(MPI) – Ngày 26/11/2020 đã diễn ra Tọa đàm trực tuyến với doanh nghiệp tỉnh Aichi, Nhật Bản lần thứ 39 với sự tham dự của các bộ, ngành, địa phương và gần 200 doanh nghiệp tỉnh Aichi tham gia trực tiếp và trực tuyến. Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng và Giám đốc Sở Lao động và Công nghiệp tỉnh Aichi Inuzuka Haruhisa chủ trì tại các điểm cầu.
|
Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại điểm cầu Trung tâm Điều hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng cho biết, tỉnh Aichi và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có hợp tác từ năm 2008 và tổ chức thành công nhiều cuộc tọa đàm. Đến nay, có gần 150 doanh nghiệp tỉnh Aichi đầu tư tại Việt Nam với gần 200 dự án. Các doanh nghiệp tỉnh Aichi đầu tư nghiêm túc, hiệu quả. Tuy nhiên, số lượng này chưa tương xứng với mong muốn cũng như tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam của Tỉnh. Do vậy, thông qua Tọa đàm nhằm cung cấp thông tin về môi trường đầu tư của Việt Nam cũng như nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp tỉnh Aichi, góp phần tăng cường hơn nữa hợp tác đầu tư của doanh nghiệp tỉnh Aichi vào Việt Nam.
Với sự tham dự của các bộ, ngành, lãnh đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất của nhiều địa phương, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng đề nghị các doanh nghiệp tỉnh Aichi thẳng thắn nêu vấn đề để có thể cùng nhau trao đổi từ khâu chính sách đến thực thi. Đồng thời nhấn mạnh, ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm, thể hiện mối quan hệ tốt đẹp truyền thống Việt Nam - Nhật Bản. Cấp cao có sự gắn kết đặc biệt, các bộ, ngành có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ nhưng giao lưu giữa các doanh nghiệp chưa đạt được theo kỳ vọng các cấp đặt ra. Do vậy, Việt Nam mong các doanh nghiệp tỉnh Aichi với sự hỗ trợ của chính quyền Tỉnh mà đầu mối là sở Lao động và Công nghiệp tỉnh Aichi sẽ thông tin tới các doanh nghiệp về môi trường đầu tư của Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung và doanh nghiệp của Tỉnh nói riêng trong hoạt động đầu tư.
Phát biểu tại Tọa đoàn, Giám đốc Sở Lao động và Công nghiệp tỉnh Aichi Inuzuka Haruhisa cho biết, Việt Nam là thị trường quan trọng được các doanh nghiệp của Tỉnh quan tâm và xúc tiến đầu tư trong thời gian tới. Thông qua Aichi support Desk được thành lập từ năm 2008 với sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp của Tỉnh đã nhận được hỗ trợ rất nhiều.
|
Giám đốc Sở Lao động và Công nghiệp tỉnh Aichi Inuzuka Haruhisa phát biểu. Ảnh: MPI |
Ông Inuzuka Haruhisa khẳng định, chính quyền tỉnh Aichi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để góp phần vào việc tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Nhật Bản.
Tại Tọa đàm, đại diện các bộ, ngành liên quan đã trình bày về các quy định mới của Luật Đầu tư và Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư; Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 114/2020/NĐ-CP; Những điểm mới trong Bộ luật Lao động năm 2019; Quy định xuất nhập cảnh và cư trú tại Việt Nam, những điểm lưu ý đối với doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19.
Phát biểu từ góc nhìn chuyên gia về kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19, ông Yashiro Hiroaki cho rằng, Việt Nam đã ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng, chống dịch và kết quả đến thời điểm hiện tại cho thấy Việt Nam đã thành công trong công tác này. Về kinh tế, Việt Nam đã kịp thời ban hành các chính sách nhằm phục hồi kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn để ổn định nền kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tận dụng các cơ hội của thị trường như đổi mới sáng tạo, các FTA và tái cấu trúc chuỗi cung ứng.
Trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực và thế giới có mức tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng dương với khoảng 3% trong năm 2020 và năm 2021 dự kiến có sự kỳ vọng tăng trưởng cao hơn. Việt Nam đang xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và đưa ra mục tiêu tăng trưởng cho cả giai đoạn.
Ông Yashiro Hiroaki cũng nhấn mạnh đến tình hình đầu tư chung của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, trong đó có tình hình thu hút đầu tư FDI; tổng số vốn FDI được cấp phép vào Việt Nam theo quốc gia; xu hướng thương mại, xu hướng của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo khảo sát của JETRO, từ tháng 01-6/2020, có 65% doanh nghiệp trả lời doanh số bán hàng giảm, 13% trả lời doanh số bán hàng tăng. Kết quả khảo sát tháng 10/2020 với 9 công ty sản xuất của Nhật Bản cho thấy, hiện tại doanh thu đã phục hồi gần bằng năm 2019. Các công ty Nhật Bản hoạt động trong khu chế xuất xin phép cấp giấy phép bán hàng nội địa tại Việt Nam ngày càng tăng và kỳ vọng từ nay đến cuối năm sẽ có sự cải thiện tốt hơn.
|
Hình ảnh tại Tọa đàm. Ảnh: MPI |
Tại Tọa đàm, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã làm rõ các vấn đề mà doanh nghiệp đầu tư quan tâm liên quan đến định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 của Việt Nam; về tình hình cải thiện môi trường đầu tư để nhà đầu tư yên tâm đầu tư tại Việt Nam; về phát triển nguồn nhân lực; những điểm lưu ý đối với doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19;…/.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư