Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/11/2021-14:42:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 năm 2021 tỉnh Phú Yên

1. Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Nông nghiệp

- Trồng trọt:

Tiếp tục chăm sóc lúa vụ mùa, rau màu và cây trồng cạn. Các ngành chức năng theo dõi và phối hợp với địa phương hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng. Khẩn trương vệ sinh ruộng đồng để chuẩn bị triển khai sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 theo lịch thời vụ hàng năm.

Lúa vụ hè thu: Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã gieo trồng được 24.550 ha, tăng 1,7% (tăng 420 ha) so vụ hè thu năm trước. Đến nay lúa hè thu đã thu hoạch xong, năng suất thu hoạch 68,32 tạ/ha giảm 4,66 tạ/ha, sản lượng 167,5 ngàn tấn giảm 8,6 ngàn tấn so với vụ hè thu năm trước. Nguyên nhân lúa vụ hè thu giảm là do thời tiết nắng hạn kéo dài, mực nước trong các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh ở mức thấp nên không đáp ứng đủ nước tưới cho một số diện tích lúa cuối kênh, xa các hồ, đập, đồng thời khi lúa trổ bông thì gió Tây Nam hoạt động mạnh đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

Lúa vụ mùa: Nhờ thời tiết có mưa trên diện rộng nên thuận lợi cho lúa vụ mùa sinh trưởng và phát triển, diện tích lúa rẫy đã gieo sạ được 3.966 ha, giảm 5,4% so vụ mùa năm trước, do năng suất đạt không cao nên người dân ở một số nơi đang chuyển dần diện tích lúa rẫy sang trồng các loại cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Cơ cấu các giống: ML49, ML48, ML213, Khang dân 18..., trà sớm đang giai đoạn cuối đẻ nhánh – trổ, đã thu hoạch 80 ha tại Sông Cầu, ước năng suất 40 tạ/ha.

Cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày: Tính từ đầu năm đến 15/11 diện tích gieo trồng được: Ngô 4.180,8 ha, giảm 3,6% do thời tiết nắng nóng những tháng đầu năm, cộng với tình hình sâu keo mùa thu gây hại tốn chi phí phòng trừ nhiều nên diện tích trồng ngô năm nay giảm hơn cùng kỳ; sắn 29.709,4 ha, tăng 0,8%, nhờ giá tiêu thụ nguyên liệu sắn củ tương đối ổn định nên diện tích trồng sắn ổn định; mía 21.369,1 ha, giảm 1,1%, mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ cho người trồng mía nhằm khôi phục và phát triển vùng nguyên liệu ổn định để Nhà máy chế biến đường hoạt động hết công suất trong niên vụ tới, việc sản xuất cây mía hầu hết phụ thuộc vào yếu tố thời tiết là chính nên năng suất còn thấp, chi phí cao, lợi nhuận không bằng cây sắn; lạc 459,4 ha, giảm 31,5% do giá lạc giống cao cùng với các chi phí khác cũng tăng lên và hiện tượng chuột cắn phá hầu hết mọi xứ đồng nên nông dân không mạnh dạn đầu tư vốn để sản xuất cây lạc như mọi năm; vừng (mè) 762,3 ha, giảm 3,5%; đậu tương 105,6 ha, tăng 13,3%; rau các loại 6.770 ha, giảm 7,1%, đậu các loại 3.214 ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Các cây trồng chính của tỉnh đều tăng giảm không ổn định chủ yếu là do giá cả, thị trường, đầu ra không ổn định đồng thời do yếu tố mùa vụ.

Cây lâu năm: Sản lượng mủ cao su đạt 5.837 tấn, tăng 15,3%; hồ tiêu 630 tấn, tăng 5,6%; dừa 18.266 tấn, tăng 4,8%; điều 130 tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Các loại cây ăn quả: Chuối 22,5 ngàn tấn, tăng 2,5%; dứa 13,5 ngàn tấn, tăng 5,8%; xoài 1,6 ngàn tấn, tăng 1,5%; cam 0,4 ngàn tấn tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.

- Về tình hình sâu bệnh hại cây trồng (tại thời điểm ngày 15/11/2021)

+ Trên lúa vụ mùa: Sâu đục thân gây hại 0,8 ha và chuột cắn phá gây hại 1,4 ha. Ngoài ra còn có bệnh khô vằn, bệnh thối bẹ, bệnh đen lép hạt, gây hại rải rác tại các địa bàn trong tỉnh.

+ Trên rau các loại: Bệnh thối nhũn gây hại trên hành lá 0,6 ha; bọ nhảy trên cây rau cải 01 ha. Ngoài ra, còn có bệnh héo xanh, sâu tơ,... gây hại rải rác tại huyện Tuy An, TP Tuy hòa.

+ Trên cây ngô: Sâu keo mùa thu gây hại 0,9 ha ở giai đoạn sinh trưởng 3 lá –trổ cờ tại Tuy An, Phú Hòa, Sông Hinh.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật đang tăng cường công tác điều tra, phát hiện các đối tượng sinh vật gây hại lúa. Tập trung theo dõi, hướng dẫn phòng trừ kịp thời, tăng cường công tác chăm sóc lúa trà muộn để hạn chế sâu bệnh gây hại.... Tăng cường hướng dẫn nông dân sản xuất đúng quy trình canh tác cây rau, quy trình IPM, VietGap... theo dõi các loại sâu ăn lá, bọ nhảy, bệnh các loại...

- Chăn nuôi:

Các hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì phát triển. Giá thịt trâu, bò và gia cầm ổn định, giá thịt lợn giảm mạnh. Sản phẩm chăn nuôi gia súc và gia cầm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của dân cư trên địa bàn tỉnh. Ước tính đàn trâu 5.950 con, giảm 0,5%, đàn bò 167.500 con, giảm 0,8%, đàn lợn 137.270 con, tăng 16,2% và đàn gia cầm 4,45 triệu con, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính 11 tháng: Sản lượng thịt trâu 253,2 tấn, tăng 3,4%; thịt bò 14,6 ngàn tấn, giảm 0,9%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 17.875 tấn, tăng 16,3%; sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng 14.668 tấn, tăng 0,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng thịt gà xuất chuồng 11.821 tấn, tăng 2%, sản lượng trứng gia cầm 225,3 triệu quả, giảm 11,6%.

Tình hình dịch bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò: Trong tháng không phát sinh mới; tổng số bò mắc bệnh lũy kế đến nay là 4.611 con/3.155 hộ, của 73 xã thuộc 8 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, chết 233 con chủ yếu là bê con theo mẹ chưa đủ tuổi tiêm vắc xin và bò già yếu suy nhược cơ thể, số bò mắc bệnh còn lại đã được chữa khỏi.

- Tiếp tục chăm sóc, theo dõi tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; triển khai hoạt động tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh nhằm ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh. Lũy kế từ đầu năm đến nay đã thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Kết quả: Tiêm vắc xin LMLM được 191.323 con trâu, bò (vắc xin do Nhà nước hỗ trợ); tiêm vắc xin tụ huyết trùng được 65.262 con trâu, bò (vắc xin do người dân tự mua); tiêm vắc xin viêm da nổi cục trâu bò 69.988 con (Nhà nước hỗ trợ 8.188 con, người dân tự mua 61.800 con). Tiêm vắc xin dại chó được 16.035 con. Tiêm vắc xin cúm gia cầm được 831.450 con (vắc xin được Nhà nước hỗ trợ 2 huyện có nguy cơ cao là Đông Hòa và Phú Hòa 689.650 con; vắc xin người dân tự mua 141.800 con).

1.2. Lâm nghiệp

Trong tháng, ước tính trồng rừng tập trung khoảng 3.795 ha, tăng 35,5%; khai thác gần 60,5 ngàn m3, gấp 2,6 lần; củi khai thác 20 ngàn ster giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 11 tháng, trồng rừng tập trung được 7.008,5 ha, tăng 16%; sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đạt 350,7 ngàn m3, tăng 4,7%; sản lượng củi 113,5 ngàn ster, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng diện tích rừng trồng tập trung đã khai thác khoảng 4.674 ha và khai thác cây gỗ trồng phân tán.
Ngành lâm nghiệp phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương, luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật lâm nghiệp. Nhưng thời tiết mùa hè hanh, nắng nóng tình trạng cháy rừng vẫn xảy ra, từ đầu năm đến nay xảy ra 07 vụ cháy rừng thiệt hại với diện tích cháy 92,58 ha (thị xã Sông Cầu 04 vụ/43,31 ha, huyện Sông Hinh 02 vụ/40,77 ha, Đồng Xuân 01 vụ/8,5 ha).

Từ đầu năm đến nay, công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và lập biên bản xử lý kịp thời 256 vụ (tăng 17 vụ), tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Phá rừng trái pháp luật 54 vụ làm diện tích rừng bị giảm 42 ha. Xử lý 235 vụ vi phạm, phạt tiền khoảng 1,67 tỷ đồng, khối lượng gỗ tịch thu 232,97 m3.

1.3. Thuỷ sản

Diện tích nuôi trồng thủy sản đến nay cơ bản đã kết thúc ước tính 2.650 ha, tăng 0,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá các loại 244 ha, tăng 0,1%; tôm 2.113 ha, tăng 1% (tôm sú 256 ha tăng 0,1%, tôm thẻ chân trắng 1.857 ha tăng 1,2%), thủy sản khác 293 ha, tăng 0,1%.

Sản lượng tôm Post sản xuất đạt 210 triệu con tăng 5% so cùng kỳ năm trước chủ yếu xuất bán phục vụ nuôi trồng trong tỉnh.

Trong tháng không xảy ra dịch bệnh trên nuôi trồng thủy sản, lũy kế từ đầu năm đến nay dịch bệnh trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng có 60,51 ha tôm nuôi khoảng 20 đến 42 ngày tuổi bị bệnh đốm trắng 20,35 ha và hoại tử gan tụy cấp 40,16 ha (tập trung chủ yếu ở thị xã Đông Hòa 49,4 ha).

Trong tháng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước tính 2.101 tấn, giảm 0,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá các loại 1.627 tấn, tăng 4,9%, tôm các loại 224 tấn, tăng 7,7%, thủy sản khác đạt 250 tấn, giảm 28,4%, trong đó:

- Sản lượng thuỷ sản khai thác 1.665 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng khai thác biển 1.630 tấn, tăng 4%; khai thác nội địa 35 tấn, giảm 5,4%.

- Sản lượng thủy sản nuôi trồng 436 tấn, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá 58 tấn, tăng 21%; tôm 210 tấn, tăng 7,7%, thủy sản khác đạt 168 tấn, giảm 35,4% (do diện tích nuôi trồng thủy sản khác đã kết thúc thu hoạch).

Lũy kế 11 tháng, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 74.684 tấn, tăng 2,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá các loại 57.151 tấn, tăng 0,2%, tôm 11.461 tấn, tăng 5,1%, thủy sản các loại 6.072 tấn, tăng 27%. Trong tổng sản lượng cá các loại khai thác biển, cá ngừ đại dương 2.847 tấn, chiếm 5,1% và giảm 4,1% so cùng kỳ năm trước.

- Tình hình thiệt hại về nuôi trồng do ảnh hưởng của mưa lớn
Từ 19 giờ ngày 09/11/2021 đến 6 giờ ngày 11/11/2021, toàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, đến mưa rất to lượng mưa phổ biến từ 56- 207,6 mm gây ngập lụt nhiều nơi.

Do mưa lớn, nước ngọt từ thượng nguồn đổ về qua khu vực sông Lễ Thịnh ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, nước thoát ra biển tương đối chậm; cá mú nuôi lồng bị chết do sốc độ mặn bởi môi trường nuôi bị ngọt hóa với tổng số lượng cá chết ước tính khoảng 276.750 con khoảng 162 tấn/810 lồng. Cá chết với đủ mọi kích cỡ cá giống (100-150g/con) đến cỡ thương phẩm (0,7-1,3 kg/con). Hiện nay, tình trạng cá bị chết cơ bản đã kiểm soát, người nuôi vẫn còn đang găm lồng ở tầng sâu để hạn chế ảnh hưởng cá nuôi.

Cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn kịp thời cho bà con nuôi trồng thủy sản di chuyển lồng, bè nuôi đến vùng nuôi khác an toàn tạm thời trong mùa mưa, bão. Hạn chế đưa lồng nuôi lên tầng mặt, gia cố lại hệ thống dây neo, phao, khung lồng và lưới lồng tránh khi có gió giật mạnh; dãn khoảng cách giữa các lồng nuôi cho phù hợp, nên xuất bán khi tôm, cá đạt kích cỡ thương phẩm nhằm giảm bớt chi phí thức ăn, tránh những tổn thất khác do biến cố môi trường xảy ra.

2. Sản xuất công nghiệp

Trên địa bàn tỉnh công tác tháo gỡ, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, hộ dân cư được tỉnh quan tâm chỉ đạo kịp thời; tỉnh đã và đang mở cửa lại nhiều hoạt động của nền kinh tế và có những giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh ổn định, phục hồi kinh tế với phương châm “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 ước tính tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,3%; ngành sản xuất, phân phối điện, hơi nước tăng 16%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 7,8%. Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo ngành cấp II có chỉ số sản xuất trong tháng 11/2021 tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu tăng 20,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 20%; sản xuất trang phục tăng 11,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 2,2%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 2,2%. Bên cạnh đó một số ngành công nghiệp cấp II giảm do ảnh hưởng dịch covid-19 như: sản xuất đồ uống giảm 16,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 15,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 7,9%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng một số sản phẩm công nghiệp sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước như:Viên nén các loại 1.628 m3, tăng 17,5%; nhân hạt điều các loại 1.585 tấn, tăng 15,4%; hải sản các loại 1.542 tấn, tăng 14,1%; điện sản xuất 266,9 triệu kwh, tăng 8,4%; quần áo các loại 1.435 ngàn sản phẩm, tăng 6,9%; chip điện tử 49 triệu sản phẩm, tăng 6,5%; ván lạng gỗ các loại 595 tấn, tăng 5,5%; nước uống được 1.169 ngàn m3, tăng 5,1%; xi măng các loại 7.450 tấn, tăng 4,7%; dăm gỗ các loại 13.825 tấn, tăng 4,3%; điện thương phẩm 79,7 triệu kwh, tăng 3,2%; mây tre lá các loại 44 ngàn sản phẩm, tăng 2,3%; thuốc viên các loại 208 triệu viên, tăng 2%; phân bón các loại 4.650 tấn, tăng 1,9%;
Bên cạnh đó có một số sản phẩm giảm do thị trường tiêu thụ bị hạn chế vì ảnh hưởng dịch Covid-19 như: Trang in các loại 162 triệu trang, giảm 13,4%; bia các loại 3.660 ngàn lít, giảm 8%; tinh bột sắn 9.986 tấn, giảm 6,5%; két nhựa các loại 6.900 két, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 16,1%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,1%; ngành sản xuất, phân phối điện, hơi nước tăng 9,6%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 1,7%.

3. Tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp

Tính từ đầu năm đến ngày 01/11/2021 trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 327 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 33% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký là 3.402,9 tỷ đồng, giảm 38,2%; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,41 tỷ đồng/01 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có 14 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 48,1% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là122doanh nghiệp bằng 100%; số doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh là66 doanh nghiệp, giảm 10,8%.

4. Đầu tư

Kế hoạch vốn đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý năm 2021 là 5.787,6 tỷ đồng giảm 17,6% so kế hoạch giao năm 2020 (trong đó UBND tỉnh giao đầu năm 5.493,6 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài sang thực hiện năm 2021 và từ các nguồn khác 294 tỷ đồng). Dự ước vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 11/2021 là 369,6 tỷ đồng, tăng 3,4% so tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó so với cùng kỳ năm trước: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 249,5 tỷ đồng, tăng 21,7%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 118,5 tỷ đồng, giảm 23,6%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 1,6 tỷ đồng, tăng 10,4%;

Lũy kế 11 tháng năm 2021 vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước tính 3.404,2 tỷ đồng đạt 58,8% so kế hoạch năm và giảm 23,1% so cùng kỳ năm trước; trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 2.165,6 tỷ đồng giảm 27,6%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 1.230,3 tỷ đồng giảm 13,7%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 8,3 tỷ đồng giảm 15,2%. Vốn đầu tư thực hiện ở một số ngành có giá trị khối lượng lớn như:

- Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản thực hiện 857,5 tỷ đồng, giảm 36,4% so cùng kỳ năm trước. Thực hiện các công trình/dự án như: Hồ chứa nước Mỹ Lâm; Hồ điều hòa Hồ Sơn và hạ tầng xung quanh; Dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai một số tỉnh miền Trung - tỉnh Phú Yên; Kè chống sạt lở bờ sông Ba kết hợp với phát triển hạ tầng đô thị (đoạn từ cầu Đà Rằng mới tới cầu Đà Rằng cũ); Kè chống sạt lở, bồi lấp cửa biển Đà Diễn; Hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi trồng thủy sản Long Thạnh, thị xã Sông Cầu,…

- Xây dựng thực hiện 344,8 tỷ đồng, tăng 0,1% so cùng kỳ năm trước. Thi công Hạ tầng kỹ thuật các Khu dân cư tạo quỹ đất để huy động vốn phục vụ dự án đường Bạch Đằng giai đoạn 2 (khu đất số 01 và số 03); Đầu tư Cơ sở hạ tầng Khu dân cư phía Đông đường Hùng Vương (đoạn từ đường N7b - Trần Nhân Tông) và đường Trần Nhân Tông (đoạn Hùng Vương - Độc Lập) TP Tuy Hòa; Hạ tầng kỹ thuật các Khu dân cư tạo quỹ đất để huy động vốn phục vụ dự án đường Bạch Đằng (giai đoạn 2) khu đất số 02; Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Nam thuộc khu dô thị mới Nam thành phố Tuy Hòa,...

- Vận tải và kho bãi thực hiện 1.117,2 tỷ đồng, giảm 21,5% so cùng kỳ năm trước. Thi công Nút giao thông khác mức đường số 02 KĐT mới Nam Tuy Hòa - đường Nguyễn Văn Linh; Cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 25; San nền Khu tri thức và đầu tư đoạn đường số 06, đoạn đường Phan Chu Trinh thuộc KĐT mới Nam TP Tuy Hòa; Dự án Tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân (g/đ 2); Thay thế bỏ vỉa hè bằng lát đá Granite và lát gạch vỉa hè bằng gạch Tezzero các tuyến đường Trần Qúy Cáp - Phan Đình Phùng - Duy Tân,…

- Hoạt động của Đảng cộng sản, tổ chức chính trị xã hội, QLNN, ANQP; Đảm bảo xã hội bắt buộc thực hiện 129,8 tỷ đồng, giảm 32,4% so cùng kỳ năm trước. Thực hiện các dự án công trình: Cải tạo nâng cấp mở rộng trụ sở làm việc Huyện ủy Sơn Hòa; Trụ sở làm việc các xã trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; Nhà làm việc BCH quân sự xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân,…

- Giáo dục đào tạo thực hiện 281 tỷ đồng, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Xây dựng hạng mục phòng học các trường THPT, THCS, trường Tiểu học và các lớp học của trường Mầm non, Mẫu giáo trên địa bàn tỉnh,...

5. Tài chính, ngân hàng

5.1. Thu, chi ngân sách

Tổng thu NSNN trên địa bàn tính đến ngày 17/11/2021 đạt6.710 tỷ đồng, đạt 127%dự toán Trung ương giao (DTTW); đạt 77% dự toán tỉnh giao.

Tổng chi NSĐP 8.620 tỷ đồng, đạt 92% DTTW; đạt 68% dự toán tỉnh giao; trong đó chi thường xuyên là 4.390 tỷ đồng.

5.2. Hoạt động ngân hàng

Nhìn chung, các Tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn tương đối ổn định.
Hiện nay, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1% - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 tháng[1]; 2,29% - 4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 06 tháng; 3,7% - 6,3%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 06 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng ở mức 4,3% -7,1%/năm. Lãi suất huy động USD là 0%/năm.
Lãi suất cho vay VND Đối với các lĩnh vực ưu tiên[2], lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 4,3 - 4,5%; trung dài hạn ở mức 7% - 10%. Đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường và cho vay tiêu dùng, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 5,3% - 13,8%, trung dài hạn ở mức 5,5% - 16,1%. Lãi suất cho vay USD, phổ biến ở mức 2,3% - 7,8%/năm đối với ngắn hạn; 4,2% - 9,1%/năm đối với trung dài hạn.

- Đến cuối tháng 10/2021, tổng vốn huy động đạt 30.664 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2020. Trong đó: Tiền gửi huy động từ các khu vực đạt 30.564 tỷ đồng, chiếm 99,67% tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn, tăng 6,55%; phát hành giấy tờ có giá bằng VND đạt 100 tỷ đồng, giảm 13,8%;
Ước đến 31/12/2021, tổng vốn huy động đạt 31.380 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2020, trong đó: Tiền gửi tiết kiệm 26.830 tỷ đồng, chiếm 85,5% tổng vốn huy động, tăng 8,4%; tiền gửi thanh toán 4.450 tỷ đồng, tăng 13,3%.

- Đến cuối tháng 10/2021, dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 38.495 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cuối năm 2020. Trong đó: Cho vay bằng VND 37.634 tỷ đồng, tăng 5,6%; cho vay ngoại tệ quy VND 861 tỷ đồng, tăng 56,6%. Cơ cấu dư nợ theo kỳ hạn: Dư nợ cho vay ngắn hạn 22.093 tỷ đồng, chiếm 57,4% tổng dư nợ, tăng 10,3%; cho vay trung, dài hạn 16.402 tỷ đồng, tăng 1,4%;

Ước đến 31/12/2021, dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 39.992 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cuối năm 2020. Trong đó: Dư nợ cho vay bằng VND 39.122 tỷ đồng, tăng 9,7%. Cho vay ngoại tệ quy VND 870 tỷ đồng, tăng 58,2%. Cơ cấu dư nợ theo kỳ hạn: Dư nợ cho vay ngắn hạn 23.442 tỷ đồng, chiếm 58,6% tổng dư nợ, tăng 17,1%; cho vay trung, dài hạn 16.550 tỷ đồng, tăng 2,3%.

- Đến cuối tháng 10/2021, nợ xấu trên toàn địa bàn chiếm tỷ lệ 0,88% trên tổng dư nợ cho vay. Hầu hết các TCTD đều đảm bảo duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức cho phép (<2%). Tuy nhiên, tại một số ngân hàng, nợ xấu có xu hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao hơn so với tỷ lệ cho phép. Nợ xấu phát sinh chủ yếu tập trung các khoản nợ như cho vay cá nhân trả góp, cho vay sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ước đến 31/12/2021, nợ xấu chiếm tỷ lệ khoảng 0,82% trên tổng dư nợ toàn địa bàn.

- Doanh số giao dịch ngoại tệ trong năm 2021 quy ra VND ước đạt 6.120,82 tỷ đồng, trong đó doanh số mua vào là 3.826,53 tỷ đồng, doanh số bán ra là 2.294,29 tỷ đồng. Tổng giá trị kiều hối chuyển về địa phương năm 2021 ước đạt 28 triệu USD (tương đương 647 tỷ đồng). Đây là dòng vốn ròng tạo điều kiện hỗ trợ cho các TCTD cung ứng ngoại tệ cho khách hàng, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.

- Công tác tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp và hộ dân vay vốn ngân hàng
Tính đến 31/10/2021, trên địa bàn có 10.679 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó doanh nghiệp là 5.419 tỷ đồng, cá nhân là 5.225 tỷ đồng. Các TCTD trên địa bàn đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng như sau:

+ Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 603 khách hàng, trong đó có 55 doanh nghiệp và 548 cá nhân; với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu lại là khoảng 746 tỷ đồng.

+ Mức hạ lãi suất trên địa bàn từ 0,01%-3,8% đối với dư nợ hiện hữu và 0,02%-3,8% đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

+ Cho vay mới lũy kế với doanh số cho vay lũy kế là 25.387 tỷ đồng với 5.890 khách hàng còn dư nợ (5.575 cá nhân và 315 doanh nghiệp), dư nợ tại cuối kỳ báo cáo là 6.582 tỷ đồng.

+ Tổng số dư nợ của khách hàng không bị chuyển nhóm nợ xấu do được cơ cấu lại, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ là 1.438 tỷ đồng với 107 khách hàng.

- Hầu hết các NHTM trên địa bàn đều giảm lãi suất cho khách hàng vay mới hoặc đang có dư nợ tại ngân hàng, đồng thời cung ứng nhiều sản phẩm, gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng để mở rộng tín dụng nhưng vẫn bảo đảm các tiêu chuẩn về cho vay, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai chính sách miễn, giảm phí chuyển tiền trong hệ thống và ngoài hệ thống đối với khách hàng cá nhân và tổ chức có tài khoản thanh toán tại ngân hàng qua các kênh giao dịch của ngân hàng; giảm mức phí thanh toán theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN và chính sách của Hội sở nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã triển khai thực hiện cho vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg tính đến ngày 29/10/2021 như sau: Đã giải ngân cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất là 12 lượt hồ sơ vay vốn (trong đó có 03 người sử dụng lao động vay lần 2 và 2 người sử dụng lao động vay lần 3; 01 người sử dụng lao động lĩnh vực vận tải và vốn trả lương phục hồi sản xuất), với tổng số tiền hơn 1,69 tỷ đồng, cho 494 lượt lao động.
Tháng 8/2021, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Phú Yên (Agribank Phú Yên) đã hoàn tất việc chi trả tiền lãi được ngân sách địa phương cấp bù do thực hiện khoanh nợ cho toàn bộ 393 khách hàng bị thiệt hại bởi cơn bão số 12 năm 2017 với số tiền gần 9,3 tỷ đồng. Trong đó: thực hiện thoái thu lãi đối với khách hàng đã trả lãi hơn 6,5 tỷ đồng; lãi được khoanh từ Ngân sách cấp hỗ trợ cho khách hàng chưa trả lãi trong thời gian khoanh nợ hơn 2,77 tỷ đồng.
NHNN Chi nhánh Phú Yên tham gia cùng với Tổ công tác của tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch Covid-19 trên địa bàn để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, từ đó có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ phù hợp.

6. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Tháng 11/2021,tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang được kiểm soát tốt, mặc dù hàng ngày vẫn có ca nhiễm phát sinh nhưng chủ yếu là về từ các vùng có dịch và được cách ly ngay khi về địa phương. Các đơn vị kinh doanh thương mại, dịch vụ, các chợ trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục duy trì điều kiện đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Các Siêu thị, Trung tâm Thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh liên tục tìm kiếm nguồn hàng trong và ngoài tỉnh, đảm bảo không bị đứt gãy nguồn cung, bình ổn giá cả, đảm bảo đáp ứng phục vụ tiêu dùng cho Nhân dân và khả năng huy động khi cần thiết. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường luôn được các cấp, các ngành tăng cường, góp phần bình ổn thị trường hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Kết quả tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2021 ước tính 3.194,9 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 31.289,2 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước.

Phú Yên thuộc tỉnh có nguy cơ thấp, ngành chức năng của tỉnh đã cho tất cả các phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh được phép hoạt động trở lại. Hiện tại, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải của tỉnh đang rất chú trọng và tăng cường; thực hiện đúng quy định pháp luật về vận chuyển, kiểm tra, kiểm soát, quản lý phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên mọi phương tiện vận tải, nhất là vận chuyển hành khách. Tăng cường thiết lập các chốt chặn kiểm tra, xử lý nghiêm các xe vận chuyển đón, trả khách ra vào địa bàn, các trường hợp “xe dù”, đậu đỗ không đúng nơi quy định, thông tin để hành khách biết về hoạt động vận chuyển. “Quy định về quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên”; “Quy định về hoạt động xe trung chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh Phú Yên” đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

6.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2021 đạt 3.194,9 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa 2.689,1 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành 355,3 tỷ đồng, tăng 6% so với tháng trước và giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu dịch vụ khác 150,5 tỷ đồng, tăng 8,7% so với tháng trước giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 11/2021ước tính2.689,1 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.Trong 12 nhóm ngành hàng chủ yếu, có 09 nhóm ngành đạt mức tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng tăng của giá gas thế giới kéo theo giá gas trong nước tăng. Nhóm có mức giảm nhiều nhất là nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 13,7% do nhu cầu tiêu dùng giảm.

Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday được triển khai định kỳ hằng năm nhằm xây dựng một chương trình mua sắm trực tuyến lớn nhất ở Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng, đem lại những lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng kết hợp lồng ghép các chương trình khuyến mại giảm giá sâu, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm. Tuần lễ mua sắm trực tuyến diễn ra từ ngày 27/11/2021 - 03/12/2021. Hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại và mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100%.

-Hoạt động lưu trú, ăn uống tuyđã trở lại hoạt động bình thường nhưng tâm lý tiêu dùng của người dân vẫn còn e ngại dịch bệnh nên còn hạn chế. Ước tính doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống và du lịch lữ hành tháng 11/2021 là355,3 tỷ đồng, tăng 6% so với tháng trước và giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước;trong đó, so với cùng kỳ năm trước, doanh thu dịch vụ lưu trú5,7 tỷ đồng, giảm 56,5%; doanh thu dịch vụ ăn uống 349,6 tỷ đồng, giảm 7,1%; hoạt động du lịch lữ hành không có doanh thu vì các công ty lữ hành chưa có tour để hoạt động.

- Dịch vụ khác ước tính 150,5 tỷ đồng, tăng 8,7% so với tháng trước và giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước là nhómdịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm 33,4%. Hai nhóm dịch vụ tăng cao so cùng kỳ năm trước như: Dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 27,2%; dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình tăng 16,2%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng ước tính 31.289,2 tỷ đồng, đạt 83,2% so kế hoạch, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 27.183,6 tỷ đồngchiếm tỷ trọng 86,9% vàtăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước; lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành 2.815 tỷ đồng, chiếm 9% và giảm 22,2% dịch vụ 1.290,6 tỷ đồng, chiếm 4,1% và giảm 4,5%.

6.2. Chỉ số giá

Trong tháng 11 giá nhiều mặt hàng có biến động tăng, nguyên nhân do chi phí sản xuất, vận chuyển tăng, lượng cung giảm và nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng. Các cửa hàng, quán ăn mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách vì ảnh hưởng dịch Covid-19 giá đều tăng do chi phí thuê ngoài tăng, nhiều chi phí nguyên liệu tăng cao: Bắp cải tăng 3%; su hào tăng 9,72%; cà chua tăng 22,2%; rau muống tăng 7,18%; đỗ quả tươi tăng 17,73%; rau dạng quả, củ tăng 8,73%; rau tươi khác tăng 16,44%; rau chế biến các loại tăng 6,5%... do thời tiết mưa nhiều một số vùng trồng rau, quả bị ngập úng, nguồn cung cấp rau, quả sản xuất trong tỉnh và nguồn nhập từ ngoài tỉnh đều giảm, trong khi nhu cầu tiêu dùng lại tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tỉnh Phú Yên tháng 11/2021 tăng 0,73% so tháng trước, trong đó 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm tăng cao nhất là nhóm giao thông tăng 2,46% do xăng tăng 8,81%; dầu diezel tăng 7,59%, phụ tùng khác của xe máy tăng 2,56%; phụ tùng khác của xe đạp tăng 3,5% và vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 21,56%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,5%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,19%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,71%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,65%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,48%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,23%; nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,19%; giáo dục tăng 0,11%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06%. Riêng nhóm có giá không đổi so với tháng trước là bưu chính viễn thông.
CPI tháng 11/2021 tăng 3,49% so cùng kỳ năm trước,tăng chủ yếu ở các nhóm hàng hóa và dịch vụ như: Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 4,5%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 4,7%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,22%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 5,08%; giao thông tăng 21,31%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,74%. Riêng 2 nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,72% (lương thực giảm 2,53%, thực phẩm giảm 2,14% chủ yếu do thịt gia súc giảm 15,71%, ăn uống ngoài gia đình tăng 3,83%) và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,33%.
CPI tháng 11/2021 tăng3,23% so tháng 12 năm trước: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,67% trong đó: Lương thực giảm 2,1%, thực phẩm giảm 2,06%, ăn uống ngoài gia đình tăng 3,62%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 4,4%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 3,18%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,38%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 5,22%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,28%; giao thông tăng 18,53%; bưu chính viễn thông tăng 0,02%; giáo dục tăng 0,38%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,9%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,32%.

- Giá vàng 99,99 bình quân trong tháng 11/2021 là5.272.000 đồng/chỉ; so tháng trước tăng 3,01%; so cùng tháng năm trước giảm 3,41%; so tháng 12 năm trước giảm 2,95%; so kỳ gốc 2019 tăng 35,42%. Giá Đô la Mỹ bình quân trong tháng là22.796 VND/USD; so tháng trước giảm 0,39%; so cùng tháng năm trước giảm 2,03%; so tháng 12 năm trước giảm 1,87%; so kỳ gốc 2019 giảm 2,09%.

- CPI bình quân 11 tháng năm 2021so bình quân cùng kỳ năm trướctăng2,84%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ CPI có 10 nhóm hàng có chỉ số giá tăng: Nhóm giao thông tăng 10,78% đây là nhóm có chỉ số giá tăng cao nhất do giá nhiên liệu tăng 28,81%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,18% (trong đó: Lương thực tăng 8,32%, thực phẩm giảm 0,53%, ăn uống ngoài gia đình tăng 7,12%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,3%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 2,53%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,96%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,11%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,16%; giáo dục tăng 3,77%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,08%. Riêng nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,22%.

- Bình quân 11 tháng năm 2021, giá vàng 99,99 là5.272.000đồng/chỉ; so bình quân cùng kỳ tăng 7,98%.Giá Đô la Mỹ là2.279.600 VND/100USD; so bình quân cùng kỳ giảm 1,2%.

6.3. Giao thông vận tải

Hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh đang trên đà phục hồi theo trạng thái bình thường mới. Doanh thu, sản lượng vận chuyển, luân chuyển hành khách vẫn còn thấp nhiều so cùng kỳ năm trước là do còn ảnh hưởng của dịch, nhưng doanh thu, sản lượng vận chuyển, luân chuyển hàng hóa tăng so cùng kỳ năm trước là do đẩy nhanh tiến độ sản xuất kinh doanh trước mùa mưa bão đồng thời giá cả xăng dầu tăng cao làm cho giá cước vận tải tăng theo.

Tổng doanh thu ngành vận tải tháng 11/2021 ước tính 369,6 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Doanh thu vận tải hành khách 34,5 tỷ đồng, giảm 18,2%; doanh thu vận tải hàng hóa 333,2 tỷ đồng, tăng 26,6%; kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải gần 2 tỷ đồng, bằng 37%. Trong tổng doanh thu vận tải, doanh thu vận tải đường bộ 367,6 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước.
Vận chuyển hành khách chủ yếu là đường bộ tháng 11 ước tính 593,3 ngàn lượt khách, giảm 29,9% so với cùng kỳ năm trước và khối lượng hành khách luân chuyển đường bộ 34.257,3 ngàn lượtkhách.km, giảm 27%.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển chủ yếu là đường bộ tháng 11 ước tính1.079,3 ngàn tấn, tăng 7,9%so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển đường bộ90.191,2 ngàn tấn.km, tăng 7,4%.

- Lũy kế 11 tháng, doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước tính 2.981,1 tỷ đồng, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách 312,7 tỷ đồng, giảm 36,8%; vận tải hàng hóa là 2.624 tỷ đồng, giảm 1,6%. Trong tổng doanh thu hoạt động vận tải, vận tải đường bộ là 2.936,7 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 98,5%, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng vận tải hành khách 6.877,4 nghìn lượt khách, giảm 40,6% và luân chuyển 389.023,4 nghìn lượt khách.km, giảm 39,8%. Khối lượng hàng hóa vận chuyển 8.896,3 nghìn tấn, giảm 14,6%, luân chuyển 649.697,1 nghìn tấn.km, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hàng không, lượng hành khách qua Cảng hàng không Tuy Hòa trong tháng đạt 6.945 lượt khách; lũy kế 11 tháng đạt 176.544 lượt khách[3], giảm 43,4% so với cùng kỳ năm trước

Vận tải đường sắt, lượng hành khách lên tàu trong tháng đạt 2.319 lượt khách[4]; lũy kế 11 tháng vận chuyển 37.842 lượt khách, giảm 58,4% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải đường biển, lượng hàng hóa thông qua cảng Vũng Rô trong tháng đạt16,14 ngàn tấn; lũy kế 11 tháng đạt 197 ngàn tấn, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước.

7. Các vấn đề xã hội

7.1. Hoạt động văn hóa – thể thao

Tổ chức tuyên truyền và chiếu phim tài liệu nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11). Thư viện tỉnh phục vụ 1.500 lượt bạn đọc với 2.500 lượt tài liệu, cấp và gia hạn 70 thẻ.
Triển khai Tháng hành động vì Bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021; tuyên truyền hưởng ứng Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái (25/11).
Điều chỉnh thời gian tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tỉnh Phú Yên lần thứ VIII. Các đội tuyển thể thao tiếp tục điều chỉnh chương trình, kế hoạch huấn luyện và tập luyện.

Tổ chức Hội nghị Chương trình liên kết du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Phú Yên trong điều kiện an toàn, thích ứng với dịch Covid-19; đón đoàn công tác tỉnh Tây Ninh đến khảo sát sản phẩm du lịch tại Phú Yên; cập nhật website du lịch Phú Yên, trên Facebook, Youtube; hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống Covid-19 tại các đơn vị kinh doanh du lịch; triển khai hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch (tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Phối hợp hỗ trợ triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường tại buôn Lê Diêm.

7.2. Y tế

Bệnh sốt xuất huyết tính từ 19/10 đến 18/11/2021 có 5 ổ dịch, 107 ca mắc, không tử vong, so với cùng kỳ năm trước giảm 15 ổ dịch, số mắc giảm 85,4%, tử vong tương đương. Lũy kế toàn tỉnh có 25 ổ dịch, 721 ca mắc sốt xuất huyết, 2 ca tử vong; so với cùng kỳ năm trước giảm 234 ổ dịch, số mắc giảm 88%, tử vong tăng 1 ca. Tiếp tục các biện pháp điều tra côn trùng, tổng vệ sinh diệt bọ gậy, xử lý hoá chất phòng chống dịch bệnh ở các vùng trọng điểm, không để sốt xuất huyết phát triển thành dịch;
Bệnh tay chân miệng, trong tháng không phát hiện ca mắc. Lũy kế toàn tỉnh có 145 ca mắc, không tử vong; so với cùng kỳ năm trước số mắc giảm 58,9%.

Bệnh sốt rét: Toàn tỉnh có 7 trường hợp mắc, Sốt rét ác tính (SRAT) 0, tử vong 0; so với cùng kỳ năm trước số ca mắc tăng 75%, SRAT, tử vong tương đương. Lũy kế toàn tỉnh có 44 ca mắc, SRAT 0, tử vong 0; so với cùng kỳ năm trước số mắc giảm 67,2%, SRAT, tử vong tương đương.

Đã phát hiện mới 11 trường hợp nhiễm HIV(+) (TP. Tuy Hòa 1, Phú Hòa 3, Tây Hòa 1, Tuy An 4, Sơn Hòa 1, Sông Hinh 1). Luỹ tích toàn tỉnh có 863 ca nhiễm HIV (trong đó 306 bệnh nhân AIDS, 206 bệnh nhân tử vong). 100% bệnh nhân HIV/AIDS ở cộng đồng tham gia BHYT.

Chương trình tiêm chủng mở rộng, tính đến ngày 18/11 đạt 65,7% số cháu dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin phòng bệnh; số bà mẹ mang thai được tiêm phòng uốn ván 2 mũi đạt tỷ lệ 52,6%.
Tăng cường tuyên truyền cho cán bộ và người dân trên toàn tỉnh hiểu về an toàn vệ sinh thực phẩm bằng nhiều hình thức: Băng rôn, tờ rơi, phát thanh, truyền hình. Tiếp tục tuyên truyền công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng thiết yếu do Ngành Y tế quản lý. Thanh tra, kiểm tra đối với cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đá dùng liền trên địa bàn tỉnh.
Trạm chuyên khoa Lao khám 174 lượt bệnh nhân, phát hiện mới 41 trường hợp mắc, trong đó có 21 trường hợp có bằng chứng vi khuẩn học; luỹ tích đến nay đã khám 3.141 lượt, phát hiện mới 437 trường hợp mắc, trong đó có 258 trường hợp có bằng chứng vi khuẩn học.

Trạm chuyên khoa Tâm thần đã khám 324 lượt (trong đó tham gia khám giám định y khoa 42 lượt, khám giám định pháp y là 15 lượt). Đến nay đã khám 2.886 lượt.

Trung tâm Giám định y khoa đã khám cho 3.153 lượt người, trong đó khám giám định 72 lượt, khám dự tuyển, tuyển dụng, theo yêu cầu 2.062 lượt, khám định kỳ 1.019 lượt. Luỹ tích đến nay đã khám cho 11.006 lượt người.

Công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (Covid-19).

Tính đến 17 giờ 00 ngày 17/11/2021, trong tổng số 3.347 bệnh nhân nhiễm Covid-19[5], đã điều trị khỏi 3.107 bệnh nhân và có 36 bệnh nhân đã tử vong. Đã thực hiện truy vết được: Số F1 là 13.261 trường hợp; số F2 là 27.622 trường hợp.

Các địa phương tiếp tục công tác truy vết, cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm và xử lý môi trường tại các địa điểm nguy cơ; Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 197/KH-UBND về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Phú Yên và ban hành nhiều Công văn chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh. Ban hành Kế hoạch số 3944/KH-SYT ngày 10/11/2021 về triển khai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 người từ vùng dịch đến/về Phú Yên nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nhiễm Covid-19 khi từ vùng dịch đến/về Phú Yên, để thực hiện các biện pháp giám sát, cách ly, điều trị tránh lây lan dịch ra cộng đồng.

Về triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19: Tính đến 17 giờ ngày 23/11/2021, toàn tỉnh đã tiêm cho 586.672 người, chiếm tỉ lệ 86,4% so với dân số từ 18 tuổi trở lên; trong đó có 351.189 người tiêm đủ 02 mũi, chiếm tỷ lệ 51,7% so với dân số từ 18 tuổi trở lên.

7.3.Giáo dục

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tập trung chỉ đạo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch trước khi học sinh đến trường học tập trực tiếp. Ban hành Kế hoạch dạy học “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các địa phương trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Phần lớn các trường học trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến/linh hoạt; phối hợp với phụ huynh học sinh để hướng dẫn học sinh học tập thông qua các ứng dụng như Zalo, Messenger, Email... hoặc hướng dẫn học sinh tự học và có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho từng đối tượng học sinh.
Tiếp tục phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục triển khai Kế hoạch vận động quyên góp ủng hộ trang thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Tính đến hết ngày 17/11/2021 đã vận động được trên 2,4 tỷ đồng. Hiện tại, Sở GD&ĐT đang triển khai mua thiết bị hỗ trợ cho học sinh, tuy nhiên gặp phải khó khăn trong việc tìm nhà cung ứng máy tính bảng theo cấu hình do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định với giá ưu đãi 2,5 triệu đồng/cái và đang nhờ Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ.

Tổ chức thành công Kỳ thi Chọn đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh tham dự Kỳ thi học sinh giỏi thi cấp quốc gia năm 2021.

7.4. Trật tự an toàn xã hội

- Tình hình tai nạn giao thông:

Theo số liệu thống kê, tai nạn giao thông trong tháng 11/2021 tăng số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:

Từ ngày 15/10/2021-14/11/2021, toàn tỉnh đã xảy ra 28 vụ tai nạn giao thông, tăng 14 vụ; làm chết 16 người, tăng 9 người; bị thương 19 người, tăng 4 người so với cùng kỳ năm trước; thiệt hại tài sản 324,2 triệu đồng. Trong đó: Tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 27 vụ; tăng 13 vụ; làm chết 15 người, tăng 8 người; bị thương 19 người, tăng 4 người so với cùng kỳ năm trước; thiệt hại tài sản 324,2 triệu đồng. Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 1 vụ, làm chết 1 người, không có thiệt hại về tài sản; tăng 1 vụ và tăng

1 người chết so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế từ 15/12/2020-14/11/2021, toàn tỉnh đã xảy ra 131 vụ tai nạn giao thông, giảm 17 vụ; làm chết 78 người, giảm 10 người; bị thương 89 người, giảm 21 người so với cùng kỳ năm trước; thiệt hại tài sản 1.174,1 triệu đồng. Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 129 vụ, giảm 17 vụ; làm chết 76 người, giảm 10 người; bị thương 89 người, giảm 21 người bị thương so với cùng kỳ năm trước; thiệt hại tài sản 1.174,1 triệu đồng. Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 2 vụ, làm chết 2 người, so với cùng kỳ năm trước bằng số vụ, bằng số người chết và bằng số người bị thương; không có thiệt hại về tài sản.

-Tình hình cháy, nổ - vi phạm môi trường:

Từ ngày 15/10/2021-14/11/2021 toàn tỉnh không xảy ra cháy, nổ. Lũy kế đến 14/11/2021, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ cháy, 1 vụ nổ, 2 người bị thương do cháy nổ, ước thiệt hại tài sản gần 37 tỷ đồng.
Từ ngày 16/10/2021-15/11/2021 Các lực lượng chức năng đã phát hiện 21 vụ vi phạm môi trường, lập biên bản xử lý vi phạm 14 vụ, phạt tiền 165 triệu đồng, trong đó: Vụ vi phạm nổi bật nhất trong tháng là vụ phá rừng trái phát luật tại huyện Sơn Hòa, bị phạt tiền 162,5 triệu đồng. So với tháng trước và cùng kỳ đều giảm số vụ vi phạm, số vụ đã xử lý và tăng số tiền xử phạt (cụ thể: So tháng trước giảm 2 vụ vi phạm, giảm 5 vụ xử lý và tăng 138 triệu đồng tiền xử phạt, so cùng kỳ giảm 2 vụ vi phạm, giảm 6 vụ xử lý và tăng 162 triệu đồng tiền xử phạt). Lũy kế đến 15/11/2021, toàn tỉnh phát hiện 217 vụ vi phạm môi trường, lập biên bản xử lý vi phạm 107 vụ, phạt tiền 252,3 triệu đồng.

7.5.Tình hình thiên tai

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ thiên tai, gây thiệt hại ước tính hơn 42 tỷ đồng. Cụ thể: Từ ngày 24/10 đến ngày 28/10 do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã có mưa to, đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 138,3-513,6 mm (lượng mưa lớn nhất tại trạm Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu). Mực nước trên các sông thuộc khu vực tỉnh đạt từ mức báo động cấp I-II. Sức gió mạnh nhất tại TP Tuy Hòa giật cấp 7. Thiệt hại về nhà ở 20 triệu đồng; thiệt hại về trồng trọt 155,85 triệu đồng; thiệt hại về chăn nuôi 4,3 triệu đồng; thiệt hại về lĩnh vực thủy sản (chìm ghe, cá tôm bị chết) 1.345 triệu đồng; thiệt hại về thủy lợi (kênh mương hư hỏng) 2.448,2 triệu đồng; thiệt hại về giao thông (các tuyến đường bị hư hỏng) 38.079,65 triệu đồng; các thiệt hại về công trình xây dựng, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, các công trình khác là 220 triệu đồng. Tổng thiệt hại do ảnh hưởng của ATNĐ và lũ lụt gây ra trên địa bàn tỉnh là khoảng 42,273 tỷ đồng.

Sau tuần đầu của tháng 11, mưa lớn kéo dài trên diện rộng, ngập lụt làm hư hỏng, sập 02 công trình phụ (bờ thành, tường rào) của 02 hộ dân (TX. Sông Cầu); 01 điểm trường bị nước lũ cuốn ngã 40 m tường rào; thiệt hại về trồng trọt: 5,75 ha sắn bị ngập úng và 1,9 ha hoa màu bị hư hỏng, ngã đổ (huyện Tây Hòa); thiệt hại về chăn nuôi: 01 con bò, 20 con heo, 440 con vịt bị nước cuốn trôi; thiệt hại về thủy lợi: hơn 2.630 m chiều dài kênh mương và bờ sông, suối bị sạt lở, bồi lấp, hư hỏng, với khối lượng bị sạt lở, cuốn trôi, hư hỏng 4.564 m3đất đá, khối lượng đá xây và bê tông 26,5 m3; thiệt hại về thủy sản khoảng 1.700 con cá các loại bị nước cuốn trôi (huyện Tây Hòa); thiệt hại về giao thông: Sạt lở, hư hỏng nền, mặt đường, mái taluy 8.765 m; đất đá, sạt lở, bồi lấp 4.681m3. Hiện nước đang ngập, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chưa tính được tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ.
Mức độ thiệt hại do thiên tai xảy ra trong tháng 11 và lũy kế 11 tháng năm 2021 (chỉ có thiên tai trong tháng 11) đều giảm mạnh so cùng kỳ năm trước (tháng 11/2020 bão số 12 đổ bộ vào Phú Yên, làm 1 người chết và thiệt hại 454,952 tỷ đồng; lũy kế 11 tháng năm 2020 thiên tai làm 1 người chết và thiệt hại 553,252 tỷ đồng).

7.6. Các chính sách an sinh xã hội

Tính đến ngày 16/11/2021, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho 39.786 đối tượng với tổng số tiền hơn 62,13 tỷ đồng (gồm các đối tượng hộ kinh doanh, lao động tự do, lao động ngừng việc, lao động tạm hoãn hợp đồng lao động và các đối tượng thực hiện cách ly y tế theo yêu cầu cơ quan Nhà nước).

Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tư vấn nghề - việc làm 964 lượt người. Giới thiệu việc làm và cung ứng lao động 362 người đến các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh thuộc các thành phần kinh tế. Trong tháng đã tiếp nhận 362 hồ sơ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và có quyết định hưởng BHTN cho 279 trường hợp hưởng trợ cấp.

Tổng số nhà ở cho người có công được hỗ trợ từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh trong tháng là 21 nhà.

Tiếp nhận 10.000 tập vở do tổ chức Childrenaction hỗ trợ trao cho trẻ em huyện Đồng Xuân.
Triển khai các hoạt động truyền thông nhân tháng hành động vì Bình đẳng giới năm 2021.

[1]Theo quy định tại Quyết định số 1729/QĐ-NHNN ngày 30/9/2020

[2]Theo quy định tại Quyết định số 1730/QĐ-NHNN ngày 30/9/2020

[3]Tuyến TP. HCM – Tuy Hòa: Từ đầu năm đến ngày 14/11/2021 thực hiện 1.036 chuyến bay, vận chuyển 117.603 HK, hệ số ghế sử dụng 58%, giảm 33,2% số khách và giảm 13,2% số chuyến so với cùng kỳ năm trước. Các Hãng hàng không khai thác trở lại: Vietnam Airlines,VietJet Air,BambooAirways từ ngày10/10/2021.
Tuyến Hà Nội – Tuy Hòa: Từ đầu năm đến ngày 14/11/2021 thực hiện 560 chuyến bay, vận chuyển 58.941 HK, hệ số ghế sử dụng 51,9%, giảm 56,5% số khách và giảm 40% số chuyến so với cùng kỳ năm trước.Các Hãng hàng không khai thác trở lại: Vietnam Airlines từ ngày 24/10/2021,VietJet Airngày 23/10/2021,BambooAirways từ ngày 27/10/2021.

[4]Vận tải đường sắt hoạt động trở lại (hoạt động thí điểm) từ ngày 13/10/2021.

[5]Trong đó: Thành phố Tuy Hòa 1.666 ca, huyện Phú Hòa 561 ca, huyện Tuy An 344 ca, thị xã Đông Hòa 218 ca, huyện Tây Hòa 167 ca, huyện Đồng Xuân 123 ca, thị xã Sông Cầu 104 ca, huyện Sơn Hòa 102 ca, huyện Sông Hinh 53 ca và tỉnh khác 9 ca.


Website Cục thống kê tỉnh Phú Yên

    Tổng số lượt xem: 1094
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)