(MPI) – Theo Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 11/2020 là 13.092 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 284.722 tỷ đồng, tăng 7,3% về số doanh nghiệp và tăng 72,0% về vốn đăng ký so với tháng 10/2020, tăng 6,7% về số doanh nghiệp và tăng 103,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11/2020 là 119.668 người, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 65,3% so với tháng 10/2020.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11/2020 chủ yếu tập trung vào các ngành, lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (4.382 doanh nghiệp, chiếm 33,5%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (1.613 doanh nghiệp, chiếm 12,3%); Xây dựng (1.600 doanh nghiệp, chiếm 12,2%)… Số vốn đăng ký mới tập trung chủ yếu ở các ngành, lĩnh vực: Kinh doanh bất động sản (153.344 tỷ đồng, chiếm 53,8%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (28.805 tỷ đồng, chiếm 10,1%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (27.352 tỷ đồng, chiếm 9,6%); Xây dựng (20.059 tỷ đồng, chiếm 7%)…
Tháng 11/2020 ghi nhận 5.315 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 5,4% so với tháng 10/2020, tăng 39,5% so với tháng 4/2020 (thời gian thực hiện giãn cách xã hội ở nước ta) và tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 11/2020 tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; Xây dựng; Công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trong tháng 11/2020, có 9.183 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2019, tăng 10,8% so với tháng 10/2020), trong đó: 2.771 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 4.471 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chờ làm thủ tục giải thể và 1.941 doanh nghiệp giải thể.
Tháng 11, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 2.771, là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, giảm 15,9% so với tháng 10/2020, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể trong tháng 11/2020 là 4.471 doanh nghiệp, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 24,9% so với tháng 10/2020; Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 1.941 doanh nghiệp, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 37,4% so với tháng 10/2020.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp 11 tháng đầu năm 2020 đã chịu ảnh hưởng từ những tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế. Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2020 có sự giảm sút nhẹ về số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Trong 11 tháng đầu năm 2020, cả nước có 124.252 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2020 đạt 15,1 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy quy mô của doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục có xu hướng tăng lên.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng đầu năm nay là 40.820 doanh nghiệp, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 11 tháng đầu năm 2020 tăng trên hầu hết các lĩnh vực. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy những lĩnh vực chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh đã có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là các ngành nghề liên quan tới du lịch, lĩnh vực có sự tác động rất lớn đến nhiều ngành nghề dịch vụ khác. Trong thời gian tới, cần có những chính sách để tiếp tục kích cầu du lịch trong nước, thu hút khách nội địa, từ đó giúp các doanh nghiệp du lịch và các ngành, lĩnh vực có liên quan sớm khôi phục.
Trong 11 tháng đầu năm 2020, có 93.490 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm: 44.440 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 59,7% so với cùng kỳ năm 2019; 33.607 doanh nghiệp chờ giải thể, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2019; 15.443 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong 11 tháng đầu năm 2020 là 44.440 doanh nghiệp, tăng 59,7% với cùng kỳ năm 2019. Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm 2019 cho thấy sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 11 tháng đầu năm 2020 là 15.443 doanh nghiệp, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019. 10/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm 2019 là Sản xuất phân phối, điện, nước, gas; Kinh doanh bất động sản và Giáo dục và đào tạo với tỷ lệ tăng lần lượt là 50%; 46,8% và 34,3%.
Phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể là những doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ những cú sốc bên ngoài. Do vậy, trong thời gian tới, để có thể giảm số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần hoạch định và thực thi có hiệu quả các chính sách thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của các đối tượng này./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư