Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/09/2020-14:39:00 PM
Tình hình Kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2020 tỉnh Cà Mau

I. CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ:

1. Ngư, nông, lâm nghiệp:

1.1. Thủy sản:

Sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác tháng 9/2020 ước đạt 49,10 nghìn tấn, tăng 2,29% so cùng kỳ; trong đó: tôm 17,90 nghìn tấn, tăng 1,99% so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2020 sản lượng thủy sản ước đạt 440,50 nghìn tấn, tăng 2,44% so cùng kỳ; trong đó: tôm 150,11 nghìn tấn, tăng 4,53% so cùng kỳ.

Về nuôi trồng thủy sản:

Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 9/2020 ước đạt 29,60 nghìn tấn, tăng 3,86% so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2020 ước đạt 262,10 nghìn tấn, tăng 2,38% so cùng kỳ; trong đó: tôm 143,14 nghìn tấn, tăng 5,41% so cùng kỳ.

Về khai thác thủy sản:

Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 9/2020 ước đạt 19,50 nghìn tấn; lũy kế 9 tháng năm 2020 ước đạt 178,40 nghìn tấn, tăng 2,53% so cùng kỳ. Nhìn chung, tình hình khai thác biển tháng 9/2020 sản lượng ổn định, các phương tiện tích cực ra khơi khai thác.

1.2. Nông nghiệp:

Tình hình sản xuất các loại cây trồng hàng năm chủ yếu ước 9 tháng năm 2020:

-Tình hình sản xuất lúa đông xuân:tổng diện tích gieo trồng lúa vụ đông xuân năm 2020 của tỉnh Cà Mau đạt 36.104,80 ha, giảm 1,06% so cùng kỳ; diện tích thu hoạch đạt 35.479,79 ha, chiếm 98,27% diện tích gieo trồng; năng suất thu hoạch bình quân đạt 58,81 tạ/ha, tăng 9,17%; sản lượng thu hoạch đạt 208.652,52 tấn, tăng 7,43% so cùng kỳ năm 2019. Diện tích gieo trồng lúa vụ đông xuân giảm chủ yếu do người dân chuyển mục đích sử dụng sang nuôi trồng thủy sản ở huyện Thới Bình, U Minh. Tuy nhiên, nhờ được sự hướng dẫn, tuyên truyền của các ngành chức năng về tác hại của việc đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa, cũng như tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng đưa nước mặn vào nuôi tôm một cách tự phát của người dân nên đa phần diện tích trồng lúa đông xuân năm trước được giữ vững. Trong vụ sản xuất tuy bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn nhưng bà con đã được các ngành chức năng cảnh báo sớm do đó mức độ ảnh hưởng không nhiều. Bên cạnh đó, bà con nông dân đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đưa các giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao và đồng thời kháng được nhiều sâu bệnh vào trong sản xuất,... nên năng suất gieo trồng và sản lượng thu hoạch tăng so cùng kỳ.

- Diện tích gieo trồng rau, cải các loại ước đạt 5.482 ha, giảm 0,83% so cùng kỳ; diện tích thu hoạch ước đạt 4.964 ha, giảm 0,86%; sản lượng thu hoạch ước đạt 36.299 tấn, giảm 0,98% so cùng kỳ. Diện tích gieo trồng giảm chủ yếu do các tháng đầu năm nắng hạn kéo dài, xâm nhập mặn, nguồn nước tưới tiêu thiếu, rau màu phát triển kém, một số hộ ngưng sản xuất.

- Diện tích gieo trồng đậu các loại ước đạt 473 ha, giảm 25,86% so cùng kỳ; diện tích thu hoạch ước đạt 450 ha, giảm 26,35%; sản lượng thu hoạch ước đạt 950 tấn, giảm 33,15% so cùng kỳ. Diện tích đậu chủ yếu là giảm diện tích đậu xanh vụ đông xuân ở huyện Trần Văn Thời, do hạn hán kéo dài, thiếu nước tưới nên diện tích gieo trồng giảm so cùng kỳ. Đồng thời, vào cuối vụ đông xuân các kênh, mương trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đều khô cạn, không có đủ nước ngọt để tưới làm cho năng suất và sản lượng thu hoạch của đậu xanh giảm nhiều so cùng kỳ.

Tình hình sản xuất cây lâu năm ước 9 tháng năm 2020:

Tổng diện tích cây lâu năm 9 tháng năm 2020 của tỉnh Cà Mau ước đạt 15.600,73 ha, giảm 1,83% so với cùng kỳ. Diện tích cây lâu năm chủ yếu là giảm diện tích chuối, dừa. Người dân đã chuyển đổi một phần diện tích trồng chuối, dừa sản xuất không hiệu quả do đất bị nhiễm phèn, mặn, năng suất thấp chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Trong đó:

- Tổng diện tích cây ăn quả 9 tháng năm 2020 ước đạt 8.430,45 ha, giảm 2,57% so cùng kỳ.

- Diện tích cây lấy quả chứa dầu (dừa) 9 tháng ước đạt 7.164,77 ha, giảm 0,97% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch ước đạt 22.638,41 tấn, tăng 0,80% so cùng kỳ.

Tình hình sâu bệnh:

- Trên lúa: diện tích lúa bị gây hại bởi sâu cuốn lá, đạo ôn lá, rầy nâu, ốc bươu vàng, bọ trĩ, đốm vằn, cháy bìa lá,… gây hại rải rác với mức độ thiệt hại nhẹ, diện tích bị ảnh hưởng lũy kế là 12.760 ha, người dân đã phòng trừ và khắc phục kịp thời.

- Trên rau màu: ảnh hưởng bọ nhảy, sâu tơ, sâu khoang và bệnh đốm phấn trắng xuất hiện rải rác trên rau, màu ở một vài nơi trong tỉnh mức độ thiệt hại nhỏ, diện tích bị ảnh hưởng lũy kế là 591,50 ha, người dân đã phòng trừ và khắc phục kịp thời.

- Cây ăn trái: bị ảnh hưởng của sâu đục cành, ngọn, bệnh cháy lá gây hại trên xoài; sâu vẽ bùa gây hại trên cam, quýt, mức độ thiệt hại không lớn.

- Cây mía: bị sâu đục thân gây hại ở giai đoạn vươn lóng, mức độ thiệt hại không đáng kể, đã được phòng trừ và khắc phục.

- Cây dừa: bị bọ cánh cứng tiếp tục gây hại trong giai đoạn cho trái.

1.3. Lâm nghiệp:

Công tác trồng rừng:diện tích rừng trồng mới tập trung ước 9 tháng năm 2020 là 975 ha (trong đó: trồng rừng mới là 246 ha, trồng sau khai thác là 729 ha). Hiện các Công ty lâm nghiệp, lâm ngư trường, các xã có diện tích trồng rừng và chủ rừng đã khẩn trương triển khai thực hiện công tác trồng rừng đúng theo kế hoạch được giao.

- Tổng diện tích rừng trồng được chăm sóc ước 9 tháng năm 2020 là 11.511 ha, tăng 774 ha (tăng 7,21%) so với cùng kỳ. Chia ra: diện tích chăm sóc rừng sản xuất 8.647 ha, diện tích chăm sóc rừng phòng hộ 2.806 ha, diện tích chăm sóc rừng đặc dụng 58 ha.

- Diện tích rừng được giao khoán và bảo vệ ước 9 tháng năm 2020 là 48.657 ha, giảm 182 ha (giảm 0,37%) so với cùng kỳ. Diện tích rừng được bảo vệ chủ yếu 2 loại rừng: rừng phòng hộ xung yếu 16.625 ha; rừng đặc dụng và phòng hộ rất xung yếu 32.032 ha, nhằm ngăn chặn những tác nhân xâm hại đến rừng, hạn chế tối đa các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng.

Công tác khai thác gỗ và lâm sản:tổng số gỗ khai thác lũy kế 9 tháng năm 2020 đạt 129.600 m3, tăng 0,05% so cùng kỳ; củi khai thác ước đạt 127.196 ste, giảm 2,08% so cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp:

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp:

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tháng 9/2020 tăng 13,21%so tháng trước, tăng 30,86%so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2020 chỉ số sản xuất tăng 1,77%so cùng kỳ. Cụ thể từng ngành công nghiệp như sau:

- Ngành khai khoáng: chỉ số sản xuất tháng 9/2020 ước tính tăng 47,60%so tháng trước, tăng 42,97%so cùng kỳ. Chỉ số tháng 9 tăng mạnh là do trong tháng 8 công ty khí tiến hành bảo dưỡng sửa chữa. Lũy kế 9 tháng năm 2020 chỉ số sản xuất giảm 9,76%so cùng kỳ.

- Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: chỉ số sản xuất tháng 9/2020 ước tính tăng4,49%so tháng trước, tăng16,72%so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2020 chỉ số sản xuất tăng 9,23%so cùng kỳ. Trong đó một số ngành chế biến chủ yếu như:

+ Ngành sản xuất chế biến thực phẩm: chỉ số sản xuất tháng 9/2020 tăng2,67%so tháng trước, tăng9,91%so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2020 chỉ số tăng9,00%so cùng kỳ.Nhìn chung, tình hình chế biến thực phẩm tháng 9 đã tăng trở lại sau những ảnh hưởng từ dịch Covid-19, hiện nay tình hình tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau đã có những chuyển biến tích cực.

+ Ngành sản xuất đồ uống: chỉ số sản xuất tháng 9/2020 giảm0,03%so tháng trước, tăng 0,37%so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2020 chỉ số giảm 1,81%so cùng kỳ.

+ Ngành sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế (chủ yếu sản xuất khí hóa lỏng (LPG)): chỉ số sản xuất tháng 9/2020 ước tính tăng 1,21% so tháng trước, tăng 53,38% so cùng kỳ(tăng mạnh so cùng kỳ là do trong tháng 9/2019 công ty khí dừng 16 ngày để phục vụ bảo dưỡng sửa chữa đường ống). Lũy kế 9 tháng năm 2020 chỉ số tăng 3,03% so cùng kỳ.

+ Ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (chủ yếu sản xuất phân đạm): chỉ số sản xuất tháng 9/2020 tăng 23,26%so tháng trước,tăng 103,23%so cùng kỳ.Nguyên nhân chỉ số tháng 9 tăng mạnh so với tháng trước và cùng kỳ là do Nhà máy Đạm Cà Mau vừa hoàn thành đợt bảo dưỡng tổng thể (10 ngày) và đã khởi động lại máy, cho ra sản phẩm thương mại, đáp ứng nhu cầu phân bón trong thời gian tới.Lũy kế 9 tháng năm 2020 chỉ số sản xuấttăng 9,48%so cùng kỳ.

- Ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng: chỉ số sản xuất tháng 9/2020tăng 33,28%so tháng trước, tăng 90,57%so cùng kỳ. Chỉ số tháng 9 tăng mạnh so tháng trước và so cùng kỳ docác tổ máy vận hành ổn định và lưu lượng khí cấp ổn định trở lại sau khi tiến hành bảo dưỡng sửa chữa trong tháng 8.Lũy kế 9 tháng năm 2020 chỉ số sản xuấtgiảm 8,28%so cùng kỳ.

- Ngành công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải: chỉ số sản xuất tháng 9/2020 tăng12,13%so tháng trước, tăng17,76%so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2020 chỉ số sản xuất tăng14,28%so cùng kỳ.

Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu:

-Tôm đông: tháng 9/2020 ước đạt 12,39 nghìn tấn, tăng 2,67% so tháng trước, tăng 9,91% so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2020 ước đạt 90,26 nghìn tấn, tăng 9,00% so cùng kỳ.

-Điện sản xuất: tháng 9/2020 ước đạt 531 triệu kwh, tăng 34,06% so tháng trước, tăng 92,96% so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2020 ước đạt 5.335,40 triệu kwh, giảm 8,47% so cùng kỳ.

- Khí khô thương phẩm: tháng 9/2020 ước đạt 156,90 triệu m3khí, tăng 47,60% so tháng trước, tăng 119,75% so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2020 ước đạt 1.346,50 triệu m3khí, giảm 2,72% so cùng kỳ.

- Sản lượng Urê sản xuất: tháng 9/2020 ước đạt 68,19 nghìn tấn, tăng 23,26% so tháng trước, tăng 103,23% so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2020 ước đạt 679,91 nghìn tấn, tăng 9,48% so cùng kỳ.

-Bu tan đã được hóa lỏng (LPG): tháng 9/2020 ước đạt 13,20 nghìn tấn, tăng 1,21% so tháng trước, tăng 53,38% so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2020 ước đạt 123,10 nghìn tấn, tăng 3,03% so cùng kỳ.

3.Tài chính, tín dụng:

3.1. Thu, chi ngân sách Nhà nước:

- Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn:lũy kế từ đầu năm đến ngày 22/9/2020 đạt 4.596,25 tỷ đồng, đạt 80,71% so dự toán ngân sách năm 2020, tăng 10,81% so cùng kỳ; trong đó: thu nội địa là 4.584,28 tỷ đồng, đạt 80,81% dự toán, tăng 10,98% so cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu là 11,96 tỷ đồng, đạt 54,37% dự toán, giảm 29,61% so cùng kỳ.

- Chi ngân sáchđịa phương:tổng chi lũy kế từ đầu năm đến ngày 22/9/2020 là 8.533,21 tỷ đồng, đạt 74,73% dự toán chi NSĐP năm 2020, tăng 23,49% so cùng kỳ; trong đó: chi ngân sách tỉnh trong cân đối đạt 4.765,74 tỷ đồng, đạt 63,80% so dự toán, tăng 33,32% so cùng kỳ; chi ngân sách huyện, xã trong cân đối đạt 3.741,84 tỷ đồng, đạt 95,47% so dự toán, tăng 13,61% so cùng kỳ; chi trả nợ gốc 25,63 tỷ đồng, đạt 85,59% so dự toán, giảm 38,35% so cùng kỳ.

3.2. Hoạt động tín dụng:

- Tổng nguồn vốn quý III năm 2020 ước đạt 52.970 tỷ đồng, tăng 1,20% so quý trước, tăng 5,40% so đầu năm, tăng 3,10% so cùng kỳ. Trong đó: nguồn vốn huy động tại địa phương ước đạt 31.925 tỷ đồng, tăng 1,50% so quý trước, tăng 5,00% so đầu năm, tăng 6,50% so cùng kỳ. Cụ thể: tiền gửi tiết kiệm ước đạt 25.078 tỷ đồng, tăng 5,80% so quý trước, tăng 5,60% so đầu năm, tăng 9,70% so cùng kỳ; tiền gửi của các tổ chức kinh tế ước đạt 6.581 tỷ đồng, giảm 12,00% so quý trước, tăng 1,60% so đầu năm, giảm 3,10% so cùng kỳ; huy động kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá khác ước đạt 266 tỷ đồng, tăng 2,70% so quý trước, tăng 49,40% so đầu năm, giảm 20,60% so cùng kỳ.

Tình hình huy động vốn của các chi nhánh Ngân hàng - TCTD trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định và tăng trưởng; các chi nhánh Ngân hàng - TCTDthực hiện nghiêm túc quy định mức lãi suất huy động vốn theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Nguồn vốn huy độngđáp ứng được66,86% so với tổng dư nợ cho vay (so với cùng kỳ năm trước giảm 0,19%), phần còn lại các chi nhánh Ngân hàng - TCTD tranh thủ nhận vốn điều hòa trong từng hệ thống để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn phục vụ cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

- Tổng dư nợ cho vay quý III năm 2020 ước đạt 47.748 tỷ đồng, tăng 3,90% so quý trước, tăng 8,10% so đầu năm, tăng 6,80% so cùng kỳ. Trong đó: dư nợ cho vay ngắn hạn ước đạt 28.168 tỷ đồng, tăng 4,50% so quý trước, tăng 11,40% so đầu năm, tăng 8,70% so cùng kỳ; dư nợ cho vay trung, dài hạn ước đạt 19.579 tỷ đồng, tăng 3,00% so quý trước, tăng 3,60% so đầu năm, tăng 4,10% so cùng kỳ.

4. Thương mại, giá cả:

4.1. Giá cả:

Chỉ số giá chung hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng9/2020tăng 0,21% so tháng trước, giảm 0,27% so tháng 12 năm trước, tăng 2,78% so cùng kỳ. Bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 3,85% so cùng kỳ. Nhìn chung, trong tháng 9 tình hình giá cả hàng hóa trên thị trường trong tỉnh có phần tăng nhẹ so tháng trước. Cụ thể, tình hình tăng, giảm giá của các nhóm hàng trong tháng 9/2020 như sau:

- Chỉ số giá hàng lương thựctăng 0,36% so tháng trước,tăng 6,47% so cùng kỳ.

- Chỉ số giá hàng thực phẩmgiảm 0,24%so tháng trước, tăng 12,91% so cùng kỳ; tăng so với cùng kỳ chủ yếu do giá một số mặt hàng sau tăng cao: thịt gia súc tăng 81,19%; thủy sản chế biến tăng 9,32%;…

- Các mặt hàng phi lương thực, thực phẩm: nhóm hàng đồ uống và thuốc lá giảm 0,14% so tháng trước, tăng 0,26% so cùng kỳ; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,04% so tháng trước, tăng 3,55% so cùng kỳ; nhóm hàng thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,04% so tháng trước, tăng 0,11% so cùng kỳ; nhóm hàng nhà ở, điện nước, chất đốt, VLXD tăng 0,86% so tháng trước, tăng 1,12% so cùng kỳ; nhóm giao thông giảm 0,05% so tháng trước, giảm 11,75% so cùng kỳ (nguyên nhân giảm do giá xăng dầu điều chỉnh giảm); nhóm giáo dục tăng 2,41% so tháng trước, tăng 2,68% so cùng kỳ;...

* Giá vàng bình quân trong tháng 9/2020 là 54,05 triệu đồng/1 lượng, chỉ số giá vàng tăng 0,13% so tháng trước, tăng 30,55% so tháng 12 năm trước, tăng 28,23% so cùng kỳ. Giá đô la Mỹ bình quân trong tháng 9/2020 là 23.270 VN đồng/1USD, chỉ số giá đồng USD vẫn giữ ổn định so tháng trước, tăng 0,20% so tháng 12 năm trước, tăng 0,07% so cùng kỳ.

4.2. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và hoạt động khách sạn, nhà hàng:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tháng 9/2020 ước đạt 4.814,90 tỷ đồng, tăng 2,52% so tháng trước, tăng 8,37% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.491,68 tỷ đồng, tăng 2,70% so tháng trước, tăng 8,45% so cùng kỳ. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 9/2020 tăng so với tháng trước; chủ yếu tăng ở một số nhóm mặt hàng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình do bước vào thời gian bắt đầu năm học mới. Lũy kế 9 tháng năm 2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ước đạt 39.909,67 tỷ đồng, tăng 5,52% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 36.944 tỷ đồng, tăng 5,40% so cùng kỳ.

Doanh thu khách sạn, nhà hàng và dịch vụ hỗ trợ du lịch tháng 9/2020 ước đạt 459,82 tỷ đồng, tăng 0,22% so tháng trước, tăng 7,41% so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2020 ước đạt 4.394,35 tỷ đồng, giảm 4,84% so cùng kỳ.

Lượt khách lưu trú tháng 9/2020 ước đạt 143,01 nghìn lượt khách, tăng 0,51% so tháng trước, tăng 4,35% so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2020 ước đạt 1.054,11 nghìn lượt khách, giảm 24,22% so cùng kỳ.

Doanh thu khách sạn, nhà hàng cũng như lượt khách tháng 9 tăng nhẹ so với tháng trước. Tình hình dịch bệnh Covid-19 bước đầu được kiểm soát nên các hoạt động kinh doanh ăn uống, nghỉ ngơi của người dân trên địa bàn đã từng bước ổn định trở lại. Lũy kế 9 tháng năm 2020 doanh thu giảm so với cùng kỳ (giảm 4,84%); nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

5. Hoạt động giao thông vận tải:

Khối lượngvận chuyển hành khách tháng9/2020ước đạt 3.470,87 nghìn HK, tăng 2,37% sothángtrước, tăng 1,77% so cùng kỳ.Lũy kế 9 tháng năm2020 ước đạt 28.190,21nghìn HK, giảm 6,30% so cùng kỳ.

Khối lượng luân chuyển hành khách tháng9/2020 ước đạt 104.931,69nghìnHK.km, tăng2,15% sothángtrước, tăng1,19% so cùng kỳ.Lũy kế 9 tháng năm2020 ước đạt 900.981,02nghìnHK.km,giảm 5,10% so cùng kỳ.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng9/2020 ước đạt 208,00nghìntấn, tăng3,11% so tháng trước, tăng8,02% so cùng kỳ.Lũy kế 9 tháng năm2020 ước đạt 1.978,76nghìntấn,tăng3,46% so cùng kỳ.

Khối lượng luân chuyển hàng hóa tháng 9/2020 ước đạt 24.199,88nghìntấn.km, tăng3,08% so tháng trước, tăng 8,09% so cùng kỳ.Lũy kế 9 tháng năm 2020 ước đạt 239.160,88nghìntấn.km,tăng 4,69% so cùng kỳ.

Khối lượngvận tải tháng 9/2020 tăng so với tháng trước; nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân tăng trong dịp Lễ Quốc Khánh 02/9 và sinh viên, học sinh trở lại trường vào mùa tựu trường bắt đầu năm học mới.

II. HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA - XÃ HỘI:

1. Công tác đào tạo nghề, an sinh - xã hội:

Công tác tuyển sinh đào tạo nghề:lũy kế từ đầu năm đến ngày 22/9/2020 đã tuyển sinh, đào tạo nghề 28.956/35.000 lao động, đạt 82,73% so kế hoạch. Trong đó: đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg là 7.838/8.000 người; trung cấp, cao đẳng là 594/1.955 người; đào tạo, bồi dưỡng nghề là 20.524/25.045 người.

Công tác chăm sóc người có công:

- Tiếp tục thẩm định, tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ người có công các loại theo đúng thời gian quy định thủ tục hành chính. Tổng số người có công trên địa bàn tỉnh hiện nay là 110.621 người.

- Vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa: lũy kế từ đầu năm tính đến ngày 22/9/2020 toàn tỉnh đã vận động được 9,660 tỷ đồng, đạt 101,68% kế hoạch năm. Qua đó, các địa phương đã xây dựng và sửa chữa 186 căn nhà tình nghĩa; trong đó: xây mới 83 căn, sửa chữa 103 căn.

- Ngoài ra, trong tháng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã tham mưu tỉnh tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02/9 như tổ chức lễ viếng nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, phục vụ các đoàn lãnh đạo tỉnh đi thăm và tặng quà các gia đình Cán bộ Lão thành Cách Mạng - Cán bộ Tiền khởi nghĩa tại thành phố Cà Mau và huyện Phú Tân.

2. Giáo dục:công tác giáo dục quý III/2020 tập trung vào thực hiện các công việc trọng tâm sau:

- Chỉ đạo các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm túc Kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021; triển khai thực hiện chương trình học kỳ I năm học 2020 - 2021 đối với Giáo dục mầm non, Giáo dục phổ thông và Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

- Công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Cà Mau năm 2020, toàn tỉnh có 9.301 thí sinh dự thi; tổng số thí sinh tốt nghiệp 9.206 thí sinh, đạt tỷ lệ 98,98%; xét công nhận kết quả tốt nghiệp sau phúc khảo có 05 thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT nâng tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh lên 99,03%.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai chương trình “Vì em hiếu học” năm học 2020 - 2021, thực hiện chương trình trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi, nhằm khuyến khích tạo động lực, điều kiện cho các em trong ngày Khai giảng năm học mới 2020 - 2021; chỉ đạocác trường mầm non, phổ thông trong tỉnh tổ chứckhai giảng vào ngày 05/9/2020"Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường";tình hình tổ chức Lễkhai giảng năm học 2020- 2021tại các trường mầm non và phổ thông trong toàn tỉnh được triển khai thực hiện đúng theo quy định.

-Chỉ đạo các đơn vị trường học tăng cường công tác bảo quản, sửa chữa tài sản trường học, xây dựng cơ sở vật chất các trường học và các trường trong danh mục đạt chuẩn quốc gia;tínhđến nay toàn tỉnh có295/522 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 56,51% (Trong đó: có 83/133 trường mầm non, tỷ lệ 62,41%; 140/235 trường tiểu học, tỷ lệ 59,57%; 69/121 trường Trung học cơ sở, tỷ lệ 57,02% và 02/32 trường Trung học phổ thông, tỷ lệ 6,25%).

- Tiếp tục mở rộng hệ thống nhà trẻ, trường mầm non, trường mẫu giáo, chú trọng đối với địa bàn nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer; nâng dần tỷ lệ trẻ em đi nhà trẻ, mẫu giáo so với tổng số trẻ trong độ tuổi; nâng tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo trước khi vào lớp 1; toàn tỉnh tiếp tục duy trì 9/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn quốc gia về công tácphổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.

- Thực hiện có hiệu quả chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, trọng tâm là đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, chuyển dần khái niệm thi sang khái niệm kiểm tra, đánh giá các kiến thức phổ thông, cơ bản của học sinh; tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn; đổi mới kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

- Hướng dẫn các trường học xây dựng lại chương trình, kế hoạch dạy học; tổ chức thẩm định chương trình, kế hoạch dạy học các môn học cấp THPT để sử dụng thống nhất trong toàn tỉnh; rà soát, kiểm tra việc triển khai thực hiện chương trình kế hoạch dạy học năm học 2020 - 2021, nhất là đối với lớp 1; kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc cung ứng sách giáo khoa lớp 1 của các trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh; hoàn thành tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2020 - 2021.

3. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao 9 tháng năm 2020:

Hoạt động thông tin tuyên truyền:tập trung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của địa phương; tuyên truyền công tác xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, an toàn giao thông, kỷ niệm các ngày lễ lớn, chào mừng Đại hội thi đua yêu nước; Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp:Đoàn Cải lương Hương Tràm và Đoàn Nghệ thuật Khmer tập trung xây dựng các chương trình văn nghệ tham gia liên hoan và phục vụ các sự kiện chính trị của địa phương tiêu biểu như phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tổ chức chương trình tác giả tác phẩm; phục vụ văn nghệ buổi họp mặt đồng hương tại TP Hồ Chí Minh; phục vụ Tết dương lịch năm 2020; biểu diễn nghệ thuật phục vụ mừng Đảng, mừng Xuân Canh Tý năm 2020; biểu diễn tuyên truyền chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Nhà hát Cao Văn Lầu tỉnh Bạc Liêu phục vụ tại tỉnh Bạc Liêu. Kết quả lũy kế 9 tháng năm 2020 đã thực hiện 94 đêm diễn.

Phong trào thể dục, thể thao:thể thao thành tích cao từng bước ổn định, trong 9 tháng năm 2020 Cà Mau đã tham gia thi đấu 08 giải, đạt được 59 huy chương các loại, trong đó có 07 huy chương vàng, 16 huy chương bạc và 36 huy chương đồng. Công tác đào tạo năng khiếu thể thao được quan tâm đầu tư gồm các môn: Bóng đá U13, Bóng chuyền bãi biển, Điền kinh, Taekwondo,Vovinam, Boxing, Muya, Quần vợt, Cầu lông, Vật; có 79 vận động viên năng khiếu và 47 vận động viên tuyển, trẻ tập trung luyện tập thường xuyên. Trong 9 tháng năm 2020 do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên phong trào thể dục thể thao đã gặp không ít khó khăn. Nhiều giải thi đấu phải tạm hoãn nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch.

4. Thiên tai, cháy nổ:

Thiên tai:công tác phòng chống lụt bão - khắc phục thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tiếp tục được kiểm tra thường xuyên và duy trì có hiệu quả. Trong tháng đã xảy ra 01 vụ sạt lở, làm ảnh hưởng 02 căn nhà và thiệt hại 20m đường giao thông nông thôn; ước tính tổng thiệt hại khoảng 20 triệu đồng.

Số vụ cháy, nổ:công tác phòng, chống cháy nổ luôn được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm và chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra thường xuyên; đồng thời vận động, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức trong công tác phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, tình hình sử dụng điện không an toàn do ý thức chủ quan của người dân vẫn còn. Trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy, thiệt hại 01 cơ sở sản xuất kinh doanh; ước tính tổng thiệt hại về tài sản ban đầu khoảng 700 triệu đồng.

Sau khi xảy ra sự việc, các ngành chức năng, cùng chính quyền địa phương đã đến động viên, thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại khắc phục khó khăn, ổn định lại cuộc sống. Bên cạnh đó, các ngành chức năng vẫn tiếp tục tuyên truyền người dân thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ, thiên tai và luôn cảnh báo người dân sống gần khu vực bờ sông, ven biển đề phòng nguy cơ sạt lở, gió lốc nhằm tránh thiệt hại về người và tài sản.

5. Tai nạn giao thông tháng 9/2020:(từ ngày 15/8/2020 đến ngày 14/9/2020)

Trong tháng 9/2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 05 vụ tai nạn giao thông, giảm 03 vụ so tháng trước; làm chết 02 người, giảm 03 người; bị thương 04 người, không đổi so tháng trước. Trong đó:

- Tai nạn giao thông đường bộ: tháng 9/2020 xảy ra 04 vụ, làm chết 01 người, bị thương 04 người. Địa bàn xảy ra tai nạn: huyện Cái Nước xảy ra 02 vụ, chết 01 người, bị thương 02 người; huyện Trần Văn Thời xảy ra 01 vụ, bị thương 01 người; TP Cà Mau xảy ra 01 vụ, bị thương 01 người.

- Tai nạn giao thông đường thủy: tháng 9/2020 xảy ra 01 vụ, làm chết 01 người; xảy ra ở huyện Trần Văn Thời.

6. Y tế:

Công tác phòng chống bệnh dịch:

Trong tháng 9/2020, một vài bệnh truyền nhiễm tăng so tháng trước nhưng so cùng kỳ giảm mạnh; cụ thể: bệnh sốt xuất huyết mắc 93 ca, tăng 82,35% so tháng trước, giảm 50,53% so cùng kỳ; bệnh tiêu chảy mắc 103 ca, giảm 27,46% so tháng trước, giảm 33,55% so cùng kỳ; bệnh tay chân miệng mắc 48 ca, tăng 50,00% so tháng trước, giảm 74,60% so cùng kỳ; bệnh sởi mắc 10 ca, tăng 03 ca so tháng trước, giảm 72,22% so cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng năm 2020, hầu hết các bệnh truyền nhiễm giảm đáng kể so với cùng kỳ và không có tử vong; cụ thể: bệnh sốt xuất huyết mắc 367 ca, giảm 59,36% so cùng kỳ; bệnh tiêu chảy mắc 1.075 ca, giảm 41,54% so cùng kỳ; bệnh tay chân miệng mắc 579 ca, giảm 72,87% so cùng kỳ; bệnh sởi mắc 119 ca, giảm 90,99% so cùng kỳ.

Công tác phòng chống HIV/AIDS:

Trong tháng 9/2020, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện thêm 33 người nhiễm HIV, cộng dồn từ đầu năm là 243 người, lũy tích là 3.975 người. Bệnh nhân AIDS phát hiện mới 24 người, cộng dồn từ đầu năm là 176 người, lũy tích là 1.614 người. Bệnh nhân tử vong do AIDS 02 người, cộng dồn từ đầu năm là 45 người, lũy tích 516 người.

Tự tử, ngộ độc thực phẩm, tai nạn lao động:

Trong tháng 9/2020, ngộ độc thực phẩm mắc 03 trường hợp, không đổi so tháng trước, tăng 02 trường hợp so cùng kỳ. Tự tử là 27 trường hợp, tăng 68,75% so tháng trước, tăng 125,00% so cùng kỳ. Tai nạn lao động là 105 trường hợp, tăng 36,36% so tháng trước, giảm 22,22% so cùng kỳ.

Công tác khám chữa bệnh:

Trong tháng 9/2020, tổng số lượt khám bệnh là 567.225 lượt, giảm 8,21% so tháng trước; bệnh nhân điều trị nội trú 15.581 lượt, giảm 6,96%; ngày điều trị nội trú 93.279 ngày, giảm 9,34% so tháng trước. Công suất sử dụng giường bệnh tại các đơn vị cụ thể như sau: 03 bệnh viện tuyến tỉnh đạt trung bình 101,2%; 05 bệnh viện đa khoa đạt trung bình 81,8%; 04 Trung tâm Y tế có giường bệnh đạt trung bình 76,7%; 07 phòng khám đa khoa khu vực đạt 1,6%; y tế ngành đạt 39,7%; bệnh viện ngoài công lập đạt 49,0%.

III. KẾT LUẬN:

Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau 9 tháng năm 2020 gặp nhiều khó khăn, thách thức như: tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội;chịu tác động nhiều nhất làcác ngành, lĩnh vực như: công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp, du lịch, thương mại, giao thông vận tải;… Ngoài ra, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của một bộ phận người dân.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời của Cấp ủy đảng, sự điều hành sát sao của chính quyền, sự phối hợp nhịp nhàng của các ngành, các cấp, kinh tế của tỉnh từng bước vượt qua khó khăn, thách thức; một số lĩnh vực đạt kết quả khả quan, các lĩnh vực văn hóa - xã hội và công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo được quan tâm chỉ đạo kịp thời và có hiệu quả; đặc biệt là công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ.

Trong thời gian tới các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh thu hút, mời gọi đầu tư; tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ động ứng phó với thiên tai trước mùa mưa, bão năm 2020 nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển trong thời gian tới./.


UBND tỉnh Cà Mau

    Tổng số lượt xem: 768
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)