Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/08/2020-10:50:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 năm 2020 thành phố Cần Thơ

I. CÔNG NGHIỆP

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước thực hiện tháng 7 tăng 0,24% so tháng trước và đạt 95,17% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 94,32%; ngành phân phối điện tăng 1,19%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 7,18%.

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước thực hiện 7 tháng đạt 98,90% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 98,46%, ngành phân phối điện tăng 2,27%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 3,25%. Trong đó, một số sản phẩm có chỉ số giảm như: tôm đông lạnh giảm 6,01%; thức ăn thủy sản giảm 8,29%, bia lon giảm 20,65%; thuốc lá giảm 17,5%; bao và túi dùng để đóng gói giảm 26,83%; quần áo may sẵn giảm 42,84%, do dịch Covid-19 tiếp tục lây lan mạnh trên toàn cầu dẫn đến thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, doanh nghiệp không có đơn đặt hàng; nhất là sản xuất và xuất khẩu thủy sản của cả Nước nói chung và Cần Thơ nói riêng đều bị ảnh hưởng nặng nề; đặc biệt giá cả nguyên liệu đều giảm vì người nuôi sợ rớt giá nên thu hoạch sớm, một số doanh nghiệp tạm ngừng mua nguyên liệu vì đơn hàng giảm (bị hoãn, hủy, không có đơn hàng mới). Dự báo diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn đang rất phức tạp tại các nước trên thế giới, do vậy, trong vài tháng tới, tình hình sản xuất và xuất khẩu chắc chắn tiếp tục bị tác động giảm.

Tuy còn gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh nhưng vẫn có một số sản phẩm ước thực hiện 7 tháng đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: gạo xay xát tăng 7,59%; dược phẩm tăng 1,19%; xi măng tăng 50,37%; sản phẩm đinh, ghim dập tăng 43,93%; điện thương phẩm tăng 2,27%; nước sinh hoạt tăng 4,47%. Các sản phẩm trên tăng do thời gian qua các bộ, ngành và địa phương với tinh thần luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp đã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi nắm bắt kịp thời tình hình khó khăn của doanh nghiệp, chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với sự chung tay kịp thời hỗ trợ của các cấp chính quyền, song song đó doanh nghiệp đã mạnh dạn chủ động đổi mới đầu tư, tiếp cận công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp luôn nêu cao tinh thần vượt khó để tạo ra những sản phẩm chủ lực, đạt chất lượng cao, giá thành hợp lý để tìm kiếm được nhiều khách hàng và đối tác kinh doanh mới trong xu thế hội nhập nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 một số nước đã tăng cường mua gạo dự trữ nên sản lượng gạo xuất khẩu trong tháng tăng cao.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tháng 7/2020 đạt 94,79% so với tháng cùng kỳ. Ước 7 tháng năm 2020 chỉ số tiêu thụ đạt 91,78% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như: sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản giảm 23,26%; đồ uống giảm 9,74%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 17,56%; dệt giảm 26,93%; trang phục giảm 41,17%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 34,88%. Tuy nhiên, vẫn có một số ngành có mức tiêu thụ tăng như: sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 0,97%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 13,26%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 28,27%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 12,47%.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/7/2020 tăng 4,68% so với tháng cùng kỳ.

Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 7/2020 tăng 0,58% so với tháng trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước vẫn giữ ổn định, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,55% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 1,41%. Nhìn chung, số lao động ở các doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức bình thường, không có biến động nhiều.

Tình hình đăng ký kinh doanh: trong tháng, ước cấp mới đăng ký kinh doanh cho 101 doanh nghiệp các loại hình, tổng vốn đăng ký hơn 429 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng, cấp mới đăng ký kinh doanh cho 833 doanh nghiệp các loại hình, đạt 52,06% KH; tổng vốn đăng ký 5.236 tỷ đồng, đạt 41,88% KH; số doanh nghiệp đăng ký mới bằng 95,85% và số vốn đăng ký bằng 64,34% so với cùng kỳ năm 2019.

II. NÔNG LÂM NGHIỆP - THUỶ SẢN

1. Nông nghiệp

a) Trồng trọt

- Cây lúa: lúa hè thu 2020 đã xuống giống ước đạt 75.015 ha, đạt 99,58% so với kế hoạch (KH 75.330 ha), thấp hơn 4.497 ha so với cùng kỳ năm 2019; Nguyên nhân: do tình hình thời tiết vụ hè thu nắng nóng phù hợp cho cây trồng chịu hạn như mè, đậu. Hiện nay nông dân đã chuyển đổi gần 3.000 ha từ diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang cây mè và cây rau đậu. Ngành Nông nghiệp tiếp tục duy trì cánh đồng lớn với 120 cánh đồng, tổng diện tích 31.942 ha, với 22.392 hộ tham gia.

Đến nay đã thu hoạch dứt điểm lúa vụ hè thu; năng suất ước đạt 60 tạ/ha cao hơn so với cùng kỳ.

Trên chân ruộng đã thu hoạch xong lúa hè thu và màu xuân hè, bà con nông dân tiếp tục sản xuất vụ lúa thu đông. Đến ngày 15/7/2020, toàn TP đã xuống giống ước được 64.341 ha lúa thu đông, nhanh hơn 3.637 ha so với cùng kỳ. Hiện nay, lúa thu đông đang ở giai đoạn đẻ nhánh, cây lúa sinh trưởng và phát triển khá tốt.

Tổng diện tích nhiễm dịch hại là 1.314 ha, cao hơn 875 ha so với cùng kỳ vụ thu đông 2019. Chủ yếu là sự gây hại của rầy nâu, rầy phấn trắng, chuột, bệnh đạo ôn lá…

Trong tháng giá lúa tươi tăng so với cùng kỳ năm trước từ 700-1.000đ/kg, cụ thể như sau: giá lúa các giống lúa OM: 5.500-5.700 đồng/kg, giá lúa IR 50404: 4.800-5.000 đồng/kg, vẫn đảm bảo nông dân đạt lợi nhuận trên 30%. Tuy nhiên phần lớn nông dân đã nhận cọc trước đó để bán với giá chỉ từ 5.000-5.100 đồng/kg. Nhìn chung, giá lúa hè thu năm nay tăng cao là do các hợp đồng ký kết với nước ngoài tăng mạnh.

- Cây hàng năm khác: đến ngày 15/7/2020, toàn thành phố gieo trồng cây hàng năm khoảng 14.871 ha, cao hơn so với cùng kỳ 2.888 ha. Nguyên nhân: diện tích tăng tập trung chủ yếu cây mè ở quận Ô Môn, Thốt Nốt, do cây mè chịu được thời tiết nắng nóng và chuyển đổi khoảng 2.000 ha từ diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang cây mè. Đây là cây rất phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu hiện nay và tình hình thị trường giá mè đang tăng cao hơn năm trước từ 30-40%. Đến ngày 15/7/2020, toàn TP đã thu hoạch khoảng 11.839 ha cây hàng năm khác nhanh hơn cùng kỳ 2.582 ha, năng suất các cây hàng năm khác ổn định. Ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo xây dựng và mở rộng vùng rau an toàn ứng dụng KHKT vào sản xuất, góp phần giảm chi phí, tạo sản phẩm tốt và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông hộ.

Trong tháng có 78 ha nhiễm dịch hại, thấp hơn 5 ha so với cùng kỳ năm 2019, các đối tượng dịch hại xuất hiện như bọ trĩ/bầu bí dưa 21 ha, các bệnh trên lá trên bầu bí dưa như bệnh thán thư, bệnh phấn trắng... 45 ha, bọ nhảy/rau cải các loại 1 ha, … phân bố tại huyện Phong Điền.

- Cây lâu năm: diện tích cây ăn trái khoảng 20.811 ha, chiếm 94,32% trong tổng diện tích cây lâu năm, tăng 2.345 ha (+2,7%) so cùng kỳ năm 2019. Ngành Nông nghiệp tiếp tục vận động nông dân khôi phục vườn cây ăn trái tập trung, chuyên canh; với định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện nay đã xây dựng được 12 vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái, lợi nhuận cao gấp 1,5 - 2 lần so với trồng chuyên cây ăn trái và triển khai kế hoạch xây dựng vùng sản xuất vú sữa, xoài và nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hiện nay, diện tích dịch bệnh cây ăn trái khoảng 187 ha; trong đó diện tích nhiễm bệnh chổi rồng 166 ha, cụ thể: diện tích nhiễm nặng 14 ha (tỷ lệ bệnh >40%), diện tích nhiễm trung bình 39 ha (tỷ lệ bệnh 20-40%), diện tích nhiễm nhẹ 113 ha (10-20%). Tuy nhiên, dịch bệnh đã được kiểm soát, xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật kịp thời nên đã khống chế sự bùng phát trên diện rộng.

b) Chăn nuôi

Trong tháng, trên địa bàn thành phố không xảy ra dịch bệnh tai xanh ở heo, lở mồm long móng trên gia súc, bệnh Dịch tả heo Châu Phi và dịch cúm gia cầm. Để chủ động phòng, chống nguy cơ xâm nhiễm và lây lan dịch bệnh Covid-19 và các loại mầm bệnh nguy hiểm ở động vật, nhất là đối với dịch bệnh Cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố.

Toàn thành phố có 40 cơ sở chăn nuôi sản xuất con giống; trong đó có 36 cơ sở chăn nuôi heo sản xuất con giống với khả năng cung cấp gần 900 con giống/tháng và 03 cơ sở chăn nuôi vịt sản xuất con giống với khả năng cung ứng khoảng 12.500 con giống/tháng; hàng tháng sản xuất và tiêu thụ khoảng 5.000 liều tinh. Bên cạnh đó giá heo giống hiện đang ở mức cao 2.800.000đ/con. Nhưng hiện nay heo giống ít được bán do chủ hộ nuôi để lại tự nuôi heo thịt.

Đến nay, đàn heo phát triển bình thường trở lại, giá heo hơi đang ở mức 85.000đ/kg - 90.000đ/kg, so với cùng kỳ năm trước tăng khoảng 50.000đ/kg; Nguyên nhân do bệnh Dịch tả heo Châu Phi nên tổng đàn giảm mạnh, giá thức ăn cũng dao động từ 21.000 - 22.000đ/kg. Giá vịt ta hơi ở mức từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, vịt xiêm 65.000 - 70.000 đồng/kg; Gà thả dao động khoảng 110.000-115.000 đồng/kg. Trong khi chi phí thức ăn, tấm cám ở mức khá cao, giá đầu ra của gia cầm hiện tại vẫn đảm bảo có lợi cho người nuôi.

Hiện nay, mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học chưa nhiều.

2. Lâm nghiệp

Với vị trí địa lý của thành phố Cần Thơ hiện nay, diện tích trồng cây lâm nghiệp tập trung không còn, bà con nông dân chỉ trồng cây phân tán ở những vùng đất nhỏ lẻ ven các tuyến lộ giao thông nông thôn... tiếp tục chăm sóc các cây lâm nghiệp trồng phân tán đã trồng, đồng thời khai thác các cây đủ tiêu chuẩn phục vụ cho nhu cầu xây dựng, làm chất đốt trong đời sống...

3. Thủy sản

Trong tháng, diện tích nuôi thuỷ sản đã thu hoạch, được tiến hành cải tạo để thả nuôi cho vụ mới; hiện nay giá cá tra giảm sâu ở mức 17.500 - 18.000đ/kg, (cá từ 700 - 900g/con), so với cùng kỳ năm trước giảm khoảng 8.000 đồng/kg, với giá này người nuôi lỗ 4.500 - 6.000 đồng/kg (giá thành cá tra 23.000 - 24.000 đồng/kg). Giá giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước vì người dân thả nuôi quá nhiều làm cung vượt cầu và do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc, thị trường Mỹ chịu thiệt hại nặng nề nên doanh nghiệp tạm thời hạn chế thu mua cá tra là nguyên nhân chính dẫn đến giảm giá cá tra.

Hiện nay, tình hình dịch hại trên thủy sản xuất hiện rải rác các bệnh gan thận mủ, phù đầu, xuất huyết trong các ao nuôi cá tra, đặc biệt các ao ương cá giống, và ao mới thả giống, tỷ lệ hao hụt cá tra thả nuôi cao do khan hiếm con giống chất lượng cao.

Hiện nay, có 199 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ. Cung cấp nhu cầu nuôi của thành phố và các tỉnh lân cận. Trong tháng giá cá tra giống dao động từ 15.000 - 18.000 đồng/kg giảm khoảng 4.000đ/kg so với tháng trước, cá giống kích cỡ 2 cm chiều cao thân - mẫu 30 con/kg giá từ 16.000 - 17.000 đồng/kg, giá cá giống 1,5 cm chiều cao thân - mẫu 70 con/kg giá từ 16.000 - 18.000 đồng/kg.

III. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước ĐP quản lý

Ước thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 7 năm 2020 được 313,87 tỷ đồng. Trong đó, vốn cân đối ngân sách thành phố thực hiện được 54,30 tỷ đồng, vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện được 22,69 tỷ đồng, vốn nước ngoài ODA 40,29 tỷ đồng, vốn xổ số kiến thiết thực hiện được 36,18 tỷ đồng, nguồn vốn khác thực hiện được 30,31 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện được 130,11 tỷ đồng.

Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 7 tháng năm 2020 được 2.056,63 tỷ đồng đạt 32,62% kế hoạch năm. Trong đó vốn cân đối ngân sách thành phố thực hiện được 297,65 tỷ đồng đạt 31,63% kế hoạch năm, vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện được 236,21 tỷ đồng đạt 59,55% kế hoạch năm, vốn nước ngoài ODA 225,37 tỷ đồng đạt 16,25% kế hoạch năm, vốn xổ số kiến thiết 254,18 tỷ đồng đạt 33,22% kế hoạch năm, nguồn vốn khác thực hiện được 159,42 tỷ đồng đạt 19,04% kế hoạch năm, vốn ngân sách cấp huyện được 883,80 tỷ đồng đạt 44,66% kế hoạch năm. Đến ngày 17/7/2020 đã giải ngân 1.291,34 tỷ đồng đạt 20,50% kế hoạch năm.

Tình hình triển khai công tác đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhìn chung thực hiện thấp: công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm tiến độ; năng lực thi công của các nhà thầu còn hạn chế đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công các công trình trên địa bàn thành phố. Một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố còn đang vướng khâu hoàn thiện hồ sơ thủ tục ban đầu, cụ thể dự án Bệnh viện Ung Bướu thành phố Cần Thơ. Một số dự án còn chưa có khối lượng triển khai mặc dù đã có kế hoạch vốn từ đầu năm, cụ thể dự án Trung tâm Văn hóa - Thể thao Ninh Kiều có tổng mức đầu tư là 586,58 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2020 là 180 tỷ đồng.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: trong tháng, cấp mới 01 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 31,40 triệu USD; 7 tháng năm 2020 cấp mới 04 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 31,66 triệu USD.

Tình hình thực hiện một số dự án chủ yếu trên địa bàn Thành phố:

- Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, Dự án có tổng mức đầu tư 7.339,33 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn ODA, do Ban quản lý ODA thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư. Kế hoạch vốn năm 2020 được giao 1.584,66 tỷ đồng. Chủ đầu tư và nhà thầu đang quyết liệt thực hiện các gói thầu trong dự án, để các công trình sớm đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân, cụ thể như gói thầu đường Trần Hoàng Na nối dài chủ đầu tư và nhà thầu đang khẩn trương giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

- Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), dự án do Ngân hàng thế giới tài trợ chính cho Việt Nam nhằm mục đích tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam, nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê tại hai vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của Việt Nam là đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Riêng tại Cần Thơ dự án có tổng mức đầu tư là 323,66 tỷ đồng, do Sở Nông nghiệp làm chủ đầu tư, nhằm mục đích nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng lúa gạo tại thành phố Cần Thơ nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung, kế hoạch vốn năm 2020 là 79,28 tỷ đồng, dự án kéo dài từ năm 2016 đến nay, tính đến hiện tại dự án đã đưa nhiều ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, giúp nâng cao giá trị lúa gạo từ khâu trồng trọt đến khâu thu hoạch.

IV. THƯƠNG MẠI

1. Giá cả thị trường

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 năm 2020 tăng 0,64% so với tháng trước; tăng 2,40% so với cùng kỳ năm 2019, giảm 0,94% so với tháng 12 năm 2019, chỉ số giá bình quân 7 tháng tăng 3,82% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 8 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng, cụ thể: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,51%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,06%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,18%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,47%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,08%; giao thông tăng 4,67%; giáo dục tăng 0,05%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,11%.

Có 1 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng có chỉ số giá giảm so với tháng trước là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,56%.

Nhóm đồ uống, thuốc lá và nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giá không thay đổi so với tháng trước.

Các nguyên nhân làm tăng giá CPI tháng 7 năm 2020

Giá nhiều loại rau, quả tươi tăng mạnh trong tháng do nguồn cung về các chợ giảm vì thời tiết bất thường đã ảnh hưởng đến nhiều vùng rau, sản lượng thu hoạch giảm, nguồn cung giảm, giá rau củ tươi về chợ cũng tăng lên.

Kinh tế trong nước đang dần phục hồi sau dịch Covid-19, cùng với giá nhiều loại lương thực, thực phẩm tăng mạnh nên có nhiều dịch vụ ăn, uống tại các hàng quán đã tăng giá lên so với tháng trước.

Từ ngày 01/7/2020 giá gas tăng 292 đồng/kg (đã tính thuế VAT), tương đương 3.500 đồng/bình 12kg. Sau 3 tháng liền (tháng 2, 3, 4) giảm sâu, giá gas đã quay đầu tăng mạnh trở lại vào tháng 5, đi ngang trong tháng 6 và tiếp tục nhích lên trong tháng 7. Nguyên nhân giá gas tháng 7 tăng là nhà cung cấp thế giới công bố giá gas bình quân đạt 350 USD một tấn, phát sinh thêm 10 USD một tấn so với tháng trước.

Giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 27/6/2020 và ngày 13/7/2020, trong đó: giá xăng A95 tăng 890 đồng/lít, xăngE5 tăng 860 đồng/lít, dầu diezel 0,05S tăng 600 đồng/lít, dầu hỏa tăng 420 đồng/lít so với tháng trước, bình quân giá xăng dầu tháng 7 năm 2020 tăng 9,02% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,42%.

Các nguyên nhân làm giảm giá CPI tháng 7 năm 2020

Với mong muốn ngành du lịch sẽ phục hồi nhanh chóng và tìm lại sự tăng trưởng sau đại dịch Covid-19 sau khi thế giới mở cửa trở lại, từ ngày 1/6 đến ngày 31/12 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” cùng với đó nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa của các địa phương đã được triển khai, giá nhiều tour du lịch trong nước giảm mạnh.

- Chỉ số giá vàng

Chỉ số giá vàng tăng 3,40% so với tháng trước, tăng 28,01% so với cùng kỳ năm trước, tăng 19,86% so với tháng 12 năm trước. Căng thẳng chính trị Mỹ-Trung, Ấn-Trung, dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia, thiên tai nghiêm trọng ở Trung Quốc đã hỗ trợ cho giá vàng thế giới trong tháng tăng cao.

Giá vàng nhẫn 99,99% SJC Cần Thơ ngày 21/7/2020 trên địa bàn thành phố dao động quanh mức 5.110.000 đồng/chỉ.

- Chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,23% so với tháng trước, giảm 0,11% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,19% so với tháng 12 năm trước. Giá đô la Mỹ trong nước giảm là do việc điều chỉnh giá của các ngân hàng thương mại trước việc đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới giảm điểm so với các đồng tiền chủ chốt khác. Đồng đô la Mỹ vẫn chưa dứt đà giảm trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường mua trái phiếu của Mỹ.

Giá đô la Mỹ ngày 21/7/2020 trên địa bàn thành phố dao động quanh mức 23.280 đồng/USD.

2. Nội thương

Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cá thể tháng 7/2020 có nhiều chuyển biến tích cực khi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt. Hầu hết các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể đã hoạt động lại bình thường, doanh thu một số ngành đã tăng trở lại. Ước tháng 7/2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 11.727,27 tỷ đồng, tăng 2,19% so với tháng trước, tăng 6,61% so với cùng kỳ. Ước 7 tháng năm 2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 76.842,51 tỷ đồng, đạt 98,53% (giảm 1,47%) so với cùng kỳ (7 tháng năm 2019 tăng 13,55% so với cùng kỳ năm 2018). Cụ thể:

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tháng 7/2020 đạt 9.708,42 tỷ đồng, tăng 1,87% so với tháng trước, tăng 8,30% so với cùng kỳ. Một số nhóm hàng có doanh thu tăng so với cùng kỳ như: lương thực, thực phẩm tăng 33,94%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 2,99%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 13,96%; nhiên liệu (gas) tăng 30,42%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 6,17%. Tuy nhiên cũng có một số nhóm hàng có doanh thu giảm so với cùng kỳ như: hàng may mặc giảm 8,49%, vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 19,68%, ô tô giảm 11,51%, xăng, dầu giảm 16,73%.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước 7 tháng năm 2020 đạt 64.733,98 tỷ đồng, tăng 1,45% so với cùng kỳ. Các nhóm hàng có doanh thu tăng so với cùng kỳ như: lương thực, thực phẩm tăng 14,68%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 6,54%; nhiên liệu (gas) tăng 8,12%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 7,69%. Các nhóm hàng có doanh thu giảm so với cùng kỳ như: hàng may mặc giảm 12,35%, vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 18,31%, ô tô giảm 16,45%.

- Ước tháng 7/2020 doanh thu dịch vụ đạt 1.185,49 tỷ đồng, tăng 5,69% so với tháng trước, tăng 4,63% so với cùng kỳ. Ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề kể từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Đến nay, doanh thu các ngành dịch vụ đang dần phục hồi sau nhiều tháng tăng trưởng âm. Một số ngành dịch vụ có doanh thu tăng so với cùng kỳ như: dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 4,58%; dịch vụ y tế tăng 8,45%; dịch vụ vui chơi giải trí tăng 3,65%.

Ước 7 tháng đầu năm 2020 doanh thu dịch vụ đạt 7.344,01 tỷ đồng, giảm 6,45% so với cùng kỳ. Dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp từ đầu năm đến cuối tháng 4/2020, ngành dịch vụ đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Doanh thu hàng loạt các ngành dịch vụ đều giảm mạnh so với cùng kỳ, cụ thể: dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 13,26%, dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 21,16%, dịch vụ vui chơi giải trí giảm 4,30%, dịch vụ phục vụ cá nhân giảm 26,79%.

- Ước tháng 7/2020 doanh thu lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 833,37 tỷ đồng, tăng 1,16% so với tháng trước, giảm 7,66% so với cùng kỳ. Ước 7 tháng năm 2020 doanh thu lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 4.764,52 tỷ đồng, giảm 24,74% so với cùng kỳ. Doanh thu của ngành lưu trú, ăn uống và du lịch dần phục hồi từ tháng 5, tuy nhiên sẽ khó đạt mức tăng trưởng cao như năm 2019 do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên Thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp nên lượng khách du lịch năm 2020 sẽ giảm mạnh, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Mặc dù Chính phủ và các ban ngành đã có nhiều biện pháp kích cầu du lịch nhưng chủ yếu là thị trường khách nội địa.

V. GIAO THÔNG VẬN TẢI

Tình hình hoạt động ngành vận tải, kho bãi trong tháng 7/2020 trên địa bàn thành phố Cần Thơ có những diễn biến như sau: trong tháng nhìn chung do ảnh hưởng bởi lượng mưa nhiều nên các cơ sở hoạt động vận tải kho bãi trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn so với cùng kỳ năm trước, vì nhu cầu đi lại của lượng khách du lịch vẫn còn thấp, cùng thời điểm này năm trước thì đây là thời điểm thu hút nhiều lượt khách trong nước nhất, vì đây là những tháng hè nhu cầu du lịch của người dân tăng cao. Cụ thể tình hình như sau:

- Vận tải hàng hoá: trong tháng tình hình kinh doanh của các đơn vị vận tải hàng hoá đã dần hoạt động ổn định. Tháng 7/2020, ước vận chuyển 0,82 triệu tấn hàng hoá, tăng 27,76% so với tháng trước, giảm 2,87% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 125,42 triệu T.Km giảm 2,60% so cùng kỳ. Ước 7 tháng năm 2020 vận chuyển 4,58 triệu tấn hàng hóa, giảm 18,55% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 715,30 triệu T.Km giảm 23,26% so cùng kỳ.

Chia ra: đường bộ tháng 7/2020, ước vận chuyển đạt 0,25 triệu tấn giảm 11,44% so cùng kỳ (luân chuyển 47,31 triệu T.Km giảm 8,23% so cùng kỳ). Đường sông ước vận chuyển đạt 0,54 triệu tấn giảm 2,03% so cùng kỳ (luân chuyển 38,11 triệu T.Km giảm 32,12% so cùng kỳ). Đường biển ước vận chuyển đạt 0,04 triệu tấn tăng 89,84% so cùng kỳ (luân chuyển 40 triệu T.Km tăng 89,84% so cùng kỳ).

- Vận tải hành khách: tình hình hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong tháng 7 nhìn chung đã dần ổn định. Các tuyến xe đường dài liên tỉnh tính đến thời điểm này đã hoạt động liên tục tại các hãng xe lớn như: xe khách Phương Trang; xe khách Thành Bưởi; xe khách Vũ Linh. Tháng 7/2020, ước vận chuyển 5,29 triệu lượt hành khách, tăng 8,44% so với tháng trước, giảm 2,61% so cùng kỳ; luân chuyển 79,89 triệu lượt HK.Km giảm 3,60% so cùng kỳ. Ước 7 tháng năm 2020 vận chuyển 32,03 triệu lượt HK giảm 10,80% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 484,51 triệu HK.Km giảm 10,45% so cùng kỳ.

Chia ra: đường bộ tháng 7/2020, ước vận chuyển 3,70 triệu lượt HK giảm 3,45% so cùng kỳ (luân chuyển 78,11 triệu HK.Km giảm 3,64% so cùng kỳ). Đường sông ước vận chuyển 1,59 triệu lượt HK giảm 0,60% so cùng kỳ (luân chuyển 1,78 triệu HK.Km giảm 1,76% so cùng kỳ).

- Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải: tháng 7/2020 doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước thực hiện 218,20 tỷ đồng, tăng 11,51% so với tháng trước, giảm 18,60% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách thực hiện 67,51 tỷ đồng giảm 5,98% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa thực hiện 111,98 tỷ đồng, giảm 13,90% so cùng kỳ; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 38,70 tỷ đồng, giảm 41,51% so cùng kỳ.

Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước 7 tháng năm 2020 thực hiện 1.404,95 tỷ đồng, giảm 21,79% so cùng kỳ.Trong đó, vận tải hành khách thực hiện 413,91 tỷ đồng, giảm 15,28% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa thực hiện 726,99 tỷ đồng, giảm 18,72% so cùng kỳ; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 264,05 tỷ đồng, giảm 36,13% so cùng kỳ.

VI. NGÀNH TÀI CHÍNH - TÍN DỤNG

1. Tài chính ngân sách

a) Thu ngân sách: thực hiện đến 20 ngày tháng 7/2020, tổng thu NSNN 7.153,83 tỷ đồng đạt 40,34% dự toán, trong đó thu nội địa là 5.950,23 tỷ đồng với các nguồn thu chủ lực như thu thuế khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh 1.046,38 tỷ đồng đạt 42,97% dự toán, thu từ doanh nghiệp nhà nước 773,90 tỷ đồng đạt 46,90% so dự toán, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 609,22 tỷ đồng đạt 51,85% so dự toán, thuế thu nhập cá nhân 533,98 tỷ đồng đạt 53,40% so dự toán. Tính đến 20/7/2020 hoạt động thu thuế hải quan ước đạt 441,89 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 6,18% trong tổng thu ngân sách nhà nước và đạt 22,80% so dự toán.

b) Chi ngân sách: ước đến 20 ngày tháng 7/2020 ngân sách đã chi 7.400,60 tỷ đồng chiếm 52,43% dự toán, bao gồm hoạt động chi đầu tư phát triển 4.189,04 tỷ đồng, chi thường xuyên 3.048,27 tỷ đồng.

2. Tín dụng ngân hàng

Vốn huy động đến cuối tháng 7 năm 2020 ước đạt 84.900 tỷ đồng, tăng 0,80% so với đầu tháng, tăng 4,44% so với đầu năm. Trong đó, vốn huy động VNĐ là 83.100 tỷ đồng, chiếm 97,88%, tăng 0,80%, vốn huy động ngoại tệ là 1.800 tỷ đồng, chiếm 2,12%, tăng 0,78% so với đầu tháng; vốn huy động ngắn hạn là 57.300 tỷ đồng chiếm 67,49%, tăng 0,85%, vốn huy động trên 12 tháng là 27.600 tỷ đồng, chiếm 32,51%, tăng 0,69% so với đầu tháng.

Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 7 năm 2020 ước đạt 95.700 tỷ đồng, tăng 0,81% so với đầu tháng, tăng 4,79% so với đầu năm. Trong đó dư nợ cho vay VNĐ đạt 91.100 tỷ đồng, tăng 0,80% so với đầu tháng, chiếm 95,19%, dư nợ cho vay ngoại tệ đạt 4.600 tỷ đồng, tăng 1,03% so với đầu tháng, chiếm 4,81% trong tổng dư nợ cho vay; phân theo thời hạn dư nợ cho vay ngắn hạn là 49.900 tỷ đồng, tăng 0,73% so với đầu tháng, chiếm 52,14%, dư nợ cho vay trung dài hạn 45.800 tỷ đồng, tăng 0,90% so đầu tháng, chiếm 47,86% tổng dư nợ cho vay.

Nợ xấu đến cuối tháng 7 năm 2020 là 1.100 tỷ đồng, chiếm 1,15% tổng dư nợ cho vay.

Lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn phổ biến như sau:

- Lãi suất huy động: lãi suất huy động không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng phổ biến mức 0,2%/năm; lãi suất huy động có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,0% - 4,25%/năm; lãi suất huy động từ 6 đến 12 tháng phổ biến 5,3% - 6,8%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,8% - 7,2%/năm tùy theo từng loại kỳ hạn.

- Lãi suất cho vay: lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên là 5,0%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường từ 6,0% - 8,5%/năm; 8,5% - 11%/năm đối với trung, dài hạn.

- Lãi suất USD: lãi suất huy động thực hiện theo quy định là 0%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến ngắn hạn 4,0% - 4,5%/năm, trung dài hạn 4,5% - 6,0%/năm.

VII. TÌNH HÌNH VĂN HOÁ - XÃ HỘI

1. Văn hóa - Thể thao

Trong tháng, thành phố đã công nhận 01 đơn vị đạt danh hiệu “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị” phường Tân Lộc quận Thốt Nốt. Đến nay, toàn thành phố có 82/83 xã, phường, thị trấn đạt danh hiệu văn hóa trong Phong trào “TDĐKXDĐSVH”.

Tổ chức phục vụ 9.590 khách tham quan tại Bảo tàng thành phố, Trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam tại Cần Thơ và các di tích lịch sử-văn hóa. Thực hiện 58 hồ sơ khoa học của 78 hiện vật. Thực hiện giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường năm học 2019 - 2020: sinh hoạt tại trường Tiểu học Thị Trấn Phong Điền 1 - chủ đề “Hoàng Sa - Trường Sa, chuyện về biển đảo quê hương” thu hút 776 lượt giáo viên và học sinh; hướng dẫn 35 lượt học sinh, giáo viên trường THPT Thái Bình Dương, tham quan học tập tại di tích lịch sử Khám lớn Cần Thơ.

Hệ thống Thư viện toàn thành phố phục vụ 327.851 lượt người. Bổ sung sách mới 2.500 quyển. Tổng kết và trao giải vòng sơ khảo cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020” (03 giải tập thể và 21 giải cá nhân cho 06 hạng mục).

Nhà hát Tây Đô tổ chức biểu diễn 10 suất và phục vụ 3.650 lượt người xem. Tham gia cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” lần thứ XV - năm 2020 - khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tại tỉnh Sóc Trăng.

Trung tâm Văn hóa thành phố: biểu diễn 07 cuộc tại cơ sở chương trình văn nghệ tuyên truyền, chủ đề “Chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, thu hút trung bình 300 lượt người/cuộc, kết thúc 15 cuộc hoạt động tại cơ sở.

Thể dục, thể thao

Tổ chức Giải bóng đá mini chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (09/7/1960 - 09/7/2020).

Hỗ trợ công tác tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước của quận, huyện.

Tổ chức Giải vô địch trẻ, học sinh các môn Bơi, Cờ vua và Vovinam thành phố Cần Thơ năm 2020, thu hút 3.000 lượt người xem.

Cử các Đoàn vận động viên tham dự giải thể thao cấp quốc gia và các môn Đại hội Thể thao đồng bằng sông Cửu Long.

2. Giáo dục

Tham gia Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia đạt 01 giải Ba; cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 49 năm 2020 đạt 01 giải Khuyến khích toàn quốc.

Thực hiện tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2020 - 2021, đồng thời tập trung mọi nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên trên địa bàn để huy động tối đa trẻ trong độ tuổi vào các lớp mầm non, mẫu giáo.

Tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Tổ chức Chương trình hướng nghiệp trực tuyến Kết nối chuyên gia nhằm hỗ trợ tốt cho học sinh trong định hướng nghề nghiệp.

Tư vấn tuyển sinh lớp 10 năm học 2020 - 2021 bằng hình thức trực tuyến đến học sinh và cha mẹ học sinh. Tổ chức Thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020 - 2021 đảm bảo nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế.

3. Về Y tế - khám chữa bệnh

a) Tình hình dịch bệnh: trong tháng, sốt xuất huyết ghi nhận 80 trường hợp mắc, giảm 02 trường hợp so với tháng trước (82 trường hợp); lũy tích từ đầu năm đến nay 438 trường hợp mắc, giảm 113 trường hợp so cùng kỳ (551 trường hợp), không có tử vong. Tay chân miệng ghi nhận 24 trường hợp mắc, tăng 08 trường hợp so với tháng trước (16 trường hợp); lũy tích từ đầu năm đến nay 133 trường hợp mắc, giảm 304 trường hợp so cùng kỳ (437 trường hợp), không có tử vong. Sởi và sốt phát ban nghi sởi: Sốt phát ban nghi sởi ghi nhận 02 trường hợp, tăng 01 trường hợp so với tháng trước (01 trường hợp); lũy tích từ đầu năm đến nay 187 trường hợp mắc, giảm 145 trường hợp so cùng kỳ (332 trường hợp), không có trường hợp sởi dương tính, không có tử vong. Tiêu chảy 474 trường hợp, tăng 2,82% so với tháng trước.

b) Công tác phòng, chống dịch Covid-19: hiện nay, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường và đang bùng phát dữ dội nhiều nơi. Tại Việt Nam, để đảm bảo an toàn phòng dịch, việc kiểm soát người nhập cảnh vẫn được đặt lên hàng đầu.

Tại Cần Thơ, lũy tích đến ngày 14/7/2020, có 985 người đã hoàn thành 14 ngày cách ly tập trung, trở về địa phương; 2.240 người đã hoàn thành 14 ngày theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú. Ngành Y tế thành phố đã điều trị thành công 02 trường hợp nhiễm Covid-19 (BN145, BN154), là 02 bệnh nhân đi cùng chuyến bay VN0050 từ Luân Đôn (Anh) của Hãng hàng không VietnamAirlines, về tới sân bay Cần Thơ ngày 22/3/2020. (BN154 xuất viện 06/4/2020, BN145 đã xuất viện ngày 15/4/2020).

Các sở y tế tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, không chủ quan, là, phân công cán bộ trực 24/24 theo quy định. Tiếp tục phối hợp Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ thực hiện kiểm tra y tế với các hành khách; phối hợp Bộ Chỉ huy quân sự thành phố các quan, đơn vị địa phương đảm bảo việc cách ly y tế tại các sở cách ly tập trung, cách ly tại nhà nơi lưu trú theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngày 13/7/2020, Hội Chữ thập đỏ TP Cần Thơ trao tặng ngành Y tế trang thiết bị bảo hộ y tế phòng chống dịch bệnh Covid-19 với tổng trị giá trên 287.340.000 đồng do Công ty Nokia tài trợ.

c) Hoạt động Y tế dự phòng: trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, trước diễn biến bất thường, khó lường của thiên tai, đặc biệt là hiện tượng triều cường đang có xu hướng dâng cao, kết hợp với mùa mưa, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trước mùa mưa, bão, lũ, lụt. Tăng cường giám sát chủ động, phát hiện sớm, điều tra kịp thời các trường hợp bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh tái nổi gần đây như sởi, rubella, bạch hầu, ho gà và uốn ván.

d) Công tác phòng, chống HIV/AIDS: lũy tích số nhiễm HIV phát hiện được 6.722 trường hợp; trong đó, tử vong 2.522 trường hợp, số nhiễm HIV còn sống 4.200 trường hợp (trong đó quản được 3.789 trường hợp và 411 trường hợp người có kết quả xét nghiệm HIV dương tính nhưng khi xác minh thực tế thì địa chỉ hoặc tên không đúng với khai báo ban đầu). Điều trị ARV cho 3.570 trường hợp, điều trị Methadone cho 369 trường hợp.

4. Chính sách lao động - xã hội

Trong tháng, thành phố Cần Thơ giải quyết việc làm cho 5.984 lao động, (cung ứng 04 lao động đi làm việc nước ngoài) lũy kế từ đầu năm đã giải quyết việc làm cho 26.175 người, đạt 52,06% kế hoạch đề ra (giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2019, nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19).

Cấp giấy phép lao động cho 06 người lao động người nước ngoài. Miễn cấp giấy phép lao động cho 04 người nước ngoài. Tiếp nhận nội quy lao động của 04 doanh nghiệp và Thỏa ước lao động của 03 doanh nghiệp. Tiếp nhận và thẩm định cấp Giấy xác nhận khai báo sử dụng máy thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động tại 06 doanh nghiệp với tổng số 30 thiết bị.

Đến nay trên địa bàn thành phố có 83 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, Cao đẳng: 11, Trung cấp: 13, Trung tâm: 20 và Cơ sở khác có dạy nghề: 39. Dự kiến trong tháng 7 sẽ tuyển mới và đào tạo 6.330 người. Lũy kế đến tháng 7/2020, thành phố tuyển mới và đào tạo 22.511 người, đạt 45,02% so với kế hoạch đề ra (giảm 7,44% so cùng kỳ năm 2019, do ảnh hưởng của dịch Covid-19).

Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn nghề nghiệp, việc làm, quan hệ lao động cho 11.776 lượt người (lũy kế từ đầu năm 2020 là 63.430 lượt người, đạt 42,71% kế hoạch năm). Kết nối việc làm trong nước cho 1.447 lượt người (lũy kế từ đầu năm 2020 là 3.611 lượt người, đạt 25,79% kế hoạch năm). Đào tạo nghề và kỹ năng lao động cho 759 lượt người (lũy kế từ đầu năm 2020 là 3.229 lượt người, đạt 46,13% kế hoạch năm). Tiếp nhận 165 lượt doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động thông báo biến động lao động hàng tháng theo quy định, (lũy kế từ đầu năm 2020 là 938 lượt, đạt 78,17% so với kế hoạch năm). Có 1.516 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 19,6% so với tháng trước (1.885 hồ sơ) và tăng 3,55% so với cùng kỳ báo cáo năm 2019 (1.464 hồ sơ). Tổ chức tập huấn, tư vấn, dạy kỹ thuật pha chế, đồ họa, thợ phụ tóc và các hoạt động khác liên quan có trên 3.550 người dự. Tổ chức Ngày hội việc làm cho sinh viên Trường Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic Cần Thơ (thu hút 80 doanh nghiệp tuyển dụng và 1.000 lượt sinh viên tham dự). Phiên Giao dịch việc làm trực tuyến khu vực đồng bằng sông Cửu Long (thu hút 100 doanh nghiệp tuyển dụng và 200 lượt người lao động tham dự).

Chính sách người có công với cách mạng: hiện có 6.227 người có công với cách mạng ở thành phố Cần Thơ đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên hơn 10 tỷ đồng; trong đó có 40 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống. Tiếp nhận, xét duyệt và giải quyết 100 hồ sơ chế độ chính sách. Giải quyết đơn thư trả lời chính sách 02 trường hợp.

Tiếp tục kiểm tra, rà soát và khởi công xây dựng 20 căn nhà và sửa chữa 150 căn từ nguồn hỗ trợ của Thành ủy Hà Nội. Phối hợp Sở Xây dựng và Sở Tài chính đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương cho 08 căn nhà ngoài Đề án theo Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Công tác bảo trợ xã hội: trợ cấp thường xuyên cho40.089đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng với tổng kinh phí17 tỷ 03 triệu đồng. Trình UBND thành phố ký phê duyệt danh sách đối với người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo nhận hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19 kết quả: tổng số được hỗ trợ: 45.310 người với số tiền 33.982.500.000 (trong đó: người thuộc hộ nghèo 6.895 với kinh phí 5.171.250.000 đồng; người thuộc hộ cận nghèo 38.415 người số tiền 28.811.250.000 đồng).

Trung tâm Bảo trợ xã hội quản lý 603 đối tượng. Hướng dẫn đối tượng tập vật lý trị liệu nhằm phục hồi chức năng và trị rối nhiễu tâm trí có 450 lượt tham gia. Khám, điều trị bệnh thông thường cho 1.168 lượt. Phát thuốc điều trị bệnh tâm thần cho 30.540 lượt. Can thiệp kích động 14 lượt, điều trị bệnh động kinh 22 đối tượng. Đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm và tổ chức nấu ăn hàng ngày cho đối tượng đủ chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh.

Trung tâm Công tác xã hội nuôi dưỡng 84 đối tượng (tăng 01). Các Mô hình như: Câu lạc bộ Tuổi hồng; công tác xã hội trong bệnh viện; giáo dục kỹ năng sống và hướng nghiệp cho đối tượng; hỗ trợ tâm lý và giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp cho đối tượng đang sống tại Trung tâm thường xuyên được duy trì hoạt động tổ chức sinh hoạt chuyên đề có 318 lượt hội viên tham gia.

Tổ chức dạy nghề và hoạt động sản xuất khung giấy khen cho nhóm thiếu nhi tại Trung tâm. Đảm bảo chế độ ăn cho đối tượng theo quy định. Ngoài ra, đối tượng còn được bổ sung dinh dưỡng từ Nguồn trợ giúp như: sữa tươi, mì gói vào các bữa ăn phụ. Đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng dịch bệnh, thường xuyên diệt khuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường tại Trung tâm. Khám và điều trị tại chỗ cho 270 lượt trẻ với các bệnh thông thường. Tiếp tục duy trì tập vật lý trị liệu cho 28 trẻ tại Trung tâm.

5. Tai nạn giao thông

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ tình hình tai nạn giao thông (từ ngày 15/6/2020 đến 14/7/2020) trên địa bàn thành phố đã xảy ra 06 vụ tai nạn giao thông, làm chết 06 người, không có người bị thương. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ, số người chết tương đương, số người bị thương giảm 02 người. Trong 7 tháng năm 2020, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, làm chết 38 người, bị thương 03 người. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ giảm 22 vụ, số người chết giảm 26 người, số người bị thương giảm 14 người./.


Cục Thống kê thành phố Cần Thơ

    Tổng số lượt xem: 714
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)