Tháng 02 năm 2022, Thành phố tiếp tục tập trung thực hiện Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế, đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ an toàn; tăng cường thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Thành phố Cần Thơ là một trong các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp đã chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, người lao động dịp Tết; Thị trường hàng hóa phong phú, giá cả ổn định, cung ứng đầy đủ nhu cầu thực phẩm, phục vụ nhân dân; không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Tiền lương, tiền thưởng cho người lao động cơ bản được bảo đảm kịp thời, đúng quy định.
Bên cạnh đó, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là từ khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp…
Cụ thể một số nét chính về tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 2 tháng đầu năm 2022 như sau:
1. Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 02/2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Lúa đông xuân năm 2021-2022, lợi nhuận thu được lại giảm đi đáng kể do chi phí canh tác tăng, năng suất và giá bán giảm so với vụ đông xuân năm 2020-2021. Chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học; phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAHP. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Tình hình nuôi trồng thủy sản ổn định.
a) Nông nghiệp
- Trồng trọt
+ Cây lúa: Lúa đông xuân 2021 - 2022, đã xuống giống 76.039 ha, vượt 0,47% kế hoạch, giảm 1,47% hay 1.132 ha so cùng kỳ 2021. Sau Tết Nguyên đán, đã có một vài cánh đồng lúa chín sớm ở Thốt Nốt, Ô Môn và Cờ Đỏ thu hoạch được khoảng 130 ha, năng suất ước khoảng 7,2 tấn/ha với sản lượng thu hoạch 936 tấn. Lúa đang được doanh nghiệp và thương lái thu mua với giá dao động từ 5.600 - 5.900 đồng/kg, giảm khoảng 900 đồng/kg so với vụ đông xuân trước, không chỉ giảm về giá, vụ đông xuân này do giá phân bón tăng, nên chi phí canh tác lúa theo đó cũng tăng khoảng 30%, khiến người trồng lúa không thu được lợi nhuận như mong muốn.
+ Cây hàng năm khác: Đến giữa tháng 02/2022, tổng diện tích gieo trồng là 4.473 ha, tăng 5% so với cùng kỳ. Trong đó, rau đậu các loại gieo trồng được 3.539 ha, tăng 4,18% so với cùng kỳ; cây bắp gieo trồng được 271 ha, giảm 1,09% so với cùng kỳ.
Hoa kiểng trồng để phục vụ Tết Nguyên đán 2022 khoảng 650.447 chậu, trong đó nhiều nhất là vạn thọ và cúc và một số loại khác như cát tường, mào gà, ớt kiểng,... Các mặt hàng hoa kiểng năm nay kém đa dạng hơn, chủ yếu ở phân khúc trung bình, đơn giản. Nguyên nhân do thời gian bắt đầu trồng mùa hoa tết, các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16, đa số nông dân không nhập được vật liệu và lo ngại dịch, nên một số hộ cũng hạn chế sản xuất. Giá thành sản xuất hoa kiểng tăng trung bình từ 10 - 15% do chi phí giống, giá thể và vật tư phân bón đều gia tăng so với cùng kỳ.
Dịch bệnh có xảy ra trên một số cây trồng và được kiểm soát, xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật kịp thời nên đã khống chế sự bùng phát trên diện rộng.
+ Cây lâu năm: Tổng diện tích 24.933 ha, tăng 7,56% (+1.753 ha) so cùng kỳ 2021. Trong đó, diện tích cây ăn quả 23.416 ha, chiếm 93,91% trong tổng diện tích cây lâu năm, tăng 8,29% bằng 1.793 ha so cùng kỳ năm 2021. Ngành Nông nghiệp tiếp tục vận động nông dân khôi phục vườn cây ăn trái tập trung, chuyên canh.
Trong tháng, dịch bệnh có xảy ra trên một số cây trồng (bệnh rệp sáp, ruồi đục trái, chổi rồng...), tuy nhiên đã được kiểm soát, xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật kịp thời nên đã khống chế sự bùng phát trên diện rộng.
Trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện có 277 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Giá bán các loại cây ăn trái một số loại như sau: xoài cát Hòa Lộc khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg, cam sành 17.000 đồng/kg, xoài Đài Loan ở mức giá 8.000 đồng/kg, chôm chôm 15.000 đồng/kg, đu đủ 9.000 đồng/kg, mít Thái 23.000 - 24.000 đồng/kg, hạnh 4.000 - 5.000 đồng/kg,…. Giá các mặt hàng trái cây đang phục hồi tăng trở lại sau đợt hàng hoá tồn đọng ở cửa khẩu qua Trung Quốc.
- Chăn nuôi: toàn thành phố có 250 trang trại chăn nuôi, 03 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, 04 mô hình chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAHP.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố không xảy ra dịch bệnh trêngia súc, gia cầm, tại thời điểm tháng 02/2022 tổng đàn heo 128.541 con, tăng 0,92% so cùng kỳ, với 28.030 con lợn xuất chuồng, ước sản lượng đạt 2.718 tấn (cao hơn cùng kỳ 2,49%); đàn bò 4.350 con (+1,52%); đàn gia cầm 1.940.000 con, tăng 0,6% so cùng kỳ.
Sản lượng thịt gà xuất chuồng 356 tấn, tăng 11 tấn so cùng kỳ; sản lượngtrứng gà 924.000 quả, tăng 1,32% so cùng kỳ 2021.
Sản lượng chăn nuôi của thành phố cung ứng 50-70% nhu cầu thị trường, số lượng còn lại nhập từ các tỉnh thành khác để cung ứng đủ cho người tiêu dùng.
b) Lâm nghiệp
Diện tích trồng cây lâm nghiệp không còn, bà con nông dân chỉ trồng cây phân tán ở những vùng đất nhỏ lẻ ven các tuyến lộ giao thông nông thôn. Ngành Nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân ở các quận, huyện chăm sóc các cây đã trồng trong những năm trước, vận động xã hội hóa trồng cây nhân dân năm 2022. Từ đầu năm 2022, toàn thành phố đã trồng được 132.000 cây phân tán.
c) Thủy sản
Đến giữa tháng 02/2022, diện tích nuôi trồng thủy sản (không bao gồmdiện tích sản xuất giống) ước đạt 1.279 ha (bằng 89,75% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, diện tích nuôi cá tra thâm canh, bán thâm canh ước đạt 456 ha (-14 ha so cùng kỳ 2021), ước sản lượng cá tra nuôi công nghiệp tháng 02/2022 đạt 23.351 tấn (tăng trên 14% so cùng kỳ 2021). Nguyên nhân diện tích thả nuôi cá tra giảm là do một số hộ nuôi không còn vốn để thả nuôi lại vì năm 2021 bị thua lỗ, trong khi giá thức ăn tăng cao nên họ e dè trong việc thả nuôi tiếp tục.
Bên cạnh đó, các thị trường nhập khẩu khác cũng đang khan hiếm nguồn hàng để tiêu thụ do lượng hàng dự trữ trước đó đã cạn, kéo theo gia tăng nhập khẩu trong thời gian tới.
Hiện nay, giá bán cá tra nguyên liệu dao động 27.000 - 30.000 đồng/kg (kích cỡ 700 - 900 g/con), tăng 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ 2021, với mức này người nuôi cá tra có lãi khoảng 6.000 đồng/kg, giá thành bình quân 23.000 - 24.000 đồng/kg.
Giá cá tra giống dao động từ 39.000 - 42.000 đồng/kg tăng 17.000 đồng/kg so với cùng kỳ, cá giống kích cỡ 2 cm chiều cao thân - mẫu 30 con/kg giá từ 39.000 - 40.000 đồng/kg, cá giống 1,5 cm chiều cao thân - mẫu 70 con/kg giá 41.000 - 42.000 đồng/kg.
Khai thác thủy sản nội địa chủ yếu từ lưới, chài, lú, ghe cào…tại các con sông, kênh, mương. Những năm gần đây, chính quyền các cấp vận động bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, hạn chế một số công cụ đánh bắt và có chính sách thả nuôi, nhân giống thủy sản nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Vì vậy sản lượng khai thác thủy sản nội địa tháng 02/2022 ước đạt 327 tấn, tăng 2,83% so cùng kỳ năm 2021.
2. Sản xuất công nghiệp
Thành phố Cần Thơ dần kiểm soát được dịch COVID-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần khôi phục, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tháng 02/2022 tăng 12,46% so với tháng 02/2021, tính chung 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,92% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP): ước tháng 02/2022 tăng 12,46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,94%; ngành phân phối điện tăng 10,92%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,98% so với cùng kỳ.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, IIP ước tính tăng 9,92% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,84%, ngành phân phối điện tăng 7,07%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,41%.
Một số sản phẩm tăng như: Phi lê đông lạnh tăng 22,51% so với cùng kỳ; thức ăn gia súc tăng 59,57%; thức ăn thủy sản tăng 48,55%; dược phẩm dạng viên tăng 7,34%; sắt thép tăng 41,76%; đinh, đinh mủ, ghim dập tăng 87,18%...Nguyên nhân tăng là do xuất khẩu thủy sản được thuận lợi, các doanh nghiệp đã tranh thủ thời cơ đẩy mạnh sản xuất để không bỏ lỡ những đơn hàng đã ký kết, thêm vào đó lực lượng công nhân đã được tiêm vắc-xin và trở lại làm việc đầy đủ đó cũng là điều kiện thuận để doanh nghiệp mạnh dạn tăng cường sản xuất.
Song song với những sản phẩm tăng, cũng còn một số sản phẩm sản xuất giảm so với cùng kỳ, cụ thể như: xay xát gạo giảm 3,31% so với cùng kỳ; bia đóng lon giảm 33,48%; thuốc lá có đầu lọc giảm 8,42%; phân khoáng và phân hóa học NPK giảm 16,53%; xi măng giảm 21,18%...Theo báo cáo của Công ty sản xuất phân bón, năm 2021 doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu hơn 10 tấn phân bón, 2 tháng đầu năm nay doanh nghiệp sản xuất chủ yếu phục vụ thị trường trong nước vì vậy sản lượng giảm so với cùng kỳ.
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: ước tháng 02/2022 giảm 5,76% so với tháng trước và tăng 55,72% so với tháng cùng kỳ. Ước 2 tháng chỉ số tiêu thụ tăng 48,10% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: tại thời điểm 01/02/2022 giảm 29,09% so với tháng cùng kỳ và so với tháng trước tăng 18,90%. Các doanh nghiệp đã cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu người tiêu dùng vào dịp Tết nguyên đán, lượng hàng tồn kho đã được giải phóng đáng kể. Cụ thể: Chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm thủy sản; xay xát; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản; sản xuất xi măng; sản xuất găng tay.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp: tháng 02/2022 tăng 3,13% so với tháng trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,37%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,81% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 7,14%. Tình hình lao động đang làm việc tại doanh nghiệp ít biến động so với tháng trước.
Tính đến ngày 18/02/2022 theo số liệu của Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang hoạt động là 1.089/1.195 (tương đương 91,13%) doanh nghiệp sản xuất đã hoạt động trở lại. Còn lại 106/1.195 doanh nghiệp chưa hoạt động sản xuất trở lại (tương đương 8,87%). Tổng số lao động hiện có là 79.017, trong đó số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 71.675, tương đương 90,71% lao động; Số lao động đang tạm nghỉ là 7.342 tương đương 9,29%.
3. Đầu tư phát triển và tình hình đăng ký doanh nghiệp
Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý từ đầu năm đến nay ổn định, các chủ đầu tư và nhà thầu đang triển khai thi công các công trình chuyển tiếp từ năm 2021, và thi công các công trình nâng cấp sửa chữa đường giao thông ở các tuyến đường trên địa bàn thành phố.
Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tháng 02/2022 đạt 293,91 tỷ đồng, tăng 11,11% so với cùng kỳ, bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 184,94 tỷ đồng, giảm 0,27% và vốn ngân sách cấp huyện 108,97 tỷ đồng, tăng 37,79% so với cùng kỳ.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 643,90 tỷ đồng, bằng 9,78% kế hoạch năm và tăng 11,93% so với cùng kỳ, bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 406,69 tỷ đồng, tăng 1,10% và vốn ngân sách cấp huyện 237,21 tỷ đồng, tăng 37,12% so với cùng kỳ.
Tháng 02/2022 trùng vào dịp Tết nguyên đán, công nhân được nghỉ Tết dài ngày, đến thời điểm hiện tại, đa số các công nhân đã trở lại làm việc, các chủ đầu tư và nhà thầu đang triển khai thi công các công trình chuyển tiếp từ năm 2021, và thi công các công trình nâng cấp sửa chữa đường giao thông ở các tuyến đường trên địa bàn thành phố. Các công trình mới có kế hoạch năm 2022, hiện nay đang thực hiện các thủ tục ban đầu.
Tình hình thực hiện một số dự án chủ yếu trên địa bàn Thành phố:
Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án 3): dự án có tổng mức đầu tư 7.843,19 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn ODA, do Ban quản lý ODA thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư. Kế hoạch vốn năm 2022 được giao 1.032,65 tỷ đồng. Từ khi khởi công đến nay, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình và hạn mục công trình. Chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị tài trợ đang tiến hành thảo luận gia hạn thời gian hoàn thành.
Dự án Bệnh viện Ung Bướu thành phố Cần Thơ: dự án có tổng mức đầu tư 1.727,94 tỷ đồng được thực hiện bằng nguồn vốn ODA do Sở Y tế thành phố làm chủ đầu tư, kế hoạch vốn năm 2022 được giao là 592,78 tỷ đồng.
Dự án Kè Sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ: dự án có tổng mức đầu tư 1.095 tỷ đồng, do Ban quản lý đầu tư xây dựng thành phố làm chủ đầu tư. Kế hoạch vốn năm 2022 là 174,5 tỷ đồng.
Dự án Kè chống sạt lở khu vực chợ Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ: dự án có tổng mức đầu tư 195,85 tỷ đồng do Chi cục Thủy lợi làm chủ đầu tư, kế hoạch vốn năm 2022 được giao là 20 tỷ đồng.
- Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI): Trong tháng 02/2022, thành phố chưa thu hút được dự án mới, chấm dứt hoạt động 01 dự án, tổng vốn đăng ký 500.000 USD. Đến nay, thành phố quản lý 84 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.052 triệu USD, ước vốn thực hiện khoảng 533,8 triệu USD, đạt 26% tổng vốn đăng ký.
- Đăng ký kinh doanh: Trong tháng, cấp mới đăng ký kinh doanh cho 61 doanh nghiệp các loại hình, với tổng vốn đăng ký 404,850 tỷ đồng. Lũy kế trong 02 tháng/2022, cấp mới đăng ký kinh doanh cho 255 doanh nghiệp các loại hình, đạt 18,21% kế hoạch, tổng vốn đăng ký 1.262 tỷ đồng, đạt 7,88 % kế hoạch. So với cùng kỳ, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng 21,42% và số vốn bằng 53,81%.
4. Thương mại, dịch vụ, du lịch
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng Thành phố vẫn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã đề ra theo các Nghị quyết, kết luận của Trung ương…, trong đó có Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, các hoạt động kinh tế cũng đang dần hồi phục. Nguồn cung mặt hàng thực phẩm chế biến tiếp tục đa dạng, dồi dào được cung cấp từ các cơ sở sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Hai ước tính đạt 8.930,85 tỷ đồng, giảm 7,81% so với tháng trước và tăng 10,84% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 18.618,52 tỷ đồng, tăng 10,20% so với cùng kỳ.
- Bán lẻ hàng hóa: Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày nên doanh thu hầu hết các nhóm ngành dều giảm so với tháng trước, do các cơ sở kinh doanh nghỉ Tết từ 3-5 ngày. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 02 năm 2022 ước đạt 6.907,71 tỷ đồng, giảm 9,38% so với tháng trước, tăng 11,51% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đa số các ngành hàng đều có xu hướng giảm doanh thu so với tháng trước, nhưng tăng so với cùng kỳ, cụ thể: ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm ước đạt 2.378,44 tỷ đồng, giảm 16,04% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ; hàng may mặc ước đạt 201,52 tỷ đồng giảm 26,19% so với tháng trước và tăng 0,57% so với cùng kỳ; ô tô các loại ước đạt 959 tỷ đồng, giảm 5,07% so với tháng trước và tăng 22,9% so với cùng kỳ; …
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm ước đạt 14.530,55 tỷ đồng, tăng 11,21% so cùng kỳ. Một số nhóm ngành hàng có doanh thu tăng cao do nhu cầu mua sắm tiêu dùng, đi lại trong dịp Tết và sau Tết học sinh, sinh viên bắt đầu quay lại ghế nhà trường nên nhu cầu mua sắm cũng tăng theo. Trong đó, lương thực, thực phẩm ước đạt 5.211,32 tỷ đồng, tăng 14,05% so cùng kỳ; ô tô các loại ước đạt 1.969,27 tỷ đồng, tăng 20,28% so cùng kỳ; xăng dầu các loại ước đạt 1.331,34 tỷ đồng, tăng 11,03% so cùng kỳ; nhiên liệu khác ước đạt 121,75 tỷ đồng, tăng 13,26 % so cùng kỳ.
- Lưu trú, ăn uống: Đến nay, hầu hết các khách sạn nhà hàng đều hoạt động bình thường trở lại, đặc biệt do sinh viên từ các tỉnh thành trong khu vực trở lại học tập tại các trường trên địa bàn thành phố nên doanh thu ngành lưu trú, ăn uống tăng mạnh trở lại. Doanh thu lưu trú, ăn uống tháng 02 năm 2022 ước đạt 870,62 tỷ đồng, giảm 5,14% so với tháng trước, tăng 11,74% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, doanh thu lưu trú, ăn uống ước đạt 1.788,41 tỷ đồng, tăng 12,39% so với cùng kỳ, trong đó, dịch vụ lưu trú ước đạt 109,22 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống ước đạt 1.679,19 tỷ đồng, tăng 12,91% so với cùng kỳ.
- Du lịch lữ hành: Doanh thu du lịch lữ hành tháng 02 năm 2022 ước đạt 12,94 tỷ đồng, tăng 7,25% so với tháng trước, tăng 16,91% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng ước đạt 25,01 tỷ đồng, tăng 4,84% so với cùng kỳ, do các công ty du lịch lữ hành bắt đầu trở lại hoạt động với mục tiêu khôi phục lại ngành du lịch phát triển bền vững.
Ước tháng Hai, khách du lịch đến thành phố đạt 485.000 lượt, nâng tổng lượt khách tham quan, du lịch 2 tháng đầu năm 2022 lên 611.000 lượt, giảm 3% so với cùng kỳ, đạt 15,3% kế hoạch năm. Các doanh nghiệp lưu trú phục vụ 165.000 lượt khách nội địa, nâng tổng lượt khách lưu trú 2 tháng đầu năm 2022 lên 246.000 lượt, giảm 14% so với cùng kỳ, đạt 12,3% kế hoạch năm.
- Dịch vụ khác: Sau khi thành phố tiếp tục kiểm soát dịch bệnh tốt, hầu hết các ngành dịch vụ đều đã hoạt động lại. Doanh thu dịch vụ ước tháng 02 năm 2022 đạt 1.139,58 tỷ đồng, tăng 0,41% so tháng trước và tăng 6,21% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ khác 2 tháng đầu năm ước tính đạt 2.274,55 tỷ đồng, tăng 2,73% so cùng kỳ.
5. Giá cả thị trường
Thị trường hàng hóa năm nay có nhiều điểm khác biệt so với năm trước do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến giá nguyên vật liệu trên thế giới và thị trường trong nước có xu hướng tăng, kéo theo giá hàng hóa cũng tăng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02 tăng 1,18% so với tháng trước, bình quân 02 tháng đầu năm tăng 3,04% so với cùng kỳ năm trước.
Sau tết hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích và tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP Cần Thơ đã buôn bán trở lại sau những ngày nghỉ Tết. Do nguồn cung dồi dào và sức tiêu thụ còn yếu nên phần lớn các mặt hàng thực phẩm tươi sống ít tăng giá hoặc vẫn giữ giá trước Tết hoặc thậm chí một số mặt hàng còn được tiểu thương giảm giá nhằm thu hút sức mua.
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02 năm 2022 tăng 1,18% so với tháng trước; tăng 2,90% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,94% so với tháng 12 năm trước; chỉ số giá bình quân 02 tháng đầu năm tăng 3,04% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 02/2022, đa số các nhóm hàng hóa đều có chỉ số giá tăng so với tháng trước, chủ yếu do nhu cầu mua sắm hàng hoá trước tết tăng mạnh nên trong tháng giá vẫn duy trì ở mức tăng. Cụ thể như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,54%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,20%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 4,55%; nhà ở, điện, nuớc, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,13%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%; giao thông tăng 2,58%; giáo dục tăng 0,74%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,69%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,30%. Bên cạnh đó, còn có chỉ số giá giảm 0,02% là bưu chính viễn thông; và chỉ số giá ổn định so với tháng trước là nhóm thuốc và dịch vụ y tế.
Các nguyên nhân tác động đến giá CPI tháng 02 năm 2022, cụ thể như sau:
Hầu hết các mặt hàng lương thực, thực phẩm đều tăng giá trong và sau tết Nguyên đán do thiết lập mặt bằng giá mới, do chi phí nguyên vật liệu đầu vào và giá xăng dầu không ngừng tăng cao. Những ngày sau tết nhiều mặt hàng vẫn còn giữ nguyên giá tết, nhưng ở chiều ngược lại vẫn còn có những loại hàng hoá được tiểu thương hạ giá, các hệ thống siêu thị cũng triển khai nhiều chương trình giảm giá, nhằm thu hút sức mua dịp sau tết để mong mua may bán đắt trong việc kinh doanh buôn bán đầu năm mới.
Từ ngày 01/2 (mùng 1 Tết), mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng tăng 16.000 đồng, vọt lên 460.000 đồng/bình. Người dùng phải chi trả thêm 1.333 đồng cho mỗi kg gas (16.000 đồng một bình 12 kg) so với tháng trước. Nguyên nhân giá gas tháng 2 tăng là do nhà cung cấp thế giới công bố giá nhiên liệu bình quân đạt 775 USD một tấn, tăng 50 USD một tấn so với tháng trước. Hiện giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ.
Giá xăng được điều chỉnh tăng vào ngày 11/2, theo đó mỗi lít xăng E5 RON 92 cao nhất là 24.570 đồng một lít tăng 980 đồng; RON 95 là 25.320 đồng một lít tăng 960 đồng. Dầu hoả là 18.750 đồng một lít, tăng 960 đồng, dầu diesel là 19.860 đồng một lít, tăng 960 đồng, dầu mazut là 17.650 đồng một kg, tăng 660 đồng. Tại kỳ điều chỉnh này 21/2, giá xăng E5 RON 92 là 25.530 đồng tăng 960 đồng/lít, xăng RON 95 là 26.280 đồng/lít tăng 960 đồng, dầu hoả là 19.500 đồng/lít, tăng 750 đồng, dầu diesel là 20.800 đồng/lít tăng 940 đồng, dầu mazut là 17.930 đồng/kg tăng 280 đồng. Xăng dầu thế giới từ kỳ điều hành ngày 21/01 đến nay, tăng giá liên tục do nguồn cung khan hiếm vì ảnh hưởng các yếu tố địa chính trị ở Trung Đông. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao tại nhiều nước lớn như Mỹ, Trung Quốc... cũng tác động làm giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng cao.
Chỉ số giá điện sinh hoạt giảm 1,51% chủ yếu giảm ở khu vực thành thị do đa phần người dân ở thành thị trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày thường về quê ở nông thôn sum họp gia đình nên nhu cầu sử dụng điện thấp.
- Chỉ số giá vàng tăng 2,07% so với tháng trước, giảm 2,03% so với tháng cùng tháng năm trước. Giá vàng trong nước đã ghi nhận xu hướng tăng liên tục từ khi mở cửa giao dịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Thời điểm giá vàng trước, trong và sau ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng, tức ngày 10/2 dương lịch) biến động liên tục khó lường, có khi sáng tăng, chiều giảm và ngược lại. Bên cạnh đó, giá vàng tăng còn do lực đẩy đến từ những lo ngại lạm phát gia tăng và căng thẳng Nga - Ukraine. Giá dầu tăng dữ dội, USD giảm mạnh, những bất ổn địa chính trị diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới cũng tác động làm giá vàng thế giới và trong nước tăng cao. Giá vàng nhẫn Sjc ngày 21/02/2022 trên địa bàn thành phố dao động quanh mức 5.435.000 đồng/chỉ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,39% so với tháng trước và giảm 1,26% so với tháng cùng kỳ. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu mở ra khả năng nâng lãi suất và các nhà đầu tư chờ đợi kết quả báo cáo chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ. Đồng bạc xanh chịu tác động từ các dữ liệu kinh tế tại các thị trường quan trọng như Mỹ và châu Âu cũng như các căng thẳng địa chính trị đang diễn ra. Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là ngày 21/02/2022 là 23.133 đồng/USD, còn giá USD tại nhiều ngân hàng thương mại Vietcombank vẫn mua vào 22.670 đồng/USD và bán ra 22.980 đồng/USD; Eximbank giữ nguyên giá mua vào 22.720 đồng/USD và bán ra 22.930 đồng/USD. Giá đô la Mỹ ngày 21/02/2022 dao động quanh mức 22.980 đồng/USD.
6. Giao thông vận tải, bưu chính viễn thông
Mặc dù tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt, nhưng tâm lý người dân đang trong tư thế phòng dịch nên cũng hạn chế đi lại nhiều trong dịp Tết. Vì vậy, doanh thu một số ngành dịch vụ vận tải, kho bãi trên địa bàn thành phố Cần Thơ có xu hướng giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ.
Ước tính tháng 02 năm 2022, tổng doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát đạt 231,12 tỷ đồng, giảm 0,97% so với tháng trước, giảm 3,60% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát đạt 464,51 tỷ đồng, giảm 4,74% so với cùng kỳ, cụ thể: Vận tải hành khách đạt 91,18 tỷ đồng, giảm 12,93% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa đạt 274,97 tỷ đồng, tăng 3,53%; dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 85,34 tỷ đồng, giảm 17,70%; dịch vụ bưu chính, chuyển phát ước đạt 13,02 tỷ đồng, giảm 4,3%.
Vận tải hành khách: Số hành khách vận chuyển trong tháng 02 năm 2022 ước đạt 1.139,03 nghìn hành khách, giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ lần lượt là 2,15%; 12,21%. Số lượt hành khách luân chuyển đạt 57.288,11 nghìn lượt hành khách.km, giảm 4,14% so với tháng trước, giảm 13,76% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm, số hành khách vận chuyển ước đạt 2.303,14 nghìn hành khách, giảm 11,12% so với cùng kỳ. Số lượt hành khách luân chuyển đạt 117.049,59 nghìn lượt hành khách.km, giảm 14,49% so với cùng kỳ. Do tâm lý của hành khách và người dân vẫn còn sợ dịch Covid-19, tránh tập trung đông người nên cũng hạn chế đi lại, kéo theo doanh thu vận tải hành khách của một số cơ sở hoạt động vận tải có xu hướng giảm như xe khách chất lượng cao hoặc xe chạy dịch vụ hợp đồng.
Vận tải hàng hóa: Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng Hai ước tính đạt 1.256,33 nghìn tấn, giảm 5,17% so với tháng trước và tăng 3,09% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 198.216,03 nghìn tấn.km, giảm 4,99% so với tháng trước và tăng 1,54% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước tính đạt 2.581,2 nghìn tấn, tăng 3,37% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 406.842,06 nghìn tấn.km, tăng 1,76% so với cùng kỳ. Hoạt động vận tải hàng hóa có xu hướng tăng so với cùng kỳ do các địa phương đang tích cực đẩy mạnh hoạt động lưu thông hàng hóa bằng đường bộ.
Bưu chính, viễn thông: Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn năm 2022. Ký chương trình hợp tác quản lý tần số năm 2022 với Trung tâm tần số vô tuyến điện Khu vực IV. Thẩm định vị trí xây dựng 30 trạm BTS của Viettel Cần Thơ để doanh nghiệp phát triển hạ tầng mạng lưới trên địa bàn thành phố. Chỉ đạo doanh nghiệp Viễn thông hỗ trợ nhắn tin tuyên truyền PCCC theo đề nghị của Công an thành phố.
7. Tài chính, ngân hàng
a) Thu, chi ngân sách
Thu ngân sách Nhà nước: Tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế thực hiện đến 20 ngày tháng 02 năm 2022 đạt 2.089,95 tỷ đồng, bằng 12,4% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 3,58% so với cùng kỳ. Cụ thể một số khoản thu chính như sau:
- Thu nội địa đạt 1.332,22 tỷ đồng, bằng 12,55% so với dự toán HĐND thành phố giao, chiếm 63,74% tổng thu và giảm 32,2% so với cùng kỳ. Trong đó: Thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 277,5 tỷ đồng, đạt 21,49% dự toán, giảm 11,36% so với cùng kỳ; thu từ khu vực ngoài nhà nước đạt 305,66 tỷ đồng, đạt 14,7% dự toán, giảm 24,54% so với cùng kỳ; thu từ khu vực đầu tư nước ngoài đạt 118,83 tỷ đồng, đạt 11,48% dự toán, giảm 48,6% so với cùng kỳ.
- Thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 26,85 tỷ đồng, bằng 5,37% so với dự toán HĐND thành phố giao, chiếm 1,28% tổng thu và giảm 49,01% so với cùng kỳ.
Chi ngân sách địa phương: Tổng chi ngân sách địa phương lũy kế thực hiện đến 20 ngày tháng 02 năm 2022 đạt 1.339,27 tỷ đồng, bằng 8,68% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 36,51% so với cùng kỳ. Trong đó:
- Chi cho đầu tư phát triển đạt 382,36 tỷ đồng, đạt 4,52% dự toán, chiếm 28,55% tổng chi ngân sách địa phương và tăng 145,72% so với cùng kỳ;
- Chi thường xuyên đạt 956,69 tỷ đồng, bằng 14,76% dự toán, chiếm 71,43% tổng chi ngân sách địa phương và tăng 15,91% so với cùng kỳ. Trong đó: Chi cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề đạt 305,05 tỷ đồng, bằng 12,42% so với dự toán và giảm 3,32% so với cùng kỳ; Chi cho sự nghiệp y tế đạt 37,03 tỷ đồng, bằng 9,96% so với dự toán và tăng 0,24% so với cùng kỳ.
b) Ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong tháng ổn định. Do ảnh hưởng dịch Covid-19 và những ngày Tết nên nguồn vốn huy động đến cuối tháng 02 năm 2022 giảm 0,61% so với đầu năm, đáp ứng được 75,86% nguồn vốn cho vay. Tổng dư nợ cho vay tăng 0,57% so với tháng trước và tăng 0,98% so với đầu năm.
Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn động đến cuối tháng 01 năm 2022 là 91.907 tỷ đồng, giảm 1,14% so với tháng 12 năm 2021. Đến cuối tháng 02 năm 2022, vốn huy động ước đạt 92.400 tỷ đồng, tăng 0,54% so với đầu tháng, giảm 0,61% so với đầu năm; trong đó vốn huy động VNĐ đạt 90.800 tỷ đồng, chiếm 98,27%, tăng 0,47%, ngoại tệ đạt 1.600 tỷ đồng, chiếm 1,73%, tăng 4,44% so với đầu tháng.
Tổng dư nợ cho vay cuối tháng 01 năm 2022 là 121.107 tỷ đồng, tăng 0,41% so tháng 12 năm 2021. Nợ xấu là 1.853 tỷ đồng, chiếm 1,53% tổng dư nợ cho vay. Đến cuối tháng 02 năm 2022, tổng dư nợ cho vay ước đạt 121.800 tỷ đồng, tăng 0,57% so đầu tháng. Nợ xấu là 1.800 tỷ đồng, chiếm 1,48% tổng dư nợ.
8. Các vấn đề xã hội
a) Giáo dục và Đào tạo
Thực hiện Công văn số 180/UBND-KGVX ngày 14 tháng 01 năm 2022 của UBND thành phố Cần Thơ về việc thời gian trẻ mầm non (MN), HS tiểu học, trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) và học viên (HV) giáo dục thường xuyên (GDTX) trở lại trường học; Sở GD&ĐT đã ban hành Phương án số 141/PA-SGDĐT ngày 15 tháng 01 năm 2022 tổ chức cho trẻ MN, HS phổ thông, HV GDTX đến trường và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Công văn số 266/SGDĐT-VP ngày 27 tháng 01 năm 2022 về việc kiểm tra công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và việc chuẩn bị đón trẻ MN, HS, HV trở lại trường học trực tiếp. Tính đến ngày 14/02/2022, tỷ lệ trẻ mầm non, HS, học viên trở lại trường học khá cao (trẻ MN 46%, HS tiểu học 94%, HS THCS 94,47%, HS THPT 97,32%, HV GDTX 91,93%).
Sau khi học sinh trở lại trường học tập, Sở GD&ĐT thành phố Cần Thơ chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến. Các trường đảm bảo 100% thời lượng được quy định trong chương trình môn học, chú ý các nội dung khó, phức tạp, nội dung cốt lõi, thực hành. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn gửi nội dung bài học đến từng học sinh qua Zalo, mail… đặc biệt lưu ý những học sinh F0, F1… đang theo dõi điều trị tại nhà.
Sở GD&ĐT đã tổ chức, phát động các cuộc thi, kỳ thi thu hút đông đảo học sinh tham gia và đạt một số thành tích tiêu biểu.
Tổ chức Lễ Tuyên dương, khen thưởng HS giỏi năm học 2020-2021 bằng hình thức trực tuyến (khen thưởng 40 GV tham gia bồi dưỡng đội tuyển HS giỏi THPT dự thi cấp quốc gia có thành tích cao; 30 HS đạt giải cấp quốc gia, quốc tế; 26 HS thủ khoa ngành/trường trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2021).
Sở GD&ĐT phối hợp với Công đoàn ngành GD&ĐT thành phố tổ chức xét và trao hỗ trợ cho 48 công chức, viên chức, người lao động và 61 học sinh (HS) có hoàn cảnh khó khăn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo từ nguồn Quỹ “Hỗ trợ giáo viên (GV), HS vùng khó khăn” của Ngành với tổng số tiền là 173.500.000 đồng.
b) Y tế và chăm sóc sức khỏe người dân
Từ ngày 15/01/2022 đến ngày 14/02/2022, ghi nhận 32 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 13 trường hợp so với tháng trước (19 trường hợp), không có tử vong. Lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 38 trường hợp mắc, không có tử vong, giảm 112 trường hợp so cùng kỳ (150 trường hợp); tay chân miệng ghi nhận 06 trường hợp mắc, tăng 04 trường hợp so với tháng trước (02 trường hợp), không có tử vong. Lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 06 trường hợp mắc, không có tử vong, giảm 197 trường hợp so cùng kỳ (203 trường hợp); tiêu chảy 184 trường hợp, tăng 26,9% so với tháng trước.
Công tác phòng, chống dịch COVID-19: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành Y tế đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong từng giai đoạn cụ thể để kiểm soát tình hình dịch bệnh. Từ ngày 15/01/2022 đến ngày 14/02/2022, ghi nhận 1.019 ca bệnh, trong đó có 898 ca tầm soát tại cơ sở y tế, 90 ca tại khu cách ly, 31 ca là trường hợp đang cách ly tại nhà.
Ngành Y tế tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, cụ thể: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, thực hiện tiêm trả mũi 2 cho các trường hợp đến hạn, triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn tiêm chủng. Tính đến ngày 14/02/2022, có 2.587.091 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm cho người dân trên địa bàn (đạt 98% số liều được nhận), tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm đạt 98,66% (trong đó 97,15% tiêm đủ 02 mũi); tỷ lệ trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm đạt 96,34% (trong đó 89,45% tiêm đủ 02 mũi); đã tiêm được 318.292 mũi bổ sung và 197.418 mũi nhắc lại. Triển khai khảo sát trực tuyến về việc vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi tại các trường mẫu giáo và tiểu học.
Công tác phòng, chống HIV/AIDS: Lũy tích số người nhiễm HIV phát hiện được là 6.917 trường hợp. Trong đó, tử vong 2.565 trường hợp, số nhiễm HIV còn sống 4.352 trường hợp. Điều trị ARV cho 4.433 trường hợp, điều trị Methadone cho 318 trường hợp.
Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm: Trong tháng không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố.
c) Văn hóa, thể dục, thể thao
- Văn hoá: Tuyên truyền cổ động trực quan chuỗi hoạt động “Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân Nhâm Dần 2022”. Thiết kế các maket; in ấn 200 thư mời và thực hiện 05 pano (3m x 6m), 10 băng rôn ngang, 200 băng rôn dọc kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2022).
Hệ thống thư viện công cộng toàn thành phố bổ sung 2.000 bản sách, nâng tổng cộng bổ sung 02 tháng đầu năm là 4.000 bản sách, đạt 14% kế hoạch năm; phục vụ 241.782 lượt người (trong đó có 143.292 lượt người truy cập website Thư viện), nâng tổng cộng phục vụ 02 tháng đầu năm là 375.492 lượt người, đạt 13% kế hoạch năm. Tổ chức Hội Báo xuân và cuộc thi Ấn phẩm Xuân Nhâm Dần 2022 thành phố Cần Thơ.
Phối hợp Thành Đoàn Cần Thơ tổ chức chương trình Ngày hội tuổi thơ vào ngày 28/01/2022, ghi hình tại Nhà biểu diễn Trung tâm Văn hóa thành phố và phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố. Phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố tổ chức Chương trình nghệ thuật đón giao thừa “Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân Nhâm Dần 2022” vào ngày 31/01/2022, với chủ đề “Cần Thơ - Niềm tin và khát vọng”, tại Nhà biểu diễn Trung tâm Văn hóa thành phố và truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố.
Nhà hát Tây Đô: Tổ chức 06 suất và phục vụ khoảng 2.400 lượt người xem.
- Thể dục, thể thao: Tổ chức lễ phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” kết hợp tổ chức tháng hoạt động thể dục, thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2022.
Tham dự các giải Bóng đá vô địch U19 quốc gia năm 2022, từ ngày 15/02 - 10/3/2022, tại tỉnh Bình Phước; vô địch Cờ vua quốc gia năm 2022, từ ngày 23/02 - 06/3/2022, tại tỉnh Bắc Giang.
d) Chính sách lao động - xã hội
- Lĩnh vực lao động: Thành phố Cần Thơ giải quyết việc làm cho 3.763 lao động (lao động đi làm việc ở nước ngoài là 01 người) tăng 93,67% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế từ đầu năm đã giải quyết việc làm cho 6.688 lao động (lao động đi làm việc ở nước ngoài là 14 người), đạt 13,27 % kế hoạch năm.
Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ tư vấn việc làm, chính sách việc làm và học nghề cho 15.118 lượt người, giới thiệu việc làm trong nước cho 1.755 lượt người, cung ứng lao động trong và ngoài nước 36 lượt người; thông qua nhiều hình thức. Đồng thời, Trung tâm có phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện tổ chức tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho 1.047 quân nhân xuất ngũ hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương năm 2022 tại 08 quận, huyện.
Thu thập thông tin 2.075 vị trí việc làm trống của doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thông qua khảo sát, cập nhật từ các kênh tuyển dụng của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó thu thập thông tin của 340 lượt lao động có nhu cầu tìm việc vào hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm thống kê thực trạng thị trường lao động.
Số lượng hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong kỳ báo cáo là 1.360 hồ sơ, tăng 5,84% so với tháng báo trước, tăng 112,17% so với tháng cùng kỳ năm 2021 (641 hồ sơ).
- Thực hiện chính sách Người có công: hiện có 5.690 Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng; trong đó có 29 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, tất cả các Mẹ đều đã được các đơn vị nhận phụng dưỡng.
Đến thăm và tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn thành phố Cần Thơ nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2022. Tổng hợp số lượng quà do Chủ tịch nước và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tặng cho Người có công với cách mạng và thân nhân nhân dịp tết Nguyên đán 2022.
- Công tác Bảo trợ xã hội: Chi trả trợ cấp xã hội cho 43.096 đối tượng bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng với tổng số kinh phí 21,568 tỷ đồng. Phối hợp cùng các quận, huyện chi trả trợ cấp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 cho các đối tượng thụ hưởng, bao gồm: 43.096 đối tượng bảo trợ xã hội sống tại cộng đồng; 317 đối tượng sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập; 1.349 đối tượng sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội công lập; 2.901 hộ nghèo; 207 người cao tuổi từ 100 tuổi trở lên, với tổng số kinh phí hơn 43,163 tỷ đồng.
Công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng trong dịp Tết Nguyên đán năm 2022
Thành phố Cần Thơ đã chi hỗ trợ từ nguồn kinh phí Trung ương và ngân sách thành phố cho 64.143 lượt người với số tiền 58 tỷ 481,5 triệu đồng, cụ thể:
- Trợ cấp Tết nguồn kinh phí Trung ương (quà tặng của Chủ tịch nước cho người có công với cách mạng)
Thực hiện Quyết định số 2408/QĐ-CTN ngày 27 tháng 12 năm 2021 của Chủ tịch nước về việc tặng quà cho một số đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, thành phố đã tặng quà cho 9.146 người có công với cách mạng (gồm 02 mức: 300.000 đồng/người và 600.000 đồng/người) với số tiền là 2 tỷ 805,8 triệu đồng.
Ngoài ra, Đoàn Lãnh đạo Trung ương trao tặng 90 phần quà, kinh phí 90 triệu đồng cho người có công với cách mạng tiêu biểu của 09 quận, huyện (mỗi quận, huyện 10 phần quà, mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng). Đoàn của Thủ tướng Chính phủ thăm và tặng quà Tết cho 650 người thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có người mất do COVID-19 với kinh phí 780 triệu đồng.
- Trợ cấp Tết nguồn kinh phí của thành phố
Thực hiện Thông báo số 01/TB-UBND ngày 13 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc trợ cấp khó khăn Tết Nhâm Dần 2022, thành phố đã trợ cấp 54.997 người với kinh phí 55 tỷ 675,7 triệu đồng.
Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ (tại Nghị quyết số 68/NQ-CP)
Tính đến ngày 18/02/2022, toàn thành phố đã phê duyệt hỗ trợ 3.728 người sử dụng lao động, 699.449 lượt người, kinh phí trên 1.323 tỷ đồng; đã chi hỗ trợ cho 3.728 người sử dụng lao động, 594.483 lượt người với tổng kinh phí trên 1.140 tỷ đồng, đạt 84,99% so với số lượng được duyệt, cụ thể:
* Nhóm chính sách Bảo hiểm xã hội (gồm các chính sách: 1, 2, 3 theo mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP)
Chính sách 1, 2 (Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất): đã hỗ trợ 3.700 người sử dụng lao động với 94.989 người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền trên 45 tỷ đồng và chính sách 3 (Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động): Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 2758/SLĐTBXH-LĐ ngày 11 tháng 8 năm 2021 tổ chức triển khai thực hiện việc hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
* Nhóm chính sách hỗ trợ tiền mặt (gồm các chính sách: 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12 theo mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP): đã phê duyệt hỗ trợ 562.987 lượt người, kinh phí trên 1.118 tỷ đồng; đến nay đã chi hỗ trợ cho 458.021 lượt người, kinh phí trên 935 tỷ đồng, đạt 82,53% so với số lượng được phê duyệt.
Chính sách 12 (Hỗ trợ lao động tự do theo Nghị quyết số 52/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố): thành phố đã phê duyệt hỗ trợ 423.709 người, kinh phí trên 847 tỷ đồng, đã chi hỗ trợ cho 393.753 người với tổng kinh phí trên 787 tỷ đồng, đạt 92,93% so với số lượng được duyệt.
* Nhóm chính sách vay vốn (chính sách 11 theo mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP): đã giải ngân cho 28 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho 41.473 lượt người lao động với số tiền cho vay là 159 tỷ 949 triệu đồng.
đ) Tình hình tai nạn giao thông
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ tình hình tai nạn giao thông (từ ngày 15/01/2022 đến 14/02/2022) trên địa bàn thành phố đã xảy ra 02 vụ tai nạn giao thông, làm chết 02 người, không có người bị thương. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ giảm 06 vụ, số người chết giảm 07 người, số người bị thương giảm 05 người.
Tình hình cháy nổ tháng 02/2022 (từ ngày 15/01/2022 - 14/02/2022) xảy ra 02 vụ cháy trên địa bàn quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ (01 vụ cháy nhà dân và 01 vụ cháy cơ sở thu mua phế liệu), so với tháng trước tương đương (2/2). Lũy kế 02 tháng số vụ cháy là 04 vụ./.
Website Cục Thống kê thành phố Cần Thơ