Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/06/2022-18:23:00 PM
Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022

I. Các yếu tố tác động đến tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm đã cho thấy những kết quả rất tích cực, nhất là về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Kết quả về Chỉ số phục hồi COVID-19 mà Nikkei Asian Review công bố gần đây cũng trùng khớp với nhiều nhận định được các trang báo quốc tế uy tín phân tích, một lần nữa khẳng định nền kinh tế được giữ vững và duy trì đà tăng trưởng là kết quả của một quá trình kiểm soát tốt đại dịch của Việt Nam. Việt Nam đã tăng 30 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi COVID-19, vươn lên ngang với Nhật Bản, Singapore, Canada và Italy[1], cho thấy những nỗ lực, hướng đi đúng trong chính sách chống dịch đã tạo đà cho phục hồi kinh tế - xã hội, mang lại nhiều kết quả rõ nét. Sự phục hồi nhanh sau COVID-19 đã giúp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng với việc nối lại chuỗi cung ứng trong sản xuất thì việc hàn gắn những đứt gãy trong di chuyển, mở cửa du lịch cũng là yếu tố then chốt để đẩy nhanh tốc độ phục hồi của Việt Nam sau dịch bệnh. Doanh thu du lịch trong đợt nghỉ lễ 30/4 -1/5 đạt khoảng 22.000 tỷ đồng[2]. Đồng thời, SEA Games 31 được tổ chức thành công tại Việt Nam lần này sẽ là một cú hích cho sự phục hồi, phát triển của du lịch, kinh tế Việt Nam, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam sẽ được truyền tải đến bạn bè, khách du lịch trong khu vực và trên thế giới.

Theo đánh giá sơ bộ của Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) sau chuyến tham vấn thường niên của các chuyên gia hàng đầu của tổ chức này đến Việt Nam mới đây, nền kinh tế Việt Nam đã khởi sắc mạnh mẽ vào đầu năm 2022 nhờ chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 tích cực, nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ đối với sản phẩm sản xuất của Việt Nam, động lực từ nhu cầu nội địa và các dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bền bỉ[3].

Đây là những yếu tố đã tác động tích cực đến tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022.

II. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 5 tháng đầu năm 2022

Tình hình đăng ký doanh nghiệp 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khả quan với sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

1.1. Doanh nghiệp thành lập mới

Số doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2022 là 62.961 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 5 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2021. Số vốn đăng ký mới trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 761.035 tỷ đồng, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2022 là 2.445.382 tỷ đồng (tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 761.035 tỷ đồng (giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2021). Số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 1.684.347 tỷ đồng (tăng 72,7% so với cùng kỳ năm 2021) với 22.108 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 5 tháng đầu năm 2022 (tăng 16,0% so với cùng kỳ năm 2021). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 12,1 tỷ đồng, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2022 là 437.689 lao động, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2021.

- Phân theo lĩnh vực hoạt động:

Có 15/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021, đáng chú ý: Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 31,1%); Kinh doanh bất động sản (tăng 29,0%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 22,4%); Vận tải kho bãi (tăng 22,3%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (tăng 19,5%).

Các ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chiếm tỷ lệ lớn nhất, gồm: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 22.146 doanh nghiệp (chiếm 35,2%); Công nghiệp chế biến, chế tạo có 8.190 doanh nghiệp (chiếm 13,0%); Xây dựng có 7.156 doanh nghiệp (chiếm 11,4%).

- Phân theo địa bàn hoạt động:

Trong 5 tháng đầu năm 2022, cả 06/06 khu vực trên cả nước có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2021: Đồng bằng Sông Cửu Long (5.220 doanh nghiệp, tăng 20,8%); Tây Nguyên (2.026 doanh nghiệp, tăng 19,6%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (8.884 doanh nghiệp, tăng 16,7%); Trung du và miền núi phía Bắc (2.982 doanh nghiệp, tăng 13,8%); Đông Nam Bộ (25.099 doanh nghiệp, tăng 11,4%) và Đồng bằng Sông Hồng (18.750 doanh nghiệp, tăng 10,3%).

- Phân theo quy mô vốn:

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng ở 04/05 quy mô vốn so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô vốn từ 50 - 100 tỷ đồng là 960 doanh nghiệp (chiếm 1,5%, tăng 19,7%); từ 20 - 50 tỷ đồng là 1.997 doanh nghiệp (chiếm 3,2%, tăng 17,5%); từ 0 - 10 tỷ đồng là 56.243 doanh nghiệp (chiếm 89,3%, tăng 13,7%) và quy mô vốn trên 100 tỷ đồng là 825 (chiếm 1,3%, tăng 3,5%). Doanh nghiệp thành lập ở quy mô vốn từ 10 - 20 tỷ đồng là 2.936 (chiếm 4,7%, giảm 2,7%).

1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2022 là 35.615 doanh nghiệp, tăng 57,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường cao nhất trong 5 tháng đầu năm từ trước đến nay, cao gần gấp 2 lần số bình quân 5 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2021 (18.128 doanh nghiệp).

Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất trong 5 tháng đầu năm 2022 là: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (13.535 doanh nghiệp, chiếm 38,0%); Xây dựng (4.370 doanh nghiệp, chiếm 12,3%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (3.943 doanh nghiệp, chiếm 11,1%).

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 17/17 lĩnh vực, mức tăng cao nhất ghi nhận ở một số lĩnh vực sau: Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (592 doanh nghiệp, tăng 234,5%); Hoạt động dịch vụ khác (1.008 doanh nghiệp, tăng 203,6%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (13.535 doanh nghiệp, tăng 71,0%); Giáo dục và đào tạo (839 doanh nghiệp, tăng 69,8%); Kinh doanh bất động sản (1.219 doanh nghiệp, tăng 69,8%) và Dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.058 doanh nghiệp, tăng 68,1%).

2. Tình hình doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và giải thể

Trong 5 tháng đầu năm 2022 có 71.805 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và giải thể, tăng 20,0% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có đến 63,9% là doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và giải thể ghi nhận sự sụt giảm đáng kể.

Mặc dù số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có sự gia tăng, tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp này có quy mô nhỏ, thời gian hoạt động ngắn (khoảng 90%) và chủ yếu lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn.

2.1. Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh

Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 5 tháng đầu năm 2022 là 45.883 doanh nghiệp, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (16.438 doanh nghiệp, chiếm 35,8%); Xây dựng (6.463 doanh nghiệp, chiếm 14,1%) và Công nghiệp chế biến, chế tạo (5.347 doanh nghiệp, chiếm 11,7%). Đây cũng là những ngành nghề có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất.

Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 41.454 doanh nghiệp (chiếm 90,3%, tăng 43,3% so với cùng kỳ năm 2021). Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 2.404 doanh nghiệp (chiếm 5,2%, tăng 51,6% so với cùng kỳ năm 2021); từ 20 - 50 tỷ đồng có 1.305 doanh nghiệp (chiếm 2,8%, tăng 54,1% so với cùng kỳ năm 2021); từ 50 - 100 tỷ đồng có 435 doanh nghiệp (chiếm 0,9%, tăng 58,2% so với cùng kỳ năm 2021) và quy mô trên 100 tỷ đồng có 285 doanh nghiệp (chiếm 0,6%, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2021).

Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 5 tháng đầu năm 2022 có thời gian hoạt động ngắn, chủ yếu là các doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 0-5 năm với 23.129 doanh nghiệp (chiếm 50,4%); 12.640 doanh nghiệp hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 27,5%) và 10.114 doanh nghiệp hoạt động trên 10 năm (chiếm 22,0%).

2.2. Doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể

Trong 5 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 19.021 doanh nghiệp, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2021.

So với cùng kỳ năm 2021, số lượng các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng ở 7/17 lĩnh vực. Các ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (6.955 doanh nghiệp, chiếm 36,6%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (2.287 doanh nghiệp, chiếm 12,0%); Xây dựng (2.221 doanh nghiệp, chiếm 11,7%).

Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng ở 4/5 quy mô vốn và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 16.844 doanh nghiệp (chiếm 88,6%, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2021). Ở quy mô vốn từ 10 - 20 tỷ đồng có 1.069 doanh nghiệp (chiếm 5,6%, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021); từ 20 - 50 tỷ đồng có 593 doanh nghiệp (chiếm 3,1%, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021); từ 50 - 100 tỷ đồng có 257 doanh nghiệp (chiếm 1,4%, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2021) và trên 100 tỷ đồng có 258 doanh nghiệp (chiếm 1,4%, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm 2021).

2.3. Doanh nghiệp đã giải thể

Số doanh nghiệp đã giải thể trong 5 tháng đầu năm 2022 là 6.901 doanh nghiệp, giảm 14,0% so với cùng kỳ năm 2021.

3/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp đã giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2021 là: Kinh doanh bất động sản; Sản xuất phân phối, điện, nước, gas và Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản với tỷ lệ tăng lần lượt là 3,2%; 3,0% và 2,5%.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp đã giải thể có thời gian hoạt động từ 0-5 năm là 5.026 doanh nghiệp (chiếm 72,8%); 1.217 doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 17,6%) và 658 doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 10 năm (chiếm 9,5%).

Phân theo quy mô vốn, số lượng doanh nghiệp đã giải thể tăng ở 2/5 quy mô vốn, trong đó tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 6.019 doanh nghiệp (chiếm 87,2%, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2021). Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 418 doanh nghiệp (chiếm 6,1%, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2021); từ 20 - 50 tỷ đồng có 248 doanh nghiệp (chiếm 3,6%, không thay đổi so với cùng kỳ năm 2021); từ 50 - 100 tỷ đồng có 109 doanh nghiệp (chiếm 1,6%, tăng 16,0% so với cùng kỳ năm 2021) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng có 107 doanh nghiệp (chiếm 1,6%, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2021).

III. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 5/2022

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

Trong tháng 5/2022, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 18.577 doanh nghiệp, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,8 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5/2022 là 13.370 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 125.753 tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và giảm 16,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù số doanh nghiệp đăng ký thành lập trong tháng 5/2022 không bằng con số trong tháng 4/2022[4], tuy nhiên, vẫn tiếp tục giữ được đà tăng so với cùng kỳ năm trước và là con số cao nhất trong tháng 5 từ trước đến nay (cao hơn mức trung bình 11.001 trong tháng 5 của giai đoạn 2017-2021).

Trong tháng 5/2022, 06 khu vực trên cả nước có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2021, gồm: Tây Nguyên (456 doanh nghiệp, tăng 37,3%); Trung du và miền núi phía Bắc (633 doanh nghiệp, tăng 29,4%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (1.906 doanh nghiệp, tăng 26,3%); Đồng bằng Sông Hồng (4.268 doanh nghiệp, tăng 22,4%); Đồng bằng Sông Cửu Long (987 doanh nghiệp, tăng 17,6%) và Đông Nam Bộ (5.120 doanh nghiệp, tăng 3,5%).

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 5/2022 là 89.466 người, tăng 24,0% so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 5 năm 2022 ghi nhận có 5.207 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2021.

2. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong tháng 5/2022, cả nước có 10.489 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có: 4.964 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 46,0% so với cùng kỳ năm 2021; 4.186 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2021; 1.339 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021.

[1]https://vtv.vn/kinh-te/quoc-te-danh-gia-cao-su-phuc-hoi-kinh-te-manh-me-cua-viet-nam-20220509183935934.htm

[2]https://baochinhphu.vn/dot-nghi-le-30-4-1-5-doanh-thu-du-lich-dat-khoang-22000-ty-dong-102220505135559923.htm

[3]https://www.vietnamplus.vn/amro-danh-gia-kinh-te-viet-nam-phuc-hoi-manh-me-trong-nam-2022/791831.vnp

[4]Do tháng 4 thường là thời điểm có số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường cao nhất trong năm và tháng 4/2022 cũng là tháng có số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục từ trước đến nay).


Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 947
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)