1. Sản xuất Nông, lâm nghiệp, thủy sản:
a. Nông nghiệp:
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 6 /2013 vẫn duy trì phát triển. Trong kỳ hồ Dầu Tiếng xả nước đầy đủ đảm bảo nhu cầu tưới tiêu cho cây trồng. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc không xảy ra, cúm gia cầm có xảy ra nhưng trên phạm vi hẹp, đã được khống chế kịp thời. Các cây trồng vụ đông xuân 2012-2013 sinh trưởng, phát triển tốt; hiện nay một số diện tích gieo trồng sớm đã bước vào giai đoạn thu hoạch với năng suất đạt khá cao. Đa số dịch hại trên các loại cây trồng phát sinh gây hại ở mức nhiễm nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng cây trồng..
Giá trị sản xuất nông nghiệp 6T/2013 trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.962 tỷ đồng (theo giá CĐ 94), tăng 5,23% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành trồng trọt đạt 2541 tỷ đồng, tăng 5,09%, ngành chăn nuôi đạt 326 tỷ đồng, giảm 1,86% và ngành dịch vụ đạt 95 tỷ đồng, tăng 46,59% so cùng kỳ năm 2012.
Tình hình sản xuất cụ thể như sau:
+ Trồng trọt:
Gieo trồng vụ đông xuân - hè thu:
Tính đến ngày 15/6/2013 toàn tỉnh gieo trồng được 167.390 ha, giảm 2,44% so cùng kỳ năm trước; trong đó, có 128.046 ha cây trồng thu hoạch trong vụ, giảm 5,48% và 39.344 ha cây trồng thu hoạch năm sau (mía, mì), tăng 8,97% so cùng kỳ. Đối với cây trồng thu hoạch trong vụ, các cây trồng có diện tích lớn đều có diện tích gieo trồng giảm, trong đó, lúa đạt 94.163 ha, giảm 5,26%, chủ yếu do chuyển đổi cây trồng (chuyển từ đất trồng lúa sang trồng ngô, thuốc lá vàng, đậu phộng, …); rau đậu các loại đạt 17.714 ha, cũng giảm 7,78%; … so cùng kỳ năm trước; trong khi đó, diện tích gieo trồng của cây ngô, thuốc lá và đậu phộng vẫn tăng, cụ thể: ngô đạt 3.224 ha, tăng 14,12%, do loại cây trồng này thời gian cho thu hoạch nhanh, giá cả hợp lý nên nông dân đã tranh thủ những diện tích trống để xuống giống; diện tích cây thuốc lá đạt 3.441 ha, tăng mạnh (+ 17.36%), tập trung chủ yếu tại huyện Bến Cầu (+ 32,91%), do năm nay ít sương muối và thời tiết ấm hơn, thời tiết thuận lợi nên người dân xuống giống nhiều; diện tích đậu phộng có xu hướng phục hồi, vụ này đã đạt 6.280 ha, tăng 2,8% so cùng kỳ. Đối với các cây trồng thu hoạch năm sau (mía, mì): diện tích mì đạt 34.925 ha, tăng 10,50%; diện tích mía trồng mới đạt 4.419 ha, giảm 1,8% so cùng kỳ năm trước, mặc dù có các chính sách khuyến khích nông dân trồng mía, tuy nhiên diện tích mía trồng mới chỉ tăng nhẹ do không còn quĩ đất, đồng thời lợi nhuận trồng mía cũng thấp hơn một số cây trồng khác nên nông dân không mặn mà đầu tư.
Năng suất – sản lượng một số cây trồng chính (vụ đông xuân):
Cây lúa đạt năng suất 55,03 tạ/ha, tăng 1,28 ta/ha; sản lượng đạt 245.608 tấn, giảm 4,01% so cùng kỳ. Trong vụ giá thu mua lúa tăng khá, thời tiết thuận lợi cho phát triển, hồ Dầu Tiếng cung cấp đầy đủ nước tưới, nông dân áp dụng các loại giống mới có năng suất và giá trị cao; tuy nhiên một số huyện vùng cao do điều kiện tưới tiêu chưa chủ động, một số huyện khác do việc thực hiện kiên cố hóa kênh mương đã không đảm bảo được nguồn nước tưới nên năng suất chưa cao, do đó năng suất chung của cả tỉnh còn tăng khiêm tốn..
Cây ngô năng suất đạt 54,87 tạ/ha, tăng 3,86% so cùng kỳ; sản lượng đạt 17.618 tấn, tăng 12,74% so cùng kỳ. Sản lượng tăng chủ yếu do diện tích tăng (+8,55%).
Cây đậu phộng năng suất đạt 34,29 tạ/ha, tăng 5,33%; sản lượng đạt 14383 tấn, giảm 28,89% so cùng kỳ; sản lượng giảm do diện tích giảm vì thời gian gần đây giá cả không ổn định nên diện tích giảm liên tục, đồng thời hiện nay cây đậu phộng được trồng tập trung tại các vùng chuyên canh nên diện tích không được mở rộng như những năm trước.
Cây rau các loại năng suất đạt 163,23 tạ/ha, tăng 0,80 %; diện tích đạt 6348 ha, giảm 9,68%; sản lượng đạt 103.621 tấn, giảm 8,95% so cùng kỳ; như vậy sản lượng giảm do diện tích giảm.
* Thu hoạch cây trồng vụ trước:
Sản lượng mì thu hoạch ước 6 tháng đạt 856.986 tấn, tăng 3,02%; năng suất đạt 288,09 tạ/ha, giảm 0,76 %, sản lượng 1.315364 tấn giảm 0,17% so cùng kỳ; nguyên nhân do những tháng đầu năm nắng nóng kéo dài, bệnh rệp sáp bột hồng phát sinh, giá tiêu thụ không ổn định, lợi nhuận thấp nên người sản xuất đầu tư ít .
Cây mía năng suất ước đạt 744,01 tạ/ha, tăng 0,74%; sản lượng ước đạt 1.661.756 tấn, giảm 3,14% so cùng kỳ năm 2012
Tình hình sâu bệnh:
6 T/2013, tình hình dịch bệnh trên các loại cây trồng đa số phát sinh gây hại ở mức nhiễm nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng cây trồng; riêng cây lúa, ngay sau tết Nguyên đán có đợt rầy nâu phát sinh mạnh trên diện rộng (diện tích bị nhiễm là 12.293,5 ha, gấp 7,7 lần so cùng kỳ) nhưng đã được khống chế kịp thời nên hạn chế việc cháy rầy xảy ra, sâu cuốn lá có 7.231 ha bị nhiễm, gấp 2,3 lần so cùng kỳ; cây mì có nhiều đối tượng phát sinh gia tăng diện tích, mức độ gây hại chủ yếu là côn trùng chích hút, trong đó một số đối tượng gây hại ở mức nhiễm nặng như nhện đỏ 231,5/968,5 ha, rệp sáp thường 12/21,2 ha, rệp sáp bột hồng 6/46,3 ha. Đối với các loại dịch bệnh trên đã được các ngành chức năng vận động nông dân phòng trị kịp thời.Riêng vụ Hè thu có 68 ha lúa bị nhiễm phèn nặng tại huyện Gò Dầu do thiếu nước.
+ Chăn nuôi:
Chăn nuôi gia súc, gia cầm 6T/2013 tương đối ổn định. Ước tính đàn trâu hiện có giảm 10%, đàn bò giảm 17%, do hiện nay không còn đồng trống để chăn thả, các nơi tận dụng mọi quĩ đất để trồng mì, cao su,…, riêng nuôi bò sữa đang phát triển bền vững do giá thu mua sữa ổn định; đàn lợn cũng ước giảm 7% so cùng kỳ, hiện giá thu mua thấp trong khi chi phí tăng cao, người sản xuất lỗ vốn nên không nuôi trở lại và giảm mạnh nhất là ở chăn nuôi nhỏ lẻ. Đàn gia cầm có xu hướng tăng tập trung ở nuôi gà do có một số doanh nghiệp đầu tư vào nuôi gà công nghiệp, đồng thời một số trang trại nuôi vịt cũng mở rộng sản xuất, do đó ước đàn gia cầm tăng 17% so cùng kỳ.
Trong kỳ, bệnh lở mồm long móng gia súc, lợn tai xanh không xảy ra; riêng dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 06 hộ, tập trung ở 04 xã thuộc huyện Bến Cầu và Thị Xã Tây Ninh, đã có 4.900 con gia cầm chết và tiêu hủy. Công tác xử lý và khống chế dịch đã được tiến hành khẩn trương, không để dịch lây lan trên diện rộng.
b. Lâm nghiệp:
Giá trị sản xuất lâm nghiệp ước thực hiện 6T/2013 đạt 57 tỷ đồng (theo giá CĐ 94), giảm 0,80% so cùng kỳ.
6 tháng đầu năm 2013 chưa thực hiện công tác trồng rừng mà tập trung công tác chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh, khai thác lâm sản và thực hiện công tác nghiệm thu rừng trồng năm 2012. Ước sản lượng gỗ khai thác 6/ 2013 đạt 7.449 m3, tăng 3,4% so cùng kỳ; chăm sóc 1818 ha rừng giảm 2,05% và khoanh nuôi tái sinh 6.853 ha giảm 0.61% so với cùng kỳ năm trước.Nguyên nhân giảm do đa số rùng khoanh nuôi chủ yếu là rừng tái sinh tự nhiên được quản lý bảo vệ khá tốt.
Ngay trong mùa khô, các ngành chức năng tập trung cho công tác phòng chống cháy rừng, tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2013 trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra 04 vụ cháy rừng với diện tích 19,6 ha. Công tác phòng ngừa và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng được tăng cường, số vụ phá rừng bị phát hiện và xử lý trong 6 T/2013 là 12 vụ, với diện tích rừng bị phá là 1,6 ha. Ước tổng giá trị thiệt hại về rừng là 110 triệu đồng..
c. Thủy sản:
Giá trị sản xuất thủy sản ước thực hiện 6T/2013 đạt 51 tỷ đồng (theo giá CĐ 94), tăng 5,87% so cùng kỳ năm trước.
Tình hình nuôi trồng, khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển tốt, tập trung ở các khu vực có nước lòng hồ Dầu Tiếng. Ước sản lượng thủy sản nuôi trồng 6T/2013 đạt 4538 tấn, tăng 14,82%; sản lượng cá các loại tăng mạnh tập trung chủ yếu là cá tra thu hoạch trên diện tích nuôi thả năm 2012, sản lượng thủy sản khác tăng do sản lượng ếch có thị trường tiêu thụ ổn định với gá cả hợp lý, đồng thời một số hộ nuôi ếch dùng làm thức ăn cho việc nuôi rắn . Sản lượng khai thác thủy sản đạt 1649 tấn, tăng 3,52% so 6T/2012.Sản lượng khai thác thủy sản tăng tập trung ở khu vực Lòng hồ Dầu Tiếng (chiếm khoảng 90% sản lượng). Hàng năm Tỉnh đều có chủ trương thả cá vào Hồ dầu Tiếng nhằm đảm bảo nguồn sinh thái.
2. Sản xuất Công nghiệp:
Tháng 6, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 1,15% so với tháng trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm 17,83% do vùng nguyên liệu bị thu hẹp. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sau 2 tháng liên tục có có chỉ số sản xuất giảm mạnh (do yếu tố thời vụ khi ngành sản xuất mía đường kết thúc niên vụ sản xuất năm 2012-2013 trong tháng 4/2013), tháng này có chỉ số sản xuất tăng trở lại (+ 1,36%); trong đó, ngành SX chế biến thực phẩm tăng 8,7%, chủ yếu do ngành sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột tăng 8,93% so tháng 5 (trong tháng 5/2013 do gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào (ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng và dịch bệnh phát sinh nhiều), giá nguyên liệu tăng cao nên một số nhà máy tạm ngừng hoạt động để bảo trì, sửa chữa máy móc, một số khác chỉ hoạt động cầm chừng để duy trì sản xuất); SX sản phẩm từ khoáng phi kim loại (xi măng) tăng 1,01%; ngành dệt tăng 2,58%; SX trang phục cụng tăng 5,07% so tháng trước. Ngành SX, phân phối điện có chỉ số sản xuất tháng 6 giảm 7,14% do nhu cầu tiêu thụ điện giảm khi bắt đầu vào mùa mưa. Và ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải cũng có chỉ số sản xuất giảm 1,69% so tháng 5/2013. Ước 6 tháng đầu năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,67% so cùng kỳ năm 2012.
Cộng dồn 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 1994) ước đạt 6.122 tỷ đồng, tăng 10,75% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: khu vực kinh tế nhà nước đạt 1.072 tỷ đồng, tăng 5,49%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 2.662 tỷ đồng, tăng 2,58%; và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.388 tỷ đồng, tăng 24,6%. Nhìn chung, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm nay mặc dù có tốc độ tăng khá nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (6T/2012 tăng 14,2%); nguyên nhân chủ yếu do: sau những khó khăn chung của nền kinh tế trong năm 2012, năm 2013 nền kinh tế tiếp tục đương đầu với những khó khăn, thử thách mới, sản xuất gần như bão hòa, tốc độ tăng không cao, thậm chí một số ngành lại giảm so cùng kỳ năm trước; cụ thể: sản xuất lương thực-thực phẩm và đồ uống - ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tất cả các nhóm ngành công nghiệp cấp 2 của cả tỉnh (chiếm tỷ trọng 32%), có GTSX đạt 1.970 tỷ đồng, tăng 13,13% (cùng kỳ tăng 19,33%), trong đó riêng sản xuất đường tăng 29,52% (cùng kỳ tăng 8,27%), như vậy đóng góp vào tốc độ tăng 13,13% của ngành sản xuất lương thực-thực phẩm và đồ uống trong năm nay chủ yếu là ngành mía đường (đóng góp 7,56 điểm %), tuy nhiên sự tăng trưởng này không bền vững do trong kỳ Cty CP Bourbon Tây Ninh đã nhập hơn 31 ngàn tấn đường thô để sản xuất đường tinh luyện, nếu không có hoạt động này thì sản xuất đường của cả tỉnh trong 6 tháng đầu năm nay không tăng mà còn giảm hơn 8% so cùng kỳ và kéo theo ngành sản xuất lương thực-thực phẩm và đồ uống nói riêng và sản xuất công nghiệp nói chung sẽ có tốc độ tăng khiêm tốn hơn so với cùng kỳ năm trước; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 7,8%; sản xuất chất khoáng phi kim loại chỉ tăng 0,71%, trong đó, nhà máy xi măng Fico có GTSX giảm 1,67%, riêng sản lượng xi măng sản xuất giảm 14% do mức tiêu thụ giảm (5 tháng đầu năm giảm 13,44%) và lượng tồn kho đến cuối tháng 5/2013 tăng 6,17% so cùng kỳ năm trước; sản xuất sản phẩm từ kim loại giảm 16%; ... . Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp khác cũng có giá trị sản xuất 6 tháng tăng cao so với cùng kỳ: dệt may tăng 31,64%; sơ chế da tăng 39,75%; chế biến gỗ tăng 48,6%; …
3. Vốn đầu tư phát triển:
Tháng 6/2013, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 212 tỷ đồng, tăng 17,8% so tháng trước. Bao gồm, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 116 tỷ đồng, tăng 16,99%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 94 tỷ đồng, tăng 19,08%; và vốn ngân sách cấp xã đạt 2 tỷ đồng, cũng tăng 4,78% so tháng trước.
6 tháng/2013, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 7.144 tỷ đồng, tăng 17,2% so cùng kỳ. Trong đó:
Khu vực Nhà nước: ước thực hiện 1.207 tỷ đồng, tăng 26,72% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước đạt 982 tỷ đồng, tăng 25,41%; vốn tự có của các doanh nghiệp nhà nước ước đạt 188 tỷ đồng, tăng 54,8%. Nhìn chung, trong kỳ vốn ngân sách nhà nước được tập trung bố trí vốn đầu tư cho 09 xã điểm nông thôn mới; thực hiện điều chỉnh một bước kế hoạch vốn XDCB năm 2013 theo nguyên tắc điều chuyển vốn từ các công trình không có khả năng thực hiện hoặc có khối lượng thực hiện thấp sang những dự án cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, có khối lượng thực hiện lớn nhưng vốn bố trí còn thấp và các dự án trọng tâm bức xúc; đồng thời, thực hiện kiểm tra, kiểm soát thường xuyên việc triển khai thực hiện các dự án, kịp thời xử lý những vướng mắc, khó khăn, do đó kết quả thực hiện tăng khá cao so cùng kỳ năm trước.
Khu vực đầu tư nước ngoài: trong những tháng đầu năm, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh có nhiều tín hiệu khả quan, phần lớn thu hút được các dự án có qui mô lớn, gấp nhiều lần so cùng kỳ năm trước; cụ thể: dự tính 6T/2013 trên địa bàn tỉnh thu hút được 144 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó có 07 dự án được cấp phép mới với số vốn đạt 138,5 triệu USD (chỉ tăng 16,67% so cùng kỳ về số dự án, nhưng lại gấp 12,5 lần về số vốn), và vốn đăng ký bổ sung của 05 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước với 5,7 triệu USD. Do đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện sáu tháng năm 2013 ước tính đạt 1.913 tỷ đồng, tăng 8,74% so 6T/2012.
Khu vực ngoài nhà nước: ước 6T/2013 thực hiện đầu tư 4.023 tỷ đồng, tăng 18,93% so cùng kỳ. Phần lớn tập trung ở vốn của các hộ gia đình đầu tư xây dựng nhà dân cư khi giá vật liệu xây dựng trong những tháng đầu năm nay tương đối ổn định và giảm so cùng kỳ năm trước, và do đó vốn đầu tư của dân cư ước 6 tháng đạt 3.086 tỷ đồng, tăng 22,8%; vốn của các tổ chức doanh nghiệp đạt 937 tỷ đồng, tăng 7,75% so cùng kỳ năm 2012.
4. Hoạt động xây dựng
Giá trị sản xuất xây dựng 6T/2013 (theo giá hiện hành) ước tính đạt 3.325 tỷ đồng, tăng 19,12% so cùng kỳ, bao gồm: khu vực nhà nước đạt 59 tỷ đồng (+ 41,78%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 0,7 tỷ đồng (- 37,01%); và khu vực ngoài nhà nước đạt 3.265 tỷ đồng, tăng 18,81% so cùng kỳ năm trước. Trong tổng giá trị sản xuất xây dựng của khu vực ngoài nhà nước, khối các doanh nghiệp đạt 357 tỷ đồng, chiếm 11%, tăng 1,4%; xã/phường đạt 17 tỷ đồng, chiếm 1%, giảm 46,62%; riêng hộ dân cư đạt 2.891 tỷ đồng, chiếm 88%, tăng 22,29% so cùng kỳ, do giá cả vật liệu xây dựng trong kỳ giảm và ổn định nên người dân tranh thủ đầu tư xây dựng và sửa chữa nhà mới. Nhìn chung, giá trị sản xuất xây dựng 6 tháng đầu năm nay tăng chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước, mà cụ thể là khu vực dân cư, hộ cá thể; còn phần lớn các doanh nghiệp xây dựng ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh đều có giá trị sản xuất ổn định so cùng kỳ, do hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu vốn, sức cạnh tranh thấp hơn so với các doanh nghiệp tại các tỉnh lân cận nên hầu như chỉ nhận hợp đồng các công trình nhỏ, tạo ra giá trị sản xuất không lớn, còn lại các công trình lớn trên địa bàn tỉnh đều do các doanh nghiệp ngoài tỉnh đảm nhận thi công.
Giá trị sản xuất xây dựng theo giá so sánh 1994 ước 6T/2013 đạt 1231 tỷ đồng, tăng 24,9% so 6T/2012. Trong đó, khu vực nhà nước đạt 22 tỷ đồng (+ 48,63%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 0,3 tỷ đồng (-33,91%); và khu vực ngoài nhà nước đạt 1208 tỷ đồng, tăng 24,55% so cùng kỳ năm trước.
5. Giao thông vận tải:
Tháng 6/2013, vận tải hành khách giảm nhẹ, với khối lượng hành khách vận chuyển trong tháng ước đạt 1.190 nghìn lượt khách, giảm 0,48%; và khối lượng hành khách luân chuyển đạt 80.561 nghìn lượt khách.km, giảm 0,82% so tháng trước, chủ yếu do tháng này bước vào mùa mưa nên nhu cầu đi lại của người dân giảm. Vận tải hàng hóa trong tháng cũng giảm khi nhu cầu vận chuyển mía về các nhà máy không còn do kết thúc vụ sản xuất, ước sản lượng hàng hóa vận chuyển tháng 6 đạt 797 nghìn tấn, giảm 1,49% và luân chuyển được 54.309 nghìn tấn.km, cũng giảm 1,8% so tháng 5/2013.
Sáu tháng đầu năm, tổng doanh thu vận tải HH-HK, bốc xếp, dịch vụ, đại lý vận tải ước đạt 957 tỷ đồng, tăng 6,94% so cùng kỳ; bao gồm vận tải đường bộ 953 tỷ đồng (+ 6,86%) và vận tải đường sông đạt 4 tỷ đồng (+ 29,52%); doanh thu vận tải đường sông tăng mạnh do HTX vận tải đường thủy Vàm Cỏ Đông – Bến Cầu mới bắt đầu đi vào hoạt động từ giữa năm 2012. Trong kỳ, vận tải hàng khách tăng mạnh do có thêm năng lực mới phục vụ khách trong dịp tết Quý Tỵ 2013, đó là Công ty cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh cho đi vào hoạt động thêm hệ thống cáp treo mới theo công nghệ Châu Âu nên thu hút được một khối lượng lớn hành khách tham gia; do đó, khối lượng hành khách vận chuyển 6 tháng đầu năm đạt 8.149 nghìn lượt khách, tăng 6,35%; tuy vậy, do cự ly vận chuyển khách bằng cáp treo, máng trượt ngắn (khoảng 1 km) nên mức đóng góp vào luân chuyển hành khách là không đáng kể, do đó khối lượng hành khách luân chuyển 6T/2013 đạt 514.531 nghìn lượt khách.km, chỉ tăng 1,12% so cùng kỳ. Vận tải hàng hóa cũng phát triển, ước tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển trong 6 tháng đạt 4.847 nghìn tấn (+ 4,79%) và luân chuyển được 328.249 nghìn tấn.km, tăng 1,46% so cùng kỳ năm trước.
6. Bưu chính, viễn thông:
Số thuê bao toàn tỉnh ước tính đến cuối tháng 6/2013 đạt 1.456 ngàn thuê bao, bằng 87,18% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm 73 ngàn thuê bao cố định (giảm 34,3%) và 1.383 ngàn thuê bao di động, giảm 11,3%. Số lượng thuê bao điện thoại cố định ngày càng giảm do giá cước di động ngày càng rẻ, các tiện ích ngày càng được nâng cao, tiện lợi trong quá trình di chuyển, … ; việc sụt giảm sản lượng thuê bao điện thoại cố định phù hợp với xu hướng chuyển hóa từ cố định sang di động; tuy vậy, số lượng thuê bao điện thoại di động cũng giảm so cùng kỳ, chủ yếu do các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn triển khai thực hiện các quy định mới về quản lý thuê bao di động trả trước nên số lượng thuê bao di động trả trước ảo giảm mạnh. Số thuê bao internet trên địa bàn tỉnh tính đến cuối tháng 6/2013 ước đạt 35,5 ngàn thuê bao, tăng 4,11% so với cùng thời điểm năm trước.
Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông sáu tháng đầu năm nay ước tính đạt 497 tỷ đồng, tăng 2,12% so cùng kỳ; bao gồm doanh thu bưu chính đạt 8 tỷ đồng (+ 33,82%) và doanh thu viễn thông đạt 489 tỷ đồng, tăng 1,72% so 6T/2012.
7. Thương mại - Xuất nhập khẩu:
a) Thương mại:
Tháng 6/2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.139 tỷ đồng, tăng 1,76% so tháng trước. Bao gồm: kinh tế nhà nước đạt 373 tỷ đồng, giảm 8,32%; kinh tế ngoài nhà nước 3.763 tỷ đồng, tăng 2,88% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4 tỷ đồng, tăng 0,57% so tháng trước. Xét theo ngành kinh tế, thương nghiệp đạt 3.213 tỷ đồng, tăng 2,93%; khách sạn, nhà hàng đạt 465 tỷ đồng, tăng 3,12%; du lịch lữ hành 3 tỷ đồng, tăng 13,36% và ngành dịch vụ (có doanh thu của hoạt động xổ số) đạt 459 tỷ đồng, giảm 6,94% so tháng trước (do số kỳ phát hành vé số trong tháng 6 giảm).
Cộng dồn 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 23.494 tỷ đồng, tăng 8,36% so cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức tăng 0,93%, điều này cho thấy sức mua của người dân trong những tháng đầu năm nay tăng chậm trước những khó khăn chung của nền kinh tế đã được dự báo từ những tháng cuối năm 2012. Trong tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm tháng đầu năm, kinh doanh thương nghiệp đạt 18.065 tỷ đồng, tăng 8,91%; khách sạn,nhà hàng đạt 2.627 tỷ đồng, tăng 5,91%; du lịch lữ hành đạt 11 tỷ đồng, tăng 5,91%; và dịch vụ đạt 2.791 tỷ đồng, cũng tăng 6,25% so 6T/2012.
b) Xuất Nhập khẩu:
+ Xuất khẩu:
Tháng 6, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 145 triệu USD, tăng 3,74% so tháng trước. Trong đó, kinh tế có vốn ĐTNN xuất 111 triệu USD, tăng 4,06%; kinh tế tư nhân đạt 33 triệu USD, tăng 2,8%; kinh tế nhà nước tăng 2,18% so tháng trước. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh đều có kim ngạch xuất khẩu trong tháng tăng như: hàng dệt may đạt 43 triệu USD (+ 4,26%), giày dép các loại đạt 33 triệu USD (+ 3,45%), cao su đạt 14 triệu USD (+ 2,35%), hạt điều đạt 10 triệu USD (+ 2,64%), sản phẩm bằng plastic đạt 8 triệu USD, cũng tăng 5,59% so với tháng trước.
6 tháng năm 2013, xuất khẩu đạt 794 triệu USD, tăng 13,06% so cùng kỳ. Trong đó, tăng chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, ước đạt 595 triệu USD, tăng 21,99%; các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của khu vực này cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh có kim ngạch xuất khẩu tăng cao so cùng kỳ, cụ thể: hàng dệt may đạt 253 triệu USD, tăng 31,47%; giày dép các loại đạt 149 triệu USD, tăng 86,09%; sản phẩm bằng plastic đạt 36 triệu USD, gấp 2 lần cùng kỳ. Nhìn chung, mặc dù xuất khẩu của cả tỉnh 6 tháng đầu năm nay tăng khá so cùng kỳ, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (6T/2012 tăng 31,84%), chủ yếu xuất khẩu của kinh tế tư nhân đạt thấp, ước xuất 183 triệu USD, giảm 7,33%, do ảnh hưởng của yếu tố giá, mà cụ thể là giá xuất khẩu của một số hàng nông sản chủ yếu giảm đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu của khu vực này: giá hạt điều nhân xuất khẩu 6T/2013 đạt 6,44 USD/kg, giảm 6%; giá mủ cao su xuất khẩu đạt 2,8 USD/kg, giảm 20% so 6T/2012. Do giá xuất khẩu giảm nên hạt điều nhân mặc dù tăng 28% về lượng xuất khẩu nhưng chỉ tăng 20,35% về trị giá xuất khẩu; cao su đạt 97,96% về lượng nhưng chỉ đạt 78,13% về trị giá; như vậy, riêng mặt hàng cao su, ngoài yếu tố giá xuất khẩu giảm thì lượng xuất khẩu cũng giảm so cùng kỳ, do lượng cung cũng như lượng dự trữ cao su của hầu hết các quốc gia hiện đang tăng cao và tiến tới vượt mức tiêu thụ trong khi tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức mới như hiện nay.
+ Nhập khẩu:
Tháng 6, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 90 triệu USD, tăng 4,18% so tháng trước. Tất cả các thành phần kinh tế đều tăng nhập khẩu so tháng trước, trong đó kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhập 76 triệu USD, tăng 4,18%; kinh tế tư nhân nhập 13 triệu USD, cũng tăng 4,38% so tháng 5/2013.
6 tháng đầu năm, nhập khẩu đạt 466 triệu USD, tăng 17,16% so cùng kỳ năm trước. Mặt hàng nhập khẩu trong kỳ của tỉnh chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và gia công hàng xuất khẩu, đó là: vải may mặc đạt 102 triệu USD, tăng 62,63%; phụ liệu giày dép đạt 42 triệu USD, tăng 148,15%; xơ, sợi dệt đạt 14 triệu USD, tăng 66,31%; chất dẻo nguyên liệu đạt 18 triệu USD, tăng 3,87%. Nhóm hàng thực phẩm chế biến mà trong đó có mặt hàng mì lát nhập khẩu từ thị trường Campuchia chiếm tỷ trọng lớn có trị giá nhập khẩu tăng khá, với 40 triệu USD, gấp 3 lần cùng kỳ. Máy móc, thiết bị, phụ tùng nhập khẩu đầu tư của các đơn vị trong 6 tháng đầu năm nay cũng có mức tăng khá, với kim ngạch ước đạt 24 triệu USD, tăng 18,89% so cùng kỳ năm trước.
8. Chỉ số giá
a) Giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2013 tăng 0,04% so với tháng trước, tăng 4,74% so với tháng 12 năm trước và tăng 8,42% so với cùng tháng năm trước. Giá bán các mặt hàng, nhóm hàng trong tháng biến động, cụ thể như sau:
Chỉ số giá nhóm lương thực tháng này tiếp tục giảm 2,12%, trong đó giá gạo các loại giảm 2,12% so với tháng trước, do tình hình xuất khẩu và giá xuất khẩu giảm trong khi lượng cung hiện đang tăng lên khi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ thu hoạch rộ lúa hè, từ đó đã làm cho giá gạo trong nước cũng như trên địa bàn tỉnh giảm; nhóm bột mì và ngũ cốc tiếp tục giảm 8,94%, trong đó, giá khoai lang tươi giảm 12,14%, nguyên nhân do lượng cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm.
Chỉ số nhóm thực phẩm tháng này tăng 0,71%; trong đó nhóm thịt bò các loại tăng 1,13%, trứng các loại tăng 3,14%, các mặt hàng thủy sản tăng 2,16%, nguyên nhân do đây là những mặt hàng được sử dụng nhiều trong thời gian qua để thay thế cho các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhóm rau tươi các loại tháng này tăng 2,66%, trong đó một số mặt hàng có chỉ số tăng, cụ thể như: bắp cải tăng 5,78%, su hào tăng 7,83%, cà chua tăng 20,62%, đỗ cô ve quả tươi tăng 10,59%, nguyên nhân do trong tháng thời tiết tuy khá mát mẻ nhưng thường xuyên xuất hiện nhiều cơn mưa to kéo dài trên diện rộng gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất của các vườn rau, nguồn cung giảm làm cho giá các mặt hàng này tăng lên. Ngược lại, nhóm quả tươi các loại giảm 4,41% so với tháng trước, do tính chất mùa vụ một số trái cây đã vào vụ thu hoạch rộ, mặt khác một số trái cây có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc cũng có giá bán giảm làm cho chỉ số giá nhóm trái cây giảm xuống so với tháng trước. Nhóm sữa, bơ, pho mát tăng 2,96%, chủ yếu do giá một số mặt hàng sữa tươi, sữa đặc và sữa bột tăng lên khi giá nguyên liệu sản xuất tăng và một số mặt hàng có giá nhập khẩu tăng.
Chỉ số giá các mặt hàng, nhóm hàng phi lương thực, thực phẩm biến động cụ thể như sau: nhóm may mặc mũ nón, giày dép tăng 0,4%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,37%, trong đó, giá gas đun bình quân tháng này giảm 1,44%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,38%. Các nhóm còn lại tương đối ổn định.
So với tháng 12/2012, chỉ số giá tiêu dùng là 104,74%, tức là sau 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tăng 4,74%, chỉ số này tuy có cao hơn chỉ số của tháng 6/2012 (+ 2,75%) nhưng thấp hơn nhiều so với chỉ số của tháng 6/2011 (+ 14,33%), điều này cho thấy giá cả năm nay tuy có tăng nhưng vẫn ở mức hợp lý và mục tiêu kiềm chế lạm phát trong những tháng đầu năm nay cơ bản đã đạt được kết quả tích cực.
Giá vàng và đô la Mỹ: giá vàng bình quân tháng 6/2013 là 4.113.000 đ/chỉ, giảm 64.000 đ/chỉ (- 1,53%); giá đô la Mỹ tháng này là 21.940 đ/USD, tăng 25 đ/USD (+ 0,11%) so với tháng 5/2013.
b) Giá sản xuất
Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản quý 2/2013 giảm 1,09% so quý trước. Trong đó, chỉ số giá nhóm sản phẩm cây trồng hàng năm tăng nhẹ (+ 0,92%); riêng giá sắn củ tươi (khoai mì) tăng mạnh (+15,9%) nguyên nhân do thời tiết mưa nhiều và ảnh hưởng của dịch bệnh trên diện rộng, nguồn nguyên liệu khan hiếm đã đẩy giá củ mì tăng cao; giá mía cây 10 chữ đường quý này giảm so quý trước (-1,39%) theo sự giảm giá liên tục của giá đường trong thời gian. Sản phẩm từ cây lâu năm cũng có chỉ số giá giảm 3,38% (hồ tiêu giảm 3,14%, cao su giảm 6,11% do ảnh hưởng của giá trên thị trường thế giới). Sản phẩm từ chăn nuôi có giá giảm 3,93% so với quý trước, trong đó: gia súc giảm 4,58%, chủ yếu do giá lợn giảm 7,45%; giá gia cầm cũng giảm 1,24% do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhóm lâm nghiệp có chỉ số giá tăng 7,78%; thủy sản cũng tăng 4,44% so quý 1/2013.
Nhiều sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp trong kỳ có giá bán giảm so quý trước theo xu hướng giảm giá của nguồn nguyên liệu đầu vào mà chủ yếu là từ các sản phẩm nông nghiệp, cụ thể: săm, lốp xe các loại giảm 2,99% theo sự giảm giá của nguyên liệu đầu vào (cao su); giá đường các loại giảm 0,43%; các loại bánh từ tinh bột tăng 31,03%. Các loại vật liệu xây dựng phần lớn cũng có chỉ số giá giảm, trong đó gạch xây giảm 0,02%, xi măng giảm 3,17% so với quý trước.
9. Thu chi ngân sách:
a) Thu ngân sách:
Ước tổng thu ngân sách trên địa bàn tháng 6/2013 đạt 520 tỷ đồng, cộng dồn 6 tháng 2.524 tỷ đồng, đạt 48,53% dự toán năm, tăng 14,37% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 1.518 tỷ đồng, đạt 42,58% dự toán, tăng 3,73% so cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, trong những tháng đầu năm nay các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, một số doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng đã ảnh hưởng lớn đến kết quả thu, nộp ngân sách nhà nước; ngoài ra, thực hiện chính sách giảm, gia hạn nộp thuế theo Thông tư số 16/2013/TT-BTC ngày 08/2/2013 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện việc gia hạn, giảm một số khoản thu NSNN theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/02/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Tất cả các yếu tố trên đã ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp đến kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; thể hiện rõ qua các khoản thu sau: thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 286 tỷ đồng, chỉ đạt 33,86% dự toán, giảm 27,33% so cùng kỳ; thuế bảo vệ môi trường đạt 82 tỷ đồng, giảm 19,26%, chủ yếu do nhiều đơn vị cung ứng xăng dầu không phải là đơn vị đầu mối trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nên sản lượng tiêu thụ xăng dầu giảm, làm cho tiền thuế bảo vệ môi trường giảm theo; thu từ công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 627 tỷ đồng, mặc dù tăng 26,54% so cùng kỳ nhưng mới chỉ đạt 40,44% dự toán năm; lệ phí trước bạ cũng chỉ đạt 47,15% dự toán. Bên cạnh đó cũng có một số nguồn thu đạt trên 50% dự toán năm và tăng khá so cùng kỳ như: thu từ DN có vốn ĐTNN đạt 88 tỷ đồng, đạt 55,24% dự toán, tăng 59,68%; thuế thu nhập cá nhân 190 tỷ đồng, đạt 54,15% dự toán, tăng 6,53%; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước 63 tỷ đồng, đạt 90,68% dự toán, tăng 65,99% so cùng kỳ. Các khoản thu được để lại chi quản lý qua NSNN đạt 826 tỷ đồng; riêng thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 718 tỷ đồng, đạt 71,78% dự toán, tăng 37,77% so cùng kỳ năm 2012.
b) Chi ngân sách:
Chi ngân sách ước tháng 6/2013 đạt 550 tỷ đồng, nâng mức chi 6 tháng đầu năm đạt 2.516 tỷ đồng, đạt 44,98% dự toán, tăng 45,39% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi thường xuyên đạt 1.549 tỷ đồng, tăng 33,44%; chi đầu tư phát triển 339 tỷ đồng, tăng 15,09%; đặc biệt, chi đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết đạt 496 tỷ đồng, tăng 117,46% so cùng kỳ năm trước.
10. Hoạt động ngân hàng:
Hoạt động của hệ thống ngân hàng trong tháng tương đối ổn định và phát triển. Tổng nguồn vốn ước đến cuối tháng 6/2013 đạt 23.843 tỷ đồng, giảm 0,56% so đầu tháng và tăng 7,19% so cùng kỳ. Trong tháng các TCTD đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác huy động vốn, do đó vốn huy động ước đến cuối tháng đạt 19.728 tỷ đồng, tăng 0,49% so đầu tháng và tăng 8,39% so cùng kỳ.
Hoạt động cho vay cũng được tăng cường, dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 6 đạt 17.827 tỷ đồng, ổn định so tháng trước (- 0,08%) và tăng 14,93% so cùng kỳ. Nợ xấu ước đạt 135 tỷ đồng, giảm 16,05% so đầu tháng và giảm 45,03% so tháng 6/2012.
11. Tình hình văn xã:
a) Đời sống, lao động, giải quyết việc làm:
6 tháng đầu năm 2013, giá cả của nhiều mặt hàng ổn định hoặc có tăng nhưng vẫn ở mức hợp lý; bên cạnh đó, với sự nỗ lực của các cấp uỷ, các cấp chính quyền địa phương, kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, đời sống của đại bộ phận nhân dân được dần nâng lên, không xãy ra đói giáp hạt trên địa bàn tỉnh. Tình hình xoá đói giảm nghèo được các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể thường xuyên quan tâm đúng mức bằng các hình thức giúp đỡ những hộ gia đình gặp khó khăn trong cuộc sống vươn lên thoát nghèo như hỗ trợ vốn sản xuất, giải quyết việc làm.
Các chính sách hỗ trợ người nghèo cho vay vốn ưu đãi vẫn được duy trì, tạo điều kiện cho các hộ nghèo và hộ cận nghèo vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, với tổng số dư nợ đến nay là: 137,455 tỷ đồng, trong đó hộ nghèo vay 25,294 tỷ đồng, để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho các hộ nghèo, bình quân mỗi hộ được vay 1 lượt mức vay cao nhất là 30 triệu đồng, chủ yếu để trồng trọt và chăn nuôi, và kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ; các chính sách cho vay vốn đối với học sinh, sinh viên, dạy nghề được tiến hành đúng đối tượng, kịp thời, đến nay tổng dư nợ cho đối tượng này 64,379 tỷ đồng, trong đó đào tạo nghề 20 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, ngành Lao động TBXH tỉnh đã giải quyết việc làm cho 11.997 lao động, đạt 59,98% kế hoạch năm. Trong đó, thu hút lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn ĐTNN, doanh nghiệp tư nhân, kinh tế trang trại và cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ được 10.986 lao động; xét duyệt 85 dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với số tiền 8.912 triệu đồng, tạo việc làm cho 982 lao động; các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã đưa 29 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Về tranh chấp lao động: 6 tháng năm 2013 xảy ra 09 vụ tranh chấp lao động dẫn đến đình công tại 09 công ty với 11.959 lao động tham gia. Trong đó, ngoài khu công nghiệp xảy ra 03 vụ tại 03 công ty với 3.655 lao động tham gia, trong khu công nghiệp xảy ra 06 vụ tại 06 công ty với 8.304 lao động tham gia. Nguyên nhân xảy ra đình công do tranh chấp về tiền lương, tiền ăn, tiền xăng và thời giờ làm việc. Các vụ đình công đều được các ngành chức năng kịp thời hòa giải, hạn chế tổn thất trong sản xuất.
b) Giáo dục và đào tạo:
Giáo dục: năm học 2012-2013, toàn tỉnh có 123 trường mầm non; 269 trường tiểu học; 107 trường trung học cơ sở; 32 trường trung học phổ thông; 10 trung tâm giáo dục thường xuyên. Tổng số học sinh, sinh viên là 206.757 học sinh, sinh viên, chia ra: nhà trẻ: 2.254, mẫu giáo: 32.089; tiểu học: 90.577; trung học cơ sở: 57.387; trung học phổ thông: 24.825; giáo dục thường xuyên: 1.879 học viên.
Tính đến cuối tháng 6/2013, toàn tỉnh có 24/95 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi theo Thông tư số 32/2010/TT-BGDĐT, đạt tỷ lệ 25,26%, tăng 3,2% so cùng kỳ; 9/9 huyện, thị (trong đó có 95/95 xã, phường, thị trấn) đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; trong đó có 53 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn ở mức độ 1 và 42 xã đạt chuẩn mức độ 2; 9/9 huyện, thị (94/95 xã, phường, thị trấn) đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở, trong đó xã Phước Vinh huyện Châu Thành rớt chuẩn, nguyên nhân do tháng 3/2012 Chính phủ có quyết định công nhận xã Phước Vinh hoàn thành Chương trình 135, xã chưa có sự chuẩn bị đón đầu nên không duy trì được chuẩn trong năm 2012; và 25/95 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học.
Đào tạo: năm học 2012-2013, toàn tỉnh có 03 trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp với với 2.082 học viên, sinh viên. Trong kỳ, các trường đều được tỉnh đầu tư mở rộng quy mô, đồng thời tạo điều kiện mở rộng chức năng cho các trung tâm giáo dục thường xuyên huyện liên kết đào tạo trung cấp nghề, do đó, số học sinh vào các trường trung cấp chuyên nghiệp trong tỉnh, các trung tâm giáo dục thường xuyên ngày càng tăng.
c) Hoạt động y tế:
6 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 319 ca sốt Dengue/ sốt xuất huyết (không có ca tử vong); tay chân miệng có 1.006 ca (1 ca tử vong); cúm có 641 ca (không có ca tử vong); thủy đậu có 124 ca (không có ca tử vong); quai bị có 129 ca; tiêu chảy có 979 ca; các bệnh cúm A/H5N1, viêm gan virus, thương hàn, phó thương hàn, hội chứng não cấp chưa ghi nhận ca nào.
Bệnh HIV/AIDS: 6 tháng đầu năm phát hiện mới 149 ca HIV, 108 ca chuyển sang AIDS; lũy tích có 3.132 ca HIV (nữ 894 ca), trong đó 2.127 ca chuyển sang giai đoạn AIDS (nữ 553 ca) và có 1.120 người tử vong do AIDS.
Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm: Công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên, 6 tháng đầu năm 2013 đã tiến hành kiểm tra 3.236 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống … , kết quả có 2.554 cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh (đạt tỷ lệ 78,92%). Ngộ độc thực phẩm xảy ra 05 vụ với số người mắc là 60 người, không có tử vong.
d) An toàn giao thông:
Trong tháng 6/2013 (từ ngày 16/05/2013-15/6/2013) trên địa bàn tỉnh đã xãy ra 13 vụ tai nạn giao thông, làm chết 17 người và bị thương 02 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 44,44% (+ 4 vụ); số người chết tăng 88,89% (+ 8 người); số người bị thương giảm 33,33% (- 1 người). Tính chung 6 tháng đầu năm 2013, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh đã được kéo giảm, cụ thể: từ ngày 16/12/2012 đến 15/6/2013 trên địa bàn tỉnh đã xãy ra: 64 vụ tai nạn giao thông giảm 15,79% (- 12 vụ) so với cùng kỳ; làm chết 71 người giảm 15,48% (- 13 người) và bị thương 31 người giảm 53,73% (- 36 người) so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn là do người điều khiển xe đi không đúng phần đường, chuyển hướng tránh vượt thiếu quan sát và sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
e) Hoạt động văn hoá:
Trong 6 tháng đầu năm 2013, ngành VH, TT & DL đã tập trung tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn: kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 54 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng, Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3, 45 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968; tuyên truyền về “Biên giới và Biển đảo Việt Nam”, Phòng chống tham nhũng, phòng cháy chữa cháy, Chương trình mục tiêu 4 giảm của tỉnh… Kết quả, ngành đã thực hiện 2.768 lượt băng rôn, 1.001m2 panô, 714 cuộc xe loa, 10.111 cờ các loại, 157 buổi văn nghệ và các hình thức tuyên truyền khác, thông qua đó tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.
Hoạt động Bảo tồn - Bảo tàng: Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày, triển lãm tranh ảnh, bản đồ tại chỗ và triển lãm lưu động với các chuyên đề: “Mừng Đảng-mừng Xuân Qúy Tỵ 2013”, “Chiến thắng Điện Biên phủ”, “Chủ quyền Biên giới-Biển đảo Việt Nam”.., đón được 17.795 lượt người đem xem. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh tổ chức tuyên truyền phát động cuộc thi tìm hiểu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh với 06 chủ đề, có 23.107 thư dự thi. Giới thiệu tuyên truyền DTLS văn hóa đến 12 trường THCS tại huyện Dương Minh Châu và Trảng Bàng, thu hút 6,264 giáo viên và học sinh tham dự.
Hệ thống Thư viện công cộng thực hiện bổ sung sách báo, tài liệu đảm bảo thường xuyên mở cửa phục vụ bạn đọc; tổ chức các đợt trưng bày, giới thiệu sách báo chuyên đề: tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị nhân các ngày lễ lớn, an toàn giao thông, xây dựng nông thôn mới, góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992…qua đó phục vụ được 198.055 lượt bạn đọc với 736.266 lượt sách, báo, tài liệu; trao đổi báo địa phương với Thư viện các tỉnh trong Liên hiệp Khu vực miền Đông và Cực Nam Trung Bộ. Thực hiện biên soạn, phát hành thông tin chọn lọc chủ đề “Kinh tế - xã hội Tây Ninh”; “Thanh niên xung phong Việt nam một chặng đường vẽ vang”; phối hợp tổ chức Hội Báo Xuân Quý Tỵ 2013 và trao đổi báo Xuân 2013 với 63 tỉnh thành trong cả nước; triển khai và hoàn thành Dự án BMGF–VN.
Công tác quản lý, thanh, kiểm tra chấn chỉnh các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch trên phạm vi toàn tỉnh được tăng cường. Trong 6 tháng đầu năm, Đội kiểm tra liên ngành lĩnh vực Văn hóa của tỉnh và Đội kiểm tra liên ngành các cấp tổ chức 1011 cuộc kiểm tra với 1.568 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, hoạt động văn hoá, cơ sở lưu trú. Kết quả: đã kiểm tra nhắc nhở 124 trường hợp, lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 108 trường hợp với tổng tiền phạt 184.720.000đ (Một trăm tám mươi bốn triệu, bảy trăm hai chục ngàn đồng); tịch thu 10.503 đĩa không tem. Chuyển hồ sơ và tang vật (450 đĩa có nội dung đồi trụy) của 01 vụ vi phạm sang cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo thẩm quan. Nhận và xử lý 02 đơn khiếu nại, tố cáo của công dân.
f) Hoạt động thể dục thể thao:
Thể thao quần chúng: 6 tháng đầu năm 2013, ngành đã Tổ chức 07 giải thi đấu thể thao cấp tỉnh: billiards, cờ tướng, võ cổ truyền, bóng bàn, bóng chuyền, bầu lông, việt dã. Tổ chức Hội thi leo núi “Chinh phục đỉnh núi Bà Đen Tây Ninh”, giải Bóng bàn năng khiếu mở rộng tranh cúp Corrilleau lần 2; hỗ trợ giải bóng đá chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày công an nhân dân, Giải việt dã Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng.
Hoạt động thể thao thành tích cao: 6 tháng đầu năm đã cử 03 cán bộ, HLV tham dự các lớp nâng cao nghiệp vụ chuyên môn do các liên đoàn thể thao tổ chức. Cử 34 lượt các đoàn VĐV tập huấn và thi đấu tại các giải thể thao quốc gia, khu vực, miền, cụm, mở rộng.
Kết quả thi đấu: Tổng số huy chương của các đội thể thao thi đấu từ ngày 01/01/2013 đến ngày 31/05/2013 đạt được: 69 huy chương các loại (15 HCV - 22 HCB - 32 HCĐ). So với cùng kỳ 06 tháng đầu năm 2012 tăng 17 huy chương các loại (03 HCV - 01 HCB - 13 HCĐ).
g) Thiệt hại thiên tai:
Trong 6 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn tỉnh không xảy ra đợt thiên tai nào.
h) Bảo vệ môi trường và trật tự an toàn xã hội:
Trong tháng 6/2013 (từ ngày 16/5/2013 đến 15/6/2013), đã xảy ra 01 vụ cháy nhà dân tại xã Tân Hòa huyện Tân Châu ước tính giá trị thiệt hại về tài sản khoảng 300 tr.đồng không thiệt hại về người. 6 tháng đầu 2013, trên địa bàn tỉnh xảy ra 05 vụ cháy, ước tính giá trị thiệt hại về tài sản khoảng 8,9 tỷ đồng, không có thiệt hại về người. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2013, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính về môi trường đối với 08 đơn vị, với tổng số tiền phạt là 837 triệu đồng; nguyên nhân do xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân./.
|