I. CÔNG NGHIỆP
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước thực hiện tháng 01/2021 tăng 11,02% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,26%; ngành phân phối điện tăng 20%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 2,60% so với cùng kỳ. Do tháng 01/2021 không trùng với tết Nguyên đán, nên chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao so tháng cùng kỳ (tháng 01/2020 trùng với kỳ nghỉ tết Canh Tý). Một số sản phẩm tăng cao so với cùng kỳ như: tôm đông lạnh tăng 30,30%; gạo (xay xát) tăng 31,46%; sản phẩm bia lon tăng 59,24%; sản phẩm thuốc lá tăng 82,90%; quần áo tăng 12,36%; dược phẩm tăng 9,52%; xi măng tăng 9,09%; đinh vít tăng 34,63%... Nguyên nhân tăng do doanh nghiệp tăng cường sản xuất để đảm bảo hàng hóa cung cấp đủ cho thị trường phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết sắp đến. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị hiện đại vào quy trình sản xuất giúp doanh nghiệp tăng chất lượng sản phẩm và tiết kiệm chi phí, giảm được giá thành sản phẩm, hạn chế lãng phí, tăng khả năng cạnh tranh.
Song song với những sản phẩm tăng, cũng còn một vài sản phẩm sản xuất giảm so với cùng kỳ, cụ thể như: phi lê cá đông lạnh giảm 20,42%; thức ăn gia súc giảm 31,97%; thức ăn thủy sản giảm 17,29%… Nguyên nhân giảm là do thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn, các doanh nghiệp chưa có nhiều đơn hàng mới để xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng cá phi lê, nên sản lượng sản xuất giảm, người nuôi cá cũng giảm sản lượng nuôi vì vậy ngành sản xuất thức ăn thủy sản cũng giảm.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tháng 01/2021 là 115,70% so với tháng cùng kỳ. Trong đó, một số ngành có mức tiêu thụ tăng như: chế biến thực phẩm tăng 19,92%; sản xuất đồ uống tăng 20,55%; dệt tăng 10,04%; sản phẩm hóa chất tăng 53,10%; dược phẩm tăng 9,09%; sản phẩm từ plastic tăng 27,68%... Tiêu thụ tăng do đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng phục vụ mua sắm cho dịp tết Nguyên đán sắp đến, nên một số doanh nghiệp đã tăng năng suất, áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, dịch vụ hỗ trợ đi kèm khi bán sản phẩm, hỗ trợ vận chuyển, bảo hành, lắp đặt, thay đổi mẫu mã bao bì - nhãn hiệu Xuân… tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi mua sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, giúp sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/01/2021 là 140,97% so với tháng cùng kỳ.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 01/2021 tăng 0,28% so với tháng trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,07%, doanh nghiệp Ngoài Nhà nước tăng 0,35% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không biến động. Số lao động tại các doanh nghiệp không có biến động nhiều, mức tăng giảm không đáng kể, vẫn duy trì ở mức bình thường.
II. NÔNG LÂM NGHIỆP - THUỶ SẢN
1. Nông nghiệp
1.1. Trồng trọt
- Cây lúa: đến giữa tháng 01/2021, thành phố Cần Thơ đã xuống giống ước được 77.128 ha lúa đông xuân 2021, đạt 101% so với kế hoạch (KH: 76.360 ha); so với cùng kỳ năm trước thấp hơn 2.116 ha.
Lúa đông xuân 2021 chủ yếu giai đoạn làm đòng đến chín, sinh trưởng và phát triển khá tốt; tuy nhiên trong thời gian xuống giống thời tiết se lạnh vào đêm và sáng sớm nên rất thuận lợi dịch hại trên lúa xuất hiện; đây là giai đoạn quan trọng có khả năng sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa, cần được tích cực chăm sóc; tổng diện tích nhiễm các đối tượng dịch hại là 1.382 ha, thấp hơn so với cùng kỳ 3.109 ha, chủ yếu diện tích nhiễm rầy nâu, chuột, bệnh đạo ôn lá,... nông dân đang tích cực chăm sóc, phát hiện kịp thời các đối tượng dịch hại, chủ động phòng trị bằng các giải pháp kỹ thuật theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp địa phương. Ngành Nông nghiệp tăng cường công tác phòng chống dịch hại trên lúa trước, trong và sau tết Nguyên đán 2021.
Tăng cường công tác kiểm tra, dự báo tình hình sâu bệnh, thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện các đối tượng dịch hại và có các biện pháp phòng trị kịp thời.
Đến nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện có 124 cơ sở, hộ sản xuất và cung ứng lúa giống với năng lực cung ứng 52.700 tấn/năm. Thành phố hiện đang triển khai đề án “Xây dựng hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thành phố Cần Thơ” để nâng cao năng lực cung ứng giống lúa, đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn theo qui định.
- Cây hàng năm khác
Đến giữa tháng 01/2021, toàn thành phố gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân ước đạt 3.332 ha, chậm hơn so với cùng kỳ 841 ha; tập trung chủ yếu những cây phục vụ Tết như: dưa hấu 545 ha, dưa leo 151 ha, bầu bí mướp 257 ha, khổ hoa 130 ha...; đã thu hoạch ước được 557 ha rau, đậu các loại.
Để phục vụ cho Tết 2021, nông dân các quận, huyện đã chuẩn bị khoảng 1.242.630 chậu hoa, kiểng và 12,06 ha hoa chủ yếu là các loại hoa kiểng dài ngày như: cúc các loại, vạn thọ cao, hồng, mai, cát tường, hướng dương… Nhìn chung, do lo ngại ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 đến khả năng mua sắm của người dân nên sản lượng hoa Tết năm nay cũng giảm.
Trong tháng, dịch bệnh cây hàng năm khác 145 ha, cao hơn 77 ha so với cùng kỳ vụ đông xuân 2020. Các đối tượng dịch hại xuất hiện trong tháng như bọ trĩ/bầu bí dưa 70 ha, các bệnh trên lá trên bầu bí dưa như bệnh thán thư, bệnh phấn trắng 68 ha, sâu đục quả/các loại đậu 20 ha,…Tuy nhiên, dịch bệnh đã được kiểm soát, xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật kịp thời.
- Cây lâu năm: diện tích cây ăn trái đầu năm 2021 đạt 21.623 ha, chiếm 93,28% trong tổng diện tích cây lâu năm, ổn định so với thời điểm cuối năm 2020, tăng 1.498 ha so cùng kỳ năm 2020. Ngành Nông nghiệp tiếp tục vận động nông dân khôi phục vườn cây ăn trái tập trung, chuyên canh.
Nguyên nhân: diện tích cây ăn quả tăng so cùng kỳ 2020 là do thời gian qua các quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ được các cấp chính quyền, ngành Nông nghiệp và phát triển Nông thôn hỗ trợ đầu tư đê bao khép kín bảo vệ vườn cây ăn quả, vận động nông dân cải tạo vườn tạp và đẩy mạnh chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển vườn cây ăn trái, cộng với tình hình nắng hạn khá gay gắt, nông dân đã tích cực chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây ăn quả để tăng thêm hiệu quả kinh tế. Ngoài ra nhà vườn còn được các ngành chức năng trợ giá cây giống nên đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện nay đã xây dựng được 12 vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái, lợi nhuận cao gấp 1,5 - 2 lần so với trồng chuyên cây ăn trái. Triển khai kế hoạch xây dựng vùng sản xuất vú sữa, xoài và nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP[2]. Hiện tại một số vườn cây ăn trái trên địa bàn thành phố Cần Thơ như nhãn, bưởi da xanh, bưởi Năm roi, xoài cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan, mãng cầu, na, vú sữa, mít thái, thanh long, mận... đang vào giai đoạn mang trái và thu hoạch vào dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Trong tháng, dịch bệnh có xảy ra trên một số cây trồng (bệnh rệp sáp, ghẻ nhám,...), tuy nhiên đã được kiểm soát, xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật kịp thời nên đã khống chế sự bùng phát trên diện rộng.
1.2. Chăn nuôi
Từ đầu năm đến nay, trên địa thành phố không xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Ngành Nông nghiệp chỉ đạo lực lượng thú y và phối hợp với địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch bệnh; đẩy mạnh công tác tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng...
Hiện trên địa bàn thành phố có 46 cơ sở sản xuất và mua bán sản phẩm giống vật nuôi. Trong đó có 20 cơ sở chăn nuôi heo sản xuất con giống, 16 cơ sở chăn nuôi heo sản xuất tinh, 06 cơ sở chăn nuôi heo vừa sản xuất con giống và tinh heo, 04 cơ sở chăn nuôi vịt sản xuất con giống. Với khả năng cung cấp khoảng 26.000 con heo giống/năm, 350.000 con vịt giống/năm và 100.000 liều tinh heo/năm.
Đến nay, tình hình dịch tả heo Châu phi đã ổn định và đàn heo phát triển bình thường trở lại, giá heo hơi đang ở mức 80.000đ/kg - 83.000đ/kg. Giá vịt ta hơi ở mức từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, vịt xiêm 60.000 - 65.000 đồng/kg; gà thả dao động khoảng 100.000 - 110.000 đồng/kg. Trong khi chi phí thức ăn, tấm cám ở mức khá cao, tuy vậy giá đầu ra của gia cầm hiện tại vẫn đảm bảo có lợi cho người nuôi.
2. Lâm nghiệp
Với vị trí địa lý của thành phố Cần Thơ hiện nay, diện tích trồng cây lâm nghiệp tập trung không còn, các địa phương tiếp tục chăm sóc các cây lâm nghiệp đã trồng, khai thác các cây đủ tiêu chuẩn đưa vào sử dụng; và trồng mới theo các tuyến kinh, xen trong vườn tạp... còn trống để khai thác tiềm năng của đất, vừa tạo cảnh quang, và có sản phẩm tiêu dùng sau này.
Ngành tiếp tục tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân và doanh nghiệp và tăng công tác kiểm soát, quản lý lâm sản và động vật hoang dã; phối hợp với Chi cục Hải quan xác nhận nguồn gốc gỗ; xác nhận vận chuyển và kiểm tra tăng đàn nuôi động vật hoang dã. Xây dựng Kế hoạch Tổ chức “Tết trồng cây” năm 2021.
3. Thủy sản
Trong tháng 01/2021, diện tích nuôi thuỷ sản đạt 865 ha (trong đó, cá tra đạt 410 ha, các loại cá khác đạt 441,4 ha), thu hoạch 51 ha nuôi cá với sản lượng ước khoảng 6.941 tấn; trong đó, cá tra đạt 6.590 tấn.
Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu dao động 19.500 - 20.000 đồng/kg (kích cỡ 700 - 800 g/con), giảm 750 đồng/kg so với tháng trước, giá thành bình quân 23.700 - 24.400 đồng/kg.
Diện tích nuôi trồng thủy sản giảm tập trung chủ yếu ở cá tra do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu đều giảm mạnh; sản lượng cá tra xuất khẩu vào các thị trường chính (Mỹ, Trung Quốc, EU) giảm, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hạn chế thu mua cá nguyên liệu nhằm giảm chi phí bảo quản. Đây là nguyên nhân làm cho giá cá tra nguyên liệu giảm sâu dẫn đến người nuôi thua lỗ nặng. Với tình hình giá như trên người nuôi cá tra hiện nay rất khó khăn để cầm cự và thả nuôi vụ mới.
Hiện nay có 199 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn Cần Thơ, cung cấp nhu cầu nuôi của thành phố và các tỉnh lân cận. Trong tháng giá cá tra giống dao động từ 22.000 - 24.000 đồng/kg giảm 1.000 đồng/kg so với tháng trước, cá giống kích cỡ 2 cm chiều cao thân - mẫu 30 con/kg giá từ 22.000 - 23.000 đồng/kg, giá cá giống 1,5 cm chiều cao thân - mẫu 70 con/kg giá từ 23.000 - 24.000 đồng/kg.
Hiện tại các công ty chế biến thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ có khuynh hướng xây dựng vùng nuôi tập trung để ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy chế biến. Ngành Nông nghiệp đang chú trọng phát triển các mô hình nuôi theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa thủy sản. Đến nay, có 03 HTX nuôi cá tra với diện tích 39,7 ha; 35 hộ tham gia liên kết sản xuất với các nhà máy với diện tích 95 ha; 20 vùng nuôi của 08 doanh nghiệp tham gia nuôi cá tra với diện tích 49 ha và tổng diện tích nuôi thủy sản ATTP theo tiêu chuẩn đạt 339 ha, bao gồm: 325,2 ha VietGAP (trong đó có 17 ha BMP+ASC) và 13,8 ha BAP+ASC.
III. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
Ước thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 01/2021 được 216,86 tỷ đồng, giảm 12,16% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn cân đối ngân sách thành phố ước thực hiện 42,1 tỷ đồng, vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu ước thực hiện 8,64 tỷ đồng, vốn nước ngoài ODA ước thực hiện 66,01 tỷ đồng, vốn xổ số kiến thiết ước thực hiện 23 tỷ đồng, nguồn vốn khác ước thực hiện 34,01 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện thực hiện được 43,1 tỷ đồng.
Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 01/2021 hiện tại chủ yếu thi công các công trình chuyển tiếp từ năm 2020. Các công trình mới có kế hoạch năm 2021, hiện nay đang thực hiện các thủ tục ban đầu.
Tình hình thực hiện một số dự án chủ yếu trên địa bàn thành phố:
Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án 3), Dự án có tổng mức đầu tư 7.843,19 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn ODA, do Ban quản lý ODA thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư. Kế hoạch vốn năm 2021 được giao 1.546,44 tỷ đồng. Hiện nay chủ đầu tư và đơn vị thi công đang quyết liệt thực hiện các công trình trong dự án, cụ thể như dự án đường Trần Hoàng Na (đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ đến cầu Trần Hoàng Na), đây là dự án thuộc dự án 3, đơn vị thi công đang khẩn trương tráng nhựa trên toàn tuyến đường, để dự án sớm hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân; Dự án Cầu Quang Trung, đây cũng là dự án thuộc dự án 3, dự án có tổng mức đầu tư là 227,92 tỷ đồng do Ban ODA làm chủ đầu tư, ngày 31/12/2020, Ban quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ đã tổ chức thông xe cầu Quang Trung (đơn nguyên 1) góp phần tăng cường khả năng kết nối giao thông đô thị giữa quốc lộ 1 và các tuyến đường trung tâm thành phố, cũng như giảm tải việc ùng tắc giao thông ở cầu Quang Trung (nguyên đơn 2) đã được thông xe ngày 18/01/2020.
Dự án Bệnh viện Ung Bướu thành phố Cần Thơ, dự án có tổng mức đầu tư là 1.727,9 tỷ đồng được thực hiện bằng nguồn vốn ODA do Sở Y tế thành phố làm chủ đầu tư, kế hoạch vốn năm 2021 được giao là 759,83.
Dự án Trung tâm Văn Hóa - Thể thao quận Ninh Kiều. Dự án có tổng mức đầu tư 586,58 tỷ đồng, dự án do Sở Xây dựng thành phố làm chủ đầu tư với diện tích khoảng 45.280,81 m2. Dự án bắt đầu triển khai năm 2020 và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022. Kế hoạch vốn năm 2021 được giao là 100 tỷ đồng.
IV. THƯƠNG MẠI
1. Giá cả thị trường
Thị trường hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng 01/2021 trên địa bàn thành phố diễn ra khá sôi động. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, phong phú cả về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng mừng xuân và đặc biệt là vấn đề chất lượng hàng hoá luôn được quan tâm. Nhu cầu mua sắm trong dịp đầu năm mới, việc chuẩn bị đón tết Nguyên đán của người dân đang đến gần nên nhu cầu mua sắm tăng mạnh, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn giữ mức ổn định.
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2021 giảm 0,01% so với tháng trước; giảm 1,76% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính tháng 01/2021 có:
+ 04 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, gồm: đồ uống và thuốc lá tăng 0,03%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,33%; giao thông tăng 2,50%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,01%.
+ 04 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước, gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,05%; nhà ở, điện, nuớc, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,41%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,12; bưu chính viễn thông giảm 0,01%.
+ 03 nhóm hàng hóa có chỉ số không đổi so với tháng trước, gồm: thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục; hàng hóa và dịch vụ khác.
Các nguyên nhân tác động đến CPI tháng 01 năm 2021
Giá mặt hàng rau củ đang giảm mạnh do đang vào mùa thu hoạch rộ, thời tiết thuận lợi, lượng hàng về nhiều nên giá cả giảm.
Nhân dịp đầu năm mới nhiều cơ sở kinh doanh thực hiện các chương trình giảm giá, khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng của người dân.
Thực hiện Nghị quyết số 180/NQ-CP ngày 17/12/2020 của Chính phủ về về hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 2) và do thời tiết thay đổi nên nhu cầu sử dụng điện, nước giảm mạnh.
Từ 01/01/2021 giá gas được điều chỉnh tăng 27.500 đồng/bình. Nguyên nhân vì giá mua nhiên liệu khí đốt tăng do thời điểm mùa đông, nhu cầu khí đốt tăng cao trên toàn thế giới. Giá hợp đồng nhập khẩu (CP) tháng 01/2021 tăng 85 USD/tấn, chốt giá hợp đồng nhập khẩu trong tháng Một là 540 USD/tấn, kéo theo giá gas bán lẻ trong nước cũng tăng tương ứng. Như vậy, so với giữa năm 2020, giá gas đã tăng tổng cộng 66.500 đồng/bình 12 kg do giá gas thế giới tăng, gây áp lực giữa lúc khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Giá xăng, dầu điều chỉnh vào ngày 26/12/2020. Cụ thể: giá xăng A95 tăng 470 đồng/lít, xăng E5 tăng 390 đồng/lít, dầu diezen tăng 480 đồng/lít, dầu hỏa tăng 410 đồng/lít. Ngày 11/01/2021 giá xăng, dầu được điều chỉnh theo văn bản số 150/BCT-TTTN của Bộ Công Thương, xăng A95 tăng 460 đồng/lít, xăng E5 tăng 430 đồng/lít, dầu diezen tăng 270 đồng/lít, dầu hỏa tăng 370 đồng/lít. Sau 2 đợt điều chỉnh giá xăng A95 tăng 930 đồng/lít, xăng E5 tăng 820 đồng/lít, dầu diezen tăng 750 đồng/lít, dầu hỏa tăng 780 đồng/lít so với giá cuối tháng 12.
- Chỉ số giá vàng tăng 2,33% so với tháng trước do đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới giảm làm cho giá vàng thế giới tăng lên kéo theo giá vàng trong nước cũng tăng theo. Giá vàng ngày 21/01/2021 trên địa bàn thành phố dao động quanh mức 5.550.000 đồng/chỉ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,20% so với tháng trước. Nguyên nhân là do đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới giảm và do vàng tăng trở lại nhờ triển vọng của gói cứu trợ dịch Covid-19. Giá đô la Mỹ ngày 21/01/2021 trên địa bàn thành phố dao động quanh mức 23.165 đồng/USD.
2. Nội thương
Tình hình thương mại, dịch vụ trên địa bàn TP Cần Thơ có nhiều chuyển biến tích cực khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ. Hiện nay nguồn cung hàng hóa trên địa bàn thành phố Cần Thơ dồi dào, phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân nhân, không xảy ra tình trạng sốt hàng, tăng giá đột biến, các mặt hàng khẩu trang, trang thiết bị, vật tư y tế phụ vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng đảm bảo phục vụ nhu cầu thị trường.
Công tác bình ổn thị trường tiếp tục được thực hiện theo Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2020 về việc bình ổn thị trường năm 2020 và dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán năm 2021. Đến nay đã có 14 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn với 55 điểm bán lẻ, tổng giá trị hàng hóa tham gia trên 294 tỷ đồng.
Công tác dự trữ hàng hóa phục vụ Tết (từ quý IV/2020 đến quý I/2021) ước đạt trên 3.414 tỷ đồng, số lượng hàng hóa dự trữ tăng từ 10-30% so với năm trước. Trong đó, tập trung một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như gạo, thịt heo, thịt và trứng gia cầm, bia, xăng dầu, gas…
Nhìn chung, tình hình kinh doanh các doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh cá thể trên địa bàn TP Cần Thơ đầu năm 2021 phát triển tương đối tốt do nhu cầu mua sắm trước Tết Tân Sửu tăng cao. Ước tháng 01/2021 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 14.467,36 tỷ đồng, tăng 9,17% so với cùng kỳ. Cụ thể như sau:
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố ước tính tháng 01/2021 đạt 12.262,81 tỷ đồng tăng 9,89% so cùng kỳ. Một số nhóm hàng có doanh thu tăng so với cùng kỳ như: lương thực và thực phẩm tăng 9,49%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 26,86%; vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 16,85%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 12,59%. Nguyên nhân tăng do đầu năm nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá bán nhằm kích cầu tiêu dùng trong xã hội, sức mua trong dân cư tăng mạnh; nhiều công trình xây dựng đang dược gấp rút hoàn thành trước Tết nên doanh thu nhóm hàng này tăng khá cao.
- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ ước tháng 01/2021 đạt 2.204,55 tỷ đồng tăng 5,32% so với cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế, dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 1.044,10 tỷ đồng tăng 17,13% so cùng kỳ, du lịch lữ hành đạt 25,83 tỷ đồng giảm 46,10% so cùng kỳ, dịch vụ đạt 1.134,62 tỷ đồng giảm 1,60% so cùng kỳ. Do dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang diễn ra hết sức phức tạp nên doanh thu du lịch lữ hành và khách sạn tiếp tục giảm sâu so với cùng kỳ. Tuy nhiên đầu năm nay doanh thu ăn uống dần phục hồi và tăng trưởng trở lại kéo theo nhóm ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú tăng cao.
V. GIAO THÔNG VẬN TẢI
- Vận tải hàng hoá: tháng 01/2021, ước vận chuyển 0,88 triệu tấn hàng hoá, giảm 6,57% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 137,11 triệu T.Km giảm 7,53% so cùng kỳ.
Chia ra: đường bộ tháng 01/2020, ước vận chuyển đạt 0,33 triệu tấn giảm 0,29% so cùng kỳ (luân chuyển 59,81 triệu T.Km giảm 0,21% so cùng kỳ). Đường sông ước vận chuyển đạt 0,54 triệu tấn giảm 10,33% so cùng kỳ (luân chuyển 61,63 triệu T.Km giảm 15,93% so cùng kỳ). Đường biển ước vận chuyển đạt 0,02 triệu tấn tăng 4,23% so cùng kỳ (luân chuyển 15,67 triệu T.Km tăng 4,22% so cùng kỳ).
- Vận tải hành khách: tháng 01/2021, ước vận chuyển 6,35 triệu lượt hành khách, tăng 1,33% so cùng kỳ; luân chuyển 98,55 triệu lượt HK.Km tăng 2,11% so cùng kỳ.
Chia ra: đường bộ tháng 01/2021, ước vận chuyển 4,08 triệu lượt HK tăng 1,91% so cùng kỳ (luân chuyển 95,41 triệu HK.Km tăng 2,20% so cùng kỳ). Đường sông ước vận chuyển 2,27 triệu lượt HK tăng 0,29% so cùng kỳ (luân chuyển 3,14 triệu HK.Km giảm 0,52% so cùng kỳ).
- Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải: tháng 01/2021 doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước thực hiện 337,18 tỷ đồng, giảm 1,62% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách thực hiện 87,11 tỷ đồng tăng 2,70% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa thực hiện 154,09 tỷ đồng, giảm 6,81% so cùng kỳ; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 72,04 tỷ đồng, tăng 3,68% so cùng kỳ; bưu chính, chuyển phát thực hiện 23,94 tỷ đồng tăng 3,72% so cùng kỳ.
VI. NGÀNH TÀI CHÍNH - TÍN DỤNG
1. Tài chính ngân sách
a) Thu ngân sách: thực hiện đến 20 ngày tháng 01/2021, tổng thu NSNN 956,32 tỷ đồng đạt 0,06% dự toán HĐND giao, trong đó thu nội địa là 918,38 tỷ đồng với các nguồn thu chủ lực như thu thuế khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh 205,48 tỷ đồng đạt 0,09% dự toán, thu từ doanh nghiệp nhà nước 170,80 tỷ đồng đạt 0,11% so dự toán, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 103,5 tỷ đồng đạt 0,09% so dự toán, thuế thu nhập cá nhân 83,1 tỷ đồng đạt 0,11% so dự toán. Tính đến 20/01/2021 hoạt động thu thuế hải quan ước đạt 37,93 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 4% trong tổng thu ngân sách nhà nước và đạt 0,04% so dự toán.
b) Chi ngân sách: ước đến 20 ngày tháng 01/2021 ngân sách đã chi 343,64 tỷ đồng chiếm 0,02% dự toán, trong đó hoạt động chi đầu tư phát triển 19 tỷ đồng, chi thường xuyên 324,64 tỷ đồng.
2. Tín dụng ngân hàng
Vốn huy động đến cuối tháng 01 năm 2021 ước đạt 87.600 tỷ đồng, tăng 0,64% so với đầu tháng. Trong đó, vốn huy động VNĐ là 85.900 tỷ đồng, chiếm 98,06%, tăng 0,64%, vốn huy động ngoại tệ là 1.700 tỷ đồng, chiếm 1,94%, giảm 0,47% so với đầu tháng; vốn huy động ngắn hạn là 60.200 tỷ đồng, chiếm 68,72%, tăng 0,68%, vốn huy động trên 12 tháng là 27.400 tỷ đồng, chiếm 31,28%, tăng 0,56% so với đầu tháng.
Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 01 năm 2021 ước đạt 104.500 tỷ đồng, tăng 0,71% so với đầu tháng. Trong đó, dư nợ cho vay VNĐ đạt 98.900 tỷ đồng, tăng 0,73% so với đầu tháng, chiếm 94,64%, dư nợ cho vay ngoại tệ đạt 5.600 tỷ đồng, tăng 0,45% so với đầu tháng, chiếm 5,36% trong tổng dư nợ cho vay; phân theo thời hạn dư nợ cho vay ngắn hạn là 54.900 tỷ đồng, tăng 0,79% so với đầu tháng, chiếm 52,54%, dư nợ cho vay trung dài hạn 49.600 tỷ đồng, tăng 0,62% so đầu tháng, chiếm 47,46% tổng dư nợ cho vay.
Nợ xấu đến cuối tháng 01 năm 2021 là 1.000 tỷ đồng, chiếm 0,96% tổng dư nợ cho vay.
Lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn phổ biến như sau:
- Lãi suất huy động: lãi suất huy động không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng phổ biến mức 0,2%/năm; lãi suất huy động có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 3,5% - 4,0%/năm; lãi suất huy động từ 6 đến 12 tháng phổ biến 4,2% - 6,2%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,0% - 7,0%/năm tùy theo từng loại kỳ hạn.
- Lãi suất cho vay: lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường từ 5,5% - 8,0%/năm đối với ngắn hạn; 8,0% - 10,0%/năm đối với trung, dài hạn.
- Lãi suất USD: lãi suất huy động thực hiện theo quy định là 0%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến ngắn hạn 3,0% - 4,5%/năm, trung dài hạn 4,5% - 6,0%/năm.
VII. TÌNH HÌNH VĂN HOÁ - XÃ HỘI
1. Văn hóa - Thể thao
Thành phố đã tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao để Chào Năm mới 2021.
Hoạt động văn hóa: tổ chức chương trình nghệ thuật Chào năm mới 2021 vào lúc 19 giờ 00 ngày 31/12/2020, tại Nhà biểu diễn Trung tâm Văn hóa thành phố và trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Cần Thơ, với chủ đề “Cần Thơ hội nhập và phát triển”, thời lượng 70 phút, có sự tham gia biểu diễn của các ca sỹ, nghệ sỹ, diễn viên thành phố Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà hát Tây Đô: tổ chức biểu diễn 05 suất và phục vụ 2.500 lượt người xem. Tổ chức biểu diễn chương trình định kỳ tại chợ nổi Cái Răng 04 cuộc.
Tổ chức phục vụ 7.838 lượt khách tham quan tại Bảo tàng thành phố, Trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam tại Cần Thơ và các di tích lịch sử - văn hóa. Thực hiện 35 hồ sơ khoa học của 53 hiện vật. Thực hiện công tác giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường năm học 2020 - 2021: hướng dẫn 4 trường thu hút 324 lượt học sinh, sinh viên tham quan, học tập tại Đền thờ Châu Văn Liêm và di tích lịch sử Khám lớn Cần Thơ.
Toàn ngành thư viện công cộng thành phố bổ sung 2.000 bản sách mới, phục vụ 279.132 lượt bạn đọc và 458.264 lượt sách, báo. Tăng cường cung cấp thông tin tài liệu cho bạn đọc bằng hình thức trực tuyến và qua Website Thư viện. Cấp mới 210 thẻ thư viện và tài khoản ebook.
Hoạt động thể thao: cử đoàn tham dự Giải Bóng đá vô địch U19 quốc gia năm 2021, từ ngày 08/01 đến ngày 02/02/2021, tại tỉnh Bình Phước.
2. Giáo dục
Tổ chức kiểm tra học kỳ I, sơ kết học kỳ I năm học 2020 - 2021.
Tổ chức Hội giao lưu “Viết chữ đẹp” cấp thành phố; Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố; Hội thi Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi; Giải bóng đá học sinh nam THPT.
Tổ chức chấm hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng III lên hạng II bậc học THPT của năm 2019. Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện quy hoạch đội ngũ quản lý năm học 2021 - 2022.
Các cơ sở giáo dục tăng cường phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông.
3. Về Y tế - khám chữa bệnh
Tình hình dịch bệnh ổn định, không có vụ dịch nguy hiểm xảy ra. Tuy nhiên trong tháng một số bệnh như: sốt xuất huyết ghi nhận 188 trường hợp mắc, giảm 07 trường hợp so với tháng trước (195 trường hợp), không có tử vong; tay chân miệng ghi nhận 238 trường hợp mắc, giảm 29 trường hợp so với tháng trước (267 trường hợp), không có tử vong; sởi và sốt phát ban nghi sởi không ghi nhận trường hợp mắc, giảm 01 trường hợp so với tháng trước (01 trường hợp), không có tử vong; tiêu chảy 895 trường hợp, tăng 96,27% so với tháng trước.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19
Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường, đặc biệt trong nước đã xuất hiện các trường hợp bệnh do nhập cảnh trái phép vào Việt Nam tại tỉnh Vĩnh Long, thành phố Hồ Chí Minh với lịch trình di chuyển liên quan nhiều tỉnh thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các Bộ, ngành Trung ương, thành phố tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới trên địa bàn, cụ thể:
Các cơ sở y tế sẵn sàng phương án thần tốc phù hợp tình hình thực tế trong việc thực hiện khoanh vùng, truy vết; kích hoạt đội phản ứng nhanh; tăng cường các biện pháp sàng lọc với tất cả trường hợp nghi ngờ, kiểm tra chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện tốt công tác kiểm dịch y tế quốc tế. Các cơ sở y tế trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Lễ Giáng sinh và tết Dương lịch 2021.
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ đối với các trường hợp đến thành phố qua Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ.
Thường xuyên rà soát, kiểm tra tình hình người nước ngoài hiện đang tạm trú trên địa bàn thành phố, tuyên truyền vận động người dân chủ động phát hiện, khai báo về các trường hợp nhập cảnh trái phép về lưu trú trên địa bàn.
Tại Cần Thơ, lũy tích đến ngày 14/01/2020, ghi nhận 10 trường hợp mắc Covid-19, đã điều trị khỏi 10 trường hợp, có 2.829 người đã hoàn thành 14 ngày cách ly tập trung, trở về địa phương; 5.510 người đã hoàn thành 14 ngày theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú.
Công tác phòng, chống HIV/AIDS: lũy tích số nhiễm HIV phát hiện được 6.918 trường hợp; trong đó, tử vong 2.540 trường hợp, số nhiễm HIV còn sống 4.378 trường hợp. Điều trị ARV cho 3.931 trường hợp, điều trị Methadone cho 356 trường hợp.
Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm: thực hiện lấy mẫu bề mặt bao bì thực phẩm đông lạnh nhập khẩu tại các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm đông lạnh trên địa bàn thành phố để xét nghiệm Covid-19, kết quả 100% mẫu không phát hiện vi rút SARS-CoV-2. Trong tháng không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.
4. Chính sách lao động - xã hội
Trong tháng, thành phố giải quyết việc làm cho 2.351 người lao động (cung ứng lao động đi làm việc nước ngoài là 56), giảm 47,5% so với cùng kỳ năm 2020. Các cơ sở GDNN tuyển mới và đào tạo nghề cho 2.524 người, tăng 124,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 81 cơ sở GDNN, trong đó: Cao đẳng 13; Trung cấp 11; Trung tâm 22 và cơ sở khác có dạy nghề 35.
Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ tư vấn việc làm, chính sách việc làm và học nghề cho 11.596 lượt người. Cung ứng lao động trong nước 125 người, lao động ngoài nước 56 người. Đào tạo nghề cho 44 người. Số lượng hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong kỳ là 833 hồ sơ, giảm 17,28% so với tháng trước (1.007 hồ sơ), tăng 35,41% so với tháng cùng kỳ năm 2020 (538 hồ sơ).
Thực hiện chính sách người có công với cách mạng: toàn thành phố hiện có 6.062 đối tượng người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng; trong đó có 38 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, tất cả các Mẹ đều đã được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Tiếp nhận, xét duyệt và giải quyết chế độ chính sách 179 hồ sơ.
Phối hợp quận, huyện xây dựng mới 25 căn nhà và sửa chữa 24 căn nhà tình nghĩa (đã triển khai quí IV/2020) phấn đấu hoàn thành trước tết Nguyên đán Tân Sửu. Tổ chức Lễ trao tặng Huân chương Độc lập cho 56 gia đình có nhiều liệt sĩ. Phối hợp Ban chính sách - Bộ Chỉ huy quân sự thành phố xây dựng nhà tình nghĩa và trao quà cho người có công và thân nhân; xây dựng Kế hoạch Tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà cho người có công với cách mạng nhân dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021; dự thảo Lịch chúc tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trình Lãnh đạo UBND thành phố.
Công tác Bảo trợ xã hội - Trẻ em và Bình đẳng giới
Trợ cấp thường xuyên 40.362 đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng với tổng kinh phí hơn 18 tỷ đồng, trong đó: 20.101 người cao tuổi; 17.469 người khuyết tật; 315 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 2.477 đối tượng khác. Phối hợp Ngân hàng thế giới tổ chức Hội thảo thí điểm chi trả trợ cấp xã hội qua thẻ điện tử VIETTEL-PAY tại quận Ninh Kiều và huyện Thới Lai. Trình UBND thành phố ban hành Quyết định số 27/QĐ-UBND ngày 08 tháng 01 năm 2021 về phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020. Tổng hợp số liếu báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo năm 2020.
Trung tâm Bảo trợ xã hội quản lý 592 đối tượng. Duy trì vệ sinh cá nhân hằng ngày cho 38.050 lượt đối tượng. Theo dõi đối tượng yếu cần chăm sóc đặc biệt, cấp khẩu phần ăn cho 50 đối tượng lão, nhi. Hướng dẫn đối tượng tập vật lý trị liệu nhằm phục hồi chức năng và trị rối nhiễu tâm trí có 480 lượt tham gia. Khám, điều trị bệnh thông thường cho 1.200 lượt. Đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm và tổ chức nấu ăn hàng ngày cho đối tượng đủ chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh.
Trung tâm Công tác xã hội nuôi dưỡng 88 đối tượng ở độ tuổi từ 01 tháng đến 52 tuổi. Đăng ký gia hạn và mua mới BHYT cho đối tượng nuôi dưỡng tại Trung tâm sử dụng năm 2021. Các Mô hình như: Câu lạc bộ Tuổi hồng; công tác xã hội trong bệnh viện; hỗ trợ tâm lý và giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp cho đối tượng đang sống tại Trung tâm thường xuyên duy trì hoạt động đạt kết quả và được Giám đốc Sở tặng giấy khen cho 06 tập thể và 11 cá nhân tích cực đóng góp trong hoạt động mô hình. Đảm bảo chế độ ăn cho đối tượng theo quy định (ăn chín, uống sôi, thực phẩm tươi sống, chất lượng và có nguồn gốc). Khám và điều trị bệnh thông thường cho 410 lượt trẻ. Thực hiện tốt công tác phòng dịch bệnh, thường xuyên diệt khuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường.
5. Tai nạn giao thông, phòng chống cháy, nổ
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ tình hình tai nạn giao thông (từ ngày 15/12/2020 đến 14/01/2021) trên địa bàn thành phố đã xảy ra 07 vụ tai nạn giao thông, làm chết 07 người, không có người bị thương. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ tăng 01 vụ, số người chết tăng 01 người, số người bị thương giảm 01 người.
Website Cục Thống kê thành phố Cần Thơ