Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/11/2020-14:39:00 PM
Thứ trưởng Trần Duy Đông làm việc với nguyên Phó Thủ tướng CHLB Đức (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 25/11/2020, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Trần Duy Đông làm việc với nguyên Phó Thủ tướng CHLB Đức Philipp Roosler và một số doanh nghiệp lớn của Đức đang có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam từ ngày 22-29/11/2020.
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MPI

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Duy Đông cảm ơn sự hỗ trợ của nguyên Phó Thủ tướng CHLB Đức Philipp Rooesler đối với Việt Nam trong suốt thời gian qua, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thúc đẩy quan hệ đầu tư và thương mại. Với những cải cách mạnh mẽ, Việt Nam đang là một nền kinh tế năng động, có độ mở cao, hội nhập quốc tế sâu rộng và được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn. Việt Nam luôn là đối tác tin cậy, có trách nhiệm và sẵn sàng hợp tác với các quốc gia trên tinh thần hai bên cùng phát triển và cùng có lợi.

Giới thiệu tình hình kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu phục hồi khi quý III/2020 tăng 2,62%. Tốc độ tăng GDP 9 tháng ước đạt 2,12%, là nền kinh tế hiếm hoi có mức tăng trưởng dương trên thế giới; Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 3,71% so với cùng kỳ; Xuất siêu ước đạt mức kỷ lục 18,72 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu 10 tháng đã đạt mức tăng trưởng dương trở lại, cho thấy hoạt động sản xuất đang được phục hồi; Việt Nam duy trì xếp hạng cao về chỉ số đổi mới sáng tạo, đứng đầu các nước có mức thu nhập trung bình thấp.

Thu hút FDI trong 11 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam vẫn tương đối khả quan, đạt 26,4 tỷ USD (giảm 16,9% so với cùng kỳ 2019). Vốn đăng ký mới chỉ giảm nhẹ 7,6% so với cùng kỳ, trong khi vốn tăng thêm đạt 6,3 tỷ USD, vẫn tăng 7,8%. Đây là những tín hiệu tích cực, thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI

Về triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài năm 2021, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, xung đột thương mại giữa nền kinh tế lớn và đại dịch Covid-19 khiến các Tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế đẩy nhanh việc tái cơ cấu đầu tư, tái định vị địa điểm sản xuất để tránh mức thuế suất cao, tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia. Trong đó Việt Nam có nhiều lợi thế để đón dòng vốn chuyển dịch.

Việt Nam vẫn duy trì được một số điểm mạnh trong thu hút đầu tư nước ngoài: tình hình an ninh, chính trị ổn định; vị trí địa lý thuận lợi; tăng trưởng kinh tế cao và bền vững so với nhiều nước trong khu vực; khu vực kinh tế tư nhân đang phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, là thành phần kinh tế chiếm tỉ trọng cao nhất trong GDP; Tư duy và nhận thức về hợp tác với khu vực đầu tư nước ngoài đã được thể hiện rõ trong các mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế xã hội; Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Vị thế, uy tín quốc gia trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao; Với việc khống chế thành công dịch Covid-19, Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn.

Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA mở ra hướng hợp tác mới, rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn giữa Việt Nam và EU. Hai Hiệp định này cùng với Hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại tự do khác sẽ đem lại lợi thế về tiếp cận thị trường khi Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia thuộc nhóm G20. Hiệp định RCEP vừa được ký kết ngày 15/11/2020 sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

Về định hướng thu hút thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam; ngành sản xuất chủ lực, có đóng góp lớn trong tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam.

Nguyên Phó Thủ tướng CHLB Đức Philipp Roosler phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MPI

Phát biểu tại buổi làm việc, nguyên Phó Thủ tướng CHLB Đức Philipp Roosler chúc mừng và đánh giá cao kết quả tích cực của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19 và đảm nhiệm thành công vai trò chủ tịch ASEAN trong năm 2020, nhất là dấu ấn ký kết thành công Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển, ông Philipp Rosler đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong thu hút đầu tư chất lượng cao từ châu Âu, đồng thời chia sẻ thông tin về nhu cầu đầu tư vào Việt Nam của một số doanh nghiệp châu Âu nhằm tận dụng cơ hội từ hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Tại buổi làm việc các tập đoàn hàng đầu của CHLB Đức đã trao đổi về kế hoạch đầu tư của mình tại Việt Nam trong thời gian tới và bày tỏ quan tâm đến lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử, xây dựng, bất động sản du lịch, công nghiệp an ninh mạng..../.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết ngày 18/11/2020, CHLB Đức có 378 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,22 tỷ USD. CHLB Đức xếp thứ 17 trong số 138 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam và xếp thứ 03 trong các nước thuộc EU đầu tư vào Việt Nam.

Hầu hết các dự án của CHLB Đức tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 113 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 1,1 tỷ USD, chiếm 47,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước với 09 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 712,65 triệu USD, chiếm 32,13% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và sửa chữa với 77 dự án và tổng vốn đầu tư 235,67 triệu USD, chiếm 10,62% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Vốn đầu tư của CHLB Đức tập trung vào hình thức 100% vốn nước ngoài với 296 dự án với tổng vốn đầu tư 1,71 tỷ USD, chiếm 77% tổng vốn đầu tư đăng ký; hình thức liên doanh với 78 dự án có tổng vốn đầu tư 500 triệu USD, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Số còn lại đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Về đầu tư của Việt Nam sang CHLB Đức, tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam có 35 dự án đầu tư còn hiệu lực tại CHLB Đức, với tổng vốn đầu tư 215,3 triệu USD, đứng thứ 15/78 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư sang.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3117
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)