Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/07/2021-15:36:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021 của tỉnh Hải Dương

I. KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Sản xuất nông nghiệp trong tỉnh ổn định, với nhiệm vụ trọng tâm là thu hoạch cây rau màu vụ chiêm xuân, chăm sóc diện tích lúa mới cấy, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

1.1. Trồng trọt

Ước tính đến hết tháng 7, toàn tỉnh gieo cấy được 55.200 ha lúa vụ mùa, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, diện tích cấy bằng máy đạt trên 10.000 ha, diện tích gieo thẳng đạt trên 40.000 ha. Đã gieo trồng được trên 6.000 ha rau màu vụ mùa, tương đương so với cùng kỳ năm trước.

Công tác gieo trồng cây vụ mùa được các địa phương chủ động triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch, đảm bảo cơ cấu giống, khung thời vụ tốt nhất; cơ cấu giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, gieo cấy bằng mạ dược, gieo vãi để rút ngắn thời gian sinh trưởng, tăng diện tích mùa sớm để chủ động đất cho vụ đông.

1.2. Chăn nuôi

Chăn nuôi trong tỉnh nhìn chung ổn định, không phát sinh dịch bệnh nên đàn gia súc, gia cầm phát triển khá.

Ước tại thời điểm 01/8/2021 đàn trâu đạt 5.536 con, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò ước đạt 15.727 con, giảm 5,5%. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tháng 7 ước đạt 77 tấn, tăng 4,4%; sản lượng thịt bò ước đạt 150 tấn, giảm 5,2% so với cùng kỳ.

Đàn lợn đang được khôi phục sau dịch tả lợn Châu phi, tuy nhiên việc tái đàn chậm, người chăn nuôi sản xuất cầm chừng, không mạnh dạn đầu tư tái đàn nên đàn lợn thịt khôi phục chậm. Tổng đàn lợn thịt của tỉnh tại thời điểm 01/8/2021 ước đạt 240.600 con, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước (bằng 55% so với thời điểm trước dịch tả lợn Châu phi). Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 7 ước đạt 4.750 tấn, tăng 19,2% so với cùng kỳ.

Tổng đàn gia cầm ước đạt 14.447 nghìn con, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó đàn gà ước đạt 10.753 nghìn con tăng 0,7%. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 7 ước đạt 5.000 tấn, tăng 6,5%; sản lượng trứng ước đạt 52.755 nghìn quả, tăng 20%.

1.3. Thủy sản

Sản xuất thủy sản ổn định. Công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được quan tâm thực hiện thường xuyên; chủng loại và chất lượng giống thủy sản nuôi trồng ngày càng phong phú, phù hợp với điều kiện đặc điểm mặt nước nuôi trồng trên địa bàn tỉnh; phương thức nuôi thủy sản lồng/bè được duy trì phát triển tốt, các giống cá chủ lực và giống đặc sản cho năng suất và giá trị cao vẫn được duy trì và phát triển như: Trắm giòn, chép giòn, cá lăng, cá rô phi đơn tính... Diễn biến thời tiết trong tháng tương đối thuận lợi, nhiệt độ thích hợp cho nuôi trồng thủy sản nên các loài cá phát triển tốt, cho năng suất cao.

2. Sản xuất công nghiệp

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tiếp tục đe dọa trực tiếp tới hoạt động sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh đã qua 45 ngày không phát hiện trường hợp dương tính Covid-19 nào; vì vậy, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Hoạt động kiểm tra, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất được thực hiện thường xuyên. Trong tháng 7, các doanh nghiệp được kiểm tra đều nằm trong nhóm nguy cơ lây nhiễm thấp không có doanh nghiệp bị dừng hoạt động vì không bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

So với tháng trước, sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 0,3%; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,8%.

So với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 21,2%; trong đó, tăng cao ở ngành ngành sản xuất và phân phối điện (+92,7%) và công nghiệp chế biến, chế tạo (+12,9%). Đây cũng là tháng thứ tư liên tiếp sản xuất công nghiệp của tỉnh Hải Dương tăng cao (trên 15%) so với tháng cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp ước tăng 10,5%; trong đó, khai khoáng giảm 18,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 34,5%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,7%.

Có ba nguyên nhân chủ yếu làm cho sản xuất công nghiệp tháng 7 và 7 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ đó là:

- Mặc dù Nhiệt điện Phả Lại giảm hơn 40% sản lượng so với năm trước, do tổ máy số 6 bị sự cố từ tháng 3 chưa được sửa chữa, khắc phục; nhưng có bổ sung từ dự án nhiệt điện BOT Hải Dương phát điện thương mại từ cuối năm 2020, trong năm nay nhà máy đã đóng góp 3,5 tỷ Kwh, góp phần làm cho sản lượng điện sản xuất đạt 5,9 tỷ Kwh, tăng 38%;

- Tổ hợp gang thép Hoà Phát với các sản phẩm than cốc và sắt, thép đều tăng cao liên tục từ tháng 3 đến nay; vì vậy, trong 7 tháng đầu năm, than cốc tăng 20,2%; sắt, thép các loại tăng 18,8%.

- Năm 2020, Công ty Ford Việt Nam ngừng sản xuất từ tháng 3 đến giữa tháng 7; năm nay công ty hoạt động ổn định liên tục, nên số lượng xe ô tô sản xuất trong 7 tháng đầu năm tăng gấp 2,6 lần so với năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp các tháng năm 2021

(so với cùng kỳ năm trước - %)

CHUNG

Trong đó:

Chế biến

chế tạo

SX và phân phối điện,

nước nóng

Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải

Tính chung 7 tháng

110,5

107,5

134,5

100,7

Tháng 01

109,7

108,0

126,8

101,9

Tháng 02

69,1

64,3

103,9

94,8

Tháng 3

99,7

98,6

107,3

104,2

Tháng 4

128,7

127,7

140,3

95,5

Tháng 5

116,5

116,3

120,4

103,2

Tháng 6

123,7

120,6

147,1

102,7

Ước tháng 7

121,2

112,9

192,7

102,6

Ngoài những lý do trên, một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng cao trong 7 tháng đầu năm như: Quần áo người lớn tăng 6,9%; micro và các linh kiện của chúng tăng 8,0%; Bộ dây điện cho xe có động cơ tăng 3,8%; Nước sạch tăng 1,7%.

Tuy nhiên, trong tháng 7 và 7 tháng còn nhiều sản phẩm có lượng sản xuất giảm, đã làm giảm tốc độ phát triển của toàn ngành công nghiệp trong tỉnh, đó là: Thức ăn gia súc giảm 0,5%; Giày, dép thể thao giảm 17,4%; mạch điện tử tích hợp giảm 9,5%; Máy kết hợp: in, quét, fax, copy… giảm 17,3%.

2.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2021 tăng 2,3% so với tháng trước, tăng 2,5% so với cùng kỳ; tuy nhiên, tính chung 7 tháng đầu năm giảm 2,4%.

Một số ngành có chỉ số sử dụng lao động 7 tháng đầu năm giảm sâu là khai khoáng khác (-19,9%); sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (-19,7%); sản xuất máy móc, thiết bị (-12,3%); thoát nước và xử lý nước thải (-12,3%)...

Các ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng là sản xuất, chế biến thực phẩm (+1,2%); sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế (+15,2%); sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (+4,2%); sản xuất kim loại (+2,0%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (+13,3%); sản xuất thiết bị điện (+1,0%); sản xuất xe có động cơ (+1,6%) ....

3. Hoạt động đầu tư

Hiện nay, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn thấp. Ngoài nguyên nhân do các tháng đầu năm, địa phương đang tập trung vào giải ngân theo kế hoạch vốn 2020 được phép kéo dài, chuyển nguồn thì còn do nhiều nguyên nhân như chậm triển khai giải phóng mặt bằng, tái định cư; khó khăn trong công tác đấu thầu; vướng mắc trong công tác thi công. Đồng thời có rất nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng mới được ban hành, do đó nhiều dự án phải điều chỉnh theo quy định mới...

Ước tháng 7, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 302,8 tỷ đồng, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 118,6 tỷ đồng, giảm 17,2%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 155,9 tỷ đồng, tăng 9,7%; vốn ngân sách cấp xã đạt 28,3 tỷ đồng, tăng 28,0%.

Tính chung 7 tháng đầu năm, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 1.303 tỷ đồng, bằng 36,7% kế hoạch năm, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 525 tỷ đồng, bằng 34,0% kế hoạch năm, giảm 13,1% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 665 tỷ đồng, đạt 36,9% kế hoạch năm, tăng 18,8% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 113 tỷ đồng, bằng 54,8% kế hoạch năm, tăng 15,7% so với cùng kỳ.

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách

do địa phương quản lý

7T.2020

7T.2021

7T.2021 7T.2020

(Tỷ đồng)

(Tỷ đồng)

(%)

Tổng số

1.261

1.303

103,3

Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh

604

525

86,9

Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện

560

665

118,8

Vốn ngân sách nhà nước cấp xã

97

113

115,7

Một số công trình lớn đang đầu tư như: Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - thành phố Hải Dương (tổng mức đầu tư 1.175 tỷ đồng); Đề án "Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030" (tổng mức đầu tư 3.800 tỷ đồng); Xây dựng nút giao lập thể tại điểm giao cắt giữa đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và đường 390 (tổng mức đầu tư 1.046 tỷ đồng); Đường vào Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đoạn từ Quốc lộ 37 vào đền Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh (tổng mức đầu tư 715 tỷ đồng)...

4. Thương mại, dịch vụ

Tính đến hết ngày 25/7, trên địa bàn tỉnh đã qua 45 ngày không phát hiện trường hợp dương tính Covid-19 nào, vì thế đa số các hoạt động thương mại, dịch vụ đều diễn ra bình thường, nguồn cung hàng hóa được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, một số ngành như: Du lịch lữ hành, lưu trú, ăn uống, vận tải… vẫn chưa thể phục hồi do “sức cầu” thị trường yếu; các ngành dịch vụ vui chơi, giải trí vẫn chưa được mở cửa trở lại.

Ước tính tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 đạt 5.154 tỷ đồng, tăng 3,0% so với tháng trước; giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 35.529 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động vận tải trong tháng ổn định nhưng hồi phục khá chậm, đặc biệt vận tải hành khách giảm so với cùng kỳ do dịch bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố nên hầu hết các tuyến xe khách cố định đều phải giảm, giãn số lượng tuyến và dừng hoạt động trong nửa cuối tháng 7.

4.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 7 ước đạt 4.396 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm ước đạt 30.511 tỷ đồng, tăng 6,4%.

Phân theo mặt hàng, nhóm lương thực, thực phẩm đạt là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất với 38,7% trong tổng số và đạt 11.793,7 tỷ đồng, tăng 11,4%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 4.526,9 tỷ đồng, tăng 2,9%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 4.288,2 tỷ đồng, tăng 11,2%.

4.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 7 ước đạt 757,7 tỷ đồng, tăng 5,9% so với tháng trước và giảm 12,1% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm ước đạt 5.017,5 tỷ đồng, giảm 2,4%.

Phân theo ngành kinh tế, dịch vụ lưu trú đạt 8,4 tỷ đồng, giảm 40,3% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống đạt 235,2 tỷ đồng, giảm 27,1%; dịch vụ khác đạt 513,7 tỷ đồng, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

4.3. Vận tải

Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải tháng 7 ước đạt 793 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước, giảm 4,8% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 89 tỷ đồng, so với tháng trước giảm 6,0%, so với cùng kỳ giảm 22,0%; vận tải hàng hoá đạt 648 tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước và giảm 2,3% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 55 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và giảm 0,3% so với cùng kỳ.

Tính chung 7 tháng đầu năm, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 4.610 tỷ đồng, giảm 8,8% (loại trừ yếu tố giá giảm 10,7%) so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 539 tỷ đồng, giảm 17,7%; vận tải hàng hoá đạt 3.721 tỷ đồng, giảm 7,0%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 344 tỷ đồng, giảm 13,1%.

5. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,72% so với tháng trước; tăng 1,66% so với tháng 12 năm trước; bình quân 7 tháng đầu năm giảm 0,19% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân làm cho CPI tháng 7 tăng so với tháng trước chủ yếu do giá một số mặt hàng tăng làm giá bình quân các nhóm mặt hàng tăng, cụ thể:

- Giá trứng tăng 6,29%; rau tươi tăng 8,85%; quả tươi tăng 3,14%; trong khi giá các loại thịt động vật giảm nhẹ nên nhóm thực phẩm tăng 0,5%.

- Giá gas, dầu hoả, giá điện bình quân tăng làm cho nhóm giá nhà ở, điện nước chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,80%;

- Nhóm xăng, dầu diezen tăng 6,96% (xăng A95 tăng 1.514 đồng/lít; xăng E5 tăng 1.468 đồng/lít và dầu diezen tăng 1.173 đồng/lít) làm cho nhóm giao thông tăng 2,79%;

Giá vàng tháng 7 giảm 2,21% so với tháng trước; giá vàng bình quân tháng 7 là 5.213 ngàn đồng/chỉ, giảm 118 ngàn đồng/chỉ so với tháng trước; ngược với giá Vàng, giá Đô la Mỹ tháng 7 có xu hướng tăng, với mức tăng nhẹ 0,02% và tăng 443 ngàn đồng/1.000 USD so với tháng trước.

6. Tài chính, ngân hàng

6.1. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tháng 7 ước thực hiện 983 tỷ đồng, nâng tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm ước đạt 10.359 tỷ đồng, đạt 79,7% kế hoạch năm và tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 8.507 tỷ đồng, đạt 77,4% kế hoạch năm và tăng 11,2%.

Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 415 tỷ đồng, bằng 82,6% cùng kỳ năm trước; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 2.099 tỷ đồng, tăng 18,8%; thu từ khu vực công, thương nghiệp ngoài quốc doanh 1.340 tỷ đồng, tăng 30,2%; thu thuế thu nhập cá nhân 617 tỷ đồng, bằng 97,0%; các khoản thu về nhà, đất 2.509 tỷ đồng, tăng 3,0%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 7 ước đạt 2.111 tỷ đồng, tính chung 7 tháng đầu năm đạt 10.191 tỷ đồng, đạt 79,4% kế hoạch và bằng 102,6% so với cùng kỳ năm trước.

6.2. Hoạt động tín dụng, ngân hàng

Lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,0-3,6%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 3,7-4,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và từ 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Lãi suất cho vay VND áp dụng phổ biến ở mức 5,5-10%/năm đối với ngắn hạn và từ 7-11%/năm đối với trung dài hạn. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến ở mức 3,5-4,4%/năm, trung dài hạn phổ biến ở mức 5-6,5%/năm.

Các tổ chức tín dụng (TCTD) đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Doanh số mua ngoại tệ 440 triệu USD, tăng 1,9%, doanh số bán 390 triệu USD, tăng 2,9%; tỷ giá giao dịch theo đúng biên độ. Chi trả kiều hối 15.500 món, 48 triệu USD, tăng 6,7% về số tiền so với tháng trước.

Công tác huy động vốn: Ước tính đến 31/7, tổng nguồn vốn huy động 146.300 tỷ đồng, tăng 5,3% so với 31/12/2020 và tăng 0,1% so với tháng trước; trong đó, nguồn vốn huy động trên 12 tháng giảm 33,9% so với 31/12/2020 và tăng 1,1% so với tháng trước; tiền gửi bằng Đồng Việt Nam tăng 4,5% và 0,1%.

Hoạt động tín dụng: Tổng dư nợ tín dụng thời điểm 31/7 ước đạt 96.600 tỷ đồng, tăng 7,0% so với 31/12/2020 và tăng 0,3% so với tháng trước; trong đó, dư nợ ngắn hạn tăng 8,2% so với 31/12/2020 và giảm 0,1% so với tháng trước; dư nợ trung dài hạn tăng 4,4% và 1,1%; dư nợ cho vay ngoại tệ tăng 17,3% và 1,7%.

Nhằm tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tính đến 30/6/2021 các TCTD trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu nợ cho 1.847 khách hàng, dư nợ 2.364 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 22.021 khách hàng, dư nợ 48.474 tỷ đồng.

Công tác thanh toán, tiền tệ - kho quỹ: Chủ động điều hòa, đảm bảo cơ cấu các loại tiền chi ra lưu thông; đáp ứng kịp thời nhu cầu tiền mặt cho các TCTD và Kho bạc Nhà nước trên địa bàn, đảm bảo an toàn kho quỹ. Thực hiện tốt vai trò trung gian thanh toán giữa các TCTD trên địa bàn; chuyển tiền đi, đến kịp thời, chính xác, an toàn; giải quyết kịp thời vướng mắc trong thanh toán của các đơn vị thành viên. Tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn. Tổng số lượng thẻ phát hành 2.675 nghìn thẻ tăng 0,4%, số lượng ATM 321 máy tăng 0,6% (tương ứng 2 máy), số lượng POS 1.080 máy tăng 0,5% (5 máy) so với tháng trước.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Văn hóa, thể thao

Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân, để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu tạm dừng các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, không tập trung đông người, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách để phòng chống dịch. Hướng dẫn các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự không tổ chức các nghi lễ, hoạt động có tập trung đông người; tạm dừng các hoạt động triển lãm, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật... Do vậy, hoạt động văn hoá, thể thao tháng 7 và 7 tháng đầu năm trong tỉnh khá trầm lắng.

2. Y tế

Mặc dù đã qua 45 ngày trên địa bàn tỉnh không phát hiện người mắc virus Sas-CoV-2; tuy nhiên tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp do Hà Nội và các địa phương xung quanh Tỉnh đều đã phát hiện các ca dương tính.

Trước diễn biến dịch bệnh, để chủ động kiểm soát nguy cơ lây nhiễm bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định áp dụng bổ sung các biện pháp phòng chống dịch như: thiết lập 28 chốt A (chốt cấp tỉnh) kiểm soát dịch; người từ tỉnh khác và người Hải Dương từ tỉnh khác trở về phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu hoặc đã cơ chứng nhận được tiêm đủ 02 liều vac xin.

Trong tỉnh, các biện pháp giãn cách tập trung vào các nội dung: Yêu cầu người dân hạn chế ngoài sau 22h, thực hiện tốt “5K” của Bộ Y tế; không tập trung quá 10 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bênh viện, giữ khảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc; các nhà hàng, quán ăn uống trong nhà chỉ được phép hoạt động phục vụ khách từ 05 giờ đến 21 giờ hàng ngày; đóng cửa vườn hoa, công viên, các quán ăn đường phố, các quán ăn dọc hai bên quốc lộ. Chính quyền các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch; tuyên truyền, cung cấp tài liệu, phổ biến kiến thức trên các phương tiện truyền thông của địa phương và thông qua hoạt động của các ban, ngành đoàn thể.

Về phòng chống các bệnh truyền nhiễm trong mùa nắng nóng như sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp, viêm não Nhật bản, sởi... Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiện nghiêm công tác giám sát, điều tra dịch tễ khi có ca nghi mắc đầu tiên, các ổ dịch cũ được giám sát chặt chẽ và cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức phòng bệnh cho bản thân và cho cộng đồng.

3. Giáo dục

Kỳ thi tốt nghiệp THPT có hơn 22.000 thí sinh đăng ký dự thi. Tại tất cả các điểm thi, công tác tổ chức kỳ thi, công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Các lực lượnggồm an ninh, cảnh sát giao thông, cán bộ y tế, thanh niên tình nguyện... được tăng cường điều động để thực hiện nhiệm vụ giám sát, bảo vệ an toàn tuyệt đối và hỗ trợ các điểm thi trong kiểm soát y tế phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, trong tháng 7, ngành Giáo dục cũng đã tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tập huấn cho cán bộ, giáo viên mầm non theo Đề án; Kiểm tra công tác tuyển sinh lớp 1 ở các địa phương; Hoàn thành công tác tuyển sinh vào lớp 10; Đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường chuẩn Quốc gia.

4. Bảo vệ môi trường

Tháng 7, trên địa bàn tỉnh phát hiện 26 vụ vi phạm môi trường, xử lý 30 vụ (04 vụ vi phạm tháng 6) các vụ vi phạm chủ yếu là đổ rác thải trái phép gây ô nhiễm môi trường, tổng số tiền xử phạt là 362,5 triệu đồng. Trong đó điển hình là vụ Công ty TNHH điện lực Jaks Hải Dương, đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương xả nước làm mát xuống sông Kinh Thầy với khối lượng gần 1.986 m3/ngày đêm nhưng không có giấy phép xả nước thải theo quy định, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt 300 triệu đồng.

5. Trật tự an toàn xã hội

Về tai nạn cháy, nổ; Trong tháng 7 trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy, nổ nào.

Về tai nạn giao thông (TNGT): Tháng 7/2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 17 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 14 người, làm 06 người bị thương.

Trong 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 81 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 70 người, làm bị thương 36 người; so với cùng kỳ năm trước, TNGT giảm 60 vụ (-42,6%), giảm 49 người chết (-41,2%) và giảm 17 người bị thương (-32%). TNGT đường bộ xảy ra 78 vụ, làm 69 người chết và 35 người bị thương; TNGT đường sắt xảy ra 01 vụ, làm 01 người bị thương; TNGT đường thủy nội địa xảy ra 2 vụ, làm 01 người chết./.


Cục Thống kê Hải Dương

    Tổng số lượt xem: 409
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)