(MPI) - Tại Hội nghị báo cáo và tham vấn Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 26/11/2020, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn, phân tích đánh giá một cách khoa học, khách quan về thực trạng tình hình, cơ hội thuận lợi, khó khăn thách thức, đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp hiệu quả cho dự thảo quy hoạch hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thịnh vượng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Theo dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đại diện tư vấn trình bày tại Hội nghị, đây là bản quy hoạch đầu tiên được chuẩn bị theo Luật Quy hoạch và thực hiện theo phương pháp tích hợp, bao gồm một số cơ chế nhằm cải thiện sự phối hợp giữa các quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh trong vùng. Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng, bảo vệ môi trường.
Quy hoạch được xây dựng dựa trên tiền đề nông nghiệp là ngành có lợi thế của Vùng; sử dụng hiệu quả diện tích đất sản xuất, cây trồng để tăng giá trị và tạo nhiều việc làm khác.
Dựa trên tiền đề này, Quy hoạch xác định bốn yếu tố tổng hợp của chiến lược phát triển vùng. Về nông nghiệp, cần thúc đẩy và hỗ trợ sản xuất số lượng lớn cây trồng có giá trị cao hơn, chất lượng tốt hơn dựa trên sự phù hợp về đất đai và nguồn nước, bằng cách nới lỏng các hạn chế sử dụng đất, hỗ trợ nhiều hơn cho nông dân và thúc đẩy các phương thức canh tác hiệu quả và bền vững hơn.
Trung tâm đầu mối nông - công nghiệp, thu gom và tổng hợp các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản địa phương tại các cơ sở tiểu vùng và gia tăng giá trị, thông qua phát triển các trung tâm chế biến, được bố trí hợp lý ở các trung tâm tỉnh, cùng với dịch vụ và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.
Về giao thông, cải thiện theo từng giai đoạn đường bộ, vận tải thủy nội địa và cảng, cũng như hậu cần khu vực để hỗ trợ các trung tâm chế biến và cải thiện khả năng tiếp cận tổng thể trong khu vực để mang lại lợi ích cho các ngành khác (bao gồm cả công nghiệp).
Về quản lý nước, bảo vệ vùng nước ngọt lõi và các vùng ven biển, cải thiện chất lượng nước (đặc biệt liên quan đến nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản), thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Quy hoạch vùng ĐBSLC thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là vấn đề rất lớn, được nhiều người quan tâm và được sự tham gia, góp ý của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời cho biết, Luật Quy hoạch là luật đầu tiên được thực hiện trong 3 kỳ họp mới được Quốc hội thông qua. Điều này cho thấy mức độ khó, độ phức tạp và tầm quan trọng của Luật và khi Luật Quy hoạch được ban hành có rất nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi nhưng Quốc hội, Chính phủ quyết tâm phải lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp để lồng ghép tất cả các mục tiêu, nguồn lực để tối đa hóa các lợi ích. Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta lập quy hoạch vùng và được lập theo phương pháp tích hợp. Nếu như trước đây cả nước có hơn 20 nghìn quy hoạch thì nay được gom lại còn một số quy hoạch và ở địa phương có hàng trăm quy hoạch thì nay chỉ còn một quy hoạch.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Quy hoạch vùng chỉ đưa ra các định hướng lớn về không gian phát triển của vùng, các vấn đề về chiến lược, phân bổ không gian, liên kết để tạo động lực cho vùng phát triển, còn các vấn đề chi tiết sẽ nằm ở quy hoạch tỉnh. Trước đây chúng ta lập quy hoạch thì ngành nào biết ngành đấy, không liên quan đến nhau nên triệt tiêu hết các động lực, cơ hội. Còn hiện nay, quy hoạch sẽ được lập theo phương pháp tích hợp, với cách tiếp cận từ trên xuống, đi từ chiến lược phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến tiềm năng, lợi thế, cơ hội, thách thức của Vùng ĐBSCL và cho rằng, vấn đề đặt ra bây giờ là phải giải bài toán quy hoạch vùng ĐBSCL như thế nào trong bối cảnh nêu trên; phải đi theo hướng nào để phát triển nhanh, bền vững và tranh thủ được tất cả cơ hội; cơ chế chính sách, nguồn lực để thực hiện và quản lý được quy hoạch. Đồng thời nhấn mạnh đến những điểm mới được thể hiện trong Dự thảo liên quan đến nguồn nước; Về phát triển đô thị tập trung, vùng nào có dân cư đông thì tăng cường đầu tư để trở thành khu tập trung, trở thành động lực phát triển; Về nông nghiệp, hướng đến giá trị cao và nông nghiệp công nghệ cao là công cụ để thực hiện mục tiêu hiệu quả cao chứ không phải công nghệ cao là mục tiêu hướng đến; Mục tiêu quy hoạch là lấy con người làm trọng tâm, hướng tới chỉ số hạnh phúc, hài lòng của người dân.
Khu vực này có thể không có những nhà máy lớn để có những đóng góp lớn, nhưng đổi lại, Vùng sẽ có một nền nông nghiệp bền vững, hài hòa. Người dân có thể có thu nhập không cao bằng các tỉnh, thành phố khác, nhưng phải có giao thông đi lại thuận lợi, có bệnh viện, trường học, có các dịch vụ công được đáp ứng, đảm bảo việc làm, sinh kế bởi mục tiêu cuối cùng là mang lại hạnh phúc, nụ cười cho người dân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Muốn đạt được các mục tiêu này, chúng ta phải nhận thức đúng, có sự đồng thuận, thống nhất cao. Các địa phương phải đặt lợi ích của Vùng lên trên chứ không vì lợi ích cục bộ của mình. Đồng thời, phải có cách tiếp cận mới, đột phá, táo bạo, tầm nhìn chiến lược, trên tinh thần vừa kế thừa vừa phát triển theo hướng chủ động phát triển tương lai.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các ưu tiên phát triển bao gồm hạ tầng giao thông, nước, sạt lở bờ sông, bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu. Về đề xuất liên quan đến đường ven biển, Quy hoạch lần này được tiếp cận theo cách khác, đây không chỉ đơn thuần là tuyến giao thông mà phải trở thành hành lang kinh tế để đóng góp cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Vùng ĐBSCL.
Với 17 cuộc hội thảo và 12 cuộc họp chính thức với các bộ, ngành, địa phương trong vùng ĐBSCL và nhiều hội thảo, tọa đàm với các chuyên gia trong nước, quốc tế phục vụ việc xây dựng dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và với các nguồn lực được bố trí, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên nhất định, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hy vọng rằng, bản quy hoạch đầu tiên được chuẩn bị theo Luật Quy hoạch theo phương pháp tích hợp sẽ là cơ sở để vùng ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững và bứt phá trong giai đoạn tới.
Đây cũng là điều mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn trong việc xây dựng quy hoạch vùng ĐBSCL với chất lượng cao mà còn phấn đấu trở thành bản quy hoạch vùng điển hình, mẫu mực từ đó rút kinh nghiệm cho việc xây dựng các quy hoạch vùng còn lại theo quy định./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư