(MPI) - Ngày 01/8/2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp về Báo cáo quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự cuộc họp có các chuyên gia và trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI |
Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp cao nhất trong hệ thống quy hoạch của Việt Nam. Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 nhằm bố trí không gian phát triển quốc gia một cách hợp lý dựa trên tiềm năng thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Phát biểu gợi mở một số nội dung tập trung thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là nội dung quan trọng, khối lượng công việc lớn, khó. Đồng thời nhấn mạnh, vấn đề quan trọng ở đây là tập trung vào không gian, phạm vi nghiên cứu; quan điểm, định hướng chung của từng ngành, từng vùng tương đối rõ nhưng làm thế nào để khai thác hết các cơ hội, lợi thế và phải gắn kết được với nhau trong phát triển chung của cả nước.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến các vùng động lực; các hành lang kinh tế; phân vùng; các vùng đô thị lớn tạo động lực phát triển, có giải pháp, khơi thông, tạo động lực, đóng góp tăng trưởng chung của cả nước; phương án tăng trưởng; Số lượng, phạm vi, định hướng các vùng động lực quốc gia, các hành lang kinh tế; tiêu chí lựa chọn và phương án xây dựng danh mục các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, phải có tính lan tỏa, tác động lớn đến ngành, vùng, đất nước;…
Tại cuộc họp, ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày dự thảo báo cáo quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cho biết, Dự thảo đã được hoàn thiện và đang được gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và xin ý kiến rộng rãi.
Dự thảo báo cáo quy hoạch tổng thể quốc gia có kết cấu gồm: các yếu tố, điều kiện phát triển và hiện trạng phát triển quốc gia; Quan điểm, mục tiêu, kịch bản phát triển và những vấn đề trọng tâm trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực (bao gồm định hướng phát triển các ngành sản xuất, kinh doanh; các ngành hạ tầng kỹ thuật, xã hội cấp quốc gia; sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu); Định hướng tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ (bao gồm định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, không gian biển, vùng trời, sử dụng đất, phân vùng và liên kết vùng, hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia); Các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch và các dự án quan trọng quốc gia; Các phụ lục về kinh nghiệm quốc tế; Kịch bản phát triển.
Tham gia thảo luận, các chuyên gia và lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra các ý kiến góp ý thẳng thắn, trách nhiệm với tinh thần xây dựng bản dự thảo đạt chất lượng cao nhất, trở thành công cụ quản lý nhà nước trong việc phân bổ, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực của quốc gia để phát triển đất nước nhanh và bền vững; phân tích, đánh giá về các quan điểm, mục tiêu phát triển, nhiệm vụ và giải pháp để đẩy nhanh việc thực hiện các khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 hướng tới phát triển bền vững trên các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; về không gian phát triển quốc gia trên cơ sở kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng, gắn với khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, phát triển các ngành, các vùng.
Các ý kiến cũng tập trung phân tích các yếu tố, điều kiện phát triển, hiện trạng phát triển quốc gia; xu thế phát triển; các vùng trọng điểm đầu tư, vùng khuyến khích phát triển và vùng hạn chế phát triển; định hướng phân bố không gian phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển trong thời kỳ quy hoạch…
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các ý kiến phát biểu và nhấn mạnh, đây là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở nước ta theo quy định của Luật Quy hoạch, là nhiệm vụ rất mới, chưa có tiền lệ. Đồng thời đề nghị đề nghị các đơn vị liên quan phải tiếp tục suy nghĩ, nghiên cứu với tinh thần trách nhiệm cao nhất, vì lợi ích chung, mang lại giá trị tốt nhất cho đất nước; Tranh thủ hết các tiềm năng, lợi thế, vượt qua các thách thức để kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Về cách tiếp cận, Bộ trưởng nhấn mạnh, các nội dung của quy hoạch nhằm cụ thể hóa về mặt không gian phát triển, hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; bối cảnh hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Về phạm vi, tập trung vào các vùng kinh tế, các mối quan hệ trong nội vùng, liên vùng để tạo nên các động lực mới. Về định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành, lĩnh vực, tập trung vào các ngành kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, du lịch; Các ngành kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; lựa chọn ưu tiên không gian phát triển mang tính tổng thể trong từng giai đoạn, phù hợp với nguồn lực huy động, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ định hướng phân vùng và liên kết vùng trên lãnh thổ quốc gia (bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời) một cách khoa học để tạo không gian phát triển đồng bộ; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, gắn với sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, đồng thời chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế hiệu quả.
Bộ trưởng đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Dự thảo để trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định, trong đó phải thể hiện rõ định hướng, quan điểm, mục tiêu, tư duy, tầm nhìn mới, mang tính định hướng cao, xác định việc phân bố và tổ chức không gian; bám sát Nghị quyết Đại hội của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước; cập nhật tình hình bối cảnh quốc tế, trong nước; khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; thể hiện rõ vai trò, ý nghĩa của bản quy hoạch này đối với quá trình phát triển đất nước./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư