Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/05/2021-14:07:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 năm 2021 của tỉnh Hà Nam

Tính chung 4 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 15,5% so với cùng kỳ (4 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên IIP giảm 11,5%). Trong đó, ngành khai khoáng tăng 11,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 22,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 17,7%...

I. KINH TẾ

1. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp tháng 4 năm 2021 tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau: chăm sóc, bảo vệ lúa và các cây hoa màu vụ xuân; tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và phòng chống bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

a. Nông nghiệp

- Kết quả gieo trồng vụ xuân 2021

Vụ xuân 2021, toàn tỉnh đã gieo trồng được 34.917,1 ha cây hàng năm giảm 1,1% (-366 ha) so với cùng kỳ năm 2020. Diện tích gieo trồng chia theo nhóm cây và một số cây trồng chính như sau:

+ Diện tích nhóm cây lương thực có hạt 31.398,4 ha, giảm 2,1% (-643,7 ha) so với cùng kỳ, trong đó: diện tích lúa 29.614,1 ha, giảm 2,0% (-593,8 ha); diện tích gieo trồng ngô 1.784,2 ha, giảm 2,9% (-49,9 ha).

+ Diện tích nhóm cây lấy củ có chất bột 143,2 ha, tăng 14,6% (+18,3 ha) chủ yếu tăng diện tích trồng một số loại cây như: sắn, khoai sọ với mức tăng lần lượt là 57,8% và 50,4% so với cùng kỳ năm trước.

+ Diện tích nhóm cây có hạt chứa dầu 334,9 ha, tăng 4,8% (+15,5 ha), trong đó: diện tích gieo trồng đậu tương 67 ha, giảm 10,9% (-8,2 ha); diện tích trồng lạc 264,8 ha, tăng 11,9% (+28,4 ha).

+ Diện tích nhóm cây rau, đậu và hoa các loại 2.256,9 ha, tăng 12,0% (+247,4 ha), trong đó: diện tích gieo trồng rau các loại 2.077,2 ha, tăng 13,0% (+232,6 ha); đậu các loại 45,4 ha, giảm 13,0% (-6,7 ha); hoa các loại 134,3 ha, tăng 19% (+21,5 ha). Thời tiết ẩm tương đối thuận lợi cho các loại cây trồng sinh trưởng phát triển. Theo đánh giá của các địa phương và ngành nông nghiệp thì lúa và hoa màu vụ chiêm xuân hiện phát triển tương đối tốt, cây lúa đang trong thời kỳ phân hoá đòng; cây ngô đang trong giai đoạn trỗ cờ, kết hạt sinh trưởng tốt; lạc đang trong thời kỳ ra hoa đậu quả; đậu tương ra hoa và đậu quả non; dưa chuột, bí đang thu hoạch. Hiện nay, đã xuất hiện một số sâu bệnh hại lúa và hoa màu như: bệnh đạo ôn (tỷ lệ bệnh nơi cao 10 - 15%, cục bộ trên 50%); sâu cuốn lá nhỏ; rầy nâu và rầy lưng trắng; chuột gây hại; bệnh giả sương mai (tỷ lệ bệnh trung bình 5 - 10%, nơi cao 30 - 50%), bệnh phấn trắng trên dưa chuột, bí; bệnh đốm lá trên cây ngô; sâu keo... đã được bà con nông dân phun thuốc và phòng trừ kịp thời.

- Tình hình chăn nuôi

Chăn nuôi của tỉnh trong tháng 4 cơ bản ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Giá thịt lợn hơi trong tháng có dấu hiệu “hạ nhiệt” nhưng mức giảm không quá sâu, dao động ở mức 75 - 80 nghìn đồng/kg, ngành chăn nuôi lợn tiếp tục trên đà hồi phục. Chăn nuôi trâu bò, gia cầm tương đối ổn định, không phát sinh dịch bệnh nguy hiểm. Uớc tính sản lượng thịt trâu bò đạt 811 tấn, tăng 2,1%; thịt lợn hơi là 22.970 tấn, tăng 8,3%; thịt gia cầm hơi 7.176,7 tấn, tăng 3,2%.

Công tác phòng chống dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm được duy trì thường xuyên. Tại các xã có dịch và vùng uy hiếp đã hoàn thành xong việc tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn gia cầm; tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các ổ dịch phát sinh.

b. Thủy sản

Nuôi trồng thủy sản trong tháng 4 duy trì ổn định, nuôi cá lồng bè được nhân rộng trên sông Hồng, tăng số lượng lồng nuôi, nuôi cá sông trong ao đang được thử nghiệm ở 05 huyện, thành phố, thị xã với 18 mô hình và 49 bể nuôi. Xu hướng nuôi trồng tập trung ngày càng phổ biến, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, đưa các giống mới vào mô hình nuôi thâm canh và bán thâm canh, năng suất nuôi trồng được nâng cao, giá cả ổn định tạo tâm lý yên tâm cho người nuôi.

2. Công nghiệp

Tháng 4, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng với sự khởi sắc của các thị trường xuất khẩu quan trọng như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông... Nhiều ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh như sản xuất xi măng, dệt may, linh kiện điện tử… có số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2021 ước tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 33,1% so với cùng tháng năm 2020.

Tính chung 4 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 15,5% so với cùng kỳ (4 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên IIP giảm 11,5%). Trong đó, ngành khai khoáng tăng 11,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 22,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 17,7%.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Tính chung 4 tháng, một số sản phẩm chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ: xe máy tăng 45,8%; sữa các loại tăng 23,6%; vải các loại tăng 14,4%; thiết bị điện, điện tử tăng 13,1%; bộ dây điện ô tô tăng 12,4%; nước giải khát tăng 10,4%; xi măng tăng 6,0%; quần áo may sẵn tăng 5,3%...

3. Hoạt động của doanh nghiệp

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, giao thương với nhiều nước vẫn khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua hình thức giới thiệu, quảng bá sản phẩm trực tuyến đã nhận được các đơn hàng đặt hàng trong quý II/2021, thậm chí một số doanh nghiệp có đơn đặt hàng đến cuối năm 2021.

Năm 2021, dự kiến có 42 dự án công nghiệp sẽ đi vào hoạt động, bao gồm 19 dự án trong nước và 23 dự án FDI. Trong đó, một số dự án đăng ký có sản phẩm với quy mô sản xuất lớn như: Dự án sản xuất gia công, lắp ráp màn hình tinh thể lỏng LCD của Công ty TNHH Qisda Việt Nam; dự án sản xuất, lắp ráp các sản phẩm truyền thông không dây của Công ty TNHH Neweb Việt Nam; dự án sản xuất các sản phẩm từ plastic của Công ty TNHH Wistron Infocomm; dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật AVC…

Theo sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, tính từ đầu năm đến thời điểm ngày 16/4/2021, cả tỉnh có 213 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 3.196 tỷ đồng; có 157 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng và 16 doanh nghiệp giải thể, phá sản.

4. Đầu tư, xây dựng

Trong những năm gần đây, cùng với việc môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, hạ tầng các khu trung tâm y tế chất lượng cao, khu du lịch sinh thái, các khu thương mại dịch vụ từng bước được đầu tư đồng bộ, kết nối các tuyến đường chính tạo không gian đô thị tiện ích, Hà Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Vốn nhà nước trên địa bàn thực hiện trong tháng 4/2021 tiếp tục tập trung ở các công trình, dự án lớn đang thực hiện như: Dự án đầu tư xây dựng các trạm bơm đầu mối khu vực Phủ Lý; Hạ tầng các tuyến đường giao thông; Bệnh viện Bạch Mai 2; Bệnh viện Việt Đức cơ sở Hà Nam và Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao... Bên cạnh đó, tỉnh cũng tích cực, chủ động đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở y tế, trường học, an ninh, quốc phòng…

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 4/2021 ước đạt 121,9 tỷ đồng, tăng 11,5% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng, ước đạt 404,7 tỷ đồng, bằng 27,0% kế hoạch năm, giảm 24,0% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 177,0 tỷ đồng, giảm 48,1% so với cùng kỳ; vốn cấp huyện là 179,4 tỷ đồng, tăng 81,3%; vốn cấp xã là 48,3 tỷ đồng, giảm 47,8%.

*Công tác thanh toán vốn đầu tư XDCB: Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, lũy kế từ đầu năm đến ngày 31/3/2021, giá trị thanh toán khối lượng hoàn thành vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách do địa phương quản lý đạt 322,4 tỷ đồng (bao gồm cả vốn đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết), trong đó thanh toán vốn kéo dài năm trước chuyển sang 26,1 tỷ đồng, thanh toán vốn kế hoạch giao trong năm là 296,3 tỷ đồng. Số vốn giải ngân theo chương trình mục tiêu quốc gia là 181,7 tỷ đồng, theo kế hoạch giao trong năm là 181,7 tỷ đồng. Công tác giải ngân thanh toán vốn đầu tư XDCB được rà soát, kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo thanh toán vốn cho khối lượng hoàn thành đầy đủ, kịp thời theo quy định của Kho bạc Nhà nước.

*Tình hình thu hút đầu tư: Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nam, từ đầu năm đến 30/3/2021, trên địa bàn tỉnh thực hiện cấp mới 08 dự án đầu tư (03 dự án FDI và 05 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký đầu tư 10,1 triệu USD và 1.085,3 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư cho 6 dự án (3 dự án FDI, 3 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư tăng 5,53 triệu USD và 1.086,0 tỷ đồng.

5. Thu, chi ngân sách Nhà nước

a. Thu Ngân sách Nhà nước

Thu cân đối Ngân sách địa phương 4 tháng ước đạt 4.256,5 tỷ đồng, đạt 44,3% dự toán địa phương phấn đấu. Trong đó thu nội địa đạt 3.856,5 tỷ đồng, chiếm 90,6% thu cân đối, tăng 37,9% so với cùng kỳ; thu thuế xuất, nhập khẩu đạt 400 tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ, bằng 22,0% dự toán địa phương.

b. Chi Ngân sách Nhà nước

Chi cân đối Ngân sách địa phương 4 tháng ước thực hiện 2.861,7 tỷ đồng, bằng 33,7% dự toán địa phương giao. Trong đó, chi đầu tư phát triển 921,0 tỷ đồng, bằng 61,5% dự toán địa phương; chi thường xuyên 1.888,5 tỷ đồng, đạt 32,6% dự toán địa phương.

6. Thương mại, dịch vụ

a. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành

Tháng 4 năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, hoạt động thương mại, dịch vụ diễn biến tích cực, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu tương đối dồi dào, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4/2021 ước đạt 2.563,8 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 54,2% so với cùng tháng năm 2020. Cộng dồn 04 tháng đầu năm 2021 đạt 10.362,7 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Phân theo ngành hoạt động, tổng mức bán lẻ tháng 4 ước đạt 2.149,2 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng, doanh thu của hầu hết các nhóm ngành hàng đều tăng cao so với cùng tháng năm trước với mức tăng từ 25,5% đến gấp hơn 3,6 lần, cụ thể một số nhóm ngành hàng như: Lương thực, thực phẩm (+26,4%); gỗ và vật liệu xây dựng (+60,2%); hàng may mặc (+64,4%); ô tô con dưới 9 chỗ ngồi gấp hơn 3,6 lần... Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 172,3 tỷ đồng, bằng 280,3%; doanh thu du lịch lữ hành 6,9 tỷ đồng gấp 7,4 lần so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác 235,4 tỷ đồng, tăng 94,2%. Các ngành hoạt động có mức tăng cao so với cùng kỳ nguyên nhân là do thời điểm này năm trước cả nước thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hầu hết các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ phải tạm ngừng hoạt động.

Tháng 4/2021 so với tháng 4/2020, tổng lượt khách các cơ sở lưu trú phục vụ gấp 4,4 lần, ngày khách phục vụ gấp hơn 4 lần; lượt khách du lịch theo tour gấp gần 9 lần, ngày khách du lịch theo tour gấp 8 lần.

Lực lượng quản lý thị trường thời gian qua thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra về điều kiện kinh doanh, tính hợp pháp của hàng hoá lưu thông trên thị trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ…; phối hợp với các ngành có liên quan tích cực thực hiện các biện pháp quản lý, kiểm tra, kiểm soát các điểm kinh doanh để đảm bảo kiểm soát tốt về giá cả, chất lượng hàng hoá góp phần bình ổn thị trường.

b. Giá cả

Giá nhiên liệu tiếp tục tăng, giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng trong tháng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2021 trên địa bàn tỉnh tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 1,73% so với cùng tháng năm 2020. Cụ thể: Có 06/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước: hàng ăn và dịch vụ ăn uống +0,80%; giao thông +0,68%; may mặc, mũ nón và giày dép +0,62%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng +0,51%; thiết bị và đồ dùng gia đình +0,19%; giáo dục +0,16%. Có 03/11 nhóm hàng hóa có chỉ số ổn định: đồ uống và thuốc lá; thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông. Có 02/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giảm: hàng hóa và dịch vụ khác -0,01%; văn hóa, giải trí và du lịch -0,1%.

Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tháng 4 năm 2021 biến động trái chiều nhau, so với tháng trước giá vàng -3,52%, giá đô la Mỹ +0,15%; so với cùng tháng năm 2020 giá vàng +13,23%, giá đô la Mỹ -1,74%.

c. Vận tải

Các hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh trong tháng 4/2021 diễn ra trong điều kiện có nhiều thuận lợi hơn khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt.

Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 4 ước đạt 422,2 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó: doanh thu vận tải hành khách đạt 34,7 tỷ đồng, gấp 2,9 lần; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 382,9 tỷ đồng, tăng 2,4 lần; doanh thu dịch vụ hỗ trợ ước đạt 4,6 tỷ đồng, bằng 287,5%.

Khối lượng vận chuyển hành khách tháng 4/2021 ước đạt 628,9 nghìn HK, tăng 0,9% so với tháng trước và gấp 4,3 lần so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hành khách 44,3 triệu lượt HK.km, tăng 1,1% so tháng trước và gấp hơn 4,1 lần so cùng kỳ năm 2020.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 4/2021 ước đạt 4,1 triệu tấn, tăng 1,8% so với tháng trước và gấp hơn 2,7 lần so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 181,5 triệu tấn.km, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng gần 2,5 lần so cùng kỳ năm 2020.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Hoạt động văn hóa, thể thao và tuyên truyền

Trong tháng 4 Sở Văn hóa thông tin tỉnh đã phối hợp cùng với các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thông tin, tuyên truyền, đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về truyền thống vẻ vang của Đảng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần anh hùng bất khuất, thông minh sáng tạo của nhân dân ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

Công tác tuyên truyền, cổ động trực quan chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong tháng 4: Tuyên truyền kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021) và ngày Quốc tế Lao động 1/5; kỷ niệm 45 năm ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất (25/4/1975 - 25/4/2021). Tiếp tục triển khai kế hoạch tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, vì vậy các hoạt động nghệ thuật và văn hóa văn nghệ được tăng cường tổ chức. Sở đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật dàn dựng và tập luyện chương trình nghệ thuật tổng hợp tuyên truyền lưu động tại các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021) và Quốc tế lao động 1/5. Phối hợp với CLB Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Chầu văn tỉnh Hà Nam tham gia Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc năm 2021 do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong tháng, ngành đã tổ chức thành công Giải vật Mùa xuân thượng võ năm 2021 diễn ra từ ngày 09-11/4/2020 tại xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm với sự tham gia của gần 105 võ sinh đến từ 06 huyện, thị xã, thành phố, thi đấu các nội dung: Vật tự do nữ trẻ, vật tự do nam trẻ, vật dân tộc.

2. Y tế

Công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân trong tháng 4 đã được Tỉnh triển khai một cách chủ động, tích cực và đạt hiệu quả cao, điều trị kịp thời cho bệnh nhân; ngăn chặn, không chế kịp thời không để xảy ra sự bùng phát về dịch bệnh; trong tháng trên địa bàn tỉnh Hà Nam không có vụ ngộ độc thực phẩm nào được ghi nhận.

Tình hình bệnh truyền nhiễm: Trong tháng 04 năm 2021 trên địa bàn tỉnh: phát sinh 02 ca mắc quai bị; 13 ca thủy đậu; bệnh cúm phát sinh 830 ca và 02 ca mắc bệnh chân tay miệng.

Công tác phòng chống HIV/AIDS: trong tháng 04 năm 2021, số người nhiễm mới HIV phát hiện là 3 người; không phát sinh trường hợp chuyển thành AIDS; có 1 người tử vong do AIDS.

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam: Kể từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 3 tại Việt Nam, theo báo cáo của ngành y tế, tính đến thời điểm hiện tại tỉnh Hà Nam vẫn đang thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chưa có ca bệnh lây nhiễm trên địa bàn. Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, nhưng ngành y tế tỉnh Hà Nam vẫn tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch 24/24 giờ, bên cạnh đó, ngành còn phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các địa phương tiếp tục tuyên truyền các thông tin, biện pháp phòng chống dịch, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi có dịch xảy ra; đảm bảo cung cấp đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch.

3. An ninh, trật tự

Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh tháng 4 năm 2021 được giữ vững; ngành chức năng triển khai đồng bộ các kế hoạch, phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông.

Theo số liệu của Công an tỉnh, trong tháng 4 năm 2021 (tính từ ngày 15/3/2021 đến ngày 14/4/2021), trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn và va chạm giao thông (tăng 01 vụ so cùng kỳ năm 2020), hậu quả làm chết 07 người (tăng 03 người so với cùng kỳ năm 2020), bị thương 05 người (giảm 03 người so với cùng kỳ năm 2020).


File đính kèm:
Uoc_SL_KTXH_thang_4_nam_2021_Ha_Nam.pdf

Website Cục Thổng kê Hà Nam

  • Tổng số lượt xem: 577
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)