(MPI) – Ngày 24/3/2021, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Diễn đàn Thực trạng tiếp cận chính sách và giải pháp nâng cao năng lực thích ứng cho hợp tác xã trong bối cảnh mới nhằm chia sẻ kết quả đánh giá những tác động, năng lực thích ứng và khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các hợp tác xã trong giai đoạn đại dịch Covid-19 cũng như trước biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức của các hợp tác xã về chính sách hỗ trợ của Chính phủ và đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận chính sách cũng như năng lực thích ứng trong bối cảnh bình thường mới.
|
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu tại Diễn đàn.
Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến các hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã thuộc lĩnh vực du lịch, vận tải và một vài sản phẩm nông nghiệp như thanh long. Doanh thu và lợi nhuận của các hợp tác xã bị giảm nhiều do các khó khăn về việc giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới các nước, đầu vào sản xuất, kinh doanh, phân phối và tiêu thụ sản phẩm cũng như sự sụt giảm số lượng khách hàng và hợp đồng dịch vụ. Đây là một số trong các phát hiện của nghiên cứu về tác động và ứng phó đại dịch Covid-19 mà Liên minh hợp tác xã Việt Nam và UNDP thực hiện tại các tỉnh bị tác động nặng nề của đại dịch này, với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản.
Tham dự Diễn đàn có lãnh đạo các Bộ, Ngành, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, đại diện các hợp tác xã tại Việt Nam, UNDP, đại diện các viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế như Oxfam, DRGV, diễn đàn pháp ngữ Francophonie…
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam tháng 01/2020 đến nay, Việt Nam đã khá thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam đã đạt kết quả tương đối tốt, đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội. Ngay từ khi đợt dịch đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành các kết luận, nghị quyết, chỉ thị với phương châm “chống dịch như chống giặc”; quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, quan trọng, nhằm bảo vệ sức khỏe Nhân dân, ổn định xã hội. Chính phủ, các cấp các ngành chú trọng nhiệm vụ phát triển thị trường trong nước, duy trì tương đối tốt sự cân đối cung - cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm trong thời gian dịch. Thêm nữa, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách, trong đó mỗi chính sách có những cách thức tác động mang tính khuyến khích đối với các chủ thể thuộc mọi thành phần như: miễn giảm thuế, tạo cơ hội tiếp cận với nguồn vốn có lãi suất ưu đãi, ban hành những thủ tục hành chính đơn giản và các chế độ ưu đãi đặc biệt khác... Trên thực tế, có một số chính sách không quy định HTX thuộc phạm vi điều chỉnh nên các HTX vẫn gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận và thụ hưởng các chính sách này.
Với tinh thần chủ động ứng phó với đại dịch, thúc đẩy thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển bền vững; hình thành cho mỗi thành viên HTX và các HTX ý thức chủ động phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu và đại dịch, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại, phát triển và nhân rộng các mô hình HTX mới.
|
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Tại Diễn đàn, các đại biểu sẽ cùng nhau trình bày, trao đổi, thảo luận để làm rõ các nội dung chính: kết quả nghiên cứu “Tác động và ứng phó đại dịch Covid-19 - Thực trạng tiếp cận chính sách của khu vực HTX Việt Nam; Thực trạng năng lực thích ứng của HTX trước biến đổi khí hậu và dịch bệnh,..; Giải pháp cho HTX phục hồi xanh và bền vững sau đại dịch Covid-19; Giải pháp tạo thuận lợi cho HTX tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; Giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận chính sách cho HTX.…
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Sitara Syed nhấn mạnh, điều quan trọng là các hợp tác xã phải tiếp cận được với các nguồn hỗ trợ để ứng phó với các tác động tức thời của đại dịch, để duy trì lực lượng lao động, duy trì hoạt động của họ và cuối cùng là phục hồi và xây dựng tốt hơn trong bối cảnh bình thường mới. UNDP đã và đang hỗ trợ các hợp tác xã gồm 05 lớp tập huấn về quản lý rủi ro và kinh doanh liên tục cho 276 người là thành viên hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho 600 hộ nghèo và cận nghèo của các hợp tác xã nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tại Hà Giang, hỗ trợ trực tiếp cho 15 hợp tác xã thanh long ở Bình Thuận về phục hồi xanh và phát triển tốt hơn trong tương lai. Những hỗ trợ này đã mang đến lợi ích trực tiếp cho 1.388 người và hàng nghìn người gián tiếp được hưởng lợi./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư