Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/08/2022-10:23:00 AM
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2022
(MPI) - Ngày 03/8/2022, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2022. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Thứ trưởng Trần Quốc Phương tham dự phiên họp.

Phiên họp được trực tuyến đến điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư với sự tham dự của Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Trần Duy Đông và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: chinhphu.vn

4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến bối cảnh trong nước, quốc tế; Chuỗi cung ứng, lao động, sản xuất, giá cả nguyên vật liệu, đầu vào và giá nông sản quan trọng, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu; chính sách tiền tệ, tài khóa…

Trong bối cảnh đó, trên đà phục hồi và tăng trưởng của 6 tháng đầu năm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả theo các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, với sự đồng hành và giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn, đặc biệt những biến động trong và ngoài nước, đề ra và quyết liệt thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng cùng với tăng cường xử lý những vấn đề tồn đọng, kéo dài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được; nhận định khách quan về kết quả, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, phân tích kỹ lưỡng, đầy đủ, sát thực để làm rõ những khó khăn, thách thức; bài học kinh nghiệm; đánh giá, dự báo, phân tích tình hình thời gian tới. Từ đó rút ra kinh nghiệm trong điều hành; những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, bất cập và dự báo tình hình, tinh thần là xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào một số nội dung, gồm “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không”. Theo đó, “4 ổn định” gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường và giá cả; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Ba nội dung “tăng cường” gồm: Tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đặc biệt là tăng cường tiêm vắc-xin; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính.

Hai nội dung “đẩy mạnh” gồm: Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho nhân dân; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công, đẩy mạnh công tác quy hoạch.

“Một tiết giảm” là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết.

“Một kiên quyết không” là kiên quyết không điều hành giật cục, mà khoa học, hiệu quả, chắc chắn.

Xu hướng phục hồi kinh tế - xã hội ngày càng được củng cố và phát triển tích cực

Trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong tháng 7, bối cảnh thế giới tiếp tục có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu. Ở trong nước, mặc dù chịu nhiều sức ép lớn và khó khăn bủa vây của bối cảnh thế giới, nhưng các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng phục hồi tốt; nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai quyết liệt. Nhờ đó, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững; lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu đề ra; áp lực chi phí đầu vào được giảm đáng kể; hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và cải thiện đời sống người dân, nhất là người thu nhập thấp.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực; Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; Cân đối NSNN được bảo đảm ở mức khá; Hoạt động sản xuất, kinh doanh và thị trường trong nước tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và có bước phát triển; Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định; Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực; Thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ; Tình hình đăng ký doanh nghiệp rất khả quan, đây được coi là động lực phục hồi tăng trưởng quan trọng cho cả năm 2022 và các năm tiếp theo; Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, trú trọng; Quốc phòng an ninh được bảo đảm.

Tuy nhiên, rủi ro, thách thức phục hồi kinh tế còn rất lớn, nhất là những vấn đề khó dự báo do phụ thuộc điều hành chính sách của các quốc gia lớn trên thế giới như giá cả, nguồn cung xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao..., cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng trong nước, yếu tố tâm lý, thời điểm gia tăng nhu cầu vào cuối năm tạo áp lực lạm phát, gia tăng chi phí sản xuất. Nếu không có giải pháp điều hành, hỗ trợ kịp thời, có thể ảnh hướng lớn đến sản xuất trong nước, nhất là sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực; từ đó tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống người dân.

Về tình hình triền khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thứ trưởng cho biết, sau gần 06 tháng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động, quyết liệt xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, cho thấy nỗ lực, quyết tâm lớn để sớm đưa các chính sách vào thực tiễn.

Đến nay đã hoàn thành một khối lượng rất lớn các công việc, như ban hành 14/17 văn bản để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết, cơ bản tạo khuôn khổ pháp lý và hướng dẫn để triển khai các hoạt động thuộc Chương trình; nhiều nội dung lần đầu tiên được triển khai nhưng đã được nhanh chóng xây dựng, đánh giá tác động và ban hành theo đúng quy định. Việc giải ngân các chính sách thuộc Chương trình cũng đạt kết quả tốt. Tình hình giải ngân một số chính sách đã cải thiện rõ rệt sau khi được kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Tuy nhiên, việc triển khai một số chính sách như hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, hỗ trợ lãi suất cho vay (2%/năm) còn chưa đạt tiến độ đề ra, chưa đáp ứng kỳ vọng của cử tri, người dân và doanh nghiệp, phần nào tác động hiệu quả của Chương trình.

Hình ảnh tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Minh Hậu (MPI)

Quyết liệt triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn, thách thức rất lớn, để bảo vệ, củng cố, duy trì và phát huy các thành quả đạt được trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của 7 tháng đầu năm 2022, các bộ, cơ quan, địa phương cần đặc biệt quan tâm, không lơ là, chủ quan, không nóng vội nhưng cần phải bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt, quyết liệt, nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023); điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác, chủ động phương án ứng phó với các tình huống phát sinh; trọng tâm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, đồng thời chống suy giảm đà phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nghiên cứu giải pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao.

Các bộ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực nắm chắc tình hình sản xuất, cân đối cung-cầu; đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn để có giải pháp về nguồn hàng, điều tiết sản xuất, bảo đảm cung ứng cho sản xuất, đời sống.

Triển khai nhanh, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài khóa, tiền tệ từ Chương trình; sớm giao kế hoạch vốn Chương trình và năm 2022 cho từng nhiệm vụ, dự án, bảo đảm tiến độ thực hiện, giải ngân; phát huy hiệu quả hoạt động Ban Chỉ đạo.

Đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tiếp tục nghiên cứu, nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, bảo vệ môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực, thế giới, cũng như điều kiện, khả năng tuân thủ của các doanh nghiệp trong nước; hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý các vấn để tồn đọng, dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế.

Triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; phát huy vai trò của các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao ý thức, năng lực cán bộ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công. Tăng cường quản lý đất đai, chú trọng giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong xác định nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất, giá đất... để hỗ trợ tối đa đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.

Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, độc lập chủ quyền, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao song phương, đa phương, khẳng định vị thế, vai trò của nước ta trên trường quốc tế./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 925
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)