(MPI) - Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tổ chức thẩm định và phê duyệt, ngày 26/11/2020, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị báo cáo và tham vấn Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk, cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo của 13 địa phương trong vùng ĐBSCL; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Hội nghị nhằm giới thiệu về nội dung chính của quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thảo luận về các vấn đề lớn, có tính chiến lược định hình sự phát triển của vùng ĐBSCL cho giai đoạn phát triển dài hạn với tầm nhìn đến năm 2050 để từ đó giúp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện quy hoạch trước khi xin ý kiến chính thức bằng văn bản của các Bộ, ngành, địa phương trong vùng ĐBSCL, báo cáo trình Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng xem xét, thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2020.
ĐBSCL là vùng ven biển thuộc hạ lưu sông Mê Công, là một trong những đồng bằng trù phú, bao gồm 13 tỉnh, thành phố, với dân số toàn vùng khoảng 17,3 triệu người (chiếm khoảng 20% dân số cả nước) và diện tích là 40,5 ngàn km2 (chiếm 12% diện tích cả nước). Đây là vùng có điều kiện tự nhiên gắn với hệ thống sông, ngòi - kênh, rạch, đất, nước, môi trường, hệ sinh thái, cảnh quan và các yếu tố kinh tế - xã hội như phong tục, tập quán, sinh kế, truyền thống canh tác, mùa vụ, tạo thành một mối tổng hòa và liên kết rất chặt chẽ với nhau. Với tiềm năng, lợi thế, cùng với những quyết sách phù hợp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của các địa phương, sự hỗ trợ của các đối tác phát triển trong thời gian qua, vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ trong nội vùng ĐBSCL đã hình thành nhiều khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và du lịch tập trung, với quy mô ngày một lớn dần; đã trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam không những góp phần làm thay đổi, cải thiện đời sống của Nhân dân, mà còn bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Bên cạnh đó, một loạt các cơ sở hạ tầng của Vùng từng bước hoàn thiện ngày một đồng bộ và nâng cao khả năng kết nối; các đô thị dần được mở rộng làm thay đổi chất lượng cuộc sống của người dân.
Tuy là một trong số các đồng bằng trù phú nhưng có thể nói chưa bao giờ vùng ĐBSCL lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như những áp lực về phát triển kinh tế - xã hội. Gần đây, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu đã gây sức ép ngày càng lớn lên hệ thống hạ tầng, các đô thị và không gian sống của người dân trong vùng ĐBSCL, làm gia tăng nguy cơ thảm họa thiên nhiên trong hiện tại và thậm chí ngày càng gia tăng trong tương lai…
Nhận thấy rõ những thách thức trên, Chính phủ đã ban hành kịp thời Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm định hướng, chỉ đạo giải quyết vấn đề của vùng ĐBSCL. Trong đó, giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp, đa ngành mà Luật Quy hoạch quy định. Trên cơ sở nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng quan điểm, mục tiêu và các định hướng ưu tiên phát triển vùng ĐBSCL.
5 điểm nhấn chính của Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng dựa trên nguyên tắc: “Bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường” mà trọng tâm với 5 điểm nhấn chính.
Thứ nhất, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được nghiên cứu tiếp thu từ kinh nghiệm của Hà Lan, nơi có điều kiện tự nhiên cũng như quy mô diện tích và dân số tương đồng với vùng ĐBSCL. Theo đó, quy hoạch hướng tới phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, lấy yếu tố “con người” làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển, lấy “thích ứng” với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển theo khẩu hiệu “muốn tiến lên phía trước, bắt buộc phải thích ứng”.
Thứ hai, quy hoạch định hướng phân vùng sinh thái nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái nông nghiệp nhằm tăng tối đa sản lượng và chất lượng, giá trị nông sản, đồng thời hài hoà với điều kiện tự nhiên môi trường. Phát triển vùng ĐBSCL thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới, trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và chuỗi đô thị động lực. Tập trung thúc đẩy mở rộng nuôi trồng thủy sản dựa trên nước mặn, nước lợ và phát triển “thuận thiên” để ngăn chặn xói mòn bờ biển và bờ sông. Ở các vùng sinh thái nông nghiệp khác nhau, cơ sở hạ tầng nước và quản lý công trình sẽ phải được sửa đổi, điều chỉnh để phù hợp với việc giảm diện tích trồng lúa (mặc dù vẫn duy trì các vùng trồng lúa đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia) và mở rộng nuôi trồng thủy sản, trái cây cũng như trồng trọt. Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, trong đó công nghiệp chế biến công nghiệp hỗ trợ phát triển nông nghiệp là ngành mũi nhọn; phát triển dịch vụ đa dạng, ứng dụng công nghệ cao với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường kết nối nội vùng, trong nước và quốc tế. Quan tâm đẩy mạnh phát triển ngành du lịch theo thế mạnh, tiềm năng và đặc thù của vùng ĐBSCL như tiềm năng về văn hoá xã hội, cảnh quan môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch sông nước và nông nghiệp; đồng thời, chú ý đến vấn đề tác động xấu đến xã hội không mong muốn và sự xâm hại các di sản tự nhiên, di sản văn hóa và các giá trị di sản khác trong quá trình khai thác, phát triển du lịch.
Thứ ba, xây dựng hệ thống đô thị thông minh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng, gắn kết hợp với các trung tầm đầu mối; bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái quan trọng của vùng; duy trì và tôn tạo bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc; chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển thịnh vượng lâu dài của vùng. Ưu tiên phát triển và mở rộng khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở khu vực đô thị động lực của vùng; hạn chế việc chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp tập trung, có giá trị kinh tế cao để mở rộng, phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Thứ tư, tập trung phát triển hạ tầng để đi trước một bước nhằm tạo nền tảng cho sự phát tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững của vùng ĐBSCL. Ưu tiên phát triển hạ tầng có ý nghĩa quan trọng cấp quốc gia, cấp vùng như giao thông, năng lượng, và kết cấu hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi mô hình phát triển của vùng ĐBSCL trong thời kỳ tiếp theo, đặc biệt là phát triển kinh tế nông nghiệp. Cải thiện hạ tầng cấp nước theo hướng coi nước mặn, nước lợ là một nguồn tài nguyên bên cạnh nước ngọt với trọng tâm là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi xâm nhập mặn và hạn hán, lấy nước mặt từ vùng nước mặt ngọt vĩnh viễn; giảm dần và tiến tới dừng sử dụng nước ngầm để làm chậm tốc độ sụt lún đất. Tiếp tục thực hiện các nhà máy nhiệt điện than đang xây dựng và thay thế tất cả bằng các nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên/LNG và năng lượng tái tạo (mặt trời, gió…), trong đó, chú trọng quy trình xử lý chất thải vùng với lượng chất thải thu gom từ nhiều tỉnh để đạt được quy mô hiệu quả và áp dụng phương pháp đốt rác thanh năng lượng một cách hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Thứ năm, khoanh vùng quản lý, bảo tồn và khai thác hợp lý những di sản văn hóa, tín ngưỡng quan trọng và chú trọng bảo tồn hệ sinh thái và môi trường vùng ĐBSCL. Tái tạo hệ thống rừng ngập mặn. Kết hợp phát triển rừng ngập mặn ven biển với xây dựng hệ thống đê, kè ngăn sóng, chống triều cường, chống sạt lở đất, tạo điều khiển bồi đắp phù sa, mở rộng bãi bồi ven biển. Bảo vệ đa dạng sinh học, động vật hoang dã và hình thành hệ thống sinh thái. Tập trung khôi phục và bảo vệ rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong chống xói lở, bổ sung tái tạo nước ngầm, giảm ảnh hưởng thủy triều và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ngoài ra, cần phục hồi và tạo ra những cấu trúc địa mạo, cảnh quan đặc thù nhằm tạo giá trị gia tăng và tiềm năng lớn cho du lịch vùng.
Hướng tới sự thịnh vượng chung của toàn Vùng
Có thể nói, quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt sẽ là công cụ để định hướng cho các địa phương xây dựng quy hoạch tỉnh, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan, như quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị… cho thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; giúp tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tiết kiệm, bền vững tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên thiên nhiên khác; điều phối liên kết vùng ĐBSCL, tạo cơ sở cho việc định hướng xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, thúc đẩy sự hợp tác giữa các địa phương trong và ngoài vùng, cũng như giữa các ngành, lĩnh vực trong quá trình tổ chức triển khai các chương trình, dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng dùng chung của vùng, hoặc công trình có phạm vi ảnh hưởng liên vùng, quốc gia và quốc tế. Đồng thời, quy hoạch này cũng là kênh cung cấp những thông tin định hướng phát triển của vùng ĐBSCL tới tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và người dân địa phương để huy động hiệu quả các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư hướng tới sự thịnh vượng chung của toàn Vùng.
Tại Hội nghị, các đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các địa phương đã trình bày các tham luận về thực trạng sinh thái, môi trường của vùng ĐBSCL và các khuyến nghị; Định hướng chiến lược về phát triển vùng ĐBSCL; Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL;… Sau khi nghe các bài trình bày, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung lớn có ý nghĩa rất quan trọng đối với vấn đề quy hoạch vùng ĐBSCL như nhận diện rõ các cơ hội chính, động lực chính để tạo nên sự phát triển đột phá của vùng ĐBSCL trong giai đoạn tiếp theo; định vị vai trò, vị thế của vùng ĐBSCL trong mối quan hệ với vùng Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh và trong bối cảnh quốc tế, cụ thể là khu vực ASEAN và tiểu vùng sông Mê Công; sự phù hợp của các định hướng, giải pháp về phát triển ngành lĩnh vực có thế mạnh của vùng, định hướng tổ chức không gian phát triển, kết cấu hạ tầng, khai thác sử dụng tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước với đặc điểm, điều kiện đặc thù của vùng ĐBSCL, quan điểm phát triển của Nghị quyết số 120/NQ-CP và tính thích ứng với biến đổi khí hậu; việc xử lý các xung đột mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh để đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Các ý kiến của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo bộ, ngành và các chuyên gia về những vấn đề lớn, có tính chiến lược định hình sự phát triển của vùng ĐBSCL cho giai đoạn phát triển dài hạn với tầm nhìn đến năm 2050 sẽ giúp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị tư vấn hoàn thiện dự thảo Quy hoạch trước khi xin ý kiến chính thức bằng văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương trong Vùng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tổ chức thẩm định, phê duyệt./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư