Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/11/2020-17:50:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 năm 2020 cùa thành phố Cần Thơ

I. CÔNG NGHIỆP

Trong tháng, tình hình sản xuất công nghiệp khả quan hơn. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước thực hiện tháng Mười tăng 1,57% so tháng trước, một số sản phẩm tăng cao so với tháng trước như: phi lê đông lạnh tăng 2,71%, gạo xay xát tăng 7,40%, thức ăn gia súc tăng 74,68%, thuốc lá tăng 23,09%, quần áo may sẵn tăng 35,94%, sản phẩm in khác tăng 41,14%, phân bón tăng 19,40%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước thực hiện tháng Mười chỉ đạt 94,40%, trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 93,41%; ngành phân phối điện tăng 1,43%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 5,84%.

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước thực hiện 10 tháng đạt 97,25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 96,65%; ngành phân phối điện tăng 2,01%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 2,39%. Một số sản phẩm có chỉ số giảm như: tôm đông lạnh giảm 3,95%; gạo xay xát giảm 4,01%; thức ăn thủy sản giảm 8,2%; bia lon giảm 22,58%; thuốc lá giảm 6,4%; bao và túi dùng để đóng gói giảm 24,6%; quần áo may sẵn giảm 41,92%; thùng hộp bằng bìa cứng giảm 37,44%; sản phẩm in khác giảm 16,18%; bao và túi từ plastic khác giảm 24,81%; bê tông tươi giảm 43,88%; sắt thép giảm 11,9%; bộ sa lông giảm 11,06%; găng tay thể thao giảm 30,99%. Các sản phẩm giảm do doanh nghiệp chưa xuất được hàng hóa, các đơn hàng còn ít, chưa ký kết được các hợp đồng mới. Mặt khác, các sản phẩm giảm do sức mua giảm, thị trường tiêu thụ ít, các doanh nghiệp nhỏ và vừa qui mô sản xuất còn thu hẹp, chưa chủ động được nguồn vốn nên doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại trong sản xuất kinh doanh. Vì vậy các sản phẩm vẫn chưa được cải tiến phù hợp với nhu cầu thị trường mới.

Bên cạnh đó vẫn có một số sản phẩm đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: phi lê đông lạnh tăng 15,25%; thuốc diệt cỏ tăng 26,17%; sản phẩm nhựa gia dụng tăng 22,28%; xi măng tăng 40,64%; sản phẩm đinh tăng 48,60%; bộ bánh răng tăng 23,63%; máy nông nghiệp tăng 12,78%; các loại tàu khác tăng 97,15%. Nguyên nhân các sản phẩm tăng do một số doanh nghiệp đã có những biện pháp thích hợp duy trì thị trường truyền thống, đồng thời kích thích nhu cầu để tạo lập, xúc tiến và mở rộng thị trường mới, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và xây dựng chính sách giá cả phù hợp nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tháng 10/2020 tăng 10,88% so với tháng trước và đạt 95,48% so với tháng cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so với cùng kỳ như: xay xát giảm 15,85%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản giảm 13,05%; đồ uống giảm 6,48%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 2,17%; dệt giảm 29,09%; trang phục giảm 42,41%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 36,24%; in ấn giảm 41,2%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 14,32%.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/10/2020 đạt 89,83% so với tháng trước và đạt 123,46% so với cùng kỳ.

Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 10/2020 tăng 0,54% so với tháng trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,10%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,58% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 0,57%. Nhìn chung, số lao động ở các doanh nghiệp có mức tăng nhẹ, vẫn duy trì ở mức ổn định.

Đăng ký doanh nghiệp: trong tháng Mười, thực hiện cấp mới đăng ký kinh doanh cho 99 doanh nghiệp các loại hình, tổng vốn đăng ký 663,296 tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng/2020, đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.254 doanh nghiệp các loại hình, đạt 78,37% KH về số lượng doanh nghiệp; tổng vốn đăng ký hơn 9.685 tỷ đồng, đạt 77,48% KH về số vốn đăng ký; so với cùng kỳ số doanh nghiệp đăng ký mới bằng 99,28% và số vốn đăng ký bằng 87,74%.

II. NÔNG LÂM NGHIỆP - THUỶ SẢN

1. Nông nghiệp

a) Trồng trọt

- Cây lúa:

Diện tích lúa vụ thu đông toàn thành phố ước đạt 68.720 ha, so với KH của thành phố đạt 107,37% (KH 64.000 ha); so với cùng kỳ tăng 6,96%, bằng 4.472 ha. Nguyên nhân diện tích tăng: do giá lúa từ vụ hè thu cao, ổn định giúp nông dân có lãi từ 2,2 đến 3,5 triệu đồng/công (tùy vụ). Tập trung chủ yếu tăng ở huyện Vĩnh Thạnh.

Lúa thu đông đang được khẩn trương thu hoạch để không bị ảnh hưởng của lũ. Đến ngày 14/10/2020, đã thu hoạch khoảng 63.026 ha, nhanh hơn so cùng kỳ 2.486 ha, đạt khoảng 91,71% so với diện tích gieo trồng. Diện tích lúa còn lại chủ yếu ở huyện Vĩnh Thạnh, đang ở giai đoạn chín đến thu hoạch, sinh trưởng và phát triển khá tốt; trước tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, trong thời gian tới ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, vận động nông dân chủ động các phương tiện bơm nước, gia cố các đoạn đê bao để bảo vệ diện tích lúa chưa thu hoạch.

Năng suất ước đạt 52,06 tạ/ha so với năm 2019 tăng 1,51% bằng 0,77 tạ; Sản lượng ước đạt 357.724 tấn, tăng so cùng kỳ 8,58% bằng 28.260 tấn.

Nguyên nhân năng suất và sản lượng tăng

Do nước lũ về trễ và chưa lớn, thời tiết từ đầu vụ đến nay thuận lợi khô ráo, tình hình sâu bệnh trong vòng kiểm soát nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt và khi vào vụ thu hoạch tỷ lệ hao hụt thấp. Phần lớn diện tích xuống giống của các quận, huyện đầu nguồn đều nằm trong đê bao an toàn nên bà con luôn chủ động được lượng nước cần thiết cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.

Bà con nông dân thực hiện việc chọn giống tốt, bón phân cân đối và áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, giúp cây lúa chắc khỏe, ít bị đổ ngã và tiêu thoát nước phù hợp.

Ngành Nông nghiệp hướng dẫn cho bà con xuống giống tập trung, đồng loạt nhưng vẫn đảm bảo thời gian giãn cách vụ và áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ lúa nhằm đảm bảo chất lượng hạt lúa và hạn chế thất thoát sau thu hoạch.

Trong tháng, giá lúa tươi vụ thu đông 2020 ổn định so với tháng trước, giá lúa cụ thể như sau: lúa IR 50404: 5.200-5.500 đồng/kg, các lúa giống OM: 5.600-5.800 đồng/kg. Nhìn chung giá lúa thu đông năm nay tăng khoảng 1.000 - 1.400 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước; Nguyên nhân giá lúa tăng là do thị trường xuất khẩu thuận lợi, cùng với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8, đã tác động tích cực đến ngành hàng lúa gạo.

Để chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân 2021, ngành Nông nghiệp vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch né rầy, không nên có nhiều trà lúa trên cùng một cánh đồng, thời gian xuống giống mỗi đợt cần tập trung 5-7 ngày. Dự kiến lịch thời vụ xuống giống đợt 1 lúa chính vụ lúa đông xuân từ ngày 05/11/2020 đến ngày 11/11/2020 (nhằm ngày 20/9-26/9 âm lịch).

- Cây hàng năm

Đến ngày 14/10/2020, toàn thành phố gieo trồng cây hàng năm khoảng 15.649 ha, cao hơn cùng kỳ 693 ha. Nguyên nhân: diện tích tăng tập trung chủ yếu cây mè ở quận Ô Môn, Thốt Nốt, là do có rất nhiều diện tích lúa đông xuân thu hoạch sớm và dự báo năm nay hạn hán thiếu nước nên bà con nông dân chủ động xuống giống cây mè, vì cây mè là cây chịu hạn rất tốt. Ngoài ra do giá mè năm 2019 nằm ở mức cao khoảng 48.000 - 51.000đ/kg cao hơn năm trước từ 20-25 ngàn đồng/kg, nên bà con yên tâm xuống giống. Đến nay, toàn TP đã thu hoạch khoảng 15.157 ha cây hằng năm khác nhanh hơn cùng kỳ 2.281 ha, năng suất các cây hàng năm khác ổn định. Ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai các đề tài, dự án, mô hình giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập trong sản xuất như: dự án WB6, VnSAT, dự án xây dựng mô hình sản xuất rau theo hướng VietGAP,… Theo dõi và hướng dẫn HTX rau an toàn Long Tuyền duy trì sản xuất sản phẩm rau an toàn phù hợp với Quy trình VietGAP (giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp với 5 Quy trình VietGAP với diện tích 10,22 ha, sản xuất các chủng loại Bí, dưa hấu, ớt, khổ qua, cà chua, dưa leo, dưa lê).

Trong tháng, có 100 ha nhiễm dịch hại, giảm 48 ha so với cùng kỳ năm 2019, các đối tượng dịch hại xuất hiện trong tháng như bọ trĩ/bầu bí dưa 41 ha, các bệnh trên lá trên bầu bí dưa như bệnh phấn trắng... 47 ha, sâu đục quả/các loại đậu 10 ha, … phân bố tại huyện Phong Điền và Cái Răng.

- Cây lâu năm

Diện tích cây lâu năm gieo trồng ước được 23.355 ha, tăng 2.393 ha, bằng 11,41% so cùng kỳ năm 2019; trong đó diện tích cây ăn quả ước là 21.798 ha, chiếm 93,34% trong tổng diện tích cây lâu năm, tăng 2.429 ha (+12,54%) so cùng kỳ năm 2019. Chủ yếu tăng ở nhóm cây nhiệt đới, cận nhiệt đới, cây đu đủ tăng 159 ha, sầu riêng tăng 1.165 ha; mít tăng 537 ha; vú sữa tăng 12%,...

Nguyên nhân:

Diện tích cây ăn quả tăng là do thời gian qua các quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ được các cấp chính quyền, ngành Nông nghiệp và phát triển Nông thôn hỗ trợ đầu tư đê bao khép kín bảo vệ vườn cây ăn quả, vận động nông dân cải tạo vườn tạp và đẩy mạnh chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển vườn cây ăn trái, cộng với tình hình nắng hạn khá gay gắt và dự báo mùa mưa năm nay đến muộn, nông dân đã tích cực chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây ăn quả để tăng thêm hiệu quả kinh tế. Ngoài ra nhà vườn còn được các ngành chức năng trợ giá cây giống nên đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện nay đã xây dựng được 12 vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái, lợi nhuận cao gấp 1,5 - 2 lần so với trồng chuyên cây ăn trái và triển khai kế hoạch xây dựng vùng sản xuất vú sữa, xoài và nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ngoài ra, các hộ dân còn tận dụng các phần diện tích bờ quanh ao nuôi thủy sản để trồng một số loại cây ăn quả khác như: na, đu đủ, mít để tăng thêm thu nhập.

Bên cạnh đó nhiều hộ dân trồng xen canh các loại cây ăn quả (mật độ như trồng trần) để thay thế các vườn cây bị già cỗi, năng suất thấp từ các năm trước, khi người dân chặt bỏ các vườn cây già cỗi, năng suất thấp để các cây trồng xen canh phát triển nên diện tích trồng mới, diện tích chưa cho sản phẩm và diện tích cho sản phẩm có sự biến động đáng kể.

Hiện nay toàn thành phố có 58 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây ăn trái với năng lực cung ứng 650.000 cây/năm.

Trong tháng, diện tích dịch bệnh cây ăn trái khoảng 174 ha; Trong đó diện tích nhiễm bệnh chổi rồng 116 ha. Tuy nhiên, dịch bệnh đã được kiểm soát, xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật kịp thời nên đã khống chế sự bùng phát trên diện rộng.

b) Chăn nuôi

Trong tháng, trên địa bàn thành phố không xảy ra dịch bệnh tai xanh ở heo, lở mồm long móng trên gia súc, bệnh Dịch tả heo Châu Phi và dịch cúm gia cầm. Để chủ động phòng, chống nguy cơ xâm nhiễm và lây lan dịch bệnh Covid-19 và các loại mầm bệnh nguy hiểm ở động vật, nhất là đối với dịch bệnh Cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND thành phố,… Đến nay, đã hoàn thành Kế hoạch tiêm phòng Cúm gia cầm đợt 1 và 2 năm 2020; kết quả đã tiêm được 1.893.866 con, trong đó: gà 376.511 con, vịt 1.517.355 con. Ngoài ra, thực hiện tiêm phòng thường xuyên theo yêu cầu của người chăn nuôi.

Toàn thành phố có 46 cơ sở chăn nuôi sản xuất con giống; trong đó có 42 cơ sở chăn nuôi heo sản xuất con giống với khả năng cung cấp gần 26.000 con giống/năm; 04 cơ sở chăn nuôi vịt sản xuất con giống với khả năng cung ứng khoảng 350.000 con giống/năm. Bên cạnh đó giá heo giống hiện đang ở mức cao 2.500.000đ/con. Nhưng hiện nay heo giống ít được bán do chủ hộ nuôi để lại tự nuôi heo thịt.

Ngành thú y tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn, khôi phục sản xuất, chuyển đổi chăn nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương,... Đến nay, đàn heo phát triển bình thường trở lại, giá heo hơi đang ở mức 76.000đ/kg - 78.000đ/kg, ổn định so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng khoảng 42.000đ/kg; nguyên nhân do bệnh Dịch tả heo Châu Phi nên tổng đàn giảm mạnh, giá thức ăn dao động từ 21.000 - 22.000đ/kg. Giá vịt ta hơi ở mức từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, vịt xiêm 60.000 - 65.000 đồng/kg; Gà thả dao động khoảng 100.000 - 110.000 đồng/kg. Trong khi chi phí thức ăn, tấm cám ở mức khá cao, giá đầu ra của gia cầm hiện tại đảm bảo có lợi cho người nuôi.

Đến nay, ngành Nông nghiệp bước đầu đã thực hiện hỗ trợ chứng nhận VietGAHP cho 02 mô hình chăn nuôi (01 mô hình chăn nuôi heo; 01 mô hình chăn nuôi vịt) để tham gia chuỗi cung ứng và xác nhận thực phẩm an toàn và hiện có 03 chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm (01 chuỗi liên kết sản xuất sữa bò tươi, sản lượng 2.000 tấn/năm; 01 chuỗi liên kết sản xuất thịt heo, sản lượng 50 tấn/tháng; 01 chuỗi cung ứng trứng vịt muối phục vụ cho xuất khẩu, sản lượng tiêu thụ 9,6 - 9,8 triệu quả/năm).

2. Lâm nghiệp

Với vị trí địa lý của thành phố Cần Thơ hiện nay, diện tích trồng cây lâm nghiệp tập trung không còn, bà con nông dân chỉ trồng cây phân tán ở những vùng đất nhỏ lẻ ven các tuyến lộ giao thông nông thôn ... tiếp tục chăm sóc các cây lâm nghiệp trồng phân tán đã trồng, đồng thời khai thác các cây đủ tiêu chuẩn phục vụ cho nhu cầu xây dựng, làm chất đốt trong đời sống.

3. Thủy sản

Trong tháng, diện tích nuôi thuỷ sản đã thu hoạch, được tiến hành cải tạo để thả nuôi cho vụ mới; hiện nay giá cá tra ở mức 18.000 - 20.000đ/kg, (cá từ 700 - 900g/con), tăng khoảng 1.700đ/kg so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước giảm khoảng 2.000 đồng/kg, với giá này người nuôi lỗ 4.000 - 5.000 đồng/kg (giá thành cá tra 23.000 - 24.000 đồng/kg). Giá giảm so với cùng kỳ năm trước vì người dân thả nuôi quá nhiều làm cung vượt cầu và do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Hiện nay, tình hình dịch hại trên thủy sản xuất hiện rải rác các bệnh gan thận mủ, phù đầu, xuất huyết trong các ao nuôi cá tra, đặc biệt các ao ương cá giống, và ao mới thả giống, tỷ lệ hao hụt cá tra thả nuôi cao do khan hiếm con giống chất lượng cao.

Diện tích nuôi thủy sản trên ruộng lúa năm nay tiến triển chậm hơn so với cùng kỳ năm trước do mực nước phù sa trên ruộng lúa năm nay thấp hơn và về trễ hơn năm trước nên làm ảnh hưởng đến diện tích nuôi cá trên ruộng lúa.

Tình hình khai thác thủy sản: do những tháng đầu năm 2020, mực nước trên các sông thượng nguồn xuống thấp nên sản lượng thủy sản đổ về hạ nguồn không nhiều như các năm trước.

Hiện nay, có 120 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ. Cung cấp nhu cầu nuôi của thành phố và các tỉnh lân cận. Trong tháng giá cá tra giống dao động từ 21.000 - 23.000 đồng/kg tăng 3.000đ/kg so với tháng trước, cá giống kích cỡ 2 cm chiều cao thân - mẫu 30 con/kg giá từ 21.000 - 22.000 đồng/kg, giá cá giống 1,5 cm chiều cao thân - mẫu 70 con/kg giá từ 22.000 - 23.000 đồng/kg.

Thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn TP. Cần Thơ có 03 HTX nuôi cá tra với diện tích 39,7 ha; 35 hộ tham gia liên kết sản xuất với các nhà máy với diện tích 95 ha; 08 doanh nghiệp tham gia nuôi cá tra với diện tích 49 ha. Diện tích nuôi thủy sản an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của thành phố Cần Thơ đạt 289,1 ha, bao gồm: 275,35 ha VietGAP (trong đó có 17 ha BMP+ASC) và 13,75 ha BAP+ASC (trong đó có 3,85 ha ASC).

III. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước ĐP quản lý

Ước thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện tháng 10 năm 2020 được 392,19 tỷ đồng. Trong đó vốn cân đối ngân sách thành phố thực hiện được là 54,22 tỷ đồng, vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện được 58,28 tỷ đồng, vốn nước ngoài ODA 55,04 tỷ đồng, vốn xổ số kiến thiết thực hiện được 35,61 tỷ đồng, nguồn vốn khác thực hiện được 38,79 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện được 150,25 tỷ đồng.

Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 10 tháng năm 2020 được 3.176,16 tỷ đồng đạt 49,57% kế hoạch năm. Trong đó, vốn cân đối ngân sách thành phố thực hiện được 448,42 tỷ đồng đạt 47,04% kế hoạch năm, vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện được 420,71 tỷ đồng đạt 94,61% kế hoạch năm, vốn nước ngoài ODA 378,11 tỷ đồng đạt 27,27% kế hoạch năm, vốn xổ số kiến thiết 355,43 tỷ đồng đạt 45,85% kế hoạch năm, nguồn vốn khác thực hiện được 270,95 tỷ đồng đạt 30,41% kế hoạch năm, vốn ngân sách cấp huyện được 1.302,56 tỷ đồng đạt 66,58% kế hoạch năm. Đến ngày 15/10/2020 đã giải ngân 3.586,99 tỷ đồng, đạt 43,5% kế hoạch năm, trong đó ngân sách địa phương là 2.306,17 tỷ đồng đạt 35,5% kế hoạch năm.

Thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố bằng nguồn vốn ngân sách trong 10 tháng năm 2020 đạt thấp so với kế hoạch là do gặp nhiều khó khăn như: công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án gặp nhiều vướng mắc làm chậm tiến độ thi công, một số dự án không quyết toán kịp thời thêm vào đó năng lực tài chính các nhà thầu chưa đáp ứng nhu cầu đề ra, mặc dù giá nguyên vật liệu những tháng đầu năm 2020 ổn định, nhưng tiến độ thi công một số công trình vẫn chậm.

Tình hình thực hiện một số dự án chủ yếu trên địa bàn Thành phố:

Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, dự án có tổng mức đầu tư 7.339,33 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn ODA, do Ban quản lý ODA thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư. Kế hoạch vốn năm 2020 được giao 1.584,66 tỷ đồng. Ngày 18/9/2020, UBND TP Cần Thơ long trọng tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình Cầu Trần Hoàng Na, Cầu Trần Hoàng Na được xây dựng bắc qua sông Cần Thơ nối quận Ninh Kiều với quận Cái Răng - một trong những công trình giao thông trọng điểm thuộc Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Cầu Trần Hoàng Na sẽ góp phần giải quyết kết nối giao thông đô thị giữa quốc lộ 1A và các tuyến đường trung tâm, giảm tải lưu lượng xe cho các tuyến đường chính của thành phố, góp phần giảm ách tắt giao thông, thúc đẩy phát triến kinh tế của thành phố.

Dự án Bệnh viện Ung Bướu thành phố Cần Thơ, dự án có tổng mức đầu tư là 1.727,9 tỷ đồng được thực hiện bằng nguồn vốn ODA do Sở Y tế thành phố làm chủ đầu tư, kế hoạch vốn năm 2020 được giao là 661,7 tỷ đồng và được bổ sung nguồn vốn kéo dài từ năm 2019 đến năm 2020 là 567,88 tỷ đồng. Ngày 14/10/2020 vừa qua, Sở Y tế TP Cần Thơ cùng nhà thầu tổ chức lễ cất nóc công trình. Hiện nay, công trình đã hoàn thành đổ bê tông cốt thép sàn mái tòa nhà chính cao sáu tầng, hoàn thành giai đoạn thi công phần thô, chuyển sang giai đoạn hoàn thiện theo đúng kế hoạch.

Dự án Kè sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu, dự án có tổng mức đầu tư 810,74 tỷ đồng, dự án do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng thành phố làm chủ đầu tư với tổng chiều dài toàn tuyến 5.160m. Kỳ vọng đây sẽ là một trong những dự án trọng điểm làm thay đổi diện mạo đô thị sông nước của thành phố; bảo vệ các công trình hạ tầng cũng như đời sống cư dân trong vùng dự án. Kế hoạch vốn năm 2020 được giao 245,59 tỷ đồng. Theo Ban Quản lý Dự án Ðầu tư xây dựng TP Cần Thơ, dự án được phê duyệt từ ngày 13/4/2016, tuy nhiên, do hạn chế về nguồn vốn nên đến năm 2020, dự án mới được bố trí vốn đối ứng để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Hiện nay, các khu tái định cư đang trong quá trình thực hiện và dự kiến hoàn thành vào năm 2021 nên dự án chưa bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng trên địa bàn quận Ninh Kiều và quận Cái Răng, phần nào làm ảnh hưởng tiến độ bàn giao mặt bằng.

IV. THƯƠNG MẠI

1. Giá cả thị trường

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2020 giảm 0,01% so với tháng trước; tăng 1,77% so với cùng kỳ năm 2019, giảm 0,73% so với tháng 12 năm 2019, chỉ số giá bình quân 10 tháng tăng 3,33% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 7 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, gồm: đồ uống và thuốc lá tăng 0,05%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,02%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,24%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,17%; giao thông tăng 0,04%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,17%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,01%.

Trong tháng có 2 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước, gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,17%; bưu chính viễn thông giảm 0,16%.

Các nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá ổn định so với tháng trước là nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục.

Các nguyên nhân tác động đến CPI tháng 10 năm 2020

Các nguyên nhân làm tăng giá

Nhu cầu lương thực cuối năm đang có xu hướng tăng lên, nguồn cung lúa tươi đang giảm do hết vụ đã đẩy giá gạo tại các chợ tăng nhẹ.

Do tình hình mưa lũ kéo dài đã gây thiệt hại nhiều về hoa màu, năng suất cây trồng giảm mạnh đã đẩy giá nhiều mặt hàng rau, củ quả tăng mạnh.

Giá gas được điều chỉnh tăng thêm 6.000đ/bình 12kg do giá gas thế giới tăng gần 0,6% lên mức 2,56 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên.

Nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt của người dân trong tháng vẫn tiếp tục tăng lên đã tác động làm tăng chỉ số giá điện sinh hoạt so với tháng trước.

Các nguyên nhân làm giảm giá

Giá xăng, dầu được điều chỉnh vào ngày 26/9/2020 và ngày 12/10/2020, trong đó: ngày 26/9 giá xăng A95 không đổi, xăng E5 giảm 50 đồng/lít, dầu diezel 0,05S giảm 390 đồng/lít, dầu hỏa giảm 150 đồng/lít; ngày 12/9 giá xăng A95 tăng 140 đồng/lít, xăng E5 tăng 50 đồng/lít, dầu diezel 0,05S không đổi, dầu hỏa tăng 150 đồng/lít. Bình quân giá xăng dầu tháng 10 vẫn giảm so với bình quân giá xăng dầu tháng trước nên đã tác động kéo chỉ số giá tiêu dùng giảm trong tháng.

Nguồn cung thịt gia cầm, thủy sản dồi dào đã góp phần làm giảm giá bán tại chợ. Giá thịt heo tại các chợ cũng giảm.

- Chỉ số giá vàng

Chỉ số giá vàng giảm 1,34% so với tháng trước, tăng 27,93% so với cùng kỳ năm trước, tăng 29,07% so với tháng 12 năm trước. Do những thông tin về tình hình kiểm soát dịch bệnh, cũng như tình hình kinh tế, chính trị của các nước trên thế giới đã tác động làm giá vàng trong tháng giảm so với tháng trước.

Giá vàng ngày 21/10/2020 trên địa bàn thành phố dao động quanh mức 5.410.000 đồng/chỉ.

- Chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,03% so với tháng trước, tăng 0,06% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,16% so với tháng 12 năm trước. Giá đô la Mỹ được ngân hàng trong nước điều chỉnh tăng từ ngày 23/9, tuy nhiên giá đô la Mỹ đang quay đầu giảm trở lại từ ngày 14/10. Giá đô la Mỹ trong nước bị ảnh hưởng bởi giá đô la Mỹ trên thị trường thế giới. Giá đô la Mỹ ngày 21/10/2020 trên địa bàn thành phố dao động quanh mức 23.270 đồng/USD.

2. Nội thương

Trong tháng, tình hình mưa kéo dài trong nhiều ngày và triều cường dâng cao làm việc kinh doanh gặp khó khăn. Ước tháng 10/2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 11.955,08 tỷ đồng, giảm 1,35% so với tháng trước, tăng 7,32% so với cùng kỳ. Ước 10 tháng năm 2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 112.476,50 tỷ đồng, tăng 1,09% so với cùng kỳ. Cụ thể:

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tháng 10/2020 đạt 10.035,16 tỷ đồng giảm 0,07% so với tháng trước, tăng 10,09% so với cùng kỳ. Một số nhóm hàng có doanh thu tăng so với cùng kỳ như: lương thực, thực phẩm tăng 14,81%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9,79%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 15,05%; ô tô tăng 8,89%; xăng, dầu tăng 16,75%; nhiên liệu (gas) tăng 3,41%. Tuy nhiên cũng có một số nhóm hàng có doanh thu giảm so với cùng kỳ như: vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 12,14%, đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 5,31%, hàng hóa khác giảm 0,64%.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước 10 tháng năm 2020 đạt 94.335,99 tỷ đồng, tăng 3,65% so với cùng kỳ. Các nhóm hàng có doanh thu tăng so với cùng kỳ như: lương thực, thực phẩm tăng 14,98%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 9,06%; nhiên liệu (gas) tăng 7,82%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 3,37%. Các nhóm hàng có doanh thu giảm so với cùng kỳ như: hàng may mặc giảm 7,49%, vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 14,58%, ô tô giảm 13,55%, xăng dầu giảm 3,26%.

- Ước tháng 10/2020 doanh thu dịch vụ đạt 1.055,96 tỷ đồng, giảm 12,48% so với tháng trước, giảm 5,89% so với cùng kỳ. Một số ngành dịch vụ có doanh thu giảm so với cùng kỳ như: dịch vụ y tế giảm 8,07%; dịch vụ vui chơi giải trí giảm 5,09%; dịch vụ sửa chữa đồ dùng cá nhân và gia đình giảm 27,30%; dịch vụ phục vụ cá nhân giảm 1,89%; dịch vụ khác giảm 11,35%.

Ước 10 tháng năm 2020 doanh thu dịch vụ đạt 10.763,84 tỷ đồng, giảm 3,97% so với cùng kỳ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên doanh thu của các ngành dịch vụ đều giảm so với cùng kỳ, cụ thể: dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 7,90%, dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 11,42%, dịch vụ sửa chữa đồ dùng cá nhân và gia đình giảm 26,53%, dịch vụ phục vụ cá nhân giảm 15,46%, dịch vụ khác giảm 19,93%.

- Ước tháng 10/2020 doanh thu lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 863,96 tỷ đồng, giảm 0,75% so với tháng trước, giảm 4,19% so với cùng kỳ. Ước 10 tháng năm 2020 doanh thu lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 7.376,68 tỷ đồng, giảm 18,38% so với cùng kỳ. Dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm ảnh hưởng rất lớn đến các ngành lưu trú, ăn uống và du lịch. Mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát tốt nhưng tâm lý của khách du lịch vẫn còn e ngại nên lượt khách ở các cở sở lưu trú vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019.

V. GIAO THÔNG VẬN TẢI

Tình hình hoạt động vận tải trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong tháng Mười tăng nhẹ so với tháng trước do tình hình của dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt trong thời gian qua. Tuy nhiên so với cùng kỳ hoạt động vận tải, kho bãi trên địa bàn hiện nay vẫn còn giảm. Cụ thể tình hình như sau:

- Vận tải hàng hoá: tháng 10/2020, ước vận chuyển 0,81 triệu tấn hàng hoá, tăng 8,95% so với tháng trước, giảm 7,96% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 134,30 triệu T.Km giảm 10,46% so cùng kỳ. Ước 10 tháng năm 2020 vận chuyển 7,81 triệu tấn hàng hóa, giảm 10,81% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 1.223,92 triệu T.Km giảm 14,34% so cùng kỳ.

Chia ra: đường bộ tháng 10/2020, ước vận chuyển đạt 0,28 triệu tấn giảm 10,49% so cùng kỳ (luân chuyển 52,28 triệu T.Km giảm 7,09% so cùng kỳ). Đường sông ước vận chuyển đạt 0,51 triệu tấn giảm 5,76% so cùng kỳ (luân chuyển 65,35 triệu T.Km giảm 8,28% so cùng kỳ). Đường biển ước vận chuyển đạt 0,02 triệu tấn giảm 25,83% so cùng kỳ (luân chuyển 16,67 triệu T.Km giảm 25,84% so cùng kỳ).

- Vận tải hành khách: tháng 10/2020, ước vận chuyển 5,96 triệu lượt hành khách, tăng 5,26% so với tháng trước, giảm 6,23% so cùng kỳ; luân chuyển 82,59 triệu lượt HK.Km giảm 6,83% so cùng kỳ. Ước 10 tháng năm 2020 vận chuyển 51,97 triệu lượt HK giảm 8,43% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 715,39 triệu HK.Km giảm 9,79% so cùng kỳ.

Chia ra: đường bộ tháng 10/2020, ước vận chuyển 3,77 triệu lượt HK giảm 5,49% so cùng kỳ (luân chuyển 79,53 triệu HK.Km giảm 6,84% so cùng kỳ). Đường sông ước vận chuyển 2,19 triệu lượt HK giảm 7,47% so cùng kỳ (luân chuyển 3,06 triệu HK.Km giảm 6,67% so cùng kỳ).

- Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải: tháng 10/2020 doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước thực hiện 281,56 tỷ đồng, tăng 4,74% so với tháng trước, giảm 10,10% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách thực hiện 74,36 tỷ đồng giảm 11,19% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa thực hiện 141,42 tỷ đồng, giảm 10,84% so cùng kỳ; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 65,78 tỷ đồng, giảm 7,16% so cùng kỳ.

Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước 10 tháng năm 2020 thực hiện 2.571,01 tỷ đồng, giảm 12,71% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách thực hiện 657,39 tỷ đồng, giảm 10,65% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa thực hiện 1.313,60 tỷ đồng, giảm 12,84% so cùng kỳ; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 600,02 tỷ đồng, giảm 14,58% so cùng kỳ.

VI. NGÀNH TÀI CHÍNH - TÍN DỤNG

1. Tài chính ngân sách

a) Thu ngân sách: thực hiện đến 20 ngày tháng 10/2020, tổng thu NSNN 10.919,69 tỷ đồng đạt 61,09% dự toán, trong đó thu nội địa là 8.556,86 tỷ đồng với các nguồn thu chủ lực như thu thuế khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh 1.548,34 tỷ đồng đạt 63,59% dự toán, thu từ doanh nghiệp nhà nước 1.143,91 tỷ đồng đạt 69,33% so dự toán, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 887,16 tỷ đồng đạt 75,50% so dự toán, thuế thu nhập cá nhân 717,32 tỷ đồng đạt 71,73% so dự toán. Tính đến 20/10/2020 hoạt động thu thuế hải quan ước đạt 576,32 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 5,28% trong tổng thu ngân sách nhà nước và đạt 29,74% so dự toán.

b) Chi ngân sách: ước đến 20 ngày tháng 10/2020 ngân sách đã chi 10.124,86 tỷ đồng chiếm 75,54% dự toán, trong đó hoạt động chi đầu tư phát triển 5.467,15 tỷ đồng, chi thường xuyên 4.486,19 tỷ đồng.

2. Tín dụng ngân hàng

Vốn huy động đến cuối tháng 10 năm 2020 ước đạt 84.800 tỷ đồng, tăng 0,78% so với đầu tháng, tăng 4,32% so với đầu năm. Trong đó, vốn huy động VNĐ là 83.000 tỷ đồng, chiếm 97,88%, tăng 0,83%, vốn huy động ngoại tệ là 1.800 tỷ đồng, chiếm 2,12%, giảm 1,75% so với đầu tháng; vốn huy động ngắn hạn là 57.700 tỷ đồng chiếm 68,04%, tăng 0,70%, vốn huy động trên 12 tháng là 27.100 tỷ đồng, chiếm 31,96%, tăng 0,94% so với đầu tháng.

Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 10 năm 2020 ước đạt 98.600 tỷ đồng, tăng 0,86% so với đầu tháng, tăng 7,96% so với đầu năm. Trong đó dư nợ cho vay VNĐ đạt 93.000 tỷ đồng, tăng 0,81% so với đầu tháng, chiếm 94,32%, dư nợ cho vay ngoại tệ đạt 5.600 tỷ đồng, tăng 1,60% so với đầu tháng, chiếm 5,68% trong tổng dư nợ cho vay; phân theo thời hạn dư nợ cho vay ngắn hạn là 51.900 tỷ đồng, tăng 0,92% so với đầu tháng, chiếm 52,64%, dư nợ cho vay trung dài hạn 46.700 tỷ đồng, tăng 0,79% so đầu tháng, chiếm 47,36% tổng dư nợ cho vay.

Nợ xấu đến cuối tháng 10 năm 2020 là 1.100 tỷ đồng, chiếm 1,12% tổng dư nợ cho vay.

Lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn phổ biến như sau:

- Lãi suất huy động: lãi suất huy động không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng phổ biến mức 0,2%/năm; lãi suất huy động có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 3,5% - 4,0%/năm; lãi suất huy động từ 6 đến 12 tháng phổ biến 4,2% - 6,2%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,0% - 7,0%/năm tùy theo từng loại kỳ hạn.

- Lãi suất cho vay: lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường từ 5,5% - 8,0%/năm đối với ngắn hạn; 8,0% - 10,0%/năm đối với trung, dài hạn.

- Lãi suất USD: lãi suất huy động thực hiện theo quy định là 0%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến ngắn hạn 3,0% - 4,5%/năm, trung dài hạn 4,5% - 6,0%/năm.

VII. TÌNH HÌNH VĂN HOÁ - XÃ HỘI

1. Văn hóa - Thể thao

Trong tháng, công nhận 02 đơn vị đạt danh hiệu “Phường, Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” phường Hưng Phú (quận Cái Răng); Thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ). Đến nay, toàn thành phố có 83/83 xã, phường, thị trấn đạt danh hiệu văn hóa trong Phong trào “TDĐKXDĐSVH” (trong đó có 47 “Phường, Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” và 36 “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”).

Tổ chức phục vụ 7.143 lượt khách tham quan tại Bảo tàng thành phố, Trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam tại Cần Thơ và các di tích lịch sử - văn hóa. Thực hiện 62 hồ sơ khoa học của 88 hiện vật. Tổ chức triển lãm ảnh phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIV; Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 02 huyện: Cờ Đỏ và Thới Lai đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Hệ thống Thư viện toàn thành phố phục vụ: 346.545 lượt người. Bổ sung sách mới: 3.991 quyển. Phối hợp Thành đoàn Cần Thơ tổng kết Hội thi Tuyên truyền giới thiệu sách chủ đề “Việt Nam, đất nước, con người”. Phục vụ xe thư viện lưu động tại 31 trường tiểu học trên địa bàn thành phố, phục vụ 21.700 lượt giáo viên và học sinh.

Nhà hát Tây Đô tổ chức biểu diễn 08 suất, phục vụ 2.950 lượt người xem.

Trung tâm Văn hóa thành phố: phục vụ 03 cuộc hoạt động tại cơ sở chương trình văn nghệ tuyên truyền, với chủ đề “Du lịch Cần Thơ: An toàn - Thân thiện - Chất lượng”.

Thể dục, thể thao

Tổ chức Giải vô địch trẻ quốc gia môn Bóng chuyền bãi biển và Giải vô địch Bóng chuyền bãi biển đồng đội năm 2020, từ ngày 13 - 20/10/2020 tại thành phố Cần Thơ.

Trong tháng Mười, cử 22 lượt huấn luyện viên và 96 lượt vận động viên tham dự 06 giải thể thao quốc gia, đạt 72 huy chương các loại (17 HCV - 26 HCB - 29 HCĐ). Từ đầu năm đến nay, cử 103 lượt huấn luyện viên, 615 lượt vận động viên (252 nữ) tham dự 42 giải thể thao (01 giải mời, 34 giải quốc gia, 08 giải Đại hội Thể thao ĐBSCL), đạt 239 huy chương các loại (63 HCV - 67 HCB - 109 HCĐ). Trong đó có 222 huy chương thể thao thành tích cao (57 HCV - 63 HCB - 102 HCĐ), đạt 55,5% so với kế hoạch (kế hoạch năm 2020 đạt 400 HC); trong đó Đại hội Thể thao ĐBSCL đạt 65 HC các loại (19 HCV - 17 HCB - 29 HCĐ).

2. Giáo dục

Tổ chức Lễ Tuyên dương và khen thưởng học sinh giỏi, học sinh có thành tích cao năm học 2019 - 2020.

Phối hợp Hội Khuyến học thành phố tổ chức Hội nghị Tổng kết 05 năm thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu giai đoạn 2016 - 2020, Kỷ niệm ngày Khuyến học Việt Nam 2/10 và Phát động tuần lễ học tập suốt đời năm 2020.

Hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Phát động cuộc thi trực tuyến phòng, chống tham nhũng đến cán bộ quản lý, giáo viên.

Các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trường học.

Công đoàn ngành giáo dục và đào tạo thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động công đoàn năm học 2019 - 2020 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ hoạt động công đoàn năm học 2020 - 2021; đồng thời trao tặng các suất trợ cấp khó khăn cho giáo viên bị bệnh hiểm nghèo do Công đoàn Giáo dục Việt Nam hỗ trợ và tặng học bổng cho học sinh con của công đoàn viên ngành giáo dục và đào tạo từ nguồn Quỹ Tấm lòng vàng.

3. Về Y tế - khám chữa bệnh

Tình hình dịch bệnh: trong tháng, sốt xuất huyết ghi nhận 160 trường hợp mắc, giảm 72 trường hợp so với tháng trước (232 trường hợp); lũy tích từ đầu năm đến nay 947 trường hợp mắc, giảm 599 trường hợp so cùng kỳ (1546 trường hợp), không có tử vong. Tay chân miệng ghi nhận 214 trường hợp mắc, tăng 101 trường hợp so với tháng trước (113 trường hợp); lũy tích từ đầu năm đến nay 521 trường hợp mắc, giảm 935 trường hợp so cùng kỳ (1456 trường hợp), không có tử vong. Sởi và sốt phát ban nghi sởi không ghi nhận trường hợp mắc, không tăng không giảm so với tháng trước (0 trường hợp); lũy tích từ đầu năm đến nay 188 trường hợp mắc, giảm 191 trường hợp so cùng kỳ (379 trường hợp), không có trường hợp sởi dương tính, không có tử vong. Covid-19: 02 trường hợp hiện mắc Covid-19 (BN1095 và BN1099), là các trường hợp bệnh được cách ly ngay sau nhập cảnh; hiện các bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi thành phố Cần Thơ, tình trạng sức khỏe các bệnh nhân ổn định. Tiêu chảy 414 trường hợp, giảm 6,76% so với tháng trước.

Công tác phòng, chống dịch Covid-19:

Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Yêu cầu người dân thực hiện đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các địa điểm và trên phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người tại nơi công cộng; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.

Cập nhật các hướng dẫn phòng chống dịch bệnh, cách ly của Bộ Y tế như: triển khai hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam, tạm thời chuẩn bị môi trường chuyển mẫu bệnh phẩm đường hô hấp trong xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real-time RT-PCR, hướng dẫn Y tế phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày) của Bộ Y tế, Sổ tay “Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới”.

Ngành Y tế phối hợp Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát chặt chẽ đối với các trường hợp đến thành phố qua Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ.

Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở y tế; tăng cường phân luồng, sàng lọc người bệnh và người nhà người bệnh, trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cho các lực lượng chống dịch, không để lây nhiễm chéo và bùng phát, lây lan dịch từ cơ sở y tế.

Lũy tích đến ngày 14/10/2020, ghi nhận 07 trường hợp mắc Covid - 19, đã điều trị khỏi 05/07 trường hợp (BN154, BN145, BN1050, BN1051, BN980), có 1.744 người đã hoàn thành 14 ngày cách ly tập trung, trở về địa phương; 5.391 người đã hoàn thành 14 ngày theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS: lũy tích số nhiễm HIV phát hiện được 6.806 trường hợp; trong đó, tử vong 2.529 trường hợp, số nhiễm HIV còn sống 4.227 trường hợp (trong đó quản lý được 3.866 trường hợp và 411 trường hợp người có kết quả xét nghiệm HIV dương tính nhưng khi xác minh thực tế thì địa chỉ hoặc tên không đúng với khai báo ban đầu). Điều trị ARV cho 3.760 trường hợp, điều trị Methadone cho 346 trường hợp.

Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm: tổ chức giám sát ATTP trước, trong khi diễn ra các Đại hội tại các nhà hàng, khách sạn, nơi tổ chức/nơi diễn ra các hoạt động ăn nghỉ của các đại biểu tham dự tại Đại hội thi đua yêu nước tại Khách sạn Mường Thanh; Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Giám sát An toàn thực phẩm thức ăn đường phố tại các quận, huyện.

Trong tháng, đã thực hiện 65 đoàn thanh kiểm tra (tuyến tỉnh 02 đoàn, tuyến huyện 07 đoàn, tuyến xã 56 đoàn). Các Đoàn thanh tra, kiểm tra về đảm bảo ATTP đã tổ chức kiểm tra 351 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố trên địa bàn. Qua kiểm tra có 337 cơ sở đạt (chiếm 96,01% cơ sở được kiểm tra), xử phạt 02 cơ sở với số tiền 22.000.000 đồng

Trong tháng không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.

4. Chính sách lao động - xã hội

Trong tháng, thành phố Cần Thơ giải quyết việc làm cho 5.710 lao động, lũy kế từ đầu năm đã giải quyết việc làm cho 42.883 người, đạt 85,29% kế hoạch. Cấp giấy phép lao động cho 17 lao động người nước ngoài. Miễn cấp giấy phép lao động cho 02 người nước ngoài.

Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ tư vấn nghề nghiệp, việc làm, quan hệ lao động cho 13.208 lượt người (lũy kế từ đầu năm 2020 là 104.434 lượt người, đạt 70,33% kế hoạch năm). Kết nối việc làm trong nước cho 1.332 lượt người (lũy kế từ đầu năm 2020 là 7.490 lượt người, đạt 53,50% kế hoạch năm). Đào tạo nghề và kỹ năng lao động cho 2.430 lượt người (lũy kế từ đầu năm 2020 là 8.213 lượt người, đạt 117,33% kế hoạch năm). Tiếp nhận doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động thông báo biến động lao động theo quy định 148 lượt, lũy kế từ đầu năm đến nay 1.376 lượt, đạt 114,67% so với kế hoạch năm. Có 1.343 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 03,38% so với tháng trước (1.390 hồ sơ) và tăng 26,22% so với cùng kỳ (1.064 hồ sơ). Tổ chức các phiên giao dịch, tập huấn, tư vấn, kết nối nghề nghiệp, việc làm và các hoạt động khác liên quan có trên 3.698 lượt người dự.

Chính sách người có công với cách mạng: toàn thành phố hiện có 6.173 đối tượng người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng; trong đó có 39 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, tất cả các Mẹ đều đã được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Tiếp nhận, xét duyệt và giải quyết chế độ chính sách 113 hồ sơ.

Bàn giao 16/20 căn nhà xây dựng mới và bàn giao 125/150 căn nhà sửa chữa từ nguồn của Thành ủy Hà Nội. Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Cần Thơ hỗ trợ 10 căn nhà tình nghĩa mới nâng lên mỗi căn từ 54 triệu lên 70 triệu đồng.

Công tác bảo trợ xã hội: trợ cấp thường xuyên cho 40.235 đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng với tổng kinh phí 15.642 triệu đồng.

Tổ chức thăm và chúc thọ nhân Tháng hành động vì người cao tuổi năm 2020. Đã thăm và tặng quà 16.649 cụ (6.961 cụ 70 tuổi; 3.111 cụ 75 tuổi; 2.846 cụ 80 tuổi; 1.792 cụ 85 tuổi; 1.458 cụ 90 tuổi; 334 cụ 95 tuổi; 61 cụ 100 tuổi và 86 cụ trên 100 tuổi) với tổng kinh phí 9.960 triệu đồng. Bên cạnh đó, thành lập Đoàn đến thăm, chúc thọ, mừng thọ 04 cụ tròn 100 tuổi tại quận Cái Răng; 01 cụ tròn 100 tuổi tại huyện Thới Lai (có 02 cụ là Mẹ VNAH).

Trung tâm Bảo trợ xã hội quản lý 599 đối tượng. Duy trì vệ sinh cá nhân hằng ngày cho 35.445 lượt đối tượng. Theo dõi đối tượng yếu cần chăm sóc đặc biệt, cấp khẩu phần ăn cho 53 đối tượng lão, nhi. Hướng dẫn đối tượng tập vật lý trị liệu nhằm phục hồi chức năng và trị rối nhiễu tâm trí có 440 lượt tham gia. Khám, điều trị bệnh thông thường cho 1.123 lượt. Đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm và tổ chức nấu ăn hàng ngày cho đối tượng đủ chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh.

Trung tâm Công tác xã hội nuôi dưỡng 86 đối tượng. Tổ chức sinh hoạt định kỳ tại 11 Câu lạc bộ Tuổi Hồng với 350 hội viên tham dự. Phối hợp tổ chức Trung thu cho 190 thiếu nhi là hội viên của các Câu lạc bộ Tuổi Hồng và 30 trẻ em người dân tộc thiểu số, qua đó tặng 220 phần quà tổng trị giá 22 triệu đồng. Đảm bảo chế độ ăn cho đối tượng theo quy định (ăn chín, uống sôi, thực phẩm tươi sống, đảm bảo chất lượng và có nguồn gốc). Khám và điều trị tại chỗ cho 360 lượt trẻ với các bệnh thông thường. Đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng dịch bệnh, thường xuyên diệt khuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường tại Trung tâm.

* Kết quả, tiến độ hỗ trợ người dân gặp khó khăn theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Tính đến ngày 19 tháng 10 năm 2020, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành 90 Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 122.847 người dân và hộ kinh doanh cá thể thuộc 06 nhóm đối tượng trên địa bàn thành phố với kinh phí 131 tỷ 183,9 triệu đồng; đến nay các quận, huyện đã tổ chức chi hỗ trợ cho 96.921 đối tượng, đạt 79,25% so với tổng số đối tượng được phê duyệt, cụ thể:

- Nhóm đối tượng đã thực hiện hỗ trợ: UBND thành phố Cần Thơ đã tổ chức chi hỗ trợ cho 85.500 người, đạt 99,97% (do phê duyệt bổ sung 22 người có công theo Công văn số 1213/LĐTBXH-NCC ngày 28/7/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) so với số đối tượng đủ điều kiện, trong đó:

Nhóm 5: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng: các quận, huyện đã chi hỗ trợ 4.576 người, kinh phí 6 tỷ 862 triệu đồng, đạt tỷ lệ 100% so với đối tượng đủ điều kiện.

Ngoài ra, thực hiện Công văn số 1213/LĐTBXH-NCC ngày 28/7/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc mở rộng đối tượng nhóm 5, UBND thành phố đã ban hành 02 Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí đối với 22 người của 02 quận (quận Cái Răng: 01 người, quận Ô Môn: 21 người). Hiện nay, 02 quận đang thực hiện thủ tục để chi hỗ trợ.

Nhóm 6: Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng: các quận, huyện đã chi hỗ trợ 35.826 người, kinh phí 53 tỷ 679,5 triệu đồng, đạt tỷ lệ 100% so với đối tượng đủ điều kiện.

Nhóm 7: Hộ nghèo, hộ cận nghèo trong danh sách rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 của địa phương và được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận theo chuẩn nghèo quốc gia: các quận, huyện đã chi hỗ trợ 45.098 người, kinh phí 33 tỷ 822,5 triệu đồng, đạt tỷ lệ 100% so với đối tượng đủ điều kiện.

- Nhóm đối tượng đang thực hiện hỗ trợ: UBND thành phố Cần Thơ đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 36.738 người lao động và hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn thành phố với kinh phí 36 tỷ 002,9 triệu đồng; đến nay các quận, huyện đã tổ chức chi hỗ trợ cho 11.421 đối tượng, đạt 31,3% so với số đối tượng được phê duyệt, trong đó:

Nhóm 1: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương: 448 người; kinh phí: 806,4 triệu đồng. Kết quả chi: đã chi hỗ trợ 130 người (quận Ninh Kiều), kinh phí 234 triệu đồng, đạt 29,02%.

Nhóm 2: Hỗ trợ vay vốn đối với người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% theo Khoản 3, Điều 98 của Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc: 09/09 quận, huyện chưa nhận được hồ sơ đề nghị của người sử dụng lao động.

Nhóm 3: Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01 tháng 4 năm 2020: 103 hộ của 08/09 quận, huyện; kinh phí: 103 triệu đồng. Kết quả chi: đã chi hỗ trợ 68 hộ (huyện Thới Lai, huyện Phong Điền, huyện Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt), kinh phí 68 triệu đồng, đạt 66,02%; Các quận, huyện còn lại đang thực hiện thủ tục và triển khai chi hỗ trợ.

Nhóm 4a: Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: 29 người của 08/09 quận, huyện; kinh phí: 29 triệu đồng. Kết quả chi: đã chi hỗ trợ 04 người (quận Cái Răng, huyện Phong Điền), kinh phí 04 triệu đồng, đạt 13,79%; Các quận, huyện còn lại đang thực hiện thủ tục và triển khai chi hỗ trợ.

Nhóm 4b: Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm: 36.187 người (trong đó có 1.458 lao động đồng thời là người thuộc hộ nghèo, cận nghèo); kinh phí: 35 tỷ 093,5 triệu đồng. Kết quả chi: đã chi hỗ trợ 11.219 người (huyện Phong Điền, huyện Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt, quận Cái Răng, quận Ninh Kiều), kinh phí 11 tỷ 093,25 triệu đồng, đạt 31,24%; Các quận, huyện còn lại đang thực hiện thủ tục và triển khai chi hỗ trợ.

5. Tai nạn giao thông

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ tình hình tai nạn giao thông (từ ngày 15/9/2020 đến 14/10/2020) trên địa bàn thành phố đã xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4 người, không có người bị thương. So với cùng kỳ năm 2019, giảm 08 vụ, số người chết giảm 08 người, số người bị thương giảm 02 người. Trong 10 tháng năm 2020, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 57 vụ tai nạn giao thông, làm chết 58 người, bị thương 07 người. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ giảm 32 vụ, số người chết giảm 33 người, số người bị thương giảm 17 người./.


Cục Thống kê thành phố Cần Thơ

    Tổng số lượt xem: 1284
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)