Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 13/04/2020-14:47:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2020 của tỉnh Hải Dương

Kinh tế toàn cầu bước vào năm 2020 với những yếu tố bất lợi; dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều nước, giá dầu thô giảm... Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng chịu khá nhiều tác động tiêu cực; hoạt động sản xuất công nghiệp tăng chậm, khá nhiều ngành giảm so với cùng kỳ; dịch vụ chịu ảnh hưởng lớn, trong đó, các ngành vận tải và dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm “sâu”. Điểm sáng trong quý I là sản xuất nông nghiệp tăng trưởng cao; năng suất, sản lượng cây vụ đông tiếp tục tăng, thị trường tiêu thụ ổn định.

Kinh tế toàn cầu bước vào năm 2020 với những yếu tố bất lợi; dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều nước, giá dầu thô giảm, chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Iran, tác động tiêu cực biến đổi khí hậu.... Trong bối cảnh đó, nhiều tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2020 sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2019. Đặc biệt trong quý I, ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh làm dự báo tăng trưởng nhiều quốc gia tăng rất thấp (hoặc âm), cụ thể[1]: Mỹ +1,9% (CK +2,7%); Trung Quốc +3,5% (CK 6,4%); Nhật -1,2% (CK +0,8%); Hàn Quốc -0,4% (CK +1,7%); Thái Lan +0,2% (CK +2,8%); Ma-lai-xi-a +2,0% (CK +4,5%); Xin-ga-po -0,6% (CK +1,0%).

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng chịu khá nhiều tác động tiêu cực; hoạt động sản xuất công nghiệp tăng chậm, khá nhiều ngành giảm so với cùng kỳ; dịch vụ chịu ảnh hưởng lớn, trong đó, các ngành vận tải và dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm “sâu”. Điểm sáng trong quý I là sản xuất nông nghiệp tăng trưởng cao; năng suất, sản lượng cây vụ đông tiếp tục tăng, thị trường tiêu thụ ổn định. Cụ thể các lĩnh vực như sau:

I. Kinh tế

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Trồng trọt

Vụ đông năm 2020, toàn tỉnh gieo trồng được 21.302 ha, giảm 0,4% (-82 ha) so với vụ đông năm 2019. Một số cây giảm so với vụ đông năm 2019, trong đó giảm nhiều nhất là nhóm rau các loại (- 366 ha): củ đậu (-157 ha), cải các loại (-114 ha), tỏi các loại (-92 ha), rau cần (-81 ha), đậu đũa (-73 ha), cà tím, cà pháo (-33 ha), hành hoa (-72 ha),...Bên cạnh một số cây trồng có diện tích gieo trồng giảm thì một số cây trồng vụ đông năm nay tăng so với vụ đông năm 2019 như: ngô (+100 ha), rau muống (+79 ha), mùng tơi (+29 ha), bắp cải (+37 ha), su hào (+32 ha), dưa chuột (+33 ha), hành củ (+28 ha), ...

Cơ cấu cây trồng vụ đông năm 2020 tiếp tục được dịch chuyển tích cực theo hướng mở rộng diện tích cây rau đậu có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ, quy vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo nhu cầu thị trường, nhất là cung cấp cho các thành phố lớn và khu vực miền Trung. Trong cơ cấu rau màu vụ đông đã có sự phân chia giữa các địa phương, tạo ra nét riêng biệt góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và hình thành những vùng sản xuất chuyên canh như: huyện Kinh Môn, Nam Sách trồng hành củ và mủa; huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành chuyên trồng các loại rau su hào, bắp cải, súp lơ, củ đậu; huyện Nam Sách, Cẩm Giàng chuyên trồng cà rốt....

Tình hình tiêu thụ nông sản vụ đông năm nay cơ bản thuận lợi; giá bán bình quân đều tăng so với năm trước, người dân có lãi, ước tính trừ chi phí thu nhập một sào bắp cải, su hào, súp lơ giao động từ 6 đến 7 triệu đồng/sào. Những cây trồng đạt khá cả về sản lượng và giá trị như cây su hào, bắp cải, cà chua, mủa, hành hoa,....

Sản xuất vụ chiêm xuân năm nay có thời tiết ấm, rét đậm, rét hại không kéo dài; nguồn nước đổ ải ổn định; khâu làm đất, giống, phân bón, vật tư nông nghiệp được chuẩn bị khá đầy đủ; nên hầu hết diện tích lúa, rau mầu được gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng xong diện tích lúa và cây rau mầu vụ chiêm xuân; tổng diện tích gieo trồng vụ chiêm xuân 2020 ước đạt 67.600 ha, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, diện tích lúa ước đạt 57.150 ha; rau, màu vụ xuân ước đạt 9.600 ha. Về cơ bản, lúa chiêm xuân năm nay sinh trưởng và phát triển thuận lợi.

1.2. Chăn nuôi

Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, không xẩy ra dịch bệnh. Riêng chăn nuôi lợn còn gặp khó khăn, nguồn lợn giống khan hiếm nên việc tái đàn sau dịch chậm.

Tổng đàn trâu trên địa bàn trong quý I có xu hướng tăng, do nhu cầu cao về sản lượng thịt trâu xuất chuồng, tổng đàn trâu của toàn tỉnh ước đạt 4.200 con, tăng 4,2%; Đàn bò ước đạt 18.450 con, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 142 tấn, tăng 7,6%; sản lượng thịt bò ước đạt 412 tấn, giảm 3% so với cùng kỳ.

Tổng đàn lợn thịt của toàn tỉnh ước đạt 210.080 con, giảm 50,7% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, Đàn lợn đang được khôi phục sau dịch tả lợn Châu phi, tuy nhiên việc tái đàn chậm, người chăn nuôi sản xuất cầm chừng, không mạnh dạn đầu tư tái đàn nên đàn lợn thịt khôi phục chậm. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I ước đạt 12.758 tấn, giảm 44,2% so với cùng kỳ.

Về đàn gia cầm, nhiều hộ trang trại, gia trại chuyển từ chăn nuôi lợn sang nuôi gà để bù đắp chi phí thua lỗ trong nuôi lợn và duy trì quy mô chuồng trại đã xây dựng. Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh ước đạt 13.000 nghìn con, tăng 13,0% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó đàn gà ước đạt 9.900 nghìn con tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2019. Đàn gà được duy trì, phát triển tốt do các hộ chăn nuôi đã làm tốt công tác phòng bệnh, vệ sinh môi trường nên bệnh dịch không xảy ra.

Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng quý I ước đạt 59.200 tấn, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng trứng ước đạt trên 30.000 nghìn quả, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại hiệu quả chăn nuôi gia cầm đạt thấp do ảnh hưởng của cúm gia cầm nên giá bán cũng có lúc giảm sâu. Mặt khác là do ảnh hưởng của Covid-19 nên gia cầm xuất ra ngoài tỉnh hạn chế, khó khăn.

1.3. Lâm nghiệp

Trong quý I, toàn tỉnh đã trồng được trên 280.000 cây, những huyện, thị có số lượng cây trồng nhiều như Chí Linh, Thanh Hà, Kinh Môn. Cây phân tán chủ yếu được trồng trong dịp đầu xuân, trồng tập trung ở các khu đô thị mới, công viên, công sở, trường học, các khu di tích, danh lam thắng cảnh, quanh bãi rác, đường làng, đường trục ngoài cánh đồng, các trang trại; các giống cây được trồng chủ yếu: sấu, bạch đàn, keo, long lão...

1.4. Thủy sản

Tình hình nuôi trồng thuỷ sản phát triển ổn định, công tác vệ sinh ao nuôi và phòng trừ dịch bệnh được duy trì thường xuyên nên cơ bản dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ, rải rác. Diện tích nuôi trồng thủy sản mặt nước được duy trì ổn định, với diện tích đang nuôi trồng thủy sản quý I ước đạt trên 11.000 ha, tương đương với cùng kỳ năm 2019.

Phương thức nuôi lồng bè tiếp tục được duy trì và mở rộng sản xuất. Hiện nay, toàn tỉnh ước đạt trên 6.000 lồng nuôi cá; tổng thể tích nuôi ước đạt 720.000 m¬3. Sản lượng thủy sản nuôi trồng, khai thác quý I ước đạt 26.550 tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ 2019.

Hiện nay, người nuôi trồng thủy sản đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên thị trường thấp, trong khi nguồn cung lại dồi dào do hầu hết các ao nuôi đang trong thời kỳ cho thu hoạch.

2. Sản xuất công nghiệp

Những tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc phục vụ sản xuất một số ngành công nghiệp bị giảm sút so với thời điểm trước khi có dịch. Vì vậy sản xuất công nghiệp của tỉnh 3 tháng đầu năm tuy vẫn duy trì được đà tăng nhưng tốc độ đã giảm sút.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

So với tháng trước, sản xuất công nghiệp của tỉnh tháng 3 tăng 10,4%; trong đó ngành có mức tăng cao nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,5%; tiếp đến là ngành khai khoáng tăng 7,4%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 4,5%; riêng ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải giảm 6,6%.

So với cùng kỳ, sản xuất công nghiệp tháng 3 giảm 2,0%; trong đó ngành khai khoáng giảm 21,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,7%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 3,4%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 8,0%.

Tính chung quý I, sản xuất công nghiệp tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,9% (cùng kỳ năm trước tăng 12,6%). Các ngành thế mạnh (chiếm tỷ trọng lớn) của tỉnh đều giảm so cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do: (1) nguồn cung nguyên liệu đầu vào thiếu hút (chủ yếu từ Trung Quốc) thể hiện qua cả số liệu nhập khẩu ước giảm 22,4% so cùng kỳ; các ngành ảnh hướng lớn là may mặc, da giày; (2) yếu tố thị trường (nhu cầu thị trường giảm) tác động đến sản xuất xi măng, sắt thép, thức ăn chăn nuôi, bia, xe ô tô.

Điểm sáng hoạt động công nghiệp là sản xuất điện tăng trưởng khá cao của Nhiệt điện Phả Lại; so cùng kỳ, sản lượng điện sản xuất tăng 20,6% (trong khi đó 5 năm gần đây đều giảm đều giảm 3-5%/năm); nguyên nhân tăng do nguồn nước thủy điện thiếu hụt nên các nguồn nhiệt điện được huy động sản xuất nhiều hơn.

Với các sản phẩm có lượng sản xuất tăng như cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 15,3%; đinh, đinh mũ, ghim dập (trừ ghim dập dạng mảnh) tăng 7,0%; mạch điện tử tích hợp tăng 6,3%; micro và các linh kiện của chúng tăng 8,2%; bơm nước một tầng, một của hút, trục ngang tăng 12,7%; máy khâu loại dùng cho gia đình tăng 3,6%; điện sản xuất tăng 20,6%; nước uống được tăng 5,4%;…

2.2. Chỉ số tiêu thụ

Chỉ số tiêu thụ sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3 năm 2020 tăng 5,7% so với tháng trước và giảm 7,2% so với cùng kỳ. Tính chung 3 tháng đầu năm tiêu thụ sản phẩm giảm 0,8%, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng như: dệt tăng 17,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plactic tăng 1,2%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 17,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 6,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học tăng 7,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 0,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 14,2%...

2.3. Chỉ số tồn kho

Tồn kho tại thời điềm 01/4/2020 tăng 21,6% so với tháng trước và tăng 19,6% so với cùng kỳ. Các ngành có lượng tồn kho so với cùng kỳ giảm là: dệt giảm 10,6%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 3,5%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 7,0%; sản xuất hoá chất và các sản phẩm hoá chất giảm 28,0%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plactic giảm 10,0%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 21,8%; công nghiệp chế biến chế tạo khác giảm 28,1%.

Các ngành có chỉ số tồn kho tăng là: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,6%; sản xuất đồ uống tăng 36,8%; sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 34,2%; sản xuất thuốc, hoá dược, dược liệu tăng 16,2%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 56,8%; sản xuất kim loại tăng 37,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học tăng 15,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 28,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 11,7%.

2.4. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/3/2020 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,1% so với cùng kỳ; tính chung 3 tháng đầu năm tăng 1,6%. Một số ngành có lao động cộng dồn tăng so với cùng kỳ như: dệt tăng 22,0%; sản xuất trang phục tăng 1,3%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,8%; sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 11,8%; công nghiệp chế biến chế tạo khác tăng 19,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 1,4%...

3. Hoạt động đầu tư

Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý quý I đạt 282 tỷ đồng, chiếm 7,8% kế hoạch năm; giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 130,3 tỷ đồng, chiếm 7,9% kế hoạch năm, giảm 3,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 128,9 tỷ đồng, chiếm 7,4% kế hoạch năm, giảm 5,8%, vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 23,2 tỷ đồng, chiếm 10,8% kế hoạch năm, giảm 6,3%.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý I ước đạt 9.638 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước: trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn đạt 913 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngoài nhà nước đạt 5.400 tỷ đồng, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3.325 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.

Về thu hút đầu tư trong nước, tính đến ngày 10/3/2020 đã chấp thuận cho 44 dự án, trong đó 29 dự án mới và 15 dự án điều chỉnh. Tổng số vốn thu hút đầu tư là 1.801,5 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đã thu hồi chấm dứt hoạt động đối với 03 dự án.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt 37,4 USD bằng 13% so với cùng kỳ 2019; trong đó, cấp mới cho 6 dự án với số vốn đăng ký 7,2 triệu USD (trong đó có 05 dự án trong ngành công nghiệp, 01 dự án thuộc ngành ăn uống; đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ); điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 5 lượt dự án với số vốn tăng thêm 31,2 triệu USD.

Dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến tất cả các nền kinh tế. Riêng trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư, hội thảo, các diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn xúc tiến đầu tư cũng bị trì hoãn nên, chưa đưa ra các quyết định đầu tư ở thời điểm này. Đối với những dự án đang hoạt động, khả năng tăng vốn đầu tư cũng giảm sút.

Về thành lập mới doanh nghiệp, tập trung triển khai các giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển mới doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tính đến đầu tháng 3 năm 2020, đã cấp giấy chứng nhận ĐKKD thành mới cho 326 doanh nghiệp (tăng 14% so với cùng kỳ); giải thể 81 doanh nghiệp.

4. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Trước diễn biến tình hình dịch viêm phổi cấp COVID-19 diễn ra rất nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường và chưa dự báo được đỉnh dịch, thời điểm kết thúc, quy mô và phạm vi tác động. Dịch đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nước ta. Trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể đến là du lịch, lưu trú ăn uống và vận tải đã làm cho hoạt động thương mại, dịch vụ của cả nước nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng bước vào giai đoạn khó khăn.

4.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 3 ước đạt 3.978 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 1,0%, tăng 4,6% so với cùng kỳ.

Phân theo mặt hàng; nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất đạt 1.373 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng cũng chiếm cơ cấu tương đối trong tổng số, đạt 582 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 535 tỷ đồng, tăng 1,0% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý I, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 12.401 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Phân theo mặt hàng; nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất với 35,0% trong tổng số và đạt 4.345 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng cũng chiếm cơ cấu tương đối với 14,7% trong tổng số, đạt 1.818 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 1.683 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

4.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 3 ước đạt 589 tỷ đồng, giảm 7,4% so với tháng trước, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Phân theo ngành kinh tế; dịch vụ lưu trú đạt 12 tỷ đồng, giảm 10,1% so với tháng trước và giảm 52,9% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống đạt 191 tỷ đồng, giảm 17,5% so với tháng trước và giảm 36,9% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ khác đạt 385 tỷ đồng, giảm 1,3% so với tháng trước và giảm 4,0% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 3 tháng đầu năm ước đạt 1.992 tỷ đồng, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm trước.

Phân theo ngành kinh tế; dịch vụ lưu trú đạt 48 tỷ đồng, chiếm 2,4% trong tổng số, giảm 34,9% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống đạt 752 tỷ đồng, chiếm 37,8% tổng số, giảm 22,8% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ khác đạt 1.186 tỷ đồng, chiếm 59,5% tổng số, bằng cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý I năm 2020 nếu loại trừ yếu tố giá tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ giảm 2,1% (giá hiện hành tăng 5% là mức tăng thấp nhất của quý I các năm gần đây).

4.3. Vận tải

Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải tháng 3 ước đạt 650 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 0,8% và giảm 22,8% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 78 tỷ đồng, bằng so với tháng trước và giảm 33,2% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hoá đạt 512 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước, giảm 20,7% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 58 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước, giảm 24,2% so với cùng kỳ.

Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải 3 tháng đầu năm ước đạt 2.005 tỷ đồng, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vận tải hành khách đạt 266 tỷ đồng, giảm 23,6%; vận tải hàng hoá đạt 1.560 tỷ đồng, giảm 14,7%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 176 tỷ đồng, giảm 24,0%.

Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 3 ước đạt 2,2 triệu hành khách, so với tháng trước giảm 3,3% và giảm 26,5% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 77 triệu hành khách.km, giảm 1,4% so với tháng trước và giảm 34,3% so với cùng kỳ. Tính chung ba tháng đầu năm khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 7,1 triệu hành khách, giảm 21,1% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển đạt 262 triệu hành khách.km, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 3 ước đạt 8,6 triệu tấn, so với tháng trước tăng 0,9% và giảm 23,4% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 602 triệu tấn.km, tăng 0,5% so với tháng trước và giảm 22,2% so với cùng kỳ. Tính chung ba tháng đầu năm khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 26,8 triệu tấn, giảm 16,2% so với cùng năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 1.863 triệu tấn.km, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, tình hình hoạt động kinh doanh vận tải, kho bãi 3 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Hải Dương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

5. Thu, chi ngân sách nhà nước

Tập trung rà soát và tích cực triển khai các biện pháp thu các khoản thuế. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.525 tỷ 943 triệu đồng, bằng 25% dự toán năm, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thu nội địa ước đạt 3.554 tỷ 318 triệu đồng, bằng 26% dự toán năm, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp tục thực hiện chủ trương tiết kiệm chi ở các cấp ngân sách, các đơn vị sử dụng ngân sách. Bảo đảm nhu cầu chi thường xuyên, chi bảo đảm an sinh xã hội và chi đầu tư phát triển theo dự toán giao. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương Quý 1 ước đạt 3.060 tỷ 347 triệu đồng, bằng 25% dự toán năm, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.

6. Hoạt động tài chính, ngân hàng

Thực hiện chỉ đạo của NHNN về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng vay do bị ảnh hưởng bởi dịch CoVid-19, một số chi nhánh ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Nguồn vốn huy động tiếp tục tăng trưởng, ước đến 31/3/2020 đạt 120.600 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2019 và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ giảm so với cùng kỳ năm trước, ước đến cuối tháng 3/2020 đạt 80.500 tỷ đồng, giảm 1,27% so với cuối năm 2019. Nợ xấu chiếm 0,74% tổng dư nợ.

II. Một số vấn đề xã hội

1. Văn hóa, thể thao

Văn hóa; Từ đầu tháng 3 đến nay, các ban, ngành, địa phương của tỉnh Hải Dương đã đẩy mạnh tuyên truyền đúng định hướng, sâu rộng về đại hội Đảng bộ các cấp với các hình thức phong phú, sinh động; phát động các phong trào thi đua yêu nước, kết hợp tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao lập thành tích chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Ðại hội XIII của Ðảng.

Hưởng ứng các hoạt động “Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam”; nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Các cấp hội phụ nữ đã tăng cường công tác tuyên truyền tôn vinh áo dài Việt Nam, đẩy mạnh các hoạt động tôn vinh giá trị áo dài diễn ra tại các cấp Hội, các địa phương trên các kênh thông tin. Tập trung tuyên truyền nội dung “Áo dài Việt Nam và câu chuyện xây dựng chủ quyền văn hóa của người Việt” đăng trên Thông tin phụ nữ số 8/3/2020 của Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát hành.

Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ mặc áo dài trong các sự kiện, hoạt động ở công sở, trường học, đơn vị, các sự kiện của gia đình và xã hội. Tùy theo điều kiện, tính chất, đặc điểm công việc, nghề nghiệp, các đơn vị có thể quy định cho chị em phụ nữ mặc áo dài 1 đến 2 lần/tuần hoặc trên tháng vào những ngày cố định.

Thể thao; Nhằm đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong hoạt động đào tạo, huấn luyện vận động viên thể dục thể thao, Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiểm tra cơ sở vật chất, công tác tập luyện tại Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Trung tâm đã thực hiện tốt việc phun thuốc khử khuẩn và các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Tạm dừng công tác tập luyện, chuyển vận động viên về gia đình quản lý đối với các vận động viên cấp THCS và Tiểu học đến hết tháng 02/2020. Từ ngày 02/3/2020, các vận động viên tiếp tục tập luyện tại Trung tâm để đảm bảo kế hoạch đào tạo, tập huấn năm 2020 đề ra.

2. Y tế

2.1. Công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Thành lập Ban chỉ đạo tỉnh, cấp huyện và cấp xã phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp Covid-19. Các cấp, cán ngành đã tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, các hoạt động phòng, chống dịch Covid – 19 trên địa bàn tỉnh theo đúng chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh và ngành y tế; thường xuyên nắm tình hình và thông tin kịp thời về tình dịch và các biện pháp phòng chống dịch; mua sắm bổ sung các trang thiết bị và điều kiện cần thiết cho công tác phòng chống dịch; thường xuyên theo dõi, quản lý giám sát chặt chẽ người nước ngoài, người địa phương đi lao động, học tập, công tác trở về từ các quốc gia có dịch; tổ chức việc cách ly đối với các đối tượng theo quy định.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến hết ngày 19/3, toàn tỉnh có 1.369 người phải cách ly (tăng 111 người so với ngày 18/3); trong đó, có 133 người đang cách ly tại cơ sở y tế, 1.236 người cách ly tại gia đình hoặc nơi cư trú. Sau khi phát hiện 1 ca dương tính với Covid-19 tại thôn Tiêu Sơn, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 huyện Thanh Miện, xã Thanh Giang đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Đến hết ngày 19/3, toàn tỉnh có 69 người đang chờ kết quả xét nghiệm Covid-19.

2.2. Các công việc khác

Tăng cường phối hợp trong phòng chống dịch bệnh, ứng phó có hiệu quả với các trường hợp khẩn cấp, thiên tai, thảm họa, những bệnh dịch mới lạ. Các bệnh thủy đậu, cúm, tiêu chảy ghi nhận một số trường hợp mắc rải rác. Từ đầu năm tới nay không ghi nhận các trường hợp nghi mắc/mắc cúm A/H5N1 và các bệnh mới nổi. Chỉ đạo các đơn vị tổ chức các kíp trực và báo cáo kíp trực theo đúng quy định của Bộ Y tế và UBND tỉnh. Triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án của ngành, đặc biệt quan tâm Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số - KHH gia đình, từng bước giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3. Tổ chức gặp mặt, động viên các thày thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân nhân kỷ niện 65 năm ngày thầy thuốc Việt Nam.

3. Giáo dục

Do ảnh hưởng của dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học, trung học cơ sở tiếp tục nghỉ học để phòng chống dịch bện Covid-19 đến khi có thông báo mới; học sinh trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tỉnh đi học bình thường.

UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học theo công văn số 696/BGDDT-GDTC ngày 04/3/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, giáo viên và học sinh trong việc tiếp cận thông tin chính thống của các cơ quan chức năng; không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

4. Giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội

Trong 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh ước giải quyết việc làm cho 8.890 lao động, đạt 25,0% kế hoạch; tổ chức 04 phiên giao dịch việc làm định kỳ thu hút sự tham gia của 56 doanh nghiệp với 696 người lao động, trong đó số người nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại sàn giao dịch là 684 người. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay số tiền 874 triệu đồng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, thu hút 22 dự án và tạo việc làm mới cho 22 lao động.

Triển khai trợ cấp khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cho khoảng 15.000 hộ nghèo. Triển khai xây dựng 7 ngôi nhà Đại đoàn kết (50 triệu đồng/nhà nguồn hỗ trợ của Công ty MTV xổ số và Quỹ ''Vì người nghèo'' tỉnh). Hỗ trợ 60 ngôi nhà tình nghĩa tại tỉnh Phú Yên, tổng trị giá 3 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày kết nghĩa giữa hai tỉnh Hải Dương - Phú Yên.

Triển khai các hoạt động thực hiện chính sách Bảo trợ xã hội, chính sách đối với người khuyết tật, người cao tuổi, Trẻ em mồ côi, Đề án 32, Đề án 1215, Cộng đồng Văn hóa ASEAN, phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đối với các đối tượng yếu thế năm 2020.

5. Bảo vệ môi trường

Tháng 3/2020, trên địa bàn tỉnh phát hiện 06 vụ vi phạm môi trường, chủ yếu là khai thác cát trái phép, đã xử lý 03 vụ, số tiền xử phạt là 17 triệu đồng. Tính chung 3 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 25 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 21 vụ, số tiền phạt 635,3 triệu đồng.

6. Trật tự an toàn xã hội

Về tai nạn cháy, nổ; Trong tháng xảy ra 03 vụ cháy lớn tại thành phố Hải Dương, hỏa hoạn từ 1 nhà kho chứa máy tính đã lan tiếp sang nhà máy hạt nhựa khiến 1.500 m2 nhà xưởng đổ sập, gây thiệt hại lớn, vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng ước tính ban đầu thiệt hại về tài sản trên 10 tỷ đồng. Tính chung 3 tháng đầu năm nay xảy ra 05 vụ cháy, nổ không bị thương vong về người nhưng thiệt hại ước tính 15.535 triệu đồng.

Về tai nạn giao thông; Tháng 02/2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 17 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 16 người, làm 03 người bị thương. Hai tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 40 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 38 người, làm bị thương 09 người; so với cùng kỳ năm 2019, TNGT giảm 05 vụ (-11,1%), giảm 10 người chết (-20,8%) và giảm 9 người bị thương (-50,0%).

Nhìn chung, do tác động của dịch Covid-19, kinh tế của tỉnh tăng trưởng chậm lại; một số ngành dịch vụ giảm so với cùng kỳ như ăn uống, lưu trú, vận tải, vui chơi, giải trí; các ngành công nghiệp cũng chịu tác động làm giảm nguồn cung nguyên liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn; lĩnh vực nông nghiệp tăng khá cao nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh không đủ sức “kéo” tăng trưởng chung của tỉnh nhưng đã góp phần ổn định đời sống nhân dân.

Công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai đồng bộ, quyết liệt, chỉ có 01 ca mắc bệnh; công tác an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, công tác quốc phòng an ninh được củng cố vững chắc; do vậy, đời sống nhân dân khá ổn định./.


Cục Thống kê tỉnh Hải Dương

    Tổng số lượt xem: 883
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)