Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Tình hình giao thương, xuất khẩu hàng hóa giữa các nước bị ngưng trệ, tình hình đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong nước, tình hình thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lũ gây sạt lở nhiều nơi đã ảnh hưởng trược tiếp đến sản xuất và đời sống người dân; dịch Covid-19 diễn biến khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/04/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; ban hành các văn bản số 622/TTg-KTTH và số 623/TTg-KTTH ngày 26/5/2020 về việc tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 cùng với sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện, tháo gỡ khó khăn trực tiếp tại các địa phương của Lãnh đạo và các thành viên Chính phủ.
Trước diễn biến chung của cả nước, sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, cùng với việc thực hiện có hiệu quả, tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của Chính phủ, của thành phố, các lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố đang hoạt động bình thường trở lại, kinh tế thành phố duy trì ở mức tăng trưởng dương (tăng 1,02% so với cùng kỳ), tuy nhiên do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên một số ngành khách sạn, nhà hàng, du lịch, dịch vụ có mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ.
1. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)
Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2020 ước tính tăng 1,02% so với năm 2019. Trong mức tăng 1,02% của kinh tế thành phố, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,58%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,69%, đóng góp 0,56 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 0,51%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,55%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung của thành phố.
- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước năm 2020 đạt thấp so với cùng kỳ và không đạt kế hoạch đề ra.
+ Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có tăng trưởng ổn định đạt và vượt kế hoạch với 1,58% do ít chịu ảnh hưởng của dịch (ngành này chỉ chiếm tỷ trọng 10,09% trong cơ cấu kinh tế);
+ Ngành công nghiệp và xây dựng có tăng trưởng thấp tăng 1,69%, trong đó sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp, nhất là xuất khẩu bị ngưng trệ, thị trường trong nước bị thu hẹp do nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc giảm năng lực sản xuất (công nghiệp - xây dựng chiếm 32,86% trong cơ cầu kinh tế). Lĩnh vực xây dựng những tháng cuối năm có chuyển biến tích cực, nếu như 6 tháng đầu năm có mức tăng trưởng khiêm tốn âm 0,97% thì 6 tháng cuối năm đã có mức tăng trưởng khá tốt với 7,67%, cả năm tăng 4,22%;
+ Ngành dịch vụ là ngành kinh tế chủ lực của thành phố chiếm 49,89% cơ cấu kinh tế thành phố có tăng trưởng dương nhưng khá thấp với 0,51% so cùng kỳ, trong đó hoạt động bán buôn, bán lẻ là lĩnh vực chiếm tỷ trọng 15,56% trong cơ cấu kinh tế chỉ tăng 0,51%, một số lĩnh vực như vận tải kho bãi âm 15,29%; dịch vụ lưu trú và ăn uống âm 16,51%; hoạt động dịch vụ khác âm 15,63%...
+ Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,55% (chiếm tỷ trọng 7,16% trong cơ cấu GRDP) do tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gặp khó khăn nên nguồn thu các loại thuế như VAT, thuế doanh thu khoán, thuế TTĐB hàng nội địa, thuế xuất nhập khẩu tăng thấp so cùng kỳ…
Về cơ cấu kinh tế
Tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh trong tất cả các ngành, lĩnh vực, hơn thế nữa nó còn làm thay đổi đáng kể cơ cấu kinh tế của thành phố trong năm 2020 theo hướng tăng tỷ trọng khu vực sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản, giảm tỷ trọng công nghiệp-xây dựng và dịch vụ. Cụ thể cơ cấu kinh tế năm 2020 như sau: khu vực 1 chiếm 10,09%; khu vực 2 chiếm 32,86%; khu vực 3 chiếm 49,89%; thuế SP trừ trợ cấp SP chiếm 7,16%.
Cơ cấu kinh tế nêu trên phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của các ngành, các lĩnh vực trong điều kiện chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó ngành kinh tế chủ lực của thành phố là khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
2. Tài chính, ngân hàng
a) Tài chính ngân sách
* Thu ngân sách: thực hiện đến 20 ngày tháng 12/2020, tổng thu NSNN 13.428,02 tỷ đồng đạt 74,95% dự toán, trong đó thu nội địa là 10.734,55 tỷ đồng với các nguồn thu chủ lực như thu thuế khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh 2.045,34 tỷ đồng đạt 84,00% dự toán, thu từ doanh nghiệp Nhà nước 1.442,60 tỷ đồng đạt 87,43% so dự toán, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1.095,40 tỷ đồng đạt 93,23% so dự toán, thuế thu nhập cá nhân 845,74 tỷ đồng đạt 84,57% so dự toán. Tính đến 20/12/2020 hoạt động thu thuế hải quan ước đạt 654,07 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 4,87% trong tổng thu ngân sách nhà nước và đạt 33,75% so dự toán.
* Chi ngân sách: ước đến 20 ngày tháng 12/2020 ngân sách đã chi 12.248,50 tỷ đồng chiếm 75,85% dự toán, trong đó hoạt động chi đầu tư phát triển 6.518,07 tỷ đồng, chi thường xuyên 5.533,99 tỷ đồng.
b) Tín dụng ngân hàng
Hệ thống Ngân hàng thành phố Cần Thơ hiện có 47 chi nhánh tổ chức tín dụng và 07 Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động. Các tổ chức tín dụng tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Vốn huy động đến cuối tháng 12 năm 2020 ước đạt 85.500 tỷ đồng, tăng 0,80% so với đầu tháng, tăng 5,18% so với đầu năm, đáp ứng được 84,65% nguồn vốn cho vay. Trong đó, vốn huy động VNĐ là 83.900 tỷ đồng, chiếm 98,13%, tăng 0,83%, vốn huy động ngoại tệ là 1.600 tỷ đồng, chiếm 1,87%, giảm 0,31% so với đầu tháng; vốn huy động ngắn hạn là 58.300 tỷ đồng chiếm 68,19%, tăng 0,96%, vốn huy động trên 12 tháng là 27.200 tỷ đồng, chiếm 31,81%, tăng 0,47% so với đầu tháng.
Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 12 năm 2020 ước đạt 101.000 tỷ đồng, tăng 0,91% so với đầu tháng, tăng 10,59% so với đầu năm. Trong đó dư nợ cho vay VNĐ đạt 95.400 tỷ đồng, tăng 0,83% so với đầu tháng, chiếm 94,46%, dư nợ cho vay ngoại tệ đạt 5.600 tỷ đồng, tăng 2,30% so với đầu tháng, chiếm 5,54% trong tổng dư nợ cho vay; phân theo thời hạn dư nợ cho vay ngắn hạn là 52.600 tỷ đồng, tăng 1,09% so với đầu tháng, chiếm 52,08%, dư nợ cho vay trung dài hạn 48.400 tỷ đồng, tăng 0,72% so đầu tháng, chiếm 47,92% tổng dư nợ cho vay.
Nợ xấu đến cuối tháng 12 năm 2020 là 1.100 tỷ đồng, chiếm 1,09% tổng dư nợ cho vay.
Lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn hiện nay ổn định so với tháng trước và giảm so với đầu năm, phổ biến như sau:
- Lãi suất VNĐ:
+ Lãi suất huy động: lãi suất huy động không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng phổ biến mức 0,2%/năm; lãi suất huy động có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 3,5% - 4,0%/năm; lãi suất huy động từ 6 đến 12 tháng phổ biến 4,2% - 6,2%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,0% - 7,0%/năm tùy theo từng loại kỳ hạn.
+ Lãi suất cho vay: lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường từ 5,5% - 8,0%/năm đối với ngắn hạn; 8,0% - 10,0%/năm đối với trung, dài hạn.
- Lãi suất USD: lãi suất huy động thực hiện theo quy định là 0%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến ngắn hạn 3,0% - 4,5%/năm, trung dài hạn 4,5% - 6,0%/năm.
3. Giá cả thị trường
Nhìn lại một năm đầy khó khăn với thiên tai, dịch bệnh hoành hành đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế trong nước thì đến nay kinh tế trong nước đang khôi phục trở lại, thị trường hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng những tháng cuối năm 2020 trên địa bàn thành phố diễn ra khá sôi động, nhu cầu mua sắm tiêu dùng cũng đang tăng mạnh, hàng hóa tiêu dùng khá đa dạng, phong phú cả về chủng loại, chất lượng. Giá một số mặt hàng khôi phục trở lại sau khi dịch bệnh, thiên tai qua đi, giá một số nguyên liệu chế biến, nguyên liệu sản xuất biến động do ảnh hưởng của giá thế giới, chi phí nhân công dịp cuối năm đang dần tăng lên làm giá nhiều mặt hàng tăng.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2020 tăng 0,12% so với tháng trước; giảm 0,47% so với tháng 12 năm 2019, chỉ số giá bình quân năm 2020 so với bình quân năm 2019 tăng 2,80%.
So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 4 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng, gồm: đồ uống và thuốc lá tăng 0,03%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,24%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,53%; giao thông tăng 2,61%.
Trong tháng, có 5 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước, gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,41%; may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,51%; thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,09%; bưu chính viễn thông giảm 0,32%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,02%.
Nhóm hàng có giá ổn định là nhóm giáo dục do tháng này học sinh đã vào học ổn định nên không có biến động về giá của các mặt hàng thuộc nhóm này. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác cũng có chỉ số giá ổn định so với tháng trước, các mặt hàng trong nhóm này có biến động tăng giảm nhẹ nhưng tác động bù đắp cho nhau nên chỉ số giá nhóm này cũng không thay đổi so với tháng trước.
Các nguyên nhân tác động đến CPI
Giá lúa gạo thế giới tiếp tục tăng cao, nhu cầu xuất khẩu gạo trong nước tăng đã kéo giá gạo tiêu dùng tại các chợ trên địa bàn thành phố tăng theo.
Cuối năm 2019 giá thịt lợn tăng cao do đàn heo giảm mạnh vì bệnh dịch tả heo Châu Phi làm giá thịt heo luôn ở mức cao trong suốt 9 tháng năm 2020, đến cuối năm nay giá thịt heo đã hạ nhiệt dần, tuy nhiên giá thịt heo bình quân vẫn ở mức cao.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc lưu thông lương thực, thực phẩm, hàng hóa giao thương giữa các vùng, miền và các nước bị hạn chế nên đã tác động đẩy giá tăng cao.
Từ ngày 01/12/2020 giá gas tiếp tục tăng 6.500 đồng/bình 12kg. Nguyên nhân là do giá gas thế giới tháng 12/2020 tăng 20USD/tấn, chốt hợp đồng trong tháng ở mức 455 USD/tấn. Tính từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ tám giá gas tăng với tổng mức tăng là 120.000 đồng/bình 12kg.
Giá học phí có sự thay đổi ở một số trường tư, một số trường Đại học và Cao đẳng vào tháng 9 và tháng 10/2020 đã tác động làm tăng chỉ số giá nhóm giáo dục.
Giá nhà ở thuê giảm do nhiều chủ nhà trọ, cho thuê mặt bằng giảm giá hỗ trợ người thuê trong thời gian khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Nhằm hỗ trợ người dân giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Nhà nước đã có những chính sách điều hành, kiểm soát giá như: hỗ trợ giảm giá điện cho người dân, giảm giá xăng dầu, không tăng giá học phí mẫu giáo và phổ thông các trường công lập, giá dịch vụ y tế.
4. Tình hình thực hiện vốn đầu tư
Ước thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện tháng 12 năm 2020 được 705,94 tỷ đồng. Trong đó, vốn cân đối ngân sách thành phố thực hiện được là 106,23 tỷ đồng, vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện được 52,33 tỷ đồng, vốn nước ngoài ODA 97,51 tỷ đồng, vốn xổ số kiến thiết thực hiện được 82,67 tỷ đồng, nguồn vốn khác thực hiện được 94,52 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện được 272,69 tỷ đồng.
Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện năm 2020 được 4.664,01 tỷ đồng đạt 84,69% kế hoạch năm. Trong đó, vốn cân đối ngân sách thành phố thực hiện được 675,69 tỷ đồng đạt 95,54% kế hoạch năm, vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện được 518,52 tỷ đồng đạt 100% kế hoạch năm, vốn nước ngoài ODA 592,39 tỷ đồng đạt 100% kế hoạch năm, vốn xổ số kiến thiết 535,89 tỷ đồng đạt 70,25% kế hoạch năm, nguồn vốn khác thực hiện được 481,30 tỷ đồng đạt 53,15% kế hoạch năm, vốn ngân sách cấp huyện được 1.860,22 tỷ đồng đạt 92,08% kế hoạch năm.
Thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý từ đầu năm đến nay đạt thấp so với kế hoạch năm, nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư còn nhiều vướng mắc; công tác giải ngân nguồn vốn ngân sách khá thấp, đến ngày 17/12/2020 đã giải ngân 4.811,91 tỷ đồng, đạt 64,90% kế hoạch năm, trong đó ngân sách địa phương là 3.264 tỷ đồng đạt 59% kế hoạch năm; thêm vào đó dịch bệnh Covid-19 ở những tháng đầu năm đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công của các công trình.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: ước năm 2020, thành phố thu hút 06 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 31,81 triệu USD; điều chỉnh 01 lượt giảm vốn đầu tư 4,7 triệu USD và tăng vốn 01 dự án với số vốn 0,47 triệu USD; thực hiện chấm dứt hoạt động đầu tư 08 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,45 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn có 84 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 752,29 triệu USD.
* Tình hình thực hiện các công trình chủ yếu của thành phố
Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, dự án có tổng mức đầu tư 7.339,33 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn ODA, do Ban quản lý ODA thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư. Kế hoạch vốn năm 2020 được giao 1.385,96 tỷ đồng (đã điều chỉnh), dự án được điều chỉnh giảm 170 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2020 theo quyết định 2486/QĐ-UBND ngày 5/11/2020.
Dự án Bệnh viện Ung Bướu thành phố Cần Thơ, dự án có tổng mức đầu tư là 1.727,9 tỷ đồng được thực hiện bằng nguồn vốn ODA do sở Y tế thành phố làm chủ đầu tư, kế hoạch vốn năm 2020 được giao là 661,7 tỷ đồng và được bổ sung nguồn vốn kéo dài từ năm 2019 đến năm 2020 là 79,83 tỷ đồng (đã điều chỉnh), dự án được điều chỉnh giảm 565,21 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2020 theo quyết định 2486/QĐ-UBND ngày 5/11/2020. Dự án đang bước sang giai đoạn thi công hoàn thiện, dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2021.
Dự án Trung tâm Văn Hóa - Thể thao quận Ninh Kiều, dự án có tổng mức đầu tư 586,58 tỷ đồng, dự án do Sở Xây dựng thành phố làm chủ đầu tư với diện tích khoảng 45.280,81 m2. Dự án bắt đầu triển khai năm 2020 và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022. Kế hoạch vốn năm 2020 được giao là 271,17 tỷ đồng, chủ đầu tư và nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ để đạt kế hoạch đề ra.
5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
a) Nông Nghiệp
- Trồng trọt
+ Cây lúa
* Về diện tích: diện tích gieo trồng cây lúa cả năm 2020 đạt 222.999 ha, so cùng kỳ giảm 0,95%, bằng 2.144 ha; so kế hoạch đạt 104,17% (KH 214.080 ha). Trong đó: diện tích gieo trồng lúa vụ đông xuân đạt 79.264 ha, so với cùng kỳ năm trước thấp hơn 2.019 ha; diện tích lúa vụ hè thu gieo trồng được 75.015 ha, giảm so với vụ hè thu 2019 là 4.597 ha; tuy nhiên, diện tích lúa vụ thu đông là: 68.720 ha so với cùng kỳ tăng 4.472 ha.
Nguyên nhân: do người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng như trồng cây màu trên chân ruộng, lên vườn trồng cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa; trong 2.144 ha diện tích lúa giảm của năm 2020 thì lúa vụ hè thu giảm nhiều nhất là do chuyển đổi từ lúa qua trồng màu trên nền lúa và lên vườn trồng cây ăn trái.
* Về năng suất và sản lượng: năng suất lúa cả năm ước đạt 62,47 tạ/ha tăng so cùng kỳ 2,96% bằng 1,80 tạ; sản lượng lúa ước đạt 1.393.027 tấn so cùng kỳ tăng 1,98% bằng 27.104 tấn. Trong đó, năng suất lúa đông xuân đạt 72,24 tạ/ha, so vụ lúa đông xuân 2019 tăng 3,82%, bằng 2,65 tạ/ha, sản lượng đạt 572.633 tấn, so vụ lúa đông xuân 2019 tăng 7.011 tấn; năng suất lúa hè thu đạt 61,17 tạ/ha, so năng suất hè thu 2019 tăng 3,43%, bằng 2,03 tạ/ha, sản lượng là 458.850 tấn, so hè thu 2019 giảm 2,55%, bằng 11.987 tấn; năng suất lúa thu đông ước đạt 52,61 tạ/ha, so cùng kỳ tăng 2,60%, bằng 1,33 tạ, sản lượng ước là 361.544 tấn, so cùng kỳ tăng 9,74%, bằng 32.080 tấn.
Nguyên nhân năng suất và sản lượng tăng là do: các địa phương đã hoàn thiện hệ thống thủy lợi, tuân thủ nghiêm túc các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp như làm đất kỹ, vệ sinh đồng ruộng, gieo sạ đồng loạt, né rầy, đúng lịch, áp dụng “4 đúng” trong phòng trừ sâu bệnh, thâm canh tổng hợp, quản lý dịch hại theo phương pháp IPM, áp dụng “3 giảm 3 tăng,” “1 phải 5 giảm”, bón phân cân đối trong quá trình sản xuất, nhờ đó lúa phát triển tốt, diện tích lúa nhiễm sâu rầy không nhiều. Do thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Phần lớn diện tích xuống giống của các quận, huyện đầu nguồn đều nằm trong đê bao an toàn, nên bà con luôn chủ động được lượng nước cần thiết cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.
Các giống lúa chất lượng cao được nông dân sử dụng trong từng vụ chiếm tỷ lệ trên 70%, chủ yêu gồm: Jasmine 85, OM 4218, OM 5451,… Nhằm nâng cao phẩm chất, tăng chất lượng nông sản hàng hóa trước tình hình hội nhập quốc tế, trong năm 2020 việc sử dụng các giống lúa đặc sản chất lượng cao, lúa thơm được chuyển biến rõ rệt. Ngành Nông nghiệp chú trọng đẩy mạnh phát triển hệ thống sản xuất giống lúa 3 cấp.
Đến nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện có 124 cơ sở, hộ sản xuất và cung ứng lúa giống với năng lực cung ứng 52.700 tấn/năm. Thành phố hiện đang triển khai đề án “Xây dựng hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thành phố Cần Thơ” để nâng cao năng lực cung ứng giống lúa, đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn theo qui định.
Đến nay, duy trì và mở rộng 131 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 31.793 ha, tổng số hộ tham gia là 23.311 hộ. Nông dân tham gia cánh đồng lớn được tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến, có 40% diện tích thực hiện cách đồng lớn được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 50-150 đồng/kg đối với lúa hàng hóa và 300-400 đồng/kg đối với giống lúa cấp xác nhận. Diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP là 23,8 ha tại Vĩnh Thạnh và Cờ Đỏ, nâng tổng số thành phố có 360 ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP và 100 ha sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Giá lúa năm 2020 trung bình từ 4.800đ/kg - 5.300đ/kg (giá máy cắt bán tại ruộng) cao hơn so năm 2019 từ 700đ/kg - 1.000đ/kg. Nguyên nhân giá lúa tăng là do thị trường xuất khẩu tốt, cùng với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/8 vừa qua đã có tác động tích cực đến ngành hàng lúa gạo, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu về lúa gạo của thế giới tăng lên.
Đến ngày 16/12/2020, lúa vụ đông xuân 2021 toàn thành phố xuống giống ước được 76.126 ha, đạt 99,69% so với kế hoạch (KH 76.360 ha) và chậm hơn so với cùng kỳ 3.090 ha; cây lúa chủ yếu ở giai đoạn mạ sinh trưởng và phát triển tốt; các giống lúa được nông dân sử dụng trong gieo sạ chủ yếu là Đài Thơm 8; IR50404, Jasmine85, OM5451, RVT,… ngành Nông nghiệp địa phương triển khai tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tưới tiêu nước tiết kiệm, công nghệ sinh thái trong canh tác lúa, hướng dẫn nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và các biện pháp phòng trừ dịch bệnh. Tổng diện tích nhiễm dịch hại 73 ha, thấp hơn 17 ha so với cùng kỳ vụ đông xuân 2020. Ngoài ra, còn có rầy nâu di trú với mật số 30-50 con/m2 trên lúa giai đoạn mạ phân bố tại quận Thốt Nốt, các huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và Thới Lai.
Hiện nay, giá lúa khô cụ thể như sau: lúa IR 50404 7.400-7.500 đồng/kg, các lúa giống OM 7.600-7.700 đồng/kg và giống Jasmine85 đạt 8.900-9.000 đồng/kg.
+ Cây hàng năm có hạt khác: diện tích gieo trồng sơ bộ đạt 949 ha, so cùng kỳ tăng 45 ha. Nguyên nhân tăng là do chuyển đổi mục đích cây trồng.
+ Nhóm cây lấy củ có chất bột: diện tích gieo trồng sơ bộ đạt 40 ha so cùng kỳ giảm 06 ha, chủ yếu trên diện tích cây khoai lang.
+ Nhóm cây có hạt chứa dầu: diện tích gieo trồng sơ bộ đạt 2.384 ha, so cùng kỳ tăng 1.665 ha. Tập trung chủ yếu ở cây mè ở quận Ô Môn, Thốt Nốt, Cờ đỏ.
+ Nhóm cây rau đậu, hoa, cây cảnh: diện tích gieo trồng sơ bộ đạt 13.923 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 822 ha, tăng chủ yếu nhóm cây rau các loại tăng 885 ha. Nguyên nhân diện tích cây rau các loại tăng là do một số huyện như Phong Điền đang phát động bà con nông dân phát triển diện tích rau, màu sạch, chất lượng cao cung cấp cho thị trường; bà con tận dụng diện tích vườn mới lên đất còn trống vì cây lâu năm mới trồng còn nhỏ tán cây chưa phát tán rộng, độ che phủ chưa cao nên bà con trồng xen trên phần diện tích này nhằm tạo ra thu nhập và không cần phải làm cỏ vườn.
Hiện nay, đã mở rộng 18 vùng sản xuất rau với diện tích 229 ha. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 10,2 ha, tập trung tại Bình Thủy (HTX rau an toàn Long Tuyền, Công ty TNHH đầu tư và phát triển Minh Hòa). Trên địa bàn thành phố có 38 ha rau và 6 ha hoa kiểng tưới phun, tưới tiết kiệm.
+ Cây hàng năm khác vụ đông xuân 2021: đến ngày 16/12/2020, toàn TP đã xuống diện tích gieo giống cây hàng năm khác ước đạt 1.998 ha, so với cùng kỳ chậm hơn 1.080 ha.
+ Các loại cây lâu năm: tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn TP Cần Thơ năm 2020 sơ bộ đạt 23.180 ha, tăng 1.530 ha (+7,07%) so cùng kỳ; Trong đó diện tích cây ăn quả ước tính đạt 21.623 ha, chiếm 93,28% trong tổng diện tích cây lâu năm, tăng 1.498 ha (+7,45%) so cùng kỳ (chủ yếu các cây mít tăng 561 ha, cây na (mãng cầu) tăng 238 ha; cây mận 330 ha...)
Nguyên nhân diện tích cây ăn quả tăng là do thành phố hỗ trợ đầu tư đê bao khép kín bảo vệ vườn cây ăn quả, vận động nông dân cải tạo vườn tạp và đẩy mạnh chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển vườn cây ăn trái, cộng với tình hình nắng hạn khá gay gắt và mùa mưa năm nay đến muộn, nông dân đã tích cực chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây ăn quả để tăng thêm hiệu quả kinh tế (diện tích chuyển đổi đất trồng lúa sang cây ăn trái là 1.834 ha tập trung tại Phong Điền, Cờ Đỏ, Thốt Nốt và Cái Răng trên các loại cây như xoài, sầu riêng, cam, nhãn, bưởi,…). Ngoài ra nhà vườn còn được các ngành chức năng trợ giá cây giống nên đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện nay đã xây dựng được 12 vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái, lợi nhuận cao gấp 1,5 - 2 lần so với trồng chuyên cây ăn trái. Triển khai kế hoạch xây dựng vùng sản xuất vú sữa, xoài và nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nhiều nông dân, doanh nghiệp đã đầu tư phát triển sản xuất cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm. Trên địa bàn thành phố có 477 ha diện tích tưới phun, tưới tiết kiệm trên cây ăn quả. Việc áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên cây trồng đã làm giảm chi phí lao động từ 20-30%; tăng năng suất cây trồng từ 10-15% so với áp dụng tưới thông thường. Từ đó, giảm chi phí sản xuất khoảng 20-25 triệu đồng/ha so với phương pháp tưới truyền thống.
Hiện nay toàn thành phố có 58 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây ăn trái với năng lực cung ứng 650.000 cây/năm.
Toàn thành phố có 108,36 ha cây ăn trái bị thiệt hại do mưa bão. Trong đó: chuối 87,26 ha, đu đủ 12,09 ha, mận 3,09 ha, mít 1,77 ha, nhãn 1,01 ha.
- Chăn nuôi
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố không xảy ra dịch bệnh tai xanh ở heo, lở mồm long móng trên gia súc, bệnh Dịch tả heo Châu Phi. Tuy nhiên, xảy ra 01 ổ dịch bệnh cúm gia cầm (ngày 18/04/2020) tại phường Trường Lạc, Ô Môn, ngành Nông nghiệp đã xử lý dứt điểm và không phát sinh thêm ổ dịch.
+ Đàn trâu, bò: ước năm 2020 đạt 4.866 con, trong đó đàn bò ước đạt 4.750 con, so cùng kỳ tăng 550 con.
Nguyên nhân đàn trâu bò biến động tăng như trên là do: nhìn chung tình hình chăn nuôi trâu, bò trên toàn thành phố thuận lợi và ổn định, do không có dịch bệnh xảy ra, đàn bò thịt tăng nhằm cung cấp sản phẩm thịt trong những dịp cuối năm. Đàn bò sữa tương đối ổn định, mô hình kinh tế này làm nâng cao đời sống người dân và phát triển tam nông bền vững.
Sản lượng thịt bò xuất chuồng trong năm ước đạt 270 tấn, so cùng kỳ tăng 1,89%, bằng 5 tấn. Sản lượng sữa tươi đạt 1.181 tấn, tăng so cùng kỳ 1,64%, bằng 19 tấn.
+ Đàn heo: tổng đàn heo ước năm 2020 đạt 121.324 con. Trong đó, đàn heo thịt ước 102.362 con, so với cùng kỳ tăng 14.915 con, bằng 17,06%; đàn heo nái ước đạt 10.158 con, so với cùng kỳ tăng 14,34%; đàn heo đực giống có 75 con.
Nguyên nhân đàn heo biến động tăng như trên là do: từ tháng 05/2019 đến hết tháng 09/2019 là giai đoạn xảy ra dịch tả heo Châu Phi dẫn tới tổng đàn heo giảm mạnh. Đến thời điểm hiện tại tình hình dịch bệnh đã ổn định trở lại bà con nông dân đang thực hiện tái đàn. Để bù đắp lượng thịt heo thiếu hụt do bệnh dịch tả heo Châu Phi, đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo thu nhập và đời sống của người sản xuất, ngành thú y phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn, khôi phục sản xuất, chuyển đổi chăn nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương và tăng cường phòng, chống dịch bệnh… Đến nay, đàn heo phát triển bình thường trở lại so với thời điểm trước khi xảy ra bệnh dịch tả heo Châu Phi.
Giá heo hơi đang ở mức 70.000đ/kg - 72.000đ/kg, so với kỳ trước giảm khoảng 9.000đ/kg đến 12.000đ/kg. Do nhiều đơn vị doanh nghiệp đã tăng cường nhập thịt heo đông lạnh có giá rẻ hơn so với giá thịt heo “nóng” được giết mổ trong nước. Ngoài ra giá nhiều loại thủy sản đang ở mức thấp cũng góp phần kéo giảm giá thịt heo khi nhiều người tiêu dùng có xu hướng hạn chế mua thịt heo mà tăng cường sử dụng các loại thủy sản và thịt gia cầm có giá rẻ hơn.
Giá heo giống ở thời điểm hiện tại khoảng 2,5 đến 2,6 triệu đồng cho một con heo giống ở khoảng 12-15kg.
Sản phẩm thịt heo xuất chuồng trong năm ước đạt 17.991 tấn, so cùng kỳ giảm 11,67%, bằng 3.376 tấn.
+ Đàn gia cầm: ước năm 2020 có 2.024 ngàn con, so cùng kỳ tăng 0,71%, bằng 14.000 con. Trong đó, đàn gà ước đạt 642 ngàn con, so cùng kỳ tăng 0,73%, bằng 5 ngàn con; đàn vịt ước đạt 1.305 ngàn con, so cùng kỳ tăng 0,49%, bằng 6 ngàn con.
Nguyên nhân: trong kỳ không xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng nên bà con nông dân yên tâm phát triển đàn gia cầm, dẫn đến tổng đàn tăng. Tăng chủ yếu ở đàn vịt thời vụ và đàn gà do đến thời điểm thả nuôi chính. Một số hộ đầu tư thêm con giống, thức ăn, chuồng trại và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khâu chăn nuôi nên đã làm cho đàn gia cầm tăng trở lại.
Sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng trong năm 2020 ước đạt 6.521 tấn, so cùng kỳ tăng 3,80%, bằng 238,65 tấn.
Sản lượng trứng gia cầm trong năm 2020 ước đạt 80.834 ngàn quả, so cùng kỳ tăng 4,17%, bằng 3.236 ngàn quả. Nguyên nhân, chủ yếu là do sản phẩn trứng của đàn gia cầm thời vụ tăng.
Hiện trên địa bàn thành phố có 46 cơ sở sản xuất và mua bán sản phẩm giống vật nuôi.
Lĩnh vực chăn nuôi được chú trọng tái cấu trúc theo phương thức an toàn sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm; hình thành các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn liên kết sản xuất theo chuỗi. Hiện có 03 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi.
b) Lâm nghiệp
Với vị trí địa lý của thành phố Cần Thơ hiện nay, diện tích trồng cây lâm nghiệp tập trung không còn. Đến nay, cây lâm nghiệp phân tán toàn thành phố là 860 ngàn cây, so với cùng kỳ giảm 5 ngàn cây. Chủ yếu trồng xung quanh vườn, lối đi…
Sản phẩm khai thác lâm nghiệp năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng, giảm không nhiều: gỗ giảm 0,24%; củi giảm 0,44%; tre tăng 5,87%; trúc tăng 6,7%; măng giảm 5,88%; lá dừa nước giảm 32%.
c) Thủy sản
- Diện tích nuôi trồng: ước năm 2020 toàn TP Cần Thơ đạt 7.953 ha, so với cùng kỳ tăng 11,54%, bằng 822 ha. Nuôi thủy sản lồng bè ước đạt 343 cái, tăng 7 lồng bè.
Nguyên nhân diện tích nuôi thủy sản tăng do:
Những tháng cuối năm 2020, nguồn nước phù hợp để phát triển mô hình nuôi cá trên ruộng, cá ao mương nên nhiều hộ dân mở rộng mô hình này.
Những năm gần đây, mô hình nuôi thủy sản trong bể bồn, vèo được người dân phát triển mạnh mẽ cho năng suất và sản lượng cao. Thủy sản trong bể, bồn, vèo ước khoảng 91.660 m3, tăng 1,11% so cùng kỳ. Không ít hộ nông dân trên địa bàn các quận, huyện Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai đã thoát nghèo nhờ mô hình nuôi ếch, lươn thương phẩm.
Tuy nhiên, diện tích cá tra giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu đều giảm. Hiện tại, giá bán cá tra nguyên liệu dao động 20.000 - 21.500 đồng/kg (kích cỡ 700 - 900g/con).
Trong năm xuất hiện rải rác các bệnh gan thận mủ, phù đầu, xuất huyết trong các ao nuôi cá tra, đặc biệt các ao ương cá giống và ao mới thả giống, tỷ lệ hao hụt cá tra thả nuôi cao do khan hiếm con giống chất lượng cao.
Hiện tại, sản xuất cá tra theo hướng hình thành các tổ chức liên kết sản xuất để phát triển đúng theo quy hoạch, theo tiêu chuẩn quy định đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đẩy mạnh triển khai xây dựng vùng nuôi thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn: GlobalGAP, ASC, SQF, BMP, Metro GAP... Ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ (hệ thống lọc tuần hoàn, các vật tư, sản phẩm khoa học công nghệ) nhằm giảm hao hụt khi thu hoạch, nuôi hiệu quả, đồng thời ứng dụng thành tựu dinh dưỡng để tạo ra đối tượng nuôi có màu sắc tự nhiên, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng thông qua Chương trình Khuyến ngư địa phương.
- Giống thủy sản: trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 199 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn; cung ứng cá giống ước đạt 2.372 triệu con, giảm 163 triệu con so cùng kỳ. Sản lượng cá giống giảm so cùng kỳ do tình hình thời tiết năm 2020 diễn biến phức tạp nên người nuôi gặp nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc, quản lý cá nuôi đặc biệt là đối với khâu sản xuất giống nên tỷ lệ hao hụt cá tra giống trong 1 vụ ương khá cao (30% - 50%). Hiện tại, giá cá tra giống dao động từ 23.000 - 25.000 đồng/kg giảm khoảng 1.500 đồng/kg so với tháng trước, cá giống kích cỡ 2 cm chiều cao thân - mẫu 30 con/kg giá từ 23.000 - 24.000 đồng/kg, giá cá giống 1,5 cm chiều cao thân - mẫu 70 con/kg giá từ 24.000 - 25.000 đồng/kg.
- Sản lượng thủy sản: sản lượng nuôi trồng thuỷ sản năm 2020 ước đạt 214.740 tấn, so với cùng kỳ giảm 4,06%, bằng 9.090 tấn. Trong đó, sản lượng thu được từ cá tra ước đạt 188.050 tấn, so cùng kỳ giảm 7.110 tấn (-3,59%); cá diêu hồng ước đạt 734 tấn, tăng 6,38%; cá chim trắng ước đạt 886 tấn, tăng 37 tấn so cùng kỳ. Nguyên nhân giảm chủ yếu sản lượng cá tra thâm canh.
Sản lượng khai thác thủy sản nội địa năm 2020 đạt 6.351 tấn, giảm 199 tấn (-3,04%) so cùng kỳ. Nguyên nhân do trong năm 2020, mực nước trên các sông thượng nguồn xuống thấp nên số lượng thủy sản đổ về hạ nguồn rất ít so với cùng kỳ năm trước và các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, xử phạt việc khai thác nguồn lợi thủy sản bằng chất độc, chất nổ, xung điện nên sản lượng khai thác giảm.
Sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 gặp nhiều khó khăn, giá cá tra thấp, xâm nhập mặn, bệnh dịch tả heo Châu Phi xảy ra ở một số tỉnh…; Nhưng ngành Nông nghiệp đẩy mạnh thực hiện dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Mở rộng diện tích cánh đồng lớn trên mỗi vụ sản xuất đạt trên 30.000 ha. Chuyển dịch cơ cấu rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày theo hướng gia tăng năng suất và chất lượng; xây dựng vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, có nhãn hiệu theo quy hoạch. Phát triển vùng sản xuất cây ăn trái có giá trị kinh tế cao và mang tính đặc trưng của vùng, xây dựng mô hình kết hợp vườn cây ăn trái với du lịch sinh thái. Phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thị trường; điều chỉnh quy mô đàn gia súc, gia cầm phù hợp với nhu cầu thị trường và diễn biến bệnh dịch tả heo Châu Phi; giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
6. Sản xuất công nghiệp và hoạt động của doanh nghiệp
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước thực hiện tháng 12 tăng 2,64% so tháng trước và đạt 98,69% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 97,95%; ngành phân phối điện tăng 3,57%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 9,86%.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước thực hiện 12 tháng đạt 96,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 96,15%, ngành phân phối điện tăng 2,20%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 2,41%. Một số sản phẩm có chỉ số giảm như: tôm đông lạnh giảm 0,76%; gạo xay xát giảm 7,57%; thức ăn gia súc giảm 69,18%, thức ăn thủy sản giảm 7,71%; bia lon giảm 19,95%; thuốc lá giảm 4,67%; bao và túi dùng để đóng gói giảm 26,51%; quần áo may sẵn giảm 37,17%; dược phẩm giảm 0,08%; bao và túi từ plastic khác giảm 21,41%.Các sản phẩm giảm do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp nên lượng sản xuất không nhiều. Hơn nữa, một số doanh nghiệp chưa chú trọng đổi mới công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thiếu vốn để sản xuất.
Bên cạnh đó vẫn có một số sản phẩm đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: phi lê đông lạnh tăng 8,6%; xi măng tăng 33,83%; sản phẩm đinh tăng 43,57%. Các sản phẩm tăng do các cơ sở sản xuất kinh doanh ký kết đơn hàng mới và đẩy mạnh tập trung sản xuất, hoàn thành các kế hoạch đã đề ra trong năm. Đồng thời trong những tháng cuối năm, các ngành, các cấp đã đề ra những cơ chế, chính sách bổ sung, sửa đổi nhằm hỗ trợ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đầu tư sản xuất và nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp, từ đó tạo môi trường lành mạnh đối với thị trường nội địa cũng như nước ngoài để bảo vệ và tăng sức mua sắm của người tiêu dùng.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tháng 12/2020 tăng 9,7% so với tháng trước và đạt 94,45% so với tháng cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so với cùng kỳ như: sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 18,24%; dệt giảm 27,25%; trang phục giảm 17,56%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 22,22%; in ấn giảm 46,94%.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/12/2020 đạt 138,2% so với tháng cùng kỳ.
Qua chỉ số tiêu thụ và tồn kho cho thấy sản phẩm sản xuất ra chưa tiêu thụ được nhiều, nên lượng tồn còn cao.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 12/2020 tăng 0,58% so với tháng trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,1%, doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,49% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 1,79%. Nhìn chung, số lao động ở các doanh nghiệp có mức tăng nhẹ, mức tăng, giảm không đáng kể, vẫn duy trì ở mức bình thường.
Tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp: trong tháng 12, cấp mới đăng ký kinh doanh cho 96 doanh nghiệp các loại hình với tổng vốn đăng ký 616 tỷ đồng. Ước năm 2020, cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.580 doanh nghiệp các loại hình, đạt 98,75% KH, tổng vốn đăng ký 12.500 tỷ đồng, đạt 100% KH (tăng 6,2% về số doanh nghiệp và bằng 95,52% số vốn đăng ký so với năm 2019).
Theo Cục Thuế, đến ngày 30/11/2020 thành phố Cần Thơ hiện có tổng số 11.280 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 2.035 chi nhánh, văn phòng đại diện. Đến ngày 30/11/2020, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động có thời hạn, giải thể, phá sản, bỏ địa điểm kinh doanh là 1.505 doanh nghiệp (trong đó có 303 chi nhánh).
7. Bán lẻ hàng hóa, hoạt động của các ngành dịch vụ
a) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tình hình thương mại, dịch vụ trên địa bàn TP Cần Thơ trong năm 2020 có nhiều biến động khi tình hình dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Đặc biệt nhóm ngành dịch vụ, lưu trú ăn uống và du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ước tháng 12/2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 13.070,37 tỷ đồng, tăng 2,47% so với tháng trước, tăng 10,70% so với cùng kỳ. Ước năm 2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 139.077,18 tỷ đồng, tăng 3,53% so với cùng kỳ. Cụ thể:
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 12 năm 2020 ước đạt 10.952,94 tỷ đồng, tăng 2,34% so với tháng trước, tăng 12,32% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng có doanh thu tăng so với cùng kỳ như: lương thực, thực phẩm tăng 12,64%; hàng may mặc tăng 15,02%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 22,51%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 5,34%; ô tô tăng 11,59%; xăng dầu tăng 38%; nhiên liệu (gas) tăng 17,95%.
Ước năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 116.656,85 tỷ đồng tăng 6,05% so với cùng kỳ. Trong đó, 4 nhóm ngành hàng tăng cao nhất là: lương thực, thực phẩm tăng 14,96%, đây là nhóm ngành hàng có mức tăng trưởng cao, do là mặt hàng thiết yếu nên nhu cầu tiêu dùng không bị ảnh hưởng khi dịch bệnh xảy ra; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 5,01%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 10,13%; nhiên liệu (gas) tăng 8,10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số nhóm ngành hàng giảm so với cùng kỳ như: hàng may mặc giảm 0,39%; vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 11,53%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) giảm 8,96%.
Doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành, dịch vụ trên địa bàn thành phố ước tính tháng 12/2020 đạt 2.117,43 tỷ đồng, tăng 3,17% so với tháng trước, tăng 3% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế, dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 901,53 tỷ đồng tăng 3,56% so cùng kỳ, du lịch lữ hành đạt 26,25 tỷ đồng giảm 34,41% so cùng kỳ, dịch vụ tiêu dùng khác đạt 1.189,65 tỷ đồng tăng 3,88% so cùng kỳ.
Doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành, dịch vụ trên địa bàn thành phố ước năm 2020 đạt 22.420,33 tỷ đồng giảm 7,85% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế, dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 8.944,49 tỷ đồng giảm 13,69% so cùng kỳ, du lịch lữ hành đạt 249,80 tỷ đồng giảm 48,98% so cùng kỳ, dịch vụ tiêu dùng khác đạt 13.226,04 tỷ đồng giảm 1,87% so cùng kỳ.
Trong năm 2020, doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành, dịch vụ giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn, dịch vụ phải đóng cửa khi dịch bệnh bùng phát, nhu cầu du lịch giảm mạnh. Những tháng cuối năm TP Cần Thơ tổ chức nhiều sự kiện vui chơi giải trí nhằm thu hút khách du lịch trong nước đến tham quan, tuy nhiên người dân vẫn còn e ngại về tình hình dịch bệnh nên lượng khách đến vẫn còn hạn chế.
b) Giao thông vận tải
Tình hình hoạt động vận tải năm 2020 trên địa bàn thành phố Cần Thơ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các cơ sở hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn hầu như phải tạm dừng hoạt động kể từ tháng 4 đến đầu tháng 5, người dân hạn chế đi lại và hủy những chuyến đi không cần thiết trong mùa dịch. Những tháng cuối năm tình hình hoạt động vận tải đã ổn định trở lại tuy nhiên doanh thu vận tải vẫn giảm so với cùng kỳ.
- Vận tải hàng hoá: tháng 12/2020, ước vận chuyển 0,87 triệu tấn hàng hoá, tăng 5,94% so với tháng trước, giảm 4,45% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 129,02 triệu T.Km đạt 89,08% so cùng kỳ. Ước năm 2020 vận chuyển 9,45 triệu tấn hàng hóa giảm 4,65% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 1.466,65 triệu T.Km đạt 90,53% so cùng kỳ.
Chia ra: đường bộ tháng 12/2020, ước vận chuyển đạt 0,36 triệu tấn giảm 6,47% so cùng kỳ (luân chuyển 57,88 triệu T.Km đạt 95,08% so cùng kỳ). Đường sông ước vận chuyển đạt 0,50 triệu tấn giảm 1,21% so cùng kỳ (luân chuyển 55,95 triệu T.Km đạt 94,88% so cùng kỳ). Đường biển ước vận chuyển đạt 0,02 triệu tấn giảm 39,20% so cùng kỳ (luân chuyển 15,20 triệu T.Km đạt 60,80% so cùng kỳ).
- Vận tải hành khách: tháng 12/2020, ước vận chuyển 6,29 triệu lượt hành khách, tăng 3,16% so với tháng trước, tăng 5,29% so cùng kỳ; (luân chuyển 92,66 triệu lượt HK.Km đạt 105,80% so cùng kỳ). Ước năm 2020 vận chuyển 64,24 triệu lượt HK giảm 4,91% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 899,86 triệu HK.Km đạt 92,79% so cùng kỳ.
Chia ra: đường bộ tháng 12/2020, ước vận chuyển 4,04 triệu lượt HK tăng 7,74% so cùng kỳ (luân chuyển 89,58 triệu HK.Km đạt 106% so cùng kỳ). Đường sông ước vận chuyển 2,24 triệu lượt HK tăng 1,14% so cùng kỳ (luân chuyển 3,08 triệu HK.Km đạt 100,12% so cùng kỳ).
- Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải: tháng 12/2020 doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước thực hiện 299,10 tỷ đồng, tăng 4,51% so với tháng trước, giảm 2,21% so cùng kỳ. Trong đó: vận tải hành khách thực hiện 83,63 tỷ đồng tăng 5,04%; vận tải hàng hóa thực hiện 146,51 tỷ đồng, giảm 7,72%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 68,96 tỷ đồng, tăng 2,23% so cùng kỳ.
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước năm 2020 thực hiện 3.156,86 tỷ đồng, giảm 8,60% so cùng kỳ.Trong đó: vận tải hành khách thực hiện 822,62 tỷ đồng giảm 10,33%; vận tải hàng hóa thực hiện 1.595,25 tỷ đồng, giảm 8,06%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 738,99 tỷ đồng, giảm 7,78% so cùng kỳ.
8. Các vấn đề xã hội
a) Tình hình đời sống dân cư
Đời sống dân cư năm 2020 của thành phố Cần Thơ tương đối ổn định. Mặc dù còn nhiều khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra và ảnh hưởng từ dịch bệnh đến kinh tế - xã hội và đời sống dân cư thành phố nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, cố gắng ngăn chặn dịch bệnh triệt để, hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà Chính Phủ giao cho thành phố Cần Thơ. Thành phố Cần Thơ tiếp tục chăm lo cho đời sống và sức khỏe nhân dân, đặc biệt là các hộ gia đình chính sách, có công với cách mạng, các hộ nghèo, các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, người lao động và các hộ kinh doanh ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương: trong năm 2020, đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương gặp không ít khó khăn và thu nhập bị giảm sút do tình hình dịch bệnh covid-19, đặc biệt là những đối tượng lao động làm thuê, làm công không có hợp đồng lao động bị ảnh hưởng rất nhiều đến việc làm và thu nhập. Để cùng vượt qua khó khăn và cùng phòng chống dịch Covid-19, thành phố đã kịp thời rà soát, hỗ trợ cho các đối tượng đúng theo qui định của Chính phủ.
Thực trạng đời sống dân cư nông thôn: đời sống dân cư nông thôn phụ thuộc nhiều vào hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, giá cá tra thấp, bệnh dịch tả heo Châu Phi xảy ra ở một số tỉnh… Nhưng người dân đã chủ động hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ ở các cánh đồng lớn nên việc tiêu thụ lúa thuận lợi và đảm bảo người sản xuất lúa có lãi, tạo tâm lý an tâm cho người sản xuất để tập trung đầu tư và mở rộng sản xuất; vừa góp phần phát triển kinh tế của địa phương, đồng thời nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Nhìn chung, đời sống dân cư nông thôn năm 2020 gặp không ít khó khăn, nhưng vẫn ổn định hơn người lao động làm công ăn lương, nhất là người lao động không có hợp đồng lao động. Cần có thêm các mô hình sản xuất, chế biến nông sản tại chỗ khu vực nông thôn để tạo việc làm cho lao động nông thôn giúp tạo thu nhập ổn định cho các hộ không có đất và phương tiện sản xuất.
b) Công tác an sinh xã hội
- Lao động việc làm: trong năm 2020, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 60.893 người lao động (cung ứng lao động đi làm việc nước ngoài là 282 người), đạt 121,1% kế hoạch đề ra; giảm 20,2% so với năm 2019.
Đến nay trên địa bàn thành phố có 81 cơ sở GDNN, trong đó 13 trường cao đẳng, 11 trường trung cấp, 22 trung tâm GDNN và 35 cơ sở khác có dạy nghề. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển mới và đào tạo 53.793 người, trong đó nữ: 23.120 người, đạt 107,59% so với kế hoạch đề ra. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong nền kinh tế quốc dân đạt 75%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 59%.
- Công tác bảo trợ xã hội, đền ơn đáp nghĩa và giảm nghèo:
Công tác chăm lo đời sống gia đình người có công với cách mạng chu đáo, kịp thời, hiện thành phố trợ cấp ưu đãi thường xuyên 75.000 lượt người có công với cách mạng, tổng kinh phí trên 120 tỷ đồng; trong đó có 39 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, tất cả các Mẹ đều đã được nhận phụng dưỡng. Nhằm tri ân người có công với cách mạng, gia đình chính sách… nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/2020, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức các hoạt động thiết thực như: tặng 26.023 phần quà do Chủ tịch Nước và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tặng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng 200 phần quà, tổng số tiền 200 triệu đồng. Ngoài ra, tham gia 09 Đoàn đến thăm và tặng 720 phần quà, tổng số tiền 360 triệu đồng.
Xây dựng mới 20 căn nhà tình nghĩa và sửa chữa 150 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 4.080 triệu đồng, từ nguồn của Thành ủy Hà Nội, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Cần Thơ hỗ trợ. 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác Thương binh - Liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Tổ chức thăm và chúc thọ người cao tuổi nhân Tháng hành động vì người cao tuổi; thăm và tặng quà 16.649 cụ; Chủ tịch Nước tặng 61 Thiếp chúc thọ cho các cụ tròn 100 tuổi; thành lập Đoàn đến thăm, chúc thọ, mừng thọ 04 cụ tròn 100 tuổi tại quận Cái Răng; 01 cụ tròn 100 tuổi tại huyện Thới Lai (có 02 cụ là Mẹ VNAH).
Qua kết quả rà soát hộ nghèo trên địa bàn thành phố tỷ lệ giảm hộ nghèo năm 2020 là 0,37% tương đương 1.364 hộ, tỷ lệ hộ nghèo còn lại của năm 2020 là 0,29% tương đương 1.037 hộ.
Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ:
Tính đến ngày 15 tháng 12 năm 2020, đã tổ chức chi hỗ trợ cho 117.335 đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, kinh phí 125,71 tỷ đồng đạt 95,43% so với tổng số đối tượng được phê duyệt, cụ thể:
Nhóm đối tượng đã thực hiện hỗ trợ: đã tổ chức chi hỗ trợ cho 85.178 người thuộc 03 nhóm (Nhóm 5: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; nhóm 6: Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; nhóm 7: Hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận theo chuẩn nghèo quốc gia), với kinh phí 94,12 tỷ đồng, đạt 100% so với số đối tượng đủ điều kiện.
Nhóm đối tượng đang thực hiện hỗ trợ: đã tổ chức chi hỗ trợ cho 32.157 người, kinh phí 31,589 tỷ đồng đạt 86,64% so với số đối tượng được phê duyệt (Nhóm 1: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương; Nhóm 2: Hỗ trợ vay vốn đối với người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% theo Khoản 3, Điều 98 của Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc; Nhóm 3: Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01 tháng 4 năm 2020; Nhóm 4: Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm).
Dù thành phố đã phê duyệt danh sách hỗ trợ nhưng đến nay tiến độ chi hỗ trợ cho các đối tượng thuộc nhóm 1, 3 và 4 chỉ đạt 86,64% do 02 nguyên nhân chính: có 01 quận chưa có kinh phí nên chưa thực hiện chi hỗ trợ (quận Bình Thủy với số lượng 2.798 đối tượng); có 04 quận, huyện chưa chi hỗ trợ 100% do vẫn chưa hoàn thành việc chi hỗ trợ cho người bán lẻ xổ số lưu động (quận Ninh Kiều: đang chi; quận Cái Răng, huyện Cờ Đỏ, huyện Vĩnh Thạnh: chưa có kinh phí).
c) Giáo dục và Đào tạo
Ngành giáo dục đã chủ động tổ chức cho học sinh ôn tập, học tập tại nhà trong thời gian nghỉ học, phòng dịch bệnh Covid-19 bằng nhiều hình thức qua internet, qua truyền hình…. Kết quả Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2019 - 2020 thành phố Cần Thơ đạt: 01 giải Nhất, 08 giải Nhì, 08 giải Ba, 11 giải Khuyến khích. Tham gia Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia đạt 01 giải Ba; Cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 49 năm 2020 đạt 01 giải Khuyến khích toàn quốc.
Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020. Kết quả tốt nghiệp đạt 98,66% (kể cả thí sinh tự do), là một trong 10 tỉnh, thành phố có điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cao nhất cả nước.
Trong năm, công nhận 19 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 61,29% KH, nâng tổng số có 338/452 trường đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 74,78%.
Công tác biên soạn, thẩm định và tổ chức triển khai các nội dung giáo dục địa phương ở các cấp học theo chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
d) Y tế và chăm sóc sức khỏe người dân
Tình hình dịch bệnh: trong năm 2020, Sốt xuất huyết ghi nhận 1.226 trường hợp mắc, giảm 966 trường hợp so cùng kỳ (2.192 trường hợp), không có tử vong; Tay chân miệng ghi nhận 958 trường hợp mắc, giảm 1.142 trường hợp so cùng kỳ (2.100 trường hợp), không có tử vong; Sởi và sốt phát ban nghi sởi ghi nhận 187 trường hợp mắc, giảm 256 trường hợp so cùng kỳ (443 trường hợp), không có trường hợp sởi dương tính, không có tử vong; Covid-19 ghi nhận 10 trường hợp nhiễm Covid-19 (BN154, BN145, BN1050, BN1051, BN980, BN1095, BN1099, BN1214, BN1215, BN1357), là các trường hợp bệnh được cách ly ngay sau nhập cảnh, đã điều trị khỏi 10/10 trường hợp.
Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ:
Từ đầu dịch, thành phố Cần Thơ đã công bố 04 cơ sở điều trị và tiếp nhận, điều trị thành công 10 trường hợp nhiễm COVID-19. Toàn thành phố có 02 cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý, 01 cơ sở cách ly tập trung tại cơ sở lưu trú.
Tính đến 14/12/2020 trung tâm Kiểm soát Bệnh tật đã thực hiện xét nghiệm 7.920 mẫu. Cần Thơ là đơn vị đầu tiên thực hiện được xét nghiệm khẳng định Covid-19 của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thành phố hiện có 03 cơ sở thực hiện xét nghiệm sàng lọc (trong đó Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ đang trong quá trình được cấp quyết định cho phép xét nghiệm khẳng định).
Từ đầu năm 2020, thành phố đã triển khai các biện pháp “thần tốc” trong rà soát, truy vết, kiểm soát sức khỏe dân cư trên địa bàn, chủ động trong việc kiểm soát tốt tình hình di chuyển của người dân và “đi từng ngõ, gõ từng nhà” với phương châm “chống dịch như chống giặc”.
Công tác kiểm dịch y tế quốc tế, kiểm dịch y tế đường hàng không, đường thủy, đường bộ được thực hiện nghiêm ngặt, quản lý chặt các trường hợp nhập cảnh qua đường chính thức và không chính thức.
Tiếp nhận thông tin dịch thông qua các đường dây nóng và khuyến nghị người dân khai báo y tế, cảnh báo nguy cơ tiếp xúc qua các phần mềm NCOVI và BlueZone.
Các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân; đảm bảo đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hoá chất, bố trí giường bệnh, phương tiện và đội ngũ y bác sỹ để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra và phải đảm bảo tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị và cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn hiện hành về phòng chống dịch. Công tác phòng, chống HIV/AIDS được triển khai hiệu quả, đưa Cần Thơ ra khỏi top 10 thành phố có tỷ lệ nhiễm cao nhất cả nước. Lũy tích số nhiễm HIV phát hiện được 6.878 trường hợp; trong đó, tử vong 2.534 trường hợp, số nhiễm HIV còn sống 4.344 trường hợp. Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được chú trọng, không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.
e) Văn hóa, Thể dục thể thao
Trong năm 2020, thành phố tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và du lịch sôi nổi, liên tục để chào mừng các ngày lễ, tết, kỷ niệm, sự kiện lớn của đất nước; phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong nhân dân thành phố. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn thành phố không tổ chức theo kế hoạch.
Trong năm 2020, công nhận 11 đơn vị đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, đạt 100% kế hoạch năm. Đến nay, toàn thành phố có 83/83 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 100%) đạt danh hiệu văn hóa trong Phong trào “TDĐKXDĐSVH” (trong đó có 47 “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, 36 “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”).
Bảo tàng thành phố phục vụ 393.915 lượt khách tham quan tại Bảo tàng và Trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam và các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố, đạt 112,5% kế hoạch năm. Thực hiện sưu tầm 812 hiện vật, đạt 406% kế hoạch năm.
Toàn hệ thống thư viện phục vụ 3.310.873 lượt người (đạt 111,36% kế hoạch năm) và 6.180.727 lượt sách báo, tài liệu. Bổ sung 32.582 quyển sách (đạt 112,35% kế hoạch năm). Trong tình hình dịch bệnh, Thư viện thành phố vẫn đảm bào duy trì các hoạt động phục vụ bạn đọc thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm thông tin - tư liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Số người tập tập luyện TDTT thường xuyên: 419.275 người, đạt 99,1% kế hoạch năm; số gia đình thể thao: 90.712 hộ, đạt 122% kế hoạch năm; số CLB TDTT: 1.246 CLB, 99,7% kế hoạch năm. Cử 190 lượt huấn luyện viên, 1.020 lượt vận động viên (438 nữ) tham dự 80 giải thể thao (58 giải thể thao thành tích cao quốc gia, 18 giải Đại hội Thể thao ĐBSCL và 04 giải mời, giải thể thao quần chúng quốc gia), đạt 526 huy chương các loại (144 HCV - 162 HCB - 220 HCĐ).
f. Tai nạn giao thông
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ tình hình tai nạn giao thông (từ ngày 15/11/2020 đến 14/12/2020) trên địa bàn thành phố đã xảy ra 08 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 05 người, bị thương 05 người. Năm 2020, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 67 vụ tai nạn giao thông, làm chết 69 người, bị thương 10 người; so với cùng kỳ năm 2019, số vụ giảm 36 vụ, số người chết giảm 36 người, số người bị thương giảm 17 người.
9. Một số giải pháp chủ yếu
Thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Chính phủ, hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ổn định sản xuất kinh doanh. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhất là các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng chủ lực được ưu tiên vay vốn kịp thời để doanh nghiệp có đủ vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thị trường mới, tranh thủ tiếp cận các chính sách ưu đãi của Chính phủ cũng như của địa phương để cơ cấu lại sản xuất, sản phẩm, tăng đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, chú trọng đổi mới công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tiết kiệm tối đa chi phí nhằm hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh được sản phẩm cùng loại trong và ngoài nước.
Chú trọng kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh khai thác và phát triển mạnh thị trường nội địa, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác giữa các vùng miền lân cận; phát triển mạnh thương mại điện tử và gắn kết với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.
Tiếp tục kiểm soát tình hình dịch bệnh, thực hiện liên kết các chuỗi khách sạn nhà hàng và các công ty du lịch lữ hành, giảm giá các tour trong và ngoài nước nhằm kích cầu du lịch.
Nâng cao chất lượng và kết quả giáo dục đào tạo, chú trọng đào tạo lao động có tay nghề cao; đảm bảo sức khỏe cho người dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh; thực hiện tốt các chế độ chính sách cho người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo; chú trọng bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai./.
Website Cục Thống kê thành phố Cần Thơ