(MPI) - Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch có vai trò hết sức quan trọng, là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia nhằm đạt được mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Công tác quy hoạch được ví như là một người công binh mở đường, phải đi trước, mang tính dẫn dắt trong quá trình phát triển của đất nước.
Trên đây là nội dung phát biểu, trao đổi của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo thảo luận ở Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành diễn ra ngày 30/5/2022.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc thực hiện các chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành để giám sát tối cao trong năm 2022 là một quyết định đúng đắn, sát thực tiễn, kịp thời và cũng là sự đổi mới trong công tác giám sát tối cao của Quốc hội Khóa XXV, thể hiện sự chia sẻ và đồng hành của Quốc hội đối với Chính phủ trong việc kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đặc biệt là những vấn đề khó, vấn đề mới, phức tạp giúp công tác điều hành của Chính phủ một cách thuận lợi hơn. Còn đối với công tác quy hoạch là đẩy nhanh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 được Quốc hội thông qua là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương như báo cáo giám sát đã nêu để thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, với định hướng chỉ đạo là xây dựng Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước; tạo cơ chế thẩm định, độc lập, tập trung, do một đầu mối chịu trách nhiệm; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch; coi trọng công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác quy hoạch. Quy hoạch này phải thông qua ba kỳ họp, rất nhiều ý kiến khác nhau kể cả trước, trong và sau khi ban hành Luật Quy hoạch.
Theo đó, Luật Quy hoạch đã thiết lập Hệ thống quy hoạch quốc gia, bao gồm 111 quy hoạch từ cấp tỉnh trở lên, thay thế cho 3.654 quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh trước đây, tương ứng với việc cắt giảm 97% số quy hoạch cần lập từ cấp tỉnh trở lên. Trên toàn hệ thống (bao gồm cả các quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành), số lượng quy hoạch cần lập giảm 6.411 quy hoạch so với trước đó.
Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn coi việc đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch, bảo đảm chất lượng quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu, đã chỉ đạo quyết liệt thông qua các hội nghị trực tuyến toàn quốc, ban hành nhiều nghị định, nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo điều hành cụ thể và đạt được một số kết quả nhất định như trong Báo cáo giám sát đã nêu.
Đến nay, đã hoàn thành phê duyệt toàn bộ các nhiệm vụ lập quy hoạch, tạo tiền đề quan trọng để triển khai lập quy hoạch các cấp, đã cơ bản hoàn thành 45/111 quy hoạch và đang hoàn thiện để thẩm định, trong đó đã phê duyệt theo thẩm quyền được 07/111 quy hoạch. Tiếp đó, đã hình thành được Khung định hướng đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia và 05 quy hoạch vùng còn lại để làm cơ sở lập các quy hoạch khác. Tuy nhiên, đó mới là kết quả bước đầu.
Báo cáo giám sát và các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra, những tồn tại, vướng mắc trong triển khai Luật Quy hoạch là rất lớn do khối lượng công việc rất nhiều, vấn đề mới, khó, phức tạp từ hệ thống quy hoạch, khái niệm tích hợp quy hoạch, mối quan hệ giữa các quy hoạch, trình tự lập các quy hoạch, nội dung quy hoạch đến phương pháp tiếp cận và phối hợp trong công tác lập quy hoạch, cũng như những sự thay đổi sâu sắc về vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, sự phối hợp liên ngành, liên cấp cả chiều dọc và chiều ngang, vấn đề đấu thầu, lựa chọn tư vấn, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của lực lượng tư vấn và các cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch, kinh phí lập quy hoạch,…
Báo cáo của Đoàn giám sát được chuẩn bị và xây dựng hết sức công phu, toàn diện, khách quan và khoa học, sát với thực tiễn, phản ánh đúng tình hình thực tiễn. Từ đó đã chỉ ra được rất nhiều các kết quả đạt được cũng như những hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan và đặc biệt là có đề ra những giải pháp để khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, “ngoài nguyên nhân do quy định pháp luật về quy hoạch còn bất cập cả Luật Quy hoạch và các luật liên quan vướng mắc rất nhiều thì việc lập, phê duyệt các quy hoạch chậm còn do triển khai thực hiện giai đoạn đầu chưa quyết liệt, việc tổ chức thực hiện còn tồn tại, hạn chế”, Bộ trưởng nói.
Đặc biệt, Báo cáo kết quả giám sát đã kiến nghị Quốc hội ban hành một Nghị quyết giám sát để xử lý các tồn tại, hạn chế theo hai bước cả hững vấn đề trước mắt cần tháo gỡ ngay và những vấn đề lâu dài, căn cơ trong trung và dài hạn. Bộ trưởng cũng bày tỏ cơ bản thống nhất với các nội dung của Báo cáo giám sát của Quốc hội và Dự thảo Nghị quyết giám sát của Quốc hội. Đồng thời, khẳng định tiếp thu các ý kiến sâu sắc và xác đáng của các đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch và nâng cao chất lượng quy hoạch trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch trên và thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và phù hợp tình hình thực tiễn; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch.
Chất lượng quy hoạch cần phải được ưu tiên hàng đầu, có tính dẫn dắt trong việc cụ hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy được tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia và khắc phục được hạn chế, khó khăn, mâu thuẫn, chồng chéo, yếu kém, thách thức của các ngành, lĩnh vực, vùng, lãnh thổ và các địa phương; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững của đất nước; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Ưu tiên phấn đấu hoàn thành quy hoạch cấp quốc gia và một số quy hoạch quan trọng, cấp bách trong năm 2022; các quy hoạch khác sẽ được tổ chức triển khai và hoàn thành dứt điểm trong năm 2023
Trên cơ sở Nghị quyết giám sát của Quốc hội về các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tập trung giải quyết về cơ bản tồn tại, vướng mắc lâu nay nhằm đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, trong đó chú trọng đến vấn đề nâng cao năng lực của đơn vị tư vấn và cán bộ quản lý nhà nước về quy hoạch; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, trao đổi học tập, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để đổi mới, hoàn thiện về phương pháp và nội dung quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư