(MPI) - Chiều ngày 27/7/2021, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Kết quả biểu quyết có 475/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Nghị quyết (chiếm 95,19%).
|
Kết quả biểu quyết, có 475/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Nghị quyết |
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 2021-2025.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 24/7/2021, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Đến hết ngày 25/7/2021, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận lại được 369 ý kiến, trong đó có 284 ý kiến hoàn toàn nhất trí, 85 ý kiến tham gia một số nội dung vào dự thảo Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu và giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về các chỉ tiêu chủ yếu của dự thảo Nghị quyết vềKế hoạchphát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 2021-2025, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu xây dựng lại một số chỉ tiêu kinh tế với các kịch bản tăng trưởng ở các mức độ khác nhau trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trên tinh thần phấn đấu quyết liệt của các cấp, các ngành, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân, Chiến lược vắc-xin toàn diện đang được triển khai, Chính phủ đang xây dựng Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế trên cơ sở cân đối các nguồn lực. Việc đề xuất các chỉ tiêu như dự thảo Nghị quyết đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng và đã tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế, vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung các chỉ tiêu như: “tỷ lệ tái sử dụng chất thải 30-50%”; “về xã nông thôn mới nâng cao”; “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”; “giảm tỷ lệ mù chữ xuống dưới 1% dân số”; “nâng tỷ lệ trường học từ mầm non tới phổ thông cả nước được kiên cố hóa lên 80%”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Dự thảo Nghị quyết đã thể hiện các chỉ tiêu chủ yếu, phù hợp với Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; trong hệ thống chỉ tiêu giai đoạn trước chưa có các chỉ tiêu này, việc bổ sung thêm chỉ tiêu mới vào hệ thống chỉ tiêu cần được đánh giá kỹ lưỡng bảo đảm tính khả thi, đo lường được, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát; trong các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã quan tâm xử lý vấn đề này. Do vậy, xin Quốc hội không bổ sung các chỉ tiêu này vào dự thảo Nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị chỉ tiêu về tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 92%; cần điều chỉnh thành 100%. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác bảo vệ môi trường nói chung, trong đó có việc xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được quan tâm, tỷ lệ tăng qua các năm, tuy nhiên từ thực trạng khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường của những năm vừa qua, việc tăng tỷ lệ này cần bố trí nguồn lực đầu tư và phải có lộ trình. Để bảo đảm tính khả thi, xin Quốc hội cho giữ tỷ lệ này như dự thảo Nghị quyết.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vốn đầu tư toàn xã hội được cấu thành từ nhiều nguồn, cụ thể như vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn của khu vực dân cư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác; không nên là chỉ tiêu pháp lệnh bắt buộc phải thực hiện mà là chỉ tiêu mang tính định hướng và là một trong những cân đối lớn của nền kinh tế.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Ảnh: quochoi.vn |
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đa số ý kiến tán thành với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Một số ý kiến đề nghị lược bớt nội dung, viết ngắn gọn, súc tích, bảo đảm tính định hướng, tổng thể; những nhiệm vụ, giải pháp chi tiết sẽ được Chính phủ, các ngành cụ thể hóa. Một số ý kiến góp ý về câu chữ, kỹ thuật văn bản.
Về các nội dung xin được giải trình, một số ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết này hoặc có Nghị quyết riêng của Quốc hội quy định các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết thống nhất thể hiện nội dung này trong Nghị quyết chung của kỳ họp; sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp. Do vậy, xin Quốc hội không bổ sung vào dự thảo Nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung sửa đổi các luật về lĩnh vực xã hội như Luật Khám chưa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm…; “nhanh chóng bãi bỏ quy định cản trở đổi mới, sáng tạo; hoàn thiện quy định tạo điều kiện thuận lợi cho gia nhập, rút lui khỏi thị trường, cơ cấu lại doanh nghiệp, thúc đẩy cạnh tranh, kinh doanh bền vững”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ hai của Dự thảo Nghị quyết đã có nội dung định hướng chung về khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật và nghiên cứu khẩn trương ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù, nghị quyết thí điểm; đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội xây dựng định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, việc sửa đổi, bổ sung các luật cụ thể hoặc bãi bỏ các quy định cần phải khẩn trương thực hiện nhưng trên cơ sở rà soát, đánh giá theo quy trình chặt chẽ, do vậy, xin Quốc hội không bổ sung vào dự thảo Nghị quyết.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung các nội dung về: Có cơ chế để kịp thời tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư để góp phần khắc phục khó khăn, hạn chế trong đầu tư; chuyển nội dung chi cho hoạt động điều tra cơ bản từ nguồn chi thường xuyên sang nguồn đầu tư phát triển; bố trí ngân sách triển khai chương trình điều tra cơ bản tài nguyên môi trường và hải đảo; tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; cảng biển nước sâu quy mô lớn; nâng cấp mạng lưới giao thông nội vùng các tỉnh Tây Nguyên; các tuyến đường cao tốc Cà Mau - Cần Thơ, Châu Đốc – Cần Thơ; kết nối giao thông trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung bộ; “nghiên cứu, sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan theo hướng đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách nhà nước”...
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với các nội dung cụ thể về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển vùng như nêu trên, trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 5 và thứ 7 của dự thảo Nghị quyết đã khái quát nội dung về xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị. Những nội dung cụ thể liên quan đến tài chính quốc gia, ngân sách nhà nước, đầu tư công, trong đó có việc quyết định đầu tư và bố trí vốn cho các dự án xin được nghiên cứu, tiếp thu vào dự thảo Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cũng được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ nhất. Do vậy, xin Quốc hội không bổ sung cụ thể vào dự thảo Nghị quyết./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư