Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/05/2021-15:48:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 năm 2021 tỉnh Hải Dương

Sau khi khống chế thành công dịch bệnh, hoạt động sản xuất trong tháng 4 đã nhanh chóng ổn định và tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trọng hoạt động công nghiệp tăng rất cao; năng suất lúa chiêm xuân và cây vải thiều đều dự báo tăng hơn năm trước.

Kinh tế

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Trồng trọt

Vụ chiêm xuân năm 2021, toàn tỉnh gieo trồng sơ bộ đạt 65.700 ha, giảm 1,4% so với cùng kỳ; trong đó, diện tích lúa chiêm xuân sơ bộ đạt 55.755 ha; rau, màu vụ xuân ước đạt gần 10.000 ha. Tổng diện tích gieo trồng giảm, trong đó cây lúa giảm nhiều nhất (giảm 842 ha); nguyên nhân chính là do: chuyển sang trồng cây hàng năm khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; chuyển sang trồng cây lâu năm; chuyển mục đích sử dụng đất (xây dựng khu công nghiệp, đường giao thông, mở rộng khu dân cư, mở rộng đường nội đồng, kênh dẫn nước và một số công trình công ích khác) và một số diện tích chuyển sang đất nuôi trồng thủy sản.

Tính đến ngày 15/4, toàn tỉnh đã cơ bản thực hiện chăm sóc cho toàn bộ diện tích cây lúa đợt 2, diễn biến thời tiết thuận lợi nên lúa chiêm xuân năm nay sinh trưởng và phát triển tốt, sâu bệnh, chuột gây hại thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Về cây ăn quả, đặc biệt là cây vải thiều, diễn biến thời tiết năm nay khá thuận lợi đối với việc sinh trưởng, phát triển của cây vải, cây vải phân hóa mầm hoa tốt, tỷ lệ ra hoa đậu quả cao; Riêng tại huyện Thanh Hà, tỷ lệ đậu quả của cây vải ước đạt trên 90%, tương đương với năm 2020.

1.2. Chăn nuôi

Chăn nuôi trong tỉnh ổn định do không xẩy ra dịch bệnh. Chăn nuôi lợn vẫn gặp khó khăn trong việc tái đàn do nguồn lợn giống khan hiếm.

Tổng đàn lợn thịt của toàn tỉnh tháng 4 ước đạt 231.000 con, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tính chung 4 tháng đầu năm ước đạt 18.172 tấn, tăng 18,5%.

Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh ước đạt 15.400 nghìn con, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đàn gà ước đạt 11.600 nghìn con tăng 15,3%.. Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 21.420 tấn, tăng 21,4%; sản lượng trứng ước đạt trên 167 nghìn quả, tăng 1,5%.

Tổng đàn trâu trên địa bàn có xu hướng tăng, do nhu cầu cao về sản lượng thịt trâu xuất chuồng, tổng đàn trâu ước đạt 5.400 con, tăng 15,9%; Đàn bò ước đạt 15.850 con, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 260 tấn, tăng 13,5%; sản lượng thịt bò ước đạt 630 tấn, giảm 5,9% so với cùng kỳ.

1.3. Thuỷ sản

Tình hình nuôi trồng thuỷ sản phát triển ổn định, không phát sinh dịch bệnh; tuy nhiên giá bán các loại sản phẩm thủy sản giảm mạnh, hiệu quả nuôi trồng thủy sản đạt thấp. Phương thức nuôi cá lồng, bè vẫn được duy trì và phát triển do đem lại hiệu quả kinh tế.

Diện tích thuỷ sản đang nuôi ước đạt trên 11.000 ha, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thủy sản ước đạt gần 30.000 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ 2020.

Tuy nhiên, người nuôi trồng thủy sản đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên thị trường thấp, trong khi nguồn cung lại dồi dào do hầu hết các ao nuôi đang trong thời kỳ cho thu hoạch.

Sản xuất công nghiệp

Với việc đẩy lùi thành công dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong tháng 4 cơ bản đã ổn định trở lại. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh phục hồi rất khả quan.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

So với tháng trước, sản xuất công nghiệp tăng 20,3%; trong đó, có mức tăng cao nhất là ngành sản xuất và phân phối điện với mức tăng 32,8%; tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,7% và cuối cùng là ngành khai khoáng tăng 1,3%.

So với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp tháng 4 ước tăng 25,4%; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 54,1%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 3,4%; riêng ngành khai khoáng giảm 13,5%. Tháng 4 năm trước, do thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01/4/2020 trên phạm vi toàn quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì thế, các hoạt động sản xuất tháng 4 so với cùng kỳ năm trước đều tăng khá cao.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp ước tăng 1,5% so với cùng kỳ; trong đó, khai khoáng giảm 19,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,1%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 23,1%. Sản xuất và phân phối điện từ đầu năm đến nay đều tăng cao bất chấp dịch bệnh nguyên nhân là do tỉnh Hải Dương có thêm nhà máy nhiệt điện mới là công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương. Đây là nhà máy nhiệt điện lớn với tổng công suất lắp đặt đạt 1.200 MW, hiện nay cả 02 tổ máy đều đã hoà lưới điện quốc gia.

Đa số các sản phẩm có lượng sản xuất giảm như thức ăn gia súc giảm 6,2%; giày dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài giảm 19,8%; bao bì đóng gói khác bằng plastic giảm 4,6%; sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu giảm 5,2%; xi măng porland đen giảm 4,9%; đinh, đinh mũ, ghim dập (trừ ghim dập dạng mảnh)… giảm 4,9%; mạch điện tử tích hợp giảm 14,5%; bộ phận của các linh kiện điện tử khác chưa được phân vào đâu giảm 7,9%; máy kết hợp từ hai chức năng trở lên: in, quét, coppy,… giảm 24,3%; cáp đồng trục và dây dẫn điện đồng trục khác giảm 52,2%; máy khâu loại khác, trừ máy khâu sách và máy khâu gia đình giảm 68,1%…

2.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/4/2021 dự ước tăng 1,8% so với tháng trước, giảm 1,4% so với cùng kỳ, tính chung 4 tháng đầu năm giảm 4,5%. Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, lao động tại các doanh nghiệp có xu hướng giảm do doanh nghiệp cắt giảm lao động thời vụ, lao động chính thức về cơ bản vẫn được bố trí làm việc theo nguyên tắc cách ly hoặc luân phiên sản xuất.

Một số ngành sử dụng lao động giảm là khai khoáng khác giảm 19,3%; sản xuất đồ uống giảm 6,1%; dệt giảm 9,3%; sản xuất trang phục giảm 8,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 20,9%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 13,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 4,5%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 8,0%; sản xuất thiết bị điện giảm 3,3%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 5,3% …

Các ngành sử dụng lao động tăng là sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 0,8%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 10,3%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 0,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 0,1%; sản xuất kim loại tăng 0,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 3,0%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 0,7%; hoạt đông thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu tăng 0,4%.

Hoạt động đầu tư

Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2021, lãnh đạo địa phương đã khẩn trương xây dựng chương trình hành động cụ thể với những giải pháp quyết liệt ngay từ đầu năm, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, quá trình này vẫn gặp nhiều trở ngại, khó khăn.

Ước tháng 4, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 146,3 tỷ đồng, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 65,9 tỷ đồng, giảm 19,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 68,5 tỷ đồng, tăng 3,6%; vốn ngân sách cấp xã đạt 11,9 tỷ đồng, tăng 6,0%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 477,8 tỷ đồng, đạt 13,4% kế hoạch năm, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 205,5 tỷ đồng, giảm 8,1%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 234,0 tỷ đồng, tăng 15,8%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 38,2 tỷ đồng, tăng 8,6%.

Thương mại, giá cả, dịch vụ

Trở lại trạng thái ‘bình thường mới” sau đại dịch Covid-19 mở ra hy vọng nền kinh tế sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng tiếp theo. Các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch đã có dấu hiệu khởi sắc.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021 tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 20.348 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ yếu tố giá tăng 11,0%.

4.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 4 năm 2021 ước đạt 4.174 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tính chung 4 tháng đầu năm ước đạt 17.684 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ.

Phân theo mặt hàng, nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất với 38,5% trong tổng số và đạt 6.809 tỷ đồng, tăng 18,3%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 2.665 tỷ đồng, tăng 14,2%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 2.466 tỷ đồng, tăng 13,5%.

4.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 4 năm 2021 ước đạt 636 tỷ đồng, tăng 7,8% so với tháng trước và tăng 28,2% so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 4 tháng đầu năm ước đạt 2.664 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Phân theo ngành kinh tế, dịch vụ lưu trú đạt 34 tỷ đồng, giảm 35,2% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống đạt 937 tỷ đồng, tăng 1,8%; dịch vụ khác đạt 1.692 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.

4.3. Vận tải

Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải tháng 4 năm 2021 ước đạt 652 tỷ đồng, tăng 49,3% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 76 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 44,8%, so với cùng kỳ tăng 22,3%; vận tải hàng hoá đạt 527 tỷ đồng, tăng 51,7% so với tháng trước và tăng 2,1% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 48 tỷ đồng, tăng 33,3% so với tháng trước và giảm 14,8% so với cùng kỳ.

Tính chung 4 tháng đầu năm, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 2.328 tỷ đồng, giảm 10,3% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 284 tỷ đồng, giảm 12,1%; vận tải hàng hoá đạt 1.859 tỷ đồng, giảm 9,0%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 182 tỷ đồng, giảm 20,0%.

Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 4 ước đạt 1,8 triệu hành khách, so với tháng trước tăng 59,1% và tăng 1,9% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 71 triệu hành khách.km, tăng 47,9% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 6,5 triệu hành khách, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hành khách luân chuyển đạt 279 triệu hành khách.km, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 4 ước đạt 8,7 triệu tấn, so với tháng trước tăng 75,6% và tăng 0,4% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 684 triệu tấn.km, tăng 90,4% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 30,5 triệu tấn, giảm 13,2% so với cùng năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 1.999 triệu tấn.km, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm trước.

4.4. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm 0,06% so với tháng trước; tăng 0,69% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 4 tháng đầu năm giảm 0,58% so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến nay đây là tháng thứ 4 liên tiếp có chỉ số giá bình quân giảm so với cùng kỳ.

So với tháng trước đa số các nhóm hàng có chỉ số giá giảm hoặc giữ bình ổn, chỉ có 3/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng. Tác động làm giảm CPI tháng này do: nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức giảm 0,53% (giá điện sinh hoạt -1,75%; giá nước -0,17%; giá gas và chất đốt khác -1,47%); nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,22% (các mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, trứng gà, vịt do có nguồn cung dồi dào).

Nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước dẫn đầu vẫn là nhóm giao thông (+0,85%). Nguyên nhân do nhà nước điều chỉnh tăng giá xăng, dầu. Ngoài ra, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm giáo dục cũng tăng nhẹ.

Một số vấn đề xã hội

1. Văn hóa, thể thao

Tại Giải vô địch cung thủ xuất sắc toàn quốc năm 2021 tỉnh Hải Dương giành 01 huy chương vàng (nội dung 90m cung 01 dây, nam), 02 huy chương bạc và 01 huy chương đồng.

Tại giải bơi – lặn vô địch quốc gia bể 25m năm 2021, đoàn Hải Dương xếp thứ tư trong tổng số 24 đơn vị tham gia, với tổng cộng 7 huy chương, trong đó có 4 huy chương vàng, 3 huy chương đồng. Giải thu hút 250 vận động viên trong cả nước tranh 64 bộ huy chương.

Y tế

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến 6h ngày 25/4/2021, tỉnh Hải Dương có 726 người nhiễm bệnh Covid-19; trong 30 ngày liên tiếp trên địa bàn tỉnh không ghi nhận ca mắc mới; còn 03 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện nhiệt đới TW; toàn bộ các trường hợp F1, F2 đã hoàn thành cách ly, không còn trường hợp nào phải cách ly tại nhà hoặc nơi cư trú. Tính từ đầu năm đến nay, đã có 723 người khỏi bệnh.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bênh Covid-19 tỉnh tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch; tuyên truyền, cung cấp tài liệu, phổ biến kiến thức trên các phương tiện truyền thông của địa phương và thông qua hoạt động của các ban, ngành đoàn thể. Đảm bảo an toàn và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19.

Các dịch bệnh truyền nhiễm khác như hiện nay là dịch bệnh tay chân miệng cũng được ngành y tế tỉnh tăng cường các biện pháp kiểm tra giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, xử lý triệt để, tránh dịch lây lan diện rộng, triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục nhà trẻ, mầm non

Giáo dục

Trong tháng, ngành Giáo dục Đào tạo tiếp tục tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong ngày đầu tiên trở lại trường học sau khi kết thúc nghỉ dịch, để đảm bảo sức khỏe của học sinh và giáo viên nên mọi quy định về phòng, chống dịch Covid-19 được quan tâm, thực hiện nghiêm túc. Khi đến trường, các em được kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn trước khi vào lớp học và đeo khẩu trang trong suốt quá trình học.

Các công tác kiểm tra đột xuất về việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19 tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cho thấy các nhà trường đã tích cực, chủ động, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo về việc phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo đúng theo yêu cầu; chú trọng công tác thông tin tuyên truyền về dịch giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh hiểu và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; tiếp tục thực hiện nghiêm túc “Thông điệp 5K”.

Bảo vệ môi trường

Tháng 04, trên địa bàn tỉnh phát hiện và xử lý 16 vụ vi phạm môi trường, số tiền xử phạt là 104,1 triệu đồng, tất cả các vụ vi phạm đều là đổ chất thải ra môi trường. Điển hình là vụ Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Việt Trung trong cụm công nghiệp An Đồng huyện Nam Sách đã thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ ba lần trở lên, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính 100 triệu đồng.

Trật tự an toàn xã hội

Về tai nạn cháy, nổ; Trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy nhà dân tại thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang làm 01 học sinh lớp 9 tử vong, tài sản thiệt hại ước tính 50 triệu đồng. Tính chung 4 tháng đầu năm nay xảy ra 04 vụ cháy, nổ làm 01 người tử vong thiệt hại ước tính 630 triệu đồng.

Về tai nạn giao thông; Tháng 4/2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 05 người, làm 05 người bị thương. Bốn tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 46 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 40 người, làm bị thương 25 người; so với cùng kỳ năm 2020, TNGT giảm 28 vụ (-37,8%), giảm 22 người chết (-35,5%) và tăng 03 người bị thương (14%). Trong đó chủ yếu là tai nạn giao thông đường bộ, không xảy ra tai nạn giao thông đường sắt và đường thủy nội địa.

Trên các tuyến quốc lộ xảy ra 03 vụ, làm chết 02 người và bị thương 02 người; các tuyến đường tỉnh xảy ra 01 vụ, làm chết 01 người; giao thông đô thị và đường huyện xảy ra 02 vụ, làm chết 02 người, bị thương 03 người./.


Cục Thống kê tỉnh Hải Dương

    Tổng số lượt xem: 535
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)