(MPI) – Ngày 03/3/2022, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức, nhiều Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, chuyên gia đã có những ý kiến sâu, cụ thể để thúc đẩy triển khai có hiệu quả các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tưTrần Duy Đông chủ trì Hội nghị. Ảnh: MPI |
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng cho biết, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chủ trương, biện pháp, mô hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thường xuyên, liên tục và quyết liệt. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 10,28%, đứng thứ 02 toàn quốc. Đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 16.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký là 295.000 tỷ đồng.
Để đạt được những kết quả đó, tỉnh Quảng Ninh đã bám sát Nghị quyết số 02/NQ-CP, các chỉ đạo của Chính phủ. Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, quyết liệt và đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành, tạo sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tiếp tục triển khai hiệu quả ba đột phá chiến lược như hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, dịch vụ, du lịch, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục... có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại; Cải cách hành chính có bước đột phá, phát huy hiệu quả; Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Về triển khai một số cách làm mới trong hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh cũng đã thành lập tiểu ban sản xuất, lưu thông hàng hóa và Trung tâm Chỉ huy. Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong, mạnh dạn trao quyền cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo không gian mở, thân thiện; nâng cao hiệu quả tương tác giữa chính quyền và người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, nỗ lực cải cách của Việt Nam không chững lại bằng chứng là Nghị quyết 02/NQ-CP mở rộng cả về phạm vi không gian, phạm vi nội dung cũng như các mục tiêu, chỉ tiêu. Việt Nam nỗ lực không ngừng và cam kết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sự chững lại ở đây là sự cải cách chưa đồng đều giữa các ngành, giữa các lĩnh vực, các khu vực. Sự không đồng đều này là một thách thức rất lớn, nếu không vượt qua được thì tất cả kết quả cải cách tích cực sẽ bị hạn chế bởi chính sự không đồng đều đó. Bối cảnh mới, đòi hỏi Việt Nam phải cải cách mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn vì đặt trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế thì đòi hỏi của thực tiễn, đòi hỏi của doanh nghiệp lớn hơn rất nhiều. Thời gian tới có hai thách thức cần lưu ý là cải cách ngày càng khó hơn vì sắp tới có những cải cách đòi hỏi sự liên ngành, liên bộ và thứ hai là cạnh tranh quốc tế làm thế nào để thúc đẩy được sự chuyển động đồng đều thì sẽ phát huy được rất mạnh mẽ cải cách lần này.
|
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân phát biểu.
Ảnh: MPI |
Đại biểu Quốc hội khoá XV, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân thì cho rằng, đối với chất lượng môi trường kinh doanh, có đến gần 60% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh trong nước đã cải thiện tốt hơn, rõ rệt hơn ở cả 10 lĩnh vực được nêu trong Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, trong đó việc thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng được đánh giá có cải thiện tốt nhất.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên 2 yếu tố quan trọng là cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và phát triển ứng dụng khoa học công nghệ. Ông Nguyễn Văn Thân đề xuất Chính phủ cần phân bổ nguồn vốn phù hợp để dành cho phát triển ứng dụng khoa học công nghệ nói chung, và nhất là cơ sở hạ tầng kỹ thuật nói riêng trong lộ trình từ nay đến năm 2025.
Tại Hội nghị, bà Đặng Tuyết Vinh, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đã chia sẻ một số ý kiến của EuroCham về “ Cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Những kỳ vọng của doanh nghiệp”. Bà Đặng Tuyết Vinh cho biết, trong năm 2021, thương mại song phương giữa EU và Việt Nam đã tăng 14,8%, đạt khoảng 63,6 tỷ USD. Giờ đây, EVFTA đã có hiệu lực và EVIPA sẽ sớm được thực hiện, Việt Nam có cơ hội thu hút một làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một môi trường đầu tư đầy tiềm năng, an toàn và cạnh tranh. Tuy nhiên, một số vấn đề nổi lên là những điểm nghẽn đáng kể trong việc phát huy tối đa tiềm năng và tính hấp dẫn của thị trường thương mại và đầu tư của Việt Nam đó là những vấn đề về cơ sở hạ tầng, về nhân lực và về môi trường kinh doanh (thể chế và thủ tục hành chính), trong đó những hạn chế về môi trường kinh doanh và các rào cản về thủ tục hành chính được đánh giá là điểm nghẽn và thách thức lớn nhất cần được giải quyết. Việc ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP, một nghị định được coi là cuộc cách mạng trong ngành thực phẩm khi áp dụng quản lý rủi ro và chuyển mạnh sang hậu kiểm. Kết quả thực tiễn 4 năm qua cho thấy Nghị định 15/2018/NĐ-CP phù hợp và hiệu quả, ngành thực phẩm đã có sự tăng trưởng cao, ngay cả trong đại dịch. Trong cải cách thể chế, EuroCham khuyến nghị xây dựng một môi trường đầu tư mang tính dự báo và bền vững để đạt được tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá cao ý kiến phát biểu tâm huyết của các đại biểu, nhiều ý kiến sâu và rất cụ thể như kiến nghị liên quan tới điều chỉnh thể chế, quy định pháp luật về chuyên ngành, những kiến nghị để xây dựng kế hoạch triển khai, phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương, cả những ý kiến mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành duy trì, phát huy tinh thần quyết liệt, đổi mới, cải cách mạnh mẽ. Nhiều ý kiến nhấn mạnh về nghị quyết 02/NQ-CP là rất cần thiết và đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh mới, sau đại dịch COVID-19 cần triển khai đồng bộ các giải pháp vừa cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và cùng với cả doanh nghiệp đưa ra các giải pháp để phục hồi, tiến tới phát triển và vươn lên cải cách mạnh mẽ hơn nữa, thực chất hơn nữa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu và tổng hợp đầy đủ các ý kiến của các hiệp hội, ngành nghề, … để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Để thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP hiệu quả hơn, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị các bộ, ngành, địa phương coi doanh nghiệp là trung tâm và tiếp tục cải cách thể chế, khuyến khích sự đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, qua đó để thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương trong cả nước tạo sự thịnh vượng chung. Đồng thời các bộ, ngành, địa phương coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, trung tâm, ưu tiên hàng đầu và thực hiện xuyên suốt, liên tục. Các bộ, ngành, địa phương cần ban hành sớm chương trình hành động, tổ chức triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan để công tác triển khai đi vào thực chất. Tiếp tục thường xuyên kiểm tra, giám sát các tiến độ, chương trình kế hoạch, thường xuyên tổ chức đối thoại trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi và giải quyết các kiến nghị của hiệp hội, doanh nghiệp./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư