Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/05/2021-14:40:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 năm 2021 của tỉnh Hà Nam

Tháng 5, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng đáng kể do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Trong tỉnh, các cơ quan chức năng tổ chức phòng tỏa và giãn cách xã hội theo từng địa bàn xuất hiện các ca bệnh, thắt chặt các biện pháp hạn chế về y tế và đi lại...

I. KINH TẾ

Bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, tỉnh Hà Nam phải đón nhận đợt bùng phát dịch thứ 4 toàn quốc trên địa bàn tỉnh. Trong 3 đợt bùng phát dịch trước, tỉnh chỉ ghi nhận 7 ca mắc và đã bình phục cả 7 ca nhưng đợt bùng phát dịch thứ 4 này, tính từ ngày 27/4/2021 đến ngày 17/5/2021, tỉnh ghi nhận 34 ca dương tính với Covid-19, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động đời sống xã hội, làm ngưng trệ, gián đoạn một số ngành sản xuất, kinh doanh. Tuy còn nhiều nguy cơ cao nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương…, toàn tỉnh đã khẩn trương rà soát phương án, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch trong tình hình mới, đồng thời chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm. Diễn biến tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 5 trên một số lĩnh vực chủ yếu như sau:

1. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tháng 5 tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau: chăm sóc, bảo vệ, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng vụ xuân; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và phòng chống bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại nhiều tỉnh trong cả nước và trên địa bàn tỉnh Hà Nam cộng thêm giá các loại vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, làm đất, ngày công lao động…) tăng đã ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất.

a. Nông nghiệp

- Sản xuất vụ xuân

Thời tiết thuận lợi lúa và cây màu vụ xuân phát triển tốt, hiện nay 100% diện tích lúa đã trỗ bông, trong đó lúa trà sớm đang trong giai đoạn chắc xanh và đỏ đuôi, lúa trà trung, muộn đã trỗ; cây ngô đang cho bắp non, một số diện tích đã vào mẩy; lạc đang phát triển củ; dưa chuột, bí đang thu hoạch. Ước tính năng suất, sản lượng một số cây trồng chủ yếu vụ xuân 2021 so với vụ xuân 2020: Lúa năng suất đạt 66,6 tạ/ha, tương đương năm trước, sản lượng 197,3 nghìn tấn, giảm 1,9% (-3,7 nghìn tấn); năng suất ngô 59,9 tạ/ha (-0,4 tạ/ha), sản lượng 10,7 nghìn tấn, giảm 2,2% (-229,4 tấn); rau các loại đạt 240,1 tạ/ha (+4,1 tạ/ha), sản lượng 49,9 nghìn tấn, tăng 14,5% (+6,3 nghìn tấn)...

- Tình hình chăn nuôi

Chăn nuôi của tỉnh trong tháng 5 tiếp tục ổn định, không phát sinh dịch bệnh trên diện rộng. Chăn nuôi lợn đang trên đà hồi phục, giá thịt lợn hơi dao động ở mức 70 - 75 nghìn đồng/kg. Chăn nuôi trâu bò, gia cầm phát triển tốt, thị trường tiêu thụ ổn định. Ước tính đến thời điểm 30/5/2021, đàn trâu đạt 3.648 con, tăng 1,8%; đàn bò là 32.530 con, tăng 3,6%; tổng đàn lợn 376,8 nghìn con, tăng 13,9%, đàn gia cầm 9.008 nghìn con, tăng 18,8% so cùng kỳ.

Công tác phòng chống dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm trong tháng được duy trì thường xuyên nên không có hiện tượng dịch bệnh lây lan rộng đồng thời ngành chức năng luôn tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các ổ dịch phát sinh.

b. Thủy sản

Nuôi trồng thủy sản trong tháng 5 tiếp tục phát triển ổn định, các hộ tập trung mở rộng diện tích nuôi trồng, đẩy mạnh nuôi cá thâm canh tăng năng suất. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tập trung đầu tư, phát triển các khu nuôi trồng thủy sản tập trung và thành lập các hợp tác xã chuyên ngành về thủy sản chính là điều kiện giúp liên kết, hỗ trợ các hộ sản xuất từ khâu giống đến tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo về giá và thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người nuôi.

2. Công nghiệp

Tháng 5, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng đáng kể do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Trong tỉnh, các cơ quan chức năng tổ chức phòng tỏa và giãn cách xã hội theo từng địa bàn xuất hiện các ca bệnh, thắt chặt các biện pháp hạn chế về y tế và đi lại. Bên cạnh đó, từ tháng 12/2020 đến nay, giá nguyên vật liệu các ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi; sắt, thép... tăng khoảng 10% cũng là một khó khăn với các nhà sản xuất.

Trước tình hình đó, các doanh nghiệp quyết tâm nỗ lực thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất ổn định; tranh thủ tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do, thông qua hình thức giới thiệu, quảng bá sản phẩm trực tuyến nhiều doanh nghiệp đã nhận được các đơn hàng lớn, đảm bảo cho sản xuất và xuất khẩu từ 6 tháng đến một năm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2021 ước tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 6,6% so với cùng tháng năm 2020.

Tính chung 5 tháng, chỉ số IIP toàn ngành ước tăng 13,7% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp tăng 13,6%; ngành khai khoáng tăng 9,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 21,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 16,2%.

Một số sản phẩm chủ yếu cộng dồn 5 tháng tăng cao so với cùng kỳ: xe máy ước đạt 425,5 nghìn cái tăng 33,8%; sữa các loại ước đạt 52,5 triệu lít tăng 25,8%; vải các loại ước đạt 43,5 triệu m2, tăng 14,4%; thiết bị điện, điện tử ước đạt 30 triệu sản phẩm, tăng 13,1%…

3. Hoạt động của doanh nghiệp

Tháng 5, dịch bệnh đã làm cho hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong khu vực thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội. Trong đó, các doanh nghiệp bị tác động nhiều nhất vẫn là những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, lữ hành; xuất nhập khẩu hàng hóa, dệt may, hàng mỹ ký, các mặt hàng điện, điện tử, mặt hàng từ nhựa xuất khẩu.

Theo sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, tính từ đầu năm đến thời điểm ngày 15/5/2021, cả tỉnh có 262 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 4.853 tỷ đồng; có 172 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng và 19 doanh nghiệp giải thể, phá sản.

4. Đầu tư, xây dựng

Tháng 5, trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam có nhiều diễn biến phức tạp; để bảo đảm chất lượng và tiến độ, các công trình dự án được thực hiện theo phương châm vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch hiệu quả. Vốn nhà nước trên địa bàn thực hiện trong tháng 5/2021 tiếp tục tập trung ở các công trình, dự án lớn như: hạ tầng khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao, hạ tầng du lịch đền Lảnh Giang; Bệnh viện Sản nhi; các dự án xây dựng, sửa chữa các tuyến đường chính; các dự án nạo vét, gia cố kênh tiêu, đê bối... Bên cạnh đó, tỉnh cũng tích cực, chủ động đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở y tế, trường học, an ninh, quốc phòng…

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 5/2021 ước đạt 127,8 tỷ đồng, tăng 4,4% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng, ước đạt 533,1 tỷ đồng, bằng 35,5% kế hoạch năm, giảm 25,4% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 230,3 tỷ đồng, giảm 51,0% so với cùng kỳ; vốn cấp huyện là 241,7 tỷ đồng, tăng 91,1%; vốn cấp xã là 61,1 tỷ đồng, giảm 48,2%.

*Công tác thanh toán vốn đầu tư XDCB: Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 30/4/2021, giá trị thanh toán khối lượng hoàn thành vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách do địa phương quản lý đạt 696,2 tỷ đồng (bao gồm cả vốn đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết), trong đó thanh toán vốn kéo dài năm trước chuyển sang 66,1 tỷ đồng, thanh toán vốn kế hoạch giao trong năm là 630,1 tỷ đồng. Số vốn giải ngân theo chương trình mục tiêu quốc gia là 205,6 tỷ đồng, theo kế hoạch giao trong năm là 587,5 tỷ đồng. Công tác giải ngân thanh toán vốn đầu tư XDCB được rà soát, kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo thanh toán vốn cho khối lượng hoàn thành đầy đủ, kịp thời theo quy định của Kho bạc Nhà nước.

*Tình hình thu hút đầu tư: Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nam, từ đầu năm đến 28/4/2021, trên địa bàn tỉnh thực hiện cấp mới 12 dự án đầu tư (06 dự án FDI và 06 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký đầu tư 63,1 triệu USD và 1.173,0 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư cho 11 dự án (8 dự án FDI, 3 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư tăng 20,8 triệu USD và 1.086,0 tỷ đồng.

5. Thu, chi ngân sách Nhà nước

a. Thu Ngân sách Nhà nước

Theo Sở Tài chính tỉnh Hà Nam, Thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 5 tháng đầu năm ước đạt 6.409,2 tỷ đồng, tăng 47,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 66,7% dự toán địa phương.

Thu nội địa ước đạt 5.909.2 tỷ đồng, tăng 61,3%, đạt 75,8%; trong đó, thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng đột biến khoản truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2020 của chi nhánh Công ty Honda Việt Nam với số tiền 865,0 tỷ đồng.

Thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 500 tỷ đồng, giảm 26,7%, đạt 27,5%. Trong đó đã giảm số hoàn thuế xuất khẩu năm 2020 vào thu xuất khẩu năm 2021 số tiền 115 tỷ đồng.

b. Chi Ngân sách Nhà nước

Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước địa phương 5 tháng đầu năm ước đạt 3.816,7 tỷ đồng, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tổng chi cân đối, chi đầu tư phát triển 1.282,2 tỷ đồng, chiếm 33,6% tổng chi cân đối và tăng 130,6% so với cùng kỳ; chi thường xuyên đạt 2.467,8 tỷ đồng, chiếm 64,7% và tăng 3,2%.

6. Thương mại, dịch vụ

a. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành

Tháng 5 năm 2021, hoạt động thương mại, dịch vụ chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5/2021 giảm rõ rệt so với tháng trước đặc biệt ở các ngành dịch vụ như hoạt động vận tải hành khách; dịch vụ lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành; hành chính và dịch vụ hỗ trợ; giáo dục và đào tạo; nghệ thuật vui chơi, giải trí; dịch vụ phục vụ cá nhân… Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5/2021 ước đạt 2.559,6 tỷ đồng, giảm 3,0% so với tháng trước và tăng 8,7% so với cùng tháng năm 2020. Cộng dồn 05 tháng đầu năm 2021 đạt 13.222,7 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Phân theo ngành hoạt động, tổng mức bán lẻ tháng 5 ước đạt 2.141 tỷ đồng, giảm 0,8% so với tháng trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng, doanh thu của hầu hết các nhóm ngành hàng đều giảm so với tháng trước với mức giảm từ 3,3% đến 0,1%, cụ thể một số nhóm ngành hàng như: Lương thực, thực phẩm (-3,3%); hàng may mặc (-2,9%); vật phẩm, văn hóa, giáo dục (-2,2%)...

Để đảm bảo phòng chống dịch bệnh lây lan, nhiều nhà hàng, quán ăn uống, các cơ sở kinh doanh du lịch lữ hành... phải tạm dừng hoạt động. Vì vậy, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 5 giảm mạnh so với tháng trước và so cùng kỳ ước đạt 135,8 tỷ đồng, giảm 21,0% và giảm 23,5%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,1 tỷ đồng giảm 67,3% và bằng 25,1%; doanh thu dịch vụ khác 280,8 tỷ đồng, giảm 7,6% và tăng 4,3%.

Công tác quản lý thị trường thời gian qua luôn được tăng cường, tập trung kiểm tra những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất; chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường; làm tốt công tác quản lý địa bàn nắm chắc diễn biến thị trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn.

b. Giá cả

Bước vào thời điểm nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện tăng cao, giá nhiên liệu tiếp tục tăng..., cùng với đó dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều tỉnh, thành phố trong đó có tỉnh Hà Nam nên nhu cầu một số mặt hàng lương thực thiết yếu cũng tăng cao là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 trên địa bàn tỉnh tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 1,80% so với cùng tháng năm 2020. Cụ thể: Có 06/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước: may mặc, mũ nón và giày dép +0,99%; giao thông +0,91%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng +0,83%; thiết bị và đồ dùng gia đình +0,56%; giáo dục +0,10%; hàng hóa và dịch vụ khác +0,01%. Có 02/11 nhóm hàng hóa có chỉ số ổn định: thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông. Có 03/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giảm: văn hóa, giải trí và du lịch -0,30%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống -0,44%; đồ uống và thuốc lá -0,57%.

Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tháng 5 năm 2021 biến động trái chiều nhau, so với tháng trước giá vàng +2,06%, giá đô la Mỹ -0,11%; so với cùng tháng năm 2020 giá vàng +13,47%, giá đô la Mỹ -1,38%.

Bình quân 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng tương đương với cùng kỳ năm 2020; chỉ số giá vàng +18,77%; giá đô la Mỹ -0,97% so với cùng kỳ năm 2020.

c. Vận tải

Các hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh trong tháng 5/2021 giảm so với tháng trước do chịu tác động của dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 5 ước đạt 404,7 tỷ đồng, giảm 3,2% so với tháng trước và tăng 24,2% so cùng kỳ năm 2020, trong đó: doanh thu vận tải hành khách đạt 30,6 tỷ đồng, giảm 10,6% và giảm 1,9%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 369,6 tỷ đồng, bằng 97,5% và tăng 27,1%; doanh thu dịch vụ hỗ trợ ước đạt 4,6 tỷ đồng, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 13,4% so cùng kỳ.

Khối lượng vận chuyển hành khách tháng 5/2021 ước đạt 535,0 nghìn HK, giảm 12,8% so với tháng trước và giảm 7,5% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hành khách 37,7 triệu lượt HK.km, giảm 12,1% so tháng trước và giảm 8,4% so cùng kỳ năm 2020.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 5/2021 ước đạt 3,9 triệu tấn, bằng 97,0% so với tháng trước và tăng 24,4% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 174,2 triệu tấn.km, bằng 97,3% so với tháng trước và tăng 24,1% so cùng kỳ năm 2020.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Hoạt động văn hóa, thể thao và tuyên truyền

Trong tháng 5 Sở Văn hóa thông tin tỉnh đã phối hợp cùng với các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thông tin, tuyên truyền. Đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021). Công tác trang trí, tuyên truyền cổ động trực quan được đổi mới, sáng tạo trong việc giới thiệu nội dung, hình ảnh tiêu biểu nhằm nêu bật và làm đậm nét các mốc lịch sử quan trọng của đất nước gắn liền với quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam; Vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chuẩn bị mọi mặt về tư tưởng, chính trị và tổ chức các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; Các sự kiện, thành tựu tiêu biểu của đất nước trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập; Những thành tựu về phát triển kinh tế - văn hoá, xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Nam từ khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay. Từ đó, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam; Đảng bộ tỉnh Hà Nam qua 91 năm xây dựng và phát triển; ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, vận hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, quyết tâm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021- năm mở đầu nhiệm kỳ mới với những niềm tin vào thắng lợi mới

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh trong phòng chống dịch Covid-19, ngành văn hóa tỉnh Hà Nam đã có các văn bản chỉ đạo tạm dừng các hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch đến khi có thông báo mới.

2. Y tế

Công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân trong tháng 5 đã được tỉnh triển khai tích cực và đạt hiệu quả cao, điều trị kịp thời cho bệnh nhân đến khám. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống sự lây lan của dịch Covid-19, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã hướng dẫn triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong phòng chống dịch Covid-19 tại các khu cách ly tập trung, các dịch vụ ăn uống và các bếp ăn tập thể. Trong tháng trên địa bàn tỉnh Hà Nam không có vụ ngộ độc thực phẩm nào được ghi nhận.

Tình hình bệnh truyền nhiễm: Trong tháng 5 năm 2021 trên địa bàn tỉnh, phát sinh 07 ca mắc quai bị; 30 ca thủy đậu; bệnh cúm phát sinh 406 ca và 06 ca mắc bệnh chân tay miệng.

Công tác phòng chống HIV/AIDS: trong tháng 5 năm 2021, số người nhiễm mới HIV phát hiện là 05 người; không có người chuyển thành AIDS; có 01 người tử vong do AIDS.

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam: Theo báo cáo của BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, từ ngày 27/4/2021 đến ngày 17/5/2021 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 34 người dương tính với Covid-19. Trong đó, có 17 người liên quan tới thôn Quan Nhân (xã Đạo Lý huyện Lý Nhân), 14 người có liên quan đến thôn Phú Đa (xã Công Lý, huyện Lý Nhân), còn lại 3 người có liên quan đến chuyến bay VN160 từ Đà Nẵng về Nội Bài. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, công tác truy vết, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch được thực hiện kịp thời; việc lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, thực hiện điều trị, cách ly y tế được thực hiện tốt. Công tác kiểm soát người nhập cảnh, quản lý, cách ly đảm bảo đúng quy định.

3. An ninh, trật tự

Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh tháng 5 năm 2021 được giữ vững; ngành chức năng triển khai đồng bộ các kế hoạch, phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông.

Theo số liệu của Công an tỉnh, trong tháng 5 năm 2021 (tính từ ngày 15/4/2021 đến ngày 14/5/2021), trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ tai nạn và va chạm giao thông, trong đó đường bộ 08 vụ và đường sắt 01 (tăng 03 vụ so cùng kỳ năm 2020), hậu quả làm chết 05 người, đường bộ 04 người, đường sắt 01 người, (giảm 03 người so với cùng kỳ năm 2020), bị thương 06 người (tăng 04 người so với cùng kỳ năm 2020).

Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, UBND tỉnh Công an tỉnh Hà Nam đã tăng cường đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch. Cùng đó, tăng cường tuần tra, kiểm soát, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh./.


File đính kèm:
Uoc_SL_KTXH_thang_5_nam_2021_Ha_Nam.pdf

Website Cục Thống kê Hà Nam

  • Tổng số lượt xem: 1384
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)