Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/11/2020-22:51:00 PM
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Cục Đầu tư nước ngoài và Ngân hàng United Overseas (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 27/11/2020, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng United Overseas (UOB) Xinh-ga-po đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên theo hình thức trực tuyến. Thứ trưởng Trần Duy Đông và Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn UOB Wee Ee Cheong đồng chủ trì tại các điểm cầu.
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu. Ảnh: MPI

Phát biểu tại điểm cầu Trung tâm Điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, trong nhiều năm qua, nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, nhiều tập đoàn đa quốc gia trên thế giới đã có quá trình tái cơ cấu đầu tư và định vị lại chuỗi cung ứng.

Gần đây, khi bối cảnh kinh tế chính trị thế giới đang có những diễn biến phức tạp, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn vẫn đang tiếp diễn căng thẳng, đặc biệt tác động tiêu cực của dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, các tập đoàn đa quốc gia đã đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, đa dạng hóa đầu tư, nhằm tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác.

Với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, cùng những cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư và vị thế trên trường quốc tế ngày càng tăng, đồng thời với những biện pháp phòng chống COVID-19 tích cực và hiệu quả, Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao, trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh FDI toàn cầu có khả năng suy giảm tới 40% trong năm 2020, nhưng kết quả thu hút FDI trong 11 tháng năm 2020 của Việt Nam vẫn tương đối khả quan với tổng vốn đăng ký trên 26 tỷ USD, vốn tăng thêm đạt 6,3 tỷ USD, tăng 7,8%. Trong đó, các nhà đầu tư đến từ Xinh-ga-po dẫn đầu với 8,1 tỷ USD, Hàn Quốc đứng thứ hai với 3,7 tỷ USD, Trung Quốc đứng thứ ba với 2,4 tỷ USD và Nhật Bản đứng thứ tư với 2,1 tỷ USD.

Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, đây là những tín hiệu tích cực, thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam và khẳng định nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và các cấp chính quyền trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Một loạt các bộ luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) được thông qua với nhiều điểm mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tăng cường phân cấp, minh bạch, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, bổ sung cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án quy mô lớn đáp ứng các tiêu chí và có đóng góp đáng kể đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Với việc hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã ký kết Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA, mở ra hướng hợp tác mới, rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn giữa Việt Nam và EU. Hai Hiệp định này cùng với Hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại tự do khác sẽ đem lại lợi thế về tiếp cận thị trường khi Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia thuộc nhóm G20. Đặc biệt, Hiệp định RCEP vừa được ký kết ngày 15/11/2020 sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

Với triển vọng từ các Hiệp định thế hệ mới, kết quả tích cực của quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cải thiện môi trường kinh doanh, kết hợp với những tiềm năng to lớn của Việt Nam hiện đại, Thứ trưởng Trần Duy Đông mong muốn các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam; ngành sản xuất chủ lực, có đóng góp lớn trong tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao sự hợp tác cũng như những nỗ lực của UOB trong thời gian qua đã giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết nối được với nhiều doanh nghiệp không chỉ đến từ Xinh-ga-po mà còn từ các quốc gia là khách hàng và đối tác của UOB. Đồng thời đề nghị UOB hỗ trợ Việt Nam tiếp cận với các tập đoàn lớn, các nhà đầu tư nước ngoài đứng đầu chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất lớn của thế giới và có kỹ thuật cao đang có nhu cầu hoặc mong muốn tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh để tái định vị sản xuất, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Phát biểu tại điểm cầu Xinh-ga-po, ông Wee Ee Cheong khẳng định, UOB kiên định hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế kể từ khi đặt nền móng tại Việt Nam gần 30 năm qua. Kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam cho phép UOB mở rộng các cơ hội đầu tư, kinh doanh cũng như tạo ra cơ hội việc làm và đóng góp vào sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

“Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn để đa dạng chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư trong bối cảnh bị gián đoạn bởi dịch bệnh COVID-19. Biên bản Hợp tác mở rộng với Cục Đầu tư nước ngoài một lần nữa khẳng định mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong việc hỗ trợ, xúc tiến các nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực thâm nhập vào nền kinh tế năng động của Việt Nam và hoạt động thành công cũng như thúc đẩy dòng thương mại, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế cho toàn khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng”, ông Wee Ee Cheong nhấn mạnh.

Ảnh: MPI

Trên cơ sở Bản ký ghi nhớ Hợp tác với UOB, Cục Đầu tư nước ngoài sẽ cung cấp thông tin về các định hướng và chính sách thu hút đầu tư vào Việt Nam; hỗ trợ các nhà đầu tư do UOB giới thiệu để thực hiện các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu và tiến hành các thủ tục đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật; hỗ trợ hoặc xem xét giải quyết hoặc phản ánh kiến nghị của các nhà đầu tư nói trên đến các cơ quan có thẩm quyền liên quan.

Bộ phận Hỗ trợ Đầu tư nước ngoài của UOB sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư là các công ty, tập đoàn trong mạng lưới khách hàng của UOB những thông tin về thị trường Việt Nam, hỗ trợ gia nhập thị trường, các giải pháp tài chính cụ thể, cũng như kết nối các khách hàng với các cơ hội kinh doanh trong khu vực. Bộ phận tư vấn đầu tư của UOB và Cục Đầu tư nước ngoài cũng sẽ tổ chức các hội nghị trực tuyến cho các diễn giả đến từ các đối tác trong mạng lưới, bao gồm các cơ quan chính phủ, các tổ chức tư vấn và các tập đoàn đa quốc gia để chia sẻ kinh nghiệm cũng như thông lệ về đầu tư tại Việt Nam.

Bản ghi nhớ Hợp tác đầu tiên giữa Cục Đầu tư nước ngoài và Ngân hàng UOB được ký kết vào năm 2015 nhằm thúc đẩy đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác. Theo Biên bản ghi nhớ này, UOB đã xúc tiến, hỗ trợ hơn 150 doanh nghiệp đầu tư tổng cộng hơn 51 nghìn tỷ đồng vào Việt Nam. Các dự án đầu tư này đã giúp tạo ra 17 nghìn việc làm tại Việt Nam./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2285
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)