35,6% tổng số lao động của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2020).

Một điểm đáng lưu ý là so với cùng kỳ năm 2019, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở tất cả 17 lĩnh vực. Trong đó, một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2019 là: Kinh doanh bất động sản (1.103 doanh nghiệp, tăng 161,4%); Giáo dục và đào tạo (745 doanh nghiệp, tăng 129,9%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.414 doanh nghiệp, tăng 120,3%); Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (2.320 doanh nghiệp, tăng 109,4%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (305 doanh nghiệp, tăng 102,0%); Hoạt động dịch vụ khác (517 doanh nghiệp, tăng 97,3%); và Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (2.377 doanh nghiệp, tăng 81,5%). Đây là các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19.

Phân theo địa bàn, tất cả các vùng lãnh thổ đều tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh. Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh cao nhất với 13.699 doanh nghiệp (chiếm 35,5%, tăng 98,9%); tiếp đến là Đồng bằng Sông Hồng với 13.246 doanh nghiệp (chiếm 34,3% cả nước, tăng 75,4%).

Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 35.247 doanh nghiệp (chiếm 91,2%, tăng 79,3% so với cùng kỳ năm 2019). Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng ở mọi quy mô vốn, cụ thể: Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 1.854 doanh nghiệp (chiếm 4,8%, tăng 107,4% so với cùng kỳ 2019); Ở quy mô vốn từ 20 - 50 tỷ đồng có 964 doanh nghiệp (chiếm 2,5%, tăng 121,1% so với cùng kỳ 2019); Ở quy mô vốn từ 50 - 100 tỷ đồng có 343 doanh nghiệp (chiếm 0,9%, tăng 109,1% so với cùng kỳ 2019) và quy mô trên 100 tỷ đồng có 221 doanh nghiệp (chiếm 0,6%, tăng 151,1% so với cùng kỳ năm 2019).

2.2. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể

Trong 9 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể là 27.588 doanh nghiệp, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể của 9 tháng hàng năm trong giai đoạn 2015-2019 có mức trung bình là tăng 2,9%. Các doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể trong 9 tháng đầu năm 2020 có tổng số vốn là 587.638 tỷ đồng, với 242.420 lao động (bằng 41,1% tổng số vốn và bằng 31,2% tổng số lao động của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2020).

Các ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ (10.248 doanh nghiệp, chiếm 37,1%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (3.164 doanh nghiệp, chiếm 11,5%); Xây dựng (3.022 doanh nghiệp, chiếm 11,0%).

Đông Nam Bộ là khu vực có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất (11.378 doanh nghiệp, chiếm 41,2%); tiếp đến là khu vực Đồng bằng sông Hồng (5.793 doanh nghiệp, chiếm 21,0%) và khu vực Bắc trung Bộ và Duyên hải miền Trung (4.961 doanh nghiệp, chiếm 18,0%).

Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động chờ giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 24.795 doanh nghiệp (chiếm 89,9%, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2019). Số lượng doanh nghiệp chờ giải thể tăng ở 4/5 quy mô vốn, cụ thể: Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 1.393 doanh nghiệp (chiếm 5,0%, tăng 16,9% so với cùng kỳ 2019); Ở quy mô từ 20 - 50 tỷ đồng có 732 doanh nghiệp (chiếm 2,7%, tăng 2,5% so với cùng kỳ 2019); Ở quy mô vốn từ 50 - 100 tỷ đồng có 331 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2019) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng có 337 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019).

2.3. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng đầu năm 2020 là 12.089 doanh nghiệp, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, đa số doanh nghiệp giải thể có thời gian hoạt động ngắn, cụ thể: Số doanh nghiệp đã giải thể có thời gian hoạt động từ 5 năm trở xuống là 8.357 doanh nghiệp (chiếm 69,1%), số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể có thời gian hoạt động từ 5 đến 10 năm là 2.179 doanh nghiệp (chiếm 18,0%) và số doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên là 1.553 doanh nghiệp (chiếm 12,8%).

Các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng đầu năm 2020 có tổng số vốn là 158.832 tỷ đồng, với 108.151 lao động (bằng 11,1% tổng số vốn và bằng 13,9% tổng số lao động của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2020).

8/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm 2019 là Kinh doanh bất động sản; Sản xuất phân phối, điện, nước, gas và Giáo dục và đào tạo với tỷ lệ tăng lần lượt là 50,3%; 39,6% và 26,5%.

Phân theo vùng lãnh thổ, 03 vùng có số lượng doanh nghiệp giải thể trong 9 tháng đầu năm 2020 tăng so cùng kỳ năm 2019 là: Đồng bằng sông Hồng (2.819 doanh nghiệp, tăng 17,0%), Đông Nam Bộ (5.310 doanh nghiệp, tăng 14,9%) và Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (1.816 doanh nghiệp, tăng 0,7%).

Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 10.745 doanh nghiệp (chiếm 88,9%, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2019). Ở 4/5 quy mô vốn còn lại, số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể đều ghi nhận tăng, cụ thể: Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 635 doanh nghiệp (chiếm 5,3%, tăng 15,7% so với cùng kỳ 2019); Ở quy mô từ 20 - 50 tỷ đồng có 355 doanh nghiệp (chiếm 2,9%, tăng 12,3% so với cùng kỳ 2019); Ở quy mô vốn từ 50 - 100 tỷ đồng có 162 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, tăng 10,2% so với cùng kỳ 2019) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng có 192 doanh nghiệp (chiếm 1,6%, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2019).

Từ phân tích trên, có thể thấy các doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ rất dễ tổn thương do ảnh hưởng của dịch. Do vậy các chính sách sắp tới cần quan tâm đến đối tượng này./.


Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3581
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)