Năm 2020, Đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng khắp toàn cầu đã khiến kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Tuy nhiên, trong đầu năm 2021, sau khi triển khai vắc xin hiệu quả và các nền kinh tế đối phó tốt hơn với dịch bệnh Covid-19, triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện rõ rệt trong những tháng gần đây. Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến tăng 4% trong năm 2021 sau khi giảm 4,3% trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định, nền kinh tế toàn cầu sau khi tăng trưởng âm 3,5% vào năm 2020, dự kiến sẽ tăng 5,5% vào năm 2021. Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 5,6% trong năm 2021. Trong số các quốc gia phát triển, Hoa Kỳ được dự báo tăng trưởng 6,5%, khu vực đồng Euro tăng trưởng 3,9% trong năm 2021. Dự báo tăng trưởng của Nhật Bản và Trung Quốc lần lượt là 2,7% và 7,8% trong năm 2021. Đối với khu vực Đông Nam Á, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự báo Việt Nam và Ma-lai-xi-a là động lực tăng trưởng của khu vực khi cùng đạt mức 7,0% trong năm 2021.
Theo Thời báo Nikkei châu Á, Việt Nam có thể dẫn đầu về tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á vào năm 2021. Trong năm 2020, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế 2,91% nhờ thành công trong việc ngăn chặn vi rút, cùng với xuất khẩu mạnh mẽ hàng điện tử và các sản phẩm tiêu dùng khác. Trong năm 2021, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%. Xuất khẩu sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc. Để tránh thuế quan của Hoa Kỳ, các nhà nhập khẩu đã chuyển nhu cầu từ Trung Quốc sang các nhà cung cấp thay thế. Với quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc tiếp tục căng thẳng trong những năm tới, Việt Nam có thể hưởng lợi nhiều hơn.
Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, tình hình kinh tế - xã hội quý I/2021 ổn định. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã chủ động quyết liệt trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh năm 2021, tạo khí thế, động lực để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao trong năm 2021.
I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, khô hạn kéo dài, thiếu nước sản xuất làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp; chăn nuôi phát triển bình thường, dịch tả lợn Châu Phi đã cơ bản được kiểm soát, đàn lợn tiếp tục đà hồi phục; lâm nghiệp phát triển ổn định; sản xuất thủy sản giảm so với cùng kỳ năm trước.
1. Nông nghiệp
Cây hàng năm
Trong tháng, thời tiết tương đối thuận lợi mưa, nắng xen kẽ tạo điều kiện cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng; bên cạnh đó bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa đông xuân, đồng thời tiếp tục trồng ngô, làm cỏ, vun xới, bón phân cho các loại hoa màu khác như ngô, lạc, đỗ tương...
Thực hiện kế hoạch sản xuất vụ đông xuân, trong quý I các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo các phòng, ban chức năng và đơn vị kinh doanh trên địa bàn thực hiện kế hoạch cung ứng các loại giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật và các điều kiện cần thiết để phục vụ cho sản xuất. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động chuyển đổi các loại cây phù hợp với đất đai và thời tiết đảm bảo kế hoạch mùa vụ. Tính đến ngày 15 tháng 3 năm 2021, tiến độ gieo trồng các loại cây như sau:
Cây lúa trồng được 869,8 ha, so với cùng kỳ năm trước giảm 27,63% hay giảm 332,12 ha, diện tích gieo trồng giảm do thời tiết khô hạn, lượng mưa ít, thiếu nước sản xuất không thuận lợi cho khâu làm đất gieo cấy. Cây ngô trồng được 19.732,45 ha, tăng 6,43% hay tăng 1.192,45 ha; diện tích ngô tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước do một số diện tích được chuyển từ gieo trồng lúa sang trồng ngô trên đất ruộng. Cây thuốc lá trồng được 3.125,5 ha, tăng 3,3% hay tăng 99,73 ha so với cùng kỳ năm trước, hiện nay bà con nông dân đang tiếp tục chăm sóc; cây khoai lang trồng được 134 ha, tăng 47,22% hay tăng 42,98 ha; cây đậu tương trồng được 556,4 ha, giảm 0,36% hay giảm 2 ha; cây lạc trồng được 180,6 ha, tăng 66,96% hay tăng 72,43 ha; rau, đậu các loại trồng được 1.109,72 ha, giảm 13,79% hay giảm 177,58 ha.
Cây lâu năm
Trong tháng, các hộ gia đình tiếp tục thu hoạch các loại cây ăn quả phục vụ gia đình và thị trường; đồng thời đầu tư cải tạo vườn, chăm sóc các loại cây vừa thu hoạch xong và trồng mới một số diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, nhu cầu của thị trường lớn như bưởi, mít, na, xoài, mận, quýt, lê… Cây ăn quả của địa phương đa số là được trồng phân tán, chỉ mang tính chất phục vụ gia đình là chủ yếu, sản lượng trao đổi trên thị trường không nhiều. Ước tính trong quý I, sản lượng thu hoạch một số cây trồng đạt được như sau: Cây chuối thu hoạch đạt 691,06 tấn, giảm 13,14 tấn so với cùng kỳ năm trước; cây dứa thu hoạch đạt 48 tấn, giảm 2 tấn; cây cam sản lượng đạt 351,28 tấn, tăng 150,18 tấn...
Tình hình dịch bệnh trên cây trồng
Trong quý, thời tiết khô hạn, ít mưa tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh gây hại trên các loại cây trồng như: Cây thuốc lá bị bệnh thán thư, bệnh đốm mắt cua, bệnh sương mai; cây ngô bị sâu xám, sâu gai, sâu keo mùa thu; cây rau, đậu các loại bị bệnh rệp, sâu xanh, sâu khoang, bệnh sương mai, sâu tơ… gây hại nhẹ. Trên cây ăn quả bị nhiễm bệnh rệp muội, rệp sáp, ruồi đục quả, bọ xít, bệnh chảy gôm, bệnh greening, bệnh thán thư, bệnh phấn trắng… gây hại nhẹ. Các ngành chức năng theo dõi tình hình sâu bệnh gây hại trên cây trồng và kịp thời khuyến cáo người dân xử lý các ổ bệnh không để lây lan trên diện rộng.
Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi quý I năm 2021 phát triển bình thường, công tác thú y trên địa bàn tỉnh được các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, chủ động tiêm phòng gia súc, gia cầm và khử trùng tiêu độc chuồng trại. Việc kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển nội địa được quản lý chặt chẽ, thường xuyên nên không có dịch bệnh lớn nào xảy ra. Dịch tả lợn Châu Phi và bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò tiếp tục được kiểm soát, khoanh vùng, tuy nhiên vẫn xảy ra lác đác tại một số địa phương như: Trùng Khánh, Bảo Lạc, Hạ Lang... làm chết 255 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi với trọng lượng 10,05 tấn (riêng tháng 3 chết 31 con); 07 con bò chết do nhiễm bệnh viêm da nổi cục (riêng tháng 3 chết 03 con) các ngành chức năng phối hợp với các ban, ngành địa phương tổ chức xử lý ổ dịch theo đúng kỹ thuật. Các dịch bệnh thông thường như tụ huyết trùng, phân trắng, tiêu chảy... làm chết 21 con trâu, bò (riêng trong tháng 3 chết 07 con). Các bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, phù đầu lợn con... làm chết 28 con (riêng trong tháng 3 chết 03 con). Đàn gia cầm dịch bệnh thông thường tụ huyết trùng, niucatxơn, phân trắng... làm chết khoảng 841 con gia cầm các loại (riêng trong tháng 3 chết 457 con). Ngoài ra, trong tháng đầu của quý do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài và một số địa phương xuất hiện băng giá đã làm chết 86 con gia súc các loại.
Tổng đàn trâu ước tính 101.849 con, giảm 0,35% hay giảm 395 con so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng quý I/2021 đạt 435,04 tấn, tăng 13,37% hay tăng 51,31 tấn so với quý I/2020. Tổng đàn bò ước tính 109.587 con, giảm 3,28% hay giảm 3.722 con; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng trong quý đạt 530 tấn, tăng 7,07% hay tăng 35 tấn so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn lợn ước tính 283.719 con, tăng 3,14% hay tăng 8.649 con, đàn lợn tăng là do dịch tả lợn Châu Phi được kiểm soát tốt, giá thịt lợn hơi giữ mức cao và ổn định vì vậy đã khuyến khích các hộ chăn nuôi tái đàn; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong quý đạt 7.293,92 tấn, tăng 0,64% hay tăng 46,44 tấn. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, tổng đàn gia cầm ước tính 2.764,37 nghìn con, tăng 7,48% hay tăng 192,37 nghìn con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 1.861 tấn, tăng 2,25% hay tăng 41 tấn; sản lượng trứng gia cầm các loại 5.828,49 nghìn quả, tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước.
2. Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung kiểm tra, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi diện tích rừng hiện có. Các chủ rừng chuẩn bị mặt bằng, cây giống triển khai trồng rừng mới tập trung theo kế hoạch năm 2021.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng được tăng cường và kiểm soát chặt chẽ các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Các phương án phòng chống cháy rừng trong mùa khô được xây dựng, bổ sung và tuyên truyền rộng rãi đến từng xã, xóm và hộ gia đình. Trong quý do thời tiết khô hạn, ít mưa đã xảy ra 11 vụ cháy rừng với diện tích bị cháy là 33,54 ha và xử lý vi phạm 12 vụ chặt phá rừng trái phép với diện tích là 3,31 ha.
Tính chung quý I năm 2021, diện tích rừng trồng mới tập trung toàn tỉnh đạt 127,83 ha, giảm 38,01% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu được trồng trong tháng 3. Sản lượng gỗ khai thác ước tính đạt 6.335,55 m³, giảm 9,87% so với cùng kỳ năm trước (riêng tháng 3 khai thác được 4.511 m³). Sản lượng củi khai thác ước tính đạt 215.434 Ster, tăng 21,31% so với cùng kỳ năm trước. Số cây lâm nghiệp phân tán trồng được khoảng 544,77 nghìn cây, chủ yếu là keo, lát, sa mộc, thông, xoan, hồi.
3. Thuỷ sản
Là một tỉnh miền núi, địa hình chủ yếu là núi cao không thuận lợi cho phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản vì vậy quy mô ngành thủy sản mang tính chất nhỏ, lẻ, phân bố không đều giữa các địa phương trong tỉnh và mang tính tự cung, tự cấp là chủ yếu.
Sản xuất thủy sản tháng 3 phát triển ổn định, các hộ nuôi trồng thủy sản đẩy nhanh tiến độ thu hoạch các loại thuỷ sản để cải tạo, tu sửa hệ thống ao, hồ kịp thời thả giống cho vụ mới. Việc đánh bắt các loại thủy sản trên sông, suối vẫn được duy trì nhưng sản lượng đánh bắt còn thấp do người dân dùng những phương tiện thô sơ để đánh bắt phục vụ gia đình, sản lượng trao đổi trên thị trường ít.
Ước tính trong quý I, tổng sản lượng thủy sản thu được 114,26 tấn, giảm 6,69% hay giảm 8,19 tấn so với quý I/2020 (riêng tháng 3 thu được 30,02 tấn) trong đó: Sản lượng thủy sản thu được từ nuôi trồng 94,63 tấn, giảm 12,54% hay giảm 13,57 tấn so với cùng kỳ (riêng tháng 3 thu được 25,11 tấn); sản lượng thu được từ đánh bắt 19,63 tấn, tăng 37,75% hay tăng 5,38 tấn so cùng kỳ (riêng tháng 3 thu được 4,91 tấn).
II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Sản xuất công nghiệp tháng 3 và quý I năm 2021 ước tính tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành khai khoáng tăng khá; ngành sản xuất và phân phối điện, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải hoạt động ổn định; ngành chế biến, chế tạo giảm nhưng không đáng kể.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 3/2021 ước tính tăng 12,1% so với tháng trước và tăng 12,83% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành chế biến, chế tạo tăng 21,28%; ngành khai khoáng tăng 10,82%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,93%.
Tính chung quý I năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,33% so với cùng kỳ năm trước, số tăng chủ yếu là ngành khai khoáng và ngành sản xuất phân phối điện. Ngành khai khoáng tăng 19,4% do một số đơn vị đã được cấp phép khai thác mỏ trở lại; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,02% do các nhà máy thủy điện thuộc Công ty cổ phần năng lượng Bảo Lâm đi vào sản xuất ổn định, sản lượng tăng so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,09%; riêng ngành chế biến, chế tạo giảm 1,02%.
Các sản phẩm sản xuất trong quý I năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020: quặng manggan và tinh quặng manggan tăng 32,56%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt thép tăng 21,24%; đường tăng 19,65%; điện thương phẩm tăng 5,31%; điện sản xuất tăng 1,93%; nước uống được tăng 1,34%. Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: xi măng giảm 29,38%; gạch xây giảm 18,96%; manggan và các sản phẩm của manggan giảm 17,24%; sản phẩm in khác giảm 15,78%; chiếu trúc, chiếu tre giảm 10,02%; đá xây dựng giảm 9,06%; cát tự nhiên giảm 4,06%; nước tinh khiết giảm 3,74%; sắt, thép không hợp kim giảm 3,14%.
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3 năm 2021 giảm 29,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 14,78% so với tháng trước. Tính chung quý I năm 2021, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 21,24%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 19,08%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 18,06%... Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm: Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 24,54%; in, sao bản chép các loại giảm 21,18%...
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tháng 3 năm 2021 tăng 22,51% so với tháng trước và giảm 5,99% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng thời điểm năm trước: Sản xuất kim loại giảm 39,11%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 5,48%... Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 163,27%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 81,7%.
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 3 năm 2021 giảm 6,49% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 4,28%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 9,05%. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp quý I năm 2021 giảm 7,48%, số giảm chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 11,71%.
III. HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP
Khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Trong 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 18,42% so với cùng kỳ năm trước; đáng chú ý là số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và rút lui khỏi thị trường tăng lên đáng kể. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II/2021 với 83,33% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.
1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Trong tháng 3/2021 có 9 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 51,9 tỷ đồng, giảm 40% về số doanh nghiệp; giảm 50,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020 và đăng ký hoạt động cho 03 đơn vị trực thuộc (02 chi nhánh + 01 địa điểm kinh doanh). Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp là 5,76 tỷ đồng, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 3 tháng đầu năm, có 31 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 143,2 tỷ đồng, giảm 18,42% về số doanh nghiệp; giảm 69,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020 và đăng ký hoạt động cho 05 đơn vị trực thuộc (04 chi nhánh + 01 địa điểm kinh doanh). Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp là 4,6 tỷ đồng, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, có 47 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 291% so với cùng kỳ năm 2020 bao gồm: 33 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 7 doanh nghiệp chờ giải thể; 7 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
(Số liệu theo Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Cao Bằng)
2. Xu hướng sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Về tình hình sản xuất kinh doanh, có 33,33% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2021 khó khăn hơn quý IV/2020; 66,67% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý II/2021 so với quý I/2021, có 50% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 16,67% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 33,33% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Về khối lượng sản xuất, có 33,33% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý I/2021 giảm so với quý IV/2020; 66,67% số doanh nghiệp cho rằng ổn định. Xu hướng quý II/2021 so với quý I/2021, có 50% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 16,67% số doanh nghiệp dự báo giảm và 33,33% số doanh nghiệp dự báo ổn định.
Về đơn đặt hàng, có 33,33% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý I/2021 giảm so với quý IV/2020; 66,67% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định. Xu hướng quý II/2021 so với quý I/2021, có 50% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 16,67% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 33,33% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định.
Về giá bán bình quân, có 16,67% số doanh nghiệp có giá bán bình quân quý I/2021 tăng so với quý IV/2020; 83,33% số doanh nghiệp có giá bán bình quân ổn định. Xu hướng quý II/2021 so với quý I/2021, có 100% số doanh nghiệp dự kiến giá bán bình quân ổn định.
IV. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý I năm 2021 đạt thấp hơn nhiều so với quý trước nhưng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư tăng chủ yếu ở khu vực Nhà nước, tăng 20,65%.
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý I năm 2021 theo giá hiện hành ước thực hiện được 1.415,34 tỷ đồng, bằng 35,0% so với quý trước và tăng 11,44% so với cùng kỳ năm trước. Dự ước vốn đầu tư toàn xã hội quý I đạt thấp do dịp Tết Nguyên đán công nhân nghỉ dài ngày, đồng thời do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, có nguy cơ bùng phát trở lại đã ảnh hưởng đến thời gian và khối lượng thi công các công trình.
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý I năm 2021 theo giá hiện hành bao gồm: Vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước 398,54 tỷ đồng, tăng 8,74% so với cùng kỳ năm trước; vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước 31,0 tỷ đồng, tăng 53,02%; vốn vay từ các nguồn khác (của khu vực Nhà nước) 12,2 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần; vốn đầu tư tự có của doanh nghiệp Nhà nước 3,14 tỷ đồng, giảm 67,77%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 555,42 tỷ đồng, giảm 0,25%; vốn huy động khác 415,0 tỷ đồng, tăng 32,93% và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 0,04 tỷ đồng.
Trong nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước 398,54 tỷ đồng có vốn địa phương quản lý ước 396,41 tỷ đồng, tăng 21,02% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 369,11 tỷ đồng, tăng 19,63%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 27,3 tỷ đồng tăng 43,68%.
Trong quý I năm 2021, tình hình thực hiện vốn ngân sách Nhà nước tại tỉnh chủ yếu tiếp tục thi công các công trình dở dang và tập trung lựa chọn nhà thầu khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công các công trình mới theo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Đồng thời, chuẩn bị thủ tục, hồ sơ để trình cơ quan chuyên môn, UBND tỉnh thẩm định và phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành như: Cầu đường bộ II Tà Lùng – Thủy Khẩu, đường tỉnh 208.
V. THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trong dịp Tết Nguyên đán năm nay có phần kém nhộn nhịp hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, xét chung toàn quý I doanh thu một số ngành lớn đạt mức tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2020.
1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ
Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2021 đạt 675,51 tỷ đồng, giảm 1,72% so với tháng trước, tăng 14,77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 553,29 tỷ đồng, tăng 13,93%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 83,55 tỷ đồng, tăng 23,39%; du lịch lữ hành ước đạt 0,25 tỷ đồng tăng 218,47%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 38,42 tỷ đồng, tăng 9,35% so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính quý I năm 2021 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.192,17 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 1.775,47 tỷ đồng, tăng 14,79% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, các nhóm ngành hàng đều có mức tăng cao hơn so với cùng kỳ. Trong đó, một số nhóm tăng mạnh như: nhóm lương thực, thực phẩm tăng 22,17%; nhóm ô tô các loại tăng 35,07%; nhóm nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) tăng 30,35%; nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 32,17%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 291,53 tỷ đồng, tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước (doanh thu lưu trú giảm 9,83%; doanh thu ăn uống tăng 3,75%). Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước tính đạt 1,14 tỷ đồng, giảm 17,11%. Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên doanh thu giảm so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước tính đạt 124,02 tỷ đồng, tăng 7,93% so với cùng kỳ năm trước.
2. Hoạt động vận tải
Doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải
Dự ước doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi quý I năm 2021 đạt 81,25 tỷ đồng, tăng 4,73% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu từ hoạt động vận tải hành khách đạt 21,94 tỷ đồng, giảm 9,05%; doanh thu từ hoạt động vận tải hàng hóa đạt 58,45 tỷ đồng, tăng 18,43%; doanh thu từ hoạt động kho bãi đạt 0,86 tỷ đồng, giảm 79,08% so với cùng kỳ năm 2020.
Vận tải hành khách
Vận tải hành khách tháng 3/2021 ước tính đạt 130,86 nghìn hành khách, tăng 5,13% so với tháng trước; hành khách luân chuyển đạt 7.787,49 nghìn lượt HK.Km, tăng 1,74%. Trong quý I năm 2021, vận tải hành khách ước tính đạt 420,4 nghìn hành khách và đạt 25.073,88 nghìn lượt HK.Km, so với cùng kỳ năm trước giảm 8,43% số hành khách vận chuyển và giảm 2,53% số hành khách luân chuyển. Dự ước vận tải hành khách giảm so với cùng kỳ chủ yếu do thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19 người dân ít đi lại.
Vận tải hàng hoá
Ước tính vận tải hàng hóa tháng 3 năm 2021 đạt 124,27 nghìn tấn và đạt 3.609,7 nghìn tấn.km, so với tháng trước tăng 8,32% hàng hóa vận chuyển và tăng 22,69% hàng hóa luân chuyển. Sau thời gian nghỉ tết, các đơn vị thi công, các cơ sở sản xuất đã hoạt động trở lại nên các cơ sở vận tải có nhiều nguồn hàng vận chuyển hơn.
Vận tải hàng hóa trong quý I ước tính đạt 659,27 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 3,99%; hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 11.278,09 nghìn tấn.km, tăng 5,75% so với cùng kỳ năm trước.
VI. TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG
1. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn duy trì tiến độ, các giải pháp tăng thu, rà soát lại các nguồn thu và dự kiến các nguồn thu có khả năng khai thác được triển khai đồng bộ để tăng thu theo chỉ tiêu đã giao. Chi ngân sách Nhà nước đáp ứng kịp thời các yêu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến 15/3/2021 đạt 290.756 triệu đồng, đạt 20% so với dự toán Trung ương giao, 15% so với dự toán HĐND giao và bằng 95% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nội địa đạt 256.790 triệu đồng, bằng 94% so với cùng năm trước; thu thuế xuất, nhập khẩu đạt 32.966 triệu đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến 15/3/2021 đạt 1.003.265 triệu đồng, bằng 10,5% so với dự toán Trung ương, 10% so với dự toán HĐND giao và bằng 87% so cùng kỳ năm 2020, trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 119.571 triệu đồng, bằng 84% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên đạt 882.389 triệu đồng, bằng 87% so với cùng kỳ năm trước.
(Số liệu theo Sở Tài chính tỉnh Cao Bằng)
2. Hoạt động tín dụng ngân hàng
Hoạt động tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả; các chính sách, giải pháp hỗ trợ nhu cầu về vốn cho các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân được triển khai kịp thời góp phần hạn chế tín dụng đen. Thực hiện tốt công tác điều hòa, lưu thông tiền mặt và cung ứng các loại tiền phù hợp với nhu cầu nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiền mặt tại địa phương. Các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử ngày càng hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch thanh toán của các tổ chức, đơn vị và cá nhân.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh áp dụng mức lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và diễn biến của thị trường. Lãi suất huy động tiền gửi biến động từ 0,1%-6,99% trên 1 năm; lãi suất cho vay biến động từ 4,5%-13% trên 1 năm phụ thuộc vào kỳ hạn từng gói. Tổng vốn quản lý và huy động trên địa bàn ước tính đến 31/3/2021 đạt 23.650 tỷ đồng, so với đầu năm giảm 0,6% hay giảm 151 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn huy động tại địa phương ước đạt 20.750 tỷ đồng, chiếm 87,7% tổng nguồn vốn và giảm 0,6% hay giảm 122 tỷ đồng; nguồn vốn quản lý ước đạt 2.900 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng nguồn vốn và giảm 1% so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đến 31/3/2021 ước đạt 12.050 tỷ đồng, giảm 458 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó: Nợ xấu 90 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng dư nợ, tăng 13 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2020. Hoạt động ngoại hối trên địa bàn không có biến động lớn; tỷ giá mua, bán USD được điều chỉnh trên cơ sở tỷ giá trung tâm do NHNN công bố hàng ngày và biến động của thị trường. Hoạt động kinh doanh vàng vẫn được duy trì ổn định, giá vàng được điều chỉnh phù hợp với biến động giá vàng trong nước, các nhu cầu giao dịch vàng của người dân cơ bản được đáp ứng.
(Số liệu theo Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Cao Bằng)
VII. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Lao động việc làm và dạy nghề
Trong quý I năm 2021, công tác giải quyết việc làm đã được ngành chức năng triển khai. Tính đến nay đã tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách, pháp luật cho 1.508 lượt người, cung ứng giới thiệu việc làm được 44 lao động.
Công tác đào tạo nghề và tuyển mới trong quý I: Tuyển mới được 394 người đào tạo hệ sơ cấp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục duy trì các lớp đào tạo nghề cho 1.383 người năm trước chuyển sang, trong đó: trình độ cao đẳng 63 người; trình độ trung cấp 1.063 người; trình độ sơ cấp 257 người.
2. Đời sống dân cư và đảm bảo an sinh xã hội
Tình hình đời sống các tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng quý I năm 2021 cơ bản ổn định nhưng chưa được cải thiện so với cùng kỳ. Trong những tháng đầu năm, nhân dân tập trung sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động đến một số ngành sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và người lao động. Đời sống của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách ổn định nhưng mức thu nhập không tăng so với năm trước do không có sự điều chỉnh mức lương cơ bản. Đời sống dân cư ở khu vực nông thôn ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng do một số nông sản mất giá như: cà chua, cải bắp... gây ảnh hưởng đến một số hộ ở vùng sản xuất với số lượng lớn. Đồng thời, rét đậm, rét hại, hạn hán, gió lốc, dịch bệnh trên vật nuôi đã làm ảnh hưởng đến đời sống của dân cư nông thôn.
Trong dịp Tết Nguyên đán, chính quyền địa phương và các đoàn thể đã thành lập các đoàn đi thăm, chúc tết và tặng quà cho các hộ nghèo, các trung tâm đang nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội của tỉnh và tặng quà cho các đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sống tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh là 20.776 xuất quà với tổng giá trị 9.633 triệu đồng. Cũng trong dịp này đã thăm và tặng quà của Chủ tịch nước cho các đối tượng người có công và thân nhân người có công là 17.568 người với tổng số tiền 5.721 triệu đồng.
Công tác cấp phát gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán đã thực hiện kịp thời: Đã cấp phát gạo cứu đói tết cho 9.231 hộ (36.414 nhân khẩu) với tổng số gạo cấp phát là 546,21 tấn.
Cấp BHYT/sổ/thẻ/giấy khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, người dân tộc thiểu số sống tại các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội (bao gồm cấp cho trẻ dưới 6 tuổi) là 380.989 thẻ.
3. Tình hình giáo dục đào tạo
Trong kỳ, toàn ngành đã tổ chức tốt các hoạt động giáo dục, hoàn thành nhiệm vụ và sơ kết học kỳ I năm học 2020 - 2021 đúng kế hoạch. Tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm 2021 an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, có 48 thí sinh dự thi, kết quả đạt 05 giải bao gồm: 02 giải Nhì môn Lịch sử, 02 giải Ba môn Ngữ văn và 01 giải Khuyến khích môn Lịch sử.
Tổ chức Kỳ thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh phổ thông năm 2021, có 74 dự án tham gia; kết quả có 01 giải nhất, 09 giải nhì, 11 giải ba, 17 giải tư; có 02 dự án được chọn đi dự thi vòng thi Quốc gia.
4. Tình hình dịch bệnh
Quý I năm 2021, ngành Y tế đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung toàn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đến hết ngày 14/3/2021, tỉnh Cao Bằng chưa ghi nhận, phát hiện trường hợp nào nghi ngờ mắc Covid-19. Tất cả các trường hợp cách ly đều chưa có biểu hiện viêm đường hô hấp, sức khỏe ổn định.
Các bệnh truyền nhiễm khác có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2020: Ghi nhận 2.719 ca mắc hội chứng cúm thông thường, 108 ca mắc thủy đậu, 1.283 ca mắc tiêu chảy, 02 ca mắc tay - chân - miệng, 20 ca mắc quai bị, 25 ca mắc Adeno virus. Ngoài ra, ghi nhận 01 ca mắc ho gà, 02 ca uốn ván khác và 01 ca Rubella. Các trường hợp mắc bệnh đều được phát hiện, điều trị và xử lý kịp thời, không có ca tử vong.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong quý, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm tại xóm Khuổi Ngọa, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình làm 09 người mắc, nhập viện, không có tử vong. Nguyên nhân do ăn thức ăn thừa bị hư hỏng biến chất.
Phát hiện 10 trường hợp nhiễm HIV mới, giảm 02 ca so với cùng kỳ năm 2020, không có trường hợp mới chuyển sang giai đoạn AIDS, 01 người HIV/AIDS mới tử vong.
5. Hoạt động văn hóa, thể thao
Trong quý I, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và địa phương như: các hoạt động Kỷ niệm 80 năm ngày Bác Hồ về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/01/1941-28/01/2021), gắn với Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Cao Bằng (21/02/1961-21/02/2021); Kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/02/1930-3/02/2021) và mừng Xuân Tân Sửu 2021. Tuy nhiên, thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19 một số hoạt động cơ bản bị tạm dừng, hoãn, giảm quy mô tổ chức.
Hoạt động thể dục thể thao phát triển rộng khắp gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Các sở, ban, ngành chú trọng đẩy mạnh hoạt động phong trào, tổ chức các giải thể thao chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm góp phần rèn luyện sức khỏe, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho cán bộ, công chức.
6. Tình hình an toàn giao thông
Từ ngày 15/2/2021 đến ngày 14/3/2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 02 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 01 người chết, 02 người bị thương, nâng tổng số vụ tai nạn giao thông từ đầu năm đến nay là 18 vụ (giảm 06 vụ so với cùng kỳ năm trước), làm 09 người chết (giảm 05 người), bị thương 22 người (giảm 05 người), giá trị tài sản thiệt hại ước tính 1.760 triệu đồng. Riêng trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông, làm chết 01 người, 01 người bị thương. So với Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tai nạn giao thông giảm 01 vụ, số người chết và bị thương không thay đổi.
Đánh giá chung
Trong quý I/2021 thời tiết khô hạn kéo dài, thiếu nước sản xuất làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp. Sản xuất công nghiệp duy trì và tăng so với cùng kỳ năm trước; thị trường cơ bản ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn có mức tăng so với năm 2020, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân; thu ngân sách có chuyển biến tích cực, hoạt động xuất nhập khẩu có dấu hiệu khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước; số vụ tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội được duy trì. Đặc biệt, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid -19, chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, cách ly công dân Việt Nam lao động từ Trung Quốc về Việt Nam qua địa bàn tỉnh Cao Bằng và công dân từ các tỉnh có dịch bùng phát về địa bàn tỉnh Cao Bằng. Đến nay, Cao Bằng chưa ghi nhận, phát hiện trường hợp nào nghi ngờ mắc Covid-19. Bên cạnh những kết quả của quý I, sang quý II cần tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, Thu hoạch các cây trồng ngắn ngày vụ xuân, triển khai các biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây trồng và vật nuôi (hiện nay đang phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò). Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, quản lý, khai thác, vận chuyển và chế biến lâm sản; đấu tranh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm lâm Luật.
Hai là, Tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả thị trường, có những giải pháp nhằm góp phần bình ổn giá cả thị trường. Thực hiện các giải pháp phục hồi hoạt động thương mại - dịch vụ trong điều kiện thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới.
Ba là, Tiếp tục đôn đốc tiến độ đầu tư xây dựng các dự án thủy điện: Hồng Nam, Bản Ngà, Bình Long, Bảo Lạc A…Đôn đốc tiến độ thi công các công trình xây dựng đảm bảo giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.
Bốn là, Đối chiếu, rà soát số liệu chuyển nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020 sang năm 2021; tiếp tục thẩm tra quyết toán thu, chi ngân sách năm 2020 của các đơn vị dự toán ngân sách, đẩy nhanh tiến độ thẩm tra quyết toán các dự án hoàn thành.
Năm là, Tiếp tục thông tin, tuyên truyền thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19; duy trì chế độ báo động đỏ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở y tế.
Sáu là, Đẩy mạnh tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Website Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng