Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/11/2020-17:06:00 PM
Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới
(MPI) - Đây là chủ đề của Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần thứ 12 năm 2020 do Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức ngày 24/11/2020, tại thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của 16 diễn giả và 500 lãnh đạo cao cấp đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, tập đoàn kinh tế, các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu chào mừng Diễn đàn. Ảnh: MPI
Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết trong những năm qua M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa hoạt động thu hút các nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đa dạng hóa hình thức sở hữu doanh nghiệp...

Đặc biệt, M&A là con đường ngắn nhất để các công ty nước ngoài có thể thâm nhập, mở rộng thị trường Việt Nam với hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí. Thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch, đạt tổng giá trị gần 50 tỷ USD trong hơn một thập kỷ qua.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2020 có sự suy giảm, ước đạt 3,5 tỷ USD, bằng 48,6% so với năm 2019.

Tuy nhiên, theo dự báo của tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Việt Nam là một trong những thị trường M&A doanh nghiệp năng động và tiềm năng nhất toàn cầu, với chỉ số đầu tư M&A dự báo năm 2020 là 102 điểm, đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ với 108,9 điểm. Hoạt động M&A tại Việt Nam có thể hồi phục trở lại từ giữa năm 2021, đưa quy mô thị trường trở lại mốc bình thường là 5 tỷ USD.

Những đánh giá tích cực đó dựa trên những kết quả và thành công mà Việt Nam đã đạt được trong giai đoạn 2016-2019 và năm 2020, một năm với những thành công ấn tượng, Việt Nam đã cơ bản đạt được “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát được đại dịch Covid-19, vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam là nước duy nhất duy trì tăng trưởng kinh tế dương trong các nước ASEAN-5 trong năm 2020. Lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định trong khi thị trường chứng khoán diễn biến tích cực. Những kết quả quan trọng này được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, khẳng định Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tiếp tục chỉ đạo xây dựng chính sách nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thông qua việc góp vốn, mua cổ phần; thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cả trong và ngoài nước...

Đồng thời, Chính phủ cũng luôn nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố cơ bản nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư như cơ sở hạ tầng, đất đai, mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo hành lang thông thoáng cho đầu tư.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI

Trong năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với nhiều cải cách trong thủ tục gia nhập thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh, trong đó có hoạt động M&A.

Đặc biệt, lần đầu tiên, danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ được Chính phủ ban hành theo nguyên tắc chọn - bỏ. Đây là cải cách quan trọng, giúp nhà đầu tư nước ngoài được quyền tiếp cận thị trường tương tự như nhà đầu tư trong nước đối với toàn bộ ngành nghề, lĩnh vực không có tên trong danh sách trên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Song song với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang khẩn trương hoàn thiện Chiến lược thu hút FDI trong thời kỳ mới, với mục tiêu là ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, cam kết hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, gắn với đào tạo nguồn nhân lực.

Ngày 15/11/2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết đã mở ra thị trường mới với gần 30% dân số thế giới và chiếm khoảng 29,1% GDP toàn cầu. Những tính toán cho thấy RCEP có giá trị như một khoản đầu tư 7.200 tỷ USD với tỷ suất lợi nhuận 4% mỗi năm; giúp thương mại toàn cầu tăng thêm khoảng 1,9%. Hiệp định RCEP cùng với các Hiệp định thương mại tự do khác như EVFTA hay CPTPP chắc chắn sẽ tạo thêm động lực cho tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực cũng như toàn cầu, điều này đặc biệt có ý nghĩa khi các hoạt động thương mại, đầu tư bị gián đoạn do đại dịch Covid-19. Những yếu tố quan trọng đó sẽ mở ra cơ hội mới và nhiều khởi sắc cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao Ban tổ chức Diễn đàn M&A 2020 đã chọn chủ đề “Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới” với mục tiêu tập trung đánh giá, phân tích và tìm ra các giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động M&A, đảm bảo cho thị trường M&A phát triển thuận lợi, mặt khác hạn chế được những tác động tiêu cực, bất lợi. Đồng thời, Diễn đàn cũng sẽ là cầu nối giữa các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam./.

Dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Diễn đàn M&A Việt Nam được tổ chức trong suốt 11 năm đã thực sự trở thành diễn đàn mở của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà đầu tư về hoạt động M&A. Đây là kênh kết nối cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 với chủ đề “Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới” được tổ chức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi nền kinh tế thế giới. Việt Nam cũng như các nền kinh tế khác chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch và khuynh hướng đầu tư mới của khu vực.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1047
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)