Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/03/2022-16:42:00 PM
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI
(MPI) - Nhằm thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội Khóa XV về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu tổng quát là tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có 11 nội dung thành phần gồm: Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa; Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.

Giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn; Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn.

Nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông thôn mới (NTM), tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng NTM thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng NTM. Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn. Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; nâng cao năng lực xây dựng NTM; truyền thông về xây dựng NTM; thực hiện Phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM.

Ngân sách nhà nước bố trí cho Chương trình tối thiểu là 196.332 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương: 39.632 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương: 156.700 tỷ đồng. Tổng vốn huy động nguồn lực thực hiện giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 2.455.212 tỷ đồng.

Tại Quyết định, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của Luật Đầu tư công; Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương xây dựng trình Chính phủ ban hành quy định về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương thẩm định và tổng hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, hàng năm, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể của Chương trình trên cơ sở đề xuất của chủ chương trình để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định; Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối, ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách trung ương (vốn đầu tư phát triển) cho Chương trình giai đoạn 2021-2025 và hàng năm theo yêu cầu của Quốc hội, phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư công và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và cơ quan có liên quan hoàn thiện thủ tục báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ngay trong kỳ họp gần nhất cho phép bổ sung 88,6 triệu USD vốn ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á để thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định của pháp luật; Chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan thẩm định các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ và sử dụng vốn đầu tư công của Chương trình theo quy định./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 860
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)