Báo cáo số 1239/KHĐT-TH ngày 28/8/2013 của Sở KHĐT Quảng Bình
1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt:
Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Hè Thu toàn tỉnh thực hiện 31.023,3 ha, bằng 99,9% so cùng kỳ (SCK). Trong đó: Cây lúa 23.988,3 ha, bằng 99,8%; cây ngô, cây lương thực có hạt khác 443 ha, bằng 80%; cây lấy củ có chất bột 1.061 ha, tăng 1,6%; cây mía 54,4 ha, tăng 6,7%; cây có hạt chứa dầu 939,5 ha, bằng 94,2%; cây rau, đậu, hoa cây cảnh 3.648,5 ha, tăng 5,2%; cây hàng năm khác 923 ha, bằng 97,5% SCK. Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục công tác chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa Hè Thu.
Do thời tiết diễn biến phức tạp nên một số địa phương đã phát sinh sâu bệnh và chuột gây hại. Diện tích lúa Hè thu bị sâu bệnh là 1.275 ha, tăng 171,2% SCK; diện tích bị chuột phá 711,5 ha, tăng 115,2% SCK. Các ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo công tác phòng chống sâu bệnh nên mức độ thiệt hại được hạn chế.
Lúa Hè Thu năm nay nguồn nước tưới tiêu cung cấp cơ bản đầy đủ nên sinh trưởng phát triển tốt. Lúa Hè thu ở các địa phương đang thời kỳ trổ bông, đến 15/8 diện tích lúa đã trổ trên 75%, nhanh hơn cùng kỳ năm trước. Một số nơi xa nguồn nước tưới, bị hạn cục bộ, lúa trổ chậm hơn. Lúa tái sinh ở các địa phương đã thu hoạch xong, năng suất đạt thấp hơn năm trước.
Tháng 8 tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chăm sóc, thu hoạch các loại cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả theo mùa vụ. Sản lượng mủ cao su khai thác trong tháng 580 tấn; 8 tháng 4.720 tấn, tăng 10,5% SCK, đạt 62,9% KH. Sản lượng mủ khai thác tăng là do thời tiết thuận lợi, diện tích cao su kiến thiết cơ bản đã đưa vào khai thác tăng lên.
b. Chăn nuôi:
Tình hình chăn nuôi ở các địa phương phát triển ổn định, riêng đàn gia cầm có chiều hướng phát triển khá. Nhiều trang trại chăn nuôi được phục hồi và từng bước mở rộng quy mô, nhờ đó, sản lượng thịt hơi xuất chuồng có chiều hướng tăng so cùng kỳ.
Dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các địa phương đã được khống chế và kiểm soát chặt chẽ. Công tác tiêm phòng dịch bệnh đợt I năm nay cơ bản hoàn thành kế hoạch. Tuy nhiên, ở các tỉnh lân cận dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên nguy cơ lây nhiễm vào tỉnh ta có thể xẩy ra, vì vậy, công tác tiêm phòng văcxin, công tác kiểm tra giết mổ, vận chuyển sản phẩm chăn nuôi phải được triển khai kịp thời và đồng bộ.
2. Lâm nghiệp
a. Khai thác lâm sản: Dự ước sản lượng gỗ khai thác tháng 8 đạt 20.864 m3; 8 tháng 149.326 m3, bằng 83,6% SCK. Sản lượng nhựa thông tháng 8 đạt 254 tấn; 8 tháng 3.429 tấn, bằng 88,2% so cùng kỳ.
b. Lâm sinh, quản lý bảo vệ rừng:
Công tác lâm sinh trong tháng 8 chủ yếu tập trung vào chăm sóc rừng trồng, trồng cây phân tán và chuẩn bị mặt bằng, cây giống cho trồng rừng tập trung theo kế hoạch năm 2013. Tháng 8 diện tích rừng trồng được chăm sóc 95 ha; 8 tháng 14.411 ha, tăng 0,7% so cùng kỳ.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng được các ngành, các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm. Đã chú trọng triển khai công tác phối hợp với các đơn vị, địa phương tập huấn, diễn tập phòng chống cháy rừng nhờ đó đã xây dựng được lực lượng nòng cốt tại các địa bàn có nguy cơ cháy rừng cao. Đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận người dân về ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng. Hiện tượng cháy rừng phạm vi nhỏ xảy ra ở một vài nơi nhưng thiệt hại không đáng kể.
3. Thuỷ sản
Tổng sản lượng thuỷ sản tháng 8 đạt 8.260,8 tấn; 8 tháng đạt 41.138 tấn, tăng 5,4% so cùng kỳ, đạt 76,2%KH.
a. Nuôi trồng: Dự kiến sản lượng nuôi trồng tháng 8 thu hoạch 2.344 tấn; 8 tháng 6.891,9 tấn, tăng 0,5% SCK, đạt 68,9% KH. Trong đó: Cá các loại 3.032,8 tấn, tăng 5,2%; tôm các loại 3.630,7 tấn, bằng 97,9%; thủy sản khác 228,4 tấn, bằng 91,5% so cùng kỳ.
b. Khai thác:
Do thời tiết thuận lợi cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước, mặt khác một số địa phương đóng thêm thuyền mới, thành lập tổ đội đánh bắt xa bờ nên hoạt động đánh bắt phát triển khá, sản lượng khai thác tăng so cùng kỳ. Dự ước sản lượng khai thác tháng 8 đạt 5.916,8 tấn; 8 tháng 34.246 tấn, tăng 6,4% so cùng kỳ, đạt 77,8% KH.
Hầu hết sản lượng khai thác 8 tháng của các địa phương đều tăng: Thành phố Đồng Hới 6.172,3 tấn, tăng 2,9%; huyện Minh Hoá 62 tấn, tăng 5,8%; huyện Tuyên Hoá 88,7 tấn, tăng 15,5%, huyện Quảng Trạch 12.421,5 tấn, tăng 7,9%; huyện Bố Trạch 11.402,6 tấn, tăng 6,5%; huyện Quảng Ninh 1.377,9 tấn, tăng 12,5%; huyện Lệ Thủy 2.721 tấn, tăng 4,6% so cùng kỳ.
Xây dựng nông thôn mới:
UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục nỗ lực thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới. Trong tháng 8, Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh đã họp đánh giá tình hình thực hiện trong thời gian qua và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng thời rà soát lại các chỉ tiêu thực hiện, cụ thể, đến nay, có 100% số xã đã tổ chức triển khai công bố quy hoạch; 133/141 xã đã cắm mốc chỉ giới, đạt 94,3%. Các huyện: Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hóa và thành phố Đồng Hới đã hoàn thành cắm mốc. Các huyện: Minh Hóa có 12/15 xã, Lệ Thủy có 21/26 xã đã triển khai cắm mốc. Về phê duyệt quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã: đến nay đã có 71/141 xã hoàn thành phê duyệt, chiếm 50,3%, (số liệu tháng 7 đạt 108/141 xã, chiếm 76,6% là chưa chính xác do các huyện, thành phố báo cáo nhầm giữa phê duyệt đề cương, nhiệm vụ quy hoạch và phê duyệt Quy hoạch) trong đó: các huyện, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ và thành phố Đồng Hới hoàn thành phê duyệt 100% quy hoạch khu trung tâm xã; Bố Trạch có 17/28 xã, Tuyên Hóa có 3/19 xã, Minh Hóa có 5/15 xã. Huyện Quảng Trạch chưa có xã nào được phê duyệt.
4. Công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2013 tăng 6,3% so tháng trước và tăng 13,5% SCK. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6% SCK, trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng 7,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,9%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 4,5%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,8%.
Các sản phẩm sản xuất chủ yếu: Quặng titan đạt 31.480 tấn, tăng 6,3%; đá xây dựng 1.775.4 m3, tăng 7,4%; bia đóng chai 14.260 nghìn lít, tăng 6,7%; áo sơ mi 1.177 ngàn cái, tăng 5,1%; cao su chế biến 2.302 tấn, tăng 33,5%; phân bón các loại 21.621 tấn, tăng 4,3%; gạch lát nền 1.108 nghìn m2, tăng 1,6%; xi măng 865.240 tấn, tăng 6,1%; điện thương phẩm 342 triệu Kwh, tăng 3,3%; nước máy 4.550 nghìn m3, tăng 5,3% SCK.
Một số sản phẩm giảm so cùng kỳ như: mực đông lạnh đạt 316 tấn, giảm 4,9%; gạch xây bằng đất sét nung 70.189 nghìn viên, giảm 3,9%; thanh nhôm 358 tấn, giảm 52,4%.
5. Xây dựng cơ bản
Thực hiện nghiêm các Chỉ thị số 1792/CT-TTg, Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 11/CT-UBND ngày 31/7/2013 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn Ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ; các ngành, các cấp đã tăng cường công tác quản lý đầu tư các dự án sử dụng vốn NSNN, kiên quyết không điều chỉnh quy mô và bổ sung thêm các hạng mục của dự án so với quyết định đầu tư ban đầu, từng bước hạn chế và giảm dần nợ đọng XDCB. Tăng cường chỉ đạo công tác bồi thường GPMB; đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, chủ đầu tư thực hiện đồng bộ các giải pháp, tận dụng thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư XDCB. Khối lượng thực hiện tháng 8 ước đạt 173,2 tỷ đồng, 8 tháng ước đạt 1.028 tỷ đồng, tăng 18,3% so cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương quản lý 158 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương quản lý 869,9 tỷ đồng. Cụ thể: khối lượng thuộc ngành giao thông vận tải 355,6 tỷ đồng; ngành nông lâm nghiệp, thủy sản 146,2 tỷ đồng; ngành công nghiệp chế biến chế tạo 79,7 tỷ đồng, ngành Giáo dục đào tạo 87,8 tỷ đồng; ngành Quản lý nhà nước 95 tỷ đồng; ngành Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội 85,3 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển đến ngày 20/8 đạt 57,62%, dự kiến giải ngân 8 tháng đạt 60%.
6. Thương mại, Du lịch
- Nội thương: Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tháng 8 ước đạt 1.268,9 tỷ đồng, 8 tháng đạt 10.386,4 tỷ đồng, tăng 13,8% SCK, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,3% SCK.
Theo thành phần kinh tế: Hầu hết doanh thu các thành phần kinh tế đều có mức tăng trưởng khá SCK, riêng kinh tế tập thể đạt thấp, Cụ thể: 8 tháng, kinh tế Nhà nước tăng 17,8%; kinh tế cá thể tăng 15,4%; kinh tế tư nhân tăng 10,3%; kinh tế tập thể giảm 29% SCK.
- Xuất nhập khẩu:
Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 đạt 8,16 triệu USD, 8 tháng đạt 89,95 triệu USD, tăng 6,5% SCK, đạt 66,6% KH. Trong đó: khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm 98,1%; Xuất trực tiếp chiếm tỷ trọng 83,8%, xuất uỷ thác chiếm 16,2%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Cao su 17,5 ngàn tấn, tăng 15,8%; Gỗ các loại 8,9 ngàn m3, tăng 3,2%; Nhựa thông 1.296 tấn, bằng 70,9%; Dăm gỗ khô 152,9 ngàn tấn, tăng 9,6%; Thuỷ sản 318,8 tấn, tăng 74,5% SCK.
Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu tháng 8 đạt 3,4 triệu USD, 8 tháng đạt 30,5 triệu USD, giảm 41,4% SCK, đạt 61% KH. Tất cả đều là nhập khẩu trực tiếp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước và chủ yếu là tư liệu sản xuất (chiếm 98,7%). Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là gỗ chiếm tỷ trọng lớn và là hàng tạm nhập tái xuất, còn lại một số mặt hàng giá trị nhỏ phục vụ cho sản xuất như: nguyên liệu sản xuất tân dược, vật liệu sản xuất ván ép tre và một số tư liệu sản xuất khác.
- Chỉ số giá tiêu dùng: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,43% so tháng trước; tăng 2,94% so tháng 12 năm trước; so với cùng kỳ năm trước tăng 8,86%, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng tăng 8,05% SCK. Cụ thể: Trong 11 nhóm hàng, có 10 nhóm tăng giá; trong đó nhóm vật liệu xây dựng, nhà ở và nhóm giao thông tăng mạnh so với tháng trước (Nhóm VLXD và nhà ở tăng 1,15%; nhóm giao thông tăng 1,2% so tháng trước).
- Hoạt động vận tải: Hoạt động vận tải tiếp tục ổn định, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân. Khối lượng vận chuyển hàng hoá 8 tháng ước đạt 9,75 triệu tấn, tăng 10%; khối lượng hàng hoá luân chuyển đạt 470,5 triệu tấn.km, tăng 10,5%. Tổng số hành khách vận chuyển 8 tháng đạt 10,6 triệu hành khách, tăng 6,4%; khối lượng hành khách luân chuyển đạt 437,16 triệu hành khách.km, tăng 10,7% SCK.
- Hoạt động dịch vụ, du lịch: Tháng 8 mặc dù lượng khách và doanh thu có sụt giảm nhưng vẫn tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Trong tháng 8 có 111,8 ngàn lượt khách, giảm 20,3% so tháng trước và tăng 2,4% SCK; 8 tháng đạt 792,9 ngàn lượt khách, tăng 2,9% SCK, (trong đó: khách quốc tế tháng 8 đạt 2,7 ngàn lượt, tăng 10,1%, 8 tháng đạt 24,7 ngàn lượt, tăng 22,5% SCK; khách lữ hành tháng 8 ước đạt 69,1 ngàn lượt, tăng 1,4% SCK, 8 tháng ước đạt 432,5 ngàn lượt khách, tăng 6,4% SCK; khách lữ hành quốc tế đạt 25 ngàn lượt khách, tăng 75% SCK.
Doanh thu khách sạn, nhà hàng, du lịch tháng 8 ước đạt 119,5 tỷ đồng, giảm 11,1% so tháng trước và tăng 10,7% SCK; 8 tháng ước đạt 898,8 tỷ đồng, tăng 10,8% SCK.
7. Tài nguyên môi trường
Trong tháng, ngành tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 2011-2015. Đến nay, Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được công bố quy hoạch theo đúng quy định; UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất 05 huyện, thành phố và 03 thị trấn gồm: Huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới, Tuyên Hóa, thị trấn Ba Đồn, thị trấn Hoàn Lão, thị trấn Nông trường Việt Trung. Quy hoạch sử dụng đất cấp xã trong tháng 8 đã được UBND TP Đồng Hới phê duyệt 01 xã, 8 tháng đã được UBND huyện phê duyệt 136 xã, còn 05 xã của thành phố Đồng Hới chưa phê duyệt.
Ngành tiếp tục thực hiện tốt công tác giới thiệu địa điểm, giao đất, cho thuê đất đáp ứng kịp thời yêu cầu sử dụng đất của các tổ chức. Đã giới thiệu địa điểm sử dụng đất 08 dự án; quyết định giao đất 04 công trình; quyết định cho thuê đất 4 dự án với diện tích 5,98 ha .
Công tác đăng ký đất đai và đo đạc bản đồ địa chính đang chủ yếu tập trung vào lập hồ sơ địa chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay toàn tỉnh đã cấp được 511.054 giấy chứng nhận QSD đất, diện tích 570.057,48 ha, đạt 94,71% diện tích.
Tiếp tục hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng tạo quỹ đất khu đô thị phía Bắc đường Lê Lợi, Phường Hải Đình, diện tích 28,9 ha; tạo quỹ đất khu dân cư tỉnh lộ 2, thị trấn Hoàn Lão huyện Bố Trạch, diện tích 15 ha.
Công tác quản lý tài nguyên tiếp tục được tăng cường, hoạt động kiểm tra, thanh tra, khắc phục tình trạng khai thác khoáng sản trái phép được chú trọng. Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm chỉ đạo, tiếp tục thực hiện lộ trình xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngành đã tập trung kiểm tra các điểm mỏ khoáng sản, tài nguyên nước để quản lý quá trình hoạt động khai thác và làm thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản, tài nguyên nước cho các tổ chức, doanh nghiệp.
8. Sắp xếp doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh
- Công tác sắp xếp doanh nghiệp: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện cổ phần hóa 3 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ theo đúng lộ trình được phê duyệt cho: Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Quảng Bình, Công ty TNHH MTV Đường sông Quảng Bình tiến hành cổ phần hóa trong năm 2014, Công ty TNHH MTV Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình sẽ thực hiện năm 2015.
- Công tác đăng ký kinh doanh: tháng 8 đã cấp giấy chứng nhận ĐKKD cho 32 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 118,1 tỷ đồng; 8 tháng cấp giấy chứng nhận ĐKKD cho 281 doanh nghiệp, tăng 23,2% SCK, tổng số vốn đăng ký 1.011,7 tỷ đồng. (Trong đó: có 35 DN tư nhân, 117 Công ty TNHH 2 TV, 110 Công ty TNHH 1 TV, 19 C.ty cổ phần). Trong tháng 8 đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của 02 doanh nghiệp, 8 tháng là 77 doanh nghiệp trong đó có 68 doanh nghiệp giải thể, 9 DN chuyển đổi loại hình hoạt động; Ngoài ra có 27 doanh nghiệp vi phạm pháp luật và 7 chi nhánh giải thể đã có quyết định thu hồi, sau 6 tháng mới tiến hành giải thể theo Luật Doanh nghiệp.
9. Kinh tế đối ngoại và Xúc tiến đầu tư
- Kinh tế đối ngoại:
Các dự án ODA: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án ODA theo kế hoạch đề ra. Đối với dự án kết thúc, đang tiến hành nghiệm thu, thanh quyết toán để kết thúc dự án theo Hiệp định vay vốn. Đối với các dự án chuyển tiếp tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động như: phê duyệt hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, trao thầu và tiến hành xử lý các sự cố phát sinh trong quá trình thực hiện... Đối với các dự án mới: Dự án đường từ xã Hưng Thủy đi Liên Thủy: đang triển khai thi công gói thầu xây lắp, khối lượng hoàn thành đạt 85%; Dự án khu neo đậu tránh trú bão Nhật Lệ: đang tiến hành điều chỉnh quy mô cho phù hợp với nguồn vốn trước khi triển khai thực hiện. Đang triển khai vận động 3 dự án gồm: Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình (IFAD 3): Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản phê duyệt danh mục dự án, đã được Bộ Tài chính cùng các Bộ ngành liên quan đàm phán Hiệp định với nhà tài trợ vào cuối tháng 7/2013, hiện đang hoàn chỉnh văn kiện dự án để triển khai thực hiện; Dự án thoát nước và vệ sinh thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy; thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh: đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất đưa vào danh mục dự án sử dụng vốn ODA của Hàn Quốc; Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới: đang trong giai đoạn lập dự án đầu tư; Đối với các dự án như: Dự án phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp nông thôn; Dự án thoát nước và vệ sinh thị trấn Quy Đạt; Dự án đường từ Yên Hóa đi Xuân Hóa; Dự án đường thôn 1 đi thôn 9 xã Phú Định…đang tiếp tục làm việc với các Bộ, Ngành liên quan để tranh thủ nguồn vốn.
- Cấp giấy chứng nhận đầu tư: Trong tháng 8, cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy đăng ký kinh doanh cho 01 dự án FDI của Đức kinh doanh về thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu hàng hóa với số vốn đăng ký 50.000 Euro. 8 tháng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án với số vốn đăng ký là 865,14 tỷ đồng, trong đó có 8 dự án Khai thác, chế biến VLXD: 8 dự án; Công nghiệp: 1dự án; Nông nghiệp: 2 dự án; Cơ sở hạ tầng: 2 dự án, Dịch vụ: 1 dự án.
- Công tác ngoại vụ:
Đoàn ra: Trong tháng, giải quyết thủ tục cho 05 đoàn với 43 lượt người, đi các nước Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Malaisia, Ecuador để tham dự hội nghị, trao đổi kinh nghiệm, tham quan học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Đoàn vào: Đã có 8 đoàn với 77 lượt người đến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Bình. Khách nước ngoài đến tỉnh có quốc tịch: Lào, Thái Lan, Mỹ, Úc. Phần lớn các đoàn đến với mục đích tham dự hội nghị, hội thảo, làm việc tại dự án, tham quan thực tế và giao lưu, nghiên cứu hang động.
Công tác quản lý, vận động viện trợ phi Chính phủ: Trong tháng, đã tiếp nhận và phê duyệt 01 dự án NGO: Chương trình hỗ trợ học tập của Hội khuyến học tỉnh Quảng Bình với tổng vốn đầu tư 108.819 USD. 8 tháng, tiếp nhận và phê duyệt 11 dự án với tổng mức đầu tư cam kết khoảng 1,850 triệu USD.
- Công tác xúc tiến đầu tư: Trong tháng 8, các ngành đang xem xét các thủ tục đầu tư đối với dự án Trồng rừng cây Paulownia (cây hông) xen canh cây ngắn ngày và kết hợp mô hình trang trại trên địa bàn tỉnh của Công ty Quản lý và Khai thác rừng Việt Nam. Quy mô dự án khoảng 200-1.000ha với vốn đầu tư dự kiến là 50 tỷ đồng.
Tiếp tục thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược đầu tư vào Quảng Bình giữa Tập đoàn Devi, Cộng hòa Liên bang Đức với tỉnh. UBND tỉnh đã có Thư mời chính thức ngày 30/7/2013 mời Tập đoàn Devi và Tập đoàn Malakoff đến thăm, làm việc với tỉnh ta và Tập đoàn Devi đã có thông báo về lịch làm việc dự kiến với tỉnh trong 2 ngày 19/9/2013 và 20/9/2013 sắp tới với nội dung chủ yếu tập trung vào việc đầu tư dự án Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch và một số dự án khác.
10. Tài chính, tín dụng
Tài chính: Trong điều kiện kinh tế khó khăn, đồng thời phải thực hiện các giải pháp miễn, giảm thuế, gia hạn, giãn thời gian nộp thuế theo chủ trương của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp thu, phát triển quỹ đất để tăng nguồn thu, nên thu ngân sách vẫn tăng trưởng so cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 8 ước đạt 204,5 tỷ đồng; 8 tháng đạt 1.312,5 tỷ đồng, tăng 37,9% SCK, bằng 62,5% kế hoạch địa phương giao. Trong đó: thu nội địa 1.084,3 tỷ đồng, đạt 60,2% dự toán ĐP, tăng 34,7% SCK; thu thuế XNK 228,2 tỷ đồng, bằng 76,1% dự toán ĐP, tăng 55,2% SCK.
Một số khoản thu đạt cao như: thu từ doanh nghiệp trung ương 83,6 tỷ đồng, tăng 31,3%; thu từ DN nhà nước địa phương đạt 90 tỷ đồng, tăng 20,8%; thu từ doanh nghiệp có vốn ĐTNN 24,5 tỷ đồng, tăng 68,8%; thu ngoài quốc doanh 264 tỷ đồng, tăng 94,8%, thu tiền thuê đất 22,8 tỷ, tăng 41,9%; thu thuế trước bạ 72,2 tỷ đồng, tăng 69,7% so cùng kỳ. Riêng thu tiền cấp quyền sử dụng đất đạt 205,3 tỷ đồng, bằng 94% SCK.
Chi ngân sách địa phương 8 tháng đạt 3.379,3 tỷ đồng, đạt 58% dự toán; trong đó: chi đầu tư phát triển (gồm NSTT, quỹ đất, hỗ trợ mục tiêu, MTQG) 565,1 tỷ đồng, chi thường xuyên và chi khác 2.814,2 tỷ đồng.
Tín dụng: Các tổ chức tín dụng tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp đẩy mạnh huy động vốn. Đến ngày 15/8/2013, tổng nguồn vốn huy động 14.696 tỷ đồng, tăng 2% so đầu tháng và tăng 4,3% so đầu năm. Trong đó: Tiền gửi VND 13.994 tỷ đồng, chiếm 95,2% tổng nguồn vốn, tăng 2% so đầu tháng và tăng 6,1% so đầu năm; tiền gửi ngoại tệ 702 tỷ đồng, chiếm 4,8% tổng nguồn vốn, tăng 0,01% so tháng trước và bằng 77,7% so đầu năm; tiền gửi TCKT 1.514 tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng nguồn vốn, tăng 5,4% so tháng trước và giảm 20,5% so đầu năm; tiền gửi dân cư 12.358 tỷ đồng, chiếm hơn 89,7% tổng nguồn vốn, tăng 1,3% so tháng trước và tăng 13,7% so đầu năm. Dự ước đến cuối tháng 8/2013 tổng nguồn vốn huy động đạt 14.740 tỷ đồng, tăng 2,3% so tháng trước và tăng 4,6% so đầu năm.
Đến ngày 15/8/2013 dư nợ cho vay đạt 17.309 tỷ đồng, tăng 1,0% so tháng trước và tăng 2,9% so đầu năm. Trong đó: Dư nợ cho vay bằng VNĐ đạt 15.655 tỷ đồng, chiếm 90,4% tổng dư nợ, tăng 1,1% so tháng trước và tăng 4,4% so đầu năm; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ đạt 1.654 tỷ đồng, chiếm 9,6% tổng dư nợ, giảm 0,3% so tháng trước và giảm 9,5% so đầu năm; dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 8.447 tỷ đồng, chiếm 48,8% tổng dư nợ, tăng 2,9% so đầu năm; dư nợ cho vay trung dài hạn đạt 8.862 tỷ đồng, chiếm 51,2% tổng dư nợ, tăng 2,9% so đầu năm.
Dự ước đến cuối tháng 8/2013 tổng dư nợ cho vay đạt 17.350 tỷ đồng, tăng 1,2% so tháng trước và tăng 3,2% so đầu năm.
11. Giáo dục - Đào tạo
Trong tháng, ngành đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 và triển khai nhiệm vụ năm học 2013-2014 và đón nhận Cờ đơn vị tiêu biểu xuất sắc năm học 2012-2013 của Bộ GD&ĐT.
Để chuẩn bị cho năm học mới, đồng thời tăng cường chất lượng cho công tác giáo dục năm học 2013 - 2014, ngành Giáo dục đã tập trung chỉ đạo nhằm hoàn thành công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ quản lý các trường để đảm bảo cho công tác giảng dạy. Hiện tại, các trường đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tốt Lễ khai giảng năm học mới 2013-2014 vào ngày 4 và 5 tháng 9.
Ngày 10/8/2013, Trường Đại học Quảng Bình đã thông báo điểm trúng tuyển NV1 cho những thí sinh đăng ký dự thi đại học tại trường sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo điểm sàn của các khối. Nhìn chung mức điểm chuẩn năm nay của Trường Đại học Quảng Bình phần lớn tuyển sinh theo mức điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
12. Văn hoá thể thao và thông tin truyền thông
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức nhằm tuyên truyền phục vụ kỷ niệm 68 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, kỷ niệm ngày truyền thống Ngành Văn hóa cũng như các ngày lễ kỷ niệm khác bằng các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan và các hoạt động văn hoá - văn nghệ phục vụ nhân dân các địa phương. Đã tổ chức các đội chiếu bóng lưu động phục vụ hàng ngàn lượt người xem, đặc biệt là nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Chuẩn bị nội dung và tham mưu các công việc liên quan để họp BCĐ và xây dựng kế hoạch kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình. Tổ chức Hội nghị bảo vệ hồ sơ di tích: Trận đánh biệt kích đêm 30/6/1964 ở Đồng Thành, Hải Thành, Đồng Hới; Trận Công đồn Bình Phúc, Đức Ninh Đông, Đồng Hới; hoàn thiện hồ sơ 15 điểm di tích Đường Trường Sơn đề nghị xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh khắc phục hậu quả vụ cháy Trung tâm Văn hóa tỉnh, đề nghị hướng xử lý, chọn địa điểm xây dựng Trung tâm Văn hóa tỉnh mới.
Phong trào thể dục thể thao của tỉnh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần đáng kể vào việc duy trì và nâng cao thể chất cho nhân dân. Xây dựng Đề án đãi ngộ tài năng thể thao và chế độ khen thưởng cho vận động viên đạt thành tích cao trong các giải toàn quốc và quốc tế; tiếp tục tổ chức các hoạt động và theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Đại hội TDTT cơ sở; thực hiện các nội dung liên quan chuẩn bị Đại hội TDTT cấp tỉnh; tổ chức thành công giải Bơi lặn các CLB khu vực I toàn quốc năm 2013; Giải bóng chuyền toàn tỉnh trong chương trình Đại hội TDTT lần thứ VII; Gặp mặt và trao giải thưởng cho các VĐV khuyết tật tham gia giải Bơi lội người khuyết tật toàn quốc. Đặc biệt là chuẩn bị lễ hội đua thuyền truyền thống tại các huyện, thành phố chào mừng kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc Khánh 2/9. Tính đến ngày 20/8/2013, các đội tuyển thể thao Quảng Bình tham gia thi đấu các giải khu vực, toàn quốc và quốc tế đã đạt được tổng cộng 199 huy chương các loại (70 HCV, 71 HCB, 58 HCĐ), trong đó có 11 HC quốc tế (7 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ).
Công tác thông tin - truyền thông: Trong tháng 8/2013, ngành TT&TT tiếp tục xây dựng các Quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề cương và dự toán như: Quy hoạch phát triển hạ tầng Viễn thông tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển Báo chí, Xuất bản, In và Phát hành tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tham mưu UBND tỉnh lựa chọn vị trí lắp đặt hệ thống màn hình 30m2 tại Đồng Hới; triển khai các thủ tục thực hiện dự án đầu tư, lắp đặt cụm thông tin đối ngoại tại cửa khẩu Quốc tế Cha Lo.
13. Khoa học công nghệ
Trong tháng 8, công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ được tăng cường. Các đề tài, dự án đã tập trung vào việc ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý các đề tài, dự án khoa học, công nghệ; nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, xét chọn, đánh giá, nghiệm thu đề tài, dự án khoa học, công nghệ. Công tác kiểm tra, thông tin, phổ biến, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ được chú trọng đúng mức. Công tác quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng được quản lý chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về chất lượng sản phẩm hàng hóa và đo lường; đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở SXKD và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Công tác xây dựng và phát triển tiềm lực KH&CN được đẩy mạnh. Phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014).
14. Y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân
Trong tháng 8, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đặc biệt là phòng chống các loại dịch bệnh. Mạng lưới y tế tiếp tục được xây dựng, củng cố, từng bước hoàn thiện, triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh khá ổn định, chưa ghi nhận ca mắc cúm A(H1N1), A(H5N1). Có 78 ca tay chân miệng xuất hiện rải rác trong cộng đồng. Số bệnh nhân sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng trên toàn tỉnh với 116 ca, nhiều nhất là Lệ Thủy và Quảng Trạch. Các dịch bệnh khác không biến động lớn so với cùng kỳ năm 2012.
Chương trình tiêm chủng mở rộng tiếp tục được duy trì. Triển khai ngày vi chất dinh dưỡng, chiến dịch uống Vitamin A đợt 1 đạt khoảng 98-99%. Giám sát tình hình sốt rét từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Triển khai kế hoạch phun tẩm hoá chất phòng chống véc tơ năm 2013, cấp đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư phòng chống sốt rét cho các cơ sở.
Tiếp tục thực hiện các hoạt động tư vấn, hướng dẫn các hành vi an toàn phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS nhằm hạn chế sự lây nhiễm từ các nhóm có nguy cơ cao ra cộng đồng. Luỹ kế đến 15/8/2013 đã có 1.200 trường hợp nhiễm HIV (trong đó có 263 người nội tỉnh); có 250 trường hợp chuyển sang AIDS (trong đó có 135 người nội tỉnh); tử vong 81 trường hợp (trong đó có 66 người nội tỉnh.
15. Lao động, Thương binh và Xã hội
Trong tháng, ngành đã triển khai các hoạt động để thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2013. Thẩm định và ký hợp đồng dạy nghề phi nông nghiệp đối với 15 cơ sở dạy nghề. Tổ chức thành công Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất năm 2013 tại Trường Trung cấp nghề Quảng Bình, đã chọn được 05 thiết bị dạy nghề tự làm xuất sắc tham dự Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc lần thứ IV tại tỉnh Khánh Hòa. Tiếp tục thực hiện giải quyết các chế độ chính sách đối với thương binh, liệt sỹ và người có công theo quy định hiện hành của Nhà nước. Trong tháng, đã giải quyết các chế độ trợ cấp hàng tháng cho 204 trường hợp và trợ cấp một lần đối với 84 trường hợp.
Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em: trong tháng, ngành đã hướng dẫn các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa triển khai Dự án 3-Chương trình Bảo vệ trẻ em năm 2013. Ký kết với Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em về hỗ trợ điều tra trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại tỉnh, lập dự trù kinh phí hỗ trợ các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bom mìn do tổ chức CRS tài trợ tại 03 xã Vạn Trạch, Phúc Trạch (Bố Trạch) và Hoa Thủy (Lệ Thủy). Tổ chức đoàn trẻ em tham dự Diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2013 tại Hà Nội.
16. Công tác nội chính, thanh tra, tư pháp
a. Công tác tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền
Trong tháng, ngành đã trình UBND tỉnh Quyết định kiện toàn BCĐ Dự án khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng; BCĐ Phòng, chống dịch ở người. Quyết định thay đổi thành viên BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh. Quyết định thành lập 04 trạm Y tế kết hợp Quân dân y thuộc BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh; thành lập BQL Dự án SRDP tỉnh.
Thẩm định Đề án thành lập Chi cục Biển và Hải đảo, Trung tâm định giá đất; phối hợp thẩm định Đề án thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố thực hiện một số nội dung về tuyển dụng công chức cấp xã theo Quyết định số 14/2013/QĐ-UBND ngày 26/6/2013 của UBND tỉnh; quy trình thành lập hồ sơ điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập thị xã Ba Đồn; công tác tuyển dụng công chức cấp xã huyện Minh Hóa.
Trong tháng tỉnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện “Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2015”, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện hoàn thành mục tiêu của Chương trình đến năm 2015.
b. Công tác tư pháp
Nâng cao công tác thẩm định, góp ý cho các văn bản QPPL, tham mưu giúp UBND tỉnh tiến hành tự kiểm tra các văn bản QPPL. Qua tự kiểm tra, cơ bản các văn bản đều ban hành đúng quy định, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Trong tháng, đã thẩm định, góp ý 05 dự thảo văn bản do các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh soạn thảo: Quyết định của UBND tỉnh quy định một số định mức, chế độ, tiêu chuẩn trong chi tiêu ngân sách đối với các cơ quan Nhà nước, Đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy chế phòng, chống một số bệnh, dịch nguy hiểm trên tôm nuôi; Quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Quyết định của UBND tỉnh ban hành Bảng giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Trình UBND tỉnh dự thảo Quyết định công bố danh mục 631 văn bản hết hiệu lực thi hành trong lĩnh vực tài chính; tham mưu Ban Chỉ đạo Tổng rà soát văn bản tập hợp và lập danh mục văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành từ ngày 01/7/1989 đến ngày 30/6/2013 liên quan đến lĩnh vực Đất đai; rà soát, hệ thống hóa các văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành quy định về một số nhóm quyền văn hóa, kinh tế, xã hội áp dụng trên địa bàn tỉnh liên quan đến Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Trong tháng, ngành đã hướng dẫn phòng Tư pháp các huyện, thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh tổ chức 09 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về đất đai, khiếu nại, tố cáo, giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư, trách nhiệm bồi thường Nhà nước cho cán bộ và nhân dân có dự án đầu tư xây dựng. Phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Bình hướng dẫn thành lập Câu lạc bộ "Thanh niên với pháp luật" trên địa bàn 7 huyện, thành phố.
c. Công tác thanh tra, khiếu nại tố cáo
Trong tháng, ngành đã hoàn thành 08 cuộc thanh tra và 03 đợt kiểm tra chuyên ngành tại 27 cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý tài chính, sử dụng ngân sách, kinh phí đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công; quản lý, sử dụng đất đai và thủy lợi phí...
Công tác tiếp dân, xử lý khiếu nại, tố cáo được đẩy mạnh; lãnh đạo và cán bộ tiếp dân của các cơ quan, đơn vị đã thực hiện xử lý kịp thời đơn khiếu nại, tố cáo của công dân đúng thời gian quy định. UBND tỉnh đã tiếp định kỳ 18 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo; Tại Thanh tra tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 16 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, trong đó: khiếu nại 07 đơn, tố cáo 06 đơn, phản ánh kiến nghị 03 đơn.
17. An ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội
Tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên trên địa bàn tỉnh và hai tuyến biên giới tiếp tục được giữ vững và cơ bản ổn định.
An toàn giao thông: Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng 8 năm 2013, toàn tỉnh đã xảy ra 42 vụ tai nạn giao thông, làm 15 người chết, 47 người bị thương, giảm 20 vụ, tăng 2 người chết, giảm 15 người bị thương so với tháng 8 năm 2012, trong đó đường bộ 41 vụ; đường sắt 01 vụ, đường thuỷ không xảy ra tai nạn.
An toàn xã hội và pháp luật: các ngành chức năng đã tăng cường chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm trấn áp mạnh các loại tội phạm; chỉ đạo các lực lượng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng... Nhờ đó các đối tượng tội phạm xảy ra trên địa bàn tỉnh trong các tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ.
Công tác quân sự - quốc phòng 8 tháng đầu năm được chú trọng đẩy mạnh thực hiện toàn diện, lực lượng vũ trang duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu. Phối hợp các lực lượng nắm chắc tình hình trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành tốt các nội dung huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị cho các đối tượng theo quy định. Đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ chủ chốt các cấp.
18. Công tác tổng hợp kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2014
Trong tháng, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với Bộ KH&ĐT về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và kế hoạch đầu tư phát triển năm 2014 (bước 1), Sở đang cùng các ngành rà soát hoàn chỉnh kế hoạch 2014 và kế hoạch vốn đầu tư giai đoạn 2014-2015 theo thông báo vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Để đảm bảo yêu cầu về tổng hợp kế hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các ngành, địa phương các công việc sau:
- Các công trình đã ghi vốn chuẩn bị đầu tư năm 2013 thuộc nguồn vốn Chương trình MTQG, Ngân sách tỉnh, để năm 2014 được ghi vốn thực hiện đầu tư đề nghị lãnh đạo các ngành, UBND các huyện, các xã chỉ đạo các tổ chức tư vấn khẩn trương trình phê duyệt dự án trước ngày 25/10/2013.
- Đối với các công trình thuộc nguồn vốn Hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ, vốn bổ sung Ngân sách TW và các nguồn vốn Trung ương quản lý, đề nghị các ngành, huyện, xã, chủ đầu tư triển khai lập dự án để sớm trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn trước 15/9/2013 để tỉnh phê duyệt dự án trước ngày 25/10/2013 và có cơ sở Trung ương ghi vốn năm 2014.
- Để việc xây dựng kế hoạch XDCB năm 2014 được tốt, đúng tiến độ, đề nghị các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố rà soát lại kế hoạch năm 2014 để sớm làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư bắt đầu từ ngày 15/9/2013; sau đó tổng hợp báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần 2 trước 30/9/2013./.