Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/11/2020-13:36:00 PM
Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh mới (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 25/11/2020, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh mới”. Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Hồng Quang và Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Doãn Hải Hồng đồng chủ trì Tọa đàm.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: MPI

Tọa đàm là diễn đàn để hai bên trao đổi thông tin, giới thiệu chính sách mới về đầu tư, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu tiềm năng, nhu cầu hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Trung Quốc. Đồng thời, các doanh nghiệp Trung Quốc chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Trần Hồng Quang cho biết, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp và các nền kinh tế, làm thay đổi đáng kể dòng vốn đầu tư, dòng chảy thương mại và chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Tuy tình hình kinh tế khó khăn nhưng hợp tác đầu tư song phương giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ.

Năm 2019, Trung Quốc có 683 dự án đăng ký mới đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn 2,3 tỷ USD, đứng thứ 5 trong số 109 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Tính đến hết tháng 10/2020, Trung Quốc đã có 2,17 tỷ USD vốn đăng ký vào Việt Nam, đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, triển khai chiến lược “kinh tế tuần hoàn kép”. Bên cạnh đó, Việt Nam đang chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XIII, công bố Chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021-2030. Trong đó, đầu tư nước ngoài tiếp tục được xác định là nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước trong thời kỳ tới. Để thu hút và nâng cao hiệu quả, chất lượng nguồn vốn FDI, Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động tham gia các Hiệp định thương mại tự do; cải cách và hoàn thiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng lượng mới, nông nghiệp công nghệ cao, ….

Phát biểu chào mừng Tọa đàm, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Doãn Hải Hồng cho biết, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia đi đầu trong việc kiểm soát dịch bệnh, đồng thời vừa phục hồi kinh tế, vừa tích cực tìm kiếm chính sách thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm ổn định chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, đưa hai nước phát triển bền vững. Tỷ lệ sử dụng vốn nước ngoài thực tế của Trung Quốc đã tăng 5,2% so với xu hướng giảm toàn cầu trong đó đầu tư công nghệ cao tăng 26,4% và mức thu hút vốn nước ngoài của Trung Quốc chỉ tăng không giảm…

Tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN tăng 5%, ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong đó kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc - Việt Nam tăng 18,5% so với cùng kỳ. Đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN tăng 76,6% so với cùng kỳ năm 2019 và đứng thứ 3 đầu tư vào Việt Nam. Hai nước có quan hệ kinh tế và công nghiệp chặt chẽ hơn thể hiện đầy đủ nền tảng vững chắc cho tiềm năng hợp tác và phát triển. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác sâu rộng với Việt Nam nhằm thúc đẩy gắn kết với chiến lược phát triển của Việt Nam đặc biệt là duy trì hợp tác đầu tư giữa hai nước, phục vụ doanh nghiệp tìm kiếm lợi ích thiết thực cho người dân.

Phát biểu tại Tọa đàm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, VASS TS. Nguyễn Xuân Cường cho biết, tới tháng 10/2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt hơn 103 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 37,6 tỷ USD, nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đạt mức 65,78 tỷ USD. TS. Nguyễn Xuân Cường đánh giá quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc đạt nhiều thành tựu, song cũng đối mặt với những khó khăn và thách thức. Việc tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay cũng là cơ hội để định hình lại quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Về kinh tế, thương mại, hai bên cần củng cố lại các chuỗi sản xuất, cung ứng, nâng cao chất lượng và hiệu quả các dự án hợp tác,… giải quyết các khó khăn về thương mại, đầu tư, các khó khăn của doanh nghiệp để hướng tới mục tiêu hợp tác cùng phát triển.

Tọa đàm cũng được nghe Phó Cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Văn Sử trình bày về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh mới. Theo đó, đầu tư nước ngoài là bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Thu hút chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đồng thời, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất toàn cầu, tăng cường liên kết các doanh nghiệp, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và đổi mới sáng tạo.

Lợi thế đầu tư vào Việt Nam là chính trị ổn định, xã hội mở; tăng trưởng kinh tế cao; chi phí sản xuất cạnh tranh; nguồn nhân lực dồi dào và đang trong giai đoạn dân số vàng; thị trường tiềm năng; hội nhập quốc tế sâu rộng; chính sách mở với nhiều ưu đãi cạnh tranh; vị trí địa lý chiến lược. Chính sách mới về đầu tư, kinh doanh tạo cơ chế thông thoáng; tăng cường phân cấp; minh bạch, đa dạng hóa các hình thức đầu tư; bổ sung ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư.

Những ý kiến được chia sẻ tại Tọa đàm sẽ là cơ sở để hai bên xây dựng các chính sách thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy hợp tác đầu tư song phương Việt Nam - Trung Quốc ngày càng phát triển hiệu quả hơn nữa./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1550
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)