Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/05/2021-15:12:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2021 tỉnh Hải Dương

Sản xuất vụ đông đạt kết quả tốt, chăn nuôi lợn tiếp tục phục hồi; sản xuất công nghiệp tăng cao với đóng góp đáng kể từ dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương; lĩnh vực dịch vụ tăng cao; nhiều hoạt động văn hoá, thể thao được triển khai thực hiện.

Kinh tế

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Trồng trọt

Nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất nông nghiệp trong tháng là tập trung thu hoạch rau mầu vụ đông, chăm sóc mạ, bơm nước đổ ải, làm đất gieo trồng vụ chiêm xuân.

Vụ đông năm 2021, toàn tỉnh gieo trồng được 21.435 ha, tăng 0,6% (+133 ha) so với vụ đông năm 2020. Do làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, tích tụ ruộng đất, đã tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng phát triển trồng cây vụ đông; xuất hiện nhiều hộ thuê, mượn đất sản xuất cây vụ đông với quy mô lớn. Một số cây trồng có diện tích gieo trồng tăng nhiều so với vụ đông năm 2020 là: cây dưa chuột +132 ha; hành củ +244 ha; súp lơ +96 ha; bắp cải +46 ha… so với cùng kỳ năm 2020.

Cơ cấu cây vụ đông năm 2021 tiếp tục được dịch chuyển tích cực theo hướng mở rộng diện tích cây rau các loại có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ, quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo nhu cầu thị trường, nhất là cung cấp cho các thành phố lớn và khu vực miền trung. Trong cơ cấu cây rau vụ đông đã có sự phân chia giữa các địa phương, tạo ra nét riêng biệt góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và hình thành những vùng sản xuất chuyên canh như: Thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách trồng hành củ và mủa; huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành chuyên trồng các loại rau su hào, bắp cải, súp lơ, củ đậu; huyện Nam Sách, Cẩm Giàng chuyên trồng cà rốt….

Nhóm cây rau các loại có diện tích gieo trồng lớn nhất 17.117 ha, chiếm tỷ trọng 79,9% tổng diện tích gieo trồng, tăng 1,3%; tiếp đến là nhóm cây chất bột có củ 1.546 ha, chiếm 7,2%, giảm 2,1%; nhóm cây lương thực có hạt 1.484 ha, chiếm 6,9%, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước; các nhóm cây còn lại chiếm tỷ nhỏ.

1.2. Chăn nuôi

Trong tháng 01, tình hình chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh; chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh vẫn gặp khó khăn do khan hiếm nguồn cung lợn giống để khôi phục đàn sau dịch tả lợn Châu Phi.

Tại thời điểm 31/01/2021, đàn trâu ước đạt 4.700 con, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tháng 01 ước đạt 58 tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đàn bò có xu hướng tăng nhanh do hiệu quả chăn nuôi bò thương phẩm đạt khá nên người chăn nuôi có xu hướng mở rộng qui mô, nhiều mô hình chăn nuôi bò thương phẩm qui mô lớn được mở rộng ở nhiều địa phương. Tổng đàn bò ước đạt 20.000 con, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng trong tháng ước đạt 160 tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Chăn nuôi lợn tiếp tục gặp khó khăn do khan hiếm nguồn cung lợn giống để khôi phục đàn. Tổng đàn lợn thịt tại thời điểm 31/01/2021 ước đạt 197.000 con, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 4.560 tấn, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Đàn gia cầm tăng khá, tại thời điểm 31/01/2021, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh ước đạt 16.000 nghìn con, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó đàn gà ước đạt 11.566 nghìn con, tăng 12,3%. Đàn gà được duy trì, phát triển tốt do các hộ chăn nuôi đã làm tốt công tác phòng bệnh, vệ sinh môi trường nên dịch bệnh không xảy ra. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng trong tháng 01 ước đạt 5.100 tấn, tăng 15,9% so với cùng kỳ; sản lượng trứng ước đạt 23.000 nghìn quả, giảm 4,2% so với cùng kỳ.

1.3. Thuỷ sản

Nuôi trồng thuỷ sản phát triển ổn định, không có dịch bệnh, giá bán ổn định, hiệu quả nuôi trồng thủy sản đạt khá; phương thức nuôi cá lồng bè vẫn được duy trì và phát triển mạnh do phương thức nuôi lồng bè đem lại hiệu quả kinh tế cao, với các chủng loại cá đa dạng như: Diêu hồng, Rô phi đơn tính, Trắm cỏ, Cá chép nuôi giòn …

Diện tích thuỷ sản đang nuôi ước đạt trên 11.000 ha, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 6.400 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp

Sang năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường. Mặc dù các dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2021 là rất khả quan, nhưng hiện nay các hoạt động sản xuất, đầu tư, xuất khẩu chưa có thay đổi nhiều so với năm 2020. Do vậy, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại như các năm trước dịch.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

So với tháng trước, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm 7,8%, với hầu hết các ngành đều có sản lượng sản xuất giảm. Cụ thể ngành khai khoáng giảm 16,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,1%, và đây cũng là nguyên nhân chính làm sản lượng của ngành sản xuất và phân phối điện giảm 13,3% so với tháng trước.

Các doanh nghiệp sản xuất thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều là những khách hàng lớn của ngành sản xuất và phân phối điện, tiêu dùng một lượng lớn điện năng. Nên khi những doanh nghiệp này thu hẹp sản xuất cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng điện năng giảm, kéo theo hoạt động sản xuất và phân phối điện cũng bị ảnh hưởng.

So với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp tỉnh Hải Dương tháng 01 năm 2021 tăng 13,2%; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 37,1%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 1,5%; riêng ngành khai khoáng giảm 9,0%.

Nguyên nhân sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng cao là do năm nay kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán rơi vào giữa tháng 02, trong khi năm 2020 là cuối tháng 01; do vậy, chênh lệch về số ngày sản xuất thực tế là khoảng 7 ngày làm việc. Đồng thời, Công ty TNHH điện lực Jack Hải Dương đã chính thức đi vào hoạt động ổn định làm gia tăng sản lượng điện sản xuất, ước tính đóng góp 310 triệu Kwh, chiếm 41,8% sản lượng điện sản xuất trong tháng.

Một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng là: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 58,6%; bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, váy dài, váy, chân váy, quần dài, quần yếm, quần sooc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc tăng 9,3%; áo phông (T-shirt), may ô người lớn tăng 7,5%; mạch điện tử tích hợp tăng 3,3%; máy kết hợp từ hai chức năng trở lên: in, quét, coppy,… tăng 31,8%; máy khâu loại dùng cho gia đình tăng 60,5%; bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ tăng 29,5%; điện sản xuất tăng 41,3%; nước uống được tăng 8,31%; …

Bên cạnh đó, cũng có một số sản phẩm có lượng sản xuất giảm sâu và khá sâu như bia đóng chai giảm 30,2%; giày dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài giảm 9,0%; xi măng portland đen giảm 4,7%; máy khâu loại khác, trừ máy khâu sách và máy khâu gia đình giảm 26,3%; xe có động cơ chở được 5 người trở lên chưa được phân vào đâu giảm 42,7%; …

2.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/01/2021 tăng 1,4% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 3,1% so với cùng kỳ.

So với cùng kỳ, đa số các ngành đều có số lượng lao động giảm, điển hình như khai khoáng khác -19,5%; sản xuất đồ uống -5,5%; dệt -10,5%; sản xuất trang phục -7,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan -10,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác -9,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) -2,6%; sản xuất thiết bị điện -6,5% …

Ngược lại, một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng như: sản xuất chế biến thực phẩm +3,9%; sản xuất hoá chất và các sản phẩm hoá chất +0,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic +1,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học +15,1%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu +8,9%; sản xuất xe có động cơ +1,0%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu +8,0% …

Hoạt động đầu tư

Để phát triển kinh tế trong năm 2021, sức bật quan trọng và hàng đầu là từ nội lực. Điều đó đã được chứng minh trong suốt năm 2020 vừa qua khi mà trong mối tương quan với sự thay đổi của thế giới và sự tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, nền kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương. Yếu tố quan trọng là sự nỗ lực bền bỉ của các doanh nghiệp Việt và chính sách đầu tư công của Chính phủ cùng với những giải pháp của Chính phủ ứng phó với dịch Covid-19 đã tác động tích cực tới sự phát triển của nền kinh tế. Dễ nhận thấy vai trò của đầu tư công vô cùng quan trọng bởi đó chính là trụ cột của nền kinh tế, đầu tư công kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn và cả dài hạn.

Ước tháng 1, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 99 tỷ đồng, đạt 2,6% kế hoạch năm, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 44 tỷ đồng, tăng 1,2%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 47 tỷ đồng, tăng 5,9%; vốn ngân sách cấp xã đạt 8 tỷ đồng, tăng 2,5%.

Thương mại, giá cả, dịch vụ

Tháng đầu năm 2021 cũng là thời điểm cận kề Tết Tân Sửu, vì vậy các hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải diễn ra khá sôi động do nhu cầu mua sắm, đi lại tăng cao. Thêm vào đó, Tết Nguyên Đán năm trước diễn ra trong tháng 01, nên có chênh lệch số ngày hoạt động kinh doanh, do vậy doanh thu hoạt động ngành thương mại và đa số ngành dịch vụ đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 6.090 tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 19,4% (bán lẻ +19,5%; dịch vụ tiêu dùng xã hội +18,9%).

4.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 1 năm 2021 ước đạt 5.236 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước.

Phân theo mặt hàng: nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất ước đạt 2.016 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng cũng chiếm cơ cấu tương đối trong tổng số, ước đạt 865 tỷ đồng, tăng 3,0% so với tháng trước và tăng 31,0% so với cùng kỳ năm trước; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước đạt 696 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.

4.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 1 năm 2021 ước đạt 854 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 19,5% so với cùng kỳ; trong đó, dịch vụ lưu trú ước đạt 15 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước, giảm 30,6% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống ước đạt 350 tỷ đồng, tăng 1,0% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ; dịch vụ khác ước đạt 489 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 31,0% so với cùng kỳ.

4.3. Vận tải

Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt 962 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 35,6% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 129 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 3,2%, so với cùng kỳ tăng 17,5%; vận tải hàng hoá đạt 768 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 42,5% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 65 tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ.

Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 1 ước đạt xấp xỉ 3,0 triệu hành khách, so với tháng trước tăng 2,6% và tăng 17,5% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 141 triệu hành khách.km, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 32,5% so với cùng kỳ.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 1 ước đạt 13,1 triệu tấn, so với tháng trước tăng 1,3% và tăng 35,6% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 769 triệu tấn.km, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 16,1% so với cùng kỳ.

4.4. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 năm 2021 giảm 0,31% so với tháng trước, giảm 2,33% so với cùng kỳ năm trước. Trong 5 năm qua, đây là năm có chỉ số giá tháng giáp Tết giảm.

Tác động làm giảm chỉ số giá tháng này phải kể đến nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng có xu hướng giảm mạnh, với mức giảm 5,58% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của việc hỗ trợ giá điện cho hộ tiêu dùng lần 2 vì dịch Covid-19 các tháng 10, 11 và 12, nhưng được tính cộng dồn vào đầu tháng 01/2021; mức hỗ trợ này làm giá điện tiêu dùng giảm gần 30%. Nếu không tính hỗ trợ giảm giá điện tiêu dùng như trên, CPI sẽ tăng nhẹ.

Bên cạnh đó, một số nhóm hàng có xu hướng tăng, tăng cao nhất là nhóm giao thông với mức tăng 2,29%, do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu (giá xăng A95 tăng 998 đồng/ lít, giá xăng E5 tăng 891 đồng/ lít và dầu diezen tăng 817 đồng/lít). Tiếp theo, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng tăng khá cao; trong đó, nhóm thực phẩm tăng 1,94%, chủ yếu vẫn do thịt lợn tăng cao do nhu cầu tiêu dùng tăng trong khi nguồn cung thiếu hụt.

Giá Vàng tháng này đã có xu hướng tăng, với mức tăng 2,31% so với tháng trước. Ngược chiều với giá Vàng, Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng này có xu hướng giảm, với mức giảm 0,2% so với tháng trước.

Một số vấn đề xã hội

  1. Văn hóa, thể thao

Văn hóa; Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được triển khai thực hiện tốt; hoàn thành việc khai quật khảo cổ tại khu di tích chùa Ngũ Đài, thành phố Chí Linh.

UBND tỉnh đã lập hồ sơ và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội truyền thống Đền, Đình Sượt (thành phố Hải Dương) và Lễ hội truyền thống Đền Quát (huyện Gia Lộc). Các địa phương cũng đã lập hồ sơ xét duyệt xếp hạng 07 di tích cấp tỉnh năm 2020.

Tổ chức công bố biểu trưng (Logo) tỉnh Hải Dương và tổng kết, trao giải cuộc thi sáng tác biểu trưng tỉnh Hải Dương.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động nhân Lễ kỷ niệm 720 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và 578 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Xây dựng Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Thể thao; Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch xây dựng ao bơi hợp vệ sinh giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tổ chức Đại hội thể dục thể thao các cấp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2022; Đề án phát triển sự nghiệp thể dục thể thao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án chuẩn bị lực lượng huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao tham dự Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022; Đề án xây dựng và hoàn thiện thiết chế văn hóa tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức đăng cai môn Bóng bàn trong chương trình Seagames 31- năm 2021.

Y tế

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới. Trong tỉnh, dịch vẫn được kiểm soát tốt, không có dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Tính từ thời điểm kiểm soát được sau đợt bùng phát dịch lần thứ hai, từ ngày 03/9 đến nay Hải Dương không có ca bệnh mới.

Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch bệnh lây nhiễm khác vẫn được duy trì và thực hiện tốt, bảo đảm không xảy ra dịch chồng dịch.

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho công tác khám, chữa bệnh. Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới khám chữa bệnh kết hợp với nâng cao chất lượng điều trị để giảm ngày điều trị trung bình, giảm quá tải bệnh viện; nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Giáo dục

Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi – Hải Dương đã xuất sắc giành 81 giải các loại tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2020-2021, gồm: 4 giải nhất (các môn toán, hóa học, địa lý và tiếng Nga), 21 giải nhì, 28 giải ba và 28 giải khuyến khích. Đây là năm thứ 3 liên tục thí sinh tỉnh ta đoạt giải nhất môn tiếng Nga. Thành tích kỳ thi học sinh giỏi năm nay tương đương so với năm học trước (năm học 2019-2020, Hải Dương giành được 4 giải nhất, 20 giải nhì, 20 giải ba và 24 giải khuyến khích).

Học sinh đoạt giải cao của Tỉnh cùng với 35 tỉnh, thành phố khác sẽ được lựa chọn để tham dự kỳ thi chọn các đội tuyển thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2021.

Bảo vệ môi trường

Chào mừng Đại hội XIII của Đảng, phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu, trên địa bàn Thành phố Hải Dương thực hiện tổng vệ sinh, các nội dung trọng tâm là: phát quang cỏ dại tại các vỉa hè, ô đất chưa xây dựng, xa khu dân cư; quét, thu gom, vận chuyển rác vãng lai …

Tháng 01/2021, toàn tỉnh phát hiện 24 vụ và xử lý 17 vụ vi phạm môi trường, số tiền xử phạt là 56,4 triệu đồng.

Trật tự an toàn xã hội

Về tai nạn cháy, nổ; Trong tháng 01, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy làm thiệt hại ước tính là 80 triệu đồng và không xảy ra vụ nổ nào.

Về tai nạn giao thông; Tháng 01/2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 27 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 25 người, làm 13 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước tăng 04 vụ (17,4%), tăng 03 người chết (13,6%), tăng 07 người bị thương (116,7%)./.


Cục Thống kê tỉnh Hải Dương

    Tổng số lượt xem: 632
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)