(MPI) – Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh đó là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau và vùng biển ven bờ của các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Mục tiêu phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế biển; kinh tế du lịch; tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, trong nước và quốc tế; chú trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái; …
Các hành lang phát triển bao gồm hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An; hành lang dọc sông Tiền - sông Hậu; hành lang kinh tế ven biển qua các tỉnh ven biển từ Long An, Cà Mau đến Kiên Giang, tập trung phát triển năng lượng tái tạo, cụm liên kết về thủy sản, nghề biển, du lịch và đô thị biển đảo; hành lang biên giới từ Long An đến Kiên Giang.
Phát triển Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ, thương mại, du lịch, logistic, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giáo dục và đào tạo; y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long; cửa ngõ kết nối vùng với quốc tế; tăng cường kết nối hạ tầng giao thông giữa thành phố Cần Thơ và các địa phương trong vùng nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ có chất lượng cao tương đương trình độ của khu vựa, quốc tế.
Phát triển khu vực tứ giác trung tâm của vùng bao gồm các đô thị Cần Thơ, Long Xuyên, Cao Lãnh, Vĩnh Long; là điểm hội tụ của các hành lang phát triển, hành lang vận tải quan trọng của vùng.
Phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với hệ thống các đô thị loại I có vai trò trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành của vùng, tiểu vùng.
Phát triển Phú Quốc gắn kết với hệ thống đô thị ven biển, đô thị đảo để trở thành một cực phát triển kinh tế biển quan trọng trong không gian biển quốc gia.
Quyết định cũng nêu ra 7 giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch đó là giải pháp về cơ chế, chính sách đảm bảo liên kết vùng; giải pháp về huy động nguồn vốn đầu tư; giải pháp về môi trường; giải pháp về khoa học và công nghệ; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức công bố, công khai Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong vùng nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch, chính sách, giải pháp và bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong vùng đánh giá việc thực hiện quy hoạch; theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra thực hiện quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn vùng; giám sát thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm có quy mô, tính chất vùng. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp, chính sách liên kết, điều phối giữa các địa phương trong vùng; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư đối với các dự án trọng điểm của vùng, tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện quy hoạch.
Các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện quy hoạch thuộc lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch, chính sách, giải pháp và bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch; nghiên cứu, đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thực hiện có hiệu quả những mục tiêu và định hướng phát triển đã đề ra trong quy hoạch. Triển khai và giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch, giám sát thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm có quy mô, tính chất vùng theo thứ tự ưu tiên thuộc lĩnh vực quản lý nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng.
UBND các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương triển khai tổ chức lập quy hoạch tỉnh đảm bảo tính liên kết, đồng bộ với Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch, chính sách, giải pháp và bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch; nghiên cứu, đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thực hiện có hiệu quả những mục tiêu và định hướng phát triển đã đề ra trong quy hoạch./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư