(MPI) - Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam: Tiếp tục phục hồi kinh tế - Các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng diễn ra ngày 22/11/2022 nhằm tập hợp tri thức của các nhà quản lý, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và những cá nhân, tổ chức quan tâm thảo luận chuyên sâu về chính sách phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch và chiến lược phát triển quốc gia, xây dựng sự đồng thuận quốc gia trong quá trình phát triển không để ai bị bỏ lại phía sau.
Diễn đàn do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) phối hợp tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý đến từ nhiều cơ quan Chính phủ, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước và các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học.
|
Hình ảnh tại Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Diễn đàn được nghe các bài trình bày nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề phát triển then chốt, cùng với sự tham gia của nhiều tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước với các quan điểm phong phú, đa dạng được kỳ vọng sẽ tạo ra các cuộc thảo luận chính sách sôi nổi và có chiều sâu về các vấn đề kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng các mục tiêu phát triển quốc gia.
Phát biểu tại Diễn đàn ông Đặng Xuân Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mục tiêu của Diễn đàn nhằm phân tích và đánh giá những vấn nổi bật ảnh hưởng tới tăng trưởng và phát triển của kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Thông qua Diễn đàn, Bộ Kế hoạch Đầu tư và UNDP có thêm nhiều thông tin hữu ích, những đề xuất giải pháp chính sách là cơ sở để bổ sung hoàn thiện hệ thống các giải pháp chính sách phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Bà Ramla Khalidi, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đưa ra những nhận định về rủi ro đối với việc tiếp tục phục hồi kinh tế chủ yếu đến từ bên ngoài như xung đột ở Ukraine, suy thoái kinh tế, lãi suất quốc tế tăng, nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng ở châu Âu có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và làm tăng rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô. Do vậy, cần có chính chính sách tài khóa và tiền tệ kịp thời với tình hình thay đổi trên toàn cầu.
Bà Ramla Khalidi cho rằng, những rủi ro đến từ trong nước; những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, như nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, bão... sẽ ngày càng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sức khỏe và sự thịnh vượng của các cộng đồng.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào những cơ hội của kinh tế Việt Nam từ nay tới cuối năm 2022 và đặc biệt là năm 2023; những rủi ro từ bên trong nội tại nền kinh tế và những biến động địa kinh tế - chính trị khu vực và thế giới tác động tới nền kinh tế Việt Nam; những động lực phục hồi và phát triển nhanh trong thời gian tới; các vấn đề về thị trường vốn, thị trường lao động, tăng trưởng năng suất và đầu tư vào năng lượng sạch. Qua đó, nhằm đưa ra các giải pháp tiếp tục phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và xác định các nhân tố thúc đẩy phục hồi tăng trưởng trong ngắn hạn và trung hạn, cũng như đạt được tăng trưởng cao trong dài hạn.
Diễn đàn được nghe các bài trình bày, gồm: Triển vọng kinh tế toàn cầu của Đại diện thường trú IMF tại Việt Nam và Lào; Cơ hội, rủi ro và triển vọng của kinh tế Việt Nam của Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Vấn đề xuất khẩu của Việt Nam của Chuyên gia kinh tế UNDP tại Việt Nam và Đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp, rủi ro và hàm ý tăng trưởng trong ngắn hạn và trung hạn của Lãnh đạo FiinGroup.
Trình bày Báo cáo "Cập nhật Triển vọng Kinh tế Việt Nam", ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đang phục hồi mạnh dù kinh tế toàn cầu đang trở nên cực kì bất ổn và thách thức. Sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2023 sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong 02 năm 2022-2023. Dự báo Việt Nam vẫn sẽ cố gắng duy trì mục tiêu ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng.
Sự phục hồi của thị trường lao động cùng với các chính sách hỗ trợ an sinh, hỗ trợ người lao động đang được triển khai là điều kiện quan trọng cho phục hồi sản xuất, đặc biệt là tại các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn nhất cả nước - nơi vốn bị tổn hại nặng nề và thiếu hụt lao động nghiêm trọng sau làn sóng dịch thứ 4 trong 2021. Các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới sẽ tiếp tục thúc đẩy cơ hội gia tăng xuất khẩu...
Diễn đàn đã diễn ra phần thảo luận thẳng thắn về các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng của các chuyên gia đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, viện nghiên cứu; Chuyên gia quỹ tài chính, ngân hàng; Lãnh đạo Hiệp hộiThương mạiHoa Kỳ tại Việt Nam, đại diện Ban điều hành Nhóm công tác Điện và Năng lượng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam; ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp về các vấn đề xoay quanh các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư