Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/06/2021-11:05:00 AM
Tình hình kinh tế - Xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh Hà Nam

Ở trong tỉnh, Hà Nam là một trong những tỉnh, thành phải đương đầu với dịch Covid-19 trong làn sóng dịch thứ 4. Từ ngày 27/4 đến 27/5, toàn tỉnh ghi nhận 39 trường hợp mắc mới tại các ổ dịch trên địa bàn...

Nửa đầu năm 2021, triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện rõ rệt trong bối cảnh các nền kinh tế lớn nhanh chóng triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa tỷ lệ tiêm chủng của các quốc gia và khu vực dẫn đến nguy cơ phục hồi không đồng đều và mong manh của kinh tế thế giới.

Ở trong nước, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với “làn sóng thứ 3 và thứ 4” vào ngày 27/01/2021 và ngày 27/4/2021[1] đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội và việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021. Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch lần thứ 4 nghiêm trọng hơn những lần trước nhưng tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực nhờ thực hiện một loạt các nhiệm vụ, giải pháp một cách quyết liệt và đồng bộ trong việc vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội. Tăng trưởng 6 tháng đầu năm của Việt Nam đạt mức cao trong khu vực Đông Nam Á.

Ở trong tỉnh, Hà Nam là một trong những tỉnh, thành phải đương đầu với dịch Covid-19 trong làn sóng dịch thứ 4. Từ ngày 27/4 đến 27/5, toàn tỉnh ghi nhận 39 trường hợp mắc mới tại các ổ dịch trên địa bàn. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Hà Nam đã liên tục ban hành các văn bản về thực hiện một số biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức phong tỏa và giãn cách xã hội theo từng địa bàn và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch trong điều kiện bình thường mới. Với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, doanh nghiệp và toàn dân, kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm có những chuyển biến tích cực, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Kết quả cụ thể ở các ngành, lĩnh vực như sau:

I. KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trong tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 19.372,8 tỷ đồng, tăng 10,4 % so cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng cao so với năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, đầu năm 2020 tăng thấp (7,9%). Đây là mức tăng trưởng cao thứ ba khu vực Đồng bằng Sông Hồng[2] và thứ 7 toàn quốc[3]. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13,3%, đóng góp 8,3 điểm phần trăm trong đó khu vực công nghiệp tăng 13,0%, đóng góp 6,9 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,9%, đóng góp 1,8 điểm phần trăm tăng trưởng chung. Ước tính GRDP 6 tháng đầu năm theo giá hiện hành 31.084,8 tỷ đồng, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 11,0%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 63,8%; khu vực dịch vụ chiếm 25,2%.

2. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh; chăn nuôi lợn đang trên đà hồi phục. Dịch bệnh trong chăn nuôi được kiểm soát, phát hiện kịp thời, khống chế nhanh, không xảy ra hiện tượng lây lan rộng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản được đảm bảo, giá cả ổn định. Cơ cấu nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng đa dạng hoá sản phẩm từng bước gắn với thị trường tiêu thụ. Bên cạnh những yếu tố tích cực tạo động lực cho ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển cũng còn đan xen một số khó khăn như giá các loại vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, làm đất, ngày công lao động…) tăng đã tác động đáng kể đến sản xuất.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 (giá so sánh 2010) ước đạt 4.548,2 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: nông nghiệp đạt 4.128,9 tỷ đồng, tăng 2,8%; lâm nghiệp đạt 8,0 tỷ đồng, tăng 4,0%; thủy sản đạt 411,3 tỷ đồng, tăng 2,4%. Kết quả cụ thể một số ngành như sau:

a. Nông nghiệp

- Kết quả vụ đông xuân

Diện tích gieo trồng vụ đông xuân năm 2021 toàn tỉnh đạt 44.138,9 ha, giảm 1,6% (-723,1 ha) so với vụ đông xuân năm 2020. Trong đó, diện tích lúa xuân là 29.614,1 ha, giảm 2,0% (-593,8 ha); ngô 3.932,1 ha, giảm 5,1% (-210,8 ha); rau các loại 7.440,2 ha, tăng 4,4% (+311,1 ha)...

Thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng phát triển tốt. Năng suất, sản lượng một số cây trồng chủ yếu vụ Đông xuân 2021: Lúa năng suất đạt 66,9 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha, sản lượng 198,0 nghìn tấn, giảm 1,5% (-3,0 nghìn tấn); ngô năng suất 57 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha, sản lượng 22,4 nghìn tấn, giảm 4,0% (-936,5 tấn); rau các loại đạt 185,9 tạ/ha, tăng 4,3 tạ/ha, sản lượng 138,3 nghìn tấn, tăng 7,0% (+9,0 nghìn tấn)...

- Tình hình gieo cấy vụ mùa

Tính đến thời điểm 15/6/2021, toàn tỉnh đã thu hoạch xong 100% diện tích gieo trồng lúa vụ Xuân; các địa phương đang tập trung cho khâu gieo cấy lúa vụ mùa: diện tích có nước 22.836 ha, đạt 76,6% kế hoạch; diện tích làm đất 15.062 ha, đạt 50,5% kế hoạch; diện tích mạ đã gieo 962 ha, đạt 67,9% kế hoạch.

- Tình hình sản xuất cây lâu năm

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây ăn quả bước đầu đem lại bước tiến vượt bậc cả về năng suất và giá trị kinh tế. Sản xuất cây ăn quả trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt kết quả cao. Sản lượng một số cây ăn quả chủ yếu so với cùng kỳ năm trước như sau: xoài 446,9 tấn, tăng 2,2%; chuối 11.396,2 tấn, tăng 2,9%; cam 575,2 tấn, tăng 4,6%; ổi 181,7 tấn tăng 5,0%; bưởi, bòng 926,9 tấn, tăng 12,3%...

- Chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 nhìn chung ổn định: Dịch bệnh trong chăn nuôi được kiểm soát, phát hiện kịp thời, khống chế nhanh, không xảy ra hiện tượng lây lan rộng, chăn nuôi lợn đang trên đà hồi phục, chăn nuôi trâu bò phát triển khá mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi ít biến động.

Ước tính tại thời điểm 30/6/2021, đàn trâu bò có 36.178 con, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi bò sữa tiếp tục được tạo điều kiện về vốn và kỹ thuật, số lượng bò sữa 4.420 con, tăng 13,5% so cùng kỳ.

Dịch tả lợn Châu Phi cơ bản đến thời điểm hiện tại vẫn được kiểm soát tốt, tổng đàn có mức tăng cao so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua tăng cao liên tục, trong khi giá bán sản phẩm có xu hướng giảm (dao động ở mức 65-70 nghìn đồng/kg) gây ra nhiều khó khăn, bất lợi cho người chăn nuôi nhất là những hộ có quy mô nhỏ. Ước tính đàn lợn tính đến thời điểm 30/6/2021 là 377.167 con, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: lợn thịt 316.407 con, chiếm 83,9% so với tổng đàn, tăng 7,1%.

Chăn nuôi gia cầm cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, tác động trực tiếp đến chi phí và lợi nhuận kéo theo tình trạng một số hộ chăn nuôi phải thu hẹp, giảm quy mô đàn do không đủ kinh phí duy trì. Ước tính tổng đàn gia cầm tính đến thời điểm 30/6/2021 ước đạt 9.037,4 nghìn con, tăng 20,3% so với cùng kỳ.

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 50.263,8 tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó: thịt lợn hơi đạt 36.818 tấn, tăng 7,2%; thịt trâu bò hơi đạt 1.219 tấn, tăng 1,8%; thịt gia cầm hơi đạt 11.349 tấn, tăng 4,9%.

b. Lâm nghiệp

- Trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng

Trong 6 tháng đầu năm 2021, diện tích rừng trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng được tiếp tục triển khai ở hai huyện có rừng là Kim Bảng và Thanh Liêm với tổng diện tích rừng được bảo vệ là 5.515,8 ha (Kim Bảng 2.731,7 ha, Thanh Liêm 2.784,1 ha). Kết quả trồng cây nhân đân của tỉnh đã đạt hoặc vượt so với kế hoạch: thành phố Phủ Lý 36.000 cây đạt 100% kế hoạch; huyện Kim Bảng 20.000 cây đạt 100% kế hoạch; huyện Bình Lục 121.060 cây, vượt 0,8% so với kế hoạch.

Công tác bảo vệ rừng, phòng ngừa cháy rừng mùa khô nóng luôn được tăng cường, tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác ngăn chặn kịp thời các vụ chặt phá rừng. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng nào.

- Sản lượng khai thác gỗ và lâm sản khác

Tình hình khai thác lâm sản khá thuận lợi do thị trường, giá cả tiêu thụ ổn định. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 1.120,2 m³, giảm 1,3%, sản lượng củi khai thác ước đạt 179,2 ster, giảm 8,4%... so với cùng kỳ năm 2020.

c. Thủy sản

Sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 phát triển tốt, nuôi cá lồng bè được nhân rộng trên sông Hồng, tăng số lượng lồng nuôi, nuôi cá sông trong ao đang được thử nghiệm ở 05 huyện, thành phố, thị xã với 18 mô hình và 49 bể nuôi. Xu hướng nuôi trồng tập trung ngày càng phổ biến, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, đưa các giống mới vào mô hình nuôi thâm canh và bán thâm canh, năng suất nuôi trồng được nâng cao, giá cả ổn định tạo tâm lý yên tâm cho người nuôi.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt 12.870,8 tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: sản lượng thủy sản nuôi trồng là 12.652,0 tấn, chiếm 98,3% tổng sản lượng, tăng 2,3%; sản lượng thủy sản khai thác 218,8 tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

3. Công nghiệp

Sáu tháng đầu năm 2021, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh trong việc phòng, chống dịch Covid-19, đến nay dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát tốt. Ngành công nghiệp tuy chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19, nhưng vẫn duy trì đà tăng trưởng khá với điểm sáng là sự khởi sắc của các thị trường xuất khẩu quan trọng (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông); nhiều ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh như: khai thác đá, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thiết bị điện, điện tử, dệt, may có số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng.

Tháng 6, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2020. IIP quý II ước tăng 3,2% so với quý trước và tăng 16,9% so với cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm, IIP tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2020, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua[4]. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 8,9%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13,8%, đóng góp 13,0 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện tăng 20,1%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 15,3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Ngành khai khoáng cơ bản không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số nhà máy sản xuất xi măng mở rộng dây chuyền sản xuất nên nhu cầu đá nguyên liệu tăng so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong những năm gần đây[5].

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, tính riêng chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã đóng góp 13,0/13,8 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung ngành công nghiệp. Trong đó, một số ngành chủ lực chiếm tỷ trọng lớn có mức sản xuất tăng cao như: sản xuất chế biến thực phẩm (tăng 12,7%); thiết bị điện, sản phẩm điện tử (tăng từ 15,1 - 15,4%); sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 27,5%); sản xuất kim loại (tăng 9,0%); sản xuất đồ uống (tăng 8,0%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (tăng 13,0%)...

Chỉ số sử dụng lao động ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 2,2% so với cùng kỳ; trong đó, một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng cao như: sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 5,3%; sản xuất sản phẩm điện tử tăng 20,9%; sản xuất phương tiện vận tải tăng 7,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,3%...

Sản lượng một số sản phẩm chủ yếu trong 6 tháng vẫn duy trì tốc độ tăng so với cùng kỳ và đạt tỷ lệ cao so với kế hoạch năm như: đá khai thác ước đạt 9,2 triệu m3, tăng 8,9%; vải các loại ước đạt 52,3 triệu m2, tăng 14,8%; xi măng và clinker ước đạt 9,4 triệu tấn, tăng 13,7%; sữa các loại ước đạt 63,3 triệu lít, tăng 29,0%; thức ăn chăn nuôi ước đạt 654,7 nghìn tấn, tăng 8,5%; linh kiện điện tử ước đạt 38,2 triệu sản phẩm, tăng 14,4%; xe gắn máy ước đạt 502,6 nghìn chiếc, tăng 28,1%...

4. Hoạt động của doanh nghiệp

Sáu tháng đầu năm 2021, dịch bệnh đã làm cho hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, lữ hành; xuất nhập khẩu hàng hóa; dệt may; hàng mỹ ký; các mặt hàng điện, điện tử; các mặt hàng từ nhựa xuất khẩu…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, tính từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2021, cả tỉnh có 332 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 5.477,5 tỷ đồng; có 189 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng và 25 doanh nghiệp giải thể, phá sản.

Lũy kế đến 27/5/2021 trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 1.041 dự án đầu tư còn hiệu lực (333 dự án FDI và 708 dự án trong nước) với vốn đăng ký 4.400,1 triệu USD và 140.462,9 tỷ đồng.

5. Đầu tư, xây dựng

Trong 6 tháng đầu năm 2021, với phương châm quyết tâm thực hiện thành công “mục tiêu kép”, song song với việc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, để thúc đẩy phát triển kinh tế, tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các dự án, trọng tâm là các dự án: hạ tầng kỹ thuật khu du lịch Tam Chúc, phát triển đô thị thành phố Phủ Lý, tuyến đường T3, tuyến đường Ba Sao - Bái Đính...; xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025; quy hoạch xây dựng cụm cảng Yên Lệnh Hà Nam; quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch phân khu du lịch quốc gia Tam chúc, quy hoạch Trung tâm hành chính mới của tỉnh; quy hoạch chung xây dựng thị xã Duy Tiên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý II/2021 theo giá hiện hành ước đạt 8.977,8 tỷ đồng, tăng 11,8% so với quý trước và tăng 2,3% so với cùng quý năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 17.008,9 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ, bằng 46,3% kế hoạch năm và chiếm 54,7% GRDP. Trong đó: vốn nhà nước 1.283,8 tỷ đồng giảm 48,9%, chiếm 7,5% tổng vốn; vốn ngoài nhà nước 11.574,3 tỷ đồng, tăng 11,2%, chiếm 68,0%; vốn đầu trực tiếp nước ngoài 4.150,8 tỷ đồng, tăng 13,4%, chiếm 24,4%.

6 tháng đầu năm 2021, Vốn nhà nước trên địa bàn thực hiện tập trung ở các công trình, dự án lớn như: hạ tầng khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao, dự án phát triển Thành phố Phủ lý (phần bổ sung), dự án đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, Bệnh viện Sản nhi; các dự án xây dựng, sửa chữa các tuyến đường chính; các dự án nạo vét, gia cố kênh tiêu, đê bối; các dự án xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở y tế, di tích văn hóa, trường học, an ninh, quốc phòng…

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 6/2021 ước đạt 130,6 tỷ đồng, tăng 5,7% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng, ước đạt 659,5 tỷ đồng, bằng 43,9% kế hoạch, giảm 28,8% so cùng kỳ năm 2020 (kế hoạch vốn năm 2021 giảm 31,9% so với năm 2020). Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 276,5 tỷ đồng, giảm 54,6% so với cùng kỳ; vốn cấp huyện là 306,2 tỷ đồng, tăng 93,1%; vốn cấp xã là 76,8 tỷ đồng, giảm 51,4%.

*Một số dự án đầu tư, xây dựng bằng nguồn ngân sách Nhà nước:

- Hạ tầng khu du lịch Tam Chúc, vốn đầu tư 5.592,9 tỷ đồng, dự kiến 6 tháng/2021 đạt 63,8 tỷ đồng;

- Dự án phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu dự án TP Phủ Lý (phần bổ sung), vốn đầu tư 154 tỷ đồng, dự kiến 6 tháng/2021 đạt 25,9 tỷ đồng;

- Dự án đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, vốn đầu tư 404,0 tỷ đồng, dự kiến 6 tháng/2021 đạt 15,0 tỷ đồng;

- Dự án Bệnh viện Sản Nhi, vốn đầu tư 123,3 tỷ đồng, dự kiến 6 tháng/2021 đạt 11,8 tỷ đồng, lũy kế từ khi khởi công (2018) đến nay đạt 77,9 tỷ đồng.

- Dự án đầu tư mở rộng trường cao đẳng Nghề, vốn đầu tư 383,9 tỷ đồng, dự kiến 6 tháng/2021 đạt 11,0 tỷ đồng, lũy kế từ khi khởi công (2014) đến nay đạt 217,5 tỷ đồng.

*Công tác thanh toán vốn đầu tư XDCB: Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 31/5/2021, giá trị thanh toán khối lượng hoàn thành vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách do địa phương quản lý đạt 1.1667 tỷ đồng (bao gồm cả vốn đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết), trong đó thanh toán vốn kéo dài năm trước chuyển sang 93,4 tỷ đồng, thanh toán vốn kế hoạch giao trong năm là 1.073,4 tỷ đồng. Số vốn giải ngân theo chương trình mục tiêu quốc gia là 206,6 tỷ đồng, theo kế hoạch giao trong năm là 581,6 tỷ đồng. Công tác giải ngân thanh toán vốn đầu tư XDCB được rà soát, kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo thanh toán vốn cho khối lượng hoàn thành đầy đủ, kịp thời theo quy định của Kho bạc Nhà nước.

*Tình hình thu hút đầu tư: theo báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nam, từ đầu năm đến ngày 27/5/2021, toàn tỉnh thực hiện cấp mới 14 dự án và thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư 14 dự án với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh FDI là 83,948 triệu USD và 2.813,08 tỷ đồng, cụ thể:

- Thực hiện cấp mới 14 dự án đầu tư (06 dự án FDI và 08 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký đầu tư FDI đạt 63,1 triệu USD và 1.412,98 tỷ đồng.

- Thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư cho 14 dự án (8 dự án FDI và 6 dự án trong nước); tổng vốn đầu tư tăng 20,848 triệu USD và 1.400,1 tỷ đồng.

6. Tài chính, ngân hàng

a. Thu, chi ngân sách Nhà nước

- Thu ngân sách

Theo số liệu ngày 11/6/2021 của Sở Tài chính Hà Nam, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 7.309,7 tỷ đồng, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 76,0% dự toán địa phương phấn đấu. Trong đó thu nội địa đạt 6.609,7 tỷ đồng, tăng 77,5%, bằng 84,8% dự toán địa phương; thu thuế xuất, nhập khẩu đạt 700,0 tỷ đồng, bằng 38,5% dự toán địa phương, giảm 12,5% so cùng kỳ năm trước.

Trong thu nội địa, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 2.868,0 tỷ đồng, tăng 133,2% so với cùng kỳ năm 2020; thu thuế doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 823,0 tỷ đồng, tăng 28,3%; thu thuế thu nhập cá nhân là 345,0 tỷ đồng, tăng 38,0%; thu phí, lệ phí là 285,0 tỷ đồng, tăng 42,5%.

- Chi ngân sách

Theo số liệu ngày 11/6/2021 của Sở Tài chính Hà Nam, tổng chi cân đối Ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 ước thực hiện 4.348,8 tỷ đồng, bằng 51,8% dự toán trung ương và bằng 50,6% dự toán địa phương. Trong đó, chi thường xuyên 2.975,7 tỷ đồng, chiếm 68,4% chi cân đối, bằng 50,7% dự toán địa phương; chi đầu tư phát triển đạt 1.286,1 tỷ đồng, chiếm 29,6% chi cân đối, bằng 85,9% dự toán địa phương (chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 1.170,0 tỷ đồng, chiếm 91,0% chi đầu tư phát triển).

b. Kết quả hoạt động lĩnh vực ngân hàng, tín dụng

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam, huy động vốn của các tổ chức tín dụng ước thực hiện đến 30/6/2021 ước đạt 51,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,60% so với thời điểm 31/12/2020; dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt 52,8 nghìn tỷ đồng, tăng 6,85% so với thời điểm 31/12/2020; tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ là 0,54%, giảm 0,39% so với thời điểm 31/12/2020.

Mặt bằng lãi suất huy động, cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh khá đồng đều, đảm bảo đúng quy định về trần lãi suất huy động VND, USD.

- Đối với VND: Lãi suất huy động tiền gửi phổ biến ở mức 3,5 - 4%/năm đối với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, từ 4 - 5,5%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng, từ 5,5 - 6,5%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6 - 8%/năm đối với ngắn hạn, 8 - 9%/năm đối với trung và dài hạn.

- Đối với USD: Lãi suất huy động là 0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và cá nhân. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 3,5 - 4%/năm đối với ngắn hạn; từ 4 - 5,5%/năm đối với trung và dài hạn.

7. Thương mại, dịch vụ

Trong 6 tháng đầu năm 2021, các hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại nhiều nơi trong cả nước và trên địa bàn tỉnh, nhất là từ thời điểm cuối tháng 4 trở lại đây. Dịch bệnh bùng phát trở lại đã tác động trực tiếp đến một số hoạt động kinh doanh dịch vụ như: lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành; vui chơi, giải trí; giáo dục; vận tải… phải tạm ngừng hoạt động do tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan. Tỉnh đã phải tạm thời đóng cửa và dừng đón khách tại Khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc, dừng các lễ hội, hoạt động, sự kiện tập trung đông người, các hội nghị không cần thiết... Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp... đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, ngành thương mại, dịch vụ vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2020.

a. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 6/2021 ước đạt 2.616,3 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng tháng năm 2020. Trong quý II/2021, đạt 7.806,6 tỷ đồng, giảm 3,0% so với quý I/2021 và tăng 20,7% so với cùng quý năm trước. Cộng dồn 06 tháng đầu năm 2021 đạt 15.857,4 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Phân theo ngành hoạt động, tổng mức bán lẻ tháng 6 ước đạt 2.147,6 tỷ đồng, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 6 tháng đầu năm đạt 13.008,3 tỷ đồng, tăng 17,3% so cùng kỳ, doanh thu của hầu hết các nhóm ngành hàng đều tăng cao với mức từ 6,3% đến 45,5%, cụ thể một số nhóm ngành hàng như: Vật phẩm, văn hóa, giáo dục (+6,3%); gỗ và vật liệu xây dựng (+12,9%); lương thực, thực phẩm (+19,7%); hàng may mặc (+22,6%); ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) (+45,5%)... Các ngành hoạt động có mức tăng cao so với cùng kỳ nguyên nhân là do thời điểm tháng 4/2020 cả nước thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hoạt động lưu trú, ăn uống trong tháng 6/2021 tăng cao so với tháng trước do việc thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội đối với các địa phương đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh, do đó các cơ sở kinh doanh lưu trú, ăn uống đã được hoạt động trở lại. Doanh thu ước đạt 178,9 tỷ đồng, tăng 33,3% so với tháng trước và giảm 1,4% so với cùng tháng năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành lưu trú, ăn uống tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng các cơ sở đã tự thích nghi và có những hình thức kinh doanh mới phù hợp trong điều kiện dịch bệnh nên vẫn đảm bảo được tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, doanh thu ước đạt 1.029,2 tỷ đồng, tăng 13,5%.

Tháng 6/2021, doanh thu du lịch lữ hành đạt 5,2 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với tháng trước và bằng 57,1% so cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác 284,6 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 2,3% so cùng kỳ. Cộng dồn 6 tháng đầu năm, doanh thu du lịch lữ hành đạt 35,9 tỷ đồng, giảm 9,7%; doanh thu dịch vụ khác 1.783,9 tỷ đồng, tăng 15,5% so cùng kỳ năm 2020.

Công tác quản lý thị trường những tháng đầu năm luôn được tăng cường, tập trung kiểm tra những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất; chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường; làm tốt công tác quản lý địa bàn nắm chắc diễn biến thị trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021.

b. Giá cả

Thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhu cầu sử dụng điện tăng cao cùng với giá nhiên liệu tiếp tục tăng là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2021 trên địa bàn tỉnh tăng 0,31% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng tháng năm 2020. Các nhóm hàng tăng so với tháng trước như: nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng +1,39%; giao thông +1,25%; thiết bị và đồ dùng gia đình +0,29%; may mặc, mũ nón và giày dép +0,26%; giáo dục +0,05%. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tháng 6 năm 2021 biến động trái chiều nhau, so với tháng trước giá vàng +0,59%, giá đô la Mỹ -0,20%; so với cùng tháng năm 2020 giá vàng +10,30%, giá đô la Mỹ -1,04%.

Bình quân quý II năm 2021 so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng +1,63%, chỉ số giá vàng +12,32%, chỉ số giá đô la Mỹ -1,39%.

Bình quân 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,23% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu do giá nhiên liệu tăng cao; giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng, đặc biệt giá gạo bình quân 6 tháng tăng cao so cùng kỳ (+7,44%). Cụ thể: Có 08/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước: giao thông +7,05%; may mặc, mũ nón và giày dép +2,06%; đồ uống và thuốc lá +1,99%; hàng hóa và dịch vụ khác +1,86%; giáo dục +0,58%; văn hóa, giải trí và du lịch +0,36%; thiết bị và đồ dùng gia đình +0,24%; thuốc và dịch vụ y tế +0,02%. Có 03/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giảm: bưu chính viễn thông -0,05%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng -0,77%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống -1,93%. Chỉ số giá vàng +17,31%, giá đô la Mỹ -0,98% so với cùng kỳ.

c. Vận tải

Các hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021 cũng chịu tác động của dịch Covid-19 bùng phát trở lại, tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2020 các chỉ tiêu về doanh thu, khối lượng vận chuyển, luân chuyển hành khách, hàng hóa đều tăng cao, do cùng kỳ năm 2020 các chỉ tiêu này có mức giảm khá sâu, nhất là trong tháng 4/2020 khi cả nước thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sáu tháng đầu năm 2021, mặc dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp song các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã chủ động và duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh khá ổn định.

Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 6 ước đạt 405,9 tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 19,6% so cùng kỳ năm 2020. Trong quý II, ước đạt 1.227,4 tỷ đồng, giảm 1,3% so với quý I và tăng 46,8% so cùng quý năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 2.470,4 tỷ đồng, tăng 38,1% so cùng kỳ năm 2020, trong đó: doanh thu vận tải hành khách đạt 197,5 tỷ đồng, tăng 16,6%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 2.245,8 tỷ đồng, tăng 40,4%; doanh thu dịch vụ hỗ trợ ước đạt 27,1 tỷ đồng, tăng 35,0% so cùng kỳ.

Khối lượng vận chuyển hành khách 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 3.425,2 nghìn HK, tăng 16,6% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hành khách 246,7 triệu lượt HK.km, tăng 17,6% so cùng kỳ năm 2020.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 24,1 triệu tấn, tăng 43,7% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 1.060,5 triệu tấn.km, tăng 42,8% so cùng kỳ năm 2020.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Dân số, lao động, việc làm và đời sống dân cư

- Dân số: Ước tính dân số trung bình 6 tháng đầu năm 2021 là 865.545 người, trong đó khu vực thành thị chiếm 27,8% tương ứng với 240.921 người, khu vực nông thôn chiếm 72,2% tương ứng với 624.624 người.

- Lao động việc làm: Trong 6 tháng đầu năm 2021 do dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát trở lại đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều ngành, nghề trong tỉnh, đặc biệt là các ngành: Vận tải, lưu trú, du lịch lữ hành, vui chơi, giải trí, giáo dục... Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nên tình hình lao động việc làm của tỉnh vẫn cơ bản ổn định. Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng các ngành, các cấp trong tỉnh triển khai tốt công tác phòng chống dịch, nhất là đối với các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng phương án cách ly để đưa chuyên gia, lao động kỹ thuật... quay trở lại Việt Nam làm việc.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 10.920 người (đạt 62,4% kế hoạch năm), trong đó lao động nữ là 4.949 người; xuất khẩu lao động là 162 người; giải quyết việc làm thêm cho 12.228 người. Cấp giấy phép cho 170 người nước ngoài đủ điều kiện làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (trong đó cấp mới là 154 người, cấp lại là 15 người).

- Công tác đảm bảo an sinh xã hội và đời sống dân cư: Tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, và chính quyền địa phương, sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, các cá nhân trong và ngoài tỉnh, công tác chăm lo đảm bảo đời sống cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo đã đạt được kết quả tích cực. Kết quả thăm hỏi, tặng quà Tết năm 2021, tổng trị giá tiền mặt và hiện vật quy ra tiền là 54.130 triệu đồng. Hiện nay toàn tỉnh đang thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho khoảng 42.400 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số tiền là trên 16,2 tỷ đồng/tháng.

Công tác xóa đói giảm nghèo luôn được sự quan tâm và đầu tư của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội trong và ngoài tỉnh, cùng với sự cố gắng nỗ lực của nhân dân trong tỉnh, sự lồng ghép các chính sách, dự án, tạo tiền đề giúp cho những hộ nghèo và cận nghèo vươn lên từng bước thoát nghèo bền vững.

- Tình hình thu nhập: Ước tính thu nhập bình quân đầu người/tháng trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 4,5 triệu đồng, trong đó: khu vực thành thị đạt 5,3 triệu đồng, khu vực nông thôn đạt 4,3 triệu đồng.

2. Hoạt động văn hoá, thông tin tuyên truyền

Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2026; đặc biệt là năm diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan được triển khai đồng bộ với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành đã tổ chức trên 15 đợt tuyên truyền lớn, chào mừng các sự kiện chính trị, các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh, tiêu biểu như: Chào năm mới 2021; 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2021), mừng Xuân Tân Sửu 2021; kỷ niệm 24 năm ngày tái lập tỉnh Hà Nam (1/1/1997 - 1/1/2021); 46 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30/4, Quốc tế lao động 1/5; 67 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5; 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 và nhiều đợt tuyên truyền theo chủ đề. Đặc biệt là đợt tuyên truyền chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chào mừng bầu cử Đại biểu quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng, biểu diễn nghệ thuật được tổ chức phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm 2021, đã dàn dựng và biểu diễn thành công Chương trình nghệ thuật tổng hợp chào mừng kỷ niệm 24 năm Ngày tái lập tỉnh Hà Nam gắn với Chào năm mới 2021; Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020; kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021). Phối hợp với CLB Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Chầu văn tỉnh Hà Nam tham gia Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc năm 2021 tại Vĩnh Phúc.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thực hiện tốt chỉ thị của Chính Phủ cũng như của tỉnh trong phòng chống Covid-19, trên địa bàn tỉnh Hà Nam tạm dừng tổ chức tất cả các hoạt động lễ hội, hạn chế tập trung đông người để tập trung cao nhất cho phòng chống dịch bệnh.

3. Hoạt động thể thao

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động thể dục thể thao, nhiều hoạt động, sự kiện thể thao được chuẩn bị, sẵn sàng các điều kiện để tổ chức song phải tạm dừng để tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh như: Hội thi thể thao Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giải Cầu lông Cúp Truyền hình… Một số giải thể thao thành tích cao đang thi đấu phải tạm hoãn, một số giải phải điều chỉnh thời gian tổ chức. Trong 6 tháng đầu năm 2021, thể thao Hà Nam thi đấu 05 giải trong nước, giành tổng số 15/75 Huy chương các loại đạt 20% kế hoạch năm (trong đó có 4 huy chương vàng - 4 huy chương bạc - 7 huy chương đồng). Đóng góp 07 vận động viên cho đội tuyển quốc gia, 27 lượt vận động viên cho đội tuyển trẻ quốc gia của các môn Bóng đá nữ, Vật, Điền kinh.

4. Giáo dục

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm gián đoạn việc dạy và học của các trường, ảnh hưởng đến kế hoạch hoạt động giáo dục của nhà trường, vì vậy Sở tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng Kế hoạch, thực hiện dạy học trực tuyến, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn diễn ra theo đúng như quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (diễn ra từ ngày 07 đến ngày 10 tháng 7 năm 2021)

Theo báo cáo của Sở giáo dục và đào tạo tỉnh: Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2021 tỉnh Hà Nam có 46 học sinh dự thi đạt giải, gồm: 12 giải nhì, 13 giải ba, 21 giải khuyến khích. Kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 10, 11, 12 (năm học 2020-2021) có 1.464 học sinh đạt giải, gồm: 64 giải nhất, 306 giải nhì, 506 giải ba, 588 giải khuyến khích. Kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 (năm học 2020-2021) có 272 học sinh dự thi đạt giải, gồm 8 giải nhất, 54 giải nhì, 98 giải ba và 112 giải khuyến khích. Sở đã phối hợp với các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức tốt kỳ thi vào lớp 10 chuyên diễn ra từ ngày 8 đến 10/6/2021 và kỳ thi vào lớp 10 đại trà diễn ra từ 21 đến 22/6/2021 được bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

5. Y tế

- Công tác khám, chữa bệnh: Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhưng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân vẫn luôn được Sở Y tế phối hợp cùng các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm, chăm sóc và triển khai một cách chủ động, tích cực, đạt hiệu quả cao. Điều trị kịp thời cho bệnh nhân; thường xuyên chỉ đạo việc thực hiện các quy chế bệnh viện đặc biệt là các quy chế Thường trực, Cấp cứu, Chống nhiễm khuẩn; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, chăm sóc người bệnh ở tất cả các tuyến (tỉnh, huyện, xã); thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh cho người nghèo, người cận nghèo, trẻ em, các đối tượng chính sách; duy trì công tác kiểm tra, giám sát nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập và y tế tư nhân, tiếp tục áp dụng những kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị. Trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra sai sót về chuyên môn, kỹ thuật trong khám chữa bệnh và điều trị.

- Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Do thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, trong 6 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.

- Tình hình bệnh truyền nhiễm : Tính từ tháng 01 năm 2021 đến hết tháng 5/2021 trên địa bàn tỉnh: có 01 ca mắc sởi, 02 ca sốt xuất huyết; 17 ca mắc quai bị; 91 ca thủy đậu; bệnh cúm 3.063 ca.

- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng 6 năm 2021, số người nhiễm mới HIV phát hiện là 06 người; không có người chuyển thành AIDS; không có người tử vong do AIDS. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021 số người nhiễm mới HIV phát hiện là 19 người, số người chuyển thành AIDS 05 người, số người tử vong do AIDS 09 người.

- Công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam: Trong 6 tháng đầu năm 2021 là đợt bùng phát dịch trở lại của tỉnh Hà Nam nói riêng và của cả nước nói chung, theo báo cáo của ngành y tế tỉnh, tính từ đầu năm 2020 đến ngày 27/5/2021, số trường hợp mắc Covid-19 ghi nhận trên địa bàn tỉnh là 47 trường hợp, trong đó số mắc mới ghi nhận tại các ổ dịch trên địa bàn tỉnh Hà Nam từ ngày 28/4/2021 đến nay là 39 trường hợp. Đối tượng được cách ly y tế cộng dồn là 29.813 người; Số lượt người được lấy mẫu xét nghiệm cộng dồn là 76.494 lượt, trong đó 77 lượt người cho kết quả dương tính/47 bệnh nhân mắc Covid-19.

Ngành đã phối hợp với lực lượng vũ trang điều tra, xác minh, khoanh vùng xử lý ổ dịch Covid-19 tại cộng đồng (ổ dịch Covid-19 tại xã Đạo Lý, Bắc Lý, Chân Lý, Công Lý...). Phối hợp với các cơ sở điều trị thực hiện cách ly, điều trị, chuyển viện cho bệnh nhân mắc Covid-19. Tổ chức điều tra, truy vết các trường hợp F1, F2 liên quan, thực hiện cách ly theo quy định. Giám sát, điều tra, hướng dẫn cách ly, lấy mẫu các trường hợp F1 tiếp xúc gần, các trường hợp đi về từ vùng dịch, các trường hợp liên quan đến các ổ dịch mới theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế (ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở II, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Khu công nghiệp Bắc Giang, Bắc Ninh...) và các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 tại cộng đồng và tại cơ sở điều trị. Tổ chức tập huấn cho các cán bộ thuộc các đơn vị là điểm tiêm chủng, hướng dẫn các đơn vị tổ chức tiêm chủng vắc xin Covid-19 theo quy định. Tính đến ngày 14/5/2021, số đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin Covid-19: 5.317, số vắc xin sử dụng: 4.500 liều (đạt 100%).

Duy trì đường dây nóng để giải đáp các thắc mắc của người dân trong phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện thường trực chống dịch 24/24. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các địa phương tuyên truyền các thông tin, biện pháp phòng chống dịch, sẵn sàng ứng phó với các tình huống; đảm bảo cung cấp đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch.

6. An ninh, trật tự

Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 được giữ vững; ngành chức năng triển khai đồng bộ các kế hoạch, phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông và các trường hợp vi phạm về quy định phòng chống dịch Covid-19; triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Theo số liệu của Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2021 (tính từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/6/2021), trên địa bàn tỉnh xảy ra 47 vụ tai nạn và va chạm giao thông (giảm 6 vụ so cùng kỳ năm 2020), hậu quả làm chết 30 người (giảm 9 người so với cùng kỳ năm 2020), bị thương 25 người (giảm 12 người so với cùng kỳ năm 2020). Tính riêng trong tháng 6 (từ ngày 15/5/2021 đến ngày 14/6/2021), trên địa bàn tỉnh xảy ra 09 vụ tai nạn giao thông (giảm 04 vụ so với cùng kỳ năm 2020), làm chết 04 người (giảm 03 người so với cùng kỳ năm 2020), bị thương 06 người (so với cùng kỳ năm 2020 giảm 12 người).

-------------------

[1] Tính đến hết ngày 22/6/2021, Việt Nam đã ghi nhận 13.862 ca nhiễm, trong đó đang điều trị 8.243 ca; tử vong 69 ca; khỏi 5.546 ca.

[2] Tăng trưởng các tỉnh vùng ĐBSH: Hà Nội 5,9%; Vĩnh Phúc 14,2%; Bắc Ninh 7,5%; Hải Dương 3,9%; Hải Phòng 13,5%; Hưng Yên 5,8%; Thái Bình 4,9%; Nam Định 7,1%; Ninh Bình 7,2%.

[3] Sau Hòa Bình 16,1%; Ninh Thuận 14,6%; Vĩnh Phúc 14,2%; Hải Phòng 13,5%; Quảng Nam 11,7%; Sơn La 10,7%.

[4] IIP 6 tháng đầu năm 2020 tăng 7,1%; IIP 6 tháng năm 2019 tăng 13,2%; 6 tháng năm 2018 tăng 12,1%; 6 tháng năm 2017 tăng 12,5%; 6 tháng năm 2016 tăng 12,6%

[5] Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng: 6 tháng 2020 tăng 2,6%; 6 tháng 2019 tăng 3,0%; 6 tháng 2018 tăng 4,7%; 6 tháng 2017 tăng 4,8%.


File đính kèm:
Uoc_SL_KTXH_quy_II_va_6_thang_dau_nam_2021_Ha_Nam.pdf

Cục Thống kê Hà Nam

  • Tổng số lượt xem: 1069
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)