Đại dịch Covid-19 khiến kinh tế thế giới năm 2020 sẽ rơi vào suy thoái, nhận định chung của các định chế tài chính đều cho rằng năm 2020 sẽ xấu hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng chịu nhiều tác động tiêu cực do độ mở của nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế như WB, IMF , ADB đều có chung nhận định tích cực và lạc quan về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng chịu nhiều tác động tiêu cực do độ mở của nền kinh tế lớn; tăng trưởng kinh tế quý II thấp hơn quý I làm cho tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt thấp. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế như WB, IMF[4], ADB[5] đều có chung nhận định tích cực và lạc quan về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 chậm lại nhưng sẽ khởi sắc lên trong năm 2021 nhờ chính sách nới lỏng tài chính và tiền tệ, cũng như sự phục hồi dần nhu cầu thị trường thế giới.Nhận định về xu hướng vĩ mô toàn cầu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định GDP toàn cầu giảm 6,0% đến giảm 7,6%[1]; Ngân hàng Thế giới (WB) thì cho rằng đây là suy thoái lớn nhất trong gần 80 năm qua, GDP toàn cầu sẽ giảm 5,2%[2]; Liên hợp quốc (UN) đưa ra dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm 3,2%[3].
I. Kinh tế
1. Tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ước đạt 2,86%; thấp hơn mức tăng trưởng của quý I năm nay (trên 4%) và cùng kỳ năm trước (7,2%); các ngành đóng góp vào mức tăng chung cụ thể như sau:
– Ngành nông lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 7,8%, đóng góp 0,9 điểm% vào tăng trưởng GRDP; trong đó, ngành nông nghiệp ước tăng 8,4% tương đương tăng 800 tỷ đồng; nuôi trồng thủy sản tăng 4,8% tương đương 50 tỷ đồng; riêng hoạt động dịch vụ nông nghiệp và lâm nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ nên ít tác động đến tăng trưởng của ngành.
– Ngành công nghiệp, xây dựng tăng 4,9%, đóng góp 2,8 điểm% vào tăng trưởng GRDP. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh phải nhập khẩu nguyên, vật liệu và xuất khẩu sản phẩm hàng hóa ra nước ngoài. Ngành xây dựng tăng trưởng khá các nhà đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu đô thị, khu dân cư theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt để đảm bảo mục tiêu đầu tư, tiến độ hoàn thành của dự án đã được phê duyệt làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành.
– Ngành dịch vụ giảm 3,0% làm giảm 0,9 điểm% vào tăng trưởng GRDP. Doanh thu các ngành dịch vụ như vận tải, kho bãi (-25,3%), lưu trú, ăn uống (-21,7%), thương mại bán lẻ (-0,8%) so với tăng trưởng năm trước.
Theo thời gian, quý I, tăng trưởng kinh tế sơ bộ đạt 4,4%; quý II ước tăng 1,5% so với CK năm trước; trong đó:
– Ngành nông lâm nghiệp thuỷ sản: tăng trưởng cao trong cả quý I (+5,9%) và quý II (+9,6%) do quý I có sản lượng cây vụ đông tăng cao, trong khi quý II có sản lượng vải tăng +75%, chăn nuôi lợn dần phục hồi so với dịch bệnh năm trước.
– Khu vực công nghiệp – xây dựng tăng trưởng quý I là +6,1% (công nghiệp +3,7%; xây dựng +11,4%) và quý II là 3,9% (công nghiệp +0,9%; xây dựng +4,3%). Mặc dù dịch Covid-19 đã xuất hiện và ảnh hưởng từ đầu tháng 2, tuy nhiên hoạt động sản xuất công nghiệp chỉ chịu tác động lớn từ tháng 3; giảm trong tháng 4 và tháng 5; tăng trưởng trở lại trong tháng 6.
– Khu vực dịch vụ: Do đặc thù hoạt động dịch vụ gắn liền với tiêu thụ sản phẩm dịch vụ, nên ngành dịch vụ đã chịu tác động lớn ngay từ Tết Nguyên đán; quý I chỉ tăng 0,6% (tháng 1 và tháng 2 vẫn tăng so với CKNT; trong đó, tháng 2 chỉ tăng nhẹ); bước sang quý II giảm 6,2% do từ tháng 3 đến nay đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Một số lĩnh vực như lưu trú, ăn uống, vận tải (hành khách), giáo dục, vui chơi giải trí… chịu tác động trực tiếp và giảm khá “sâu” trong các tháng 3, 4 và 5; tháng 6 mới chỉ tăng nhẹ; các ngành dịch vụ phục vụ cho sản xuất tiếp tục chịu tác động gián tiếp khi sản xuất công nghiệp sụt giảm (vận tải hàng hóa, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ…; dịch vụ bán lẻ hàng hóa cũng chịu ảnh hưởng khá nhiều do tiêu dùng dân cư giảm.
Đánh giá về kế hoạch phát triển Kinh tế – xã hội năm 2020; tăng trưởng cả năm 2020 sẽ không đạt kế hoạch đề ra (trên 8,5%). Do tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt thấp (+2,9%), nên để đạt kế hoạch đề ra, tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm phải đạt khoảng 14%; đây là điều bất khả thi.
Mức tăng trưởng khả quan nhất có thể đạt được trong điều kiện suy thoái kinh tế thế giới hiện nay là tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm khoảng 8% (tăng trưởng 6 tháng cuối năm, các năm gần đây đều trên 9%); khi đó, tăng trưởng năm 2020 ước đạt 5,7%. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, các đợt “sóng” dịch lần 2, lần 3 sẽ ảnh hưởng tiếp đến kinh tế thế giới trong quý III, kéo dài sang quý IV; đồng thời, Việt Nam vẫn có nguy cơ tái nhiễm trong cộng đồng; do vậy, kịch bản khả quan nhất (6 tháng cuối năm tăng trưởng 8%) cũng khó đạt được.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
2.1. Sản xuất nông nghiệp
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân năm 2020 đạt 87.958 ha, giảm 1% (-896 ha) so với cùng kỳ năm trước (vụ đông giảm 82 ha, vụ chiêm xuân giảm 814 ha). Trong đó, diện tích vụ đông 21.302 ha, chiếm 24,2%; vụ chiêm xuân 66.656 ha, chiếm 75,8% tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân.
Cơ cấu diện tích gieo trồng cây hàng năm chuyển dịch mạnh, tỷ trọng diện tích gieo cấy lúa giảm nhanh, tỷ trọng diện tích cây rau mầu tăng. Trong cơ cấu diện tích gieo trồng vụ đông xuân, cây lúa vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất (đạt 64,4%) nhưng có xu hướng giảm dần (năm 2019: 65,1%; năm 2018: 65,0%; năm 2017: 65,4%; năm 2016: 66,4%).
Năng suất lúa chiêm xuân ước đạt 63,0 tạ/ha, tăng 0,5% (+0,31 tạ/ha) so với năm 2019; năng suất một số loại cây rau chủ lực của vụ đông xuân năm nay đều cao hơn so với năm 2019, chủ yếu tăng ở vụ đông. Các loại cây có năng suất tăng mạnh như: hành củ, cà rốt, bắp cải, su hào….
Nhìn chung, sản lượng các loại cây hàng năm vụ đông xuân năm 2020 sơ bộ cao hơn so với vụ đông xuân năm trước (do năng suất tăng là chủ yếu).
Về cây lâu năm, diện tích trồng cây lâu năm ước đạt 22.023 ha, tăng 0,5% (+103 ha) so với cùng kỳ năm trước; trong đó, diện tích trồng cây ăn quả ước đạt 21.336 ha, chiếm 96,9% tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh.
Cây ăn quả là cây trồng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong diện tích trồng cây lâu năm của tỉnh, tăng 90 ha so với cùng kỳ năm trước. Một số diện tích cây lâu năm già cỗi không cho hiệu quả kinh tế đã bị phá bỏ (cây vải), một phần diện tích đã được trồng thay thế bằng những cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn (ổi, na, xoài, đu đủ, hồng xiêm, mít…).
Cây vải là cây lâu năm trọng điểm của tỉnh, 6 tháng đầu năm diện tích cây vải ước đạt 9.658 ha, giảm 1,3% (-123 ha) so với cùng kỳ năm trước; Nguyên nhân giảm do: một số diện tích vải thiều đắp ụ, cấy xen và cây già cỗi, kém phát triển, ít hiệu quả đã bị phá bỏ, lập vồng trồng chuối và một số loại cây lâu năm khác.
Sản lượng một số cây ăn quả chính của tỉnh đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019 như: xoài ước 1.672 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ; chuối ước 31.750 tấn, tăng 2,4%; ổi ước 33.129 tấn, tăng 1,9%. Sản lượng vải ước đạt 42.500 tấn, tăng 75% (+18.253 tấn) so với năm trước, do năm 2019 mất mùa.
Về chăn nuôi; chăn nuôi trâu, bò khá ổn định; đàn lợn phát triển chậm do việc tái đàn lợn gặp khó khăn vì khan hiếm về nguồn lợn giống và tâm lý e ngại dịch bệnh bùng phát trở lại; chăn nuôi gà và chim cút phát triển mạnh do hiệu quả kinh tế cao và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi.
Đàn trâu ước thời điểm 01/7/2020 đạt 4.250 con, tăng 2,5% so với cùng kỳ; nhu cầu tiêu thụ thịt trâu trên thị trường tăng do sản lượng thịt lợn hơi giảm mạnh. Số con trâu xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 845 con, tăng 3,4%; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 236 tấn, tăng 3,8%.
Đàn bò có xu hướng giảm do hình thức chăn nuôi bò thả rong, nhỏ lẻ; hiện nay các vùng, bãi không gian chăn thả ngày càng bị thu hẹp, nguồn thức ăn tự nhiên cho bò ngày càng khan hiếm. Tổng đàn bò ước đạt 19.100 con, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước; số con bò xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 4.100 con giảm 2,2%, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 841 tấn, giảm 1,8%.
Trong 6 tháng đầu năm, công tác tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh được quan tâm triển khai; tuy nhiên, việc tái đàn lợn gặp khó khăn do khan hiếm về nguồn lợn giống và tâm lý e ngại dịch bệnh bùng phát trở lại.
Tổng đàn lợn tại thời điểm 01/7/2020 ước đạt 235.200 con, tăng 40,3% (+67.560 con) so với cùng kỳ năm trước; trong đó, lợn thịt ước đạt 180.500 con chiếm 76,7% tổng đàn tăng 54,5% (+63.674 con); đàn lợn nái ước đạt 19.300 con, chiếm 8,2% tổng đàn, tăng 9,9% (+1.743 con); đàn lợn đực giống 400 con, chiếm 0,2% tổng đàn, tăng 11,6% (+211 con) so với cùng kỳ năm 2019.
Số con lợn thịt xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 260.000 con, giảm 29,2% (-107.423 con); sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 27.716 tấn, giảm 10,7% (-3.311 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù số con lợn xuất chuồng giảm sâu, tuy nhiên sản lượng thịt hơi xuất chuồng chỉ giảm trên 10% là do 6 tháng đầu năm trước người chăn nuôi có xu hướng bán chạy dịch, trọng lượng bình quân một con lợn xuất chuồng đạt thấp, 6 tháng đầu năm 2020, giá bán thịt lợn hơi tăng cao, người dân kéo dài thời gian nuôi để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nên trọng lượng xuất chuồng bình quân tăng cao.
Đàn gà thịt tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước do dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi nên nhiều hộ (nuôi lợn) đã chuyển sang chăn nuôi gà; đồng thời, thị trường tiêu thụ thuận lợi nên nhiều hộ mở rộng quy mô nuôi. Ngoài ra, các ngành chức năng đã làm tốt công tác phòng bệnh, vệ sinh môi trường nên bệnh dịch không xảy ra, đàn gà được duy trì và phát triển tốt.
Tại thời điểm 01/07/2020, tổng đàn gà toàn tỉnh ước đạt 10.600 nghìn con tăng 12,2% (+1.153 nghìn con) so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đàn gà thịt ước đạt 9.750 nghìn con, chiếm 91,9% tổng đàn gà, tăng 13,8% (+1.182,7 nghìn con) so với cùng kỳ năm trước. Đàn gà đẻ trứng đạt 850 nghìn con, chiếm 8,0%, giảm 3,4% (-29,7 nghìn con) so với cùng kỳ năm trước. Số lượng gà đẻ trứng giảm là do một số hộ chăn nuôi gà quy mô lớn trên địa bàn tỉnh chuyên nuôi gà đẻ đã chuyển sang nuôi gà thịt đem lại thu nhập và lợi nhuận cao hơn nên làm cho số lượng gà mái đẻ giảm.
Số con gà xuất chuồng 6 tháng ước đạt 10.500 nghìn con, tăng 22,3% (+1.912 nghìn con) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 21.525 tấn, tăng 21,9% (+3.860 tấn). Sản lượng trứng gà 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 75.500 nghìn quả, giảm 1,6% (-1.214 nghìn quả), trong đó trứng gà công nghiệp ước đạt 47.500,0 nghìn quả, chiếm 62,9% tổng sản lượng trứng gà, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng đàn vịt tại thời điểm 01/07/2020 ước đạt 1.500 nghìn con, tăng 1,3% (+19,1 nghìn con) so với cùng kỳ năm trước; vịt đẻ trứng 451 nghìn con, chiếm 30,0% tổng đàn vịt, tăng 0,7% (+3,3 nghìn con). Số con vịt xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1.485,0 nghìn con tăng 2,9% (+42,5 nghìn con), sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 3.638 tấn, tăng 5,8% (+200 tấn) so với cùng kỳ năm trước.
Các loại gia cầm khác (chim cút, bồ câu, đà điểu) ổn định và phát triển, tại thời điểm 01/07/2020 ước đạt 2.366 nghìn con, tăng 95,7% (+1.143 nghìn con) so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 135 tấn tăng 44,7% (+41,7 tấn). Nuôi chim cút đang phát triển mạnh, số đầu con ước đạt 1.250 nghìn con, tăng 121,2% (+685 nghìn con), sản lượng chim cút xuất chuồng ước đạt 79,2 tấn tăng 79,6% (+ 35 tấn); trứng chim cút ước đạt 123.000 nghìn quả, tăng 102,3% (+62.200 nghìn quả).
Các loại chăn nuôi khác như chăn nuôi ngựa, dê, cừu, hươu, trăn, rắn… không phải là những vật nuôi cơ bản của tỉnh, chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị sản xuất ngành chăn nuôi, nhìn chung ổn định, mức tăng giảm không lớn.
2.2. Lâm nghiệp
Trong 6 tháng, diện tích rừng trồng mới toàn tỉnh ước đạt 70 ha, tăng 7 ha so với năm trước; trong đó chủ yếu là diện tích rừng trồng cây keo thuộc rừng sản xuất của khu vực hộ cá thể. Diện tích rừng trồng được chăm sóc ước đạt 275 ha, tăng 32 ha; trong đó, rừng trồng được chăm sóc khu vực nhà nước là 90 ha, còn lại là diện tích rừng trồng cây keo thuộc rừng sản xuất của khu vực hộ cá thể. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ ước đạt 2.970 ha, chủ yếu là diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.
Trong 6 tháng, cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 340 nghìn cây, tương đương với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng và cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 1.970 m3, tăng 4,1% (+77 m3) so với cùng kỳ năm trước; sản lượng khai thác củi ước đạt 22.610 ster, tăng 2,6%.
2.3. Thủy sản
Sản lượng khai thác thủy sản nội địa 6 tháng ước đạt 850 tấn, giảm 1,3% (-11 tấn) so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng cá khai thác ước đạt 595 tấn giảm 1,3% (-8 tấn), tôm ước đạt 34 tấn giảm 2,9% (-1 tấn) và thuỷ sản khác ước đạt 221 tấn, giảm 0,9% (-2 tấn). Nguyên nhân giảm là do các sản phẩm thuỷ sản tự nhiên ngày càng khan hiếm, nguồn nước bị ô nhiễm nên đã làm giảm khả năng sinh sản và phát triển của các loài cá tự nhiên.
Hoạt động nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định do công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được quan tâm thực hiện thường xuyên, dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ hơn so với năm 2019. Chủng loại và chất lượng giống thủy sản nuôi trồng ngày càng phong phú, phù hợp với điều kiện đặc điểm mặt nước nuôi trồng trên địa bàn tỉnh; phương thức nuôi thủy sản lồng/bè được duy trì phát triển tốt, các giống cá chủ lực và giống đặc sản cho năng suất và giá trị cao được duy trì và phát triển như Trắm giòn, Chép giòn, cá Lăng, cá Rô phi đơn tính… diễn biến thời tiết tương đối thuận lợi nhiệt độ thích hợp cho nuôi trồng thủy sản nên các loài cá phát triển tốt, cho năng suất cao.
Sản lượng thủy sản 6 tháng ước đạt 41.274 tấn, tăng 6% (+2.336 tấn) so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là sản lượng thủy sản nuôi mặt nước. Cá là loài thủy sản được nuôi trồng chủ yếu trên địa bàn tỉnh, sản lượng ước đạt 41.236 tấn, chiếm 99,9% sản lượng thủy sản nuôi trồng; trong đó, cá trắm, cá rô phi là chủ lực. Sản lượng cá rô phi tăng mạnh là do những năm gần đây, mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo qui trình VietGAP đã giúp người nuôi cá thay đổi tư duy để phát triển theo hướng bền vững. Nuôi thả theo phương pháp này, tỷ lệ cá sống cao, dịch bệnh ít, thời gian nuôi được rút ngắn và giảm mức đầu tư, chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.
Phương thức nuôi trồng thủy sản lồng bè được duy trì và phát triển tốt. Sản lượng cá lồng 6 tháng đầu năm ước đạt 6.610 tấn chiếm 15,7% tổng sản lượng cá nuôi trồng, tăng 38,4% (+1.835 tấn) so với cùng kỳ năm trước;. trong đó: cá Lăng ước đạt 980 tấn, tăng 14,0% (+120 tấn); cá Diêu hồng ước đạt 1.675 tấn tăng 4,1% (+67 tấn). Thời tiết trong 6 tháng đầu năm tương đối thuận lợi, lưu lượng dòng chảy ổn định tạo điều kiện tốt cho cá phát triển, không phát sinh dịch bệnh.
Sản xuất giống thuỷ sản 6 tháng ước đạt 705 triệu con, tăng 2,7% (+19 triệu con); trong đó, cá giống các loại 704 triệu con; giống thủy sản khác 1 triệu con. Nguyên nhân là do thời gian qua nhiều hộ dân đã được đầu tư tốt về kỹ thuật nên mở rộng thêm nhiều trại ươm giống thủy sản mới, chất lượng giống thủy sản được đảm bảo, nguồn giống thủy sản cung cấp cho cả người nuôi trong và ngoài tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
3. Sản xuất công nghiệp
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; các ngành chịu ảnh hưởng lớn (may mặc, da giày, điện tử, ô tô) đều là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong quy mô công nghiệp của tỉnh.
3.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp tháng 6 trên đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại sau 3 tháng liên tiếp suy giảm bởi đại dịch; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ; tất cả các ngành đều tăng so với tháng 5.
Quý I, sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 2,1%; trong đó đóng góp vào mức tăng chung cụ thể như sau: ngành khai khoáng giảm 13,2%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bằng cùng kỳ năm trước; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 23,0%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 3,8%.
Năm 2020, tình trạng sản xuất có phần ổn định sớm hơn (từ giữa tháng 2 thay vì đầu tháng 3) so với mọi năm do hoạt động vui chơi, lễ hội bị hạn chế do dịch bệnh. Do vậy, IIP tháng 2 so với cùng kỳ tăng 8,6% (năm trước chỉ tăng 8,0%).
Bước sang tháng 3, một số doanh nghiệp bắt đầu nhận thấy nguồn cung nguyên liệu đầu vào sẽ thiếu hụt do Trung Quốc ngừng sản xuất, hoạt động sản xuất bắt đầu chậm lại, một số doanh nghiệp dãn việc, giảm giờ làm cho người lao động. Do vậy, IIP tháng 3 đã giảm 3,0% so với cùng kỳ, làm cho IIP của quý I chỉ tăng 2,1%.
Sang quý II, hoạt động sản xuất công nghiệp gặp khó khăn do sự đứt gãy của các chuỗi cung, cầu hàng hóa trên thị trường cả trong và ngoài nước. Sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa bị đình trệ, ảnh hưởng đến việc tìm kiếm các đơn hàng mới đã làm cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm 1,1%, trong đó; ngành khai khoáng giảm 16,5%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 12,7%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 10,2%. Cụ thể các tháng như sau:
– Sản xuất công nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực nặng nề nhất trong tháng 4 do lệnh giãn cách xã hội, tình trạng thiếu nguyên vật liệu đầu vào ở nhiều doanh nghiệp sản xuất (may mặc, da giày, điện tử) và nhu cầu thị trường giảm mạnh (ô tô, sắt thép, xi măng); công ty Ford tạm ngừng từ cuối tháng 3, dự kiến hoạt động lại vào tháng 8; một số doanh nghiệp may mặc như Makalot, Phú Nguyên, Richway, Embossa,.. cũng cho lao động tạm nghỉ việc do thiếu nguyên vật liệu và đơn hàng mới. Vì vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng này tiếp tục giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
– Tháng 5, sản xuất công nghiệp tăng (IIP tăng 10,4%) so với tháng trước đó, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (IIP giảm 1,7%). Nhìn chung tình trạng thiếu nguyên vật liệu vẫn còn nhưng nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu thị trường sụt giảm, không có đơn hàng mới nên doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng.
– Ước tính tháng 6, sản xuất công nghiệp tiếp tục hồi phục, ước tăng 4,8% so với tháng 5 và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng của tháng 6 không đủ bù đắp cho 2 tháng trước đó, nên chỉ số sản xuất công nghiệp quý II giảm 1,2%
Tính chung 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 0,4%, trong đó tác động của từng nhóm ngành đến mức tăng chung cụ thể như sau: ngành khai khoáng giảm 15,0%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,5%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 17,2%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 6,9%;
Nhiều ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh (chiếm tỷ trọng lớn, các năm gần đây tăng trưởng khá cao) không duy trì được tốc độ tăng trưởng như các năm trước, một số ngành giảm so với cùng kỳ năm trước (các năm trước hầu như không có ngành giảm); cụ thể:
– Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 19,5% giá trị ngành công nghiệp, ước tăng 1,7% (quý I +2,4%; quý II +1,0%). Công nghiệp Brother (chiếm 40% quy mô ngành) tuy sản lượng sản xuất giảm 3,04%; nhưng do thay đổi về quy cách chất lượng sản phẩm nên doanh thu 6 tháng ước tăng 1,2%. Một số sản phẩm: mạch điện tử tích hợp tăng 4,2%; Micrô và các linh kiện của chúng tăng 13,2% …
– Sản xuất xe có động cơ (bao gồm cả phụ tùng ô tô) tỷ trọng chiếm 15,9% giá trị ngành công nghiệp, ước giảm 1,4% (quý I +3,8%; quý II -6,1%). Công ty Ford đã dừng hoạt động từ cuối tháng 3, dự kiến hoạt động trở lại vào tháng 8 nên sản lượng xe ô tô giảm 70% (doanh thu giảm 74,3%). Nhóm doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô gồm các doanh nghiệp như Kefico, Sumidenso, Sumiden, Ikka, Taisei,…) có lượng sản xuất tăng nhưng mức tăng thấp: Bộ dây đánh lửa và bộ dây điện cho xe có động cơ +0,2%; Bộ phận thiết bị điện khác dùng cho xe có động cơ +5,5%.
– Sản xuất kim loại chiếm 13,3% giá trị ngành công nghiệp, ước giảm 6% so với cùng kỳ năm trước (quý I -10,5%; quý II -1,6%); trong đó, sản phẩm thép cán nguôi chưa mạ, phủ giảm 9,5%.
– Sản xuất trang phục chiếm 8,8% giá trị ngành công nghiệp, ước giảm 7,3% so với CKNT (quý I -1,6%; quý II -12,7%). Hầu hết các doanh nghiệp đều thực hiện giãn việc, giảm giờ làm, cắt giảm lượng lao động thời vụ do thiếu nguyên vật liệu đầu vào và đơn hàng mới; một số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động một vài tháng như Makalot, Phú Nguyên, Richway, Embossa,.. Các doanh nghiệp còn duy trì sản xuất cũng sụt giảm doanh thu như May Tinh Lợi giảm 8,16%; Haivina giảm 2,13%.
– Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (xi măng, vật liệu xây dựng) chiếm 6,7% giá trị công nghiệp, ước giảm 7,6% (quý I -6,1%; quý II -8,8%). Hiện nay các doanh nghiệp đều sản xuất dưới công suất thiết kế do thị trường tiêu thụ khó khăn, xuất khẩu hạn chế, trong khi thị trường trong nước cung đã vượt cầu.
Ngoài ra, có một số ngành tuy chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng tăng trưởng khá, là những điểm sáng góp phần cải thiện bức tranh kinh tế của tỉnh như:
– Hoạt động sản xuất và phân phối điện chiếm 6,2% giá trị ngành công nghiệp, tăng 17,2% (quý I +23,0%; quý II +12,7%); trong đó, tăng chủ yếu do Nhiệt điện Phả Lại tăng sản lượng điện sản xuất trong bối cảnh hạn hán nên công suất các nhà máy thủy điện giảm. Ước tính điện sản xuất 6 tháng đầu năm đạt 3.706 triệu Kwh, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng rất cao vì hoạt động sản xuất điện trong những năm gần đây liên tục giảm (6 tháng năm 2019 giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước).
– Sản xuất và chế biến thực phẩm chiếm 6,3% giá trị ngành công nghiệp, tăng 5,6% (quý I -2,4%; quý II +15,3%); trong đó, tăng chủ yếu do sản lượng mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 66,3% (quý I +44,8%; quý II +88,3%); đồng thời, chăn nuôi lợn đang phục hồi nên sản lượng thức ăn chăn nuôi trong quý II cũng tăng 6,6% (6 tháng vẫn giảm 0,9%).
– Ngành dệt chỉ chiếm 0,8% giá trị ngành công nghiệp nhưng tăng 7,9% (quý I +9,9%; quý II 6,2%); các công ty TNHH Dệt Pacific có doanh thu tăng 9,7%; công ty Best Pacific có doanh thu tăng 8,9%. Trong một vài năm tới ngành dệt vẫn sẽ tăng trưởng khá cao do năng lực sản xuất mới tăng và nhu cầu tăng tỷ trọng nội địa nguyên vật liệu đầu vào ngành may mặc.
– Một số ngành khá nhỏ nhưng tăng trưởng khá như sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn ước tăng 7,2%; Công nghiệp chế biến, chế tạo khác ước tăng 18,9% (sản phẩm đồ chơi, thú bông ước tăng 19,7%).
3.2. Chỉ số tiêu thụ
Chỉ số tiêu thụ sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6 năm 2020 dự kiến tăng 7,9% so với tháng trước và tăng 7,4% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm tiêu thụ sản phẩm giảm 2,0%, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như: sản xuất trang phục giảm 6,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 13,0%; sản xuất kim loại giảm 4,1%; sản xuất thiết bị điện giảm 2,5%; sản xuất xe có động cơ giảm 4,6%; …
Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng như: dệt tăng 14,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plactics tăng 0,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 15,6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 9,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học tăng 5,5%;…
Đáng chú ý là một bộ phận doanh nghiệp sản xuất có sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu đã và đang cải thiện ngày một tốt hơn tiến độ giao hàng, chủ động trong việc tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết với các đối tác cung cấp nguyên phụ liệu… từ đó nâng cao vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
3.3. Chỉ số tồn kho
Tồn kho tại thời điềm 01/7/2020 giảm 5,2% so với tháng trước và giảm 1,1% so với cùng kỳ. Các ngành có lượng tồn kho so với cùng kỳ giảm là: sản xuất trang phục giảm 22,5%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 8,4%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 19,9%; sản xuất hoá chất và các sản phẩm hoá chất giảm 23,9%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 3,1%; sản xuất xe có động cơ giảm 14,3%.
Các ngành có chỉ số tồn kho tăng là: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 14,2%; sản xuất đồ uống tăng 44,1%; sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 23,1%; sản xuất thuốc, hoá dược, dược liệu tăng 4,9%; sản xuất kim loại tăng 16,0%; sản xuất thiết bị điện tăng 14,5%.
3.4. Chỉ số sử dụng lao động
Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/6/2020 giảm 1,0% so với tháng trước; giảm 5,4% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng đầu năm giảm 1,6%.
Các ngành sử dụng nhiều lao động, có lượng giảm là: khai khoáng -28,9%; sản xuất đồ uống -14,3%; sản xuất trang phục -4,3%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan -2,5%; chế biến gỗ và sản phẩm từ tre, nứa -7,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plactics -0,9%; sản xuất thiết bị điện -8,8%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất -3,0%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại -10,8%; sản xuất kim loại -2,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học -1,4%.
Các ngành có lượng sử dụng lao động tăng là: sản xuất chế biến thực phẩm +1,1%; dệt +5,3%; sản xuất xe có động cơ +1,3%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế +4,0%; sản xuất thuốc và hóa dược và dược liệu +11,4%; hoạt động thu gom, xử lý, tiêu hủy rác thải, nước thải +5,8%, …
4. Tình hình phát triển doanh nghiệp
Tính đến hết tháng 5, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 662 doanh nghiệp; trong đó, có 25 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, giảm 11,38% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp đăng ký giải thể là 68, tăng 12 doanh nghiệp (+21,43%) so với cùng kỳ năm trước.
5. Hoạt động đầu tư
5.1 Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước
Theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, các Sở ngành và địa phương đã tập trung kiểm tra, đôn đốc đơn vị sử dụng vốn đầu tư công hoàn tất các thủ tục đầu tư; tích cực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nghiệm thu khối lượng hoàn thành và giải ngân vốn đầu tư.
Ước tháng 6, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 245 tỷ đồng, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 125 tỷ đồng, tăng 45,1%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 100 tỷ đồng, tăng 50,4%; vốn ngân sách cấp xã đạt 20 tỷ đồng, tăng 82,1%.
Thực hiện quý I, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 302 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 142 tỷ đồng, tăng 4,9%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 136 tỷ đồng, giảm 0,6%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 24 tỷ đồng, giảm 3,2%.
Ước tính quý II, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 623 tỷ đồng, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 317 tỷ đồng, tăng 29,1%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 257 tỷ đồng, tăng 35,0%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 49 tỷ đồng, tăng 57,0%.
Tính chung 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 925 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 459 tỷ đồng, tăng 20,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 393 tỷ đồng, tăng 20,1%; vốn ngân sách cấp xã đạt 73 tỷ đồng, tăng 30,0%.
5.2. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn
Thực hiện quý I, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 9.686 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn đạt 960 tỷ đồng, giảm 0,6%; vốn ngoài nhà nước đạt 5.460 tỷ đồng, tăng 5,1%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3.265 tỷ đồng, tăng 10,5%.
Trong quý II, tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường quản lý, giám sát đầu tư trên địa bàn tỉnh, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý II ước đạt 10.839 tỷ đồng, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn đạt 1.423 tỷ đồng, tăng 11,7%; vốn ngoài nhà nước đạt 7.270 tỷ đồng, tăng 9,3%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2.146 tỷ đồng, tăng 2,0%.
Tính chung 6 tháng năm, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 20.525 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn nhà nước đạt 2.383 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngoài nhà nước đạt 12.730 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 5.411 tỷ đồng, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước.
5.3. Thu hút đầu tư
Đầu tư trong nước, đã chấp thuận đầu tư 94 dự án, trong đó 53 dự án mới và 41 dự án điều chỉnh, với tổng số vốn đầu tư là 3.386 tỷ đồng, bằng 62,9% so với cùng kỳ năm trước. Đã xử lý thu hồi chấm dứt hoạt động đối với 08 dự án.
Đầu tư nước ngoài, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án, khiến thu hút FDI giảm mạnh. Thu hút vốn đầu tư nước trong 6 tháng đầu năm đạt 201,7 triệu USD, bằng 50,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: cấp mới cho 12 dự án với số vốn đăng ký 43,6 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 18 lượt dự án với số vốn tăng thêm 158,1 triệu USD.
6. Thương mại, giá cả, dịch vụ
6.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá
Do ảnh hưởng của dịch và tác động tiêu cực từ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã làm cho các hoạt động thương mại, dịch vụ của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2020 gặp nhiều khó khăn. Một số ngành dịch vụ như du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải, xuất nhập khẩu đã chịu tác động trực tiếp và bị suy giảm nhiều. Các hoạt động thương mại, dịch vụ không thiết yếu phải dừng hoạt động. Từ đầu tháng 5 đến nay các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đang trở lại hoạt động bình thường nhưng “sức mua” tăng chậm; chỉ có bản hồi phục vào tháng 6.
Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 6 năm ước đạt 4.217 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 3,3% và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo mặt hàng: nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất đạt 1.610 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng cũng chiếm cơ cấu tương đối trong tổng số, đạt 676 tỷ đồng, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 14,0% so với cùng kỳ năm trước….
Doanh thu bán lẻ hàng hoá quý I đạt 12.407 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Phân theo mặt hàng: nhóm lương thực, thực phẩm đạt 4.353 tỷ đồng, tăng 12,1%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 1.820 tỷ đồng, tăng 8,3%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 1.680 tỷ đồng, tăng 6,5%;…
Doanh thu bán lẻ hàng hoá quý II ước đạt 11.864 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ. Phân theo mặt hàng: nhóm lương thực, thực phẩm đạt 4.563 tỷ đồng, tăng 12,8%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 1.839 tỷ đồng, tăng 5,4%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 1.603 tỷ đồng, tăng 1,3%;…
Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 24.272 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ; loại trừ yếu tố giá sẽ giảm 1,4%. Phân theo mặt hàng: nhóm lương thực, thực phẩm chiếm cơ cấu lớn nhất với 36,7% trong tổng số và đạt 8.916 tỷ đồng, tăng 12,5%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng cũng chiếm cơ cấu tương đối với 15,1% trong tổng số, đạt 3.659 tỷ đồng, tăng 6,8%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 3.283 tỷ đồng, tăng 4,0%.
6.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 6 ước đạt 791 tỷ đồng, tăng 5,6% so với tháng trước, giảm 2,6% so với cùng kỳ. Trong đó: dịch vụ lưu trú đạt 14 tỷ đồng, tăng 9,5% so với tháng trước, giảm 54,3% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống đạt 318 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và giảm 8,7% so với cùng kỳ; dịch vụ khác đạt 458 tỷ đồng, tăng 8,2% so với tháng trước, tăng 7,0% so với cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 4.025 tỷ đồng, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước; loại trừ yếu tố giá sẽ giảm 14,7%. Phân theo ngành kinh tế: dịch vụ lưu trú đạt 79 tỷ đồng, chiếm 2,0% trong tổng số và giảm 50,4% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống đạt 1.563 tỷ đồng, chiếm 38,8% tổng số và giảm 22,3%; dịch vụ khác đạt 2.376 tỷ đồng, chiếm 59,0% tổng số, giảm 2,8% so với cùng kỳ.
– Doanh thu quý I đạt 1.965 tỷ đồng, giảm 12,5% so với cùng kỳ. Trong đó: dịch vụ lưu trú đạt 46 tỷ đồng, giảm 37,0%; dịch vụ ăn uống đạt 751 tỷ đồng, giảm 33,0%; dịch vụ khác đạt 1.162 tỷ đồng, giảm 2,1%.
– Doanh thu quý II ước đạt 2.060 tỷ đồng, giảm 15,0% so với cùng kỳ. Trong đó: dịch vụ lưu trú đạt 33 tỷ đồng, giảm 61,6%; dịch vụ ăn uống đạt 812 tỷ đồng, giảm 21,6%; dịch vụ khác đạt 1.213 tỷ đồng, giảm 5,6%.
6.3. Vận tải
Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải tháng 6 ước đạt 826 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 3,5%, giảm 5,0% so với cùng kỳ, trong đó: vận tải hành khách đạt 111 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 4,9%, bằng với cùng kỳ; vận tải hàng hoá đạt 656 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước, giảm 2,5% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 58 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và giảm 31,3% so với cùng kỳ.
Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải quý I đạt 1.961 tỷ đồng, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vận tải hành khách đạt 260 tỷ đồng, giảm 21,0%; vận tải hàng hoá đạt 1.527 tỷ đồng, giảm 17,0%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 172 tỷ đồng, giảm 27,9%.
Ước quý II, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải đạt 2.259 tỷ đồng, giảm 12,9%; trong đó: vận tải hành khách đạt 280 tỷ đồng, giảm 17,2%; vận tải hàng hoá đạt 1.807 tỷ đồng, giảm 10,0%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 170 tỷ đồng, giảm 30,3%.
Ước tính 6 tháng đầu năm, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải đạt 4.221 tỷ đồng, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: vận tải hành khách đạt 540 tỷ đồng, giảm 21,4 %; vận tải hàng hoá đạt 3.334 tỷ đồng, giảm 13,1%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 342 tỷ đồng, giảm 28,2%.
Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 6 ước đạt 2,6 triệu hành khách, so với tháng trước tăng 0,9% và giảm 5,7% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 113 triệu hành khách.km, tăng 6,2% so với tháng trước và giảm 15,6% so với cùng kỳ. Sáu tháng đầu năm khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 13,7 triệu hành khách, giảm 23,0% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển đạt 540 triệu hành khách.km giảm 21,5% so với cùng kỳ năm trước.
Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 6 ước đạt 10,7 triệu tấn, so với tháng trước tăng 3,4% và giảm 7,4% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 747 triệu tấn.km, tăng 1,5% so với tháng trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ. Sáu tháng đầu năm khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 56 triệu tấn, giảm 15,4% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 3.937 triệu tấn.km, giảm 14,7% so với cùng kỳ.
6.4. Hoạt động xuất, nhập khẩu
Uớc 6 tháng đầu năm, giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 3.308 triệu USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước (6T.2019 tăng 13,9%).
Theo công bố từ Tổng cục Hải quan, giá trị hàng hóa xuất khẩu tỉnh liên tục sụt giảm so với cùng kỳ năm trước trong tháng 4 và tháng 5 làm cho tốc độ tăng quý I từ +7,4% xuống còn -5,8% trong 5 tháng đầu năm. Do đó, ước tính giá trị xuất khẩu tháng 6 tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước, thì giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm vẫn giảm 3,6%.
Tương tự xuất khẩu, hoạt động nhập khẩu cũng sụt giảm nghiêm trọng, ước tính 6 tháng đầu năm giá trị nhập khẩu hàng hóa đạt 2.980 triệu USD, giảm 12,6% (6T.2019 tăng 22,6%).
6.5. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 0,79% so với tháng trước, giảm 0,13% so với tháng 12 năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm tăng 6,02% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tháng này tăng (+0,79%) là nhóm giao thông tăng cao (+5,06%); nguyên nhân là do giá xăng, dầu tăng trở lại; cụ thể: giá xăng A95 tăng 1.718 đồng/lít ; xăng E5 tăng 1.717 đồng/lít và dầu diezen tăng 1.314 đồng/lít.
Nhóm thực phẩm tăng 1,4% so tháng trước, do một số nhóm hàng chủ yếu tăng mạnh như: thịt lợn tăng 4,67%, thịt bò tăng 1,51%, thịt gà tăng 3,36%, thịt gia cầm khác tăng 9,5%; dầu mỡ ăn tăng 2,37%. Cùng với thịt gia súc tươi sống tăng nên một số mặt hàng chế biến từ thịt cũng tăng theo.
Sáu tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,02% đây là năm có CPI tăng cao nhất trong nhưng năm gần đây; trong đó, CPI quý I tăng 7,13% so với cùng kỳ năm trước; quý II tăng 4,92%.
CPI và lạm phát không chỉ là kết quả của sự vận động hay quản lý, điều hành thị trường giá cả mà còn là hệ quả tất yếu của các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó nổi bật là chính sách đầu tư, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Vì vậy, để quản lý giá tốt cần tăng cường công tác thông tin, dự báo biến động của thị trường, tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả đầu tư của Nhà nước, nhằm nâng cao năng lực sản xuất của toàn xã hội, giảm giá thành sản phẩm.
7. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động tới sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2020. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, quản lý Nhà nước đồng thời thực hiện việc hoãn, giãn thu thuế đối với các đối tượng theo quy định của Chính phủ.
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2020 ước tính đạt 6.704,4 tỷ đồng, bằng 74,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa đạt 5.728.4 tỷ đồng, bằng 82,9%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 356,1 tỷ đồng, bằng 86,3% cùng kỳ năm trước; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 1.359,8 tỷ đồng, bằng 66,0%; thu từ khu vực công, thương nghiệp ngoài quốc doanh 813,2 tỷ đồng, bằng 66,4%; thu thuế thu nhập cá nhân 493,9 tỷ đồng, bằng 115,6%; thu thuế bảo vệ môi trường 375,9 tỷ đồng, bằng 195,2%; các khoản thu về nhà, đất 1.821,2 tỷ đồng, bằng 87,1%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước tính đến thời điểm 15/6/2020 ước tính đạt 7.982 tỷ đồng, bằng 98,5% cùng kỳ năm trước; trong đó, chi thường xuyên đạt 5.665 tỷ đồng, bằng 102,6%; chi đầu tư phát triển 2.301 tỷ đồng, bằng 90,4%.
8. Hoạt động tài chính, ngân hàng
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Do vậy, dư nợ tín dụng tiếp tục tăng trưởng ước đạt 81.620 tỷ đồng, tăng 0,1% so với cuối năm 2019 và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước; nợ xấu chiếm 1,0% tổng dư nợ.
Nguồn vốn huy động được đảm bảo, ước tính đến 30/6/2020 đạt 124.600 tỷ đồng, tăng 7,0% so với cuối năm trước; tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.
II. Một số vấn đề xã hội
1. Văn hóa, thể thao
Văn hóa; Hoạt động văn hóa 6 tháng đầu năm nay chủ yếu tập trung tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tuyên truyền tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025; tăng cường các hình thức thông tin, tuyên truyền kịp thời về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch Covid – 19.
Thể thao; Dịch bệnh Covid-19 làm cho các hoạt động văn hóa, thể thao gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong thời gian cách ly xã hội phải tạm dừng hoạt động, không đảm bảo kế hoạch thu trong năm. Hiện nay các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đã trở lại bình thường.
2. Y tế
2.1. Công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19
Dịch Covid-19 đã có những diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi cả nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đồng bộ, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 trên địa bàn tỉnh. Thành lập Ban chỉ đạo tỉnh, cấp huyện và cấp xã phòng, chống dịch Covid-19; các cấp, các ngành đã thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch.
Tính đến ngày 31/5/2020, các cơ sở y tế đã tổ chức cách ly y tế đối với 8.147 trường hợp; điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm cho 3.315 trường hợp có yếu tố nguy cơ mắc Covid-19 và đã có 3 trường hợp dương tính với SAR-COV-2, tất cả các trường hợp này đều có yếu tố dịch tễ đi từ ổ dịch về. Hiện tại có 01 trường hợp đã được điều trị khỏi, 2 trường hợp đang được cách ly điều trị tại bệnh viện bệnh Nhiệt Đới theo đúng quy định. Không phát hiện trường hợp nào lây lan từ cộng đồng. Hiện nay dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát tốt.
2.2. Các công tác khác
Triển khai kế hoạch và các biện pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân như ho gà, thủy đậu, quai bị, cúm gia cầm… Đã ghi nhận một số trường hợp mắc rải rác các bệnh thủy đậu, cúm, tiêu chảy; các bệnh dịch khác có số bệnh nhân mắc đều giảm so với cùng kỳ năm 2019; không có trường hợp tử vong do dịch bệnh.
Một số bệnh viện chủ động liên kết với các bệnh viện tuyến trên triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật vượt tuyến để mở rộng phạm vi hoạt động chuyên môn và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở.
3. Giáo dục
Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 tại các cơ sở giáo dục; tổ chức dạy và học qua Internet, trên truyền hình trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường; hướng dẫn tinh giảm chương trình THCS, THPT theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; hướng dẫn các nhà trường tổ chức cho học sinh học trên các kênh truyền trung ương và các địa phương vào thời gian thích hợp; đảm bảo các điều kiện tốt nhất để học sinh trở lại trường học sau thời gian nghỉ học; đến nay, mọi hoạt động của các cấp học đã trở lại bình thường. Chuẩn bị các điều kiện đảm bảo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả cho công tác thi tuyển THPT Quốc gia, thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021.
Chất lượng giáo dục được giữ vững, có mặt tiến bộ; thành tích học sinh giỏi quốc gia được duy trì giữ vững, tổng số 68/99 học sinh đạt giải (4 giải Nhất, 20 giải Nhì, 20 giải Ba và 24 Khuyến khích). Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt, chất lượng được nâng cao..
Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia được các địa phương, nhà trường tiếp tục quan tâm đầu tư. Hoàn thành việc sáp nhập trường THPT Hoàng Văn Thụ và Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Quy mô trường, lớp tham gia triển khai chương trình Tiếng Anh tiếp tục tăng.
4. Giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội
Trong 6 tháng ước giải quyết việc làm trong nước cho 10.350 lao động bằng 57% so với cùng kỳ 2019, đạt 29,1% kế hoạch năm. Đã tổ chức 14 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 11 phiên giao dịch định kỳ và 03 phiên giao dịch lưu động, thu hút 235 doanh nghiệp tham gia với 2.616 người lao động. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp được triển khai có hiệu quả. Tiếp tục thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp, trong 6 tháng đầu tuyển mới được 11.144 người, công nhận tốt nghiệp cho 10.696 người.
Tổ chức thăm và tặng quà trên 623.000 suất quà Tết cho các gia đình có công, đối tượng bảo trợ xã hội, trợ cấp khó khăn cho trên 11.000 hộ nghèo trong dịp Tết nguyên đán. Triển khai xây dựng 7 ngôi nhà Đại đoàn kết (50 triệu đồng/nhà). Hỗ trợ 60 ngôi nhà tình nghĩa tại tỉnh Phú Yên tổng trị giá 3 tỷ đồng nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày kết nghĩa giữa hai tỉnh Hải Dương – Phú Yên.
Triển khai chính sách hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo quy định của Chính phủ; đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách hỗ trợ người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn của 12 huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần NCC và XH với tổng số đối tượng hỗ trợ là 161.717 người, tổng số tiền hỗ trợ là hơn 199 tỷ đồng; cơ bản đã thực hiện chi trả xong tiền hỗ trợ cho các nhóm đối tượng nêu trên.
Tiếp tục thực hiện các hoạt động, các chính sách Bảo trợ xã hội, chính sách đối với người khuyết tật, người cao tuổi, Trẻ em mồ côi, Đề án 32, Đề án 1215, Cộng đồng Văn hóa ASEAN, phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đối với các đối tượng yếu thế năm 2020.
5. Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản được tăng cường, tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp theo Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp có giấy phép khai thác khoáng sản chấp hành các quy định của Pháp luật. Tăng cường kiểm tra, xử lý đối với một số hoạt động vận chuyển, khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục thực hiện kế hoạch và phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Tổ chức kiểm tra, đưa ra khỏi danh sách cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường; xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trương đối với một số cơ sở sản xuất kinh doanh . Theo dõi kết quả quan trắc môi trường tự động của các cơ sở qua hệ thống truyền nhận dữ liệu; tổ chức kiểm tra, quan trắc đối chứng hệ thống quan trắc môi trường tự động của các cơ sở trên địa bàn tỉnh; phối hợp triển khai lắp đặt trạm quan trắc môi trường xung quanh tự động tại các vị trí đã được phê duyệt theo nội dung Đề án nâng cao năng lực quan trắc môi trường tỉnh Hải Dương.
Trong tháng 6, trên địa bàn tỉnh phát hiện và xử lý 05 vụ vi phạm môi trường, gồm xả thải và khai thác cát trái phép, số tiền xử phạt là 17,5 triệu đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện 42 vụ vi phạm quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó xử lý 40 vụ với tổng số tiền phạt 1.816 triệu đồng.
6. Trật tự an toàn xã hội
Về tai nạn cháy, nổ; Trong tháng 6 trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy kho kim khí tại huyện Thanh Miện, vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người và không bị cháy lan ra các hộ dân liền kề nhưng đã thiêu rụi chiếc xe ô tô tải 2,8 tấn (mới mua), cùng que hàn, mũi khoan, đá mài, đá cắt, kìm, kéo… tổng trị giá trên 2 tỷ đồng. Ngày 19/6, xảy ra vụ tai nạn điện giật khi treo pano, làm 03 người bị ngã từ trên cao xuống đất gây thương vong nặng, tuy nhiên 02 người đã tử vong, nạn nhân còn lại được cấp cứu tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh.
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ cháy, nổ làm chết 03 người và bị thương 02 người, thiệt hại ước tính 23,4 tỷ đồng.
Về tai nạn giao thông (TNGT); Sáu tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 120 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 106 người, làm bị thương 42 người ; so với cùng kỳ năm 2019, số vụ TNGT giảm 06 vụ (giảm 4,8%), giảm 09 người chết (giảm 7,8%) và giảm 14 người bị thương (giảm 25%). Trong đó : đường bộ xảy ra 115 vụ, làm 106 người chết và 42 người bị thương ; đường thủy nội địa xảy ra 03 vụ, không thiệt hại về người ; không xảy ra TNGT đường sắt.
TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 02 vụ, làm 05 người chết và 02 người bị thương ; TNGT rất nghiêm trọng xảy ra 04 vụ, làm 08 người chết và 01 người bị thương. Trên các tuyến Quốc lộ xảy ra 46 vụ, làm chết 48 người và bị thương 11 người (tập trung chủ yếu trên QL.5; QL.37; QL38B và QL.17B); các tuyến đường tỉnh xảy ra 24 vụ, làm chết 25 người và bị thương 10 người.
* * *
Khái quát lại, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 làm cho hoạt động sản xuất công nghiệp tăng chậm, khá nhiều ngành giảm so với cùng kỳ; các ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng lớn, trong đó, các ngành vận tải và dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm mạnh ; hoạt động nông nghiệp tăng khá cao giúp ổn định đời sống khu vực nông thôn nhưng tỷ trọng nhỏ, không đủ sức “vực dậy” nền kinh tế của tỉnh.
Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 đề ra ở mức cao nhất, trong 6 tháng cuối năm 2020, các cấp chính quyền sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả những chủ trương, biện pháp đã đề ra ngay từ đầu năm.
[1] Báo cáo sơ bộ Triển vọng kinh tế OECD, tháng 6 năm 2020: Kịch bản tránh được Covid-19 bùng phát lần 2 tăng trưởng -6,0%; hoặc kịch bản Covid-19 bùng phát lần 2, tăng trưởng dự báo -7,6%.
[2] Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu, tháng 6/2020.
[3] Báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới giữa năm 2020.
[4] Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
[5] Ngân hàng Phát triển châu Á.
Cục Thống kê tỉnh Hải Dương