Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/09/2020-08:36:00 AM
Tạo khuôn khổ pháp lý chung, có hiệu lực cao, lâu dài và ổn định cho việc thực hiện các dự án PPP tại Việt Nam
(MPI) - Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1109/QĐ-TTg ngày 24/7/2020 về việc ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội hóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu và xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự thảo đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Luật PPP được ban hành tạo khuôn khổ pháp lý chung, có hiệu lực cao, lâu dài và ổn định cho việc thực hiện các dự án PPP tại Việt Nam. Để đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành, Quốc hội đã giao Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành một số nội dung tại Luật đầu tư theo phương thức PPP.

Mục đích, quan điểm chỉ đạo việc xây dựng Nghị định là đảm bảo xây dựng quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam, dựa trên nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả, đơn giản nhằm lựa chọn được nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý thực hiện dự án. Đồng thời, đơn giản hóa quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở thống nhất với quy trình chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án PPP, đảm bảo phù hợp với quy mô, tính chất và yêu cầu của dự án.

Cùng với đó, xây dựng khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch nhằm khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công.

Dự thảo Nghị định được xây dựng dựa trên các quan điểm tuân thủ quy định của Luật PPP (chỉ bao gồm những nội dung Chính phủ được giao hướng dẫn), đảm bảo sự đồng bộ giữa Luật PPP và các quy định của pháp luật có liên quan. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Theo đó, nội dung Dự thảo tập trung quy định rõ quy trình áp dụng tương ứng với mỗi hình thức lựa chọn nhà đầu tư, trong đó, bao gồm quy định về việc thực hiện sơ tuyển trong đấu thầu rộng rãi trong nước, đấu thầu rộng rãi quốc tế. Đồng thời, quy định rõ về phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu (đánh giá về năng lực, kinh nghiệm; đánh giá về kỹ thuật; đánh giá về tài chính - thương mại). Quy định rõ về xử lý tình huống phát sinh trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư và quy định về hướng dẫn chuyển tiếp.

Dự thảo được xây dựng gồm 09 Chương, 89 Điều, trong đó, về áp dụng sơ tuyển và lựa chọn nhà đầu tư quốc tế, dự kiến quy định tại dự thảo Nghị định nội dung mời các nhà đầu tư quan tâm đầu tư dự án tại bước khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư. Căn cứ kết quả khảo sát, số lượng nhà đầu tư quan tâm (bao gồm nhà đầu tư nước ngoài), xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi “quốc tế” hoặc “trong nước”, có áp dụng “sơ tuyển” hoặc không áp dụng “sơ tuyển” tại quyết định phê duyệt dự án.

Về ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư, theo quy định tại Khoản 4 và khoản 5 Điều 28 Luật PPP quy định đối tượng được hưởng ưu đãi khi đánh giá hồ sơ dự thầu gồm nhà đầu tư có hồ sơ đề xuất dự án được chấp thuận và nhà đầu tư cam kết sử dụng nhà thầu, hàng hóa, vật tư, vật liệu, thiết bị trong nước. Nội dung này được định hướng quy định tại dự thảo Nghị định là nhà đầu tư có đề xuất dự án được chấp thuận được hưởng mức ưu đãi 5%; nhà đầu tư cam kết hàng hóa, vật tư, vật liệu, thiết bị trong nước được hưởng mức ưu đãi 3%, cam kết sử dụng nhà thầu được hưởng mức ưu đãi 2%. Giá trị sử dụng nhà thầu, hàng hóa, vật tư, vật liệu, thiết bị trong nước chiếm tỷ lệ 25% tổng mức đầu tư của dự án.

Phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, định hướng quy định tại dự thảo Nghị định (Điều 19) quy định sơ bộ tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật, phương pháp đánh giá về tài chính - thương mại và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chi tiết tại mẫu hồ sơ mời thầu.

Về hình thức đàm phán cạnh tranh, theo Điều 38 của Luật PPP quy định 3 trường hợp áp dụng: có không quá 03 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án được mời tham dự; dự án ứng dụng công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; dự án ứng dụng công nghệ mới theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ. Theo đó, định hướng quy định tại dự thảo Nghị định quy định đối với dự án có không quá 03 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm phê duyệt danh sách nhà đầu tư mời tham dự đàm phán tại quyết định phê duyệt dự án. Đối với dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới, danh sách ngắn nhà đầu tư được mời tham dự đàm phán được xác định thông qua thủ tục mời quan tâm. Dự thảo Nghị định đề xuất nội dung nguyên tắc đàm phán cạnh tranh, nội dung không được đàm phán với nhà đầu tư...

Dự thảo cũng quy định rõ các nội dung liên quan đến lĩnh vực, quy mô dự án; Thành lập, tổ chức, hoạt động của Hội đồng thẩm định; Quy trình dự án PPP; Trình tự chuẩn bị dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất; Quy trình tổng quát lựa chọn nhà đầu tư; Xử lý tình huống trong lựa chọn nhà đầu tư; Phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu; Hợp đồng mẫu đối với từng nhóm hợp đồng; Tỷ lệ giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng; Chấm dứt hợp đồng; Quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; Hồ sơ, thời hạn xác nhận hoàn thành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; Trình tự, thủ tục xử lý tài sản chuyển giao; Sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP; Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu; Xử lý vi phạm trong đầu tư theo phương thức PPP;.../.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2314
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)