(MPI) - Ngày 21/11/2022, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã chủ trì Họp báo về Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 24-NQ/TW) và xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề “Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới”.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin về Hội nghị. Ảnh: MPI |
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, với chủ đề “Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới”, Hội nghị sẽ được tổ chức tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước; dự kiến, 500 đại biểu sẽ tham dự Hội nghị.
Đây là hội nghị “ba trong một”, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, mà còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ.
Bên cạnh đó, Triển lãm Ảnh nghệ thuật “Đông Nam Bộ Đột phá mới - Tầm cao mới” và gian hàng trưng bày các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương trong Vùng cũng sẽ được tổ chức trong hai ngày 25-26/11/2022, nhằm giới thiệu vẻ đẹp hiện đại, năng động, sáng tạo của vùng đất và con người vùng Đông Nam Bộ, khắc họa những thế mạnh về dịch vụ, công nghiệp, du lịch của tỉnh, thành phố trong Vùng, những nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa, tinh thần, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc của đồng bào Vùng Đông Nam Bộ.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ, mở ra “cơ hội mới” cho vùng đất năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển của cả nước.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong Vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Vùng và đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta, phát huy những tiềm năng, lợi thế của Vùng cho phát triển nhanh và bền vững.
Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm toàn vùng (GRDP) theo giá hiện hành gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010. Đông Nam Bộ trở thành vùng có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước, là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI.
Tuy nhiên, vùng Đông Nam Bộ còn nhiều khó khăn, thách thức lớn. Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng.
Những hạn chế, bất cập này nếu được khắc phục kết hợp với những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực còn chưa được khai thác hiệu quả, bên cạnh các cơ hội mới sẽ là “dư địa”, cơ hội để Đông Nam Bộ phát triển mạnh trong thời gian tới.
|
Toàn cảnh Họp báo. Ảnh: MPI |
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ theo nguyên tắc bám sát quan điểm, mục tiêu, đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 24-NQ/TW, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp cụ thể gắn với kế hoạch tổ chức theo lộ trình phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết.
Bên cạnh đó, Chương trình hành động cũng nhằm thể hiện được định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đông Nam Bộ; đảm bảo xây dựng và phát triển vùng Đông Nam Bộ hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Chương trình hành động cũng đã đề ra 35 nhiệm vụ cụ thể và 29 dự án kết cấu hạ tầng và phân công cho các Bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.
Dự kiến, tại Hội nghị sẽ diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các đối tác phát triển, cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cụ thể, 12 dự án với tổng giá trị 4,2 tỷ USD sẽ được ký kết, trong đó với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 05 dự án, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) 01 dự án, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) 03 dự án, và Ngân hàng Thế giới (WB) 03 dự án.
08 dự án sẽ được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Bà Rịa - Vũng Tàu: 03 dự án, Bình Phước: 02 dự án, Bình Dương; 02 và Tây Ninh: 01 dự án) cùng với 11 biên bản ghi nhớ cũng sẽ được ký kết tại Hội nghị.
Trả lời câu hỏi của nhà báo về một số dự án kết cấu hạ tầng được đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, các dự án sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông như: dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, dự án kết nối tuyến đường Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án giao thông kết nối cụm Cái Mép - Thị Vải và các tuyến đường nối liên vùng; phát triển về hạ tầng năng lượng, hạ tầng về cấp thoát nước nhằm đảm bảo đủ các yếu tố, điều kiện phát triển khi đô thị trở thành động lực tăng trưởng mới của vùng Đông Nam Bộ./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư